Về Nàng Dae Jang-Geum (2003)

Hôm qua ngồi lướt face, mình vô tình xem lại một đoạn trích phim Nàng Dae Jang-Geum. Với chút hoài niệm tuổi thơ của một người lớn nhàn rỗi, một đoạn trở thành nhiều đoạn, nhiều đoạn trở thành mong muốn luyện lại trọn bộ hơn năm chục tập phim xa lơ xưa lắc. Người thì lớn, phim thì cũng đã xem, ấy vậy mà mình khóc hết nước mắt cái cảnh Mama Han gục đầu chết trên vai Jang-Geum, rồi cảnh em nó ôm xác thầy, gào khóc đòi trả thù cho thầy, tội nghiệp gì đâu.
Đó là một trích đoạn lưng chừng trời, nơi mà người ta bóp méo giọng nói diễn viên, đẩy nhanh tốc độ clip để lách tội vi phạm bản quyền. Dù gì bộ phim cũng là huyền thoại, có muốn cũng không làm nó dở được. Mà mình cũng không biết nữa, có lẽ làm người lớn mệt, mình chỉ muốn mượn Nàng Dae Jang-Geum khóc một tí, xả stress.

Kết quả hình ảnh cho nàng dae jang geum poster

Có rất nhiều thứ về Nàng Dae Jang-Geum đã phai màu trong trí nhớ mình. Năm ấy mình học cấp hai, lớp 7, lớp 8 hay lớp 9? Mình chịu. Mình chỉ nhớ thời đó ba mình đưa ra chính sách cấm vận tivi buổi tối để tập trung vô chuyên môn “làm bài tập”. Ấy vậy mà bằng một sự kỳ diệu của ăn hên, sự thông cảm kín đáo của các bậc phụ huynh, do chế độ giáo dục ngày xưa hiền lành và dễ tính, mình gần như coi trọn vẹn bộ phim này. À, chỉ trừ có đúng 2 tập phim quan trọng mình không coi được (mình cũng không nhớ rõ nguyên nhân tại sao mình lại bỏ qua hai tập phim này), đó là tập Jang-Geum và Mama Han bị người ta vu oan và khép tội mưu phản, và tập cuối cùng của bộ phim. Điều buồn cười là mặc dù tập cuối mình đã được đứa bạn trong lớp hồi ấy “phổ cập giáo dục” cho nghe, mãi đến hôm qua mình mới thực sự biết nguyên nhân Mama Han tại sao bị mất chức tổng quản rồi bị đày đi rồi bị chết tức tưởi dọc đường như vậy. Hồi đó mình chỉ xem được đoạn Mama Han chết, lúc bé mình khóc, giờ lớn cũng nước mũi tèm lem, nghĩ lại có những thứ xương-cốt-tủy, những thứ cơ bản, thâm căn cố đế ở trong mình vẫn chẳng thay đổi gì cả.
Đó là thứ bất biến. Còn những điều vạn biến?

Với con mắt nhìn đời của một nữ thanh niên xem nhiều phim tây và có một blog nghiệp dư chuyên bình phim, cùng với tư tưởng triết học sáo mòn “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”, bản thân mình nhìn Nàng Dae Jang-Geum cũng không còn trọn vẹn như xưa nữa. Với cảm xúc thông thường của một người bình thường xem lại một bộ phim làm nên tuổi thơ, mình nhìn nhận Nàng Dae Jang-Geum với những hạn chế của chính nó với một sự vị tha đáng ngạc nhiên. Bởi có rất nhiều phim mình rất thích hồi con nít nhưng khi đã già đầu lớn xác không thể chịu đựng được, dù chỉ một tập phim.

Kết quả hình ảnh cho charmed poster
Một trong những phim ghi đậm dấu ấn trong thời con nít của mình là Charmed (Phép thuật). Đó là một series phim truyền hình xứ cờ hoa về ba chị em phù thủy nhà Halliwell trong hành trình đi chiến đấu với pháp sư, ma quỷ ác ôn và bảo vệ người vô tội. Với sự hạn chế về đề tài phim màn ảnh nhỏ thời đại đó, việc trình chiếu một bộ phim truyền hình Mỹ với đề tài mê tín dị đoan, có kỹ xảo hoành tráng và ba cô nương vừa xinh, vừa sexy, vừa nhiều anh bồ thực sự là một điều mới mẻ của nhà đài quốc gia. Mình xem hết mọi tập phim với sự yêu thích và thần tượng không che giấu. Ngày ấy, Charmed vừa kinh dị, vừa màu nhiệm, vừa gây cấn, vừa mắc cười, nó là sự chờ đợi duy nhất trên tivi mỗi tối trong tuần.
Thời thế thay đổi, không như những bộ phim kinh điển có thể sống ở bất cứ thời đại nào như Breaking Bad hay Seinfeld, Charmed trở nên lỗi thời. Mình nhận ra một tập phim có quá ít cảnh hành động và cao trào, kỹ xão vẫn ổn định nhưng thời lượng là không nhiều, mọi thứ thông thường chỉ gói gọn trong drama tình thương mến thương của chị em nhà phù thủy với quan hệ máu mủ thân thiết cùng yêu đương trai gái sến súa. Yếu tố kinh dị ngày xưa khiến mình thích thú nay trở nên nhạt nhẽo, ngáp ngủ. Cao trào phim thì đầy lỗi logic và kém bất ngờ. Nó không thể khơi gợi lại bất cứ một cảm xúc nào mình từng có khi xem phim hồi bé.
Lỗi không phải của Charmed, nó là một series thành công trong thời đại của nó, là bệ phóng cho vài ngôi sao, thiết lập vô số kỷ lục về doanh thu và lượt xem. Trong văn hóa đại chúng, Charmed vẫn được xếp vào hàng kinh điển không được đụng tới và làm nên tuổi thơ cho một thế hệ không chỉ ở Việt Nam. Chỉ là nó không theo kịp lạm phát, CGI hay chính sự biến hóa khôn lường và bước ra khỏi lối mòn của phim truyền hình hiện nay đã đẩy Charmed rơi vào tình trạng lỗi thời. Hoặc mình đã khác, mình đã trở nên quá khó tính.

Nàng Dae Jang-Geum không có cái sự lỗi thời đó, nó làm chính sự khó tính của mình ngạc nhiên. Là một con người thật thà, dĩ nhiên mình nhận ra những điểm lạc hậu mà nếu những phim truyền hình hiện đại ngày nay còn mắc phải, nó sẽ không sống sót qua cơn mưa cười cợt của khán giả đại chúng. Ồ, bạn nghĩ Nàng Dae Jang-Geum của bạn là hoàn hảo à? Không đâu.

     Trong một trích đoạn từ tập 47 của bộ phim Nàng Dae Jang-Geum, chứ không phải là một tập phim soap opera nào của Ấn Độ cả. Đây là phân cảnh khi ông ngự y chuẩn đoán sai bệnh cho hoàng thượng năm xưa, người được đinh ninh là đã tự sát, xuất hiện. Cái giây phút ông này hiện hồn, bộ phim ghi lại phản ứng của tất cả nhân vật hiện diện trong căn phòng, từng người, từng người một trưng ra một diễn xuất cực kỳ thái quá và phô trương. Trừ khi là phim hài và phim Ấn Độ khi những phân cảnh như thế là cơm ăn, nước uống hàng ngày, phim truyền hình bây giờ không chơi cái bài này nữa. Hoặc nếu có thì cũng không đến mức “kịch” tính như vậy.
Có rất nhiều nhân vật thừa thãi trong bộ phim. Phim truyền hình ngày nay có thiên hướng tinh giản, cô đọng, hầu như không có nhân vật vô thưởng vô phạt, không ảnh hưởng đến cốt truyện. Trong Nàng Dae Jang-Geum, có một vài nhân vật chỉ để mục đích gây cười hoặc đại diện cho tiếng nói, ý kiến của số đông trong việc đối xử, nói chuyện với Jang-Geum. Ví dụ như trong phân đoạn Jang-Geum đánh cược với Thái Hậu để dụ dỗ thái hậu uống thuốc, câu đố của Jang-Geum được xem là khó, ai cũng muốn biết đáp án. Có kha khá phân cảnh các nữ ngự y đồng nghiệp của Jang-Geum hỏi cô lời giải cho câu đố này nhưng chúng ta đều biết là Jang-Geum đâu có bị ngu đâu mà nói với ai. Những phân đoạn gặng hỏi đáp án, sự dỗi hờn vì không được nghe đáp án, sự bực bội vì không biết đáp án, nó thực sự thừa thãi và khi được lặp lại với nhiều tình huống khác nhau, nó gây ức chế cho mình. Nếu được viết lại trong kịch bản ngày nay, Nàng Dae Jang-Geum chỉ tầm 40 tập là đủ chỉnh chu, kịch tính và cảm động như thường.


* có ai nhớ mấy nhân vật này tên gì và có vai trò nào trong phim không?




Một trong những điều kém đặc biệt nhưng lại là xuất sắc nhất của bộ phim đến từ cách xây dựng nhân vật nữ chính Jang-Geum. Cổ quá hoàn hảo. Xinh đẹp, thông minh, tốt bụng, dũng cảm, khiêm tốn, biết kính trên nhường dưới, hòa đồng với mọi người, cũng biết đối đáp sắc sảo, cũng biết bảo vệ và tranh đấu cho chính kiến của bản thân,… nhìn chung là tốt hết phần thiên hạ. Jang-Geum làm gì cũng giỏi. Cái người ta học cả đời chưa thành tài, Jang-Geum chỉ cần phấn đấu vài năm là thành siêu sao trong cả hai giới ẩm thực và y học. Đôi lúc mình ngẫm nghĩ mãi, người như Jang-Geum có chỗ nào sứt mẻ, xấu xí? Thậm chí đến phút cuối trả thù cũng muốn cho Mama Choi (hay Mama Chuê) bước đường để lùi, để quay đầu hối cải. Không có một điều gì để chê trách, để làm vẩn đục hình tượng ngọc ngà của Jang-Geum cả.
Một nhân vật một chiều như nàng Dae Jang-Geum có vẻ sẽ khó sống trong thời đại phim ảnh ngày này, khi người xem có xu hướng thích các nhân vật gần gũi với họ hơn, tức là đa dạng, nhiều sai lầm và không hoàn hảo. Một nhân vật màu xám với tốt xấu, mâu thuẫn và hạn chế riêng biệt của họ sẽ ghi dấu ấn đậm nét hơn một nhân vật cái gì cũng tốt như Jang-Geum. Đó là chưa kể đến thực tế đáng buồn là loại người bẩn tính, hay so đo và ghen ăn tức ở như mình vốn không thích những nhân vật “không tì vết” như cô, nhân vật như thế chả có gì thú vị hết. Vậy mà cứ mỗi lần mình xem phim, mình không thể ghét Jang-Geum được. Sự quý mến Jang-Geum đến rất tự nhiên và gần như không thay đổi qua tuổi tác. Nếu có một chút thay đổi, có lẽ đó là mình quý nhân vật này hơn thôi.

Như những nhân vật chính trong bất cứ một tác phẩm hư cấu nào, Jang-Geum được mặc định có những phẩm chất hơn người. Năng khiếu nấu ăn, trí thông minh thiên phú chỉ là bước đệm ban đầu để cô thành công. Quá trình học tập, khổ luyện của Jang Geum được kể lại trên những bước đường đi gập ghềnh, khổ ải mà cô chịu đựng, để những thành quả Jang-Geum đạt được không bao giờ được gọi là ăn may hay được “bụt” giúp. Những công trạng cô đạt được đến từ sự chăm chỉ tìm tòi, khám phá, thích đặt câu hỏi và có trách nhiệm cùng cái tâm trong mỗi công việc mình làm. Jang-Geum dĩ nhiên có tố chất hơn người, hơn đời nhưng cái cách cô khổ luyện, trưởng thành và tiếp tục học tập khiến mình thấy đáng mến. Mà Jang-Geum cũng đâu phải tự giỏi. Không như những nam chính phim kiếm hiệp sau khi rớt xuống vực, lụm được bí kíp tổ truyền, tự luyện và vô địch thiên hạ, quá trình học tập của Jang-Geum có thành quả cũng phần nhiều nhờ vào sự chỉ dạy tận tình của những người thầy của cô. Mẹ, mama Han, vị nữ y trên đảo (mình quên tên), đó đều là những người phụ nữ tài giỏi đã bỏ bao nhiêu tâm huyết truyền dạy cho Jang Geum không chỉ chuyên môn, kiến thức mà còn cả đạo đức khi thi hành công vụ và phẩm giá làm người. Những người thầy này đã giúp Jang-Geum giữ được cái tâm trong sáng cho đến tận bước cuối cùng của câu chuyện, tức là tập 54. Mình chẳng biết, ý tưởng phim về ca ngợi vai trò người phụ nữ không thể rạng rỡ, sáng choang hơn được nữa.
Và điều đặc biệt mình quý ở Jang-Geum, đó là khi liên quan đến công việc của bản thân, dù là cung nữ hay nữ y, có thể thấy Jang-Geum rất tự tin vào quyết định, vào khả năng của mình. Không có cảnh nào Jang-Geum khóc lóc vì không tin tưởng vào bản thân, cô cũng không mấy khi than thân trách phận hoặc người ôm bạn mè nheo “Làm sao bây giờ? Làm sao bây giờ?” Đôi khi mình cũng nghĩ Jang-Geum quá xuất sắc đi, cái gì cũng nghĩ ra được, người ta đốt nhà kiểu gì cổ cũng dập được. Tuy bị phe đảng Mama Chuê hãm hại hết lần này đến lần khác nhưng Jang-Guem lại không biết bày mưu để đấu lại, thế cũng yếu đuối òm. Nhưng khi suy nghĩ cho chín chắn hơn, Nàng Dae Jang-Geum đâu phải phim cung đấu, Jang-Geum cũng đếch phải Chân Hoàn mà ủ mưu sâu kế hiểm. Một trong những điều người ta mặc định cho Jang-Geum là tính hướng thiện và tấm lòng trong sáng của cổ, vậy cứ để như thế đi, để mấy nhà bình phim còn có hơn 2 trang giấy để ca ngợi một nhân vật tài sắc vẹn toàn, hồng nhan nhưng méo có bạc mệnh, ở hiền thì sẽ gặp lành…. Trong thời đại còn mang hơi hướm cổ tích đó, để xây dựng một nhân vật được lòng đại chúng như Jang Geum thì buộc phải tốt trên mọi nẻo đường. Và biên kịch đã làm rất thành công.
Một trong những lý do chủ chốt khiến Nàng Dae Jang-Geum được yêu thích đến từ nhan sắc và diễn xuất của Lee Young Ae. Đây là một trong những điểm cực kỳ khác biệt trong suy nghĩ của mình hồi bé và của mình hiện giờ.
Hồi nhỏ, với con mắt của một người dân Việt Nam thông thường không có truyền hình cáp, mình đã quá quen nhìn các nhân vật cổ trang Trung Quốc với váy áo tha thướt, mắt phấn môi son cùng trâm vàng hoa hoét đầy đầu, nó vô tình khiến tạo hình cổ trang của Nàng Dae Jang-Geum trở nên quá sơ sài. Đối với mình, họ chỉ đơn giản là mặc hanbok với các màu khác nhau. Tóc thì chỉ đuôi sam quấn lại các kiểu, quý tộc thì cài thêm vài cái trâm tròn tròn nhìn cũng chẳng bắt mắt lắm. Đấy là chưa kể các ông nam thì đội cái mũ rõ to, già trẻ gì cũng râu ria xồm xoàm, triệt tiêu mọi vẻ phong lưu, lạnh lùng cần có. Thực ra lúc đó mình cũng nghĩ bộ phim bám sát lịch sử và phục trang như vậy cũng tốn kém và hoành tráng lắm rồi, nhưng trong thâm tâm, mình thực lòng thấy nhợt nhạt và không vừa ý.
Như một lẽ tất yếu, nhan sắc Lee Young Ae bị dìm. Hồi bé, mình mê Jang-Geum vì cô tài giỏi là chính. Jang-Geum giống như một nhân vật truyện tranh, gặp đối thủ mạnh kiểu nào cũng đánh thắng, âm mưu nào cũng đập tan. Hồi đó mình cực kỳ thích xem Jang-Geum hiền lành lập đại công và được khen thưởng. Còn sắc đẹp của nữ diễn viên, nói thật là ai cũng giống y đúc ai, mình chẳng để ý.
Lớn lên (tức là bây giờ nè), mình mới nhìn nhận vẻ đẹp đặc trưng của Lee Young Ae đúng như những gì nó xứng đáng được ca ngợi. Trình độ make up của Hàn thời nào cũng đẹp, xứng danh người tiên phong, tạo ra xu hướng. Jang-Geum đẹp nhẹ nhàng, thanh tân, tuy dễ chịu, tao nhã nhưng nét nào ra nét đó, không chê trách được một lời nào. Vẻ đẹp của Jang-Geum đến sự nhan sắc tự nhiên của Lee Young Ae, nó rất nền nã, hiền hậu và thực sự rất dễ mến. Về phần trang phục, mình nhìn nhận sự đầu tư của nhà đài trong lựa chọn màu sắc trang phục nhã nhặn, chất liệu dòm đã con mắt. Tuy đều là hanbok nhưng thể hiện chức trách, sự phân cấp quyền lực rõ ràng, khiến khán giả dễ theo dõi.
Còn phần diễn xuất, chỉ đến bây giờ mình mới nhận ra một chút tính cách đa chiều và hay ho hơn của nhân vật Jang-Geum, chứ không chỉ là một nữ chính tự cường nữa, tất cả đều nhờ diễn xuất hay hơn mong đợi của Lee Young Ae. Có một đoạn, Jang-Geum vì lập công làm ra thứ thuốc khử mùi tỏi dâng lên thái hậu, cô được vua và hoàng hậu khen ngợi xong chưa thấy đã, cô về đòi ông thái y mình kính trọng khen mình, cái bà già mình đây cảm thấy bất ngờ và dễ thương vô cùng. Jang-Geum lúc này có cái gì đó gần gũi, tươi trẻ, đời thường hơn rất nhiều chứ không còn là thánh sống nữa.

 Và còn có một đoạn nhỏ, khi Jang-Geum hồi cung với thân phận nữ y, cô gặp lại bạn thân của mình là Yeon-Seng, người “may mắn” được vua ban cho “tình một đêm” nên không còn làm việc như một cung nữ nữa. Tuy vậy, với thân phận không cao cùng với việc không được vua ân sủng thêm hay ban cho bất cứ một danh phận nào khác, Yeon-Seng sống vất vưởng trong cung và còn bị các cung nữ khác ức hiếp. Chứng kiến tình cảnh khổ sở của bạn mình, biểu cảm của Lee Young-Ae thực sự rất sinh động, từ nụ cười tươi đoàn tụ chuyển sang nghẹn ngào, thương xót bạn, đi kèm với cái kết là nụ cười mếu máo cảm thông. Mình thực sự ùa theo cảm xúc nhân vật, mắt cũng rưng rưng tội nghiệp họ.

Những chi tiết này hồi bé mình không có nhớ, có lẽ cũng chưa đủ trình độ để nâng niu, trân trọng những khoảnh khắc giá trị như vậy. Bây giờ ngoại trừ xem lại thì mới biết có bao nhiêu phân cảnh xíu xiu thế này bị mình bỏ lọt nữa. Ngoài ra, khi mình vào diễn xuất khá phô phang của các nhân vật khác (diễn xuất dạng này khá phổ biến trong phim truyền hình Hàn Quốc nói chung) trong thể hiện sự ngạc nhiên, giận dữ, yêu, ghét hay toan tính, mình nhận thấy biểu cảm của Lee Young Ae tương đối tinh tế hơn, cô không cần diễn thái quá, làm lố hay trợn mắt một màu cả nhưng vẫn khiến người xem hiểu được tình cảm của nhân vật. Thì đúng là Jang-Geum là nhân vật có tính cách trầm ổn, hiền hòa nên không thể diễn oang oang lên như Mama Chuê được, nhưng bản thân có thể khiến một nhân vật điềm tĩnh, ít biểu lộ nhiều nhưng vẫn không nhàm chán, cứng nhắc là một điều không dễ. Xuất thần thì có vẻ không tới nhưng chắc chắn Lee Young Ae làm tốt hơn tròn vai.

Thực tế thì các nhân vật trong phim, bao gồm cả nhân vật Jang-Geum, Mama Han và Min đại nhân (người thương của Jang-Geum) hay cả những nhân vật phụ khác đều có xu hướng được xây dựng có tính cách khá điển hình và không thực sự độc đáo. Tuy vậy, không có nhân vật na ná giống nhau và mỗi nhân vật đều có thân phận, nét tốt xấu khác biệt, không gây lẫn lộn và lặp lại. Đặc biệt, tuyến nhân vật phản diện được xây dựng rất có chiều sâu, như nhân vật Mama Chuê ban đầu thì thấy ác theo đường thẳng, chẳng được nết gì, đến tập nhận quả báo thì khóc lóc thê lương, Ấy vậy mà mình nghe Mama Chuê tâm sự về bản thân, gia tộc và những hồi tưởng thời còn ngây thơ chơi với 2 đứa bạn thân (mà Mama đã hại chết cả hai), mình thấy thực sự cũng rất tội nghiệp. Và cả Geum-Young, đối thủ trong xó bếp của Jang-Geum, một người vốn không độc ác hay tham lam, chỉ vì ghen tuông chuyện đại nhân Min chỉ thương Jang-Geum, không thương cổ, lại thêm được Mama Chuê dìu dắt nên dần dần trở nên xấu tánh. Khi Geum-Young từ bỏ mọi tạp niệm, mọi khổ sở trong lòng và nói chuyện với Jang-Geum, mình cũng thấy cô này hay hay, cũng không ghét cổ nữa. Như mình đã nói ở trên, một nhân vật đa chiều với tốt xấu và lý lẽ riêng của bản thân vẫn đáng nhớ và “bền màu” theo thời gian hơn so với những nhân vật khác.

Bộ phim đã thành công khi xây dựng một hệ thống cung cấm với phép tắc, luật lệ cùng hệ thống quản lý phức tạp, cầu kỳ của đất nước Triều Tiên qua 5 đời vua. Không chỉ mang tính giáo dục về văn hóa, lịch sử, nói không ngoa, Nàng Dae Jang-Geum là một thước phim 54 tập quảng cáo khéo léo ẩm thực cùng y khoa xứ kim chi ra toàn châu Á. Một trong những điểm đặc sắc và thuyết phục nhất trong nội dung phim của Nàng Dae Jang-Geum chính là giải thích cặn kẽ, sâu sắc và cực kỳ hợp lý về quá trình chế biến, sử dụng nguyên vật liệu trong nấu ăn để bồi bổ cơ thể cũng như quá trình sử dụng thuốc thang, châm cứu chữa bệnh thời bấy giờ. Lấy ví dụ như trong một bộ phim cổ trang Trung Quốc bất kỳ, khi nói về một vị thần y nào đó, thông thường là anh nam chính/ chị nữ chính bị trúng độc không có thuốc chữa, vị thần y kia chỉ châm vài mũi châm, cho uống một vài viên đan không rõ nguồn gốc, kê cho vài thang thuốc bất minh, thế là anh/chị kia nghiễm nhiên được chữa khỏi. Trong phim Nàng Dae Jang-Geum, mọi thứ không bao giờ sơ sài như thế. Không chỉ phần hình thức đẹp đẽ đủ chuẩn “food porn”, cái hay và công phu của phim chính là giới thiệu về nguồn gốc nguyên vật liệu, công dụng bồi bổ của món ăn, thứ này kết hợp với thứ kia tạo ra hiệu quả gì, hậu quả gì… Tương tự như vậy, trong y học, Nàng Dae Jang-Geum cung cấp những kiến thức cơ bản về kiến thức y học cổ truyền, về cách bắt mạch, các loại mạch… Khi miêu tả bệnh cũng thực hiện chi tiết các triệu chứng, cách châm cứu, tại sao sử dụng loại thuốc này, tại sao tránh sử dụng thứ thuốc kia… Mặc dù mình không có kiến thức để kiểm chứng thực hư những thông tin bộ phim cung cấp, mình trân trọng sự kỳ công nghiên cứu của biên kịch trong việc nâng tầm trí tuệ của phim bằng việc đưa những thông tin này vào. Cái hay của phim chính là những kiến thức này được giới thiệu một cách đơn giản, khái quát hóa để khán giả đại chúng có thể nắm bắt được nhưng đồng thời cũng không hề sơ sài, qua loa, gây cảm giác bịp bợm. Nó được đưa vào khéo léo, vừa phải để bộ phim không bị thô cứng và khô khan, ngược lại, chính vì dựa trên khoa học để trình bày, đối đáp này mà trí thông minh, tài năng của Jang-Geum càng thêm tính thuyết phục chứ không phải chỉ nói chém gió là giỏi.

Và như một thói quen của mấy đứa đi làm màu, mình lên google tìm hiểu về bối cảnh lịch sử của phim Nàng Dae Jang-Geum. Không ngoài dự đoán, lịch sử đâu có lung linh, huyền diệu và tinh tươm như phim. Sử sách ghi lại Jang-Geum là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất trong lịch sử phong kiến Triều Tiên đứng đầu phủ Nội y, được phong làm quan tam phẩm trong triều đình. Một con người có tầm quan trọng như vậy trong lịch sử mà xuất thân, cuộc đời hầu như chẳng được ghi chép gì, đến mức “học giả Nam Triều Tiên vẫn đặt nghi vấn liệu Đại Trường Kim (Dae Jang-Geum) là một người thật sự hay chỉ là một cái tên chung đại diện những con người mà gốc gác bị phai nhòa trong lịch sử”.

Nàng Dae Jang-Geum đã làm nổi bật sự hà khắc của định kiến Triều Tiên xưa về thân phận người phụ nữ, khi mà một người tài năng và có nhiều công trạng như Jang-Geum vẫn phải chịu vô vàn trắc trở để được công nhận thực lực, đó là chưa kể sự chống đối kiên quyết của các đại thần đối với việc lập một nữ y làm quan, đứng ngang hàng với các đấng mày râu rậm rạp khác. Vậy mà khi nhận ra mình sắp băng hà và không thể bảo vệ Jang-Geum khỏi đám hủ nho thuộc hạ của mình nữa, ông vua lập kế để đưa Jang-Geum và người thương của cô lẻn qua nước Minh sống. Nghĩ xem, người đứng đầu nước Triều Tiên cũng biết mình chẳng thể chống lại nếp cũ, cách duy nhất để một cô gái như Jang-Geum tồn tại và cống hiến tài năng của bản thân để cứu người, giúp đời chính là thoát ly, là qua chạy hàng xóm tị nạn. Chính quê hương, đất nước của Jang-Geum không thể dung nạp một tài năng lớn như cô chỉ bởi vì cô là phụ nữ. Nghĩ vậy mà chua xót lắm.
Tuy thế, với màu sắc cổ tích hóa câu chuyện cũng như phục vụ cho cốt truyện, nhiều nhân vật trong phim được xây dựng khác với lịch sử (mà mình đọc trên wiki). Trong phim, Trung Tông Triều Tiên có vẻ là một vị vua anh minh, hiểu chuyện, giải quyết việc gì cũng có lý có tình. Theo wiki, Trung Tông được xem là một vị vua “bất lực”, không bao giờ được cai trị theo ý muốn cá nhân mà quyền lực luôn dao động theo các phe phái chính trị bắt nguồn từ các vị vương phi (mà số lượng khá đông đảo) trong hậu cung của ông. Trong phim, nhìn quanh nhìn quất thì Trung Tông chỉ có vài bà, trong đó mạnh nhất là vị hoàng hậu thứ ba. Vị hoàng hậu này được xây dựng như một vị vợ hiếu kính, yêu thương, bao dung với phi tần của vua, vì có ơn với Jang-Geum nên hết lòng yêu quý cô và sau này phục hồi chức danh cho vợ chồng Jang-Geum, nhìn chung ai dòm cũng quý. Theo như wiki thì Văn Định Vương Hậu là một người phụ nữ tham vọng, quyền lực. Khi còn là một vương phi thì dùng thủ đoạn dẹp trừ mọi chướng ngại vật, xây dựng thế lực, sau khi con trai lên ngôi vua thì chuyên quyền nhiếp chính suốt hơn 20 năm, thế thì đâu có hiền lành gì. Ôi sử liệu Triều Tiên dư sức làm 5 bộ Chân hoàn với Như Ý, không cần phải hư cấu với thêm mắm dặm muối chi hết.
Ngoài ra, một trong những điều mình không thích lúc còn bé chính là việc biên kịch cho Trung Tông yêu luôn Jang-Geum. Thì trong phim ảnh cũng đẹp trai ngon lành cành đào, nhưng trong lịch sử thì vừa già vừa béo. Dẫu vậy, lý do duy nhất mình không thích chính là mô típ cũ rích là trai nào cũng mê nữ chính trong tất cả các phim Hàn Quốc. Sao không để Jang-Geum và vua chỉ có đạo nghĩa quân thần, hoặc cùng lắm là tình bạn trong sáng, sao cứ phải là yêu đương?

Sau này đọc thêm ra, trong lịch sử, vị Vương hậu đầu tiên của Trung Tông mới chính là người ông này yêu thương nhất. Sau khi Yên Sơn Quân (anh trai và cũng là vị vua tiền nhiệm của Trung Tông) bị phế truất trong chính biến, Trung Tông lúc này định tự sát vì sợ bị Yên Sơn Quân giết hại, vợ ông đã ngăn cản ý định đó. Sau này Trung Tông được tôn lên làm vua, vợ ông được phong vương hậu, nhưng vì cha ruột của bà theo phe của Yên Sơn Quân nên Trung Tông bị các quần thần ép phải phế hậu. Đoan Kính vương hậu chỉ tại vị được vỏn vẹn 7 ngày, sau đó bị trục xuất ra khỏi cung, cả đời không bao giờ gặp lại chồng nữa. (Đây chính là hình mẫu lịch sử của bộ phim Seven Days Queen có Park Min-young đóng vai Đoan Kính vương hậu).
Chính mẩu lịch sử này đã chứng tỏ sự mềm yếu và dễ bị thao túng của Trung Tông Triều Tiên khi ông không thể bảo vệ được người phụ nữ mình thương yêu nhất để rồi sau này cả đời hối hận, người như thế làm sao mà còn có thể yêu ai được nữa. Việc xây dựng nhà vua yêu Jang-Geum quả thật chả tôn vinh thêm cái nết gì của cô này, mặt khác còn làm hình ảnh Trung Tông xấu hoắc thêm. Đó là điều duy nhất mình không thể bỏ qua cho bộ phim.

Nói gì thì nói, Nàng Dae Jang-Geum là một trong những trải nghiệm truyền hình hay ho nhất của mình. Mình bây giờ chỉ xem binge-watching, thế nên cái cảm giác ngồi từng tối chờ đợi trước màn hình ti vi, ngán ngẩm xem từng phút quảng cáo có lẽ đã lùi vào dĩ vãng. Có lẽ cái cảm xúc hồi hộp, hạnh phúc, thấp thỏm mà mình sống thật chân phương hồi bé đã không còn nhiều nữa, phần vì mình đã già, phần vì để xây dựng một bộ phim truyền hình đặc sắc như Nàng Dae Jang-Geum đã trở nên bất khả thi. Xem lại một đoạn trích Nàng Dae Jang-Geum có lẽ chỉ là một chút mong nhớ cái cảm giác hoài niệm của một thời dĩ vãng nào đó khi mọi thứ trong đầu mình thật giản dị, sáng trưng như bóng đèn Rạng Đông. Nhưng xem lại nhiều đoạn trích, muốn xem lại toàn bộ, có lẽ lý do duy nhất là Nàng Dae Jang-Geum hay. Người ta xem thầy trò Đường Tăng thỉnh kinh mỗi mùa hè bởi vì họ lớn lên với sự ngạo nghễ của Ngộ Không và sự cả tin, ngu ngốc của Đường Tăng, đó là kỷ niệm gắn với ký ức tuổi thơ không thể thay thế nên từ bây giờ cho đến vài thập kỷ nữa, Tây Du Ký vẫn hay bất chấp. Thế nhưng những bộ phim như Đất Phương Nam hay Nàng Dae Jang-Geum, những bộ phim này được vẫn thường xuyên được chiếu lại trên truyền hình và có một lượng khán giả ổn định, mình cho rằng sự thành công của chúng không chỉ đến từ cái khao khát quay ngược về quá khứ của người lớn, nó đến từ chính câu chuyện hấp dẫn, mỗi số phận nhân vật và cái cảm giác nhẹ nhàng, bay bổng hay hồi hộp, mong chờ sau mỗi tập phim kết thúc mà người ta chỉ thấy ở những phim có chất lượng.
Mà cũng do phim có hậu. Mình thích phim truyền hình có hậu.

*Mọi phần kiến thức liên quan đến lịch sử, tác giả blog dựa trên wikipedia, giữ nguyên tên phiên âm chữ Hán của các nhân vật lịch sử (mặc dù đọc lên nghe kỳ kỳ và Tàu Tàu thế nào) đúng  như nguyên bản trên trang này.

Nhận xét

  1. Mình cũng vừa mới xem lại phim này sau đợt dịch bệnh �� Mình đồng ý với những nhận xét vô cùng chi tiết của bạn về phim, mình cũng thấy hứng thú, mong chờ khi ngồi luyện lại từng tập 1 bộ phim mình đã xem lúc còn bé tí. Nội dung cho tới giờ xem lại vẫn đỉnh, chỉ có đoạn vua Trung Tông yêu thương Jang Geum mình có ý kiến trái chiều một chút. Có lẽ trong phim hơi tiểu thuyết hóa đoạn tình cảm của 2 người, nhưng đối với mình họ thật sự có cái duyên như những gì hoàng thượng nói.
    Hoàng thượng bày tỏ sự day dứt về tình yêu đầu với Jang Geum, hơn là 1 y nữ cổ như tri kỉ, soulmate của Hoàng thượng người mà ngài có thể bày tỏ nỗi niềm thầm kín mà khó nói với ai. Có nhiều đoạn nói rằng dường như Hoàng thượng cũng chẳng nhận ra ổng thương yêu Jang Geum cho tới khi Hoàng Thái Hậu lên tiếng phong cho Jang Geun là phi tần. Cảm giác ổng trân trọng Jang Geun, trân trọng tài năng của cổ và muốn giữ cổ bên cạnh như 1 người bạn tâm giao. Chắc do diễn viên đóng vai vua đạt quá nên mình thấu hiểu đc nỗi cô đơn, tình cảm quý giá mà ông ấy dành cho Jang Geum. Kiểu như khi lạc lõng nhất thì tìm đc 1 người hiểu lòng mình, có thể ko phải yêu nhưng cũng là 1 gì đó đặc biệt tới nỗi vua Trung Tông chịu phá bỏ những luật lệ định kiến xưa cũ để phong chức cho Jang Geum

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. L
      Ôi! Tìm đc người đồng điệu! Hồi bé xem Jsng Geum ko nhận ra đc tình cảm vua dành cho JG sâu sắc nhường nào, lớn lên xem mới thấm. Đó thực sự là tình yêu. Vì yên nên HT trân trọng JG. Vì yêu nên cho dù có thể dùng uy quyền để JG thành hậu cung của mình nh HT đã ko làm vậy. Hoặc HT có thể vờ như ko biết, ko can dự để Thái hậu và HH ra Điệp chỉ thu nạo JG vào hậu cung nhưng ko.... HT thực sự yêu JG. Giữa họ thực sự có duyên, thậm chí là duyên trc cả Đại nhân Min. Lần dò hỏi mối lương duyên của Đại nhân Min và JG dường như HT đã nhận ra đối thủ của mình và đang muốn thăm dò đối phương đồng thời cho đối phương biết về mối lương duyên của mình. Đoạn HT và ĐN Min thi bắn cung, HT hoàn toàn có thể bắn trúng cả 5 nhưng HT đã cố tình bắn chệch để xem ĐN Min có vì là bề tôi mà ko dám thắng HT ko? Hay vì JG mà ngay cả bất kính vs HT ĐN Min cũng sẵn lòng. Hồi bé mình chỉ nghĩ JG đối vs HT chỉ có trách nhiệm của 1 y nữ nh giờ xem lại mình mới thấy, trc tình cảm, lòng tin HT dành cho mình, JG cũng có chút tc vs HT. Chỉ là nó ko đủ lớn, ko đủ dư vị đắng cay ngọt bùi như vs ĐN Min thôi. Lúc khuyên HT chấp nhận điều trị, JG có nói vs tư cách là nữ y thần xin HT tiếp nhận điều trị. Với tư cách một nữ nhân, ta xin HT tiếp nhận điều trị. Trong câu nói đó, đủ để ta thấy HT đã có 1 vị trí nhất định trong lòng JG rồi. Hay khi nghe tin HT băng hà, JG sẵn sàng dứt áo ĐN Min để ko lên con thuyền sang nc Minh mà quay lại TT. Mình nghĩ đó ko chỉ là vì JG day dứt vì mình là ng chữa trị cho HT mà đó còn là vì chút tình dành cho ng yêu mình, mình ko đáp lại nhưng ko hẳn là không yêu. Còn về ĐN Min và JG thì khỏi nói rồi. Mối lương duyên trời định. Chàng có thể hi sinh tất cả vì nàng. Vì nàng mà ko quản khó khăn gian khổ. Theo nàng đến chân trời góc bể. Nơi nào có JG là nơi đó có ĐN Min. Cũng tốn khá nhiều tiền vì nàng đấy mà nàng đâu có biết. Haha. Cái kết đepj như mơ. Xem đi xem lại tập cuối 5,7 lần để được ngắm GĐ hạnh phúc của họ. Đúng là cha chiều con gái thì thời nào cũng vậy. Chỉ có mẹ là suốt ngày phải đóng vai ác thôi. Hihi

      Xóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo