Về Shall We Dance? (1996)

spoiler alert!!!!!

(Nữ thanh niên chuyên đi nói nhảm về phim cũ mà bày đặt Spoiler Alert)

Nhờ có phim mình mới biết người Nhật thường thêm âm “ư” vào đuôi những từ tiếng Anh phát âm là “s”. Nên đáng lý ra thì phim phải là “Shall We Dan”sư”?” mới đúng. (Mỗi ngày ta học thêm một điều tào lao)

Bản thân mình đã từng xem Shall We Dance? (2004), phiên bản lỗi của Mỹ, cũng từng biết qua đây là tác phẩm làm lại của điện ảnh Nhật nhưng không thực sự chú ý. Nếu có thể chỉ mặt đặt tên nguyên nhân, mình sẽ không ngần ngại nói ngay là do phim remake kia rởm đời quá nên mình không ham hố gì đi xem bản gốc hết. Phải đến cái tháng phim Nhật kỳ cục này, mình mới thực sự chú ý lại đến bộ phim. Thì cũng bởi nó thắng áp đảo với 14 giải của Oscar nước Nhật còn gì? Bộ nó hay khủng khiếp vậy luôn á hả? Mình nhất định phải biết, mình nhất định phải viết.

đáng lý cái này phải làm poster phim

Ông chú Shohei Sugiyama (Koji Yakusho) đang ở trong giai đoạn viên mãn nhất của cánh đàn ông. Ông chú có vợ đẹp, con khôn, một ngôi nhà ở ngoại ô đang trả góp gần xong, sự nghiệp ổn định với chức quản lý trong một công ty kế toán. Đó là thành quả của mấy chục năm ông chú cày cuốc lao động và cố gắng không ngừng chứ ông chú cũng chẳng phải con ông cháu cha hay trúng độc đắc gì nên coi như đây là thành tựu ông chú xứng đáng được hưởng. Chỉ là khi đang ở trong ngưỡng cửa thiên đường và đáng lý phải trân trọng cái sự thanh bình và an nhàn đó, ông chú rơi vào khủng hoảng tuổi trung niên khi phát hiện ra mình hết động lực để phấn đấu. Những gì quan trọng trong đời người chú đều có hết trơn hết trọi rồi, chỉ là chú có thì có, chú không có cảm thấy hạnh phúc.

Không giống như phim Mỹ khi các nhân vật rơi vào trường hợp của ông chú Sugiyama, chú không nhuộm đầu, không mua xe thể thao, không bỏ vợ và đàn đúm với gái trẻ ở Las Vegas, chú lặng lẽ đăng kí một khóa học khiêu vũ, một cách rất Nhật Bản trong việc “nổi loạn” và đi ra khỏi khuôn khổ của mình.

Một trong những điểm cốt lõi khiến phiên bản của Mỹ thất bại là cái sự khác biệt về văn hóa khi đưa bộ phim vào bối cảnh phương Tây. Ở Mỹ, khiêu vũ vốn chẳng phải chuyện gì động trời, dù kỹ năng có sang chảnh thượng thừa hay bình dân quê lúa, người ta vẫn nhảy với nhau trong tiệc tùng, đám cưới, trong buổi gặp gỡ với người thân,… đó là nét văn hóa đẹp của họ. Đối với người châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam), khiêu vũ với nhau (vợ chồng, cặp đôi) là một điều kì lạ, chẳng ai làm cả và cũng chẳng ai học để nhảy với người thương hết. Việc nhảy nhót, múa may là dành cho những người chuyên nghiệp, biểu diễn trên sân khấu, còn ôm nhau nhảy mấy điệu õng ẹo má kề má, thân kề thân ở nơi công cộng kia, chu choa ngại chết. Và đối với ông chú luống tuổi Sugiyama, việc chú học khiêu vũ còn khó tin hơn việc One Piece sẽ kết thúc trong năm sau. Phiên bản Mỹ đã thất bại trong việc truyền tải cái sự trọng đại/ đi ngược xu hướng/ va đập văn hóa trong việc Sugiyama đi học khiêu vũ, bởi nó thực sự “dị”, thực sự đột phá lắm.

Lý do mà một người bình thường như Sugiyama nổi hứng bất tử để làm một việc kinh thiên động địa như vậy hóa ra lại rất tầm thường và hiển nhiên: vì gái. Trên đường đi làm về, ông chú cô đơn bắt gặp Mai Kishikawa (Tamiyo Kusakari) nhìn mông lung ngoài cửa sổ và vẻ đẹp buồn bã u ẩn của cô khiến chú bị say nắng. Vì cuộc sống cũng chẳng còn thứ gì khác để làm, ông chú đăng kí học khiêu vũ ở lớp học cô gái với hy vọng nhỏ nhoi là cô sẽ chiếu cố tới chú.

Ở phiên bản Mỹ, nếu mình nhớ không lầm, ông chú Richard Gere đi học nhảy để khiến vợ mình ngạc nhiên và hâm nóng tình cảm gia đình. Sự thay đổi đó có thể đem lại nhiều thiện cảm cho nam chính nhưng nó khiến bộ phim nhàm chán và sách vở hẳn, tâm lý nhân vật tuy không hời hợt nhưng nó cũ kĩ và không đặc sắc. Trong Shall We Dansu?, bộ phim thể hiện rõ ràng sự cách biệt trong tình cảm vợ chồng của Sugiyama khi họ ngủ trên hai chiếc giường và cho dù vẫn hòa thuận và yêu thương đối phương, họ hiếm khi tâm sự. Việc miêu tả một ngày nhàm chán của ông chú chỉ nhấn mạnh thêm cái sự đơn côi khi chú làm cái gì cũng thui thủi một mình. Trên lý thuyết, ông chú Sugiyama có mọi thứ nhưng chú thiếu cái cốt lõi nhất: mục đích sống. Sự thiếu hụt chỗ dựa tinh thần (vì vợ con chú nghĩ là đàn ông trụ cột gia đình thì không được “yếu”???), cộng dồn thêm khủng hoảng tâm lý, ông chú Sugiyama cứ lầm lũi đi qua đi lại như cái bóng. Bản thân mình nghĩ Sugiyama đương nhiên bị vẻ đẹp và sự bí ẩn của Kishikawa thu hút, như bao sinh vật giống đực khác khi nhìn thấy một sinh vật giống cái kiều diễm, vẻ buồn bã của cô khiến chú tò mò, khiến chú muốn gặp gỡ, muốn tìm hiểu, muốn che chở, đặc biệt là khi vợ con chẳng có vẻ gì quan tâm hay cần chú giúp đỡ gì hết. Việc Sugiyama tiếp cận Kishikawa, theo quan điểm của mình, là nỗ lực tuyệt vọng của Sugiyama trong việc tìm động lực sống, tiềm thức của chú gán nó lên cho Mai Kishikawa như thể cô gái cho chú một “mục đích” để đạt được, để phấn đấu. Kishikawa không phải là phao cứu sinh của chú, là chú đang cố gắng tự cứu mình.

Bất kể việc mình có cảm thông, ông chú Sugiyama cũng vẫn đi học khiêu vũ này là để nói chuyện với Kishikawa (như bao nhiêu ông chú khác cũng vồ vập cô gái trẻ), Sugiyama đã ngoại tình tư tưởng, đó là khán giả nào cũng thấy và đó là “sai lầm”, sự thấp kém của nhân vật. Tuy bộ phim hầu như chỉ thể hiện khía cạnh “tình cảm” chứ không phải hấp dẫn tình dục trong việc Sugiyama tiếp cận Kishikawa, thể hiện qua việc ông chú vẫn lịch sự và giữ chừng mực chứ không tán tỉnh khét lẹt, bày tỏ tình ý với gái, khán giả vẫn biết Sugiyama đi học khiêu vũ không phải vì muốn làm bạn hay làm học trò của Kishikawa. Đạo diễn không che giấu sự sứt mẻ tồi tàn của nhân vật hay “tẩy trắng” ông chú với một hoàn cảnh “hợp tình” hơn, mình đánh giá cao điều này. Nó khiến tâm lý nhân vật đa chiều, sâu sắc và thú vị hơn (ít nhất là ăn đứt ông chú Richard Gere đẹp người đẹp nết và chung thủy keo sơn ở phiên bản Mỹ).

giữa vợ và Mai
Như đã đề cập, ông chú Sugiyama chẳng phải đại gia, chú cũng chỉ là một nhân viên văn phòng làm công ăn lương bình thường với ngoại hình trung bình khá (dù gì diễn viên người ta cũng đẹp trai kiểu hiền lành phong nhã nha), và có gia thất yên ổn, dĩ nhiên cô Mai Kishikawa xinh đẹp tài năng kia từ chối chú trong phát một. Sau khi bị cô từ chối và nói trúng tim đen, chú mới vùng mình lên tự ái và thực sự học hành và tập tành cho đàng hoàng, một phản ứng rất nhỏ mọn, rất “con người”, để chứng minh cho gái thấy là cô đã phán đoán nhầm về chú, rằng chú ngon hơn cô nghĩ nhiều. Và theo dòng thời gian và diễn biến phim là việc Sugiyama nhận ra cái cảm xúc của chú dành cho Mai Kishikawa kia chỉ là xạo, là ảo tưởng, chính tình yêu cho khiêu vũ mới là chân ái của chú, chính việc nhảy nhót tưởng chừng như vô bổ kia mới chính là cái động lực sống mà chú thiếu hụt.

Là nhân vật nữ chính trong phim, dĩ nhiên nhân vật Kishikawa có câu chuyện riêng của mình và ban đầu, “bí ẩn” về cuộc đời của cô được bộ phim cài cắm với nhiều tầng lớp và sương mù dày đặc, chắc là để tạo sự phức tạp cho nhân vật. Dẫu vậy khi xem xong phim và kết luận lại, Kishikawa đơn giản là có nỗi “khổ” của một vũ công chuyên nghiệp cùng một cái tôi to như trái núi. Tuyến câu chuyện của cô thực ra cũng tương đối thú vị khi Mai có đam mê, có tài năng, có khổ luyện, có bệ đỡ phát triển nhưng mãi không vươn tới đỉnh cao tiềm năng của mình và uất ức nhìn qua cửa sổ với vẻ tâm trạng sầu thiên thu (thấy ghê). Sự không hoàn hảo của mọi nhân vật trong phim khiến mình thích thú. Mai xinh đẹp, tài giỏi, có quyết tâm nhưng kiêu ngạo. Nhưng vượt ngoài mong đợi, sự xuất hiện vụng về, những động tác đầy sai số của ông chú Sugiyama lại khiến cô gái nhìn thấy thiếu sót của mình, sự cố gắng của chú trở thành điểm tựa tinh thần cho một vận động viên như Mai theo đuổi lại đỉnh cao, chinh phục thử thách mới.

Nghe thì trong sáng vậy nhưng mình thấy mối quan hệ của cả hai được xây dựng rất mập mờ. Ban đầu chú mê cô nhưng cô không mê chú, sau đó chú hết mê cô thì cô chú ý đến chú, rồi cô dạy nhảy cho chú để đi thi, rồi muốn nhảy chia tay chia chân với chú nhưng chú không muốn nhảy nữa. Tình cảm của Mai với Sugiyama cũng phát triển tốt đẹp hơn theo chiều dài bộ phim nhưng nó nhập nhằng giữa tình bạn, sự kết nối của hai “vũ công, sự hấp dẫn nam nữ, trách nhiệm, sự khác biệt của hai thế giới,… thực sự bản thân mình không thể định nghĩa được bằng vốn từ vựng hạn chế. Bảo nó trong sáng thuần khiết, không tư tình cá nhân, mình thấy không thuyết phục.

cặp đôi hoàn cảnh Toyoko - Tomio
Như bao bộ phim khác với nội dung là “nhân vật chính bước ra khỏi vùng an toàn và bước vào một cuộc phiêu lưu mới”, ông chú Sugiyama có cơ hội gặp gỡ thêm nhiều người bạn chung chí hướng trên con đường nhún nhảy đúng nhịp và đúng nhạc. Trong lớp học nhảy cảu Sugiyama có cậu đồng nghiệp Tomio Aoki (Naoto Takenata), một người thường xuyên bị đàm tiếu và chọc ghẹo bởi lối đi đứng dặt dẹo mang hơi hướng “khiêu vũ” và tính cách dị hợm. Tệ hơn, khi khiêu vũ, anh này có phong cách tự tin ngút ngàn (do bộ tóc giả đem lại) vô cùng lố lăng, màu mè và hơi “dê dê”, khiến người khác xấu hổ giùm cho anh chàng. Khi đồng nghiệp phát hiện ra Aoki tham gia thi khiêu vũ, thậm chí đoạt giải, thay vì chúc mừng, họ đã bỉ bôi và nhạo báng sau lưng anh. Và đó là khi nam chính Sugiyama mạnh mẽ đứng lên và “bảo vệ” Aoki trước sự châm biếm của mọi người. Theo mình đó không chỉ là Sugiyama bảo vệ bản thân (thì chú cũng tập khiêu vũ, cũng đi thi nhưng rớt), đó là vì chính Sugiyama xấu hổ khi mình cũng từng cười nhạo Aoki trước đây. Bây giờ khi đã học khiêu vũ, khi đã thực sự biết về Aoki, ông chú nhận thấy mỗi bước nhảy của Aoki là thể hiện cá tính, sự bùng nổ, là tâm tư, tình cảm của anh chàng, nó không phải thứ đáng để đem ra chế giễu. Và dù cách Aoki khiêu vũ có kém thanh tao, cách anh chạy theo gái rồi bị gái bỏ rồi lại chạy theo gái có dại dột và tuyệt vọng, nó vẫn là Aoki không ngại miệng thiên hạ, không sợ khen chê, không thay đổi bản thân vì áp lực “dư luận”, là sống “thật” với mình. Tương tự như Tomio Aoki, nhân vật Toyoko Takahashi (Erico Watanabe) cũng không giống với những gì thiên hạ lầm tưởng về cô. Xuất hiện với vẻ sang chảnh và trịch thượng mắng mỏ người lạ như con, hóa ra Takahashi không rảnh rỗi, không giàu có như mọi người trong lớp khiêu vũ tưởng tượng. Bà mẹ đơn thân vượt khó làm 2 công việc và dành thời gian còn lại tập nhảy vì nó là thứ cô thích và nó gợi nhớ lại kỷ niệm đẹp giữa cô và người chồng quá cố. Và mặc dù chửi bới và chê bai Sugiyama trong mọi dịp đụng mặt ông chú, bà cô lại muốn chú làm bạn nhảy với mình vì chú hiền lành và có nét giống với chồng cô. Việc “thương hại” và làm bạn nhảy với Takahashi, cùng với sự động viên của Aoki khiến chú già tiếp tục gắn bó với khiêu vũ, đặc biệt là sau khi bị Kishikawa từ chối.

người hùng của phim - cô Tamako
Nhưng người quan trọng nhất trong cái nghiệp nhảy nhót của Sugiyama lại là cô Tamako Tamura (Reiko Kusamura), người thầy dạy nhảy đầu tiên mà chú cần (nhưng không xứng đáng có). Chỉ liếc một cái là cô giáo biết tỏng chú đi học vì lý do gì. Không chê trách, không bỉ bôi, cô giáo kiên nhẫn hướng dẫn ông chú và dần dần hướng chú thấy vẻ đẹp của bộ môn khiêu vũ, tâm huyết cả đời của cô. Trong Shall We Dansu?, khán giả thường chú ý nhiều tới anh chàng kì quặc Aoki và bà thím nóng tính Takahashi mà quên mất sự quan trọng của nhân vật Tamako Tamura. Bản thân mọi nhân vật xuất hiện trên con đường học nhảy đều có ảnh hưởng ít nhiều và tác động tới diễn biến tình cảm của Sugiyama, nhưng chính vì có Tamako Tamura là người hướng dẫn đầu tiên cho chú khi mới chập chững tìm hiểu về khiêu vũ, chính sự từ tốn, kinh nghiệm và sự nhẫn nại, hiền hòa cùng đam mê với nghề của cô giáo mới khiến ông chú bớt nhìn về phía Kishikawa mà tập trung hơn vô chuyên môn và tập trung hơn vào chính bản thân mình. Là cô gợi ý cho chú bắt cặp với Takahashi để đi thi, là cô bảo Kishikawa giúp đỡ chú. Nếu không có cô, chả ai trong cái bộ phim đó đi được tới cái đích cuối cùng ở đoạn kết hết.

Bên cạnh tuyến nhân vật ở lớp khiêu vũ là tuyến nhân vật thân quyến của Sugiyama, và một điểm cộng to đùng cho kịch bản phim khi xây dựng được một hệ thống nhân vật không ai bị ngó lơ và cư xử hoàn toàn hợp với hoàn cảnh và tâm lý. Cả nhân vật người vợ và đứa con gái của chú già Sugiyama, ban đầu mình chỉ nghĩ họ xuất hiện như một tác nhân, một đòn bẩy cho nhân vật “sa ngã” và đi học nhảy, sau khi sự thật về vụ nhảy nhót được phơi bày sẽ là một đoạn ngắn chú xin lỗi vợ con là xong, mọi chuyện sẽ trở lại như trước, thì dù gì cũng là chú giấu họ đi học khiêu vũ chứ có phải đi ngoại tình đâu (nếu được tạo điều kiện thì ngoại tình là cái chắc). Nhưng khác với dự liệu của mình, chú Sugiyama vẫn bị vợ giận. Shall We Dansu? cho không gian để mọi nhân vật có tiếng nói và tâm tình riêng, và dù đúng sai hay phiến diện, mỗi nhân vật đều có lý lẽ, động cơ của bản thân và nó khiến bộ phim tròn trịa và chỉnh chu, đặc biệt trong cung cách xây dựng thế giới tâm lý của từng nhân vật. Đứng ở góc độ của vợ con chú già, việc họ giận chú là hoàn toàn hợp lẽ. Cô vợ và đứa con gái trách móc ông chú không quan tâm đến gia đình khi có thú vui riêng, điều này đúng. Cô vợ trách ông chú bỏ rơi và khiến cổ cô đơn, điều này cũng đúng. Đứa con gái trách ông chú nhảy nhót với người lạ nhưng không thèm nhảy với mẹ của nó, điều này đúng tuốt luôn. Mọi sai lầm đổ dồn lên ông chú và chỉ chú mà thôi.

một trong hai cảnh quay mình thích nhất

Nhưng ở khía cạnh khác, cụ thể là dưới góc nhìn của nhân vật Sugiyama mà khán giả như mình được theo dõi, chính vợ con của chú đã góp phần đẩy ông chú vào con đường nhảy nhót và lừa lọc đó. Chính họ không quan tâm và bỏ bê chú chứ không phải chỉ có chú mới không quan tâm và bỏ bê họ. Cô vợ cô đơn? Ông chú cũng cô đơn. Mọi nhân vật trong Shall We Dansu? đều cô đơn trong thế giới của họ và khiêu vũ như một cách để kết nối họ lại với nhau. Bản thân mình không rõ khiêu vũ thực sự đem lại cảm xúc gì cho người nhảy, rằng họ có thực sự bớt cô đơn khi chạm vào nhau, chỉ là khi nhìn diễn viên tay trong tay và hòa theo tiếng nhạc và chuyển động thanh thoát trên đôi chân, có cái gì đó ấm áp, bớt cô quạnh hơn và chân thành hơn trong gương mặt, như thể nhân vật thực sự rất hạnh phúc.

Như phim thời xưa, diễn viên thực sự phải học khiêu vũ cho những cảnh quay của họ, mình không coi đây là sự hy sinh vì nghề nghiệp gì sất. Kể cả Natalie Portman trong Black Swan (phim chán xừ) hay việc Christian Bale tăng 30 kí cho một vai diễn, mấy ông bà này đều là người lớn, sự nghiệp đều được trọng vọng, họ có đầy đủ nhận thức trong việc chọn lựa vai diễn và những gì họ cần đánh đổi cho vai diễn đó. Sự đánh đổi này có đáng không? Họ tự trả lời và chịu trách nhiệm trong trò đỏ đen đó. Các nhân vật trong Shall We Dansu? chỉ là các ông bà trung niên thích nhảy, chả phải dân chuyên nghiệp, nên áp lực luyện tập dồn lên diễn viên không có quá khủng khiếp. Dẫu vậy, nhìn cách họ di chuyển trên sàn nhảy, mình cảm thấy sự nỗ lực, tận tụy chuyên nghiệp của người diễn viên bởi vì để làm được điều họ làm cần nhiều hơn công sức và thời gian.

Và dĩ nhiên dàn diễn viên đã hóa thân xuất sắc để chuyển tải tới khán giả những nhân vật đời thường muôn màu và muôn sắc thái đó. Phải nói là có lẽ không ai hợp vai Sugiyama hơn Koji Yakusho, anh này có mọi thứ mà nhân vật cần và có: vẻ ngoài công sở đàng hoàng nhưng buồn chán, vẻ thư sinh ngơ ngác của một người hiền lành nhưng vẫn đĩnh đạc của người từng trải và có chút thành đạt, vẻ lúng túng, lấm lét như đi ăn trộm khi đi đăng kí học khiêu vũ, sự xấu hổ, bất lực và vụng về những ngày đầu học nhảy, ánh mắt chờ đợi mỗi khi nhìn gái từ xa,…. Nhân vật Sugiyama có vô vàn biểu cảm và Koji Yakusho thể hiện nó xuất sắc, đặc biệt qua ánh mắt, ảnh khiến mình đồng cảm với mọi chặng đường cảm xúc của nhân vật. Đặc biệt trong phân cảnh khi Sugiyama học những bước nhảy cơ bản, với ngôn ngữ hình thể cùng gương mặt tội nghiệp, Koji Yakusho đã thể hiện sự lưỡng lự của người không thực sự muốn được học, sự lo lắng khi biết mình đang thực hiện một điều ở ngoài khả năng của bản thân, nỗi sợ hãi khi bị chế nhạo, sự ngại ngùng khi mình kém xa hai bạn học, sự bất lực khi cơ thể trung niên không theo ý muốn của nhịp điệu và sự gồng mình cố gắng khi phát hiện ra mình là học sinh yếu kém. Cái hay của diễn viên là khán giả đều biết nhân vật Sugiyama sẽ gặp vô vàn khó khăn khi mới tập, sẽ nhảy kém, chỉ là Koji Yakusho diễn tả cái sự “kém” và thiếu kinh nghiệm đó với sự tiết chế hợp lý. Có nghĩa là Sugiyama không dở tới mức vô lí, không cố tình tấu hài không cần thiết, không biểu cảm này nọ, nhân vật vì thế trở nên vô cùng duyên dáng và gần gũi.

ba sắc thái làm màu

           Hầu hết con người (trong đó có mình) thường sợ hãi, bài xích hoặc chê bôi những thứ mình không thể có, những điều mình không thể hiểu, cứ như thể đánh giá, hạ thấp người khác/ việc khác là chuyện đương nhiên để an ủi cái tôi nhỏ mọn của mình vậy. Mình đoán việc nhìn nhận những nhân vật trong Shall We Dansu? cho mình một cái chê trách nhẹ nhàng như Sugiyama đã tự trải nghiệm, chúng ta không được chê bôi thứ mình không hiểu. Chẳng nhân vật nào trong Shall We Dansu? giống hoàn toàn như những gì ở bề nổi. Là một ông chú Sugiyama trầm cảm khi đang có mọi thứ trong tay. Là Kishikawa xinh đẹp, tài năng nhưng cảm thấy thiếu hụt và chật vật trong sự nghiệp. Là Aoki cô đơn, phá cách trong mỗi bước nhảy lập dị, phản cảm. Là Takahashi mạnh mẽ, kiên cường đằng sau những lời chửi đanh đá như hàng tôm hàng tép ngoài chợ. Các nhân vật trong Shall We Dansu?, cũng giống như chính bộ môn khiêu vũ, một bộ môn xa lạ trong văn hóa Nhật Bản, là những thứ phải trải nghiệm thì mới có thể hiểu rõ được. Đối với mình, Shall We Dansu? là một tác phẩm toàn diện, không có điểm yếu. Trong cái khuôn khổ của một phim có đề tài nhẹ nhàng như vậy, cái cần chuyển tải bộ phim đã chuyển tải rồi. Nữ thanh niên là mình sống đến tuổi này mới ngộ ra là để làm đúng và đủ là một trong những điều khó nhất trên đời. Và nếu như mình thấy Shall We Dansu? đúng và đủ, thực sự không có gì để mình phàn nàn hết.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo