Khi đám đông có thể làm hỏng một tuyệt tác hay câu chuyện đi đến rạp xem phim gặp toàn đám tào lao



Đây không phải là bài viết liệt kê những loại người si-đa, trái khoáy nhất bạn từng gặp trong rạp xem phim. Mấy bài viết đó bây giờ đã già, xấu và xưa hơn Diễm rồi, ai mà chẳng đọc qua rồi. Nếu có cập nhật, bổ sung, cải cách gì mới, đó là thêm vào loại người xài tiền sai mục đích mua vé vào cởi quần, kéo áo chịch nhau trong rạp. Tụi nó thật giỏi, mình khâm phục. Mặt dày thì ai cũng dày, phim sex thì nhiều người cũng muốn đóng, chỉ là chịu lạnh được thế thì chỉ có vài người.

Tối hôm qua, mình với bà chị già đi xem Us. Là một phần tử rảnh rỗi hay lang thang cơ nhỡ trên Youtube, mình biết Jordan Peele từ hồi còn chung nhóm hài với Keegan-Michael Key (Key and Peele). Nhìn chung không hẳn clip nào của hai ảnh cũng hay, vì đôi khi mình phải là người da đen sống ở đất Mỹ mới thấy sợ phân biệt chủng tộc, mới hiểu thâm ý sâu xa của mấy ảnh thông qua mấy kiểu cười làm lố, mấy từ tiếng lóng và chửi thề hoành tráng kia. Nhưng nếu đã thích thì sẽ nhận ra K&P là một nhóm hài có nét riêng và thực sự tài năng. Từ biên kịch, đạo diễn, diễn xuất, nhái giọng vùng miền và người nổi tiếng, không gì làm khó hai anh. Chỉ là mình không ngờ cái bước tiến mà Jordan đi từ K&P cho đến giải Oscar cho Get Out và cho đến Us bây giờ, nó lại quá xa xôi và vĩ đại đến vậy.

Với thiện cảm dành cho Peele, sự khâm phục dành cho sự chặt chẽ, logic của Get Out, màn tán dương nồng nhiệt thiên hạ ca tụng Us, mình không thể không đi xem nó. Mọi thứ thẳng hàng đẹp đẽ cho một tối thứ bảy đi thư giãn với người thân, khi mà lâu lắm rạp ở quê mới chịu chiếu một phim kinh dị ra hồn. Mình còn nhớ mình đã tức xì khói khi chúng nó chiếu đủ thứ phim ma bí đao của Tàu, ngải hạt me của Thái nhưng không thèm chiếu A Quiet Place của vợ chồng Krasinski. Bây giờ chúng nó mở mắt và chịu chiếu Us, bà không thể không đi xem, bởi vì “The internet is dark and full of spoilers”.

Lúc xếp hàng mua vé, một bé xinh xắn nép vào vai bồ rồi hỏi nhỏ nhân viên:
- “Chúng ta” là phim kinh dị ạ?
- Dạ đúng rồi chị.
- Phim ma hay sao? Ôi em sợ ma lắm anh ơi.
- Dạ, không phải ma đâu chị, phim giết người thôi ạ.

Lát sau thấy bé xinh xắn nũng nịu gì đó với anh bồ, cuối cùng cả hai quyết định xem Khách sạn Mumbai: Thảm sát kinh hoàng cho bé xinh xắn đỡ sợ. Âu cũng may cho mình khi em nó chọn phim khác vì cuối cùng cũng mua được cặp vé có chỗ ngồi không quá gần màn hình. Mình phấn khởi mình cho dân trí quê nghèo nay đã thăng hạng, vì thiên hạ đi coi Us đông vô vàn, chứng tỏ thị hiếu phim ảnh đã được nâng cao rõ rệt. Vé đã được mua gần kín, người đi xem ai cũng phấn khởi mong chờ. Mừng cho túi tiền của anh Peele.

Lúc vào rạp ngồi, tình hình chung là toàn đám mười bảy bẻ vụn sừng trâu vào xem, mình đã hơi lo lắng. Như thường lệ, tụi nó dư năng lượng và phấn chấn kiểu thanh niên mới lớn, kiểu mà người già như mình chắc chết vì quá nghẹt thở và gato. Một em nhỏ phía sau ào ào ngồi kể lại chi tiết cái trailer phim cùng bài bình luận trên mạng em mới đọc cho đám bạn tò mò của nó, bất chấp thiên hạ bỏ tiền để vào xem chứ không bỏ tiền để nghe em kể chuyện. Cặp đôi hiền lành ngồi bên cạnh rõ ràng là mới hẹn hò vì nhìn họ không được thoải mái cho lắm. Nếu tính luôn cả hai chục cái máy ảnh đang selfie liên tục, tình hình không khác gì đi xem How To Train Your Dragon, lần này chỉ không có thấy đám con nít nằm ngủ gật.

Sự thật là bộ phim không nhận được sự trân trọng nó đáng có. Cảnh đầu phim, anh trai bên cạnh cố gắng làm màu với bạn gái bằng việc liên tục ngồi nói những chuyện không liên quan tới phim và đương nhiên, ảnh nói rất to: “Nhà gương thôi mà em, cái này anh đi rồi. Năm ngoái anh đi Suối Tiên, cái này cũng đâu có gì…….”. Mình thở dài, im lặng vì vẫn còn chịu được, hơn nữa không phải chỉ có mỗi ổng đang lải nhải. Đến đoạn con thỏ và bài hát khó hiểu, thiên hạ đua nhau mở điện thoại kiểm tra tin nhắn. Nói chung đó là lỗi của anh Peele, mình cũng đâu có hiểu thâm ý của ảnh nên chỉ ngồi trơ mắt ngắm thỏ.

Phim xem đến nửa chừng, gái phía sau thốt lên một câu xanh rờn “Hình như cái bà này là con bé ở đầu phim”. Ôi em ơi, em ăn gì mà thông minh thế, chị xem mãi mà không phát hiện được cái sự thật hiển nhiên mà em mới khám phá ra luôn. Đó là em toàn ngồi bàn chuyện đúng rồi như thể nó đúng rồi vậy. Phải em, bốn người này giống hệt bốn người kia, nó là chân lý em mới phát minh ra mà không ai biết cả, em cứ thoải mái tự hào và tiếp tục là thám tử Conan đi em. Ừ, áo người ta mặc màu đỏ á, thứ người ta cầm là cái kéo á, xe người ta lái là ô tô, chị thành thật là quá đui mù nên đành nhờ em thuật lại vậy.

Tình hình diễn biến ngày càng tệ. Mình phải suỵt cha làm màu bên cạnh như suỵt chó bởi vì ổng cứ liên tục nói chuyện với bạn gái mỗi khi không có các đoạn rượt đuổi, chém giết. Cô bạn gái, những bé gái xung quanh, vì muốn chứng minh mình không phải bánh bèo vô dụng hay gái tầm thường thích nép vào anh bồ mỗi khi sợ hãi, bắt đầu ngồi cười rất to mỗi khi đến đoạn nguy hiểm. Một phần lỗi ở đây dĩ nhiên là từ Jordan Peele, ai bảo làm phim kinh dị mà nhân vật lầy lội. Khán giả xung quanh thì quá thông minh nên cóc biết lúc nào thì cười, lúc nào thì nên ngậm miệng lại mà thưởng thức. Đoạn “cái bóng” của Lupita Nyong'o bắt đầu nói, cả rạp ngồi cười quên trời đất mà không nhận ra sự đáng sợ và phần diễn xuất tuyệt vời của bả. Nó thực sự rất ám ảnh và xuất sắc, từ giọng nói, ánh mắt, sự giận dữ và hoang dại, nếu mình ngồi coi một mình chứ không phải đám ruồi bu kia. Cảnh Elizabeth Moss dùng cây son, cảnh hàng dài người nắm tay, cảnh nhảy nhót tàn sát nhau cuối phim, khán giả ngồi cười như đi xem hội, còn ngồi than thở với nhau ngồi xem cười mệt quá. Còn cái câu về OJ Simpson, chỉ có mình trong rạp ngồi nhếch mép, vì thiên hạ méo hiểu.

Mình cá 90% cái rạp mình ngồi không hiểu được cái plot twist của phim, bởi vì chỉ có cái chi tiết cái áo của con bé mặc có chữ “thỏ” mà tụi nó nhìn mãi mới ra, mà khi đã nhìn ra thì trầm trồ bản thân như thể mình là Sherlock Holmes tái thế vậy, nếu mà tụi nó thực sự hiểu cái plot twist, không đời nào có chuyện ngồi im chẳng nói gì, thậm chí còn chẳng chịu chờ đèn mở sáng đã đi về như vậy được. Hơn một nửa số người trong rạp của mình không đủ kiên nhẫn để nhìn thấy cảnh hàng ngàn người nắm tay nhau thành một dải đỏ bởi vì họ bỏ về ngay khi bài hát cuối phim vang lên. Đối với họ, đây là một bộ phim giải trí và không có phần credit cuối phim như Marvel. Họ cần về. Bây giờ đã là 9 giờ 15 phút, trời tối thui, gió núi lạnh lẽo, hãi lắm.

Một trong những điều mình tâm đắc nhất trong Get Out đó là những chi tiết nhỏ tác giả đã “nhẹ nhàng” cài cắm, gợi ý cho khán giả về nội dung bước ngoặt trong phim. Khi mình xem Get Out, mình hoàn toàn bỏ lơ những chi tiết này, vì phần lớn những mẩu nhỏ tương tự như vậy trong phim kinh dị thường khá vô nghĩa và chỉ để hù dọa và tung hỏa mù là chính. Thế nhưng khi bộ phim kết thúc và mình bắt đầu xâu chuỗi những mảnh ghép này với nhau, chúng hoàn toàn logic và hợp lý đến bất ngờ, đến hoàn hảo, đến mức mình phải trách bản thân là sự thật đã phơi bày lù lù thế kia mà sao mình không đoán ra.

Với Us, sau khi đã mang sẵn tâm lý đề phòng trí tuệ xoắn quẩy của anh Jordan Peele, mình quyết tâm xem kỹ, nghe lâu, đào sâu những chi tiết tưởng chừng vô nghĩa của phim để tận hưởng trọn vẹn trải nghiệm bới lông tìm vết một bộ phim thông minh. Mặc dù mình đúng là đoán được cái plot twist trước 15 phút nhưng mình hoàn toàn không thể tập trung xem những chi tiết tủn mủn khác được, bởi xung quanh quá ồn ào và cười cợt ở những trường đoạn không cần thiết. Não mình thì bé tí, không thể lọc quá nhiều thứ cũng như không lọc được sự giận dữ và bất lực trước thực tại khắc nghiệt.

Theo kịp nội dung phim không khó, chỉ là tính chất kinh dị, sợ hãi hay thông điệp sâu xa mà Us mang lại, mình thực sự không thể cảm nhận được. Lý do duy nhất chắc là “wrong crowd”. Khi rời khỏi rạp, trong mình chỉ có một cảm giác của sự hoang phí. Đó không phải là phí tiền, phí thời gian, bởi ngay cả khi trong một cái rạp vớ vẩn, Us vẫn đủ sức chứng tỏ mình là một bộ phim chất lượng. Chỉ là mình cảm thấy bộ phim bị phí hoài khi được trình chiếu cho những khán giả như vậy, những khán giả không trân trọng được sự tỉ mỉ, chi tiết mà Jordan xây dựng, đánh bẫy hay phải khó khăn như thế nào cho nữ diễn viên khi nói với cái giọng nói “mắc cười” đó.

Trong một khoảnh khắc, mình chỉ ao ước mình có thể xóa trí nhớ để có thể xem lại Us, một mình, để thực sự biết bộ phim đáng sợ ở cái chỗ khỉ khô nào.

Trên mạng bây giờ có hàng chục clip, bài bình luận về thông điệp vô giá, thời sự, sâu sắc, thâm thúy, hãi hùng, phi thường,… của Us. Cũng giống như khi phân tích thơ Xuân Diệu hồi còn mài đít quần áo dài trên trường, mình nghĩ tác giả đôi khi cũng chẵng nghĩ nhiều đến thế. Thiên hạ bắt đầu ngồi tô vẽ, thêm thắt, đánh bóng câu chuyện, bài học, ý nghĩa, lời cảnh tỉnh, tiếng than khóc, hồi chuông báo động,… về cuộc đời, con người, cuộc sống, nước Mỹ trong Us một cách thật triết lý, cảm động và hay ho. Liệu Jordan Peele khi nói về chính tác phẩm của ảnh có đẹp đẽ và bay bổng đến thế? Liệu ảnh có rành mấy câu chuyện dân gian xa xôi thiên hạ liên kết với bộ phim cho thêm phần trí tuệ và triết học? Liệu ảnh có nhận vơ luôn là mọi thứ ghê gớm mà các nhà bình phim nói ra nói vào đều là dụng tâm thiên tài của ảnh?

Hay tất cả “Chúng ta” hoặc là đám ngốc không thấu hiểu được một gam nghệ thuật hoặc chỉ là đám đạo đức giả, thích bới bèo ra bọ, thích giả vờ là người thông minh, hiểu chuyện và nắm đời?





Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo