Về My Fair Lady (1964)

(Spoiler Alert)


“Makeover” luôn là một trong đề tài mà điện ảnh từ Đông qua Tây ưa thích và xài đi xài lại. Từ những phim hài lãng mạn Hàn biến hình một cô gái vụng về, ngô ngố trở thành một quý cô sành điệu cho xứng với anh giám đốc trẻ tuổi đẹp trai, những phim teen Mỹ biến hình một cô gái mờ nhạt trở thành Prom Queen và hun hít anh giai đẹp nhất trường, makeover còn lan sang cả Kingsman, nới mấy cha điệp viên người Anh biến một thằng nhóc đường phố trở thành một quý ông lịch thiệp, đặng để giết người này người nọ cho đẳng cấp. Đối với mọi thể loại con gái trên đời, makeover sẽ luôn là một đề tài không bao giờ chán, bởi cô nào cũng có một mơ ước siêu giản dị, đó là trở thành Lọ Lem, là trung tâm của bữa tiệc, là từ một người bình thường trở thành một người đặc biệt, cho dù sự đặc biệt đó chỉ đơn giản là đẹp.
Mình nghĩ một trong những phim kinh điển nhất của cái dạng “makeover” này là My Fair Lady (1964). Nhiều người sẽ nhớ nhiều tới Pretty Woman (1990), nhưng theo ý kiến nhỏ nhoi của bản thân, mình thấy Pretty Woman khó tin, thậm chí ngờ nghệch, vô lý, quá nhiều cảnh nóng và không thực sự có gì đáng nhớ ngoài vẻ đẹp của Julia Robert và Richard Gere.
Còn My Fair Lady, đó là một bộ phim sâu sắc, tình tiết bất ngờ vượt mọi suy đoán của mình. Mặc dù còn nhiều hạn chế của thời đại, mình nghĩ các nhân vật trong My Fair Lady đều đặc biệt, độc đáo theo cách riêng của họ. Và nhiều thứ trong cá tính của Miss Doolittle còn đẹp đẽ và đáng trân trọng hơn những trang sức, áo váy lộng lẫy ở trên người cô.
Câu chuyện đơn giản chỉ là một vị giáo sư ngữ âm Henry Higgins vì muốn thắng một vụ cá cược đã nhận dạy dỗ cô nàng Eliza Doolittle trở thành một quý cô thượng lưu chính hiệu, để cô này tham gia một buổi vũ hội của Hoàng tử mà không ai nhận ra cô này thuộc tầng lớp thấp kém. Trong thời gian 6 tháng quý báu đó, Eliza đã chuyển mình để trở thành một quý cô thực thụ, từ tiếng nói, ngữ điệu, phong cách bên ngoài cho đến cả những suy nghĩ bên trong cũng đã trưởng thành hơn rất nhiều.
Eliza Doolittle hiện lên ở đầu phim là một cô nàng bán hoa đanh đá, to mồm, lôi thôi, bẩn thỉu, vô duyên và chả có chút gì nữ tính. Bán hoa ở đây là bán hoa, theo nghĩa đen, tức là đem hoa (thực vật) đem bán dạo, xin đừng nghĩ bậy cho nhân vật. Cô có chất giọng vùng Cockney, một địa phương nào đó của nước Anh, vì mình chả phải người Anh nên không biết nó là nơi nào, giọng địa phương như vậy có gì đặc biệt và khác với những địa phương khác. Cái quan trọng là chính cái giọng địa phương đó định hình Eliza vào tầng lớp lao động và ít học, và nói như giáo sư Higgins kiêu ngạo, cô đang phá hoại tiếng Anh. Đòi hỏi gì ở Eliza, cô mồ côi mẹ, cha nghiện rượu, lười biếng, sống với một người phụ nữ khác. Cô gái chăm chỉ dậy thật sớm nhặt hoa về bán đến tận tối mịt, ăn uống vớ vẩn, tự mình sống sót giữa đường phố bằng cách lương thiện, mình cho như vậy đã vô cùng đáng quý. Bản thân Eliza không được học hành, không có ai dạy dỗ, lớn lên giữa những con người cục cằn, vô giáo dục của tầng lớp nghèo khổ, việc Eliza có tính cách như vậy có thể coi là điều đương nhiên. Với mình, ấn tượng đầu tiên về Eliza là cô tràn đầy sức sống và vô cùng mạnh mẽ. Cô có sự ma lanh của những người lớn lên giữa đầu đường xó chợ, sẵn sàng đanh đá đốp chát lại người khác, cho dù đó là những người tầng lớp trên, to mồm đông đổng giữa phố để bảo vệ bản thân, gào rú những thứ không cần thiết, và với cái mặt trơ không biết xấu hổ, Eliza Doolittle tạo ra nét khác biệt cho mình với vô số những nữ nhân ăn rồi chỉ có đẹp và khóc lóc.
Không chỉ có thế, Eliza cũng là một cô gái với mơ ước giản dị là có một ngôi nhà ấm áp, có chocolate ăn, có một người chồng yêu thương mình, một cuộc sống khác cuộc sống bây giờ. Cái này thì bình thường, ai cũng có mơ ước, nhưng Eliza không ngồi yên và chờ cái mơ ước ấy tự dưng thành hiện thực, cô tự mình định đoạt lấy nó. Eliza nhớ về việc giáo sư Higgins nói rằng có thể biến người như Eliza trở thành một quý cô, và với vốn tiếng Anh chuẩn mực cùng phong thái lịch thiệp, Eliza có thể trở thành một cô gái bán hàng trong tiệm hoa thay vì bán hoa ngoài đường, hoặc có một công việc khác tốt đẹp hơn, hoặc chỉ đơn giản là một tấm chồng. Tham vọng đã làm động lực cho cô gái đến gõ cửa nhà giáo sư Higgins để xin ông này dạy mình trở thành một quý cô, cô sẽ trả tiền học phí cho ông đầy đủ. Đó là đoạn mình thích nhất về Eliza, khi cô diện bộ đồ đẹp nhất của mình, và đương nhiên là nó trông vô cùng lố bịch trong mắt những người khác, dũng cảm đến chỗ giáo sư Higgins, đề nghị ông này dạy mình, cô không cầu xin ai cái gì, cô sẽ trả ông đầy đủ, chính đáng và sòng phẳng. Eliza hiện lên rất sống động, không sợ trời không sợ đất, thẳng thắn, độc lập, hơi ngô nghê nhưng không ngốc nghếch, và trên hết cô không ngại thay đổi để đạt được những điều tốt đẹp hơn cho bản thân.
Trong suốt 6 tháng với giáo sư Higgins, Eliza đã nỗ lực không ngừng để tiến bộ, để học cách phát âm, đi đứng, nhảy nhót như một người giàu có. Cô thành công, nhân vật Eliza lột xác hoàn toàn về hình thức, một cuộc cách mạng từ xấu sang đẹp hoàn hảo, từ đầu tóc, quần áo, trang sức, trông như đó là hai con người hoàn toàn khác biệt. Phần phục trang thực sự rất tinh xảo, lộng lẫy và cầu kỳ, từ nữ chính cho đến mấy vai quần chúng, mọi thứ hiện lên đều lung linh, sang trọng, nữ tính và vương giả. Đối với khoản “makeover”, đó là điểm 10 cho chất lượng. Thì nói sao giờ, Audrey Hepburn là một trong những biểu tượng nhan sắc của thế kỷ mà lại. Tuy vậy, mình không thực sự thích diễn viên ốm đói như vậy. Mình biết Aubrey gầy, mình đã xem Roman Holiday, nhưng mà ốm đến lòi xương cổ, hai tay như que tăm, bàn tay toàn gân xanh như thế thì thật đáng ngại. Mình xem khá nhiều phim thập niên 60, điểm chung của họ là gầy mong manh, eo bé tí đến không tưởng. Đúng là mỗi thời đại có một chuẩn mực khác nhau, nhưng nhìn Aubrey Hepburn cứ như chỉ có ba mấy kí, những đường cong trên người cô ấy toàn là do khung xương mà có, thêm tí thịt thà mướt mát chắc sẽ bị chê là béo phì. Cho dù Audrey Hepburn có gương mặt đẹp đẽ và đôi mắt sáng, phong thái diễm lệ, có tài năng, có nét riêng, mình vẫn thấy kỳ kỳ, có lẽ chỉ là mình không thích người quá gầy, thế thôi. Cả phim mình chỉ muốn gào lên: Về nhà kiếm gì ăn đi gái!
Đó là về hình thức, còn cái hay ho và may mắn nhất, cái phần bên trong vẫn được Eliza giữ nguyên. Cô không thay đổi chính mình, không ảo tưởng, vẫn biết mình là ai và muốn gì. Eliza vẫn là cô gái nhà quê kể chuyện bà dì mình uống rượu để chữa bạch hầu bằng giọng điệu trịch thượng của giới thượng lưu, vẫn là cô gái duy nhất dám mở mồm gào tiếng “ass” giữa chốn đông người thanh lịch, vẫn là cô gái đốp chát và không ngại tranh cãi đến cùng với giáo sư Higgins, vẫn là người thẳng thắn nói ra mọi thứ mình nghĩ, mọi điều mình muốn, vẫn tranh đấu cho sự tôn trọng cô đáng được có. Tính nết đanh đá, to mồm vẫn còn nhưng đỡ phản cảm hơn, và ở Eliza, sự mạnh mẽ, sống động, thực tế, ma lanh chắc chắn không thể biến mất. Sau cuộc thử nghiệm, Eliza nhận ra cô không thể quay về cuộc sống cũ là một cô gái bán hoa ở góc phố, nhưng lại không biết mình sẽ làm gì tiếp theo. Higgins đã thay đổi cô, Eliza cảm thấy mình không thuộc về đâu cả, cô tốt đẹp hơn cuộc sống trên vỉa hè London và chắc chắn vẫn không phải là một cô gái giàu có thượng lưu. Mặc cho sự chông chênh đó, Eliza nhận ra bây giờ có thể bắt đầu một cuộc đời mới của riêng mình.
Nhân vật quan trọng thứ hai sau Eliza đương nhiên là giáo sư Henry Higgins. Đó là một ông chú già thông minh, kiến thức đầy mình, vì kiêu ngạo nên đã nhận một vụ cá cược không tưởng. Thành thật mà nói, bất cứ ai cũng không thể cưỡng được vụ cá cược đó. Ông giáo sư có tính cách khó chịu, khó chiều, khó chơi, khinh người và vô cùng kiêu ngạo. Ngoài ra ông còn có sự phân biệt giới tính, coi thường phụ nữ như bao nhiêu quý ông thủ cựu ở đầu thế kỷ 20. Dĩ nhiên ông khinh Eliza ra mặt và gọi cô là “that thing”, “this creature”, coi cô như một thí nghiệm, một màn cá cược ông nhất định phải thắng. Higgins không thích hôn nhân, tự mình ban thưởng cho mình cuộc đời của một “old bachelor” và thề không để một người phụ nữ nào chen chân vô hạnh phúc độc thân của ông. Và đương nhiên, phim mà, ông dần nảy sinh tình cảm với Eliza nhưng quá cố chấp và kiêu ngạo để thừa nhận nó.
Nhân vật Henry Higgins hoàn toàn không phải là một quý ông nhưng có thể dạy Eliza trở thành một quý cô. Phương pháp sư phạm của ông nếu như ở thời đại bây giờ thì đã có thể bị quay clip tung lên mạng, bị kiện tụng, bị đình chỉ, tước học vị,vv. Gì mà đối xử với gái xinh mà toàn dùng những câu xúc phạm, bắt người ta nhịn đói, nhét ngọc vô miệng, bắt luyện âm cả ngày không nghỉ. Nhìn bên ngoài, Higgins là kẻ chỉ quan tâm đến bản thân, hoàn toàn không đoái hoài đến cảm xúc người khác, nhưng sự thật ông không bao giờ bỏ cuộc ở chính mình hay Eliza, ông là người động viên cho cô vượt qua khó khăn, là người mua trang sức, váy áo cho cô không tiếc tiền, cũng buồn bã, giận dữ khi cô bỏ đi. Ở một góc nào đó, Higgins thực sự lo lắng và quan tâm đến Eliza, chỉ là tình cảm ấy bị tính khí trẻ con, kiêu ngạo và cứng đầu của ông che lấp mất. Như khi cô đến buổi vũ hội của hoàng tử và khiến mọi người công nhận mình là một quý cô, Eliza đã giúp Higgins thắng cược. Thế nhưng ông này đã không thèm đoái hoài và công nhận đến sự cố gắng của Eliza mà chỉ mải chúc tụng bản thân, khiến cô tức giận bỏ đi. Tuy Higgins đã cố công tìm gặp và yêu cầu cô quay lại sống với mình, nhưng khi Eliza yêu cầu Higgins thay đổi và tôn trọng, đối xử với cô tốt hơn, Higgins lại chống chế. Ông bảo không phải ông đối xử với cô không tốt, mà bởi vì ông chả đối xử tốt với ai cả. Eliza nhận ra Higgins sẽ không thay đổi, cô lại bỏ đi. Higgins tức giận trở về nhà, khi chỉ còn một mình, ông nhận ra vai trò quan trọng của Eliza trong cuộc đời mình, rằng ông đã quá quen thuộc đối với sự hiện diện của cô. Ngay cả khi biết mình cần Eliza và chính ông đã đẩy cô ra xa, Higgins cũng không thừa nhận điều đó, ông trẻ con tưởng tượng ra cái ngày Eliza quay lại và cầu xin ông chấp nhận cô, rằng ông sẽ mãn nguyện đóng sầm cánh cửa vào cái mặt vô ơn của cô.
Cuối phim, khi Higgins trở về với căn nhà trống trơn, ông nhớ đến Eliza và mở đoạn ghi âm giọng nói của cô, ngầm thừa nhận sự quan trọng của Eliza và sự trống trải khi cô không ở đây nữa, Eliza xuất hiện. Bộ phim kết thúc, thậm chí cả hai người còn chả nhìn nhau, mình ngơ ngác nhưng không thấy hụt hẫng bởi cái kết. Suốt bộ phim, cả Eliza và Higgins đều không bao giờ có một câu thú nhận tình cảm dành cho đối phương, vậy nên chả có ôm ấp, hôn hít, hứa hẹn gì cả. Thế nên cảnh cuối, khi Eliza bước vào và nhận ra Higgins nhớ cô, khi nụ cười mỉm nhẹ nhàng trên gương mặt của cả hai, bản thân mình chấp nhận đây là một kết thúc có hậu và có thêm lời thoại nào nữa cũng có thể chỉ là thừa thãi mà thôi.
Nếu như nhân vật Eliza đã có một cuộc cách mạng vĩ đại từ hình thức bên ngoài đến sự trưởng thành bên trong, nhân vật Higgins dường như chẳng mảy may thay đổi lấy một tẹo. Đầu phim, ông là một vị giáo sư khó ưa, chảnh chọe, cuối phim, ông vẫn là một vị giáo sư khó ưa, chảnh chọe. Ông cho rằng mình luôn đúng, không chấp nhận thay đổi, không dám thừa nhận tình cảm với người mình thương, vẫn thua đủ như đứa ngốc. Tính cách của Higgins nghe có vẻ khó chịu và quá đáng, nhưng bản thân mình thấy tính cách đó cũng thành thật như tính cách của Eliza, nó có sự mỉa mai của người có học thức nhưng nó không giả tạo. Higgins là một người với hai mảng đối lập, kiến thức càng rộng lớn thì tính cách càng cố chấp và ngốc nghếch. Những vấn đề to đùng trong mối quan hệ giữa Eliza và Higgins dường như chẳng có vẻ gì được thay đổi hay sửa chữa. Nếu Higgins không học cách tôn trọng Eliza, không chịu chấp nhận rằng Eliza không phải là thứ ông tạo ra, rằng cô trở thành con người như bây giờ là do nỗ lực của cá nhân cô, kiến thức của ông và sự động viên của đại tá Pickering tốt bụng – quý ông thực thụ duy nhất của phim, thì những màn cãi vã, đốp chát nhau chỉ đem lại tổn thương và hối tiếc mà thôi. Vậy nên mình cảm thấy mình khi cuối phim là một đoạn kết mở, khán giả muốn nghĩ gì thì nghĩ, tưởng tượng gì thì tưởng tượng, mọi thứ đã trọn vẹn lắm rồi.
Mình đọc được rằng trong vở kịch Pygmathion của Bernard Shaw (My Fair Lady là phim ca nhạc dựa trên vở kịch này), Eliza không trở về với ông giáo sư mà cưới Freddy, anh chàng nhà giàu yếu đuối mê cô như điếu đổ. Mình cho kết thúc đó cũng hợp lý với tính cách nhân vật. Eliza sống cuộc đời thiếu thốn từ bé, một chỗ dựa vững chắc về kinh tế, một người chông biết yêu thương vẫn là một điều cô luôn mong mỏi từ lâu. Giáo sư Higgins kia tuy đúng là người Eliza mong muốn, nhưng ông không tỏ dấu hiệu gì là sẽ thay đổi và đối xử tử tế hơn với cô, vậy nên Eliza chọn cưới Freddy giống như là một lựa chọn thực tế và sáng suốt mà một người có tính cách như cô nhất định sẽ nắm lấy. Dẫu vậy đó vẫn là một cái kết buồn cho cả Eliza và Higgins, khi mình đảm bảo ông giáo sư sẽ hối hận cả đời, còn Eliza cũng sẽ không bao giờ có được trọn vẹn hạnh phúc bởi cô không thể yêu một anh công tử bột như Freddy. Vậy nên kết thúc không rõ ràng trong phim thực sự là một hình ảnh đẹp, một ý niệm đẹp cho khán giả tự hoang mang và mong chờ. Nó không hứa hẹn, không làm rõ, không sến súa hay bi lụy, cả hai nhân vật chính dường như có vẻ bằng lòng với hiện tại, thế cũng tốt.
Với cốt truyện dễ hiểu, bộ phim nhạc kịch kéo dài ba tiếng khiến mình thấy vô cùng tắt thở và thiếu kiên nhẫn. Đó có thể là do mình nông cạn và kém hiểu biết khi không thể chờ một nhân vật phụ toét không liên quan nhiều đến cốt truyện hát lên hát xuống một bài hát cũng chẳng liên quan gì đến cốt truyện (nhân vật cha của Eliza), hay như người ta cứ hát thật dài cho một thứ có thể được diễn tả bằng vài câu thoại. Mình có thể xem nhạc kịch, mình không phàn nàn việc hát hò (mình đã xem nhạc kịch Les Miserables, không phải phim nhé), nhiều bài hát trong đó thực sự rất hay, nhưng một khi đã quen với phong cách phim hiện đại, khi mình thực sự muốn biết Eliza có về với ông giáo sư hay không, mình không thể trải qua hơn 5 phút nghe cha Eliza hát về bia rượu mà không thấy bực dọc được.
Và một lần nữa, phim thập niên 60 đã lừa được mình. Như một lẽ tất yếu, mình đoán Eliza sẽ gặp và yêu anh chàng nhà giàu đẹp trai mà cô đụng trúng ở đầu phim (Freddy), còn đối với ông giáo sư thì sẽ là một tình bạn vong niên đáng ngưỡng mộ. Việc những phim cũ thích ghép đôi trai siêu già với gái trẻ khiến mình phát ngán (và ghê ghê nữa). Đúng là diễn viên đóng vai ông giáo sư rất tài năng, ổng thắng Oscar cho vai đó, nhưng như vậy không có nghĩa là nên chọn họ ngay từ đầu, vênh không chịu được. Vì ổng quá già, mình đâu có ngờ họ thích nhau. Ổng già như ông nội cổ vậy, tóc bạc chớm hai bên và chả phong độ gì, chỉ có nhăn nheo thôi. May mà không ôm hôn, có chắc chết vì kỳ quá. Mình lại còn mới phát hiện ra Audrey Hepburn không hát thực sự trong bộ phim, trừ bài đầu tiên. Vậy là bài hát kinh điển I could have danced all night vốn chẳng phải do gái đẹp hát, nó được thể hiện bởi giọng ca của Marni Nixon. Chân thành cảm ơn Wiki cho thông tin này.

Ngoài những thứ đó ra, My Fair Lady là một bộ phim kinh điển mà lâu lâu xem lại cũng vẫn còn nguyên nét trẻ trung, tươi mới. Bộ phim có câu chuyện thông minh, nhân vật độc đáo, được kể lại bằng phong cách hài hước, dí dỏm. Mình chưa bao giờ là người giỏi rút ra thông điệp cao siêu sau khi xem một bộ phim, như bối cảnh xa hoa của cánh thượng lưu đối lập với mức sống của những người lao động nghèo khổ, như cách cha của Eliza nhận ra khi nghèo khổ thì ông được tự do, còn tiền bạc chỉ trói buộc ông bằng đạo đức và trách nhiệm, mấy cái đó, mình thực sự chả muốn đi sâu vì chưa đủ vốn sống để nói cho đến nơi đến chốn. Cái mình nhớ ở bộ phim là một quá trình makeover siêu thần sầu của cô nàng Eliza Doolittle, hành trình tự mình thay đổi để bản thân để tự biến mình thành con người tốt đẹp hơn, để được yêu thương và tôn trọng. Mình chỉ đơn giản và tận hưởng chuyến hành trình đáng nhớ đó.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về Good Will Hunting

Về La Sinh Môn ( Rashomon 1957)