Về Rushmore (1998)


Spoiler Alert!



Một ngày đẹp trời, mình quyết định xem tất cả phim của Wes Anderson. May cho mình là ảnh cũng kỹ tánh, không phải năm nào cũng có phim nên cũng không khó để xem hết.

Rushmore là phim thứ 4 của Wes Anderson mà mình từng xem, sau The Grand Budapest Hotel (2014), Moonrise Kingdom (2012) và Fantastic Mr. Fox (2009). Việc xem được ba phim này hoàn toàn là ngẫu nhiên, lúc đó mình không biết Wes Anderson là ai, mình chỉ đơn giản là xem phim. Sau này với kiến thức phim ảnh được mở rộng nhờ có nhiều thời gian rảnh, mình biết đến Wes Anderson như một trong những đạo diễn có phong cách riêng độc đáo nhất nền nghệ thuật thứ bảy.

Là một khán giả thông thường, mình không đủ chuyên môn để phân tích cái đặc trưng của Wes Anderson, nhiệm vụ đó đã được hàng trăm blog, review phim, clip trên youtube hoàn thành xuất sắc, không cần mình xí xọn. Cái cốt yếu là khi một phim mới đập vào mắt, thậm chí là trailer thôi, mình biết đó là phim của ảnh chỉ qua vài khung hình tiêu biểu. Phim của Wes Anderson thực sự rất rất riêng đến nỗi cái tên riêng thân thương của ảnh đã chuyển từ danh từ sang tính từ khi thiên hạ muốn mô tả những thước phim có phong cách tương tự. Ví dụ như khi mình xem MV I love you baby, I love you doll của Parekh & Singh (Vâng, hai nghệ sỹ Ấn Độ), mình đã đọc được một comment đồng tình với suy nghĩ của mình “This some Wes Anderson shit”. Mọi thứ đến từ cái riêng của Wes Anderson có thể chỉ tồn tại một lần trong đời thôi nha.

Rushmore là phim đầu tiên khiến Wes Anderson đến với tai mắt của công chúng. Nó có nét đặc trưng trong tất cả phim của ảnh, chỉ là chưa hoàn thiện 100% thương hiệu màu mè như The Grand Budapest Hotel. Những khung hình trong Rushmore lúc này chỉ là khởi đầu, màu sắc cũng chưa rực rỡ, đối lập và nổi bật, mọi thứ vẫn chưa đạt mức “extreme” như Wes Anderson hiện giờ. Mình đọc thấy nhiều ý kiến cho rằng Wes Anderson hiện giờ đang làm quá phong cách Wes Anderson của chính ông, tức là nhấn mạnh không cần thiết vào những điểm nổi bật trong phong cách của mình, khiến bộ phim bị làm quá và hơi hoạt hình. Mình không nghĩ sâu xa vậy, nếu ta có một thứ để tự hào gọi là của riêng mình, tội gì ta không lồng khung kính mà treo giữa phòng khách rồi bắt loa khoe khoang cho thiên hạ chán chơi. Mà thiên hạ nếu đã không chán, tội gì không tiếp tục khoe.

Rushmore thời đó chỉ là một bước ngoặt lớn cho Wes Anderson trên con đường đi tìm, hoàn thiện và định nghĩa cái tính từ Wes Anderson đó. Khung cảnh trong phim đôi lúc có thể lẫn lộn với một vài phim thông thường khác, màu mè chỉ dừng ở mức trung tính, thế nhưng cái không thể sai vào đâu được là nhân vật chính khác biệt mà chỉ Wes Anderson mới tạo ra được.

Câu chuyện xung quanh Max Fischer, một thanh niên 15 tuổi trẻ trâu lập dị đang học tập tại trường Rushmore, về tình bạn vong niên của em nó với Bill Murray chuyển hóa thành tình địch thâm sâu khi cả hai đều phải lòng một cô giáo tiểu học góa chồng Rosemary Cross.

Bản thân mình không thực sự thích nhân vật Max Fischer nhưng mình thừa nhận em nó là một trong những nhân vật đặc biệt nhất mình từng xem qua màn ảnh. Tính cách, lối sống, mọi thứ về Max đều rất riêng, độc đáo và không giống với bất cứ nhân vật nào mình biết. Và nếu mình đã nói em nó đặc biệt, có nghĩa em nó đặc biệt, bởi vì có quá nhiều thời gian để xem rất rất nhiều phim Mỹ. Mình không biết nữa, một người như Max nếu thực sự tồn tại trên đời, nó nên là một kỳ quan. Lập dị không hẳn là một từ đúng để miêu tả một người như Max, em nó là một dạng riêng của vũ trụ và không có một ngăn hay một nhãn dán đủ để mô tả em.

Ban đầu, Max chỉ đơn giản là một thanh niên với bầu trời tự tin lồng lộn (không phải lồng lộng), thích đứng đầu, thích chỉ huy, thích ảo tưởng về bản thân và nếu đã ảo tưởng thì sẽ không chịu cắm đầu từ bỏ. Em nó cũng xấu nết, ích kỷ, ngạo mạn, nói dóc, nổ banh xác pháo, tham vọng ngút ngàn và không bao giờ nhìn thẳng vào thực tế cần thiết. Nhưng bên cạnh đó, Max làm những điều em nó nghĩ, không phải là kiểu làm mà không suy nghĩ như mấy đứa lanh chanh, cái sự khác người của Max đến từ việc em nó không đếm xỉa/không nhận ra những điều mình làm khác biệt như thế nào, em nó cứ thế mà làm thôi. Max trông giống một đứa mọt sách bởi em đeo kính, chăm tới trường và tôn kính ngôi trường Rushmore mà em học, thế nhưng em lại chẳng phải mọt sách vì em học dốt nhất lớp và luôn ở bờ vực bị đuổi học. Max cũng chẳng ngầu, chẳng giỏi thể thao, chẳng nổi loạn, chẳng hư hỏng, càng không phải trò cưng của giáo viên, em như một đứa phiền nhiễu đối với hầu hết mọi người. Em chẳng ở đâu cả, em đứng một mình giữa chợ chiều và không bao giờ buồn phiền vì điều đó. Không như hầu hết những đứa trẻ lứa tuổi mình, Max không cần đi tìm bản ngã, em nó đã luôn luôn biết mình là ai.

Và như hầu hết mọi nhân vật nam đặc sắc trong phim của Wes Anderson, khi đã mong muốn làm một điều gì, Max đều thực hiện nó mà không một chút đắn đo. Max tham gia, thành lập vô vàn các câu lạc bộ vớ vẩn không ai đoái hoài tới; mở một chiến dịch để cứu môn tiếng Latin ai cũng ghét chỉ để lấy lòng cô giáo em nó thương; là thành viên của đội vật mặc dù mình ở đó bị đánh bầm dập; tự mở miệng giới thiệu bản thân một cách hùng hồn và dối trá trước mặt những người có chức quyền; tự lên một kế hoạch thủy cung nhảm nhí và tự tìm nhà tài trợ; đọc một bài phát biểu trước lớp học mới mặc dù không ai muốn; tự luyện đấu kiếm một mình;... Như những con người tự tin nhất cuộc đời, Max không cần phải hòa nhập và không muốn hòa nhập, và không cân nhắc đến hậu quả cho mọi hành động mình làm là bị ghét bỏ hay chê cười, Max cứ thế mà làm thôi. Cũng tương tự như cái clip nổi tiếng “Just do it” của Shia Labeouf về việc chúng ta thay vì suy nghĩ, đắn đo, chần chừ khi bắt tay theo đuổi công việc, ước mơ, hãy cứ “làm quách đi má” luôn đi, cứ “just do it”, bởi có thực sự làm điều gì đó thì mới có thành quả. Ở đây, Max thậm chí không có từ “just” bởi mình nghĩ bản thân em nó không cần vận động chính mình làm điều em muốn, em nó cứ “do it” thẳng toẹt thế thôi.

 Có thể mình không đủ ngôn từ để miêu tả sự đặc sắc của Max, mình chỉ cảm thấy Max rất hay ho, bất cứ ai sống với những gì mình nghĩ, có thể tự tin và bắt đầu mọi thứ một mình mà không quan tâm đến thiên hạ đều là một cá nhân đặc biệt và đáng được trân trọng. Và ở một khía cạnh nào đó, Max thực sự rất tài năng và tháo vát.

Mối tình tay ba trong Rushmore lại thực sự không mắc cười như mình nghĩ. Đặc biệt là cô giáo tội nghiệp mắc kẹt giữa thanh niên trẻ trâu vị thành niên dai như đỉa Max và ông già tóc bạc một vợ hai con Bill Murray (mình nhớ tên diễn viên, không nhớ tên nhân vật). Cuộc chiến tình yêu của nhóc 15 đối đầu ông chú 50 (?) chuyển tông sang trẻ mẫu giáo đánh nhau giành kẹo, nó dễ thương, giàu “nhân” tính (tức là cả hai đều chơi bẩn và cố tình gây tổn thương cho nhau), chỉ là nó không đặc biệt buồn cười, cũng không đặc biệt sâu sắc, nó chỉ ở đó, lưng chừng và lửng lơ với kết quả rất dễ hiểu, cô giáo chọn chú già. Biết sao giờ, cô giáo thì cô đơn và không có nhã hứng với trẻ ranh nhọn mỏ, nếu được chọn, mình cũng sẽ chọn anh già Bill Murray như cô giáo kia thôi. Thà giờ bị chê bai về đạo đức suy đồi khi lăng nhăng với người có gia đình vẫn hơn là vào tù ra tội vì quan hệ với người chưa đủ tuổi. Hơn nữa, ông chú già kia cũng giàu.

Bản thân câu chuyện trong Rushmore không hấp dẫn, nếu để tổng hợp các sự kiện trong Rushmore ra thành lời thì nó chẳng có gì đáng để nói hay thực sự nổi bật với những phim khác. Sự hấp dẫn và nổi bật của Rushmore đến từ tính cách của nhân vật Max và diễn xuất của Jason Schwartzman. Nhân vật của Billy Murray và cô giáo hiền lành hơn, thường tình hơn, đó là lý do họ nên tới với nhau và Max tốt nhất là nên đứng một mình. Mọi hoàn cảnh phim xảy ra đến từ tính nết một mất một còn của Max, tạo thành những hoàn cảnh trớ trêu, ngang ngược, lầy lội. Thậm chí đến cái kết, cũng là chính em nam chính Max ra tay dọn dẹp bãi chiến trường của mình, tự sắp xếp gọn gàng lại cuộc sống bừa bộn, chấp nhận để người khác đi, hạnh phúc với người mới tới, bắt đầu chứng minh mình có tài năng để làm tàng với đời. Em nó đã không cần trường Rushmore để phát triển, để làm thứ em muốn nữa. Em nó có thể đứng ở bất cứ đâu, miễn là em đủ tham vọng, năng lượng và giữ nguyên cái thái độ “mình thích thì mình làm thôi” đó hoài.


Bộ phim nhìn chung là dễ chịu và thú vị, tiếng cười nhẹ nhàng và không cần chiều sâu để hiểu. Ai mà biết, có thể là do mình không có thứ gọi là chiều sâu để hiểu. Đối với mình, như mọi phim của Wes Anderson khác, lúc nào đó cũng là một khoảng thời gian thư giãn khi xem phim.




Nhận xét

  1. Review hay quá ạ, đúng với những suy nghĩ của mình khi xem phim.
    Mình nghĩ phim của Wes không cần quá sâu sắc để hiểu, nhưng có những ý nghĩa ẩn sau từng khung hình cũng dễ dàng khiến ta hiểu mọi hành động của nhân vật ^^

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo