Về "Quyền được thất vọng"



   Chuyện là hai hôm trước, U23 Việt Nam để thua Myanmar trong trận bán kết Seagames, giấc mộng vô địch ao làng ĐNA cũng vì thế vỡ tan tành. Hôm đó cầu thủ ôm khán giả khóc như trẻ mẫu giáo, còn ở nhà, hơn vài chục triệu người hâm mộ cũng vì thế ăn cơm tối mất ngon. Người người nhà nhà lên mạng xã hội bày tỏ sự hậm hực, thất vọng của bản thân dành cho đội tuyển cũng như ông Miura, chỉ trích, dằn mặt có, xót xa, động viên có.
   Hôm nay Việt Nam đoạt huy chương đồng sau chiến thắng 5 sao trước Indo – đội mà yếu không thể tin được nhưng vẫn lọt vô vòng bán kết. Những cổ động viên “chân chính” bây giờ mới bắt đầu vùng lên, lên tiếng bật lại những lời chê bai hôm trước và thề sẽ đi với đội tuyển từ đây đến khi xuống mồ.
Chuyện sẽ chẳng có gì nếu mình không vô tình đọc được một comment trên vnexpress, một bạn đã viết một comment rất dài để phản bác ý kiến của một bạn khác là “người hâm mộ có quyền được thất vọng, có quyền được chỉ trích”. Theo bạn ấy, nếu đội tuyển chúng ta cứ đá hết mình thì kết quả thế nào cũng được, rồi bóng đá nước nhà không được đầu tư nhiều như các nước bạn nên thực lực ta không so sánh được với họ luôn, thế nên nếu có thua thì có thể thông cảm được. Và trên hết, thay vì chỉ trích đội tuyển, một cổ động viên chân chính phải luôn ở bên cạnh, động viên, blah blah blah cho dù thua hay thắng.
   Là một người-hâm-mộ-không-có-tấm-lòng-Bồ-Tát, mình nghĩ mình có quyền được thất vọng, có quyền được chỉ trích. Điều căn bản nhất, có yêu quý mới có thất vọng và đau khổ. Nếu không yêu quý, động lực đâu mà theo dõi từng bước chạy của mấy em, rồi vật vã khó thở khi mà mấy em đá hoài không vô, để rồi tức giận, khó chịu khi đội nhà (một lần nữa) phá tan chút kỳ vọng nhỏ nhoi vừa mới xây dựng được cách đây mấy tháng? Mình nghĩ khi nhận được nhiều ý kiến tiêu cực, U23 Việt Nam nên cảm thấy mặt tích cực là vẫn còn rất rất nhiều người vẫn đặt niềm tin nơi họ, vẫn quan tâm họ thua, vẫn cảm thấy đau trước thất bại của họ. Sau bao nhiêu năm trắng tay, tiêu cực, bạo lực, bán độ, vẫn có người ở bên đội tuyển, chửi đổng trước sai lầm của họ. Đó đã là một thành tựu.
   Từ lúc mình chào đời, có nhận thức đến bây giờ, theo mình biết là đội tuyển Việt Nam (đủ mọi cấp) chỉ vô địch được mỗi năm 2008, lúc đó cha con mình ôm nhau mừng hú hét rồi mua bia về nhậu. Hôm trước Việt Nam thua ba mình cũng chê đội nhà dứt điểm dở ẹc, vậy có lẽ ba mình cũng không phải cổ động viên chân chính?
   Lúc xem đội tuyển bắt bạt Indo, ông bình luận viên cứ luôn miệng khẳng định chiến thắng này giúp các cầu thủ sẽ vượt qua nỗi buồn thất bại, lấy lại sự tự tin, các cầu thủ thế này, các cầu thủ thế kia… Vậy ai giúp những cổ động viên “tầm thường” như mình vượt qua nỗi thất vọng, lấy lại niềm tin vừa đánh mất (một lần nữa). Năm nào cũng vậy, đội tuyển cứ nhử người hâm mộ từng chút từng chút một, để họ đầu tư tình cảm, thời gian và đối với vài người, còn là tiền bạc cá độ nữa, để rồi lại gục ngã không ngờ, tay thậm chí còn chưa kịp với vào cái cúp. Vậy mà chẳng lẽ còn không được bày tỏ sự thất vọng khi họ thua à?
   Ai thanh cao thì mình không biết, chứ riêng mình, mình phải chửi đã. Chẳng lẽ nhìn đội tuyển đá trên cơ nhưng vẫn thua vì nóng vội, nhìn ông huấn luyện viên hứa lèo là nhất định vào chung kết này nọ, vậy mà không được tức giận và chỉ trích à? Chẳng lẽ phải dối lòng lên động viên mấy em đá tốt lắm (đá tốt sao thua?), khi một cánh cửa này đóng lại thì một cánh cửa khác mở ra (cánh cửa thì năm nào cũng đóng trong vô vọng, chẳng biết cánh cửa nào mới thuộc về đội tuyển Việt Nam). Các cầu thủ buồn, chẳng lẽ cổ động viên không buồn? Các cầu thủ được những người hâm mộ “chân chính” động viên, vậy ai động viên những người hâm mộ như mình, khi mà năm nào qua năm nấy, Việt Nam vẫn ngoi ngóp trong ao làng và những lời hứa hẹn chẳng khác nào mấy cái phao xịt.
   Chỉ trích, thất vọng không có nghĩa là quay lưng với đội tuyển, chỉ là tình cảm thì cần được giãi bày. Nó xuất phát từ tình yêu bóng đá Việt Nam, từ kỳ vọng lớn lao chẳng khi nào thành hiện thực dành cho đội tuyển. Mình vẫn xem bóng đá, vẫn cổ vũ mấy em, mình vẫn được là người hâm mộ chứ. Nếu những lời chỉ trích, thất vọng mà các cầu thủ còn không thể chịu đựng được, thì bọn họ không thể thắng cái gì hết.
   Năm sau lại chờ, lại hy vọng. Chờ hoài, hy vọng hoài, điều buồn cười là mình vẫn chờ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo