Về Shin Godzilla (2016)
Spoiler Alert (Duh)
Shin Godzilla chính là khởi nguồn cho cái đợt nghiện ngập phim Nhật của mình hiện
giờ, nó chính là chiếc hộp Pandora, nguyên nhân cho mọi bài viết lê lết, vớ vẩn
của mình về phim Nhật. Như thường lệ, mình vô tình xem được một cái clip hơn 30
giây trong phim trên Youtube (vâng, lại là Youtube với thuật toán thần sầu) khi
con Shin Godzilla đang lặc lè bò trên đường phố Nhật Bản với một nhạc nền trẻ
em chân chất không thể bất hợp lý hơn. Lúc này con Shin da dẻ đỏ đỏ, mặt mũi xấu
trai vô vàn và không thực sự uy nghi ra chất Godzilla cho lắm. Thật thà mà nói,
nó cứ bềnh bệnh và hơi lố, thoạt nhìn thì giống như kỹ xảo chất lượng kém, một
con Godzilla mang hơi hướng đồ chơi dễ thương nhưng bị làm hỏng vậy. Lúc đó
mình đã nghĩ “kỹ xảo Nhật cũng xạo quần
ghê” rồi cười mỉm.
chính là cái cảnh này nè
Nhưng ấn tượng đó phai mờ nhanh chóng. Khi mình coi đoạn trích đó
nguyên gốc (không có nhạc nền vui tươi được chèn vô), mình chợt nhận ra con
Shin này có vẻ hơi ơn ớn, nó khiến mình cảm thấy không thoải mái. Mình nhanh
chóng nhận ra lý do nó khiến mình không thoải mái, nó không có chớp mắt. Tình cảnh
con Shin Godzilla giống y hệt như khi mình xem vua George III trong vở nhạc kịch
Hamilton vậy. Khi vị vua nước Anh bước
ra, khán giả ở dưới vỗ tay rầm rộ. Diễn viên đóng vua George là Jonathan Groff,
rất đẹp trai, mặc một bộ phục trang màu đỏ rực rỡ, cử chỉ hài hước. Thậm chí
bài hát của King George cũng là một bản nhạc pop bắt tai, dễ nghe và nhẹ nhàng
(so với các bài khác) dẫu cho ca từ có hơi bạo lực phản ánh cá tính nhân vật. Thoạt
nhìn thì nhân vật vua George không có gì đủ để “đe nẹt” khán giả hết, ổng giống
như một đoạn “comic relief” trong điện ảnh khi một nhân vật hài hước được đưa
vào một bộ phim chính kịch để giãn nhịp độ và sự căng thẳng trong phim. Nhưng
không, chỉ cần 30s bước vào bài hát, mình cảm thấy vô cùng bất an, dẫu bài hát
vẫn vui tươi thanh bình, dẫu gương mặt diễn viên vẫn đẹp trai hoàn hảo, dẫu
khán giả vẫn cười hinh hích ở phía dưới khán đài. Sự bất an, khó chịu, bí bách
đó nhanh chóng được giải đáp khi mình nhận ra vua George không hề chớp mắt trong suốt 4 phút bài hát. Jonathan Groff hình
như chỉ chớp mắt 3 lần trong suốt quá trình biểu diễn và liên tục giữ
“eye-contact” với camera, đồng nghĩa với việc anh này nhìn thẳng vào mặt mình với
thái độ bất biến cùng sự chằm chằm gần như là tuyệt đối. Vậy nên dẫu cho anh
trai có đẹp lồng lộn, cái sự sởn gai ốc và ghê ghê anh vua mang lại đạt hiệu quả
khôn cùng. Anh là phản diện của bộ nhạc kịch, ai cũng hiểu.

ánh mắt gây "thương nhớ" của Shin
Con Shin Godzilla có cái sự “creepy” đó khi đôi mắt cá trắng dã của
nó không thể chớp. Khán giả không biết nó nhìn vào thứ gì, hầu như là một đôi mắt
chết khi không ai đoán định được “tâm ý” của nó. Nó hoàn toàn cứng đờ, không biểu
lộ bất cứ thứ gì: nỗi đau, sợ hãi, phấn khích, tò mò, khinh miệt,… chẳng có gì
cả. Nó giống như mắt một con cá chết trương ở chợ, hoàn toàn vô định và … cố định.
Mình thì ngồi tự hỏi nếu mắt cứ mở hoài mà không được chớp, nó sẽ đau đớn cỡ
nào.
Bây giờ ngồi nghĩ lại, đoạn clip mình vô tình xem được đó là một
trích đoạn hoàn hảo để giới thiệu cho mình về bộ phim. Tạo hình con Shin Godzilla
đó là một sự kết hợp vừa đủ để khiến mình tin rằng đó là một bộ phim thuần giải
trí và thô sơ nhưng có một ấn tượng mới mẻ hơn về cách người Nhật tạo dựng nhân
vật Godzilla, nó không chỉ là ghê gớm và đáng sợ. Nó giống như một thứ gì đó bị
hỏng hóc, vừa mắc cười, vừa đáng thương. Mình thấy con Shin vừa hài hài, vừa
tào lao nhưng đồng thời vừa sợ hãi, vừa tội nghiệp nó. Sự kết hợp này tuy mơ hồ
nhưng nó đủ “ khơi gợi” khiến mình muốn xem phim. Một sự lựa chọn lạ lùng mồng
hai tết. (Yup, bài viết này đã được viết từ thuở nhà mà nào rồi bây giờ mới được
tác giả lười biếng đăng lên)
Cũng không tự hào gì khi thú nhận là kiến thức điện ảnh của mình về
Godzilla chỉ gói gọn trong hai phim Godzilla
gần nhất của Hollywood, những đoạn truyện tranh Conan và một đoạn clip ngắn về
việc con Godzilla ngày xưa đả bại mọi lý thuyết vật lý và “drop kick” con Megalon.
Thế nên chẳng có gì bất ngờ khi mình tưởng Shin
Godzilla sẽ là một bộ phim dòng monster hoành tráng nhưng nhẹ nhàng cho bộ
não. Một trong những điểm quan trọng nhất trong tháng mê muội phim Nhật này của
mình là việc hầu hết tất cả các bộ phim đều khác xa so với những gì mình đoán định
bộ phim hướng đến. Shin Godzilla chẳng
qua là cú đánh đầu tiên, nhẹ nhàng cho bộ não cái con khỉ mốc. Tìm hiểu về Shin Godzilla để viết cái bài này cũng cực
nhọc ngang ngửa ngồi đọc văn bản nha.
Nói về sự khác biệt của Shin
Godzilla, có lẽ đầu tiên phải nói đến cội nguồn cho quá trình sáng tạo nó.
Bộ phim đầu tiên về Godzilla được sản xuất vào năm 1954, được coi như một biểu
tượng cho sự tàn phá của hai quả bom hạt nhân đối với nước Nhật. Hai trái bom
ném xuống Hirosima và Nagasaki sẽ mãi luôn là một dấu mốc tang thương trong lịch
sử Nhật Bản, và dù chịu thiệt hại thảm khốc và giận dữ trước hành động bom mìn
không thèm để ý tới hậu quả của đối phương, nước Nhật với vị thế là một nước thất
trận trong thế chiến cũng chẳng làm gì được. Đấy là chưa kể họ còn đang khó
khăn và phải nhận sự giúp đỡ từ nước Mỹ, bảo họ chỉ mặt đặt tên và chửi bới
chính diện cái nguồn cơn gây ra nỗi đau kia cũng khó. Mà ai biết, có khi đó là
do họ là người Nhật, mà người Nhật cư xử chẳng bao giờ giống người trần mắt thịt
như mình, tận gần 10 năm sau, họ sáng tạo ra một con quái vật to lớn với laze
phát ra từ miệng để đại diện cho sự tàn phá và nỗi đau mà chiến tranh mang lại.
Khi người dân Nhật Bản khóc trong phim vì con Godzilla đốt làng của họ, đó là cách
họ lên than khóc trước sự mất mát và tố cáo sự phi nghĩa của cuộc chiến. Mình
nói nó lòng vòng gì đâu.
Không giống như Godzilla trong phim Hollywood là một anh hùng
nghĩa hiệp luôn ra tay cứu nhân loại trong những giây phút ngặt nghèo, Godzilla
trong phim Nhật là đại diện cho những vấn đề nghiêm trọng và nước Nhật gặp phải
trong các thời kỳ, đồng thời phản ánh tâm tư nguyện vọng của người Nhật đối với
cách điều hành của chính phủ trước các vấn đề đó. Vậy nên trong lịch sử điện ảnh
Nhật Bản, giữa một biển các phim (màn ảnh rộng lẫn truyền hình) Godzilla tào
lao, ngốc nghếch và mẫu giáo hết phần thiên hạ, lâu lâu lại xuất hiện một phim
Godzilla “chính kịch” trở về mới chính mục đích phản ánh nhân sinh ban đầu của
các nhà sáng tạo. Và nếu họ đã định được thâm ý cho bộ phim, nó sẽ trở nên vô
cùng tăm tối, trầm trọng và cực kỳ hay.
Giá mà có ai đó nói cho mình biết trước điều này khi mình tung tẩy
ngồi xem Shin Godzilla sáng hôm đó.
Cốt truyện của Shin Godzilla
rất đơn giản. Ban đầu là một sinh vật cổ đại bị biến dị khi tiếp xúc với rác thải
hạt nhân của loài người dưới đáy biển, Shin Godzilla trở thành một “sinh vật”
to lớn và đáng thương khi các tế bào của nó thay đổi và tiến hóa theo từng
giây. Giống như quá trình tiến hóa của động vật trên Trái Đất, nó từ dưới biển
bước lên bờ để tiến hóa tiếp, ai ngờ đất chật người đông, nó quậy phá lung tung
ở nước Nhật nên buộc chính quyền toàn thế giới vào cuộc xử lý với trọng trách dồn
vào bộ máy chính quyền quan liêu của xứ mặt trời mọc.
Thì nói gì bây giờ, Shin
Godzilla là biểu tượng của thảm họa động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt
nhân của nước Nhật năm 2011 mà. Nó đồng thời nói lên quan điểm và sự “đánh giá”
của người Nhật trước phản ứng và cách giải quyết của Chính phủ trong thảm họa
đó. Spoiler, họ không có đánh giá cao chánh quyền đâu nha.
10 phút đầu của Shin
Godzilla rất khó xem, bởi cái não bánh tét của mình không kịp thích nghi với
việc Shin Godzilla không phải phim để
giải trí và nhịp phim được tạo dựng với mục đích là đàn áp sự kiểm soát của
khán giả. Người xem bị nhấn chìm trong một bể thông tin với hàng chục gương mặt,
cái tên, chức vụ, nơi những cuộc họp được bắt đầu và người ta bắt đầu thảo luận
về sự xuất hiện của một sinh vật khổng lồ bí ẩn bên bờ biển. Shin Godzilla là một trong những bộ phim
được đạo diễn và biên tập xuất sắc nhất mình từng xem khi mọi cảnh quay đều
nhanh, không thừa thãi, mọi thông tin dù lớn, bé, quan trọng, bên lề đều được thể
hiện qua đúng 1 lần, với mục đích khiến khán giả bị ngợp. Trong một thoáng,
mình tự trách mình dốt nát khi không thể theo được phụ đề phim, thậm chí nếu nó
bằng tiếng Việt mình cũng không thể theo kịp được với những gì đang diễn ra.
Cho đến tận 2/3 phim, khi nhịp phim giãn ra, mình mới hơi mơ màng nhận ra thâm
ý của đạo diễn. Lão đạo diễn muốn khán giả có cái trải nghiệm của chính quyền
Nhật như trong phim, khi một sự kiện lớn đột ngột xảy ra và khán giả/ chính quyền
bị bủa vây trong một bể những luồng thông tin thừa mứa, quan trọng và họ buộc
phải đưa ra những quyết định quan trọng trong một thời gian ngắn.
hình ảnh các cuộc họp lãnh đạo các cấp
Cái sự ngợp kia đeo đuổi trong phần lớn bộ phim. Khi nội các chính
quyền xuất hiện, những cuộc họp nối tiếp những cuộc họp, những gương mặt già
nua mình chưa kịp định hình ai với ai, những chiếc bàn được kê lên, những con
người được tập hợp, những quyết định được đưa ra nhưng không thực sự giải quyết
được bất cứ thứ gì. Là một người làm việc trong nhà nước, mình thấy bộ phim thật
“đắt giá”. Trong một bộ phim Hollywood với đề tài tương tự, việc ra quyết định
của chính quyền/ tổng thống dù quan trọng hoặc chỉ được nhắc qua loa đều được
thể hiện rất nhanh, gọn, lẹ. Tức là ông tổng thống ở phía đầu dây điện thoại
bên này đồng ý, hai giây sau bom mìn đã được một chú chiến sĩ trực tiếp ở chiến
trường thả. Mọi mệnh lệnh nhanh chóng được thực thi, gần như không có bước
trung gian thừa thãi để giữ nhịp độ gay cấn của bộ phim. Trong Shin Godzilla, không những phần trung
gian giữa chính quyền và người trực tiếp ở hiện trường được giữ nguyên, nó còn
xây dựng vài lớp trung gian theo phân cấp thẩm quyền và nhiệm vụ, đúng như THỰC
TẾ nó phải thế. Cái tầng lớp trung gian này được thể hiện rõ ràng, chỉnh chu với
nhịp độ khẩn trương, nhanh, gọn, lẹ khiến khán giả ngồi dưới không kịp chán (thực
ra là vẫn chưa kịp định hình đâu với đâu thì toàn bộ nội các trong chánh quyền
Nhật đều mặc đồng phục và ông chú già đeo kính nào nhìn cũng giống ông chú đeo
kính nào và họ nói rất nhanh).
Điểm trọng tâm nhất trong phần đầu phim là khi chính quyền bắt đầu
xác định Shin Godzilla là thứ gì, có phải mối đe dọa không và phản ứng của họ đối
với nó như thế nào. Sự thật là chính quyền chưa từng đối diện với một “vấn đề”
như thế trong lịch sử, không ai trên cái trái đất này từng cả, họ phải giải quyết
một đống thông tin khổng lồ và nhiễu loạn với vô số giả thiết, thuyết âm mưu, sự
ngờ vực việc cài bẫy của các nước đồng minh và không phải đồng minh,… nhưng họ
đã có vô số thời gian để đối diện và đưa ra phương pháp tối ưu nhất. Không phải
con Shin bụp phát từ đâu ra nhảy lên bờ phát làng phá xóm, nó đã xuất hiện dưới
biển trước đó và cả quá trình nó tiến vào đất liền cũng kéo dài, đủ để bên thượng
tầng Tokyo kia người ta đã họp biết bao nhiêu là cuộc để tìm cách khả dĩ nhất để
giải quyết nhưng rốt cuộc chẳng giải quyết được cái gì cả.
họp, họp nữa, họp mãi
Rất khó lý giải sự kém hiệu quả của chính quyền Nhật bấy giờ. Bởi
vì theo mình nhận xét, những cá nhân lãnh đạo nước Nhật đó đều thực lòng lo
nghĩ cho đất nước và hoàn toàn không đả động gì đến lợi ích cá nhân. Mọi hành động,
quyết sách và giải pháp họ đưa ra đều là những cách thức họ cho rằng nó là tối
ưu nhất cho người dân Nhật thời điểm đó. Ông Thủ tướng ngừng tấn công vũ trang
con Shin khi thấy một hai người dân còn chưa kịp sơ tán (lỡ mất thời điểm vàng
tiêu diệt con quái), những người tham mưu cho Thủ tướng khi trình bày ý kiến của
họ thực sự cũng có lý và có chính kiến của riêng họ. Những con người đó hoàn
toàn không ngốc nghếch, không vô năng hay khiến mọi việc nghiêm trọng hơn, họ
là những con người giữ vị trí quan trọng và làm tốt nhất mọi thứ trong khả năng
của họ, vì mục đích làm điều tốt nhất cho đất nước họ. Sự tổ chức, quản lý của
Chính phủ Nhật hoàn toàn không tệ. Cách họ tập hợp lực lượng, tổ chức cuộc họp,
tổ chức chiến đấu, tổ chức sơ tán,… đều nhanh chóng, có kỷ luật và làm đến nơi
đến chốn (điều này nói dễ nhưng thực sự không có dễ làm đâu), thậm chí còn được
thực hiện trong một thời gian chuẩn bị rất gấp rút đã được coi như một thành quả
không nhỏ của chính quyền và người dân rồi. Ngay cả khi chiến đấu, quân đội Nhật
cũng có phương án tác chiến A, B, C, các phương án chiến thuật này đều đã được
diễn tập, tính toán và cân nhắc với lực lượng, khí tài và cách bài binh bố trận
đều đã được tập dượt từ trước, theo đúng chuẩn nhà binh nó phải thế. Bản thân
mình thấy chiến lược đánh con Shin rất khoa học và thông minh, chiến sĩ dũng cảm,
tuân theo mệnh lệnh và được đào tạo bài bản. Không có một ai vớ va vớ vẩn trên
mặt trận hết, từ lãnh đạo đến lính lác.
vẫn chưa hết họp nha các bạn
Nhưng nó vẫn kém hiệu quả đến mức không thể chấp nhận được.
Đó là khi các nhà làm phim khôn khéo chỉ ra mặt trái của bộ máy
quan liêu bằng cách đan xen những chi tiết nhỏ xinh, quan trọng và tinh tế
trong một loạt những cảnh quay nhanh và choáng ngợp trong suốt hơn một tiếng đầu
phim, khi khán giả vẫn còn đang ngợp trong mớ bòng bong những cụ ông lãnh đạo
còn cãi nhau chan chát xem con Shin là thú hiếm ở đâu hay chỉ là một trò đùa vớ
vẩn của tạo hóa. Những cuộc họp không đi vào trọng tâm, hoặc họ xác định được
trọng tâm nhưng trọng tâm bị trật, những nhân sự ngồi chờ trong lãng phí thời
gian và năng lực khi lãnh đạo cấp cao thảo luận, việc bỏ phí thời gian mặc đồng
phục phục vụ cho nhiệm vụ cứu hộ, những tầng lớp trung gian được truyền tải
thông tin qua cho nhau,…, đó đều là những chi tiết phản ánh sự “trì trệ” và “thừa
thãi” trong cái cách thể chế và chính quyền vận hành. Nó đúng với quy tắc, truyền
thống và chức trách từ xưa đến nay nhưng như thế không có nghĩa là nó đúng và cần
thiết. Điều hay ho nhất là những chi tiết “chê trách” được thể hiện với hình thức
như một thể loại thông tin. Tức là nó được nhắc qua một lần, không nhấn mạnh,
không phân tích, không chỉ trích, không khác gì một cảnh quay thông báo con
Shin đã tiến tới khu dân cư hết. Trong một loạt những diễn biến nối tiếp nhau
căng như dây đàn trong hơn 1 tiếng đầu phim Shin
Godzilla, mình thực sự cảm nhận thấy cách chính quyền đưa ra quyết sách cụ
thể rất khó hiểu. Họ họp nhiều, nói rất nhiều, trí não ai cũng khổ sở, nhưng một
đối sách để áp dụng vào thực tế, để thực sự giải quyết tình huống trước mắt là
không có, hoặc nếu có thì vô hại hoặc quá chậm trễ. Mình cảm thấy sai, chỉ là nhưng
mình thực sự không thể chỉ mặt đặt tên được cái nguyên nhân cụ thể nó sai ở đâu.
Thậm chí đến tiếng cười của phim cũng không ngoài mục đích "chỉ trích" và chê bôi. Cảnh đầu
tiên nơi ba ông chú “chuyên gia” được nhà nước trọng vọng mời tới để xin ý kiến nhưng không biết gì ngoài nói ba xạo và lãng phí thời gian của lãnh đạo. Cảnh thứ hai đương nhiên là tiếng cười
không hề e dè khi ông Thủ tướng vừa phát biểu xanh rờn là bé Shin không có đi lại
được và vô hại thì ngay lập tức em nó đã bò lết đi khắp phố phường và dọa người
dân khiếp vía. Dẫu biết ông Thủ tướng chỉ là “nạn nhân” của việc há miệng mắc
quai vì thiếu hiểu biết, mình thực sự vẫn vừa cười vừa tội nghiệp tất cả mọi thứ
đang diễn ra theo đúng sự tréo nghoe của thời cuộc. Shin Godzilla chưa bao giờ làm bất cứ điều gì thừa thãi và vượt ngoài mục đích ban đầu của nó, kể cả khi họ cố gắng "giải trí" và làm dịu sự khô cứng và nghiêm trọng của vấn đề, kể cả khi tiếng cười được bật lên, nó vẫn cứ chua chát và khổ sở vô vàn.
Sau khi bỉ bôi chánh quyền một cách thâm sâu khôn lường, bộ phim bắt
đầu tập trung vô cuộc chiến thực sự khi con người bắt đầu “đi đúng hướng”. Điều này như một phép gợi mở về việc
họ (các nhà làm phim và người dân Nhật) đặt niềm tin vô chính quyền mới, những
gương mặt mới, trẻ tuổi, tài năng, dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo. Một thông
điệp hoàn toàn cũ xì nhưng có thể thông cảm và chấp nhận được. Thì cũng phải có
một chủ thể đối kháng với con Shin chứ. Đến đây, mình nhận ra nội dung phim
không nói về một anh hùng/ nhóm anh hùng/ cá nhân nào đó, nó là Japan vs Shin
Godzilla, là nguyên một nước Nhật với đại diện là hai đời nội các đối đầu với một
con quái vật được tạo nên từ lỗi lầm của loài người. Không như trong những phim
Hollywood tương tự với một số cá nhân nổi bật được ban cho vô số thời gian xuất
hiện với quá khứ (nhàm chán), tính cách (nhạt nhẽo) và nỗi trăn trở (vớ vẩn) nhất
định, trong Shin Godzilla, mọi nhân vật từ chính, chính phụ, phụ hay phụ toét đều
không đại diện cho phe con người, họ là một tập thể với quyết định là của tập
thể, là nước Nhật với mọi tiềm lực họ có đang đối đầu với một thảm họa diệt vọng
biết di chuyển và khẹt ra lửa. Những nhân vật con người trong phim được xuất hiện
với vai trò, nhiệm vụ trong công việc, trong trách nhiệm của họ. Họ không cần
quá khứ, tính cách (vẫn được thể hiện ít nhiều) hay bi kịch cá nhân để màu mè
hóa câu chuyện, cái khán giả cần là cách họ đóng góp trong câu chuyện chung và
bộ phim thể hiện nó một cách xuất sắc. Không một nhân vật thừa thãi, không một
đứa vớ vẩn làm chuyện ruồi bu, không một cái tôi nào được phô diễn thái quá làm
người xem thở dài hay nhíu mắt. Các diễn viên tham gia đã hoàn thành nhiệm vụ của
họ khi thể hiện nhân vật của mình vừa phải, chuẩn mực và không mờ nhạt. Tạo
hình nhân vật, vai trò của họ trong nhóm, lời thoại phản ánh tính cách,… tất cả
đều vừa đủ để không khiến nhân vật nào bị hòa trộn hoặc quên lãng với nhân vật
nào, đồng thời lại không khiến họ quá ưu tú và nổi bật so với toàn bộ những người
còn lại, phản ánh rõ tinh thần Japan vs Shin Godzilla. Thậm chí kể cả anh nam
chính, trưởng nhóm cũng chỉ có vai trò người lãnh đạo chứ không phải là kẻ anh
hùng một mình chống lại kẻ ác. Shin
Godzilla là bộ phim kaiju duy nhất, mình nhấn mạnh là duy nhất, khiến mình
thực sự quan tâm đến cái sự thành bại, sống chết của phe con người, bởi mình thực
sự quan tâm và ủng hộ họ.

vẻ đẹp chai của Shin
Ở phía bên kia “chiến tuyến”, ngôi sao của câu chuyện, Shin
Godzilla là hiện thân của thảm họa tự nhiên do con người tạo ra. Theo như những
gì bộ phim nói về Shin, sự tồn tại của nó là một quá trình tiến hóa không ngừng
với tốc độ biến thiên khủng khiếp. Ban đầu con quái ở biển, sau đó lên bờ, lê lết
không chân, sau đó mọc chân đủ để đỡ khối lượng cơ thể. Lúc này nó vẫn có mang
cá, máu được thải ra lênh láng theo cơ chế làm nguội cho lò hạt nhân bên trong.
Rồi mỗi khi bị con người tấn công, Shin tiến hóa bằng cách khiến cơ thể trở nên
bất khả xâm phạm bởi vũ khí loài người, tự vệ bằng cách phóng ra tia nguyên tử
từ miệng, đuôi và cả trên lưng và khi cuối cùng, nó định “biến” hình thành
chính sinh vật nhỏ bé vừa hạ gục mình. Tạo hình của con Shin Godzilla (qua các
giai đoạn) thể hiện xuất sắc sự “mong manh”, nguy hiểm cũng như tính chất vật đổi
sao dời của quá trình tiến hóa thần tốc của sinh vật. Trong mọi phiên bản của
mình, con Shin chưa bao giờ là một tạo vật uy nghi đẹp đẽ, thậm chí chưa bao giờ
là một tạo vật hoàn thiện hay tối ưu, nó ở đó, luôn luôn trông giống một con
búp bê hỏng, xấu thì không hẳn là xấu, chỉ là vừa đáng thương, vừa đáng sợ.
Bản thân hành trình của Shin giống như một phim kiếm hiệp rẻ tiền.
Lần đầu lên bờ, từ một thanh niên có tiềm năng, chất phác và không định hại ai
nhưng với việc không thể hòa nhập với chính đạo cùng với việc quá to, quá khỏe,
Shin bị hiểu lầm và cuối cùng bị thiên hạ xa lánh, đánh hội đồng. Sau thời gian
rớt vực, lụm được bí kíp và tu tập khổ luyện, Shin quay lại giới giang hồ lần
hai, to lớn vạm vỡ và hổ báo hơn xưa, phá nát Tokyo, giết hàng vạn người, tự
mình trở thành nhân vật phản diện số một giới võ lâm. Cuối cùng, khi quay lại lần
thứ ba, Shin đã rơi vào cái bẫy tinh vi được giăng trước, bị khống chế và rốt
cuộc, bị cầm tù cả đời.
Nói thì vui, sự tồn tại của Shin Godzilla là một bi kịch và trong
lịch sử của hình tượng Godzilla, mình chưa thấy có cái con Godzilla mà nó khổ
như cái con Shin. Từ lúc nó được “tạo ra”, có ý thức, mọi thứ nó biết đều là
đau đớn. Thử tưởng tượng hàng triệu triệu tế bào trong cơ thể mình được sinh
ra, biến đổi và chết đi với vận tốc của cả triệu năm thu lại trong vài giờ đồng
hồ. Khi nó không thể biết gì hơn ngoài sự đau đớn và bất lực khi không thể khiến
mình “vô cảm” hoặc chết đi. Và khi đã bị đau, ai đâu mà hiền từ, mà nhã nhặn,
mà phổ độ chúng sinh. Mình không hề ý thức được cái sự đáng thương của Shin cho
tới cái cảnh mồm nó toét ra và nó bắt đầu khè lửa, khè khói, khè tia hạt nhân
ra bắn tung tóe khắp Tokyo trên nhạc nền opera cổ điển. Cảnh quay này là cảnh
quay đáng nhớ và nổi bật nhất không chỉ của cả bộ phim, mà còn của cả mọi phim
monters mình từng xem. Nó có thể không đọ được với các phim Hollywood về quy
mô, về kỹ xảo, về mức độ tàn phá, nhưng riêng cái cảnh quay này, nó có một thứ
mà bao nhiêu phim Hollywood có đào vàng cũng không có được: chiều sâu và sự
sang. Thực sự là như thế. Tất cả chỉ là con Shin đi giết người, đốt nhà nhưng
trên nền nhạc opera tan vỡ, bộ phim gợi lên một nét hoài cổ, tang thương và sâu
sắc đến lạ lùng. Sự đau khổ của con quái vật, sự đổ nát của con người, sự bất lực
và vô vọng của cả con người và con quái vật, tất cả hòa quyện trong một bản nhạc
nghe thì không hiểu nhưng cảm nhận thì vô vàn.
màn tàn phá sang chảnh
Một trong những điểm sáng của phim chính là hiệu ứng hình ảnh. Kỹ
xảo của Shin Godzilla tốt hơn những
gì mình kỳ vọng nhiều, nó đồng nghĩa với việc không hề ba xu và xạo một cách lố
lăng và giả tạo như phim Trung Quốc (hoặc thậm chí là một vài bom tấn
Hollywood), nhưng như thế không có nghĩa là nó xuất sắc và vượt trội. Shin Godzilla có sự kết hợp tốt giữa CGI
và phong cách làm phim cổ điển (mô hình tòa nhà thu nhỏ bị đập phá), được xử lý
mượt mà và hợp lý, tạo hiệu ứng tốt và khiến mình không bực mình khi vô tình
xem trúng một cảnh quay yếu và nghèo tiền. Nhưng nó không đời nào vươn tới tầm
vóc của Godzilla (năm 2014) của xứ cờ
hoa được. Kỹ xảo, hiệu ứng, những con quái vật to lớn vật nhau là toàn bộ những
gì người Mỹ có thể đem lại cho thương hiệu, điện ảnh Nhật không thể theo kịp được.
Nhưng khi người Nhật biết mình là ai và họ muốn gì, họ làm xuất sắc điều đó.
Nói dông nói dài, nói tóm lại, Shin
Godzilla là một mở đầu hoàn hảo để mình đón nhận lại điện ảnh Nhật Bản, nền
điện ảnh không chớp sáng rực rỡ và gây sang chấn tâm lý với giải thưởng lớn nối
tiếp giải thưởng lớn như Hàn Quốc nhưng nó thực sự rất đáng chú ý với nét thâm
trầm riêng biệt và sắc sảo đến bất ngờ. Cũng có thể do gu thưởng thức mỗi người
một khác nên mình thích nó nhiều hơn. Mình cảm ơn Youtube đã khiến mình biết đến
Shin Godzilla, cảm ơn Shin Godzilla đã khiến mình quan tâm đến
nước Nhật lần nữa. Bản thân Shin Godzilla
đã đi ngược lại mọi định kiến khi khiến một bộ phim thuộc thể loại giải trí trở
thành một phim hàn lâm, bởi phim quái vật cũng có thể có kịch bản hay, thậm chí
trong đôi mắt nhỏ mọn của mình, quá trình đạo diễn, biên tập phim còn xuất sắc
như bất cứ phim kinh điển nào của Hollywood cả về sự sáng tạo, chiều sâu và tạo
dựng cường độ, nhịp điệu phim, khiến mình không thể rời mắt khỏi màn hình.







Nhận xét
Đăng nhận xét