Về The Fall (2006)
(Spoiler Alert)
Thời thế kỳ quặc khiến The Fall là bom xịt…
Là một nữ thanh niên nông cạn và thích yêu bằng mắt, có thể nói hình ảnh đẹp chiếm một vị trí tương đối ổn định trong các tiêu chuẩn bình xét phim của bản thân. Dẫu vậy, nội dung, kịch bản, diễn xuất vẫn là điều tối thượng nhất trong cái cung cách một người đạo đức giả như mình đánh giá một tác phẩm. Mình chỉ là làm theo những gì ông cha đã dạy “tốt gỗ hơn tốt nước sơn/ Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người”.
Nhưng nếu nước sơn không phải chỉ có bóng? Nó sáng choang.
Nếu vẻ đẹp không chỉ dừng ở lộng lẫy.
Đó chính là The Fall và Lee Pace.
The Fall có cốt truyện tương đối đơn giản. Ngày xửa ngày xưa, năm 1915 tại Los Angeles, Alexandria, 8 tuổi, gãy tay do hái cam bị té, đang buồn lết vì trong bệnh viện chả có gì cho em nó quậy phá. Thời kỳ chán ngán của em chấm dứt khi em vô tình làm quen với Roy, một thanh niên đẹp trai không để đâu cho hết, đang điều trị chấn thương vì “tai nạn” nghề nghiệp (anh này là diễn viên đóng thế). Ban đầu thì có vẻ như anh chàng Roy cũng buồn chán như Alexandria nên lôi kéo em lại nói chuyện tám dóc cho vui. Roy kể cho Alexandria nghe câu chuyện báo thù của một nhóm sáu anh hào, đứng đầu là Black Bandit và các đồng minh xa lạ nhưng có chung mối thù với Governor Odious. Thế nhưng câu chuyện phiêu lưu màu mè chỉ là một cách để Roy khiến Alexandria tin tưởng anh, sau đó anh này “dụ dỗ” em đi ăn trộm cho ảnh ít morphine, đặng để ảnh tự tử cho dễ.
Nói gì thì nói, bị phụ tình không phải là một lý do hay ho để kết thúc cuộc đời mình, chưa kể lừa lọc cả trẻ con để đạt được mục đích đó, Roy thực sự không xứng để làm bạn với Alexandria. Với tầm nhìn và sự yêu thương không đúng lúc của một bé gái nông thôn, Alexandria làm mọi thứ để khiến anh chàng lụy tình Roy kể tiếp câu chuyện, và nó khiến em ngã thêm một lần nữa, lần này thì dập đầu và phải phẫu thuật, may mà không có chết.
Khi Roy tới thăm Alexandria sau ca phẫu thuật, cô bé bắt anh chàng kết thúc câu chuyện. Với tâm thế của một thanh niên bạc nhược vì tự tử bất thành, không khó để hiểu tại sao câu chuyện của Roy tiếp diễn với việc gần như mọi anh hùng lần lượt chết trong vô lý và vô dụng. Ở đoạn kết, khi Black Bandit cũng sắp sửa có nguy cơ vong mạng, Alexandria bắt đầu khóc và yêu cầu một cái kết khác, bởi đây không phải chỉ là câu chuyện của Roy, nó còn là câu chuyện của em. Bằng một cách thần kỳ nào đó, Alexandria khiến Roy thay đổi kết thúc đã định trước và để Black Bandit và chính mình được sống tiếp. Bộ phim kết thúc khi Alexandria và Roy trở về cuộc sống của họ và Alexandria tưởng tượng đến mọi cảnh quay nguy hiểm em thấy trong phim là do Roy đóng thế.
Nếu thực sự để phần nội dung đứng riêng độc lập, The Fall thực sự cũng có một cốt truyện tương đối tốt, mình thực sự không rõ mấy lời chê bai đến từ đâu. Hai tuyến câu chuyện song song, một là đời thực buồn khổ của Roy và Alexandria trong bệnh viện, một là một cuộc phiêu lưu đầy màu sắc cổ tích trong câu chuyện dụ dỗ của anh chàng Roy. Thực tế là mình thấy cả hai câu chuyện đều có sức hấp dẫn như nhau. Mình tò mò muốn biết liệu Roy có thành công trong công cuộc tự sát và mình cũng tò mò liệu Black Bandit và đồng đảng có làm nên cơm nên cháo gì trước lực lượng bảo vệ đông như kiến của Governor Odious hay không. Chẳng có một giây phút nào của bộ phim là buồn chán cả. Mình đặc biệt ấn tượng với cái cách hiện thực được bon chen sống và hòa lẫn với câu chuyện tưởng tượng. Là một câu chuyện được bịa đặt ngay tại chỗ và người kể vốn chẳng phải nhà văn nhà báo gì, Roy tạo nên một câu chuyện tương đối gợi mở và mang hơi hướm thần thoại, bởi chỉ có thần thoại thì mới vô lý được đến vậy. Sự không nhất quán trong câu chuyện, nhân vật, sự thay đổi trong những chi tiết lớn, nhỏ do có sự tác động từ đời thực tạo cho bộ phim có sự gần gũi, sống động và chân thành hơn. Câu chuyện của Roy không hề hoàn hảo, các nhân vật được tạo ra dựa trên trải nghiệm sống và vốn kiến thức khập khiễng của anh. Người thì có lý do siêu chính đáng và đầy bi kịch để tiêu diệt Governor Odious, kẻ thì thề nguyền trả thù chỉ vì vài ba lý do tào lao bí đao hết sức có thể. Sự thay đổi quốc tịch, sự quên lãng quả bom, sự xuất hiện như thiên thần của một con voi to đùng giữa biển khơi hay chiếc ô tô đỏ giữa lòng quá khứ…chính những nét không hoàn thiện của câu chuyện khiến nó trở nên hoàn hảo một cách bất ngờ.
Nhưng cái cốt lõi dẫn dắt câu chuyện lại đến từ cảm xúc của người kể và cái cảm xúc lên xuống bấp bênh ấy, Roy lấy từ chính cái bi kịch tình yêu của anh chàng. Mỗi khi được tiếp xúc với thực tại, được gợi mở về mối tình bội bạc, sự đau khổ vì bị lừa dối, sự chán nản về tương lai, mọi thứ nhắc nhở Roy về cái mong mỏi được giải thoát khỏi cuộc sống. Cái nhìn tuyệt vọng của Roy phản ánh rõ qua những đoạn ngoặc tối thui của câu chuyện: Black Bandit không thể cứu được anh trai, cô nàng anh ta để mắt hóa ra cũng chỉ là đám lừa dối và khi cả nhóm bị bắt giữ và chờ chết, không một ai tới giúp họ cả. Mình không thể trách Roy tạo nên một câu chuyện từ chính trải nghiệm và cái nhìn của bản thân, đó là điều mà bất cứ ai, từ tiểu thuyết gia nổi tiếng nhất cho đến chị bán cá ngoài chợ cũng làm. Chỉ là ở đoạn kết, khi Roy nhìn những gì Alexandria đã phải chịu đựng chỉ để phục vụ cho mong muốn ích kỷ của anh, vậy mà anh ta vẫn kể câu chuyện theo cái khổ cực bất hạnh mình mong muốn cho dù biết như vậy sẽ khiến Alexandria buồn, mình thực sự thấy có cái gì đó vô cùng nhẫn tâm.
Mình vẫn luôn nói “timing is everything”. Mình cảm thấy thật may mắn khi được xem The Fall khi đã đủ những thứ cần thiết để trân trọng những cảm xúc bi quan của Roy. Hiểu trọn vẹn thì chắc chưa, nhưng cảm thông và chấp nhận thì có lẽ có. Nếu mình xem The Fall cách đây 5 năm, có lẽ con người màu mè như mình cũng vẫn sẽ mê mẩn cái đẹp không thể chối bỏ trong hình ảnh bộ phim, nhưng vẻ đẹp ấy có thể phần nào bị phá hoại bởi đoạn kết vô lý đùng đùng và một anh nam chính mít ướt và yếu nhớt. Mình không thích người tự tử, đặc biệt là tự tử vì tình. Tự sát là một cách trốn chạy cuộc sống một cách hèn nhát, dễ dàng và ích kỷ nhất, là một dạng chết vô trách nhiệm, nhu nhược và ngu ngốc. Đặc biệt là khi một nam thanh niên sẵn sàng từ bỏ mọi thứ cuộc đời trao cho anh, mạng sống, cơ hội, tương lai, niềm hạnh phúc,….tất cả, chỉ bởi một cô gái.
Nhưng mình của hiện tại nhìn vào Roy và thôi không chỉ trích nữa. Mình không đặt mình vào nhân vật và mong mỏi họ sẽ làm cái điều mình sẽ làm. Mình nhìn về nhân vật và chấp nhận những gì họ đã làm. Mình nhìn về cái thời gian khủng hoảng của bản thân, cái thời điểm mà mọi thứ dường như trở thành màu xám, khi mà cảm giác trở về nhà và ăn cơm với gia đình cũng không thể khiến mình cười, mình nghĩ về cái giây phút bất an, không hy vọng về tương lai trong mỗi buổi sáng thức dậy, mình cũng từng buồn bã như thế đấy. Roy có lẽ cũng thế hoặc còn hơn thế. Mình không rõ về cuộc đời anh và cái gì đã khiến anh đặt trọn vẹn mọi thứ mình sở hữu vào trái tim một cô gái để cuối cùng bị phản bội, mình cũng không rõ tại sao anh không đổ lỗi cho cô bạn gái nhẫn tâm mà lại đổ hết mọi tội lỗi lên đầu mình, mình không rõ tại sao anh cho rằng bản thân mình chỉ là một kẻ quá tầm thường và không đáng được sống tiếp, mình chấp nhận sự bi lụy của Roy và thông cảm cho anh. Bất cứ ai, cho dù là người mạnh mẽ nhất, cũng có những thời điểm buồn bã và cô liêu như vậy. Chúng ta rơi vào một cái hố đen và dìm chết mình trong thất vọng nối tiếp thất vọng, trong những nỗi buồn thương, luyến tiếc không tên, trong cái cảm giác sống mà như không được sống. Cái sự buồn khổ day dứt ấy cứ bám chặt không dừng và không thể cứ nói vui lên là vui lên được. Cuộc sống, cảm xúc và chính những sự khiếm khuyết của con người thì phức tạp hơn mọi lý lẽ thông thường mà thiên hạ bắt buộc chúng ta phải sống như thế.
Khi các nhân vật trong câu chuyện của Roy lần lượt ngã xuống vì mấy lý do lãng xẹt, đó chính là cái nhìn bi quan của Roy về cuộc sống. Roy muốn nhanh chóng kết thúc câu chuyện cũng như anh hối hả muốn chấm dứt cuộc đời mình. Cái cách các vị anh hùng dũng cảm của Alexandria chạy trốn và không thể phản kháng, đó là cách Roy chọn, chạy trốn và không phản kháng khi đối diện với sự khủng hoảng của bản thân. Anh chọn để cho cái hố đen đó nuốt chửng mình như một điều duy nhất anh có thể làm, bởi vì anh cho rằng mình chỉ là một kẻ tầm thường và thất bại. Ở khía cạnh một bộ phim kịch tính, The Fall vỡ vụn ngay khi con khỉ lìa đời. Nếu người xem đòi hỏi một câu chuyện trả thù bi hùng với những cảnh chiến đấu hoành tráng, mạnh mẽ, The Fall chỉ mang lại một sự hụt hẫng và phần nào đó phẫn uất cho họ. Cũng giống như Alexandria, chúng ta đầu tư tình cảm và chờ đợi nhiều hơn ở đội hình báo thù so le và sặc sỡ kia, chúng ta không nghĩ đến một kết thúc kém hậu và kém sang khi các vị anh hùng tài ba không thể là chính mình và đàng hoàng đáp trả kẻ thù. Đó là một đoạn cao trào tụt hứng và là cả một đoạn kết dở ẹc cho một câu chuyện phiêu lưu đầy triển vọng.
Nhưng ở góc độ nhân văn và trung thành với tâm lý nhân vật, The Fall hoàn hảo. Roy đã muốn chết, anh chẳng còn lý do gì để nghĩ ngợi đến cảm xúc của Alexandria, đến câu chuyện bịa đặt, đến những vị anh hùng không tồn tại kia cả. Anh cũng không thể để tâm đến cái thứ gọi là đạo đức, là trách nhiệm, là tình thương. Anh ta có một nỗi đau mà anh tin rằng chỉ có chết mới có thể chấm dứt nó được, anh không thể nghĩ quá nhiều được nữa. Thế nên Roy để câu chuyện và chính mình dần dần chìm xuống đáy tuyệt vọng.
Đó là khi Alexandria chìa tay em ra và kéo Roy lên.
Mối quan hệ giữa Alexandria và Roy là một trong những điểm sáng nhất của phim. Với sự cả tin trẻ con và sự hấp dẫn dần đều của câu chuyện, Alexandria cứ thế mà leo thang lòng tin với Roy từ việc coi anh chàng như một người lạ, sau đó là một người bạn, cuối cùng em tự hùng hồn coi Roy như thể một “father firgure” thay thế cho người cha đã mất của em. Sự thiếu thốn tình cảm của Alexandria có lẽ là nguyên nhân đơn giản dễ hiểu để em “thần tượng” hóa Roy và Black Bandit. Mà khi đã tin tưởng và coi Roy như bạn và tự nhận Black Bandit là cha mình, Alexandria sẵn sàng làm mọi thứ trong khả năng của em để khiến Roy vui vẻ và Black Bandit báo được thù. Mọi tâm tư, đường lối logic của Alexandria sáng trưng như mặt trời tháng bảy, nó rõ tách bạch và thẳng tưng, mọi yêu thương đều không toan tính hay suy nghĩ nông sâu gì cả. Nói cho cùng, em cũng vẫn chỉ là một bé gái 8 tuổi vừa mới mất cha.
Chẳng bù cho Alexandria, cái tình cảm của Roy xám xịt, ích kỷ và đầy mưu toan. Nam thanh niên thất tình dùng mọi thủ đoạn để dụ dỗ một bé gái cả tin đi ăn cắp phương tiện tự tử cho anh, nghe ra thấy nó cứ ti tiện thế nào đó. Nhưng khi thuốc (giả) ngấm và Roy cố gắng kết thúc câu chuyện, khi anh xin lỗi vì để Alexandria chứng kiến mình chết, khi anh khóc và bảo anh không phải cha cô bé, mình nghĩ Roy cũng thương con bé lắm. Chỉ là người muốn chết không thể nghĩ quá nhiều cho người đang sống, nếu họ nghĩ nhiều cho những người đang sống, họ sẽ không còn muốn chết nữa. Đó chính xác là những điều Alexandria đã làm cho Roy, em khiến anh ta nghĩ và lo lắng cho em nhiều hơn cái mong muốn được chết của anh.
Như một sự vô tâm và bất cần của một người muốn giã từ thế giới, Roy mặc kệ Alexandria bước vào cuộc đời bi lụy của anh. Khi anh tiếp cận và lợi dụng Alexandria, Roy cũng để toang tình cảm của bản thân và để Alexandria bước vào. Và khi Alexandria đã bước vào, mọi thứ cứ không thể cứ như cũ được nữa. Từng bước từng bước, khi Alexandria tới bầu bạn với Roy, khi em làm mọi điều anh ta bảo, khi em ngã dập đầu mà vẫn chỉ lo cho điều Roy cần, khi em mong muốn Black Bandit có cơ hội để sống, đó là sự bao dung ngập trời và bao đồng mù quáng của một bé gái xa lạ dành cho Roy, nhiêu đó chắc cũng khiến đá cũng nát tương, huống hồ tim người. Mình không cho rằng Alexandria “cảm hóa” Roy, chỉ là em chỉ nhắc nhở cho Roy thấy rằng Roy quan tâm đến em cũng nhiều như em quan tâm anh. Khi nhân vật Alexandria chui vào câu chuyện và tiếp nối nó với tình tiết của chính em, đó không phải là sự “kệ” của Roy khi để câu chuyện muốn ra sao thì ra, đó là khi Alexandria chính thức bước vào thế giới của Roy, vào cuộc đời của anh, để thọc mũi, để chạm ngón tay nhỏ xíu của em vào đó và khuấy nó lên đủ độ đạm cần thiết. Nếu Roy đủ tỉnh táo, có lẽ anh đã nhận thấy cuộc đời của anh đã không còn là của anh nữa rồi. Anh không thể cứ muốn mà kết liễu đời mình được nữa.
Phần nào đó trong mình nghĩ rằng Roy vẫn muốn chết, rằng anh sẽ không thể yêu thương ai được nữa, rằng anh vẫn sẽ coi mình là thằng khốn thảm hại, rằng cái hố đen của Roy sẽ tồn tại đến vĩnh hằng hoặc khi một tai nạn trên phim trường thực sự chấm dứt nó. Cái kết thúc có hậu trong câu chuyện của Black Bandit thực tế chỉ là một cách để Roy khiến Alexandria hạnh phúc, anh đã nghĩ cho ai đó nhiều hơn cái mong mỏi ích kỷ của bản thân, nhưng như thế không đồng nghĩa với việc Roy cũng tin vào cái kết thúc có hậu đó. Alexandria chỉ là một bé gái anh tình cờ gặp trong bệnh viện, chỉ là một sự gặp gỡ kịp lúc và đúng giờ của cuộc đời, một ngã rẽ mà chắc cả hai không còn “cắt mặt” nhau trong tương lai nữa, một mình cô bé không thể để khiến một người như Roy “lành lặn” trở lại. Chỉ là lúc này, tình bạn với Alexandria là động lực duy nhất để Roy tiếp tục, vậy cũng tốt.
Mãi cho đến khi bộ phim kết thúc, mình mới chợt bàng hoàng nhận ra The Fall không có nói về mùa thu lãng mạn thiên hạ ơi, nó nói về cú ngã. Là cú ngã tai nạn/ tự tìm cái chết của Roy ở đầu phim, cú ngã hái cam được kể lại của bé gái Alexandria, cú ngã “hái” morphine của bé gái Alexandria lúc gần cuối phim, những cú ngã được lặp đi lặp lại trong câu chuyện để báo hiệu cho cái chết/ sự thất bại/ sự sợ hãi của các nhân vật từ chính đến phụ toét. Những cú ngã cố tình hay vô ý, tất cả đều tương tự nhau về cung cách quay lưng xuống mặt đất, tay thả lỏng giữa không trung và làm bộ trữ tình nhất có thể. Điểm chung của các cú ngã trong The Fall là tất cả những người ngã đều không có tâm thế thanh thản như điệu bộ họ cố tỏ rõ. Cú ngã chiếm Alexandria bằng sự bất ngờ, nó đẩy Black Bandit vào thực tại tối như hũ nút, nó chênh vênh và đau đớn giữa tưởng tượng và hư vô. Các nhân vật thay nhau ngã, ngã vào cái chết và ngã vào tuyệt vọng, ngã vào không gian mông lung như thể đó là con đường duy nhất và bởi đó là con đường duy nhất. Những cảnh quay chậm thong thả chỉ làm tăng lên sự bất an, buồn bã và cô đơn của các nhân vật trong phim và đôi khi có vẻ gì đó hơi thừa thãi. Đáng lý mình phải biết “The Fall” là dấu hiệu đầu tiên cho thấy một bộ phim buồn, bởi người ta chỉ có ngã xuống hoài mà không có trèo đi đâu cả.
Bên cạnh phần nội dung trắc trở và thiếu ổn định của Roy, câu chuyện báo thù của Black Bandit còn được nâng đỡ bởi trí tưởng tượng bay vượt không gian của bé gái Alexandria. Khán giả nghe câu chuyện với sự bi lụy của Roy, họ nhìn góc nhìn mơ màng và “hoạt hình” của Alexandria. Khi vốn sống, tình cảm buồn phiền và sự xảo biện của Roy tạo nên từng nhân vật, chính cái trải nghiệm ngắn ngủi, đơn thuần, những con người em gặp, tính nết, suy nghĩ và sở thích của Alexandria “vẽ” nên tất cả những nhân vật ấy. Bộ quần áo bảo hộ tia X mà em sợ trở thành đồng phục của đám vệ sĩ Governor Odious, tay diễn viên cướp bồ Roy trở thành nhân vật phản diện chủ chốt, cô y tá em quý mến, anh chàng bán đá, những người nông dân trong vườn cam,… những con người em gặp trong cuộc sống trở thành những nhân vật chính trong câu chuyện tưởng tượng. Bảo sao em không đau khổ khi một trong các bọn họ ngã xuống lãng nhách. Mọi sự sai trái về không gian, thời gian, văn hóa, thời đại, … tất cả đều không tồn tại, bởi trí tưởng tượng của con người thì không có đúng sai, nó là một vũ trụ, màu nhiệm, bất cẩn và không có giới hạn. Đặc biệt khi đó lại là trí tưởng tượng của một đứa trẻ.
Có một điều gì đó rất buồn cười về tâm lý con người về cái đẹp, hoặc ít nhất là tâm lý sân si của mình về cái đẹp. Mình bịa nó là “Hiệu ứng Keanu Reeves”. Trong mắt mình, Keanu Reeves là diễn viên đẹp trai nhất trong lịch sử trăm năm điện ảnh. Từ hồi xửa hồi xưa, hồi The Matrix chiếu trên tivi, mình đã say sưa gương mặt hoàn hảo của Keanu và cho đến tận bây giờ, mình cũng vẫn rất thích ảnh. Vẻ đẹp của Keanu Reeves chói lòa mọi thứ anh làm. Mình không điên đến mức không nhận ra diễn xuất đơ như que củi của Keanu trong Constantine, đến những đoạn hành động còn chậm do dấu hiệu tuổi tác trong John Wick, không phát hiện ra những đoạn trả thoại cực kỳ dởm đời của anh, chỉ là anh quá sức là đẹp và tốt bụng, mọi lỗi lầm ấy dường như đều có thể tha thứ được và mình sẵn sàng quên nó đi trong tích tắc. Cái quầng hào quang của một người vừa đẹp người vừa đẹp nết xung quanh Keanu khiến phim siêu dở của anh chỉ là “tai nạn”, mọi thứ trung bình anh làm đều trở nên xuất sắc, còn những thứ xuất sắc Keanu làm, nó trở thành siêu phẩm, là đỉnh cao, là “the greastest of all time”. Đối với mình, Keanu không bao giờ sai cả.
The Fall dễ dàng trở thành một trong những phim có hình ảnh đẹp nhất mà mình từng xem. Mỗi thước phim đều bắt mình nín thở và nghẹn ngào bởi vì nó “breathtaking” theo đúng chuẩn Keanu Reeves. Không một cảnh quay nào thiếu chau chuốt, vội vã, không một góc quay nào không được cân nhắc cẩn thận, không một giây phút nào anh đạo diễn và quay phim không sống cho chủ nghĩa duy mỹ. Tổng thể bộ phim đẹp một cách đáng ngạc nhiên, đẹp đến không thể chấp nhận được, đẹp vượt xa mọi sự kỳ vọng của bản thân.
Hiệu ứng vầng hào quang của từng góc quay hoàn mỹ khiến mọi lỗi lầm của The Fall gần như không tồn tại trong mắt mình. Mình đã nghĩ mọi hình ảnh trong The Fall đều có thể coi là một kiệt tác, là bữa tiệc hoành tráng cho thị giác và kỳ vọng giả dối. Sự chỉnh chu, cầu toàn, sự duy mỹ thái quá của đạo diễn khiến mọi thước phim là một cuộc rượt đuổi giữa tiền bạc, thời gian và tư duy tưởng tượng vượt quá mong chờ của một khán giả bình thường có thể mong đợi. Không một khoảnh khắc nào của bộ phim, đặc biệt là những khung cảnh trong câu chuyện phiêu lưu bay bổng của Roy và Alexandria, là không được tính toán về bố cục, màu sắc, ánh sáng, về chuyển động của nhân vật. Mình không biết diễn tả sao, The Fall có sự hùng vĩ của một bộ phim tài liệu được tài trợ nhiều tiền, có sự trau chuốt, cô đọng hình ảnh trong một quảng cáo thời trang cao cấp, nó có sự màu nhiệm và sống động của một thế giới cổ tích mà các nhà làm phim xây dựng cho riêng họ bằng tầm nhìn, các kỳ quan thế giới, bằng các bối cảnh xa hoa, lộng gió, phi thực tế và thi thoảng dấu vết sến súa trẻ con. Nó thực sự là một bộ phim gây choáng ngợp, mãn nhãn, bay bổng trong một không khí phảng phất sự buồn bã, lãng mạn của câu chuyện.
Mình không học về nghệ thuật. Hội họa, nhiếp ảnh, quay phim, mọi thuật ngữ chuyên môn trong các lĩnh vực ấy đều là thứ xa xỉ đối với mình. Mình không biết những thứ như phối màu, hiệu ứng, bóng tối, khung hình, độ sáng, thủ pháp nghệ thuật… Mình không rõ những bộ phục trang màu mè cầu vồng (mặc dù màu lam bị ghẻ lạnh trong tủi nhục) kia có ý nghĩa biểu tượng ghê gớm vì trong thông điệp của tác giả. Mình không biết về những danh lam thắng cảnh bộ phim nhồi nhét vào câu chuyện kia là để khoe mẽ tiền bạc hay là ý đồ cao sang của đạo diễn. Mình không rõ những trường phái nghệ thuật các nhà bình phim vu cho bộ phim là đúng đắn hay làm màu. Đối với đôi mắt trần tục, nông cạn của bản thân, một khán giả khó tánh, mỗi khoảnh khắc trong The Fall là một khoảnh khắc tôn vinh cái đẹp, một cái đẹp vượt xa mọi chuẩn mực thông thường của ngôn ngữ điện ảnh và dư chuẩn hình nền laptop.
Nhân tiện khi nói về cái đẹp vượt xa mọi chuẩn mực thông thường, mình không thể không nói về Lee Pace. Lee Pace thời điểm trong The Fall là đỉnh cao nhan sắc mọi thời đại (ý kiến cá nhân), chỉ xếp sau Keanu Reeves. Ảnh quá đẹp đi, ai mà tin một gương mặt như rứa mà chỉ được làm diễn viên đóng thế cho một anh diễn viên kém sắc khác, rồi còn bị bồ ruồng bỏ. Với gương mặt đó, chiều cao đó, vóc dáng đó, Lee Pace không cần tài năng để nổi tiếng. Cũng như The Fall, không có chỗ nào về mặt hình thức mình có thể chê trách Lee Pace cả. Đến lúc này vẻ đẹp trở thành con dao hai lưỡi. Khi người ta nhìn quá nhiều về hình thức, không còn nhiều chỗ trống để đánh giá về cái vẻ đẹp bên trong, đến tài năng diễn xuất và tiềm năng mà anh có. Cũng như người ta ngủ quên trên tiềm năng của The Fall.
The Fall không thành công cả về phê bình lẫn thương mại, ít nhất đó là những gì mình đúc rút ra được sau khi google về bộ phim. Với trailer mơ hồ của một bộ phim nghệ thuật khó xem, dĩ nhiên The Fall có vẻ như kén khán giả. Nhưng đối với cả giới phê bình, bộ phim cũng không thực sự được đánh giá cao. Mình cảm tưởng như The Fall giống như một cô gái cực kỳ xinh đẹp và nổi bật trên đường phố, mọi ánh mắt nhìn về cô. Đàn ông/ Khán giả đại chúng ngay lập tức bị cô thu hút còn phụ nữ/ Giới chuyên môn thì ngay lập tức ghét bỏ cô. Sự ghen tỵ của phụ nữ trước vẻ ngoài lộng lẫy của một cô gái khác khiến họ sẵn sàng vu vạ cho cô gái “chỉ được mỗi cái bề ngoài”, “nông cạn” và “nhàm chán”. Còn đối với đàn ông, họ tự cho mình không có cơ hội đối với một cô gái hoàn mỹ như vậy, thế nên họ chỉ nhìn chứ không nói chuyện và hiểu hơn về cô. Hậu quả cuối cùng, cô gái đó ế.
Đối với nhiều người, The Fall là một bộ phim rởm đời. Họ bảo hình ảnh đẹp không cứu được một nội dung nhàm chán. Mình nghĩ chính điểm mạnh của The Fall đang làm hại chính bộ phim khi những thước phim đắt đỏ kia khiến mọi người bỏ quên và coi thường sự xuất sắc mà phần nội dung bộ phim có. Sự tương tác giữa Pace và Untaru, sự đan xen giữa thực tế và tưởng tượng, sự tranh đấu trong trầm cảm của nhân vật, The Fall không chỉ có mỗi hình thức bạc tỷ và một vị đạo diễn chỉ biết khoe khoang tài năng của mình. Nó có cá tính, sự xa hoa, xa lạ và cô độc của riêng mình, nó không khiến mình quên lãng ngay sau khi kết thúc. Chỉ là mình chỉ cần ngừng lại một chút, bớt trầm trồ trước một khung hình hay ánh mắt chết người của Lee Pace và toàn tâm toàn ý nhìn về câu chuyện, về sự dằn vặt của các nhân vật, The Fall cũng có chiều sâu của nó, cũng thực sự rất đáng xem và không xứng đáng nhận bị chôn vùi như vậy.
Đúng là hồng nhan bạc phận.
Nhận xét
Đăng nhận xét