Về Marriage Story (2019)


Spoiler Alert!!!!!

Marriage Story thực sự không phải là thể loại phim mình sẽ xem vào một tối chủ nhật. Nói một cách khoa trương, nó là một phim “Oscar bait”, tức là một bộ phim được sản xuất chỉ để nhằm mục đích lấy le với khán giả đại chúng và lấy lòng những ông chú da trắng, tóc trắng, mặt nhăn nheo, thị hiếu vượt trội trong Viện hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ. Mấy bộ phim dạng này thường có nội dung chứa chan đau khổ, đau não, đau tim, đau đáu,… và vô cùng nghiêm túc, trầm trọng. Triết lý nhân sinh, tôn vinh lịch sử, vạch trần góc tối, thông điệp thượng thừa, ca ngợi nhân loại,… bất cứ nội dung nào kém giải trí, nó đều có thể khả năng tranh giành Oscar.

Nói vậy chứ Marriage Story, Three Billboards outside Ebbing, Missouri hay 12 years a Slave, có những bộ phim mình biết rõ là trước và sau khi xem xong chỉ có căng thẳng, buồn phiền và nghị luận đời, mình vẫn phải xem, bởi vì có những thứ quá xuất sắc để bỏ lỡ và đó là vinh dự cho bản thân để được biết tới những bộ phim ấy.

Như được giới thiệu sơ lược, Marriage Story kể về quá trình ly hôn và giành quyền nuôi con của một cặp vợ chồng diễn viên – đạo diễn Nicole (Scarlett Johansson) và Charlie Barber (Adam Driver). Chỉ có thế thôi. Đáng lý nó nên được đặt tên là “Divorce Story” mới đúng. Cuộc hôn nhân của họ được thuật lại trong một vài đoạn ngắn lúc đầu phim và hiện hình mơ màng thông qua lời kể của nhân vật, hoàn toàn không phải là nội dung chính của bộ phim. Không giống như Eternal Sunshine of the Spotless Mind khi lần ngược về quá khứ của cả một câu chuyện tình với đủ hỷ, nộ, ái, ố từ giây phút đầu hạnh phúc cho đến những rạn nứt, mâu thuẫn, là rời xa và cuối cùng là cho nhau cơ hội nữa, Marriage Story bắt đầu khi mâu thuẫn của cả hai đã không thể hàn gắn, mọi thứ còn lại chỉ là đoạn cuối cùng của một cuộc hôn nhân, khi cuộc chiến pháp lý được đưa vào và khiến nó giãy lên lần chót rồi tắt thở hẳn.

Marriage Story (2019) - IMDb

Trong một cuộc chia ly, người trong cuộc và cả người ngoài cuộc, những người không có tí dính líu nào tới câu chuyện luôn tìm một nguyên nhân để đổ lỗi, như thể đó là một điều tất yếu của cuộc sống. Phải có một ai đó làm sai, phải có một ai đó gây chuyện và chịu toàn bộ mọi trách cứ, lầm lỗi, để thiên hạ bên ngoài có thể yên tâm và chọn phe để bênh vực, bới móc. Như trong Friends, khi Rachel và Ross chia tay (lần đầu tiên), sau hơn 20 năm dài nhách sau đó, khán giả vẫn tranh luận với nhau xem ai là người có lỗi, có thật là bọn họ “we are on the break” như một lời biện hộ lố lăng của gã ngoại tình Ross, hay mọi nguồn cơn ban đầu là tại Rachel bỏ lơ anh bạn trai ghen tuông để rồi nghi ngờ nảy sinh. Ngoài đời thường, mọi thứ cũng diễn ra như thế. Trong bàn ăn, trong quán café, trong câu chuyện tám rỗi trên mạng xã hội, thiên hạ kể về một cuộc chia ly nào đó rồi chọn phe, đổ lỗi, nói như thể họ biết mọi nguồn cơn sâu xa cội rễ, nói như thể họ có lấy một tí cảm thông cho hai con người vừa đánh rơi một đoạn hạnh phúc của cuộc đời.

Mình chưa lấy chồng, mình cũng chưa từng đổ vỡ hoặc chứng kiến một cuộc đổ vỡ. Cuộc sống bình lặng màu hường của mình không cho mình nhiều kinh nghiệm sống để thực sự có kết nối với bộ phim. Nhưng khi mình xem Marriage Story, mình nghĩ hầu hết các cuộc ly hôn trong đời thực có lẽ đều không có phe để chọn. Mâu thuẫn của Nicole và Charlie nhìn sơ qua thì tưởng nhẹ nhàng nhưng lại là vực sâu không thể lấp đầy. Không phải mâu thuẫn tiền bạc, sự nghiệp (cho dù cả hai làm việc với nhau), không phải cách giáo dục con cái, cũng chẳng phải Charlie đánh vợ hay Nicole bật lại mẹ chồng. Nhìn bề ngoài, họ ly hôn vì Nicole muốn phát triển sự nghiệp ở LA và Charlie ngoại tình nhưng thực tế thì cuộc hôn nhân đó đã hấp hối từ lâu rồi. Điều này được thể hiện rõ qua đoạn độc thoại của Nicole khi giãi bày về cuộc hôn nhân của họ với bà luật sư Nora (Laura Dern). Cái cách cô cảm thấy mình chết dần chết mòn trong một cuộc hôn nhân tưởng chừng như hoàn hảo, khi mà Charlie có mọi thứ anh ấy muốn và cô thì khao khát có được một thứ chỉ là của riêng mình nhưng cũng không được. Nghe ra thì mọi thứ không có gì quan trọng, thậm chí nghe như thể Nicole là một con người quá vô lý và ích kỷ khi để con trai sống trong một gia đình tan vỡ chỉ vì cô muốn một sự nghiệp riêng. Nhưng không phải thế. Nicole cũng là diễn viên, cô cũng là một nghệ sĩ như Charlie, cô cũng có tiếng nói, suy nghĩ, mong mỏi của riêng mình. Đến một ngày Nicole tỉnh dậy, nhận ra tiếng nói của mình đã biến mất, chẳng có thứ gì cô sở hữu là của riêng mình cả, mọi thứ chỉ còn là mong muốn, suy nghĩ, là quyết định cuối cùng của Charlie. Nicole nhận thấy bản ngã của mình biến mất cũng như chính cô đang chết dần. Mọi ý tưởng, suy nghĩ của Nicole về công việc, mọi thứ đều là của Charlie, cô cảm thấy mình không tồn tại nữa, cô chỉ ở đó, làm nền, làm nguồn sống cho ông chồng bay cao bay xa. Chẳng lẽ Nicole cứ phải sống nốt như thế, nhìn mình chờ chết?


Với tâm lý truyền thống về vai trò của người phụ nữ trong xã hội, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng cũng không thật quá quắt cho Nicole lùi về phía sau hậu trường, làm chỗ dựa cho chồng con. Bản thân cô cũng làm nàng thơ của chồng, cũng vẫn là nữ chính của mọi vở kịch, mọi thứ nghe ra đâu có quá tệ. Nhưng mình thực sự hiểu cho cái mong mỏi được khẳng định bản thân, được tạo dựng một thứ riêng của chính mình mà không chịu áp lực từ cái bóng của chồng. Mình hiểu cái ước muốn được sống, được cảm thấy hạnh phúc, được là chính mình của Nicole. Mong mỏi của cô đâu có gì là quá quắt, nó thực sự rất đáng để theo đuổi, được tôn trọng. Chỉ là Charlie quá ích kỷ và chưa bao giờ nghĩ về những điều Nicole mong muốn. Trong suốt bộ phim, khán giả có thể nhìn thấy tính cách áp đặt và ích kỷ của Charlie trong những chi tiết nhỏ, tưởng chừng như không có gì đó, Nicole đã chịu đựng chúng từ năm này qua năm khác.

Nhưng khi mình có thể thông cảm cho lý do Nicole muốn chấm dứt cuộc hôn nhân với Charlie, mình vẫn có sự “thương hại” cho ông chồng lăng nhăng Charlie khi bị Nicole đẩy vào thế bị động trong cuộc chiến pháp lý tranh giành quyền nuôi con. Việc Nicole đưa vụ ly hôn vào tay luật sư trong khi cả hai đã thống nhất là sẽ thỏa thuận ổn thỏa thực sự là một nước đi bạc bẽo và ích kỷ. Trong hầu hết quãng thời gian phim, khán giả nhìn Charlie vật lộn giữa LA và New York, giữa công việc và tòa án, giữa tiền bạc, đám luật sư hút máu và cậu con trai, để cuối cùng nhận ra anh càng tranh đấu hết sức, anh càng mất nhiều và nhiều hơn nữa. Việc Nicole hạnh phúc và tràn đầy sức sống trong một LA nắng vàng rực rỡ đối lập với một Charlie tan vỡ và cô độc khi hát “Being Alive” giữa New York đông đúc xa lạ, nghe ra mà buồn thảm quá. Charlie mất gần như mọi thứ sau cuộc hôn nhân, mình có thể trách là chính anh tự đánh mất nó. Nhưng đứng ở góc nhìn của Charlie, một ngày đẹp trời anh có mọi thứ, ngày hôm sau chẳng còn lại bất cứ thứ gì. Mọi thứ anh tin tưởng, mọi nỗ lực anh vun đắp, mọi thứ từng là chỗ dựa, là niềm cảm hứng, là những người anh yêu dấu nhất đột ngột bỏ đi. Và cho dù anh có cố gắng nhiều thế nào đi chăng nữa, họ càng lúc càng rời xa anh dần dần. Điều tệ nhất, họ vẫn hạnh phúc khi không có anh trong khi anh không thể hạnh phúc khi thiếu vắng họ.

Ngay từ đầu, bộ phim đưa ra một tông màu sáng, nhẹ, hiền lương và ấm áp khi khán giả được nghe những điều tốt đẹp mà Nicole và Charlie nói về nhau. Nó tạo một không khí rất hy vọng và tốt đẹp rất chân thành, rất dễ chịu và gần gũi khi nghe một cặp vợ chồng nhìn nhận nhau với tinh thần tôn trọng, yêu thương từ những điều bình dị nhất. Chính điều này tạo cho khán giả có cái nhìn thiện cảm dành cho cả hai nhân vật chính nhưng cũng là dấu hiệu bất an đầu tiên cho một kết thúc buồn. Nicole và Charlie thực sự là những con người tài năng, chăm chỉ, biết yêu thương, có trách nhiệm và cho dù cũng có những thiếu sót này nọ như mọi con người trên thế giới này, họ đều là người tốt. Trong suốt toàn bộ bộ phim, những ưu điểm mà Nicole và Charlie có đều bộc lộ ra và đúng như những gì họ miêu tả về nhau thông qua những chi tiết nhỏ được cài cắm rất tinh tế. Bộ phim không xây dựng nhân vật phản diện, họ chỉ là hai con người có đủ tốt, xấu, lầm lỗi, hối tiếc và đang chật vật vực dậy bản thân trong một cuộc ly hôn chua chát. Cả ở biểu hiện bên ngoài lẫn thẳm sâu bên trong, cả Nicole và Charlie đều vẫn còn yêu thương, quý trọng đối phương, chỉ là đôi khi những thói xấu, những khoảng cách quá giới hạn hoặc thậm chí là những khoảnh khắc lệch nhịp trong tích tắc khiến những tình cảm ấy không đủ để lấp đầy cái mâu thuẫn vời vợi kia.

Charlie và Nicole đã có thể có với nhau một đoạn đối thoại đi thẳng vào trọng tâm nguyên nhân ly hôn với thái độ hòa nhã ngày thường, nhưng không, họ dành tặng nhau một trận cãi vã hoành tráng nhất trong lịch sử điện ảnh. Nó là đáy cùng hố sâu cho cuộc hôn nhân của Nicole và Charlie nhưng lại là một bữa tiệc cảm xúc thỏa mãn cho mọi khán giả xem phim. Marriage Story không thắng giải Oscar cho Best Picture, nhưng phân đoạn cao trào cãi cọ của Nicole và Charlie, mình xem nó là cảnh quay hay nhất năm 2019. Nó xuất sắc với lời thoại vô cùng thực tế và thể hiện mâu thuẫn chồng chất từ lớn tới nhỏ chỉ cần chờ một tia lửa là bùng cháy lên của cặp vợ chồng. Không chỉ phản ánh được tính cách nhân vật, cuộc cãi vã còn bộc lộ những suy nghĩ, những góc tối, những cảm xúc chưa từng thể hiện của cả hai. Những cảm xúc ấy thật thà, nóng giận, ti tiện, đau khổ, bức bối, nén lại như một lò áp suất không thể xì hơi, hòa lẫn trong tiếng chửi rủa, trách móc, trong cái dậm chân bất lực như trẻ con của Nicole và cú đấm giải tỏa sự giận dữ của Charlie. Đoạn phim khai thác diễn biến tâm lý nhân vật từ nguội lạnh tới nóng vội, tới nóng chảy, tới bỏng rát và cuối cùng là vị đắng chát và hối tiếc không thể diễn tả thành lời. Những cảm xúc của nhân vật vô cùng chân thành và đáng sợ như đời thường vẫn diễn ra như thế. Mọi yêu thương, hy sinh, nhường nhịn lẫn nhau giờ biến thành sự lãng phí, đỗ lỗi, sự cãi vã, sự thù ghét đến mức không thể hòa hoãn. Vì đã từng yêu thương và hiểu rõ lẫn nhau, Nicole và Charlie biết cách để khiến đối phương khó chịu và đau khổ, và họ sẵn sàng làm thế để khiến cả hai cùng khổ sở. Trong một bộ phim có nhịp độ điềm đạm, lặng lẽ và tỉnh táo, phân đoạn cãi vã của Nicole và Charlie khiến người xem hoàn toàn ngỡ ngàng vì căng thẳng đến bức bối. Đoạn cãi vã không có nhạc đệm, chỉ có tiếng của hai diễn viên chính đi sâu vào nhân vật với những cảm xúc tinh tế, sống động, chân thực nhất của hai con người giận dữ. Trong một thoáng, mình thực sự quên mất họ đang diễn. Họ giống như một cặp đôi tan vỡ đang tranh cãi, đang hành hạ, đang đập vỡ mọi thứ từng là tốt đẹp nhất của mình theo một cách xấu xí và buồn bã nhất có thể. Mình dường như không có đủ ngôn từ để khen ngợi tài năng của Scarlett Johansson và Adam Driver. Không như khi xem một bộ phim hành động, sự căng thẳng khi mình xem phân đoạn này thực sự đáng sợ và ấn tượng hơn rất nhiều, bởi vì nó thực quá. Mình dường như cảm thấy mình đứng trong căn phòng đó, cảm nhận được áp lực, sự dồn nén, uất ức và bao nhiêu cảm xúc tiêu cực trong từng lời nói tổn thương của Nicole và Charlie dành cho nhau. Tất cả cuối cùng không chỉ còn là những giọt nước mắt, nó còn là vị mặn chát nghẹn ngào khi cuộc hôn nhân của họ đã thực sự chấm dứt mà không cần phán quyết của Tòa. Và dù họ ôm nhau, họ đã xa nhau hơn bao giờ hết.

Cuộc chiến pháp lý của Nicole và Charlie thực sự không ghê gớm như mình nghĩ, có lẽ vì kịch bản trung thành với thực tế cuộc sống và thực tế cuộc sống thì quá đắt đỏ và không được muôn màu như Law and Order. Những va chạm nhỏ xíu, những câu chuyện tầm phào vui vẻ của Nicole và Charlie được các vị luật sự cắt gọt, xào nấu và tận dụng triệt để thành một vũ khí để “bôi nhọ” phía bên kia. Các ông bà luật sư trong phim đã làm xuất sắc nhiệm vụ của mình đó là phá nát sự thật nhằm giành chiến thắng và kiếm tiền bằng mọi giá. Chẳng trách thiên hạ cứ đùa là trên thiên đàng không có luật sư. Nhưng để nói một tiếng công bằng, tất cả các vị luật sư này không nói dối ai cả. Mức thù lao cắt cổ, các trường hợp tốt xấu có thể xảy ra, khả năng chiến thắng,… tất cả đều được đặt lên bàn cân, chấp nhận hay không là quyết định của các vị thân chủ. Đôi khi những câu nói của các ông bà luật sư này gây cười, khiến nhịp độ câu chuyện giãn và dễ chịu hơn đôi chút, nhưng thực sự trong từng câu nói, lời khuyên, trong từng cách biến thể sự thật họ nói giữ tòa, đó là sự khắc nghiệt, buồn phiền và trần trụi của cuộc sống. Ông luật sư già tặng cho Charlie một lời khuyên đúc rút cả đời từ 3 cuộc hôn nhân thất bại: từ bỏ, một lời khuyên mà Charlie không chấp nhận nhưng cuối cùng mọi thứ diễn ra đúng như những gì ông luật sư dự liệu. Vị luật sư hút máu Charlie thuê sau đó thực sự cũng mang lại cho anh chút lợi thế trong cuộc chiến pháp lý chứ không còn thua trắng bụng trước Nicole như trước đây. Họ hoàn toàn chỉ đang làm công việc của mình, cho dù công việc đó không có được thanh cao cho lắm.

Vị luật sư Nora (Laura Dern) cũng là một nhân vật nổi cộm của bộ phim. Nora xuất hiện vẻ ngoài lộng lẫy và khá “nông cạn”, tóc vàng, giày cao gót, váy ôm, xa hoa nhưng có vẻ hơi phù phiếm, không giống như những gì thiên hạ vẫn nghĩ về một luật sư chuyên nghiệp. Nhưng những gì bà này làm còn hơn cả chuyên nghiệp. Cái cách Nora tạo thiện cảm với Nicole và khiến cô cởi mở và tâm sự về cuộc hôn nhân của mình một cách tự nguyện, đó là một chiêu bài quảng cáo đơn giản, hiệu quả nhưng không phải ai cũng làm được. Nora không hề thuyết phục Nicole thuê bà làm luật sư cho cô, là cô tự mình tự kể về mong mỏi của mình, là cô tự đẩy Charlie vào đường cùng, là cô làm thứ cô muốn, Nora chỉ ở bên cạnh, tư vấn, hướng dẫn, đại diện cho mong ước của Nicole. Sự lọc lõi, đầy mánh khóe của Nora thực sự không phải là điểm yếu của nhân vật, nó chỉ là một luật sư nhiều kinh nghiệm sẵn sàng làm mọi thứ để thắng kiện. Mình thích chi tiết nhỏ trong bộ phim khi Nora cởi áo khoác ngoài ra ở tòa án ngay sau khi Nicole bị đưa ra chi tiết bất lợi trước tòa. Một chi tiết nhỏ, thông minh, tinh tế như rất nhiều chi tiết nhỏ, thông minh, tinh tế khác được cài đặt trong suốt bộ phim.

Nhiều người nói phân đoạn khiến Laura Dern thắng Oscar chính là đoạn độc thoại của cô về vấn đề bất bình đẳng trong cái cách thiên hạ đánh giá vai trò của người cha và người mẹ, khi người cha tồi tệ thế nào vẫn có thể được tha thứ trong khi người mẹ cứ lúc nào cũng phải hoàn hảo, không một chút lỗi lầm. Bản thân mình thấy đây là một phân đoạn cực kỳ ấn tượng của phim và sự ấn tượng đó đến từ kịch bản và lời thoại xuất sắc, khi nó lột tả được sự vô lý trong định kiến xã hội dành cho vai trò của nam giới và phụ nữ trong khi họ cùng thực hiện một công việc trong gia đình. Ai cũng biết về nó, chỉ là để nói ra một cách thẳng toẹt, dễ hiểu và “thấm” như Marriage Story, có lẽ phim là đầu tiên. Diễn xuất của Laura Dern có tốt thì cũng chỉ dừng ở mức tròn vai, không phải xem một lần là nhớ mãi. Trong suốt bộ phim, nhân vật của cô hoàn toàn bị lấn át bởi diễn xuất tuyệt vời của Johansson và Driver. Thậm chí khi Dern bắt đầu nhận được nhiều giải thưởng cho vai Nora, mình đã thực sự rất bất ngờ. Nhân vật Nora cũng hay ho, chỉ là nó không đủ sáng để nhận nhiều giải thưởng đến vậy.

Bên cạnh phân đoạn cãi vã, mình còn đặc biệt thích cảnh Charlie hát “Being Alive”. Đây là thời điểm cả hai thực sự bắt đầu cuộc sống của mình sau ly hôn. Khi Nicole quây quần hạnh phúc hát hò giữa gia đình, bạn bè, đứa con trai cùng một sự nghiệp đi lên ở LA, Charlie “biểu diễn” trước các nhân viên của mình bài hát trong một vở nhạc kịch nổi tiếng ở Broadway, New York. Mọi thứ có vẻ không quá tệ với Charlie, anh vẫn là một đạo diễn tài năng, nổi tiếng, anh vẫn có những nhân viên trung thành trong công ty, vẫn được làm công việc mình yêu thích. Khi mới bắt đầu bài hát, mọi người tán thưởng, hoan hô anh, Charlie cũng cười đáp trả họ. Nhưng khi bài hát cứ tiếp tục và máy quay bắt đầu quay sát gần gương mặt Charlie, người xem chợt nhận ra đó là gương mặt của một con người không hạnh phúc. “Being Alive” là một lựa chọn xuất sắc để diễn tả tâm trạng của Charlie lúc này. Ca từ của vở nhạc kịch nổi tiếng Company đột nhiên khớp với cuộc đời của nhân vật đến từng chi tiết. Nếu có khác, đó là khi anh chàng Bobby lăng nhăng trong Company đột nhiên mong mỏi một tình yêu đích thực, một ai đó khiến anh có thể có cảm giác được thực sự sống. Charlie, ở phía khác ở đoạn kết có hậu, buồn rầu nhận ra anh vừa đánh mất cái con người đã cho anh cái cảm giác “being alive” ấy. Mọi thứ giờ chỉ còn lại là sự cô đơn cùng cực và sự tổn thương không biết chừng nào mới lành.

Bất chấp việc chia ly, Marriage Story vẫn có một cái kết tương đối sáng, hoàn toàn không u sầu bi lụy như mình nghĩ. Như mọi con người bình thường vẫn nói những điều không nên nói và làm những điều không nên làm khi giận dữ, trong thâm tâm Nicole và Charlie đâu đó vẫn còn sự tôn trọng dành cho nhau, chỉ là họ không thể thay đổi được những điều đã xảy ra hay rút lại con dao đã găm vào ngực người khác. Charlie và Nicole sống tiếp cuộc đời của họ, đứa con trở thành mối liên hệ duy nhất của cả hai. Và như một lẽ tất yếu của một bộ phim (và cũng là một điểm trừ vì mô típ cũ kỹ), lá thư yêu thương lúc đầu phim của Nicole thể nào cũng được Charlie vô tình đọc được ở cuối phim. Nhưng Charlie đọc nó khi mọi chuyện đã quá trễ, cứ như thể đạo diễn muốn đời anh này càng đắng càng tốt vậy.

Oscar năm nay trao cho Marriage Story một giải mà mình cho rằng không thực sự xứng đáng đoạt giải. Biết đâu được, cuộc sống có lý lẽ của riêng nó. Bản thân mình nghĩ Marriage Story là một bộ phim tròn trịa và đáng nhớ. Nó có chiều sâu trong câu chuyện, các nhân vật có lớp lang, thú vị nhưng vẫn gần gũi. Nhịp phim hấp dẫn với đủ những cảnh nhẹ nhàng giải tỏa, căng thẳng bùng nổ và lắng dịu cảm xúc trên nền một câu chuyện tẻ nhạt và không có gì đáng để nói. Bản thân câu chuyện không mới, bởi các cặp đôi đã bắt đầu cãi giặc và đỗ lỗi cho nhau từ tận thời Adam và Eve, bảo tìm một cặp đôi ly hôn vì một lý do chưa từng có là một điều không tưởng. Nhưng để làm ra được một bộ phim toàn diện, chân thành và nhiều sắc thái như Marriage Story, mình đoán đó là thành quả kết hợp của biên kịch, đạo diễn và tài năng của hai diễn viên chính, không khía cạnh nào lấn át khía cạnh nào. Đối với mình, bộ phim đủ hay để có một có thể được xem là kinh điển và chuẩn mực. Chỉ là không biết thời gian có chịu nghĩ như mình hay không thôi.

Nhận xét

  1. Mặc dù bận rộn khi đi làm nhưng thời gian rảnh mình vẫn hay vào blog của bạn, cập nhật bài viết mới với mong muốn được đọc cái giọng văn dễ chịu, gần gũi nhưng không kém đi sự hiểu biết và sâu sắc khi review phim của bạn. Vẫn mong bạn cứ tiếp tục viết blog như thế này, vì với mình bạn viết hay và có nét riêng không lẫn vào đâu được khi mình đã từng đọc rất nhiều những cây bút khác

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về Good Will Hunting

Về Fargo

Về Donnie Darko (2001)