Về Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya – Higashino Keigo
Khó mà nghĩ tác giả của Bạch dạ hành (một trong những truyện
trinh thám buồn chán nhất mình từng đọc) lại là người viết tác phẩm này. Điều kỳ
diệu của tiệm tạp hóa Namiya là một trong những bất ngờ nho nhỏ mình hãnh diện
được đón nhận, được táng vào bản mặt tự mãn của bản thân rằng chỉ những quyển
sách mình biết đến mới thực sự đáng để đọc.
Thực tế mình đã không đọc trong một thời gian khá dài rồi, có
lẽ từ đầu năm, khi mình đọc Catcher in the Rye – J.D. Salinger. Sách thì vẫn
mua về đều đặn và chất đầy trong phòng, nhìn thì đẹp, đọc thì không, tội lỗi
thì chất chứa vì mình không hẳn là kiểu người bận rộn đến mức không có thời
gian đọc sách. Thời gian gần đây thì mình mới phát hiện ra loại người giống
mình không thiếu, thậm chí là phổ biến đến mức có một thuật ngữ riêng để chỉ về
họ. “Tsundoku” được giải nghĩa là chồng sách không được đụng tới, chỉ những người
mua sách về chỉ để ngắm nghía chứ không đọc. Đôi lúc mình nghĩ mua sách về giống
như một tâm lý trữ đồ đạc và thứ đồ đạc duy nhất không sợ lỗ chính là sách. Bản
thân từ ngữ kia không có ý nghĩa chỉ trích mấy đám giẻ cùi như mình, chỉ là đôi
lúc mình chỉ huyễn hoặc bản thân rằng chỉ cần muốn là mình có lại thói quen đọc
sách, sách đó mua về thể nào rồi cũng được đọc, mình không phải cái thể loại bỏ
mứa sách đó. Hơn nữa, mình đâu có nghiện mua sách, mà nếu có nghiện, nghiện mua
sách thì cũng đâu có tệ như nghiện mấy thứ tào lao khác.
Trở lại vấn đề chính, tuy không đọc nhiều sách như trước
nhưng mình vẫn thường theo dõi những sách mới ra trên thị trường và vẫn tự tin
không bỏ lọt sách hay vừa xuất bản. Ấy vậy mà Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa
Namiya hoàn toàn lọt khỏi tầm hiểu biết của mình. Quyển sách chỉ đơn giản là
quà tặng của một người hoàn toàn xa lạ, một đồng nghiệp trẻ của bà chị, con người
xui xẻo bị ép uổng giữa dòng xoáy văn hóa “làm người” cầu kỳ của xã hội công sở
mà phải tham dự lễ tốt nghiệp của mình. Nghe kể thì bé nó cũng có cá tính, có
hiểu biết và thẩm mỹ cao, thế nên sách bé nó tặng chắc không dở. Với tính tự
cao của bản thân cũng như hay đánh đồng tính xấu của mình với người khác, mình
tưởng tượng đến cảnh bé nó vừa lang thang trong tiệm sách, vừa than thân trách
phận phải bò lết xa xôi dự một cái lễ tốt nghiệp của người nó chưa từng gặp, phải
bỏ tiền túi ra mua sách tặng cho cái con nào đó (là mình) chỉ vì thiên hạ cho rằng
đó là “lịch sự” và “phải phép”. Nếu là mình, quyển sách được chọn sẽ là một quyển
sách trung bình dễ đọc, vừa túi tiền, vừa dễ coi và đương nhiên không thể là một
sự cân nhắc của trí óc và tâm huyết mà người tặng trân trọng dành cho người được
nhận. Hơn nữa, mình hoàn toàn không hay biết sự tồn tại của tác phẩm, như vậy
chắc 50% nó không thực sự đáng để đọc.
Sự thật là quyển sách đến tay mình là nằm ngoài dự liệu, mình
đoán đôi khi may mắn có thể áp đảo sự đần độn. Mình đã quá tự cao và ngu muội để
biết đến một quyển sách hay nhưng lại vẫn có may mắn để đọc được, mình đoán đời
đôi lúc cũng có những bất ngờ nho nhỏ hay ho. Bé tặng sách cho chị, dù bé thực
sự biết đây là một quyển sách hay và giới thiệu cho chị, hay đơn giản là bé mua
đại để làm tròn nghĩa vụ lễ nghĩa phù phiếm, chị cứ cảm ơn bé trước.
Mình đúng là có ngu dốt và tự cao nên cho rằng mình đọc cũng đủ nhiều để
nhận ra một quyển sách có ý tưởng đặc biệt. Tư vấn tình cảm hay kết nối thời
gian quá khứ về hiện tại vốn không phải đề tài mới, thậm chí mỗi câu chuyện, những
mảnh đời trong Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya đều không có gì mới lạ,
không phải “lần đầu tiên trình làng thế giới”, cái đặc biệt của tác phẩm là bối
cảnh và sự gắn kết của những câu chuyện với nhau. Nó có sự kết nối chặt chẽ đủ
thỏa mãn một con người thích bắt bẻ logic như mình, đủ bay bổng và chắp nối ma
thuật cần thiết để tạo ra sự bất ngờ dễ chịu ở mỗi sự kết nối, liên hệ. Sự bất
ngờ trong cách những câu chuyện liên kết với nhau không quá kịch tích, không “rớt
hàm” như thiên hạ vẫn xem đến khúc cuối của The Sixth Sense hay The Unusual
Suspect, cú “twist” này không dễ đoán nhưng cũng không quá sức đến mức nó không
thể tin được. Cũng như câu chuyện, nó đều đặn, tự nhiên và mang lại cảm xúc dễ
chịu. Dẫu vậy đôi lúc mình cũng nghĩ đôi khi không nhất thiết mọi nhân vật
trong câu chuyện đều phải có quan hệ hay quen biết gì nhau đâu, câu chuyện cũng
đủ trọn vẹn cho dù các nhân vật đôi khi chỉ là người xa lạ, mọi thứ đâu thể cứ
ngẫu nhiên như vậy hoài. Nhưng mà mình nghĩ lại, nếu quyển sách này mà giống cuộc
đời, đã chẳng có thứ gọi là “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya”. Nó chẳng phải
được đặt tên là “điều kỳ diệu” rồi đó thôi.
Yếu tố chắp những câu chuyện riêng biệt thành một thể thống
nhất vốn không phải là điều mình thích nhất ở tác phẩm. Mình đánh giá cao những
tiểu tiết, tính logic và hợp lý của tác phẩm. Nó chính chỉ là những sợi chỉ nối
nhiều mảnh vải thành cái áo đẹp. Và những mảnh vải làm nên chiếc áo đó mới
chính là trung tâm của tác phẩm, là thứ thực sự khiến mình trân trọng quyển
sách.
Khi đọc một quyển sách, thậm chí xem phim ảnh có đề tài về
con người, cuộc sống hiện tại, độc giả, khán giả thường thích xem những nhân vật
họ có thể đồng cảm, có thể “related to”. Đương nhiên những nhân vật đó dù có
nét riêng của họ nhưng vẫn sẽ hành động, phạm sai lầm, nói năng giống như chính
chúng ta trong cuộc sống. Họ không hẳn giống chúng ta về hoàn cảnh nhưng chúng
ta phần nào sẽ thấu hiểu tâm lý nhân vật và chấp nhận quyết định của nhân vật
trong phim. Điều buồn cười là khán giả thường thích những nhân vật bình thường,
giản dị như bản thân họ trong cuộc sống nhưng lại mong mỏi nhân vật làm những
điều đặc biệt mà họ không bao giờ dám làm hay làm được. Mô típ một gái quê được
lột xác trong vũ hội trường, hôn anh hotboy và cho đám mean girl bẽ mặt là một
ví dụ tiêu biểu. Mấy bé tuổi teen đồng cảm với em nhỏ kém xinh, hay bị bắt nạt
và yêu thầm anh đội trưởng đội bóng vì mấy bé đó thấy được phần nào hình ảnh của
mình trong nhân vật chính. Họ đồng cảm với sự uất ức, sự tự ti về ngoại hình và
những rắc rối vớ vẩn mà nữ chính đối mặt, họ “related” với em nó. Kết phim hạnh
phúc kia chỉ đơn giản là mong mỏi của khán giả về điều họ có thể làm hoặc mong
mỏi được làm nhưng không thể làm được. Nó là sự đặc biệt và dối trá của phim ảnh.
Họ xây dựng một nhân vật thật gần gũi, thật giống với người bình thường những
cuối cùng có thể làm được điều mà hầu hết những con người thực sự trong cuộc sống
không thể làm được. Chứ biết sao giờ, ai bỏ tiền ra xem một bé gái kỳ cục bị bắt
nạt, bị châm chọc từ đầu phim đến cuối phim, dẫu cho nó thực tế đến bao nhiêu
đi chăng nữa. Chúng ta muốn những nhân vật như cuộc đời thực nhưng không có kết
cục của cuộc đời thực. Thế thôi.
Những nhân vật của Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya không
đi theo chiều hướng đó. Mỗi nhân vật trong tác phẩm đều rất bình thường, rất giản
dị, không có điều gì trật ra ngoài tâm lý thường tình của con người. Họ đều rất
dễ đồng cảm và nhìn thấy bản thân mình trong những nhân vật ấy. Sự thật là mỗi
nhân vật trong Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya đều phải “là một, là riêng,
là thứ nhất”, họ có thể là họ, họ có thể là một nhân vật nào mình đã đọc ở đâu
đó, thậm chí là đã gặp luôn rồi. Những câu chuyện của họ không thực sự quá kỳ
khôi, nó bình thường như cân đường hộp sữa, nó quen thuộc đến mức nhàm chán, họ
quen thuộc bởi tác giả đã viết về cuộc sống tầm thường như nó vốn có, không làm
quá, không thêm thắt vớ vẩn. Những cảm xúc, những trăn trở của từng nhân vật đều
rất dễ hiểu, dễ cảm thông và hoàn toàn có thể lý giải được. Biết sao giờ, mình
là người thường, những nhân vật đó cũng rất bình thường và tác giả có lẽ cũng
chỉ muốn viết đến vậy.
Điều mình cực kỳ trân trọng tác giả là khi xây dựng nên những
nhân vật gần gũi, thân thuộc và đặt họ trong những biến cố cuộc sống, tác giả vẫn
để họ trở thành những con người bình thường, có số phận bình thường chứ không để
họ trở thành một con người xuất chúng, làm những điều vượt bậc như bao nhiêu
phim ảnh xa xỉ mình đã nói ở trên. Những nhân vật trong Điều kỳ diệu của tiệm tạp
hóa Namiya đều quý trọng những lời khuyên tiệm dành cho họ, kết thúc sự kiện, họ
sống cuộc đời của mình như một người bình thường, như chính bản thân mình cũng
sẽ làm thế. Cô gái Thế vận hội sau mối tình sinh ly tử biệt vẫn muốn kết hôn,
sinh con, cô đã chọn điều mà hàng triệu cô gái khác sẽ làm trong thực tế nhưng
hàng trăm cô gái khác trong tiểu thuyết tình cảm sẽ không làm. Chàng nhạc sỹ
hàng cá không bao giờ nổi tiếng bất chấp sự hy sinh của cha mẹ và sự nỗ lực
không ngừng của bản thân, một ví dụ điển hình của câu hát “When you try your
best and you don’t succeed” (Fixed You – Coldplay) hay sự khắc nghiệt và bất
công của nghệ thuật. Trong hàng trăm phim khác, người như anh thể nào cũng ăn
nên làm ra và được thiên hạ ca tụng đến chết vì đức tính không bao giờ bỏ cuộc
mà vươn tới thành công. Hay cậu bé mê The Beatles, một bộ phim thông thường sẽ
kết thúc bằng việc cậu đoàn tụ với gia đình hoặc trở nên cực kỳ giàu có sau bao
nhiêu năm lưu lạc chứ không phải là một anh nghệ nhân già ngồi quán bar và cay
đắng hối tiếc về lời khuyên mình đã không nghe theo trong quá khứ, về những day
dứt về sợi dây tình cảm gia đình anh bỏ lại suốt bao năm. Hay như cô gái tiếp
viên muốn làm giàu, sự thật là việc cô trở nên giàu có nhờ sự tiếp tay của
tương lai vẫn thực tế hơn là cô nỗ lực từ hai bàn tay trắng. Dĩ nhiên là nhân vật
có sự kiên cường và chăm chỉ đáng khâm phục, chỉ là dự đoán được thời thế nhờ
lá thư từ tương lai phần nào lại “đáng tin” hơn là làm giàu chỉ nhờ “may mắn”.
Hơn nữa, cô gái trở nên giàu có và phần nào đó cáo già, thực dụng hơn cũng là một
phần thực tế mà tác giả không quên dành cho nhân vật. Tất cả nhân vật trong Điều
kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya đều có sự không hoàn thiện của một kiếp người
trong cuộc sống, điều buồn bã mà mình nhận ra khi soi thấy chính mình trong mỗi
nhân vật. Hầu hết họ đều kết thúc trong cô đơn. Cậu bé mê The Beatles tự lực sống
nhưng luôn khép kín, cô gái tiếp viên gây dựng nên sự nghiệp đồ sộ với số tài sản
kếch xù nhưng chỉ sống một mình và chỉ tiến về phía trước mà không ngừng nghỉ,
chính vì thế cuộc sống cũng không trọn vẹn. Anh nhạc sỹ chết trong đám cháy, dĩ
nhiên chỉ nổi tiếng “nhờ” cứu mạng người khác chứ không phải tài năng và hoàn
toàn chẳng báo hiếu được gì cho cha mẹ. Cô gái Thế vận hội mất người yêu và
cũng không tham dự thế vận hội, cuối cùng hạnh phúc với cuộc sống bình thường.
Ba tên trộm tuy nhận ra tương lai họ vẫn là một tờ giấy trắng nhưng vẫn đối diện
với án tù và cuộc sống bấp bênh sau này. Ông cụ Namiya, sau mối tình dang dở là
một cuộc hôn nhân viên mãn, nhưng đâu đó vẫn là nỗi buồn thấp thoáng của tuổi
già neo đơn, bệnh tật, nghèo khó phải đi tìm sự an ủi trong việc tư vấn, giải
quyết tâm sự của người khác. Ấy là mình chưa nói đến cô gái trẻ thiếu đói và đứa
trẻ mồ côi bị bỏ lại. Những bi kịch của nhân vật không mới nhưng nó thực tế đến
chân thực, cảm xúc của nhân vật cũng chân thực. Sự ích kỷ, bồng bột, những nỗi
lo lắng, trăn trở, những điều vướng víu, sợ hãi, những mong mỏi, ước mơ của họ
đều thật đến mức mình hiểu và nhìn thấy bản thân mình trong đó. Và không như
phim ảnh, những nhân vật đó mang những sự không hoàn thiện của họ sống tiếp cuộc
đời mình, không lên gân, không gào thét, cứ bình bình, buồn buồn như chính con
người trong cuộc sống này sẽ làm.
Đó chính là điều mình thích nhất, bởi điều kỳ diệu, sợi chỉ
xuyên suốt, kết nối những mảnh vải này đã là đủ kỳ diệu cần thiết, nó không cần
một cuộc đời vượt mọi nghịch cảnh để chứng minh bất cứ điều gì. Như mình đã
nói, không ai bỏ tiền ra chỉ để xem một cuộc đời của một nhân vật tầm thường y
chang họ, vậy nên khi xây dựng những nhân vật rất “con người” đó, tác giả đã
dùng sự kỳ diệu giữa quá khứ, tương lai, giữa sự liên quan ngẫu nhiên giữa các
nhân vật và sự kiện lại để thắt nút, để làm điểm nhấn. Nó thực sự rất thông
minh. Tác phẩm là sự cân bằng hợp lý sự nghiệt ngã, cay đắng bình thản của mấy
mảnh đời bất hạnh và sự bay bổng của phép màu.
Mình thích sự nhẹ nhàng của tác phẩm. Mọi cảm xúc đều có. Bất
ngờ, buồn bã, thú vị, day dứt, tiếc nuối, ấm áp,... chỉ là không quá nổi trội,
lấn át những cảm xúc khác, cuối cùng đọng lại một sự buồn thanh tao, buồn lặng
lẽ. Bởi xét cho cùng, dù lời khuyên của tiệm có đạt được mục đích hay không, mỗi
nhân vật trong đó đều sống tiếp cuộc đời của người thường, mà cuộc đời của người
thường dù thế nào cũng đều có chút buồn buồn hết. Người không sống tiếp như ông
chủ tiệm, mình để lại sự tiếc thương cho một ông già nhân hậu, cô đơn, cẩn trọng,
dí dỏm, một nhân vật bình thường nhất nhưng cũng “đặc biệt” nhất trong những nhân vật trong tác phẩm.
Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya là một tác phẩm đáng đọc,
dù đôi chỗ chưa hoàn hảo. Mình biết tác phẩm còn nhiều chỗ thừa thãi khi có nhiều
trang mình chỉ muốn lật đi cho nhanh vì chúng giải thích những điều mình đã biết.
Ví dụ như đoạn giải thích ba tên trộm hồi âm cho anh nhạc sỹ hàng cá, theo mình
là hoàn toàn không cần thiết và làm loãng tác phẩm, tình tiết quen biết giữa Thỏ
ngọc Cung trăng và Chó nhỏ lạc lối thì không cần có cũng được. Dẫu vậy việc tạo
ra những nét riêng nhất quán trong tính cách, hoàn cảnh của nhân vật mà không cần
làm quá thái độ của họ là một trong những điều tác giả làm khá tốt. Tiêu biểu
như những lá thư các nhân vật gửi cho ông lão Namiya, thư hồi âm của ông lão,
thư hồi âm của ba tên trộm, thư của người nhờ tư vấn,... từ độ dài, ngắn, câu
chữ, cách dùng từ, tất cả đều khéo léo bật lên hình ảnh người viết, từ tâm lý,
trình độ học vấn đến tuổi đời và kinh nghiệm của họ và không làm lẫn lộn những
nhân vật này với nhau. Thái độ của những nhân vật đối với một vấn đề phản ánh
quan niệm của họ về cuộc sống trong hoàn cảnh hiện tại. Như ông cụ Namiya cẩn
thận xem xét mọi khía cạnh của người gửi tâm sự và lịch sự gửi một bức hồi âm
chân thành và sâu sắc theo đúng chuẩn người già giàu chữ nghĩa khác hẳn với tâm
lý vội chỉ trích nhưng thẳng thắn và không vòng vo của ba gã bần cùng sinh đạo
tặc dành cho chó nhỏ lạc lối và anh nhạc sỹ hàng cá. Không cần phải quá cao
siêu khi miêu tả nhân vật, mỗi lá thư đã là một chân dung sống động của từng
con người, khi mà họ giãi bày chân thực nhất về mong mỏi của chính mình.
Tác phẩm có thể tạm coi là kết thúc có hậu, bởi như hầu hết
những câu chuyện dạng này, vẫn luôn là kết thúc mở hướng về tương lai dành cho
ba tên trộm muốn hoàn lương sau những lời khuyên sâu sắc cuối cùng ông cụ
Namiya dành cho một tờ giấy trắng. Nó khiến dư âm tác phẩm đọng lại chút tươi
sáng, mặc dù mình vẫn còn buồn phảng phất sau hai câu chuyện của ông cụ Namiya
và cậu bé The Beatles. Biết sao giờ, không thể gọi tác phẩm của mình với cái
tên “điều kỳ diệu” mà có một kết thúc bi kịch được, đây có phải là Pan’s
Labyrinth (2006) đâu. Mình đoán vậy cũng được và đủ trọn vẹn cho một tác phẩm
xúc động, gần gũi, dễ đọc và đáng để đọc và cho chính bản thân mình trong một
ngày không cần được khóc.
Nhận xét
Đăng nhận xét