Về Tampopo (1985)

 (Bài viết không chỉ spoil phim Tampopo mà còn mất dạy spoil một số phim khác. Ngoài ra, tác giả bài review này xem phim từ Tết con trâu năm ngoái)


     Hóa ra 
Tampopo là một trong những phim kinh điển, nổi tiếng nhất trong lĩnh vực ẩm thực không chỉ giới hạn trong điện ảnh Nhật Bổn. Ấy vậy mà mình chỉ biết đến sự tồn tại của phim sau khi chủ đích tìm kiếm một bộ phim hài xứ Phù Tang xem để ổn định lại tinh thần sau combo liên hoàn của Shin Godzilla (2016) – Ichi the Killer (2001) – Confessions (2010) và Lesson of the Evil (2012). Đứa dở hơi nào xem mấy thứ tâm lý khủng hoảng, biến thái, bạo lực, căng thẳng và đau khổ như thế trong dịp tết chứ? Nói chung thì cái đứa dở người đó không hối hận vì bỏ thời gian ra xem mấy phim trên (phim hay xứng đáng đánh đổi và Tết cũng chỉ là để nghỉ ngơi), chỉ là vì xem liên tục và liên tiếp trong hai ngày, chúng dễ dàng đánh ngã quỵ cái thần kinh yếu đuối của mình xuống đất. Đối với mình, việc tìm kiếm một bộ phim hài nhẹ nhàng là sự cứu rỗi duy nhất mình có thể nghĩ tới, nó là thứ mình cần nhất thời điểm đó.

Tampopo có một cái poster kiểu cũ và không thực sự hấp dẫn (nếu so với các phim thập niên 80) nếu không muốn nói là sến, xấu và hơi hoài cổ quá mức cần thiết. Nó có thể là hàm ý của bác đạo diễn, ai mà biết, vì trong đống poster đau khổ mình xem qua một lượt, Tampopo nổi bần bật một mình một chiếu, vì nhìn nó tào lao thiên tướng, chả giống phim điện ảnh xuất sắc tí nào. Nhưng kệ, mình muốn một bộ phim hài, mình có một bộ phim hài, mà còn về chủ đề ẩm thực nữa.

Tuyến câu chuyện chính trong Tampopo kể về một góa phụ tên là Tampopo (ngạc nhiên chưa con?) và quá trình học nấu ra một tô ramen hoàn hảo của cô. Nhận cửa tiệm ramen từ người chồng vừa qua đời, Tampopo chật vật xoay xở với khách hàng và cơm áo gạo tiền nhưng cửa hàng cứ ế dần đều. Cuộc sống chập cheng sáng tối của cô bỗng lóe lên tia hy vọng khi trong một đêm mưa, hai anh lái xe tải đói bụng ghé vô, đánh nhau trong quán của cô, ăn cơm của nhà cô và bảo rằng ramen cô nấu dở ẹc. Hai người lái xe tải ấy là Goro và Gun. Có chút xao xuyến với người phụ nữ có nụ cười hiền hậu, anh tài Goro nhận lời giúp đỡ Tampopo khi cô này ngỏ lời muốn được anh chỉ dạy. Từ mạng lưới giao du mạnh dạn của anh tài cộng với sự may mắn và hữu duyên của người phụ nữ, đội ngũ cố vấn giúp đỡ Tampopo gia nhập thêm ông cụ vô gia cư hiểu biết về cách nấu nước lèo, anh đầu bếp riêng của một phú ông tham ăn rất giỏi về làm sợi mì và ông bạn từ thuở thiếu thời của Tampopo là Pisken phụ trách lại việc décor cho cửa hàng. Mình cứ tưởng tượng Tampopo như nhân vật chính của truyện tranh với 5 ông sư phụ, mỗi ông truyền bí kíp cho cô trong một khía cạnh của võ thuật, rồi cô chăm chỉ luyện tập để chiến thắng một cuộc đấu tuyển và vô địch vậy.

Tampopo có rất nhiều điểm mình cảm thấy rất thú vị mà dường như chẳng thấy ai đề cập hết (thiên hạ đổ dồn vô khen tới tấp cảnh lòng đỏ trứng gà). Đầu tiên, xuất phát điểm của Tampopo chỉ là một phụ nữ trung niên với kinh nghiệm bếp núc đầy mình và có lẽ cũng phụ giúp chồng mình nhiều ở cửa tiệm ramen. Bảo cô bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh là không đúng. Tuy vậy, nấu ăn cho một gia đình khác hoàn toàn so với đứng bếp cho một quán ăn, đặc biệt khi quán đó lại là một cửa tiệm ramen nơi đầu bếp hầu hết là nam giới và thiên hạ có nhiều chuẩn mực khắt khe để đánh giá một món ăn truyền thống quen thuộc và thân thiết với họ. Với góc nhìn đó, kinh nghiệm làm vợ làm mẹ của Tampopo không có giá trị gì hết. Và dù có phụ giúp ông chồng, có vẻ người đàn ông quá cố kia cũng không thực sự là một đầu bếp ramen xuất sắc gì cho cam.

Học hành phấn đấu

Không giống như những bộ phim ẩm thực khác khi nhân vật chính có ít nhiều năng khiếu về mùi vị hay sự sáng tạo phi thường, Tampopo chỉ là một người phụ nữ bình thường và bộ phim hoàn toàn không “biến hình” cái sự bình thường này bằng việc tự dưng ban tặng cho cô một thiên phú nào đó có liên quan. Nếu có sự “phát triển tâm lý nhân vật”, thì đó là từ một bà nội trợ bình thường hiền lành, Tampopo trở thành một người đi rình rập rồi chôm chỉa bí kíp gia truyền quán khác, rồi lê la lục thùng rác tiệm người ta để xem xét thử nghiệm, thậm chí còn đi lừa một ông đầu bếp lắm lời để kiếm được công thức làm mì của ông. Nói thiệt thì chơi vậy cũng dơ, nhưng mà hoàn cảnh đưa đẩy thì nó phải thế, không lẽ ngồi yên không làm gì cho quán sập tiệm. Trong suốt bộ phim, người phụ nữ nỗ lực hết mình để thực hành, tập luyện cho thuần thục và có sự tiến bộ vượt bậc. Thành quả đó là điều không ai có thể phủ nhận được, chỉ là cô không sáng tạo bất cứ điều gì trong quá trình làm ra một tô mì hoàn hảo hết. Thậm chí món đặc biệt của quán cũng được ông bạn Pisken chia sẻ cho.

Tô ramen "chuẩn"

Nhưng đó vốn không phải là cốt yếu của câu chuyện. Mọi thứ đều xoay quanh việc tạo ra một bát mì “hoàn hảo”. Cái sự hoàn hảo vốn chỉ mang nghĩa tương đối với mỗi cá nhân, mỗi người một khẩu vị, không tồn tại thứ gọi là bát mì hoàn hảo cho tất cả mọi người. Mình mạnh dạn đoán bừa thâm ý của đạo diễn khi cho rằng bát ramen hoàn hảo đó là một bát ramen bình thường như mọi bát ramen tiêu chuẩn khác ở bao nhiêu cửa tiệm lớn nhỏ ở mọi ngõ ngách nước Nhật, chỉ là mỗi chi tiết, mỗi thành phần trong bát mì đều được chế biến ở đỉnh cao nghệ thuật và được kết hợp với nhau, cộng với sự tận tâm và lòng yêu nghề của người đầu bếp khiến nó trở thành hoàn mĩ. Nó là bát mì mà bất cứ người nào, không phân biệt già trẻ sang hèn đều có thể tiếp cận, thưởng thức, no bụng và cảm thấy xứng đáng. Biên kịch hoàn toàn có thể viết ra việc Tampopo mày mò ra một món ramen mới, nhưng nó sẽ Tampopo thêm cái tôi của mình vào, nó sẽ không còn là đại diện cho bát ramen “hoàn hảo”, một bát mỳ ramen mang tính hình tượng mà bộ phim muốn hướng tới nữa.

Nói như vậy không hề phủ nhận công sức của Tampopo. Trước khi xem phim, mình đã không nghĩ tới việc cho ra đời một bát ramen lại công phu và phức tạp như vậy. Thì ai chẳng được xem qua quảng cáo hạt nêm để biết nấu ăn là một nghệ thuật và người đầu bếp cũng là một nghệ sĩ, đặc biệt nếu kiếm tiền từ việc cái “miệng thiên hạ” càng cần phải cầu kì và chỉnh chu, chỉ là mình không biết nó phải cầu kì và chỉnh chu tới mức như thế. Với cái góc nhìn thấu đáo của một người thực sự yêu ẩm thực, đạo diễn đã tận tình hướng dẫn cho mình cái sự tinh túy nhất của nghệ thuật chỉ bằng một bát ramen khiêm nhường. Những tinh túy tạo nên bát ramen kia là chắt lọc từ kinh nghiệm, nghiên cứu của mấy đời đầu bếp, bảo lính mới tò te như Tampopo nghĩ ra được trong mấy tháng thì chỉ có mà xúc phạm nghệ thuật chân chính. Cái sự đáng khâm phục của người phụ nữ là chăm chỉ học hỏi, không ngừng cố gắng để truyền tải cái tinh túy đó ra cái bát kia. Đừng tưởng chỉ cần công thức là nấu ngon, nó là cả một quá trình khổ luyện và đi lên từ thất bại. Và khi năm cái bát được đưa lên húp sạch, đó là tiếng pháo hoa rền rĩ báo hiệu Tampopo đã tu thành chánh quả, rằng cô đã đủ sức để bán buôn với đời (chưa nói tới trở thành đầu bếp xịn chứ đừng nói nghệ nhân này, nghệ nhân nọ nhé).

Tu luyện thành tài

Bên cạnh cái phần nấu nướng ra tô ramen với bánh phở và nước lèo đã được ông cụ vô gia cư và anh đầu bếp chỉ dạy, khán giả cũng như Tampopo cũng tiếp tục được phổ cập giáo dục về nhiều khía cạnh khác của nghệ thuật ẩm thực. Goro và Gun giúp Tampopo tiết kiệm được 2 năm thời gian và học phí đại học kinh tế khi người ta dạy sinh viên lý thuyết về phân khúc thị trường và phân loại khách hàng. Hai anh tài không chỉ giúp Tampopo đánh giá những vị khách tương lai theo nhu cầu, tiềm năng của họ đối với cửa tiệm, anh còn chỉ cô kỹ năng mềm trong giao tiếp với khách, nhìn vào họ, tạo sự kết nối với họ, nhìn hành động của khách để xây dựng, sửa chữa và tạo ra xu hướng mới trong tương lai. Hồi mình học ở trường chẳng ai dạy mình những điều thực tế như vậy cả. Thậm chí việc nhớ khách nào đã gọi món nào, nó không phải chỉ đơn giản là gây ấn tượng với khách, nó còn là tạo dựng mối quan hệ giữa người nấu và người ăn, khi người ăn cảm thấy được lắng nghe và trân trọng, bởi cái quán thì đông như nêm mà anh chủ vẫn nhớ mình gọi thứ gì dù chỉ một lần. Nếu đã có thiện cảm, chẳng ai không muốn quay lại quán cả. Những thứ tưởng như ai cũng nằm lòng trên lý thuyết ấy thực sự không dễ áp dụng ở ngoài, bởi quá trình giao tiếp và kết nối đó cũng cần thời gian, bí quyết và sự luyện tập. Những điều thực tiễn sát sườn này, chẳng trường lớp nào dạy Tampopo, chỉ có Goro dạy. Ngoài Goro, Pisken dạy cho Tampopo biết tầm quan trọng của “ngoại hình” khi quán ăn phải có vẻ hấp dẫn nhất định để thu hút khách hàng, như vậy cô mới có cơ hội được chinh phục họ bằng vẻ đẹp bên trong (bát ramen).

Ngay đầu phim, trong quyển sách của Gun về lão nghệ nhân dạy cậu trai trẻ cách thưởng thức một tô ramen sao cho đúng điệu, mình đã nghĩ nó thật vớ vẩn. Ý mình là đói thì ăn, ăn cách nào thì ăn nhưng miễn mình thấy ngon là được rồi. Nhưng như thế đâu có đúng. Đi ăn tô phở cũng thêm vài giọt chanh, phở khô thêm tương đen còn bún bò thêm mắm ruốc, như thế mới đúng, đâu phải cứ nói ăn là ăn. Ramen có thể cũng thế, và đối với một con người dành cả đời để “nghiên cứu” về nó, ăn ramen là cả một quy trình chuẩn ISO và nghiêm ngặt, bởi nó không chỉ là một cách để tọng thức ăn vô họng và tồn tại, nó còn là cách tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống và một trong những điều căn bản trong cả cái sự nghiệp của cụ già. Nhìn ông cụ trang nghiêm thưởng thức tô ramen với bao nhiêu lý do lý trấu, mình cảm thấy kiến thức, sự trân trọng và cả sự sang chảnh không cần thiết được hiện về, và nó ấn tượng vô cùng.

Một mẩu chuyện bên lề

Những câu chuyện “phụ thu” bên cạnh câu chuyện vượt khó của Tampopo cũng là cách để tác giả thể hiện những khía cạnh khác của nghệ thuật ẩm thực trong cuộc sống. Từ những mẩu chuyện cười châm biếm như bữa tiệc tiếp khách của mấy ông bô quyền cao chức trọng đã không biết ăn đồ Tây lại còn làm màu làm mè nên bị một tay nhân viên quèn làm bẽ mặt, hay câu chuyện mèo đuổi chuột của một chú bán tạp hóa và bà già thích phá hoại đồ ăn trong cửa hàng, rồi câu chuyện cô giáo dạy những tiểu thư khuê các cách ăn uống sao cho đúng điệu nhưng lại thực sự không biết cách ăn cho đúng “điệu”. Có những mẩu chuyện chả biết nên cười hay nên khóc như người phụ nữ ốm nặng gom chút hơi tàn của mình để nấu cho chồng con bữa cơm tối trước khi tắt thở hay câu chuyện kẻ cắp gặp kẻ cắp (không phải kẻ cắp gặp bà già) và ông chú đau răng và que kem. Và câu chuyện được chú ý nhất là người đàn ông mặc đồ trắng trong mối liên hệ giữa ẩm thực và tình dục, sự quyến rũ về thể xác (ọe). Người ta nói rất nhiều về cái cảnh trứng gà với ẩn dụ này nọ và biểu tượng nghệ thuật, mình người trần mắt thịt chỉ thấy buồn nôn. Và cái cảnh cô gái (rõ ràng là chưa thành niên) đi “thu hoạch” hàu cũng rất kinh dị và hơi trái đạo đức. Bản thân tuyến câu chuyện của Tampopo đủ vững chắc để đứng một mình mà không cần những tuyến nhỏ phụ bên cạnh để thu hút khán giả, mình đoán đây chỉ là dụng ý hơi ôm đồm của đạo diễn trong một tham vọng thể hiện mối quan hệ giữa ẩm thực và cuộc sống thông qua ngôn ngữ điện ảnh. Mình thì chưa từng coi một phim nào có kết cấu như thế nên cũng khá bất ngờ và không phàn nàn gì.

Mình luôn nghĩ về cảnh kết của Tampopo với chút hụt hẫng, nhưng nếu ngẫm lại, nó cũng như bao như cái kết phim Nhật khác mình từng xem, không có thứ gọi là hạnh phúc tuyệt đối. Trong Our Little Sister, dẫu chị em có vượt qua rào cản và khúc mắc của bản thân để coi nhau là gia đình, nó vẫn là cái đám tang của một người bạn, người “cô” nhiều năm của họ. Trong Weathering With You, đôi bạn trẻ gặp lại nhau như hẹn ước nhưng họ nhìn ngắm một Tokyo điêu tàn trong biển nước. Trong The Twilight Samurai, nam chính và nữ chính đến được với nhau trong niềm vỡ òa của khán giả, chỉ để sau đó 1 phút thì biết là đôi trẻ chỉ kịp ở bên nhau 3 năm ngắn ngủi. Thậm chí trong Yuri!!! On Ice, Yuri cũng chỉ về nhì chung cuộc bất chấp phá được kỷ lục của Viktor. Hầu hết trong mọi phim Nhật mình từng xem, cái kết dẫu có hạnh phúc vẫn phảng phất chút cay đắng hoặc buồn bã, một cái gì đó không trọn vẹn, không cổ tích, không màu nhiệm. Anh tài Goro khao khát hạnh phúc gia đình, Tampopo cũng có cảm tình với anh, khán giả ngồi chờ hai bên cho nhau một cái hẹn, vậy mà cuối cùng anh kia dứt áo ra đi cái bụp, lời yêu thương chỉ có trong trí tưởng bở của khán giả. Mình đoán mình không nên tham lam đòi hỏi hơn, anh kia ảnh chỉ đi cứ ảnh có nói ảnh không quay về với Tampopo đâu. Và Tampopo cũng chẳng phải phim tình cảm ba xu để đua đòi níu chân khán giả, phim là về ẩm thực cơ mợ trẻ ơi.

Có ai nhận ra chú già "Shall We Dance?" ngày trẻ?

 Đối với cảm quan cá nhân, có cái gì rất giải trí và đậm chất “giáo dục” khi mình xem Tampopo. Bộ phim không hề hoàn hảo, đôi khi nó rất suồng sã và thừa mứa, đôi khi lại có những khung hình đậm chất hàn lâm với thâm ý ngút ngàn, đôi khi nó ý nhị dễ chịu, lúc lại lên gân màu mè như anime. Sự đa dạng và “lung tung” về phong cách của Tampopo tính ra lại vô cùng thống nhất bởi lẽ ẩm thực trong cuộc sống của đa dạng và “lung tung” như vậy, chưa kể sự hoang mang mà bộ phim đem lại mới là thứ khiến nó thú vị và đáng nhớ. Tựu chung lại, Tampopo là một phim hài hiền hậu (như nụ cười của Tampopo) với cái nhìn sâu sắc và đa chiều về ẩm thực, là một trong những trải nghiệm điện ảnh kỳ lạ nhất mà mình từng có.

Mình vẫn còn nhớ cái cảm giác may mắn khi bới ra được Tampopo để xem và cảm giác may mắn hơn khi không xem phim lúc đói bụng. Còn hơn cả trúng số, thật đấy.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo