Rope (1948), thêm một bộ phim có chủ đề về một vụ sát nhân hoàn hảo


 Spoiler Alert!!!!!!!!1

Sau vài năm, mình trở lại xem phim của Hitchcock, nói sao bây giờ, tụi nó hơi “meh”.

Tương tự như bộ phim 12 Angry Men (1957), Rope là một “bottle” movie. Điều này được lý giải dễ dàng bởi nó dựa trên một vở kịch cùng tên ra đời năm 1928 ở nước Anh mù sương. Với kết cấu của một vở kịch và một cốt truyện tương đối gợi mở và gây hứng thú, Rope dễ dàng được Hitchcock biến thành một bộ phim hấp dẫn, kịch tính với các nhân vật tương đối thú vị. Và nó cũng chỉ được có thế.

(Mở đầu cụt lủn, dấu hiệu của việc mình không có thích phim là đây)

 

Câu chuyện trong Rope (vở kịch nguyên bản) được hưởng hương hưởng hoa từ vụ án có thật của Leopold and Leob năm 1924. Nathan Leopold Jr và Richard Leob là hai thanh niên định nghĩa cho cái từ “ngậm thìa vàng”. Sinh ra trong những gia đình thượng lưu danh gia vọng tộc, từ nhỏ cả hai đã được hưởng thụ một cuộc sống trên cả đủ đầy với thảm hoa trải đầy dưới chân muốn trượt té cũng không được. Vì thông minh xuất chúng, lại còn được học tập trong nền giáo dục cao nhất có thể, cả hai có một tương lai còn hơn cả rộng mở, một cuộc sống vượt lên trên mọi giới hạn về vinh hoa. Chúng nó đã có mọi thứ trời ạ, tiền bạc, trí tuệ, sức khỏe và cả một tuổi trẻ phơi phới với hàng trăm, hàng ngàn sự lựa chọn cho chính mình. Nhưng không, mình đoán không ai là hoàn hảo hết, đặc biệt là tầng lớp tinh tú (elite) của nước Mỹ thời đại nào thì cũng có kha khá sâu dòi ở bên trong, với lại có hết mọi thứ một cách quá dễ dàng mới khiến người ta không được bình thường như phần còn lại của thế giới. 

Rope (1948) - IMDb

Các cụ nhà mình vẫn bảo “Nhàn cư vi bất thiện”, với việc hơn người hơn đời một cách quá rõ ràng và quá dễ dàng, bảo chúng nó chỉ “tự mãn” sơ sơ thì thật là quá khiêm tốn. Sau khi khám phá ra Friedrich Nietzsche và mấy học thuyết đi trước thời đại đầy tranh cãi của ông này, Leopold và Leob tự cho mình là những kẻ bề trên, những kẻ tài giỏi, xuất chúng, vượt trên mọi giới hạn. Hai đứa trẻ tự tin đến mức cho rằng chúng không thể bị ràng buộc bởi những lý lẽ của đạo đức, pháp luật hay những luân lý thông thường đang ràng buộc xã hội kia nữa. Huynh đệ nhà nó bắt đầu đi phạm pháp khắp nơi như chuyện giải khuây ngày thường, nhưng vì nội dung và quy mô mấy vụ này không có gì đặc sắc, không ai quan tâm cả. Và vì không được ai quan tâm, cái tôi to như trái núi của lũ trẻ bị xúc phạm nghiêm trọng, chúng nó quyết chơi lớn.

Trong một ngày đẹp trời, hai em trai tuổi teen (Leopold 19 và Leob 18) đi bắt cóc và giết hại một em trai 14 tuổi (cũng con nhà giàu khác), nhằm thi hành một “perfect crime” mà hai đứa nó toan tính suốt mấy tháng nay. Mình đã đọc vụ việc, và nói sao bây giờ, mình vô cùng thất vọng. Thành tích học tập của hai giai hoành tráng biết bao, cộng với việc thấm nhuần tư tưởng của Nietzche cùng việc ngâm cứu nghiệp vụ suốt một thời gian dài như vậy, vụ án mạng hoàn hảo của hai đứa nó dỏm thôi rồi. Cả hai bị tóm bởi đánh rơi một cặp kính, và vì cặp kính quá sang xịn và hiếm có nên dễ dàng bị truy ngược ra chủ nhân. Phải nói là ngu không để đâu cho hết. Tương lai sáng sủa đến đây là đứt đoạn. Mình chẵng rõ Leopold và Leob suy nghĩ như thế nào khi bị tóm, rằng tụi nó có hối hận vì giết hại một đứa trẻ vô tội hay tụi nó giận dữ vì cái “perfect crime” của mình chỉ đến thế mà thôi. Là lương tâm con người của chúng cắn rứt hay cái bản ngã tự cao của chúng đang suy sụp. Mình thực sự rất muốn biết. 

Leob bị giết hại dã man trong tù bởi một tù nhân khác. Leopold may mắn hơn gấp trăm lần, được ra tù sau hơn 30 năm là một tù nhân gương mẫu. Ông này viết sách, có vợ, có bằng cấp mới, có nhiều nghiên cứu được công nhận trong lĩnh vực y học… Ông ta xây dựng lại một cuộc đời mới toanh sau những đổ vỡ về tư tưởng và đã trả giá đủ cho một sai lầm không thể sữa chữa thuở thiếu thời. Mình đoán mấy người “Superman” mà Nietzsche nói đến không có bao gồm Leopold và Leob. Họ chỉ là hai thanh niên trẻ tuổi với chút tài năng nhỏ mọn và sự ảo tưởng khôn cùng về việc mình có thể đạp lên đầu thiên hạ mà ỉa.

 

Quay trở lại nội dung chính, bản thân mình thấy Rope không có gì là quá ghê gớm đối với các phim khác thuộc thể loại này, so với phim của Hitchcock lại càng không có gì đặc biệt. Cái mà mình để bụng ở đây là đây là lần thứ ba trong 2 tháng mình xem một bộ phim trong thập niên 40, 50 đề cập tới “a perfect murder”, cứ như thể nó là một bộ môn thế vận hội Olympic mà bất cứ anh giai rỗi việc nào cũng muốn đoạt huy chương vàng hết. Mình càng ngẫm nghĩ thì càng thấy sự mong mỏi, cái nỗi niềm riêng về một vụ sát nhân hoàn hảo của mấy ảnh càng khiến mình mắc cười, vì càng soi càng thấy nó ngốc nghếch không chịu được. Trong nội dung bài viết vớ vẩn này, dựa trên ba bộ phim mình vừa xem, điều mình đề cập sẽ không phải là nội dung phim (không quá đặc sắc để phân tích), cái mình sẽ viết là nghịch lý của mấy đứa tự tin thái quá (thậm chí là có dấu hiệu mắc hội chứng ái kỷ) nhưng cứ thích ấp ủ “a perfect murder”, trong khi chính việc tự cao tự đại mới chính là nguyên nhân khiến chúng nó không thể nào tạo ra một vụ giết người hoàn hảo được. Nó giống như một vòng lặp vô lý và vô vọng mà người ta cứ lao đầu vào không ngại ngần để rồi chết không kịp ngáp.

Double Indemnity (film) - Wikipedia

                                                             Trong Double Indemnity (1944), anh giai bán bảo hiểm nhân thọ Walter Neff gặp gỡ một thiếu phụ xinh đẹp Phyllis Dietrichson rồi bị cô này quyến rũ. Sau khi nghe cô nhân tình kể buồn kể khổ về cuộc hôn nhân hiện tại rồi dụ anh giết chồng giúp cổ, anh giai liền vạch ra “a perfect murder” không những khiến cả anh và ả thoát tội, nó còn khiến “bà góa phụ” nhận được số tiền bồi thường bảo hiểm gấp đôi (tức là cái tên của bộ phim).

                                                    

Trong Strangers on the Train (1951 – nói thật mình xem quá nhiều phim của Hitchcock), gã psychopath (rối loạn nhân cách) Bruno Antony có một sở thích rất tao nhã về việc nghiên cứu cách thức giết người và thoát tội. Kết quả của cuộc nghiên cứu, Bruno cho ra đời một phương thức tạo nên “a perfect murder” có vẻ rất có lý nhằm triệt hạ ông bố khó ưa. Cái hắn cần là một kẻ không quen biết sẵn sàng thực hiện vụ giết người của hắn và hắn sẽ đi thực hiện vụ giết người cho tên kia. Đại khái là đổi vụ giết người cho nhau/ đổi nạn nhân. Và trong một ngày đẹp trời trên tàu, Antony bô bô nói ra kế hoạch “thần sầu” này của mình ngay với nam chính diện (một nhân vật quá đáng chán để nhớ tên nên sau này sẽ chỉ gọi là nam chính diện), người mà gã mới gặp đâu được 20 phút. Và bất chấp nam chính diện năm lần bảy lượt từ chối tham gia, gã đi giết người luôn.

Strangers on a Train (film) - Wikipedia

Còn trong Rope, Brandon Shaw và Phillip Morgan ra tay giết hại một người bạn học và “bày biện” ra một bữa tiệc vô nhân tính chỉ để chứng minh họ có thể thực sự tạo ra “a perfect murder”, một hành vi chỉ để chứng tỏ cái sự “bề trên” của mình với đám hạ đẳng ở dưới, nhằm áp dụng tư tưởng của Nietzsche vào thực tiễn, không có lý do hơn thua, thù hằn, tiền bạc gì sất.

 

Một trong những lý do cốt lõi khiến mấy anh trai tự mãn (trong phạm vi ba phim kể trên) muốn phạm pháp, hầu hết đó là bởi vì chúng nó muốn chứng tỏ bản thân mình tài giỏi và vượt lên trên luật pháp.

Nếu nhìn sơ qua, Walter Neff giết người vì muốn làm người tình hài lòng và cả hai có thể ở bên nhau với một món tài sản kếch xù sau khi mọi chuyện kết thúc. Nhưng cũng chính Neff đã thú nhận với bản thân về việc mình đã từng nghĩ nhiều đến một vụ “perfect murder” có thể qua mặt được chính quyền, luật pháp và trên hết, là ông đồng nghiệp Barton Keyes với cái trực giác nhạy bén không bao giờ sai trong việc phát hiện đâu là một vụ gian lận chiếm đoạt tiền bảo hiểm, đâu là một tai nạn thực sự. Cái thúc đẩy Walter Neff giết người đó không bao giờ là vì tình yêu và sự cám dỗ của Phyllis, nó luôn là hắn với cái tôi ngạo nghễ của hắn và cái tham vọng được lách qua cái hệ thống hắn vẫn đang làm việc hàng ngày, vượt qua luật pháp, đạo đức và trên hết, chứng minh mình hơn hẳn cái gã bạn Keyes cùng cái linh cảm đoán đâu trúng đó của ổng. Chưa ai từng qua mặt được Barton Keyes, tại sao người đầu tiên không phải là Walter Neff? Nó chưa bao giờ là về tiền bạc hay người thiếu phụ, nó luôn là vì hắn.

Bruno Antony là một kẻ vô công rồi nghề sắp bị cha mình truất quyền thừa kế. Nhìn ở bề nổi, dĩ nhiên Antony giết người vì tiền. Thực tế thì Bruno Antony là kẻ có lý do “chính đáng” nhất để phạm pháp, bởi nếu ông cụ già không chết, hắn chỉ có nước ra ngoài đường ở.  Với sở thích đọc truyện trinh thám và nghiên cứu cách thức giết người, sau nhiều năm Antony cuối cùng cũng tìm ra một phương pháp phạm tội mà hắn cho rằng hoàn hảo và không có kẽ hở. Cái điểm hay ho ở đây là Antony đã nghiên cứu về cách thức thực hiện một “perfect murder” từ trước khi hắn nhận ra ông cha già phải bị loại bỏ. Bruno Antony là loại người sớm muốn cũng phạm tội, chỉ là hắn không phạm tội theo cách thông thường (thiếu gì trò) mà cứ phải vẽ ra “a perfect murder” để nâng tầm vóc sự nghiệp. Việc dùng cái từ “hoàn hảo” cùng cái sự tự hào khi đang giãi bày cái kế hoạch gian hùng của mình, nó khiến mình cảm thấy Bruno Antony muốn giết ông cha mình thì ít mà muốn chứng minh kế hoạch xảo quyệt của hắn “xài được” thì nhiều hơn gấp trăm lần. 

Động cơ giết người trong Rope thì quá chi là rõ ràng, không cần đề cập đến.

 

Chính việc là một kẻ ngạo mạn với sự tự mãn (và sự ác nữa) cao cường dành cho trí tuệ của bản thân đã khiến những kẻ trong các phim trên tâm huyết ra một kế hoạch thâm sâu khó lường, nhưng họ đâu có ngờ chính cái tự mãn nội tâm đã khiến họ nảy ra cái perfect murder đó chính là điều khiến họ bị vạch trần.


Đầu tiên, việc nhất định phải có “khán giả” để chiêm ngưỡng tuyệt tác của mình là một trong những điểm chí mạng nhất của mấy đứa này. Trong ba bộ phim mình xem, không vụ án nào tên hung thủ thực hiện nó một mình. Walter Neff đương nhiên có sự đồng lõa của cô người tình Phyllis, Bruno Antony cần anh nam chính diện để thực hiện bước tiếp theo của kế hoạch hay Brandon Shaw cần Phillip Morgan để thực hiện hành vi trực tiếp xiết cổ. Muốn bảo chúng nó thực sự cần một đồng phạm cũng được, hai người cùng nghĩ thì vẫn tốt hơn một người nghĩ.  Nhưng nếu nhìn nhận đàng hoàng và cẩn thận, cả Neff, Antony hay Shaw đều đủ khả năng để ra tay một mình. Việc có thêm đồng phạm chỉ như phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể hơn là một điều bắt buộc phải có trong kế hoạch cao siêu của họ.

Walter Neff là kẻ duy nhất bắt buộc phải có đồng phạm, bởi Neff giết người vì Phyllis, và Phyllis có những thông tin cần thiết cũng như là một đồng phạm hữu dụng trong kế hoạch của hắn. Nhưng cũng chính anh ta đã toan tính tới một vụ giết người vượt mặt bên bảo hiểm (mấy người còn đa nghi cú vọ hơn cả công an) từ trước, mình không nghĩ Neff có tính tới việc mình sẽ cần đồng phạm. Sử dụng Phyllis chỉ như là một lợi thế Neff tận dụng trong âm mưu của mình, không hơn không kém. Còn Bruno Antony, như mình đã đề cập, thực sự vốn không cần một “stranger on the train” để thực hiện cái án mạng kia. Đừng nói với mình tên đó chỉ có một giải pháp, một phương án duy nhất trong suốt nhiều năm đèn sách để cho ra đời cái án mạng hoàn hảo mình muốn. Hay như Brandon Shaw, hắn có tay không? Nếu có tay thì có thể xiết cổ người được, hắn vốn không bao giờ cần Phillip Morgan bất kể Morgan có bao nhiêu kinh nghiệm xiết cổ gà qué đi chăng nữa. Cái chúng nó cần không bao giờ là một đồng phạm, cái chúng nó cần một khán giả. 

Cả Walter Neff, Bruno Antony hay Brandon Shaw đều là kẻ chủ mưu, đạo diễn cho cái “perfect murder” của mình và những kẻ “đồng phạm” của họ bắt buộc phải thực hiện theo chủ kiến của chúng. Những kẻ “ái kỷ” này có một thôi thúc cần được tung hô, chỉ đạo, được ngưỡng mộ một cách mãnh liệt đến mức chúng không thể thực hiện điều này một mình. Còn gì vui thú nữa nếu mình tạo ra một kiệt tác khi không ai biết đến cái kiệt tác đó. Bọn họ cần phải được biết đến, bọn họ cần được giãi bày, bọn họ cần cho thiên hạ chiêm ngưỡng xem họ tài năng, vượt trội hơn thiên hạ nhiều như thế nào, bởi vì mọi thứ họ làm, mọi thứ họ âm mưu và giết hại, tất cả cũng chỉ vì mục đích đó thôi. Đó là lý do tại sao Antony không ngại ngần phô trương kiến thức trong lĩnh vực “sát nhân học” của hắn cho bàn dân thiên hạ biết. Đó là lý do tại sao Brandon Shaw đặt thức ăn lên chiếc rương đựng thi thể nạn nhân để mọi người dự tiệc đều phải trông thấy nó. Bọn chúng mong mỏi cho thiên hạ biết mình thực sự có thể và đã làm được những gì. Và trong ý thức hay vô thức, bọn họ tạo ra vai trò đồng phạm cho một cá nhân khác vào trong kế hoạch mỹ mãn của mình, rốt cuộc cũng chỉ để phô trương. 

Và đó đương nhiên là cái chết không thể tránh khỏi cho mọi âm mưu. Trong một vụ giết người hoàn hảo, điều tiên quyết đầu tiên là không ai biết được bọn chúng chính là hung thủ, nhưng nếu không ai biết tụi nó là hung thủ, ai sẽ tung hô vạn tuế tụi nó? Chính vì không muốn bị công an tóm nhưng cũng vẫn muốn được ngưỡng mộ, bọn họ tự vẽ ra một đồng phạm, một ý tưởng giải quyết được bao nhiêu chuyện. Đồng phạm không thể bán đứng chúng cho luật pháp vì hai đứa chúng mình cùng chèo chung một cái bè. Bè lật, hai đứa cùng chết đuối. Không những thế, đồng phạm còn luôn phục tùng, nghe lời và là kẻ duy nhất biết được tụi nó tài năng mỹ mãn, ảo diệu cỡ nào. Nghe ra mọi thứ có vẻ vô cùng hợp lý, nhưng trong cả ba bộ phim, đồng phạm chính là một trong những nguyên nhân chủ chốt khiến vụ việc bại lộ. Đó là bởi vì cả ba anh nam chính độc đoán này đều cho rằng mình đủ sức chi phối và kiểm soát thêm một kẻ khác, bắt buộc họ phải nhất nhất tuân theo ý muốn và hành động của chúng. Trong khi thực tế, không ai hoàn toàn có thể kiểm soát được bất ai cả, điều duy nhất họ có thể kiếm soát chỉ là chính bản thân mình mà thôi. Phyllis định lật mặt, nam chính diện trong Strangers in the Train kiên quyết không giết người, Phillip không thể vượt qua được cảm giác cắn rứt và sự sợ hãi bị phát hiện, tất cả đáng lý nên nằm trong dự tính của đám chủ mưu kia nếu chúng thực sự tài giỏi nhưng chúng tưởng. Nhưng không đâu, cả ba hoàn toàn mù lòa trong điều này bởi chúng quá tự tin vào kế hoạch của chính mình và khả năng kiểm soát kẻ khác của bản thân.

 

Thứ hai, khó trách chúng nó không kiểm soát được đứa đồng phạm, tụi nó cũng có kiểm soát được bản thân đâu. Walter Neff vẫn gặp gỡ con gái nạn nhân của mình, vẫn lén lút qua lại với người tình trong cẩn trọng (nhưng không cần thiết). Bruno Antony vì muốn ép buộc nam chính diện giết người mà liên tục xuất hiện hết chỗ này đến chỗ nọ mà anh kia xuất hiện, thế thì cái lý thuyết “hai kẻ lạ giết giúp nhau” của hắn phá sản cái rụp từ lúc hắn tự xưng là quen biết nam chính diện kia còn gì. Brandon Shaw là tệ nhất. Mọi thứ hắn làm từ tập trung sự chú ý vào cái rương, mời người thân của nạn nhân tới dự tiệc, sử dụng sợi dây thừng hung khí để gói quà, tất cả chỉ nhằm vỗ về, khen ngợi cho cái tôi thượng thừa của hắn với niềm tin hủy diệt rằng mình không thể bị lật tẩy. Sự tự tin của chúng khiến bọn họ không còn cẩn trọng nữa. 

Cả Walter Neff và Brandon Shaw đều có một cái dấu mốc định nghĩa sự thành công của họ. Đối với Neff, đó là Barton Keyes, đối với Shaw, đó là Rupert Cadell. Trong khi Walter Neff bắt buộc phải qua mặt được Keyes để thoát tội và nhận tiền, Brandon Shaw không có lý do gì để mời Rupert tới bữa tiệc “giấu xác” của hắn cả. Rupert Cadell là người cùng quan điểm với Brandon Shaw về lý thuyết của Nietzsche, rằng những kẻ xuất chúng phải vượt lên trên lề lối thông thường của xã hội blah blah blah, bản thân Rupert cũng là một kẻ thông minh và được Brandon Shaw đánh giá cao. Cái tôi “vĩ đại” của Shaw muốn chứng minh kế hoạch tài ba của mình xuất sắc hơn sự tò mò thiên bẩm cùng khả năng suy luận sắc sảo của Cadell. Ở một góc nhìn khác, Brandon Shaw vừa muốn chứng minh mình tài giỏi hơn Rupert Cadell, điều này có nghĩa Cadell sẽ không phát hiện được hành vi phạm tội của Shaw, nhưng bản thân Shaw còn muốn được chính Cadell thừa nhận rằng hắn ta đúng, rằng kế hoạch của hắn là hoàn hảo, như vậy đồng nghĩa với việc Cadell sẽ phát hiện được tội ác của Shaw. Thấy mâu thuẫn to đùng không? Mọi thứ Shaw bày ra trước mặt Cadell, để Cadell nói chuyện với tên tòng phạm say rượu và tâm lý yếu như Morgan, nó giống như là Shaw muốn để Cadell phát hiện ra vậy. Nó làm mình liên tưởng đến bộ phim Annihilation khi mỗi con người trong chúng ta đều có một thiên hướng vô thức tự hủy hoại bản thân mình (self-destructive behavior). Trong trường hợp này, cái sự tự cao ngạo nghễ của Brandon Shaw mới là nguyên nhân chính khiến hắn bị phát hiện. Việc hắn vừa muốn vừa không muốn bị Rupert Cadell phát hiện chính là lý do duy nhất khiến vụ việc đổ vỡ.

 

Thứ ba, đây là một điểm mình đúc rút được từ điểm yếu của rất nhiều phim/ truyện trinh thám. Cả ba bộ phim đều có ba “perfect murder” có thể được coi là tinh vi. Nhưng trong thực tế, những âm mưu nào càng phức tạp, nó càng dễ bị bại lộ. Những hung thủ có cách thức gây án, vũ khí giết người, nghi thức thực hiện càng đặc trưng và xảo quyệt, nó càng dễ bị phát hiện. Không ngớ ngẩn và phi lý như Conan, nơi người ta giết người bằng dây cước buộc với dây thun trong một cái bẫy mà thời gian canh chuẩn từng giây, ở đời thực, càng đơn giản, càng tầm thường thì tội ác càng khó bị phát giác. Như trong các vụ giết người hàng loạt của Son of Sam hay D.C Sniper, tên sát thủ cứ bắn đại vào một nạn nhân ngẫu nhiên nào đó, không bằng chứng, không kết nối, không động cơ, không nghi phạm, không tình tiết riêng biệt, không một bản ngã bị bắt bài trong tâm lý học và không bằng chứng ở hiện trường. Cái đó mới thực sự là một vụ án khó phá, mới là một vụ giết người gần như hoàn hảo. Trong vụ án thật của Leopold và Leob hay trong ba vụ án ở ba bộ phim mình xem về một viễn tưởng “a perfect murder”, tất cả chúng đều phức tạp quá mức cần thiết và có vô vàn lỗi logic mình quá làm biếng để chỉ ra. Thời gian càng dài, quá trình giết người càng lâu và càng dính dáng đến nhiều người, nó càng nhiều sơ hở, càng dễ bị bắt gặp và càng nhiều chứng cứ sót lại. Nhưng đó mới chính là điểm mấu chốt, những kẻ chủ mưu kiêu hãnh kia đời nào chấp nhận một âm mưu đơn giản. Một vụ tông xe rồi bỏ chạy là dưới tầm trí tuệ bọn họ, là không đủ chấn động, là không xi nhê với cái bản ngã khổng lồ của chúng. Mọi thứ phải là một âm mưu có trình tự, thủ tục thượng thừa khi mọi thứ được giăng sẵn nhưng cảnh sát vẫn không thể lần ra. Đó mới chính là điều bọn họ muốn. Bởi sát nhân chính là nghệ thuật của chúng, nghệ thuật thì không thể làm qua loa được.

 

Từ ba điểm trên, mình kết luận là nếu đã lỡ cảm thấy bản thân tự tin hơn người hơn đời rồi thì đừng có ác, đừng có cố làm một cái “perfect murder” chi hết, bởi “a perfect murder” vốn dĩ không tồn tại và mấy đứa càng tự tin thì càng thì không có đủ phẩm chất thông thường để làm một tên sát nhân thành đạt. Mình cũng chẳng rõ mình viết cái bài của nợ này nhằm mục đích gì, có lẽ cái chữ “perfect” kia chạm trúng nọc của mình, khiến mình khó chịu. Cho dù cố tình hay không cố tình và khán giả có nhiều kinh nghiệm xem phim như thế nào, tự cái chữ “hoàn hảo” này đã đặt một tiêu chuẩn trên trung bình cho bộ phim và khiến người xem có một kỳ vọng nhất định trong câu chuyện. Mà một khi đã đặt kỳ vọng, 4/5 trường hợp chắc chắn sẽ dưới chuẩn.

 Cả ba phim mình đề cập ở trên đều thuộc hàng lão thành kỳ cựu, cũng có số có má trong nền điện ảnh nước cờ hoa, chỉ là đối với mình, cả ba chỉ là những phim tào lao không đạt được kỳ vọng cá nhân về kết cấu vụ án (chứ diễn biến tâm lý nhân vật thì cả ba phim làm rất chuẩn). Mình đã mong mỏi nhiều hơn thế ở mấy kẻ kẻ dám vỗ ngực tự xưng về “a perfect murder”. Bảo sao bây giờ, có lẽ chính biên kịch và đạo diễn của cả ba bộ phim trên đều có cái thái độ tự cao tự đại của mấy người bề trên như nhân vật trong tác phẩm của họ, như thế thì họ mới dám khẳng định mình có thể tạo nên một câu chuyện hấp dẫn trên nền cái chữ “perfect” kia. Và như dự kiến, cả ba phim kết thúc trong chán nản và “thường tình” đến đáng thương, một kết quả buồn cho một tham vọng lớn.

 

Hôm nay không bình phim, chỉ là phàn nàn tí thôi.

Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về La Sinh Môn ( Rashomon 1957)