Về Battle Royale (2000)

(Spoiler Alert) 
Đây là góc nhìn của người chỉ mới xem phim. không tham khảo thêm gì khác.


The Hunger Game hoàn toàn là sản phẩm ăn cắp/copy cat/ bắt chước/ đạo văn trắng trợn Battle Royale, mà buồn thay, lại chẳng hay ho được như nguyên tác.
Mình luôn thích truyện tranh của Nhật, cái kiểu một ý tưởng cực kỳ thông minh được xây dựng trên bối cảnh cực kỳ vô lý và ngu ngốc ấy. Như Đạo luật Battle Royale chẳng hạn. Ý tưởng về một lớp học bị cô lập trên đảo, nơi các em học sinh 15 tuổi bị buộc phải giết nhau cho đến khi chỉ còn một em sống sót, nghe ra thì có vẻ hay ho cho một phim kinh dị, thế nhưng nếu nghĩ kỹ thì không thể chấp nhận được. Không có trường hợp nào trên đời mà nước Nhật (hay tất cả các nước nào khác trên thế giới) có thể thông qua một thứ như đạo luật BR, lý do duy nhất bởi vì nó không mang lại giá trị nào cả. Mình không nói lý do ở đây là nhân quyền, các bậc phụ huynh không gào thét đánh bom chính phủ vì con mình bị giết lãng xẹt, càng không nói vai trò của Liên hợp quốc và truyền thống đạo đức gì gì ở bên đó, mình chỉ nói ở đây BR Act không đem lại một lợi ích nào cả. Vì BR Act mà thế hệ trẻ của Nhật Bản trở nên ngoan hiền, có hiếu hơn? Không, lớp 9B vẫn láo như thế, và không đứa trẻ nào bị giết nhớ thương gì cha mẹ cả, tụi nó toàn tiếc nuối là chưa sex, chưa thổ lộ tâm tình với người thương thôi. Hay BR Act đem lại lợi ích kinh tế? Nó đem lại được gì đâu nào. Mỗi năm nhà nước tốn tiền nuôi quân đội, thiết bị máy móc, sơ tán nguyên một hòn đảo để hơn 40 đứa trẻ huyết chiến nhau, rồi dọn dẹp tàn cuộc, lợi ích kinh tế nào có thể đạt được đây trời? Có mà lỗ chết luôn. Truyền thông à? Có mỗi phóng viên đưa tin về kết quả cuối cùng, đâu có truyền hình trực tiếp bán bản quyền với quảng cáo như the Hunger Game đâu mà sinh lời. Nói tóm lại, chả có lý do gì mà một đất nước lại bỏ công bỏ sức đi làm một việc phí hoài như vậy cả, người ta đâu có đóng thuế cho ông rảnh rỗi, nhất là khi tình hình kinh tế Nhật Bản lúc đó lại được miêu tả là hết sức bi đát. Đó là lý do chính khiến bối cảnh của Battle Royale cực kỳ ngốc ngếch và tức cười.
Nhưng bỏ qua lỗi lầm to đùng đó, Battle Royale là một bộ phim kinh dị rất đáng xem. Ý tưởng về 40 đứa nhóc giết lẫn nhau và chỉ một sống sót, mình coi đó là một ý tưởng tốt, sáng tạo, và nhà làm phim đã xuất sắc chuyển thể nó lên màn ảnh một cách vô cùng rõ ràng và ấn tượng.
Mình đoán trong truyện/truyện tranh, mỗi thành viên trong lớp 9B sẽ được giới thiệu kỹ lưỡng hơn, nào về hoàn cảnh gia đình, tính cách, mơ ước trong tương lai. Nhưng trong bộ phim có thời lượng 2 tiếng, đạo diễn không thể làm được ngần ấy thứ, vậy nên chỉ có một vài nhân vật trọng tâm mới được hưởng cái đặc ân này. Những nhân vật khác, có thể chết ngay mà chưa kịp nhớ mặt, hoặc chỉ được giới thiệu phần trọng tâm nhất đại diện cho nhân vật đó. Mình nghĩ đó là điểm tài năng của đạo diễn, bởi với 40 đứa trẻ, chưa kể cha mập phản diện, việc ngụp lặn trong cái quá khứ có thể khiến bộ phim lê thê và mệt mỏi. Nhưng chỉ cần tập trung vào vài em nhỏ liên quan đến cốt truyện chính, lướt qua những em ít quan trọng hơn nhưng không hời hợt, giết chết một số em hoàn toàn không quan trọng để khiến bộ phim tăng tầm kịch tính, đạo diễn đã khiến cho hơn 40 đứa trẻ không một đứa nào thừa thãi. Chúng đều chết để phục vụ cho một mục đích nào đó.
Mặc dù dựa trên nền của đạo luật ngu ngốc, Battle Royale lại cực kỳ hợp lý và chặt chẽ khi nói đến luật chơi. Từ chiếc vòng có thể nổ tung trên cổ, việc ghi âm, việc thay đổi các tọa độ khu vực nguy hiểm để tránh cho các “nạn nhân” chỉ biết trốn vào một chỗ, rồi hòn đảo biệt lập, mình suy nghĩ mãi và đành chấp nhận là nó vô cùng kín kẽ, và chẳng cách nào để lách luật cả. Hoặc là chiến đấu và sống sót, hoặc là chết. The Hunger Game cóp nhặt y chang những điều này từ Battle Royale. Nào là những túi có vũ khí ngẫu nhiên, rồi nhân vật phản diện thông báo những ai vừa tử nạn, có thêm hai đứa đã có kinh nghiệm và thích giết chóc được cài vào để khuấy động không khí, nó thực sự là một luật chơi hay và biến ảo. Chưa kể giới hạn trong ba ngày hoặc tất cả cùng chết, nó thực sự khiến mọi thứ trở nên căng thẳng và manh động hơn rất nhiều.
Trong hơn 40 nhân vật chính phụ, mình cảm thấy có gần như mọi trường hợp, tình huống có thể xảy ra nếu rơi vào cảnh ngộ đó. Có những đứa trẻ chưa kịp hiểu sự tình đã tòi đời, có những đứa trẻ thà nắm tay nhau tự sát còn hơn giết chóc bạn bè mình, có những đứa trẻ quá hiền lành, cả tin nên bị bạn giết, đã có những đứa trẻ tự lập thành băng nhóm riêng súng đạn đầy đủ nhưng vì quá ngu nên cũng bỏ mạng, hoặc là hai đứa nhóc dại dột lấy loa kêu gọi bạn bè mình tới để cùng nhau bàn bạc thiệt hơn. Đó có thể là một chiến lược đúng đắn, nếu tất cả tụi nó đều là xì trum hay là pokemon. Hoặc nhóm ba thằng nhóc thông minh nhưng ngây thơ nghĩ mình có thể phá vỡ trật tự xã hội,“break the system”. Hoặc như bạn nữ tóc dài xinh xinh kia, vì quá khứ tuổi thơ địa ngục nên khi bị “hoàn cảnh đưa đẩy”, em nó đã vùng lên trở thành đứa giết người máu lạnh.
Nhưng cái mình thích nhất, đó là nhóm mấy đứa bạn gái cực thân ở hải đăng. Giống như trong The Thing (1982), khi chịu căng thẳng, cô đơn và sợ hãi, nó có thể hủy hoại con người. Nhóm 6 người bạn thân đã vượt qua được những nghi ngại ban đầu, tìm được một chỗ trú chân an toàn, có thức ăn, nước uống và có thể tự bảo vệ nhau. Tình hình của nhóm tính ra là khá tốt so với tất cả mọi thành viên còn sống sót trong lớp. Nhưng khi một nghi vấn xảy ra, mọi liên kết giữ vững lòng tin đó sụp đổ tan tành, kết quả cuối cùng là chính tay chúng nó tự tàn sát lẫn nhau, khi mà chỉ một bước nhỏ nữa là chúng có thể cùng an toàn rời đảo. Người vô tình gây ra câu chuyện đau lòng đó lại là người cuối cùng sống sót sau vụ tàn sát, nhưng vì không thể gánh nỗi tội lỗi, cô bé nhảy vực tự sát. Thực sự diễn biến tâm lý đó vô cùng hợp logic và hoàn toàn có thể diễn ra trong thực tế, mình đã không ngờ cốt truyện có thể đưa ra một tình huống như vậy. Có nhiều cách để giải quyết mâu thuẫn đó mà kết cục cuối cùng không phải là chĩa súng vào nhau, thế nhưng sự sợ hãi, nghi kỵ và bạo lực đã lấn át mọi thứ. Người sợ hãi thì lại quá sợ hãi để nói lên sự thật, người vượt qua được sợ hãi thì lại quá nghi kỵ để tin tưởng lời nói của bất cứ ai. Súng thì lại để tràn lan ra như thế. Nó chỉ thực sự rất đáng buồn bởi tụi nhỏ là bạn thân.
Và không chỉ đơn giản là lao vào giết chóc nhau theo những cách man rợ nhất có thể, tình cảm, diễn biến tâm lý của những đứa nhóc 15 tuổi được thể hiện rất nhẹ nhàng, hợp lý và hoàn toàn thích hợp trong hoàn cảnh máu me. Những mối tình trung học trẻ con không bị làm quá trong phim. Nam chính bảo vệ nữ chính vì bạn thân đã chết của nam chính về báo mộng cho nam chính phải thế. Hay như cô gái áo vàng thích chạy, em nó để ý cậu bạn trong lớp. Khi nhỏ sắp chết, anh chàng vẫn thật thà nói với nhỏ đó rằng ảnh thích người khác, nhưng nhỏ vẫn rất vui vì trước khi chết được trai khen là “ngầu nhất quả đất”. Anh chàng trên còn có kết cục thê thảm hơn. Khi thân hình tàn tạ chạy tới tìm người thương, anh chàng bị nhỏ kia bắn chết. May mà trước khi chết anh chàng còn kịp tỏ tình với gái, bỏ lại cho nhỏ kia một nỗi hối hận và tiếc nuối vô hạn. Mà trách nhỏ đó sao được, thích người ta mà chưa bao giờ mở miệng nói chuyện, sao mà nó biết mày thích nó được hả trời. Mấy mối tình đơn phương trẻ con trong sáng nếu dính đến phim này đều có kết cục buồn thảm, mặc dù mình nghĩ nó vẫn giữ được hương vị ngọt ngào và thanh tân, mặc dù kết thúc vẫn buồn.
Cách đây chừng 5 năm, việc nam chính và nữ chính sống sót có thể khiến mình khó chịu, nguyên nhân thì nam chính kém cỏi còn nữ chính thì vô dụng. Người duy nhất xứng đáng sống sót sau trận chiến chính là anh chàng đeo băng đô từng giết bạn gái mình cơ. Nhưng khi nghĩ lại, nam chính mới là một người bình thường, một thằng nhóc 15 tuổi bình thường với tuổi thơ siêu bất hạnh, mình không nên đòi hỏi gì nhiều ở em nó. Còn nữ chính tuy thực sự vô dụng và chẳng có gì ngoài tốt bụng và ăn may, nhưng mình không ghét nữ chính. Ít nhất thì hai đứa nó không ngu ngốc và hăm hở đi giết ai, tụi nó chỉ đơn giản là muốn bảo vệ chính mình. Mà thời thế bây giờ thì ăn may cũng có thể coi là một dạng năng lực siêu việt rồi.
Mình không thực sự thích nam chính và nữ chính nhưng cũng không bực bội vì chúng nó sống sót. Xét trong bối cảnh phim thì chỉ có tụi nó xứng đáng và cần được sống nhất. Như anh đẹp trai đeo băng đô, người từng nghĩ “sẽ không chết trên hòn đảo này”, cuối cùng chết trên con tàu rời đảo, ảnh cũng ngu ngốc và không có động lực để tiếp tục sống tiếp nữa. Hóa ra bạn gái ảnh cố tình giết ảnh, nhưng cổ cũng thực lòng yêu ảnh lắm, nụ cười hở lợi trong bức ảnh kia đã chứng mình điều đó (suy luận rất “logic” của một bạn nữ trung học đã khẳng định chắc chắn thế). Thế nên để giết một tên giết người chuyên nghiệp bị mù mắt, anh cứ phải đánh động cho nó biết rồi mới bắn, để nó bắn lại cho anh bị thương anh mới chịu. Nói thật đoạn đó ngu chịu không nổi.
Phim còn nhiều thứ khiến mình không thích, ví dụ như nhiều cảnh chết diễn khá kịch, máu không giống thật nên không đáng sợ. Đặc biệt âm hưởng của truyện tranh hiện diện rất nhiều trong phim, mình thực sự không biết đây có phải nét văn hóa đặc trưng trong nền điện ảnh Nhật Bản hay đó chỉ là ý thích của đạo diễn, nhưng mình không tài nào chấp nhận được việc một người bị bắn lỗ chỗ trên người như vậy mà còn có thể đứng dậy, nghe điện thoại xong rồi mới chết được. Hầu hết các nhân vật đều bị thương rất nhiều, thế nhưng mặc cho vô số viên đạn xuyên ra những vị trí trọng yếu trên cơ thể, các nhân vật vẫn đủ khả năng để hấp hối, tỏ tình, vùng dậy để đánh giết tiếp, ăn bánh. Giỡn sao trời? Rồi đoạn hai đứa chuyển trường xuất hiện, nhìn như từ truyện tranh bước ra ngoài khung giấy, tất nhiên là ngầu và nguy hiểm trong truyện, nhìn ở ngoài thì như mấy thằng hâm, chả có ai bình thường mà ngồi cái dáng vẹo cột sống và có ánh mắt đập đá như vậy cả.
Bù lại, mạch phim diễn biến nhanh, hấp dẫn, ngắn gọn. Những đoạn nào cần chậm rãi, cần để chiêm nghiệm, nó đều được làm vừa đủ và cần thiết. Mọi nhân vật được mô tả trong phim, dù ít hay nhiều, câu chuyện của họ đều khiến mình nhớ và buồn bã. Bộ phim này thực sự rất buồn và càng xem càng buồn. Thậm chí khi nam chính, nữ chính sống sót và tiếp tục trốn chạy, mình chả thấy hy vọng tươi sáng gì ở bộ phim hết. Mỗi cái chết đều đem lại một sự dang dở, tiếc nuối, thương cảm, và cái đoạn kết khi hình ảnh của lớp 9B vui vẻ, hạnh phúc bên nhau chỉ khiến bộ phim thêm tuyệt vọng. Những đoạn giết người là sáng tạo, không lặp lại, khiến nó trở thành phim kinh dị nổi tiếng và đặc trưng cho phim kinh dị Nhật Bản. Ngoài ra, bộ phim còn khiến mình có một cái nhìn đau khổ hơn mỗi khi nghe lại mấy phim nhạc giao hưởng cổ điển.
Dàn diễn viên trong phim thì vô cùng hợp vai. Mình không biết nhiều về diễn viên Nhật, nhưng mình mừng là đây là phim của Nhật. Thử tưởng tượng Hàn Quốc làm lại phim này xem, khi mà một lớp 40 đứa mà đứa nào cũng gầy nhẳng và mặt mũi thì chung một bệnh viện thẩm mỹ, thêm đồng phục vô nữa, chắc mình không thể biết ai giết ai luôn ấy chứ. Ở đây thì mọi hình ảnh về nhân vật đều được xây dựng đặc trưng và có thể phân biệt được. Như nữ chính, khi nghĩ về một em gái hiền lành, tốt bụng, trong sáng, thiên thần, vv, nói thật gương mặt và nụ cười đó của diễn viên là chuẩn. Đó không phải gương mặt của em gái xinh nhất lớp, nhưng đó đúng là một gương mặt dễ gây thiện cảm cho khán giả. Cả em nam chính cũng thế. Giống như truyện tranh, tính cách nhân vật phần nào được thể hiện qua hình dáng bên ngoài. Và mỗi thành viên của lớp 9B có vẻ đều độc lập và mang nét riêng của mình.

Là người xem quá nhiều phim của Quentin Tarantino, mình nghĩ Battle Royale không có gì gọi là quá bạo lực. Nhưng ai biết, có thể vào thời điểm đó, Battle Royale có thể đã là một bước đột phá, gây ra làn sóng tranh cãi hay nhiều thứ khác có liên quan tới gia tăng tình trạng phạm tội ở thanh thiếu niên. Dù là gì, mình thích tính nhẫn tâm và sự dũng cảm của tác giả khi để hầu hết các nhân vật đều chết, đạo luật độc ác BR vẫn tồn tại, đại khái là mô típ kẻ ác vẫn thắng đi ngược lại với thông thường. Dư âm đọng lại của mình sau khi xem hết bộ phim cũng giống như cảm xúc của mình khi nhìn lại tấm hình kỷ yếu của lớp 9B, đó là là buồn thảm và hơi nổi da gà. Hình kỷ yếu đen trắng khiến mọi thứ thông thường đều trở nên kinh dị, huống hồ hầu hết chúng nó đều đã về với ông bà và chưa kịp phá hoại xã hội.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo