Về The Terminal (2004)

                                                            Spoiler Alert!!!!

 

Chuyện là mình có đăng ký học tiếng Anh online trên cái web nọ, một hôm giáo viên thình lình nhắn tin cho mình về một bộ phim tên là The Terminal và khen nó nức nở. Hỏi ra thì giáo viên gửi tin nhắn nhầm người (bả dễ thương ghê), nhưng mình, với tinh thần “hữu duyên” cùng việc tin vào hai chữ “ngẫu nhiên”, quyết định cứ xem phim luôn. Đời thì ngắn, phim thì dài những hai tiếng, thôi xem đại.

Mình đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác vì cái sự “bom tấn” của phim. Ý mình là bộ phim có Tom Hanks đóng nam chính, Catherine Zeta-Jones đóng nữ chính, Stanley Tucci đóng “phản diện” và Zoe Saldana đóng nữ phụ. Và khi bộ phim kết thúc và phần chữ hiện hồn, hóa ra The Terminal được đạo diễn bởi Steven Spielberg. Ố ồ, hóa ra đây là một bộ phim có số có má lắm.

 

Câu chuyện kể về ông chú Victor Navorski (Tom Hanks), trong một ngày toàn bộ sao xấu trên bầu trời chiếu vô đầu đã lâm vào hoàn cảnh trớ trêu độc nhất vô nhị. Trong lúc nhập cảnh tại sân bay ở New York, đất nước Krakozhia của anh xảy ra chiến tranh/ đảo chính/ nội chiến hầm bà lằng gì đó, khiến bản thân đất nước/ chính quyền/ chế độ cũ không còn tồn tại nữa. Thế là từ một công dân Krakozhia có nơi đi chốn về đàng hoàng, Victor trở thành một người không có quê hương, gốc gác gì sất và không được thừa nhận. Không đất nước tức là không hộ chiếu, không hộ chiếu nghĩa là không có visa, không có visa nghĩa là không được bước chân vô nước Mỹ. Victor không được vào Mỹ nhưng người ta lại không có máy bay để chở anh về lại Krakozhia. Nói như Dixon (Stanley Tucci), phó giám đốc sân bay thì Victor rơi vô cái kẽ hở nhỏ xíu (crack) mà luật pháp không ngờ tới, không ai biết phải xử trí anh như thế nào. Dixon, không còn cách nào khác, cho phép Victor ở “tạm” trong khu vực quá cảnh của sân bay với mong mỏi là anh sẽ tìm cách trốn vào nước Mỹ, thế rồi anh sẽ là rắc rối của người khác, không còn là của ổng nữa.

The Terminal – Wikipedia tiếng Việt
Poster The Terminal (tah dah!)

Nhưng Victor không trốn, anh ở lại sân bay và sống ở đó tới tận 9 tháng trời. Câu chuyện về một người đàn ông bình thường, hiểu được vài từ tiếng Anh, rơi vô một hoàn cảnh không thể khốn cùng hơn được nữa giữa một đất nước xa lạ không thân không thích, không tiền bạc hay chỗ dựa, không có bất cứ một thứ gì của mình ngoại trừ một cái túi quần áo nhỏ, có thể nói là một trong những cốt truyện đặc biệt nhất mà mình từng xem trong lịch sử điện ảnh. Trong suốt quá trình Victor “sống” và tồn tại ở cái sân bay đó, anh học tiếng Anh, kết thân với vài người bạn, mai mối cho một đôi uyên ương, kiếm cho mình được một, hai công việc, hôn được một cô tiếp viên xinh ngất ngây, cứu được một mạng người không quen ở Canada,… tính ra Victor còn làm nhiều điều hơn một (vài) cá nhân sống cả đời chỉ có ăn, xem phim và viết blog bình phẩm nhăng cuội.

The Terminal được định nghĩa là một phim hài, mình đoán mình nhếch mép đâu được 3 lần, tất cả đều là cảnh của Stanley Tucci. 20 phút đầu phim thì buồn và thực tế đến mức não nề. Cái thời điểm mình xem đoạn đầu phim, nó rơi trúng vô thời điểm tồi tệ nhất trong năm của mình, nên mình cũng cảm thấy The Terminal cũng có sự thân thiết riêng tư nhất định. Những rắc rối trong công việc, cuộc sống, chuyện đời tư thê lương lãng nhách,…tụi nó tập trung về trong cùng một buổi tối đó khiến mình stress quá nên bật khóc tức tưởi. Thế rồi khi coi phim và nhìn Victor, mình ngồi nghĩ cái rắc rối cỏn con của mình chẳng là cái đinh rỉ gì hết so với ảnh. Người ta bảo không nên so sánh buồn phiền với buồn phiền, ai cũng có nỗi niềm của riêng mình hết, mình biết vậy, chỉ là trong cái khoảnh khắc đó, mấy cái chuyện nhỏ mọn của mình không thể nào to như khi Victor nhìn trên màn hình tivi và nhận ra đất nước anh chìm trong bom rơi đạn lạc và anh chẳng có cách nào liên lạc về với người thân xem họ có còn bình an không. Hàng ngàn con người trong cái sân bay to đùng đó cũng có nỗi niềm và sự hối thúc của riêng họ, nhưng khi bộ phim xây dựng cuộc sống qua thế giới quan của nam chính, việc chẳng một ai đứng lại giúp đỡ một người đàn ông xa lạ đang tuyệt vọng đến phát khóc kia khiến mình cảm thấy vô cùng nhẫn tâm và lạnh lẽo.

The Terminal xây dựng rất thành công sự chật vật của Victor với cuộc sống dưới mái sân bay của anh, cái cách anh từng chút, từng chút thích ứng với cuộc sống tạm bợ ở đây hay đối phó với từng chiêu trò xua đuổi của phó giám đốc Dixon,… Nhân vật Victor Navorski được xây dựng như một nam chính mẫu mực, tức là một con người bình thường như anh chị em chúng mình, không đẹp, không xấu, không xuất sắc, không thông minh xuất chúng nhưng cũng không ngốc nghếch, ngờ nghệch, tức là nhân vật có yếu tố gần gũi, khiến khán giả có thể liên hệ chính bản thân mình trong hoàn cảnh của nhân vật. Thế nhưng trong nghịch cảnh, Victor hiện nguyên hình là một con người tốt bụng, kiên cường, năng động sáng tạo và luôn lạc quan nhất có thể. Nếu là mình rơi vào hoàn cảnh của Victor, mình đã khóc lóc ầm ĩ, làm một cảnh hỗn loạn ra trò ở sân bay rồi cũng nên. Thể nào cũng nước mắt, nước mũi tùm lum trong suốt mấy ngày, suy sụp suốt vài ngày sau đó, cuối cùng là vực dậy được bản thân nhưng sẽ tiếp tục thở ngắn than dài trong suốt 9 tháng “tại vị”. Còn Victor, mình thấy anh nhanh chóng tập trung chuyên môn vô những việc thiết yếu như kiếm cơm ăn, tạo chỗ ngủ, thậm chí là kết bạn và làm quen với gái với tinh thần cần cù chịu khó và cầu tiến chưa từng có. Victor không phải lúc nào cũng nở nụ cười trên mồm, không phải luôn nói điều tốt, làm điều hay, không phải lúc nào cũng lan tỏa năng lượng tích cực cho những người xung quanh anh (nhân vật không có nhàm chán và đáng ghét như vậy), sự lạc quan của nam chính đến từ việc anh không bao giờ than vãn về hoàn cảnh bi đát tréo nghoe của mình, anh cứ tiếp tục “làm việc”, tiến lên và sống sót từng ngày, từng giờ và kiên định với “con đường” mình đã chọn. Anh làm người tốt một cách thật thà và vụng về theo cách anh muốn, không cần ai phải bảo anh nên làm gì và không nên làm gì. Và thậm chí khi không ai bảo, anh cũng làm việc bao đồng luôn. Victor Navorski là sự kết hợp chuẩn mực trong việc xây dựng nhân vật chính vừa đủ sức gần gũi để có thể làm được những việc mà chính những người bình thường cũng làm được, nhưng lại có một “hệ thống” đạo đức đủ tươi tỉnh để làm ra một tấm gương cho khán giả và tạo nên thông điệp nhân văn cho câu chuyện, đồng thời nhân vật cũng có nét tính cách thú vị ổn định để mạch phim trở nên lôi cuốn và không còn màu tuyên truyền phẩm hạnh nữa, mình không còn gì ngoài khen ngợi biên kịch, đạo diễn và đặc biệt là phần diễn xuất “vừa vặn” của Tom Hanks.

Khi nghiên cứu thêm về bộ phim này, ưu điểm lớn nhất mình muốn ca tụng phim chính là ý tưởng kịch bản của The Terminal, và hóa ra, bộ phim lại dựa trên một câu chuyện có thật của một người đàn ông Iran tên là Mehran Karimi Nasseri, người đã sống ở Phòng chờ 1 ở sân bay Paris-Charles de Gaulle từ năm 1988 đến tận năm 2006. Đấy là chưa kể bộ phim còn có cốt truyện tương tự với bộ phim Lost in Transit (1993) của Pháp, một bộ phim cũng dựa trên cuộc đời của Nasseri. Nói vậy là ý tưởng của The Terminal không hề mới tinh và mang tính “mở đường” như mình tưởng, vì hóa ra trí tưởng tượng của thiên hạ cũng không thể phong phú và thiên hình vạn trạng như thực tế cuộc sống được. Sự trân trọng dành cho bộ phim và cả Nasseri giảm hẳn khi mình đọc về Nasseri và so sánh quãng đời 18 năm ăn ngủ sân bay của ổng với 9 tháng của Victor. Thiên hạ bảo Steven Spielberg cùng hãng phim sản xuất ra The Terminal đã trả cho Nasseri một số tiền lớn cho câu chuyện của ông nhưng cuối cùng lại không sử dụng nó. Nói thật mình hoàn toàn hiểu cho Spielberg, câu chuyện rối rắm với quốc tịch, trục xuất, luật sư quyền con người, chính trị vào cuộc,… của Nasseri làm sao mà hấp dẫn, ấm áp và dễ thương – dễ xem như câu chuyện về Victor Narvorski bị kẹt lại sân bay vì muốn hoàn thành tâm nguyện của người cha quá cố được. Xét về góc độ thương mại và cả về điện ảnh, mình hoàn toàn chấp nhận quyết định của Spielberg, coi nó như một quyết định thông minh và cần thiết cho một tác phẩm độc lập. Bởi nếu Spielberg có đạo diễn The Terminal như cuộc đời của Nasseri, bộ phim sẽ vẫn sẽ là một tác phẩm trung bình nhưng không kiếm chác được mấy ở phòng vé.

Đối với mình, The Terminal chỉ là một bộ phim tàm tạm. Nếu rút điểm đắt giá nhất của bộ phim là phần ý tưởng ra, The Terminal chỉ là một bộ phim tâm lý – tình cảm – hài hoàn toàn thông thường, không có gì đặc sắc, mới lạ hoặc có bất cứ điểm gì vượt trội thế gian hết. Nam chính vươn lên trong nghịch cảnh, gặp được những người tốt, được mọi người xung quanh yêu quý, có một mối tình không quên và cuối cùng, một kết thúc có hậu dành cho người xứng đáng hạnh phúc. The Terminal có mọi thứ của một bộ phim sến, và vài cảnh thực sự là làm hơi lố quá mức cần thiết (như cảnh những nhân viên làm việc đưa tiễn Victor “đi” New York và một hàng bảo vệ sân bay đứng chắn trước mặt anh này), chưa kể mối tình của anh với Amelia Warren, một nữ tiếp viên hàng không bị “sứt mẻ” về tâm lý, cũng khá “lúa”. Từ phân đoạn anh gặp ả lần đầu tiên, anh lại gặp ả, anh hẹn hò với ả, anh gây ấn tượng với ả,… tất cả đều đậm chất một bộ phim rom-com thông thường thập niên 2000, nó không đủ tinh tế để vượt qua thử thách thời gian và nam chính nữ chính cũng không tạo nên sự gắn kết thân thiết mà một cặp đôi thường có.

Nhưng có khi sự kém thân thiết của cặp đôi này là có chủ ý. Nó cũng chính là điểm nhấn và chi tiết mình đánh giá cao của tác phẩm. Nhân vật Amelia Warren, một nữ tiếp viên hàng không xinh đẹp, một phụ nữ với biết bao người đàn ông theo đuổi và có nhiều sự lựa chọn, cuối cùng đâm đầu làm một kẻ thứ ba suốt 7 năm với một người đàn ông già hơn mình rất nhiều, không bỏ vợ cũng cũng chẳng yêu thương gì cô thật lòng. Nhân vật “hồ ly tinh” của Amelia làm mình liên tưởng đến nhân vật Fran Kubelik (Shirley MacLaine) trong The Apartment (1960), khi cô gái trẻ tình nguyện làm nhân tình cho sếp vì tình yêu và thậm chí còn năm lần bảy lượt muốn tự tử vì ông này. Cả Amelia và Fran đều được hai anh giai nam chính thật lòng theo đuổi, giúp đỡ và yêu thương cô với sự bao dung, không phán xét và thực thà đến mức ngốc nghếch, nhưng khác với Fran, Amelia nhận ra cô đã lún quá sâu, tình cảm đã quá đổ vỡ, không trân trọng bản thân đủ để đón nhận tình cảm của Victor nữa, cô buông tay. Cái kết thanh thản khi Amelia thông báo mình quay trở lại với ông bồ già, với cuộc sống làm tiếp viên hàng không khi cô đã gần 40 tuổi, với thế giới mà cô đã phát chán trong đợi chờ và muốn thay đổi… và Victor đi con đường của anh và trở về nhà, nó thực tế và hợp lý vô cùng. Với mình, The Terminal được 6 điểm chính là vì Amelia và Victor không thể đến được với nhau. Cả hai chỉ là một chuyến hành trình ngắn ngủi và cần thiết trong trạm dừng chân của cuộc đời, bởi Amelia cần Victor cũng như Victor cần Amelia trong những khoảnh khắc ngắn cũng không ngắn nhưng dài cũng thật dài ở sân bay. Cả hai chạm vào đời nhau một xíu, thay đổi cuộc sống của nhau mãi mãi rồi cất lời chào tạm biệt. Ngay cả khi dường như Amelia quay trở lại cuộc đời cũ ngay trước khi cô gặp Victor, khán giả đều biết cô không còn như xưa nữa và nhân vật chỉ cần thêm thời gian để dám đấu tranh và sống cho hạnh phúc của chính mình.

Còn phần còn lại của bộ phim, thông điệp “Life is waiting” trong cái poster phim hay việc Amelia và Victor nói và suy ngẫm nhiều về sự chờ đợi, bản thân mình cảm thấy nó hơi khiên cưỡng và không thực sự tạo được dấu ấn. Thậm chí như việc Victor lặn lội tới New York để rồi mắc kẹt ở sân bay suốt 9 tháng, chỉ để đi xin chữ ký của một nghệ sĩ nhạc Jazz, nó không thực sự cảm động đến thế, thật luôn. Bảo mình sắt đá hay máu lạnh gì gì cũng được, bản thân kịch bản chưa đủ tầm vóc và chính Steven Spielberg cũng không đẩy được cảm xúc lên tới cao trào. Biên kịch và đạo diễn và xây dựng thành công nhân vật như Victor Narvorski nhưng không tạo được các tuyến câu chuyện chính xứng đáng với tầm của nhân vật. Không có một khoảnh khắc nào đáng nhớ, không một đỉnh cao cảm xúc nào được tạo lập. The Terminal không hẳn lửng lơ hay đáng quên hay nhàm chán, nó đơn giản là không đạt được tới bất cứ kỳ vọng nào của mình về những gì bộ phim hoàn toàn có thể làm được. Biết bao nhiêu tiềm năng bị phí hoài trong một câu chuyện thiếu không hẳn thiếu chiều sâu nhưng thực sự không ghi được lấy một dấu ấn. Thật là đáng tiếc.


The Terminal không phải là một bộ phim dở, cá nhân mình hiểu tại sao bà giáo viên của mình thích nó (nó có vẻ hợp với tính cách và tông màu của bả), tuy bản thân mình không thực sự thích bộ phim nhưng không luyến tiếc thời gian dành để xem phim, công sức nghiên cứu về nó và viết ra cái bài review nhạt nhẽo này. Bộ phim có sự nhẹ nhõm và khoảng lặng dịu êm cầm chừng sau khi kết thúc, tức là một cảm xúc đơn giản và dễ ngủ cho một tối thứ sáu sum vầy. Đối với nhiều người dễ tính, như vậy là quá dư thừa. Nếu khán giả xem mà bảo phim sâu sắc khó lường, cảm động đến mức tuyến lệ hoạt động, vậy thì chúc mừng họ, mình đành nhận phần nông cạn về lại với mình thôi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo