Về La Sinh Môn ( Rashomon 1957)

Spoiler Alert!


Mình nhớ hồi nhỏ mình có xem một chương trình giới thiệu về La Sinh Môn trên VTV2, đó cũng chính là lý do duy nhất mình biết tới tác phẩm này. Trong chương trình đó, người ta giới thiệu rằng La Sinh Môn là một bước đột phá của điện ảnh Nhật Bản, mặc dù vào thời điểm nó ra mắt không ai thèm đoái hoài gì tới nó hết trơn. Thế nhưng đối với các nhà làm phim ở bên tây, La Sinh Môn có ảnh hưởng sâu đậm trong cách sử dụng ánh sáng để tả nhân vật và đặc biệt là phương pháp quay phim sau này. Mình nhớ rất rõ, nguyên chương trình chỉ có vài dòng giới thiệu nội dung câu chuyện, thậm chí là coi như chưa tóm tắt gì cũng được. Họ tập trung toàn bộ thời gian và tâm huyết để phân tích mấy cái góc quay thần thánh của bộ phim xem nó đặc sắc ở chỗ nào, mới lạ ra sao, ảnh hưởng sâu rộng kiểu gì, tại sao nó lại độc đáo. Đối với một con nhóc tầm 12 -13 tuổi, mình chả hiểu gì cả, cũng chẳng thấy nó hay ho ở đâu, cả một chương trình 30 phút mà cảnh quay ông tiều phu vào rừng được chiếu lặp đi lặp lại tới hơn 10 lần và buồn ngủ muốn chết.
Thậm chí hơn mười mấy năm sau, mình lớn hơn, não thì cũng biết nhiều hơn hồi xưa một chút, mình quyết định xem La Sinh Môn lần đầu tiên trong đời với tinh thần trong sáng và kỳ vọng lớn lao từ thuở bé. Kết cục là dù có xem ra ngô ra khoai thì cũng chẳng biết mấy cái góc quay đó có gì đột phá và hơn người hơn đời. Chắc tại dốt. Nhớ lại hồi xưa nào là kỹ thuật quay phim ấn tượng, góc máy đi theo nhân vật thật dài và liên tục, lúc cận mặt nhân vật, lúc xa xa mặt trời,... Để biện hộ cho bản thân đôi chút, đúng là mình cũng nhận ra những góc quay ngang dọc trong phim, cũng nhìn thấy những góc ánh sáng, bóng râm trên gương mặt và biểu cảm nhân vật, cũng nhận ra những ánh sáng lấp lánh lướt đi khi tới những cảnh nhanh và gay cấn, cũng nhận thấy những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, sự tương phản sống động của hai màu đen trắng, của cơn mưa và ánh mắt diễn viên. Nhưng mà có nhận ra thì trong đầu mình cũng chỉ vang lên một câu chói lọi: Thì sao chớ? Thấy thì thấy thế nhưng có cảm nhận được gì đâu, cũng chả biết dụng ý nghệ thuật, kỹ thuật sâu xa là gì. Bao nhiêu điều đẹp đẽ lướt qua mặt mình như đàn gảy tai trâu, như thằng điếc đi nghe thính phòng, như đứa mẫu giáo bình luận tranh Van Gogh. Thôi thì phần nghệ thuật ấy mình sẽ cho đi không hối tiếc, xin lỗi đạo diễn vì đã lỡ để đứa dốt nát bình luận phim.
Bù lại về sự vô cảm về nghệ thuật dàn dựng phim, mình rất thích thú cốt truyện. Ngay mở đầu đã có vẻ rất hứa hẹn. Một ông tiều phu và một vị sư cùng kể cho một vị khách trú mưa về vụ giết người dã man mà họ là nhân chứng. Theo đó thì một vị samurai bị giết hại, vợ ông này bị một tên sơn tặc có tiếng trong vùng cưỡng bức. Vụ án được thuật lại theo góc nhìn của tên sơn tặc, người vợ và nạn nhân đã chết, trong đó nạn nhân kể lại thông qua một bà đồng.
Điểm đáng ngạc nhiên của bộ phim chính là ba câu chuyện này hoàn toàn không giống nhau. Mỗi kẻ tham gia vụ việc đều kể lại câu chuyện theo hướng họ muốn câu chuyện xảy ra. Tên sơn tặc cho biết hắn ra tay hạ thủ theo lời cầu khẩn của người vợ, và rằng hắn giết chết vị samurai trong một trận chiến oai hùng và công bằng. Người vợ thì lại nói cô ta ngất xỉu với con dao găm trong tay vì không thể chịu được ánh nhìn ghẻ lạnh của người chồng dành cho mình, khi tỉnh lại thì anh chồng đã lìa đời còn con dao thì còn nguyên trên ngực ảnh. Vị samurai lại nói rằng vì cảm thấy thất vọng trước người vợ phản bội và độc ác nên tự thân vận động mà tự sát. Câu chuyện của họ đều có lý và phù hợp với hiện trường, mọi sự định đoạt xem nên tin ai thù ai là dành cho khán giả.
Mình nghĩ điểm đặc biệt của bộ phim chính là lần đầu tiên hình thức một sự kiện dưới góc nhìn của nhiều nhân vật được đưa lên màn ảnh. Tác giả đã kể lại ba câu chuyện gãy gọn, rõ ràng và gây hoang mang lớn cho dư luận. Trong ba câu chuyện đó thì có cái nào là thật, cái nào là giả, hoặc tất cả đều là nói dối? Nhà sư càng nghe thì càng buồn cho cái thế giới càng ngày càng lừa đảo và kém tốt bụng mà hàng ngày ông vẫn cầu kinh. Và khi mỗi người xem đều đã có ít nhiều suy luận của mình về vụ án, bộ phim tiết lộ sự thật của câu chuyện. Ông tiều phu là người thực sự chứng kiến vụ án từ đầu, và câu chuyện của ông hoàn toàn chẳng giống với ba câu chuyện ở trên chút nào cả. Tất cả đều là nói dối. Tên sơn tặc, người phụ nữ và cả vị samurai kia, kẻ hóa ra đã chết rồi nhưng vẫn còn trọng vọng cái danh dự hồi còn sống lắm, đều nói dối. Họ nói dối đều vì bản thân mình. Và buồn thay, lời nói dối của họ sẽ mãi được chôn vùi bởi sự ràng buộc trước sự thật của bác tiều phu.
Có thể kết thúc này vốn không bất ngờ, vào thời khắc sinh tử và quan trọng thì ai mà chẳng là kiện tướng nói xạo, chỉ là khi sự thật được phơi bày thì nó chẳng đẹp đẽ và thanh cao như mong muốn của bất cứ ai. Tất cả mọi người trên đời đều khốn khổ và ích kỷ. Thế thôi.
Kết phim là cảnh tạnh mưa, bác tiều phu nhận nuôi một đứa trẻ bị bỏ rơi và vị sư giữ lại cho mình chút niềm tin về lòng nhân ái. Mình đoán phim ngày xưa nói chung hay phim châu Á nói riêng đều thích truyền tải một thông điệp, một bài học nào đó. Nó sẽ không bao giờ kết thúc bằng cảnh người qua đường cướp lấy bộ kimono của đứa trẻ bất hạnh rồi bỏ đi cả, nó sẽ không bao giờ đọng lại trong người xem một ấn tượng cuối cùng về một thế giới điêu tàn, dối trá, bần tiện và vô vọng hết. Thế nào cũng lọt vô chút hy vọng mong manh, tình người le lói, như việc đứa trẻ ở đó và được bác tiều phu chết đói nhận nuôi. Bản thân mình thấy chi tiết này không thực sự quan trọng với cốt truyện chính của bộ phim, mặc dù chính nó cũng làm mình thấy ấm lòng mát dạ hơn hẳn.
Bản thân mình thích cái sự ích kỷ trong cái cách ba con người kia dựng lên trong câu chuyện. Thậm chí đến người chết còn sĩ diện. Nó thực tế đến mức tàn nhẫn. Những hành động của ba con người đó đều trần tục, xấu xí, vô luân, thiếu tình người và dối trá. Mà nói gì thì nói, vẫn là người phụ nữ đó đáng thương nhất. Số phận của họ sau vụ việc này chắc cũng chẳng tốt đẹp gì. Nghe ra bi kịch dữ.

La Sinh Môn là một bộ phim được làm trên một truyện ngắn, vậy là ngôn ngữ văn học được chuyển tải lên ngôn ngữ điện ảnh như nó vốn có, một sự cố, ba câu chuyện, một sự thật và một thời đại nghèo đói, khổ sở, bất công và mệt mỏi hiện lên trên từng cái áo rách, trên con dao nạm ngọc trai, cả sự vớ vẩn của bao nhiêu định kiến về đạo lý, danh dự, giai cấp, thiện ác hầm bà lằng. Có quá nhiều thứ được truyền tải trong một bộ phim gọn gàng, tối giản, thẳng thắn và kịch tính mà không cần phải rao giảng gì cả. Mình thì không thích phân tích thông điệp cao cả của phim, đặc biệt là khi nó đã quá rõ ràng như vậy. Mình là mình chỉ quan tâm đến việc hóa ra bao nhiêu phim hay mình từng xem là chịu ảnh hưởng của La Sinh Môn, nào là Vantage Point và The Unsual Suspects. Ngạc nhiên với điện ảnh châu Á quá!

Nhận xét

  1. Tình cờ đọc đc blog này, lại nhớ đến lúc mình xem đi xem lại phim này vài lần và dành vài tiếng để xem các reviews phê bình để hiểu thêm về cốt chuyện. Với mình thì đạo diễn Akira Korosawa rất là tài. Nếu có dịp, bạn nên xem phim RAN (1969), đỉnh cao của phim dã sử Nhật Bản, bạn sẽ thấy thêm tầm vóc của con người này. Phim Rasomon là phim đầu tiên trên thế giới có cách kể truyện độc đáp, một câu truyện mà có đến 4 kết thúc, là một sự thách thức với cách xem phim của đại chúng. Cách quay phim và nhạc phim cũng rất độc đáo khác lạ so với phương Tây. Cách quay trực diện từng con người một khi họ cho lời khai man rất lý thú, lột tả được bản chất của từng người. Cách tận dụng ánh sáng tự nhiên (nắng) và bóng cây tạo ra một môi trường phim trắng đen xen kẽ, rất phù hợp với nội dung phim: đen trắng, đúng sai không rõ ràng. Một cuốn phim rất ám ảnh đến người xem và để lại cho người xem các cung bậc cảm xúc lẫn lộn giữa những cái gọi là kiêu hãnh và định kiến. Đâu là bản chất thật của con người, là cái kiêu hãnh của tên Samurai, hay tính đê tiện của Cô gái, hay tính tàn bạo của tên cướp, hay là tính thiện lương nhưng hèn nhát không dám đứng lên vì sự thật của tên tiều phu... mọi cung bậc cảm xúc không rõ ràng đã thách đố người xem và để lại những câu hỏi trăn trở của con người: nếu là ta... ta sẽ là gì... bản chất của ta là gì... không như bạn nói đâu, về khúc tốt đẹp luac cuối phim. Bạn nên để ý rằng tên Tiều Phu đã biết hết tất cả, nhưng hắn quá hèn nhát để tố cáo những con người đó, và người đời có câu: kẻ không dám đứng lên vì sự thật cũng là kẻ tàn ác đối với thế gian. Vị sư cảm thấy thật sự buồn bã cho một thế gian đầy rẫy nghiệp chướng này, cũng giống như cảnh điêu tàn của ngôi nhà, một thế gian điêu tàn cả tinh thần lẫn vật chất...
    Nhưng hãy xem Ran đi! Đỉnh cao của các đỉnh cao của thời đại phim ảnh đấy. Nghệ thuật kể phim tuyệt vời và sự hoành tráng không thể tưởng được... chưa kể nó quá thực... sự tàn ác của chiến tranh, của Anh Em nồi da xáo thịt, tàn độc của quyền lực, mưu mô thủ đoạn dưới diện mạo đẹp đẽ... cho đến khi nó lộ nguyên hình thì thật tàn khốc...

    Trả lờiXóa
  2. Chào bạn, mình là BTV của moveek.com, mình tình cờ đọc được bài viết này và rất thích cách cảm nhận cũng như gõ nên những dòng chữ này. Rất mong được làm quen với bạn. FB của mình là https://www.facebook.com/profile.php?id=100009641432520

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về Good Will Hunting

Về Fargo

Về Donnie Darko (2001)