Về Vertigo - một phim nữa của Hitchcock
Theo mình thì Vertigo của Hitchcock còn bi kịch hơn Romeo and
Juliet của Shakespears.
Mình biết so sánh như thế thì rõ ngu, chẳng có gì có thể khiến hai
tác phẩm này đặt lên bàn cân cả. Ngoài điểm chung duy nhất là kể một câu chuyện
tình không có hậu, Vertigo và Romeo and Juliet chẳng giống nhau về thể loại
nghệ thuật, về thời đại, về ngôn từ (điện ảnh và văn học), về nhân vật, chả có
cái tương tự cả. Nhưng người ta vẫn thường lấy Romeo and Juliet ra làm một ví
dụ kinh điển về một câu chuyện tình yêu bất hạnh, bản thân mình thì thấy
Vertigo còn buồn khổ hơn thế và vượt xa Romeo and Juliet. Mình mặc kệ thiên hạ
không đồng tình hoặc ca ngợi Romeo and Juliet như thế nào, cho dù văn phong và
thủ pháp nghệ thuật của Shakespear có phi thường ra sao, mình là mình không có
cảm tình với mấy bé tuổi teen bỏ cha bỏ mẹ tử tự vì tình. Nó chỉ đơn giản là
quá đần độn để chết bởi một chuyện lãng xẹt như vậy.
Vertigo là một phim “thriller”, ít nhất thì người ta, hãng phim và
trên wiki nói thế. Nhưng nó không đủ ly kỳ đối với mình. Ừ thì ban đầu có một
chút bí ẩn, ma mị để hấp dẫn khán giả, gần gần cuối lại là một vụ án mạng tinh
vi, nhưng mọi thứ chỉ là để làm nền cho một câu chuyện tình tuyệt vọng, mấy thứ
ghê gớm kia hóa ra chỉ là gia vị được nêm nếm vừa đủ. Sự thật là nếu không có
đám gia vị và cái mác “thriller”, có lẽ mình không đủ kiên nhẫn xem Vertigo,
mình vốn không thích mấy phim lãng mạn bất hạnh như thế.
John là một cựu “công an điều tra” mắc chứng sợ độ cao. Sợ độ cao
ở đây là bệnh tật thật sự, là nhìn trên cao xuống sẽ cảm thấy chóng mặt
(Vertigo = chóng mặt = tên phim), quay cuồng, khó thở, ngất xỉu, đại loại mấy
thứ nguy hiểm thế, không phải như mấy em gái bánh bèo thích nép vào lòng trai
mỗi khi đi được hai tầng lầu đâu. John được một người bạn cũ, Gavin, nhờ theo
dõi giùm vợ mình. Gavin nói cô vợ gần đây có biểu hiện khác thường, dạng như
mất trí, bị “ám” nên nhờ John giúp đỡ, anh chàng cũng nể mặt nhận lời.
Madeleine, cô vợ Gavin là một người phụ nữ tóc vàng (Hitchcock thích mấy cô tóc
vàng) xinh đẹp, quý phái và có thần thái vô cùng trang nhã và từ tốn. Mình phải
nói là Kim Novak quá chi là đẹp, với gương mặt thanh lịch, sang trọng và một
vóc dáng sexy không thể che giấu, ngoại trừ cặp lông mày kỳ cục thì chẳng có gì
để chê trách, đến mình là con gái mà con mê nữa, huống chi anh chàng John. Sau
khi theo dõi những hành động lạ lùng của Madeleine, cộng thêm với những thông
tin khác từ Gavin, John đã khám phá ra được bí ẩn. Tổ tiên của Madeleine là một
người phụ nữ xinh đẹp bị bồ đá và cướp con, hậu quả là bà này bị khùng và tự
sát. Máu huyết và gen di truyền gì đó của bà này bây giờ chuyển tới đời con
cháu là Madeleine. Nói tóm lại, cụ kỵ đang trở về, chiếm hữu đứa cháu và sớm
muộn sẽ khiến Madeleine tự tử trong vô thức. Nghe ra thì vô lý nhưng tình tiết
được cài cắm và dẫn dắt trong phim lại vô cùng thông minh, logic và khả thi.
Anh chàng John không thể cưỡng lại sự cuốn hút của Madeleine, sau
lần cứu người đẹp khỏi chết đuối, anh đã nói chuyện, rủ rê cô này đi chơi,
miệng thì bảo là muốn bảo vệ cô ấy khỏi chính mình, thực chất là dụ dỗ vợ người
ta. Cuối cùng thì hai người thích nhau, phim ngày xưa, chỉ có hôn hít chứ không
có cảnh nóng gì, thế nhưng mình nghĩ có cái gì đó rất gợi cảm trong cái cách
hai diễn viên chính tương tác, hoặc chỉ đơn giản là gương mặt và giọng nói của
Kim Novak gợi cảm, hoặc đơn giản hơn, phim ngày xưa không cần xôi thịt để ép
người xem nhận thấy tình yêu.
Cho dù có tình yêu tội lỗi của John chắp cánh và bảo vệ, cuối cùng
thì Madeleine cũng không thể thoát khỏi lời nguyền của cụ cố, cô nhảy từ tháp
chuông nhà thờ xuống. John, với chứng sợ độ cao, đã không thể làm gì ngoài việc
nhìn người yêu dấu lao đầu xuống dưới. Anh chồng mọc sừng Gavin đương nhiên
chẳng biết gì và còn tha thứ cho John. Nhưng chính bản thân John lại không thể
tha thứ cho chính mình. John dành vài tháng trong nhà thương điên/trại tâm
thần/viện chăm sóc thần kinh gì đó bởi dằn vặt vì cái chết của cô bồ. Sau khi
tạm khỏi bệnh, anh này lang thang trên đường, tìm đến những nơi mình và người
thương đã từng đi qua, vô tình làm sao lại nhìn thấy một cô gái có gương mặt và
vóc dáng giống hệt Madeleine, chỉ khác vài điểm nho nhỏ là mái tóc nâu và tính
cách một trời một vực. Anh chàng tâm thần đương nhiên theo cô gái lạ về nhà,
thổ lộ chuyện của mình với cô này, thậm chí còn mời cô gái đi ăn tối. Judy, cô
gái giống Madeleine, không những không thấy cha già này hơi “creepy” mà còn
nhận lời đi ăn với anh.
Sự thật được Judy hồi tưởng lại, hóa ra cô này được Gavin thuê để
đóng giả Madeleine. Với một câu chuyện thêu dệt từ quá khứ, Madeleine giả đã
khiến John tin rằng mình thực sự có khuynh hướng tự tử. Và vì chứng sợ độ cao,
anh này không thể leo lên tháp chuông nhà thờ và chứng kiến cảnh anh chồng
Gavin quăng xác Madeleine thật từ trên cao xuống. Ngoài ra thì John, một cựu
cảnh sát, tin rằng Madeleine tự sát và sẵn sàng làm chứng cho điều này, sẽ
chẳng có nhân viên điều tra nào rảnh rỗi đi bới móc thêm vào một kết luận rõ
như mặt trời thế kia. Bản thân mình thấy vụ sát hại vợ để hưởng thừa kế của
Gavin quá kỳ công và tinh xảo, thế nên nó có cả đống đống sơ hở mà thiên hạ
không dám đề cập trong phim. Mọi thứ chỉ đơn giản là anh chồng Gavin đã có một
âm mưu “hoàn hảo”, không ai nghi ngờ cũng như có thể lật lại mà kết tội hắn cả.
Đạo diễn đã mặc định một điều, sự thật hoàn toàn đã có thể chìm vào bóng tối
nếu như không xảy ra một điều mà không ai lường trước: Judy thật lòng yêu John.
Tình yêu mù quáng đã khiến Judy gạt qua mọi rủi ro bị lật tẩy khi
đi chơi với một cựu “cớm”. Cô này còn chấp nhận để anh chàng tâm thần ăn diện
và thay đổi bản thân sao cho giống Madeleine ngày xưa, miễn là John ở bên cạnh
cô. Nhưng cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, với một chi tiết hết sức ngu
xuẩn là chiếc vòng cổ, John nhận ra được sự thật. Sự tức giận đã khiến anh vượt
qua được chứng sợ độ cao, ép Judy đến tháp chuông hiện trường vụ án, bắt cô này
nhận tội. Khi Judy cầu xin John tha thứ và nói cô sẵn sàng làm mọi thứ cho anh
chỉ vì cô yêu anh, bất ngờ cả hai thấy một bóng đen lù lù xuất hiện. Judy sợ
hãi và rơi xuống tháp chuông, chết như Madeleine thật. Bóng đen hóa ra chỉ là
một bà xơ già. Cảnh cuối là John nhìn xuống, phía dưới có lẽ là xác của Judy.
Với cách kể của mình thì câu chuyện trở nên khá rẻ tiền và không
còn xíu lãng mạn nào. Nhưng sự thật là bộ phim có và nó có nhiều hơn cả những
bộ phim tự gọi mình là phim tình cảm hiện tại. Mình có lẽ vẫn hơi khó chịu về
chuyện nam chính John già như quả cà đi hôn hít một cô gái trẻ trung thanh
lịch, mà theo kịch bản mới có 26 tuổi. Nhưng độ nóng giữa hai người là có thật,
rằng nhìn cặp đôi đó có sự kết nối, có cái tình cảm trong sáng và thực sự sâu
đậm. Cách John nhìn Madeleine, cách anh chàng chăm lo cho cô gái, cách cô gái
từ tốn đáp trả. Cảnh hai người nói chuyện với nhau chỗ cái cây cổ thụ, nghe vừa
nồng nàn vừa tuyệt vọng. Tình cảm của hai nhân vật thật đến mức người ta quên
mất rằng họ đang ngoại tình, rằng họ đã sai, rằng anh chồng Gavin thực ra chẳng
đáng bị như thế.
Lúc John bắt đầu có tình cảm với Madeleine, mình đã nghĩ rằng anh
chàng sẽ bị lừa. Đây là một phim thriller của Hitchcock, chả có ma quỷ nào ở
đây hết, cô gái và Gavin chỉ đang định lừa John một điều gì đấy. Khi cả hai
càng lúc càng sâu đậm, mình chỉ biết thở dài chê anh chàng dại gái. Có cái gì
đó ở một Madeleine dường như không thật, ai mà hoàn hảo với lại yêu nhau nhanh
như điện xẹt thế được. Anh kia rõ là sẽ bị lừa.
Đúng là John có dại gái nhưng đó đâu thể bằng Judy dại trai. Bất
chấp mọi thứ, cô đi chơi với John rồi bẽ bàng nhận ra anh chỉ yêu có Madeleine
giả. Tuy Judy chính là Madeleine giả, John lại không yêu cô. Mặc dù Judy đã rất
cố gắng để khiến John yêu con người thật của mình và quên đi Madeleine giả kia,
nhưng mọi cố gắng đó đều không được hồi đáp và chỉ khiến tình cảm của cả hai
thêm bi đát. Kim Novak đóng hai cô gái với phong thái khác biệt hoàn toàn.
Madeleine giả sang trọng, chậm rãi còn Judy hoạt bát và cũng tầm thường, bình
dân hơn. Cuối cùng, khi nhận ra John sẽ chỉ yêu mỗi Madeleine giả, Judy chấp
nhận việc John đang biến mình trở thành Madeleine anh yêu. Một cô gái bình
thường sẽ không bao giờ chấp nhận điều ấy, huống hồ Judy còn nguyên một cái án
“tòng phạm” giết người treo lửng lơ trên đầu. Nhưng không, cô yêu John và cứ muốn
ở lại, mặc dù biết chẳng có tương lai tốt đẹp nào bước ra từ đó cả. Chẳng biết
giữa Judy và John, ai mù quáng hơn?
Mình nói Vertigo bi kịch hơn Romeo and Juliet ở chỗ rằng tình yêu
nhân vật không những tuyệt vọng, nó còn không có thực. Ít nhất Romeo và Juliet
biết tình cảm dành cho nhau nhiều như thế nào, và cho dù có ngu muội, họ chết
mà biết rằng người kia yêu mình và chết bên cạnh nhau. Còn trong Vertigo, John
yêu một người không tồn tại đến mức mất trí, còn Judy yêu một người mãi mãi
không bao giờ yêu cô đến nỗi mất mạng. Tình yêu của họ không những tuyệt vọng,
nó còn rất cô đơn và toàn là toan tính.
Đến giờ người ta vẫn đang tranh cãi xem Judy trượt chân ngã hay cô
cố tình tự sát. Mọi giả thuyết đều có cái lý của nó. Lúc mới xem thì mình nghĩ
Judy sợ hãi và chẳng may trượt chân ngã vì chẳng có lý do gì một người có tính
cách như cô lại tự tử hết. Đó có thể là lời lý giải của hầu hết khán giả khi
kết thúc bộ phim. Mọi thứ diễn ra quá nhanh và việc Judy ngã xuống tháp chuông
cũng không quá phức tạp để nghi ngờ. Gương mặt cô gái sợ hãi, cô lùi lại, tiếng
hét thất thanh.
Nhưng nếu nghĩ lại, cái câu
nói của John “There’s no bringing her back”, đó thể coi đó như là một dấu chấm
hết cho mọi hy vọng được ở bên John của Judy. Anh đã rất tức giận vì bị cô lừa
dối, bị lợi dụng để trở thành một công cụ trong một vụ giết người. Đã thế, Judy
còn lượn lờ trước mặt anh, nói bao nhiêu điều dối trá khác. Nhưng trên hết,
John nhận ra tình yêu của đời mình chỉ là một màn kịch. Madeleine mà anh yêu
vốn dĩ chưa bao giờ tồn tại. Hình dáng đó là của Judy, nhưng tính cách, giọng
nói, điệu bộ cao quý, những thứ anh yêu đến cuồng si ấy hóa ra không có thật.
John đã từng mất trí vì tưởng Madeleine chết, thử tưởng tượng anh sẽ như thế
nào khi nhận ra sự thật. Đoạn cuối, khi mọi thứ được phơi bày và tình yêu của
John hóa ra chỉ là một ảo ảnh, John vẫn chỉ nói anh yêu Madeleine. Anh không
yêu Judy và căm thù cô vì hủy hoại hình ảnh Madeleine anh yêu. “There’s no
bringing her back” chỉ là để khẳng định thêm một lần nữa rằng John sẽ chẳng bao
giờ yêu Judy và cho dù cô có nói gì và tự nguyện biến thành Madeleine thì John
cũng sẽ không chấp nhận cả cô, cả Madeleine giả kia. “Her” của John đã chính
thức chết. Cả cái hy vọng nhỏ nhoi được ở bên John của Judy cũng chết. Cô đã
nói hết mọi tình cảm của mình ra để thuyết phục anh nhưng nó là không đủ, John
chưa bao giờ yêu cô, và bây giờ, anh còn chẳng muốn ở bên cạnh cô nữa. Chẳng
còn lý do nào để Judy sống tiếp. Vậy nên cô nhảy. Cô tự sát như chính số phận
của Madeleine giả bắt buộc phải như vậy.
Người còn lại là John. Mặt tốt là anh chàng đã khám phá ra một vụ
án và đương nhiên không thể đưa tên sát nhân ra hầu tòa được. Nhân chứng duy
nhất của vụ án là Judy đã chết ngắc. Judy chết không những khiến vụ án bế tắc,
kẻ có tội không phải đền tội, cái ác thắng blah blah blah,… nó có thể còn khiến
John tội nghiệp mất trí thêm lần nữa chứ chẳng đùa. Anh chàng mất đi Madeleine,
nỗi đau tưởng chết đi sống lại, thế rồi anh gặp được Judy, nhen nhóm ý tưởng
tâm thần biến cô thành thế thân cho người anh yêu. Judy chịu thay đổi, anh
tưởng mình đã có lại Madeleine và sống hạnh phúc. Đời không ngờ, hóa ra Madeleine
chưa bao giờ tồn tại. Tình cảm sâu nặng anh có cuối cùng chỉ dành cho một bóng
ma được xây dựng công phu. Và nỗi đau chưa dừng ở đó, Judy, thứ gần gũi nhất
với Madeleine của anh, lại lao đầu xuống dưới tháp chuông giống như Madeleine
thật. Và cho dù người giả, nhân vật giả, cái chết vẫn là thật và nỗi đau John
có vẫn sẽ là thật. John chưa bao giờ thực sự có được Madeleine nhưng anh đã
đánh mất Madeleine hai lần, tình yêu trượt qua kẽ tay anh và đi thẳng tới thế
giới bên kia. Judy chết, sẽ chẳng còn ai đóng giả Madeleine để cho anh ảo tưởng
hạnh phúc nữa cả.
Mọi thứ cứ vô vọng như vậy. Thậm chí một tuyến phụ như tình cảm
của cô bạn Midge dành cho John cũng vô vọng. Ngay từ đầu bộ phim đã không thể
có kết thúc có hậu, nhưng mà mình đã không mong chờ Judy lao đầu qua tháp
chuông như vậy. Bản thân mình không nghĩ cô đáng nhận kết cục ấy. Suy cho cùng
thì cô cũng không giết ai và chỉ yêu một người không nên yêu.
Với tư cách một phim trinh thám, ly kỳ gì đó, Vertigo chưa đủ chặt
chẽ về câu chuyện, nhưng nếu chỉ nói đến phương diện như một phim tình cảm,
Vertigo có thể đứng trong top đầu những phim tình cảm hay nhất mà mình đã từng
xem, thậm chí là hay nhất mọi thời đại. Tình yêu của John và Judy đều là sự ám
ảnh, mù quáng, toan tính để có được tình yêu của nhau, treo trên đầu họ là một
vụ án mạng và cái giá đắt cho cả hai khi sự thật được tiết lộ. Kết cục của cái
tình yêu vô vọng ấy là không ai đạt được gì ngoài đau khổ và thất vọng. Chẳng
có lấy một tình yêu hoàn thiện, rằng ai đó dành cho ai toàn tâm toàn ý, rằng ai
đó có được ai toàn tâm toàn ý, nó chỉ là một trò chơi đuổi bắt mà không ai
thắng cuộc, nhưng hình phạt cho kẻ thua cuộc thì lại khủng khiếp vô cùng. Đôi
lúc mình ước giá họ ngừng lại, như John ngừng ám ảnh về Madeleine và chấp nhận
rằng cô đã chết, hay như Judy yêu và trân trọng bản thân cô nhiều hơn để không
chấp nhận John thay đổi mình. Nhưng nếu mấy cái giá như đó mà thành sự thật, sẽ
chẳng có phim Vertigo nào cả, sẽ chẳng ai chóng mặt trong cái mớ bòng bong yêu
đương không lối thoát đó, sẽ chẳng có chuyện tình bất hạnh nào, chẳng còn gì để
nhớ, chẳng có ai rớt từ tháp chuông xuống đất, chẳng có ai nhìn xuống dưới tháp
chuông với sự bàng hoàng rằng mình vừa đánh mất mọi thứ trong đời.
Thông thường một bộ phim không trọn vẹn thường khiến mình tiếc nuối
và bực bội. Lần này thì khác, không có điều gì mình muốn thay đổi ở Vertigo cả,
kịch bản hợp lý đối với một phim tình cảm, diễn viên tốt, nhân vật thông minh
và có diễn biến tâm lý phức tạp, kết thúc bất ngờ, nội dung buồn bã và sâu sắc.
Nhưng chính sự trọn vẹn của Vertigo khiến mình tiếc nuối và bực bội. Bằng cách
nào đó, Hitchcock lợi dụng ma quỷ và những âm mưu để khiến mình sống cùng tình
cảm và sự ám ảnh của các nhân vật, để rồi cuối cùng, khi họ nhận lấy cái bi
kịch của bản thân, mình đã vô cùng buồn bã. Đối với một người như mình, chuyện
như thế hiếm lắm.
Hay quá bạn ơi ban đầu xem phim chỉ biết là nó hack não dã man vs kết thúc nhảm shit nhưng đọc bài của bạn ms thấu đc ý nghĩa thật sự của bộ phim. Thú thật mình rất tức john khi đã biến judy thành thế thân ny nhưng cũng hận judy lại chịu để john làm vậy vs mình chả khác j hạ nhục bản thân. Cái chết judy mình cảm thấy đó là một sự chấm dứt cho những đau khổ xủa cô đồng thời chấm dứt ảo mộng về ny của john( sự thật bao h cũng tàn khốc mà) dù có lẽ a sẽ phải vô trại tâm thần dài dài để bt trở lại vs cs. Cảm ơn bạn rất nhiều :-) :-) :-)
Trả lờiXóaCảm ơn bài cảm nhận của bạn. Tôi vừa xem phim xong và lên mạng search "review phim Vertigo" để giải tỏa bớt sự chóng mặt mà mình vừa nhận sau khoảnh khắc kết thúc bộ phim. Tôi cũng có rất nhiều suy nghĩ và cảm nhận sau bộ phim, tuy nhiên tôi không thể đưa nó ra bên ngoài bằng ngôn từ được. Đúng như bạn nói, thật là buồn, nhưng nếu nó không thế, nó sẽ không phải là Vertigo để mà mọi người nhớ đến như cái khác biệt của nền điện ảnh đương thời. Có thể bạn sẽ không đọc được và tôi sẽ không bao giờ quay trở lại đây nữa nhưng tôi vẫn thực sự cảm ơn bạn. Mong bạn hạnh phúc vì đã đem lại điều tử tế cho cuộc đời này.
Trả lờiXóa-Dv Hạnh-
Review hay qá
Trả lờiXóaTks thớt