Về The Little Prince

Mình vừa xem The Little Prince, phim hoạt hình dựa trên tác phẩm Hoàng tử bé. Điều buồn cười là cho dù đây là một trong những quyển sách mình thích nhất, đã đọc đi đọc lại nhiều lần thì mình vẫn không thể nhớ được tên tác giả. Mình đoán mình có thể google rồi điền vào chỗ trống để giấu dốt, nhưng mà lần này mình quá buồn phiền và lười biếng để che đậy nó.
Về quyển sách.
Hoàng tử bé là một quyển sách đặc biệt. Mình không cho rằng tác phẩm kể về bất cứ thứ gì cụ thể, chỉ là Hoàng tử bé và cái tiểu tinh cầu của cậu, hoa hồng của cậu, chuyến phiêu lưu của cậu, con cáo, con rắn, sa mạc, viên phi công. Rồi chú hoàng tử bé nhờ con rắn cắn mình để cậu có thể trở về gặp hoa hồng – tình yêu của cậu. Tiểu thuyết chỉ đơn giản là những mẩu đối thoại, những mảnh chuyện chắp vá với nhau và điều kỳ diệu là chúng không hề rời rạc chút nào. Và ta luôn luôn tìm thấy một cảm nhận gì đó từ cái cách chú hoàng tử nhìn cuộc đời.
Đó là lý do mình đọc Hoàng tử bé nhiều lần. Cứ cách vài năm, cái cách mình đọc Hoàng tử bé một khác. Mình lớn lên, thay đổi, và những câu chữ tưởng như cố định của tác phẩm cũng thay đổi. Sự mới mẻ từ việc đọc Hoàng tử bé xuất phát từ chính sự trưởng thành của mình, và dù tốt, dù xấu, cái sự già đi của mình đã khiến góc nhìn của chú hoàng tử luôn khác biệt, dễ chịu, trong sáng và đôi khi là vô cùng sâu sắc.
Mình vẫn luôn nói về tầm quan trọng của việc chọn đúng thời điểm. Như một bài hát sẽ không buồn đến thế nếu như ta không cảm thấy lạc loài. Hay như một bộ phim mà hồi trẻ ranh mình không thấy hay bây giờ xem lại thì chẳng khác nào tuyệt tác. Và phải đúng ở một giai đoạn nào đó thì mới biết được quá khứ lộng lẫy và vô giá cỡ nào. Cái hay của Hoàng tử bé chính là cho dù đọc ở bất cứ khi nào của cuộc đời, mình đều nhận được một thứ mới. Mình không thích gọi ý nghĩa của một tác phẩm là bài học, nghe nó nghiêm trọng quá. Đối với Hoàng tử bé, đôi khi chỉ là một suy nghĩ mình chưa bao giờ nghĩ tới, một khái niệm quá hiển nhiên mà đôi lúc mình bỏ qua, đôi khi là một ẩn dụ quá lớn lao mà mình chấp nhận không muốn tìm hiểu. Cho dù mình 14, 18, 24 hay sau này là 30, 45 tuổi, nó vẫn sẽ là một Hoàng tử bé mới. Mình thực sự không biết tác giả đã làm thế nào để viết nên điều kỳ diệu đó. Mình đọc Những người khốn khổ của Victor Hugo, giá trị nhân văn của nó cho dù 10 năm trước hay 100 năm sau cũng vẫn vậy, vẫn luôn trường tồn và cố định như mọi tác phẩm văn học kinh điển khác. Còn Hoàng tử bé, cái giá trị mà quyển sách mang lại luôn khác nhau, bởi con người là khác nhau và chính con người cũng khác với chính họ của quá khứ. Nghe triết học vậy đó.
Về phim
Mình đã thực sự không trông đợi gì nhiều vào phim. Chỉ có một vài trường hợp hiếm hoi mà phim hay hơn hoặc bằng với tầm vóc của tác phẩm mà nó chuyển thể. Hoàng tử bé không phải là một bộ phim chuyển thể, nó là một bộ phim dựa trên/phóng tác từ tác phẩm thì đúng hơn. Và công bằng thì mình thích truyện hơn. Như trong kinh tế học người ta vẫn nói: lợi thế của người đi đầu. Mình đã lỡ đọc truyện trước.
Có lẽ mình đã không bao giờ biết bộ phim tồn tại nếu như không lỡ bấm vào trailer của nó trên Youtube. Và nó vượt xa mọi thứ mình mong đợi. Phần đồ họa rất đẹp, câu chuyện hứa hẹn, những màu sắc bay bổng trên một nền nhạc không thể đẹp hơn thế. Và rồi trong sự hồi hộp, chú hoàng tử bé của mình bước ra, nói chuyện với con cáo, và rồi giọng nói của James Franco vang lên “I am not tamed”, rồi nhạc, rồi ánh sáng, nó chắc chắn không thể là một bộ phim dở. Thế nên mình xem, với tất cả mọi sự tập trung và không đặt một chút kỳ vọng nào hết.
Có một điều không thể phủ nhận, phim có phần đồ họa cực kỳ xuất sắc, cá nhân mình thấy phần đồ họa này đẹp hơn Inside out. Những phân khúc về câu chuyện chính, câu chuyện của chú hoàng tử bé, những vì sao, những tiểu hành tinh,… Nó đều lộng lẫy, bay bổng, tươi sáng và hợp lý đến đáng ngạc nhiên. Mình không biết những từ ngữ chuyên môn cho những cách tạo hình như vậy, rồi góc quay này nọ. Cái mà mình thấy là một không gian rất sáng, rất tươi tắn, và chú hoàng tử bé của mình giống y như mình nghĩ về chú. Ít nhất bộ phim đã không bỏ quên những nét vẽ trong quyển sách, thế nên chú hoàng tử mới thân thiết đến vậy. Mọi thứ không cần quá hào nhoáng để có thể tạo nên một hình ảnh đẹp, đôi khi chỉ là con cáo đứng sau gốc cây và giảng giải cho chú hoàng tử về cách bắt đầu một tình bạn.
Mình không thể lý giải tác phẩm bởi mỗi lần đọc mỗi khác, nhưng phim thì mình nghĩ mình làm được. Cái hay và cũng là cái dở của phim chính là một bộ khung cố định về câu chuyện. Những tầng ý nghĩa của truyện được đan cài cốt truyện trong phim, làm rõ nó hơn và cũng chính vì rõ hơn, cái mới mẻ trong mỗi lần đọc ở sách đều không còn nữa. Nhưng mà mình không bảo nó không tốt.
Đây là quan điểm cá nhân, đúng sai gì thì kệ. Ít nhất mình có một chính kiến.
Phim cố gắng đề cập ba mối quan hệ chính:
Tình yêu: chú Hoàng tử bé – hoa hồng.
Tình bạn: chú Hoàng tử - con cáo/ ông già – cô bé
Sự mất mát và giá trị của trưởng thành.
Ba khía cạnh này đan xen với nhau và đan xen trong những khía cạnh khác của cuộc sống, những con người kỳ quặc mà chú hoàng tử gặp trên đường đi, rồi con rắn, những ngôi sao bị giam, tình cảm gia đình, những con người bận rộn chỉ biết làm việc và làm việc, hai thế giới đối lập giữa người lớn và trẻ nhỏ,… Đôi khi mình quên mất là Hoàng tử bé đề cập tới rất nhiều thứ, điều buồn cười là sách thì rất mỏng và chẳng có lấy thứ gọi là mạch truyện.
Phần đầu của phim kể về những thứ ta đã biết: câu chuyện của chú hoàng tử từ lúc đầu cho đến khi chú quyết định nhờ con rắn cắn để có thể rời bỏ “thân xác” nặng nề mà về với hoa hồng của chú, câu chuyện về một cô bé không muốn lớn lên để trở thành một người lớn nhàm chán và bó buộc. Rồi ông bạn phi công già vào bệnh viện như một động lực để cô bé trèo lên cái máy bay đó, bật vào những tầng mây và tung tăng trong trí tưởng tượng lúc này phụ thuộc hoàn toàn vào biên kịch. Thành thật mà nói, mình đã rất bất ngờ.
Mình không dám tin là có ai đó nghĩ thêm về một cái kết cho một tác phẩm quá lớn như Hoàng tử bé. Như mình, mình không bao giờ nghĩ xa hơn về việc chú Hoàng tử của mình có được đoàn tụ với hoa hồng không. Với mình, chú hoàng tử đã chọn cái chết, và nó thực sự rất buồn bã nhưng mình không bao giờ nghi ngờ việc chú được về nhà với hoa hồng của chú. Một cái kết như vậy là được rồi, nó mở ra vừa đủ và mang một dư âm buồn và thanh thản.
Nhưng nếu chỉ dừng ở nửa đầu thì bộ phim quả thật chẳng có gì ngoài việc kể lại quyển sách bằng hình ảnh. Biên kịch, đạo diễn đã làm thêm một bước táo bạo khi cố gắng giải quyết trọn vẹn ba mối quan hệ chính ở trên bằng chuyến đi tìm chú hoàng tử của cô bé kia. Điều buồn cười là 99,9% độc giả của quyển sách đều đinh ninh chú hoàng tử đã chết ngắc hoặc đang hạnh phúc với hoa hồng của chú ở nhà, chỉ có mỗi cô bé đó đinh ninh rằng chú hoàng tử đang mất tích và phải đi tìm cho bằng được. Cái tinh cầu mà bộ phim sáng tạo ra, nơi thế giới chỉ toàn người lớn, khô cứng, xám xịt, đầy luật lệ, không trí tưởng tượng, nơi những con người tham lam, giả tạo sống cùng với nhau, nơi con người giam giữ những vì sao, chính là hình ảnh ẩn dụ mới. Hình ảnh những đồ đạc bị nghiền nát thành ghim giấy, rồi không có trẻ con, bàn học giam giữ, bộ phim đang cố gắng tạo ra nhiều phép so sánh, đối chiếu với thế giới thực tế của cô bé. Mình thì mình không muốn đào sâu gì về tiềm thức này nọ, rồi thì tâm lý học, nội tâm gì đó. Cái mình thấy là một nỗ lực không thành trong việc kết nối phần trước và phần sau của bộ phim khi để các nhân vật chú hoàng tử bé gặp trong chuyến đi đều xuất hiện trong cái hành tinh người lớn ấy. Bản thân mình thấy điều này là vô lý vì bọn họ đều có hành tinh của mình, đều có cuộc sống và suy nghĩ, động lực tồn tại riêng, cho dù nó có ngu ngốc. Chẳng có lý do gì để họ rời bỏ nơi của mình mà tới làm việc cho the businessman cả.
Trong hành trình tìm kiếm chú hoàng tử bé, cô bé đã gặp chú hoàng tử lớn. Đó là điều đáng tiếc nhất của bộ phim, để chú hoàng tử bé lớn lên. Mình đã vô cùng thất vọng khi nhìn thấy chú hoàng tử của mình đã trưởng thành, vụng về, thất bại, lo sợ và quên mất mọi thứ. Mình đoán chú hoàng tử của mình là một tượng đài và cái làm chú hoàng tử của mình tồn tại là sự trẻ con vĩnh viễn của chú. Tình cảm ngây dại của chú với bông hoa hồng, cách chú làm bạn với con cáo, rồi cách chú nhìn sự ngờ nghệch của người lớn mà không phán xét gì nhiều, cái hay ho nhất của chú hoàng tử của mình là chú là trẻ con. Khi chú chết, chú bỏ lại thân xác của một đứa trẻ và sẽ mãi mãi vẫn là một đứa trẻ. Mình không cần một bộ phim ở đâu tới phá hủy hình ảnh đấy. Mình không cần một chú hoàng tử lớn kềnh và phải nhờ một con bé nhắc nhở cho chú biết chú còn có một bông hoa hồng.
Mình đoán sự giải thoát những ngôi sao giải quyết cho cách cô bé đã chấp nhận việc trưởng thành nhưng sẽ trưởng thành theo cái cách cô bé muốn, không quên mất những ngôi sao trên trời. Mình đoán đó chỉ là một mong ước bởi khi đã là người lớn, cô ấy sẽ luôn mất mát một phần của trẻ thơ. Như trong Inside Out, khi Bing Bong chết, đó mới là thực tế, và rằng sẽ luôn có những phần ký ức chúng ta buộc phải lãng quên để trưởng thành. Mình đoán cô bé đó sẽ luôn giữ lấy ước mơ và chú hoàng tử bé của cô, vậy là đủ.
Chú hoàng tử lớn đã không thể đoàn tụ với hoa hồng. Cô ấy đã chờ chú quá lâu và khô héo. Mình đoán câu chuyện tình quá buồn cho một phim thiếu nhi. Vậy nên hãy cứ để mặt trời mọc, ngôi nhà của chú tự nhiên trở nên đẹp đẽ hơn và chú hoàng tử của tôi bé trở lại. Kết thúc có hậu. Khi chú hoàng tử nhìn những vầng sáng của mặt trời, chú nhìn thấy hoa hồng và không còn cảm thấy cô đơn nữa. Vớ vẩn, bộ phim phá vỡ niềm tin rằng chú hoàng tử không bao giờ lớn lên, không bao giờ quên lãng, bây giờ còn phá luôn cả cái kết hạnh phúc giữa chú hoàng tử và hoa hồng. Với mình, chết là một sự chia cắt, và nhìn vào trong tim mình để không còn cô đơn chỉ là một sự lừa dối.
Nhưng đó là một suy nghĩ hợp lý dành cho cô bé, ít nhất là trong phim, để cô ấy nhận ra rằng khi cái chết mang người bạn già của cô ấy đi, cô ấy cũng không quá đau khổ. Cũng giống như tình bạn giữa chú hoàng tử và con cáo, tình bạn giữa ông già và cô bé cũng đặc biệt, nó khiến một người đặc biệt trong số hàng triệu người khác, bởi vì ta là bạn của nhau. “Tame” – đó là một từ hay.
Dù có những điểm cá nhân mình không thực sự thích, The Little Prince vẫn là một bộ phim hay. Những tình cảm, mối quan hệ trong phim không quá nặng nề, không tập trung nhiều vào một vấn đề chủ đạo quá nhiều, bao quát nhưng không quá triết lý, âm nhạc hay, hình ảnh đẹp. Giọng lồng tiếng thì không chê vào đâu được. Mình thực sự nghĩ bộ phim không cần một cao trào, nó đã có đủ những chi tiết cảm động cần thiết và cả những khoảng trống để khán giả tự đắp vào bằng chính suy nghĩ của mình.
Đáng tiếc đây là một trong những phim hay nhất năm nhưng không nhận được nhiều sự ca ngợi như nó xứng đáng được thế.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo