Về Good Will Hunting

Spoiler Alert 

Tự nhiên một ngày đẹp trời mình muốn xem phim kinh điển. Để có thêm động lực, mình thậm chí còn thêm vào cái Bucket List của mình một cái gạch đầu dòng là xem tất cả những phim top 250 trong Imdb. Mà bởi vì mấy phim đó nặng đầu mà xưa ơi là xưa, mình đã phải rất vất vả để chọn một phim dễ nhằn mà thưởng thức. Và đó là Good Will Hunting.
Ngày xửa ngày xưa, khi mình đọc tựa đề của phim, nó chỉ nghĩ một cách đơn giản là “những người tốt sẽ đi săn”, và mình mặc định nó là một bộ phim về săn bắn hoặc là tội phạm chi đó. Sau khi đọc tóm tắt thì hóa ra Will Hunting là tên của nhân vật chính, và Good Will Hunting là “Will Hunting tốt”, theo cách hiểu thô thiển của mình, hy vọng tên phim không có nghĩa bóng nào khác hay một thành ngữ tiếng Anh gì đấy mà mình chẳng biết. Đâu phải phim nào cũng có nghĩa thẳng thắn như Schinder’s List hay Saving Private Ryan.
Will Hunting là một thanh niên mồ côi, nghèo khổ, phải làm lao công cho trường đại học MIT. Bù lại cho cuộc sống không có tương lai, Will đẹp trai như tài tử (thì Matt Damon chẳng tài tử thì ai tài tử nữa) và có IQ của một thiên tài. Cậu tự học ở thư viện công cộng nhưng lại có kiến thức phong phú và sâu rộng ở nhiều lĩnh vực, những vấn đề chuyên sâu mà bạn gái Havard của cậu phải khó khăn lắm mới hiểu được thì Will lại thấy đơn giản để nắm bắt và thông suốt chúng. Thông thường thì mình rất ganh ghét những thành phần thông minh xuất chúng nhưng lại không thèm sử dụng khả năng của mình. Nhưng mà cuộc đời Will nát quá nên mình thật sự thấy tiếc nhiều hơn là tức. Sau khi giải được một bài toán năm sao khó nhằn, Will được một giáo sư từng đoạt giải Fields (ngang bác Ngô Bảo Châu) phát hiện ra khả năng thiên tài của mình. Ông giúp cậu tránh việc tù tội (Will đã tham gia một vụ ẩu đả và còn dại mồm chửi cảnh sát) với một điều kiện là cậu phải theo học toán tại trường trong sự giám sát của ông, đồng thời phải gặp bác sỹ tâm lý hàng tuần.
Will đương nhiên muốn học, chỉ là cậu luôn cố tình làm khó mấy ông bác sỹ tâm lý. Với khả năng sẵn có và sự hiếu thắng của đám trẻ trâu, Will luôn có cách sỉ nhục mấy ông này và khiến họ cao chạy xa bay. Bất đắc dĩ, vị giáo sư toán đành nhờ cậy bạn cùng phòng ngày xưa của mình, Dr. Sean Maguire, giúp đỡ Will. Công bằng mà nói chắc đây là vai diễn đỉnh cao sự nghiệp của Robin Williams, giải Oscar còn gì.
Sau khi gặp gỡ, tiếp xúc và cả sự dạy bảo của Sean, Will mở lòng hơn. Cậu coi Sean như một người bạn chân thành và ông thì quan tâm đến tương lai của cậu. Vị giáo sư toán muốn cậu có một công việc to lớn để phù hợp với khả năng và tầm vóc của cậu trong khi Sean thì lại muốn chính Will tự lựa chọn con đường của mình, cho dù con đường đó có phí hoài tài năng của cậu. Trong lúc này, bạn gái của Will, Skylar, rủ cậu chuyển tới California với cô. Will hoảng sợ, từ chối. Thậm chí khi Skylar khóc và bảo cô yêu anh, Will nhẫn tâm bảo rằng anh không yêu cô rồi bỏ đi.
Mình thích nhất cái đoạn khi mà hai vị giáo sư đứng cãi nhau um sùm về cái tương lai của Will, rồi Sean ôm Will và bảo rằng đó không phải lỗi của cậu, và rằng cả ông và cậu đều từng bị lạm dụng khi còn bé, và mọi lỗi lầm cậu gây ra cho bản thân, những sự lựa chọn của cậu, cách cậu sống, cậu bỏ cuộc trong sự nghiệp và tình yêu, thực ra đó không phải là lỗi của cậu. Khi Sean nhìn vào mắt Will và lặp đi lặp lại câu nói “It’s not your fault” để Will thực sự tin vào điều đó, rằng cậu không có lỗi lầm gì cả. Rồi cả hai ôm nhau khóc. Mình thấy tội thật.
Không thể không kể đến cậu bạn Ben Affleck (quên mất tên nhân vật) của Will. Ben không ganh ghét trí tuệ của Will, anh không bỏ rơi cậu. Sáng nào Ben cùng đám bạn cũng đến đón Will rồi đi lông bông với nhau, tham gia ẩu đả với nhau, cùng nhau đi tới một tương lai chẳng ra làm sao. Thế rồi một ngày Ben bảo Will, anh chấp nhận tương lai chẳng ra làm sao ấy nhưng anh muốn Will có một tương lai khác và cậu phải ra đi để tìm con đường tốt đẹp hơn cho mình. Bạn bè Will gom góp tặng cậu một cái xe ghẻ ruồi nhân dịp cậu 21 tuổi. Và như một lời cảm ơn, Will tặng Ben cái khoảnh khắc anh này luôn mong chờ. Một sáng khi mà Ben tới nhà đón Will như thường lệ, anh nhận ra Will đã đi rồi, không một lời nhắn gửi, chia tay, Will chỉ đơn giản là ra đi và tìm kiếm một cuộc sống khác, Will đã sống giùm giấc mơ của anh. Mình thích nụ cười của Ben khi đó.
Cảnh cuối phim là Will đi tới California tìm Skylar. Ít nhất anh có một con đường để đi và một tình yêu để hy vọng. Mình thành thật mong họ hạnh phúc.

Mình xem phim hoàn toàn bằng tiếng Anh nên mấy chỗ chẳng hiểu gì, nhất là khi họ đối thoại về toán học hay mấy kiến thức gì gì đấy. Nhưng mà đâu cần phải siêu việt để hiểu câu chuyện và đôi khi chẳng cần phải sâu sắc, triết gia chi hết để biết đó là một bộ phim hay. Thậm chí đôi khi mình không cần diễn giải hết mọi ý nghĩa ra thành lời, mọi cảm xúc phải biểu đạt thành tiếng, thậm chí đôi khi chỉ cần hiểu bộ phim theo cách nông cạn của mình đã là đủ. Mình nghĩ Good Will Hunting không phải là một bộ phim phức tạp, đa chiều hay nhiều tầng lớp ý nghĩa (nó đâu phải American Beauty với biểu tượng đủ thứ). Nó là một bộ phim rõ ràng, dễ chịu, tích cực và không nhất thiết phải tranh cãi nội dung phim. Nó cũng chẳng phải American dreams hay cái gì cả. Câu chuyện của Will chẳng nên là biểu tượng của cái gì quá xa xôi, đâu phải ai cũng có IQ cỡ đó. Bản thân mình không coi Will là biểu tượng của thiên tài, và rằng thiên tài có thể xuất hiện ở mọi nơi. Will không nỗ lực để đạt tới cái tri thức mà cậu có thể đạt được, cậu chẳng thách thức bản thân hay tham vọng lớn lao, cậu chỉ đơn giản là tài giỏi, như vậy mình không coi là thiên tài. Với mình, Good Will Hunting chỉ là một câu chuyện cảm động về một thanh niên vượt qua hoàn cảnh để đi tìm con đường của mình. Nó chỉ mang mô-típ sáo mòn thế thôi. Bảo mình dốt thì mình chịu.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về La Sinh Môn ( Rashomon 1957)