Về một số phim mới xem gần đây (tập 1)
Lightning Round cho những phim đã xem
gần đây nhưng đếch có thời gian rảnh để viết một bài review đàng hoàng.
Biết sao giờ, nữ thanh niên nay đã 31
và có công ăn việc làm (không thật nhàn rỗi), phim đã coi thì một đống trong
laptop cần xóa gấp, thời gian viết thì không có, não bộ cũng trống trơn luôn,
mà không viết thì thấy có lỗi với bản thân.
(SPOILER ALERT)
1.
The Garden of Words (2013)
Nói ra thì sẽ bị ném đá dữ dội, vì
mình thường không thực sự thích câu chuyện trong các phim của Shinka Makoto. Bản
thân mình thì chỉ xem một vài phim nổi bật của ông này gần đây thôi nên cũng
không thể gọi là hiểu biết nhiều hoặc nắm được phong cách hoặc nỗi niềm ám ảnh
gì của ổng. Đối với mình, Your Name
(2016), Weathering With You (2019) và
The Garden of Words (2013) không có một
câu chuyện tổng thể xuất sắc hay độc đáo, nhưng cung cách làm phim tròn trịa và
những khung hình nên thơ thực sự khiến chúng đáng nhớ và phi thường.
mọi khung hình đều duy mỹ |
Lúc mình mới xem năm phút đầu của The Garden of Words, mình đã không nghĩ
bộ phim này được làm cách đây gần một thập kỉ. Những khung hình kinh diễm hết sức
tưởng tượng, đặc biệt là vẽ về mưa với đủ thể loại, cường độ, màu sắc và thanh
âm cảm xúc từ thấp tới cao được hòa quyện với việc khoe khoang cảnh quan hoàn hảo
của nước Nhật. Nó đẹp đinh đảo đi được, chi tiết, sống động như quảng cáo tivi,
tiếng mưa rơi thêm thắt chiều sâu và nỗi ảm đạm cho sự cô đơn của hai nhân vật
chính. Mây bay, gió cuốn, hạt mưa tí tách, cây lá rung rinh, bậc thềm sũng nước,
đường phố lạnh te,… lãng mạn nhưng chân thực, ồn ào nhưng đủ tinh tế, cả không
gian đóng đinh và mình trôi theo tưởng tượng với các thế giới đẹp đẽ và thi vị
mà phim vẽ ra.
Thực sự mình chỉ thấy những cảnh thiên nhiên và sự linh hoạt khi biến chuyển cơn mưa để lột tả cảm xúc nhân vật và câu chuyện của họ trong phim là đạt. Mình không thực sự đánh giá cao hướng đi của câu chuyện. Có thể do mình khó chiều, mình đã nghĩ ý tưởng về một tình bạn kì lạ của em trai học sinh và người phụ nữ văn phòng kia rất thú vị. Nó có một khởi đầu hứa hẹn và mới mẻ khi cho hai thế giới xa lạ đó được tình cờ cắt mặt nhau bằng sự cô đơn và kiệt quệ tinh thần của chính họ (không phải cơn mưa buổi sáng đâu). Trong một phim ngắn, mình bằng lòng với sự lưng chừng và một cái gì đó “mở” hơn về câu chuyện của Takao và Yukari, thay vì tác giả cho họ ngẫu nhiên trở thành giáo viên – học sinh trong một trường và Takao thì phải lòng Yukari. Đâu đó, sự màu nhiệm và nên thơ của bộ phim biến mất, bởi The Garden of Words ngay lập tức bước vào khuôn mẫu thông thường của những câu chuyện tình cảm dạng như vậy. Sao không phải là một tình bạn vong niên hoặc một mối tri kỉ lạ lùng không thể đặt tên? Sao không phải là một sự gặp gỡ ngẫu nhiên của hai cá nhân không hề liên quan tới nhau nhưng lại có thể chạm trán nhau? Sao không là một chỗ dựa tin cậy suốt một thời gian dài trên đường đời mà chỉ vỏn vẹn là một mùa mưa chốc lát? Sao cứ phải hứa hẹn về một cái kết yêu đương trong tương lai khi vật đổi sao dời và con người cũng thay đổi?
The Garden of Words rõ ràng được lòng công chúng, bản thân mình nghĩ nó phí hoài nhiều tiềm năng khi không có được một câu chuyện đủ đột phá để kết hợp với bức tranh thiên nhiên – đô thị - cơn mưa mà phim đã vẽ ra đẹp ná thở, cũng như nhân vật nhạt nhẽo, không đủ “màu” để nâng chất trầm buồn của nỗi cô đơn thời đại, nó không đủ để khiến bộ phim thực sự sâu sắc và đáng nhớ hơn. Dĩ nhiên phim không hề hời hợt, nhưng chỉ hình ảnh, âm thanh xuất sắc là không đủ để khiến một câu chuyện tình yêu 6 điểm trở thành một áng nghệ thuật khiến người xem khắc khoải được.
2.
Heartstopper (2022)
nhìn cưng xỉu |
Nếu đang trải qua một khoảng thời
gian mỏi mệt và cần thư giãn, Heartstopper
là một lựa chọn siêu đúng đắn. Trái ngược với những series dành cho lứa tuổi
teen cứ thích dằn mặt cuộc đời là mình sâu sắc và không ngại đụng chạm tới tình
dục, bay lắc, giật bồ, tự tử, bắt nạt, gia đình tan vỡ, nghèo đói,…..Heartstopper kể một câu chuyện tình yêu
“thẳng” tưng, dễ thương của hai em trai hiền lành. Không yêu người này cặp bồ
người kia rồi lén lút hôn hít người khác, không dối trá, không dối lòng, không
đấu tranh sinh tử để được đến với nhau, không tự làm phức tạp vấn đề của bản
thân bằng những quyết định ba chấm, không có bạo hành gia đình hay mặc áo váy
đi học như gái sành điệu đi bar… sao mà nó dễ chịu thế không biết. Với tinh thần
phổ cập và ủng hộ thế giới cầu vồng điển hình, cái rắc rối chủ đạo của phim là
những rắc rối thông thường của lũ nhỏ: sự hoang mang khi phát hiện mình mê trai
cũng ngang như mê gái; bị bắt nạt; bị kỳ thị; bị hỏi những câu hỏi không tế nhị;
nhạy cảm thái quá khi bị hỏi những câu hỏi không tế nhị,…. nhưng được tinh giảm
nhẹ nhàng và không lên gân dạy đời gì cả. Các cặp đôi đến với nhau tự nhiên,
đơn giản và ngọt sâu răng, một điều hiếm có trong phim ảnh hiện đại.
Heartstopper
có thể coi là boy loves phong cách Tây, coi để giải trí là chính. Đôi khi coi
phim sâu sắc mệt người lắm, thế coi Heartstopper
cho não nghỉ ngơi, tinh thần được thả lỏng. Phim không đặc biệt hài hước, không
hề bi lụy, không kịch tính, không quá sâu sắc, không thi vị, nó nhẹ nhàng,
thanh tao và nhã nhặn. Xem Heartstopper
đúng kiểu mình được đi đổi gió, được đi nghĩ dưỡng ấy. Trai trẻ xinh xắn, có
gương mặt, ngoại hình, trang phục phù hợp với lứa tuổi, xem phim ngắm trai cũng
được. Nhân vật có phiền muộn và nỗi lo của riêng nó, nhưng không bi kịch hay gì
quá ghê để ỉ ôi, chỉ là một bước đường để học, trưởng thành và chấp nhận bản thân.
Nhẹ bẫng, thoải mái và lấp lánh hy vọng, mình nghĩ phim làm rất tốt mục đích của
nó. Cuộc sống muôn màu, sự nhạt và dễ chịu của Heartstopper chính là một phần của cuộc sống. Thỉnh thoảng bớt
drama lại, coi một mối quan hệ yêu đương lành mạnh của hai cậu trai tốt tánh
cũng là một sự lựa chọn chuẩn.
3.
True Mothers (2020)
Nhật Bản có rất nhiều phim hàn lâm kể
một câu chuyện đơn giản với thời lượng dài nhằng nhẵng, True Mothers là một ví dụ điển hình của dạng phim kể trên. Phim có
diễn xuất chân thực, câu chuyện xúc động, nội dung nhân văn, cách xây dựng chuyển
biến nhân vật hợp lý, nhưng mà ôi thôi sao mà nó dài quá chịu không nổi. Bảo lê
thê thì cũng không đúng vì tình tiết có vẻ cần thiết để tạo chiều sâu câu chuyện,
chỉ là khi coi tới 2/3 chặng đường mình thực sự thấy rất mỏi mệt và ức chế, coi
mãi mà nó chẳng chịu hết.
Bộ phim kể về hai mặt của một thế giới
có liên kết với nhau bởi sự ra đời của một đứa trẻ.
Câu chuyện đầu tiên là của một cặp vợ
chồng có mọi thứ họ muốn nhưng không thể có một thứ họ cần: một đứa con. Satoko
và chồng có một chặng đường dài với đủ cung bậc hỷ nộ ái ố trước khi quyết định
nhận con nuôi. Nó bắt đầu từ khi cô và chồng quyết định có con với bao nhiêu hy
vọng, dự định, rồi khi phát hiện chồng bị bệnh với bao nỗi lo lắng, hoang mang
lẫn hy vọng về tương lai. Tuy nhiên quá trình chạy chữa khiến Satoko và chồng
kiệt quệ về tinh thần và thể chất đến mức họ từ bỏ mong ước có con và tập trung
tìm kiếm niềm vui khác trong cuộc sống. Mãi cho đến khi vô tình xem được đoạn
phim giới thiệu về Baby Baton, một tổ chức phi lợi nhuận về nhận con nuôi, vợ
chồng cô nhen nhóm lại mong mỏi có một gia đình trọn vẹn. Họ quyết định nhận một
đứa trẻ sơ sinh làm con của mình, mẹ ruột bé là một thiếu nữ lầm lỡ không thể
đèo bòng một đứa nhỏ vào tương lai. Con trai Satoko nay đã năm tuổi, đang học mẫu
giáo và là niềm hạnh phúc của cả gia đình.
Câu chuyện thứ hai xoay quanh Hikari,
mẹ ruột của đứa trẻ, có một thế giới khác thê thảm hơn hẳn. Em gái có một câu
chuyện tình yêu đầu đời đẹp đúng chuẩn như văn chương thơ ca vẫn kể, chỉ trừ
khi thực tế giáng xuống là em dính bầu ở tuổi 14. Để tránh điều tiếng và cũng
không muốn hủy hoại cuộc đời, cha mẹ thuyết phục cô bé cho đứa bé làm con nuôi.
Họ chọn Baby Baton vì cơ sở nhận nuôi dưỡng các cô gái ở những tháng cuối thai
kì cho tới tận khi sinh nở, một cách để giấu giếm sự thật cũng như giảm thiểu
chi phí. Dù chỉ miễn cưỡng nghe lời cha mẹ, Hikari không thể phủ nhận được những
tháng sống với Baby Baton và những cô gái trẻ khác cùng cảnh ngộ với cô là những
ngày tháng thanh thản duy nhất cô có sau khi có bầu. Dẫu đứa trẻ được cho đi và
đỡ bớt một gánh nặng, hậu quả để lại đủ lớn khi Hikari không thể trở lại cuộc sống
trước kia. Tình yêu trẻ trâu thề sống chết có nhau vỡ tan từ hồi Hikari phát hiện
có bầu, cô không thể đi học trở lại, gia đình thì ngầm dè bỉu, khinh khi, cô
gái trẻ bỏ chạy về lại Baby Baton rồi nhận tin tổ chức giải thể vì người sáng lập
mắc bệnh nan y. Không nơi bấu víu, Hikari chạy tới thành phố nơi con cô đang được
vợ chồng Satoko nuôi dưỡng, làm một công việc cấp thấp và lay lắt sống phần đời
vô vọng còn lại khi cô còn chưa tới 20.
Nhìn cái poster là đã mỏi mệt |
Cuộc sống ngõ hẹp khiến Hikari buộc
lòng gọi cho gia đình Satoko để “tống tiền”. Cuối phim, bởi Satoko giới thiệu
cho con cô về Hikari, mẹ ruột của em như một cái kết “có hậu” cho cô gái trẻ,
nhân văn cho khán giả, đồng thời nó cũng tương đối xúc động cho một bộ phim thê
lương và dài lõng thõng.
Cái hay của True Mothers là họ kể một câu chuyện vô cùng cũ kỹ và thông thường
nhưng được xây dựng kỹ lưỡng, chân thật và chạm vào cảm xúc khán giả. Quá trình
chuyển biến tâm lý của vợ chồng Satoko, câu chuyện lầm lỡ thời nhỏ dại của
Hikari, bi kịch cuộc sống của những cô gái trẻ khác ở Baby Baton, động lực thúc
đẩy của người phụ nữ sáng lập Baby Baton, tất cả chỉ từ cũ đến cũ hơn, đều là
những khuôn mẫu, chuẩn mực chung trong những câu chuyện dạng này, thực sự là
không có lấy một nét gì gọi là độc đáo hay chấm phá, khác lạ gì cả. Nhưng với
diễn xuất chân thực, tinh tế của hai người mẹ và cảm xúc được xây dựng chỉnh
chu theo từng nấc thang, phim tương đối vững chắc và khá hợp lý về mặt logic.
Là một phim hàn lâm, thông điệp của True
Mothers đương nhiên ghê gớm và nó không đánh đố ai cả, câu chuyện thì buồn
rười rượi phản ánh nhân sinh. True
Mothers tốt ở nhiều phương diện, đặc biệt ở khâu diễn xuất và sự chăm chút
chi tiết trong ngoại hình nhân vật để diễn tả một chặng đường tâm lý của họ (kiểu
tóc, cách trang điểm, trang phục), phần nào khỏa lấp được điểm yếu từ sự cũ kỹ
của kịch bản. Nói là khỏa lấp phần nào là bởi mình vẫn có cảm giác chán khi
phim gần kết thúc và kết cục phim không khó đoán hay có bất cứ một chi tiết nào
vượt ngoài dự liệu của mình. Có nhiều khoảnh khắc trong phim mình bị cuốn vào
dòng cảm xúc của nhân vật và có chút cảm động, nhưng tựu trung phim không đủ đột
phá, chỉ là một bộ phim nói đạo lý dạng khá thôi.
4.
Audition (1999)
Mình xem xong vẫn không biết tại sao
thiên hạ lại ca ngợi Audition dữ dội
vậy. Phim thường thường thôi mà.
Câu chuyện bắt đầu khi một ông chú
góa vợ quyết định tìm vợ mới vì con trai “bảo thế”. Thay vì hành xử như người
bình thường là nhờ người quen, họ hàng mai mối cho một cô, ông chú cùng gã bạn
tạo ra một buổi “audition” giả, bề ngoài thì cho các cô gái trẻ nuôi mộng làm
diễn viên để ứng tuyển, nhưng thực chất họ lại là đối tượng cho chú kia tìm ý
trung nhân.
Trong quá trình “tuyển tú”, ông chú để
mắt đến một cô gái chỉ lớn hơn thằng con tuổi teen của chú vài tuổi. Bất chấp sự
ngăn cản của thằng bạn về lai lịch mập mờ của cô gái, ông chú vẫn mê muội dấn
thân vô cuộc tình nồng nhiệt mới có, từ đó dắt tới bi kịch – kinh dị tiếp theo,
trọng tâm, trọng điểm của bộ phim.
Điên thì rất "có sao" nha |
Cả bộ phim, cảnh duy nhất mình thấy
hơi ghê là đoạn cô gái ngồi như xác sống chờ điện thoại của ông chú, còn phân
đoạn tra tấn, coi thấy mệt chứ chả thấy sợ. Đi sâu chi tiết về nội dung tra tấn
hoặc máu me, nội tạng,….là một trong những đặc sản của dòng phim kinh dị xứ Phù
Tang, tuy vậy mình không thực sự ấn tượng với khía cạnh này. Một bộ phim kinh dị
thực sự nằm ở việc thao túng tâm lý khán giả và xây dựng không khí u ám, rùng rợn
chứ không phải ở độ gớm ghiếc của máu me hoặc sự dơ dáy của mấy con quái vật. Đặc
biệt đối với phim ảnh đi sâu vào việc chặt chém, nếu máu me không hợp logic, nó
sẽ khiến mình cực kỳ khó chịu, phim cũng vì thế rẻ tiền đi nhiều.
Mình có đọc đâu đó về việc Audition cũng nữ quyền này nọ và phản
ánh bi kịch phụ nữ khi nhân vật nữ chính có quá khứ khi bị lạm dụng, ngược đãi
từ nhỏ nên giờ vùng lên đi tra tấn, trả thù đàn ông không đàng hoàng. Nói chứ
hàng triệu nạn nhân bị bạo hành nhưng đâu phải ai cũng vùng lên đi chặt chân giết
người. Người ta đối xử tàn ác với mình không có nghĩa mình được quyền đối xử
tàn ác với người khác. Ông chú kia đúng là có một buổi tuyển vợ ám muội, nhưng
mà cô kia cũng dẫn dụ chú chứ ổng có cưỡng ép gì cô này đâu mà lồng lộn trả
thù. Sự thật là thím nữ chính kia điên, và cả ác nữa, và dù là cô điên và ác là
do quá khứ đau thương, nhưng nó không có nghĩa là những việc cô làm không có tội.
Mấy trăm tên giết người hàng loạt ngoài kia kìa, chắc 99% tụi nó đều từng bị
gia đình bạo hành, miệt thị và đủ màu sắc tổn thương tâm lý hết đấy, tụi nó vẫn
phải đi tù hoặc ngồi ghế điện như thường. Chẳng lẽ vì cổ là phụ nữ nên cổ được
cảm thông hơn mấy tên kia? Nữ quyền cái hạt bắp.
Mình không đánh giá cao việc xây dựng
quá khứ bi thương cho nhân vật, cứ nói mình máu lạnh cũng được. Và khi không
quan tâm đến chi tiết tra tấn, Audition
thực sự không có gì nhiều để bàn. Thì đoạn cao trào có tí tẹo, chả kịch tính
gì, con chó thì bị giết hại. Nếu thực sự có cái gì phim làm tốt, đó có lẽ là
phong cách đan xen giữa thực tại/ quá khứ/ ảo tưởng của nam chính tạo ra chiều
sâu và chất nghệ thuật riêng cho Audition, khiến có có chút gì đó “sang” hơn những
dòng phim kinh dị cùng thể loại. Còn lại, có vẻ thất vọng nhiều hơn.
(Hết tập 1, còn tập 2)
Nhận xét
Đăng nhận xét