Về Driving Miss Daisy (1989)

(Spoiler Alert)


Mình đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra Driving Miss Daisy là một trong những phim bị ghét nhất, mình đoán là chỉ khán giả ghét, vì giới làm nghề nước Mỹ trao cho nó giải Oscar phim xuất sắc nhất 1989. Tính đến nay, Driving Miss Daisy vẫn luôn là một trong những phim bị cho là trao nhầm giải, không xứng đáng, là trò đùa của giải Oscar. Mình đoán một phần vì trong năm đó cả Dead Poets Society và Field of Dreams đều xuất sắc và có thể Driving Miss Daisy chưa hay đến ngưỡng người ta nghĩ rằng có thể thắng được Oscar, nhưng chắc chắn bộ phim không có dở.

Driving Miss Daisy chỉ đơn giản kể về tình bạn của một bà già Do Thái khó tánh với bác tài xe hiền lành Morgan Freeman. Cốt truyện chỉ có thế, không có gì đáng kể thêm. Mọi thứ trong phim cứ giản dị, nhẹ nhàng, dí dỏm từ đầu cho đến cuối, không lên gân, không cao trào, không mâu thuẫn bùng nổ hầm bà lằng chi hết. Ban đầu Miss Daisy không thích Morgan Freeman, nhưng lâu dần, cả hai tìm thấy ở nhau những điểm tốt đẹp để tôn trọng, từ đó xây dựng nên tình bạn lâu bền. Thế thôi.

Là một người Việt da vàng, mình chả hiểu mấy lời phàn nàn bộ phim phân biệt chủng tộc là đến từ đâu. Có thể mình không hiểu hết lời nói của nhân vật, cũng không hiểu tí gì về văn hóa Mỹ, mình không thấy phân biệt chủng tộc ở đâu cả. Miss Daisy ban đầu không thích Morgan Freeman không phải bởi vì ông này da đen, bà chỉ không thích có tài xế riêng, không thích người lạ trong nhà và đụng vào đồ đạc của bà. Nói tóm lại, Miss Daisy có thể là một bà già nhiều chuyện, trái tính trái nết và vô cùng đáng ghét, nhưng chắc chắn bà này không phân biệt chủng tộc.

Ngạc nhiên là mình không ghét nhân vật Miss Daisy, nhưng bà này xấu tính thì thật. Bà già góa bụa sống một mình, chỉ có một bà bếp hàng ngày tới nấu nướng, dọn dẹp. Đó là phong cách sống kiểu Mỹ và Miss Daisy có vẻ cũng chả cần anh con trai sống cùng để phụng dưỡng. Anh con trai cực kỳ có hiếu, sau khi bà già gây tai nạn và không đủ điều kiện lái xe nữa, anh đã thuê ngay một tài xế để chở mẹ đi hàng ngày. Bà già cằn nhằn con trai suốt ngày, lải nhải đòi tự mình lái xe, xua đuổi Morgan Freeman như đuổi tà, cộc cằn, độc đoán, không thèm nhận lỗi dù biết sai. Bà già có sự trịch thượng cố hữu của người giàu khi đối xử với người kém hơn mình nhưng lại gồng lên khi có ai đó khen bà giàu. Cái đợt bà hú anh con trai tới nhà từ 5h sáng để “méc” chuyện bác tài xế ăn vụng của bà lon cá hộp mấy xu mà mình phát ngán. Bà không ưa con dâu, mình đoán không cô con dâu nào đạt đủ tiêu chuẩn của các bà mẹ chồng cả nhưng cô này cũng chẳng làm gì xấu với con trai bà hết, ấy vậy mà suốt ngày bị bà già nói ra nói vô. Công nhận bác già Morgan Freeman có là “God” thì mới chịu được Miss Daisy, mình là mình bỏ chạy tám xứ.

Nhưng bà già cũng có điểm đáng tôn trọng, bà không phân biệt màu da (mình nghĩ thế), cũng chịu thay đổi quan điểm và từ từ chấp nhận bác tài xế. Bà là người đứng đắn, có đạo đức, mạnh mẽ và cực kỳ độc lập, dám nghĩ dám làm. Bà dạy và khuyến khích Morgan Freeman học đọc học viết. Bà thực lòng quan tâm và yêu quý những người thân thiết và gắn bó với mình. Như khi bà giúp việc già qua đời, bà đi đám tang và thực sự đau buồn, thậm chí còn không thuê người giúp việc mới mà tự làm mọi việc trong nhà. Bà quý trọng bác tài xế, gọi ông là người bạn thân thiết nhất của mình, thậm chí khi già và lú lẫn, bà vẫn nhớ tới ông. Một người như Miss Daisy phải cần thời gian để đào sâu và tìm thấy vẻ đẹp trong nhân cách của bà. Và theo suốt chiều dài bộ phim, ấn tượng của mình đối với Miss Daisy càng sáng dần lên. Hóa ra, bà già khó tính cũng không đến nỗi nào.

Morgan Freeman thì lại là một con người hoàn toàn khác, ai mà không yêu quý Morgan Freeman chứ? Bác tài xế có sức chịu đựng cao cường, vui vẻ, hay nói giỡn, có giọng cười đáng nhớ, tận tụy và dễ gần. Bác không ngại lại gần và giúp đỡ Miss Daisy cho dù bà già không ưa bác, bác không xấu hổ chối bỏ mà thành thật thừa nhận mình không biết chữ, bác thấy sự phân biệt màu da ở những người khác và nhận thiệt thòi về phần mình nhưng không phàn nàn hay giận dữ, đập bàn đập ghế vì nó, bác quan tâm đến Miss Daisy khi bà chỉ còn ở có một mình. Nói thật chỉ có người như bác tài mới có thể đào sâu và tìm thấy vẻ đẹp nói trên trong nhân cách của Miss Daisy, chứ xung quanh chắc chả ai dám đối thoại với bà già chứ đừng nói là làm bạn.

Bộ phim chỉ đơn giản có vậy, nếu ai đó bảo bộ phim phản ánh một giai đoạn lịch sử nào đó, nạn phân biệt chủng tộc,... hoặc mấy thứ lớn lao khác, mình sẽ bảo mình mắt bé nên không nhìn thấy mấy khía cạnh gai góc lởm chởm đó. Với mình, Driving Miss Daisy chỉ là một bộ phim dễ thương về một tình bạn vong niên bền vững, đẹp đẽ của hai con người tưởng như chả có một điểm chung nào cả. Bộ phim trong sáng, nhẹ nhàng, là một làn gió mát mẻ, tươi mới, có cái gì đó hạnh phúc trong chính sự đơn giản của cốt truyện. Có thể mấy ông phê bình hàn lâm Hoa Kỳ sau khi hấp thụ cái triết lý nặng nề và nước mắt của mấy bộ phim kia đã bị quá tải, thế nên sau khi xem Driving Miss Daisy thấy nhẹ nhàng, yêu đời hơn nên mới bầu cho bộ phim thắng Oscar.


Dù là gì, Driving Miss Daisy không đáng để bị ghét như vậy. Nó có thể vẫn không đủ tầm để thắng Oscar, nhưng nó nên được ghi nhận giá trị một cách khách quan hơn, không phải bởi vì nó chưa đủ hay để thắng Oscar (mà Oscar thì có gì ghê gớm) mà chì chiết nó ghê dữ vậy. Có cái gì đó trong Driving Miss Daisy khiến mình ấm áp và muốn mỉm cười, mình đoán như vậy đã là thành công rồi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về Good Will Hunting

Về Fargo

Về Donnie Darko (2001)