Về The Boy and the Beast

(Spoiler Alert)

Bất chấp kỳ vọng cao, bộ phim vẫn là một sự bất ngờ lớn về chất lượng.
The Boy and the Beast không có một cốt truyện quá ấn tượng hay sáng tạo. Phim kể về một cậu bé Ren mồ côi mẹ, cha bỏ đi đâu không rõ, vì không muốn sống với họ hàng nên cậu này đã bỏ nhà đi bụi. Ấn tượng ban đầu của mình về Ren thật sự là không tốt đẹp lắm. Xét cho cùng thì những người họ hàng đó cũng chưa đánh mắng hay làm gì cậu, người ta dự định sẽ nuôi nấng, cho ăn học đàng hoàng, ít nhất cũng nên có lời cảm ơn chứ. Nhưng không, em ấy vô cớ gào thét um sùm rồi bỏ nhà đi lang thang. Em ấy có thể “arigato” với một “con chuột” hoang em ấy nuôi khi con đấy rúc rúc vào đầu em nhưng không thể nghĩ đến một tá người lớn ngoài kia đang hoang mang không biết em lạc đi chỗ nào. Với mình, Ren là một thằng nhóc xốc nổi, không biết lý lẽ và láo xược. Chắc vậy em mới hợp với the con Gấu.
Vì mình không rành tiếng Nhật nên sẽ gọi tên nhân vật qua hình dáng con vật của họ. Theo một mô típ hết sức cũ rích, song song với thế giới con người là thế giới của Beast. Ở vùng đất đó thì một con thỏ có giọng dê cụ được tôn làm Tông sư, Tông sư Thỏ sắp về hưu, đầu thai làm thần gì đó nền cần tìm một kẻ khác kế vị. Hai ứng cử viên nặng ký nhất là một con lợn lòi đức cao vọng trọng, được mọi người yêu quý với hàng tá môn sinh đàng hoàng cùng một vợ hai con gia đình hiện đại mẫu mực. Kẻ còn lại là một con gấu nóng nảy, hung dữ, ích kỷ, chẳng có môn sinh nào. Tông sư Thỏ bảo Gấu rằng muốn có cơ hội làm Tông sư thì phải có học trò, thế là trong một dịp đi chơi, con Gấu đã trông thấy Ren và dụ em ấy làm học trò mình. Thằng nhóc vì trốn công an và cũng chẳng có chỗ nào khác để đi nên đã chạy theo con Gấu, vô tình tìm được đường vào thế giới Beast.
Sau bao nhiêu bất đồng, đánh lộn, rượt lộn và xung khắc, Ren và Gấu cuối cùng cũng tìm được cách sống chung, trở thành thầy trò cùng tiến. Ren thì mạnh mẽ hơn, trở thành một kiếm sỹ đàng hoàng, đánh ngang ngửa với ông thầy. Còn con Gấu trở nên linh hoạt, không chỉ biết đến bản thân mà còn biết cách nhìn đối thủ nữa. Đồng hành với bước đường kết bạn của cặp đôi trẻ trâu Ren – Gấu là một con Lợn làm nhà sư và một con Khỉ ăn không ngồi rồi.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, Ren đã lớn, nếu mọi chuyện cứ diễn ra vậy thì cũng hay, nhưng chán chết. Thế nên bộ phim đưa tới bước ngoặt khi mà Ren nhà ta tìm được đường về thế giới con người. Cậu may mắn quen được gái nhà lành, được gái chỉ cho cách đọc viết, thậm chí còn muốn cậu học đại học. Ren còn tìm được người cha năm xưa, cùng ông này hàn gắn đủ kiểu. Thế rồi cậu cãi lộn với con Gấu, bỏ xứ Beast mà đi về Tokyo sống với cha.
Thế rồi tính vớ vẩn trỗi dậy, cậu Ren này chắc được sống với Beast lâu nên dậy thì không đàng hoàng. Mới thoắt cái chưa kịp hiểu gì đã cãi nhau với ông cha, nói ba thứ vớ vẩn rồi bỏ chạy. Cậu lại chạy về Beast để cổ vũ cho con Gấu trong trận chiến tay đôi giành ngôi Tông sư. Chẳng ai ngạc nhiên khi nhờ được Ren cổ vũ, anh Gấu nhà ta hăng máu vịt lên và đấm xỉu con Lợn lòi, giành ngôi vương miện danh giá. Một trong hai đứa con của anh Lợn lòi là con người, vì thấy cha mình thất bại nên tâm ma bộc phát, cậu này đã lấy kiếm đâm trọng thương con Gấu. Cậu Ren nhà ta cũng suýt bị tâm ma kiểm soát nhưng may mắn thắng được, liền bày đặt khăn gói đi “giúp đỡ” thằng kia. Cuối cùng, Ren thắng, thằng kia thua, tâm ma hóa giải. Mọi thứ tốt đẹp.
Bản thân cái cốt lõi của câu chuyện không mới, nhưng cái cách những đường dây nhỏ vận hành lại khiến nó không hề cũ, thậm chí vượt xa lề lối thông thường của một phim hoạt hình điển hình.
Trước hết là về nhân vật. Trong toàn bộ bộ phim không có nhân vật phản diện, không có ai quá tốt, không có ai quá xấu, họ đều là con người, là Beast với những ưu khuyết điểm riêng của bản thân. Chẳng có hai chiến tuyến nào ở đây hết, không ai quá ngu ngốc, không ai quá thông minh, tính cách cũng không được làm quá để gây cười như mọi phim hoạt hình khác. Họ đều có phần trong câu chuyện, không dư thừa, không thiếu thốn và tính cách đó là đủ và cần thiết, nó không làm họ lẫn với nhân vật khác nhưng cũng không đi quá xa đến mức phi lý. Thậm chí như việc thằng nhóc con nuôi của con Lợn lòi, việc nó bị tâm ma khống chế không phải vì nó xấu, nó chỉ đơn giản là bị “khủng hoảng nhân thân” tuổi 20 mà thôi.
Hầu hết các nhân vật trong The Boy and the Beast đều thú vị. Con Gấu hung dữ, kém giao tiếp, ích kỷ, để ý mấy thứ nhỏ mọn nhưng chăm chỉ luyện tập, có quyết tâm đạt tới tầm cao. Đập tan định kiến mà Tây du ký mang lại, sư Lợn gầy gò, râu lởm chởm, không ham ăn, hám gái hay lười biếng, sư này phát ngôn chậm rãi, đúng đắn, uống trà thanh tao, nhàn nhã. Con Khỉ hay bàn lùi nhưng trung thành và khi đưa ra lời khuyên thì cũng cần thiết và hợp lý. Con Gấu, Lợn, Khỉ đã cùng nhau nuôi dạy Ren từ một thằng nhóc nhiễu sự ban đầu thành một anh chàng biết nghĩ hơn. Tuy tính cách vẫn lúc này lúc nọ, nhưng nói chung là tạm được.
Con Lợn lòi danh gia là một hình mẫu điển hình của một kẻ có vẻ hoàn hảo. Tài năng, độ lượng, được kính trọng, sự nghiệp thành đạt, gia đình hạnh phúc. Bản thân thì luôn giữ được thái độ bình tĩnh, không kiêu ngạo, không hiếu thắng, đại khái chẳng chê được chỗ nào và chính mình cũng muốn con Lợn lòi được làm Tông sư. Nhưng đây là một ví dụ của việc đôi khi cha mẹ chẳng làm gì sai nhưng vẫn cứ sinh ra đứa con sát nhân. Con Lợn lòi giấu mọi beast mình nhận nuôi một thằng nhóc mồ côi, nuôi nó như một Beast, thương yêu nó rất nhiều, nuôi dạy nó đầy đủ. Thế nhưng khi em ấy nhận ra mình không giống cha mẹ, không giống như ông cha Lợn lòi mình thần tượng, em ấy bị “khủng hoảng nhân thân” khi không xác định được mình là ai, sau đó là vụ tâm ma um sùm, khá giống với bi kịch của anh Loki và Odin trong phim Thor. Ai trong đời cũng từng hỏi bản thân cái câu này, cũng có cái khủng hoảng niềm tin dữ dội đó, chỉ là không có tầm vóc lẫn điều kiện như em nó để đâm chém, phá hoại tài sản thôi. Mình đồng cảm với cái tâm ma của Ren, của em kia, mà cuối cùng, chỉ có Beast mới không có tâm ma, mình thì chỉ là con người.
Thằng con thứ hai của con Lợn lòi ban đầu tưởng là đứa xấu chơi, ai dè lại là đứa tốt, cũng như cha nó, thua thì không để bụng, nó khiến mình khá bất ngờ. Hay như vị Tông sư hùng mạnh kia hóa ra lại là một con thỏ trắng ăn bận hoa lá cành. Cô bạn gái của Ren tuy chẳng giúp gì nhiều nhưng tính cách cũng không bánh bèo và cũng chẳng cần ai giải cứu (vì có ai định bắt cóc nó đâu mà cần cứu). Ông bố bỏ rơi con hóa ra cũng không tệ và cũng đã tìm Ren suốt mấy năm nay.
Mâu thuẫn, cao trào trong truyện không mới, bài học thì cũng vừa vừa, không cần phải quá sâu sắc mới thấy hay. Đôi khi vừa đủ là được, chứ cứ như Công chúa ống tre của Ghibli thì không thể đồng cảm được, vì mình nông cạn quá mà.
Nét vẽ đẹp, mình thực sự đã rất bất ngờ. Đầu tiên từ tạo hình nhân vật. Sự thật là mình có thể tưởng tượng từ một Beast ra một người là sẽ như thế nào, bởi vì nét đặc trưng của mỗi nhân vật không chỉ được thể hiện qua nòi giống của chúng, nó còn biểu hiện ở quần áo, màu lông, nét mặt và ánh mắt nữa. Những điểm nho nhỏ trong phim cũng đáng được khen. Như thời gian Ren mới gặp Gấu, hình vẽ trên tường chỉ có hình anh Ngựa nắm tay chị Ngựa. Mấy năm sau, khi Ren lớn, trên tường vẫn là anh Ngựa nắm tay chị Ngựa, nhưng có thêm chị Ngựa nắm tay bé Ngựa, gia đình hạnh phúc. Riêng đoạn đánh nhau với tâm ma trên đường phố Tokyo, cảnh con cá voi Moby Dick (mình đoán là Moby Dick) với ánh xanh, rồi thanh gươm với ánh đỏ. Mình đoán nếu xem ngoài rạp chắc phê lắm, bởi nó thực sự rất sống động và đẹp mắt.
Như sự không hoàn hảo trong tính cách nhân vật, bộ phim cũng không hoàn hảo, đó là lý do nó không thể sánh ngang được với những bộ phim kinh điển của Ghibli, đặc biệt là cái sự không hoàn hảo của nó lại to đùng đùng: nguyên cái kết thúc.
Con Gấu bị đâm trọng thương, vì nó muốn bảo vệ và chăm sóc Ren nên đã quyết định lấy tư cách Tông sư vừa có được để “đầu thai”. Mình không biết “đầu thai” ở đây có ý nghĩa như thế nào đối với thế giới Beast, nhưng nếu mình muốn đầu thai, mình muốn là một sinh vật, có tiếng nói, có cuộc sống, có suy nghĩ, có trải nghiệm. Nhưng không, con Gấu đầu thai thành một thanh gươm, một báu vật vô tri vô giác, không có tiếng nói, không thể ăn uống, không thể tự mình quyết định. Vậy thanh gươm có được trừ gian diệt ác, tham gia vào những trận tỉ võ đỉnh cao không? Không, thanh gươm báu được đưa vô trong người Ren để hạ gục tâm ma của cậu, đại khái là vừa ra đời cái là mất dạng luôn. “Kiếm trong tim” mà lị, Ren thế nào cũng là một kiếm khách anh hùng rạng danh sư phụ? Mơ đi cưng, cậu Ren trở về sống luôn ở thế giới con người và không bao giờ cầm kiếm nữa. WTF?
Mình thực sự tức tối cái kết thúc đó. Cái kết thúc đó đúng là không ngu muội và phần nào hợp lý. Ren là con người, cậu không thuộc về thế giới Beast. Nhưng thằng nhãi con nuôi của Lợn lòi kia còn được ở lại, vẫn được cha mẹ và thằng em Lợn lòi yêu thương, vậy tại sao Ren không ở lại. Hay ít nhất là đi đi về về, truyền tải tinh thần của sư phụ nó cho những người khác.
Không những tài năng của em nó bị phí hoài một cách trắng trợn, mình còn không tin một người dành hầu hết thời gian trưởng thành của nó ở một nơi như xứ Beast mà lại muốn rời đi. Theo những gì mình thấy, xứ Beast tốt đẹp hơn nhiều, không khí, quan cảnh, tính nết dân cư, cuộc sống thanh tao, đẹp đẽ và thuận với tự nhiên hơn. Và chẳng lẽ Ren không thấy hụt hẫng khi trở lại Tokyo hiện đại và lạnh lùng. Chưa kể, sau gần 10 năm sống với Beast với tinh thần của một kiếm sỹ, cậu này sẵn sàng bỏ lại hết, không xài vào việc gì, cứ ăn học, làm sinh viên, đi làm, trở thành một con người bình thường/tầm thường trong bất cứ chuyến xe điện ngầm đông đúc nào. Mình đã đọc về cuộc sống của những người bên Nhật, tưởng tượng về việc Ren chọn cuộc sống đó chứ không phải ở Beast, mình chỉ muốn đấm vô mặt thằng biên kịch. Nó tầm thường hóa nhân vật và bộ phim.
Cái kết thúc làm mình khó chịu. Có thể như ẩn dụ về Moby Dick là đấu tranh với bản thân và có thể nơi Ren thuộc về là thế giới con người, để cậu lấy vợ, có con, trở thành một công chức tầm thường nhưng có một cái kiếm quý ở trong tim. Nhưng hy sinh một nhân vật thú vị như con Gấu cho một con người như Ren là không đáng. Sao không thể là một kết thúc siêu cũ mòn là thầy trò nó cùng song kiếm hợp bích tiêu diệt tâm ma, cứu mọi người. Con Lợn lòi làm tông sư kế tiếp, con Thỏ “đầu thai”, Ren đi đi về về giữa hai thế giới… Ai mà không muốn đi đi về về giữa hai thế giới đó? Ai mà không muốn đến xứ Beast chứ?

The boy and the Beast vẫn là một trong những phim hoạt hình hay ho mình xem trong suốt một thời gian dài. Thậm chí một vài điểm trong đó còn vượt xa những phim Pixar gần đây. Quá đáng tiếc cho một phim hay khi mà đạo diễn và biên kịch muốn vượt qua một kết thúc thông thường (như mình muốn ấy) để khiến nó sâu sắc và ý nghĩa hơn nhưng cuối cùng lại là phá hỏng nó.

Nhận xét

  1. Hồi xem The Boy and the Beast cũng kì vọng dữ lắm, vì đã rất thích 2 phim trước đó của Studio Chizu là The girl who leapt through time và Summer Wars. Phim rất ổn cho đến đoạn cuối wtf ...
    Haizzz

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo