Về một số phim mới xem gần đây (tập 2)
Viết tiếp
(Spoiler Alert)
5. Billy Elliot (2001) và Hula Girls
(2006)
Billy - Ballet |
Mình nghĩ mình sẽ nói ra điều mà ai
cũng sẽ nghĩ khi xem phim: Hula Girls
(2006) là phiên bản Nhật Bổn của Billy
Elliot (2001). Dẫu dựa trên một câu chuyện có thật, điểm tương đồng giữa
Hula Girls và Billy Elliot là không thể bàn cãi. Bối cảnh tới một vùng công
nghiệp nghèo nơi người dân hầu như dựa vào các mỏ than để mưu sinh, cuộc sống
tù túng, bế tắc kéo dài từ nhiều đời cho đến khi một thiếu nam/ thiếu nữ quyết
tâm chọn con đường nhảy múa để tạo ra sự khác biệt. Trong Billy Elliot hay Hula Girls,
múa ballet hay nhảy hula, đó đều là những điều vô cùng xa lạ, cao vời với xuất
thân của nhân vật chính. Và trên con đường tự tạo ra tương lai của mình, các
nhân vật chính được dìu dắt bởi một giáo viên to mồm nhưng tận tụy, một gia
đình ban đầu phản đối dữ dội nhưng sau đó cua xe ủng hộ và tạo điều kiện để
nhân vật chính có cơ hội để theo đuổi tận cùng mục tiêu của mình.
Khác với Billy Elliot bị thu hút bởi
ballet và “tự nguyện” học múa, nhân vật nữ chính trong Hula Girls ban đầu chỉ là đi “ăn theo” bạn mình nhưng sau đó thực sự
bị những vũ điệu Hawaii thu hút và coi nó như một sự lựa chọn nghiêm túc trong
ngã rẽ cuộc đời cô. Cả Billy và cô gái được sinh ra và lớn lên tại một vùng mỏ,
nơi cha họ, mẹ họ và anh trai họ, hàng xóm, họ hàng đều làm việc trong các mỏ
than, hai bạn trẻ dường như không có một sự lựa chọn nào khác trong tương lai
là sau khi tốt nghiệp trung học cũng làm việc trong mỏ, rồi sinh con, chăm con
và nhìn con cái mình cũng làm việc trong mỏ. Khu mỏ là nguồn thu nhập chính của
cả vùng, là kế sinh nhai chủ đạo của hầu hết người dân và trong bối cảnh phim,
họ dường như không thể làm bất cứ thứ gì khác. Sự đói nghèo, vất vả đeo bám lấy
họ đã đành, nhưng mình còn nhìn thấy sự trì trệ trong tư tưởng, suy nghĩ và ước
mơ của họ nữa. Nếu trong Billy Elliot
là định kiến ngàn đời của mấy ông thất phu về “đàn ông đích thực”, trong Hula Girls, sự đối lập giữa mỏ than –
người dân khu mỏ và Khu du lịch Hawaii – những cô gái nhảy hula tạo ra nút thắt
cho bộ phim. Đối với những người thợ mỏ truyền thống, việc tiếp cận nền văn hóa
ở xứ đảo đẹp đẽ xa xôi kia là điều chưa từng chạy qua tâm trí họ, huống hồ nay
một Khu du lịch nghỉ dưỡng phong cách Hawaii được Nhà nước xây dựng lên, khiến
công việc ở mỏ bị hạn chế, nhiều người mất việc, trong khi con em của họ giờ lại
học đòi múa may “õng ẹo”, mặc trang phục sexy để phục vụ bao nhiêu người, bảo
sao họ không chống đối? Nếu có trách, mình trách anh nhà nước xây dựng kế hoạch
quá sáng tạo. Việc tiếp nhận cái mới một cách quá đột ngột, sự khác biệt về tư
tưởng, văn hóa mà không có một bước đệm nào cả, dĩ nhiên là sẽ tạo ra sự mâu
thuẫn. Các cô gái trẻ trong Hula Girls,
bản thân họ không hẳn là yêu múa như Billy Elliot tìm thấy đam mê của em trong
ballet, đó dường như là lựa chọn duy nhất họ có để trở thành một điều gì đó to
lớn hơn một bà nội trợ với ông chồng thợ mỏ và chôn vùi bản thân từ đây đến cuối
đời trong vùng đất mỏ đó. Dẫu cho cuối phim, khi những nỗ lực của các gái được
đền đáp, mình vẫn cảm thấy buồn bã, bởi dường bản chất của vấn đề là họ đi theo
một lựa chọn tốt hơn trong hoàn cảnh hiện tại, chứ không phải họ đi theo cái lựa
chọn họ muốn.
Em nữ chính (không nhớ tên) - Hula |
Hula Girls
nhìn chung là một phim ổn về kết cấu. Cái xui xẻo của phim là mình xem nó sau
khi xem Billy Elliot 2 tháng và không
thể không đặt 2 phim lên bàn cân so sánh, và vì lỡ so sánh, Hula Girls không thể bằng Billy Elliot được. Nhân vật nữ chính
tương đối nhạt nhẽo, phần nhiều lép vế hẳn so với nhân vật cô giáo dạy nhảy
(hình tượng nhân vật khá cũ kĩ nhưng được xây dựng có lớp lang và chỉnh chu),
câu chuyện vượt lên hoàn cảnh của những cô gái Hula tuy có cao trào nhưng không
kịch tính cho lắm. Đặc biệt, bộ phim không có phân cảnh đẩy câu chuyện tới tột
cùng cảm xúc và chạm vào tình cảm của khán giả. Trong Billy Elliot, người cha thợ mỏ của cậu bé là một người đàn ông lao
động chân tay điển hình, nóng tính, cục cằn và vô cùng thủ cựu với bao nhiêu định
kiến về phong độ nam nhi. Khi nghe tin con trai mình học múa ballet như một đứa
“ẻo lả”, người cha ngăn cấm hết mình. Mãi đến khi tận mắt thấy con trai nhảy và
sự quyết tâm của cậu, người cha thay đổi quan điểm và làm mọi điều ông có thể để
Billy có cơ hội được theo đuổi ước mơ của mình. Là một người đi đầu trong việc
đình công ở khu mỏ để đòi quyền lợi làm việc tốt hơn, người cha từ bỏ lý tưởng
của mình, nuốt lại lòng kiêu hãnh để cúi đầu xin đi làm lại tại khu mỏ để có tiền
cho Billy đi thi. Cái quá trình chuyển biến tâm lý của người cha là một trong
những điểm sáng nhất trong bộ phim. Và cao trào của nó là khi người cha ôm lấy
thằng con trai lớn và khóc, nói rằng ông muốn cho thằng con nhỏ “một cơ hội”, bởi
cuộc đời ông và thằng lớn coi như đã “xong” rồi, rằng họ sẽ không thể làm gì
khác ngoài làm việc trong mỏ, nhưng Billy thì sẽ khác. Cảnh phim đó khiến mình
rớt nước mắt, bởi nó chân thực, xúc động và tình thương yêu vô điều kiện của
cha mẹ dành cho con cái thì luôn là điều khiến khán giả mủi lòng. Trong Hula Girls, không có cảnh quay nào đạt tới
cao trào cảm xúc ở trên, dẫu phim tương đối dài và nhiều phân cảnh khá bi
thương, thậm chí có một phân đoạn tương tự khi bà mẹ chuyển đổi tâm lý và quay
sang ủng hộ con gái. Nó không đạt tới sự chín muồi mình mong đợi. Nó không có cảm
động.
Hula Girls cũng
hơi dài quá mức cần thiết (cảm quan cá nhân). Mình chẳng biết nữa, có cái gì đó
thiếu và kém thu hút ở bộ phim, bất chấp phim đạt giải này giải nọ và hoàn toàn
không có dở như mình chê nãy giờ. Có khi là do đi theo bước đường của Billy Elliot khiến nó bị hụt chân. Cái kết
của Billy Elliot và Hula Girls đều dễ đoán nhưng cái cốt lõi
của Billy Elliot là nó khiến mình ủng
hộ và dõi theo câu chuyện của cậu, trong khi nữ chính của Hula Girls nhạt như nước ốc đến nỗi bị tuyến câu chuyện của bà cô
giáo lấn át hoàn toàn và nó khiến tâm lý mình bị phân tán. Hai bà giáo viên dạy
nhảy ở cả hai phim đều là những nhân vật mạnh mẽ và thú vị, là người hướng dẫn
và là điểm tựa cho nhân vật dám nhảy dám chống đối. Nhưng nếu trong Billy Elliot thì nhân vật cô giáo có đất
diễn vừa đủ để tỏa sáng thì trong Hula
Girls, cô này có quá khứ, bi kịch, mâu thuẫn lẫn một cái “loveline” luôn,
còn nhiều màu sắc và thoại hơn nữ chính. Hay bà này là nữ chính ta? Chời ơi
mình dốt tới mức coi hết phim chả biết ai là nữ chính luôn.
Nói tóm lại, cả Billy Elliot và Hula Girls
đều cổ lỗ sĩ như nhau, cũng là một câu chuyện về cá nhân vượt lên trên nghịch cảnh
và định kiến để theo đuổi ước mơ. Cả cấu trúc phim, tuyến nhân vật và cao trào
của hai phim đều có định dạng thông thường của những câu chuyện như vậy, Billy Elliot cô đọng và hoàn thiện hơn,
dẫu Hula Girls cũng tương đối khá và
chân thực. Nếu có điều kiện xem lại, mình xem Billy Elliots.
5. The Oulaws (2017) và The Blood of
Wolves (2018)
The Outlaws giống
như một phiên bản hài hước, giải trí và ấm áp tình người hơn The Blood of Wolves (2018). Nhân vật
chính của cả hai phim là một ông cảnh sát có đạo đức không thật mẫu mực theo
sách giáo khoa phải loay hoay kiềm chế mấy băng đảng trong xóm không kèn cựa
nhau. Nói thì nói vậy chứ hai phim được định hướng khác xa nhau cả về mục đích
lẫn tông màu “xã hội”.
Trong The Blood of Wolves (2018) và Last
of the Wolves (2021), thế giới du côn Nhật Bản được cố tình mô tả sát thực
tế và có khi, đen tối quá mức cần thiết. Nó thực tế ở năng lực hạn chế của mấy
ông cảnh sát – người bình thường không có võ công siêu phàm và trí tuệ Conan để
đảo chiều tình thế trong sự khâm phục của khán giả. Nam chính, ông cảnh sát tên
Wolf sử dụng mối quan hệ, sự khôn khéo và biết người biết ta của bản thân để giữ
lấy cái nền hòa bình của cái khu ông hành nghề. Cái hay của Wolf là ông không tỏ
ra là người giỏi nhất hay đáng sợ nhất (bởi ông chả phải người giỏi nhất hay
đáng sợ nhất), ông dùng chức danh cảnh sát làm đòn bẩy cùng khả năng thuyết phục
của mình để thao túng các băng đảng theo mong muốn của bản thân. Xóm làng của
ông không phải yên lành như cửa phật, nó có đánh đấm, tệ nạn, có mâu thuẫn và
những anh chị giang hồ sẵn sàng vào sinh ra tử với nhau vì bệnh sĩ và bệnh thù
dai. Wolf ý thức được bản thân không thể quét sạch tội phạm nên ông dùng
“thương thuyết” để kiểm duyệt, duy trì tình hình rối loạn ở một mức độ chấp nhận
được. Ở bề ngoài, Wolf giống như bảo vệ đám lưu manh đầu trâu mặt ngựa, thực tế
là ông đang bảo vệ đám dân thường trước bom rơi đạn lạc khi đám yazuka nổi máu
điên và sát phạt nhau. Để chơi được một ván cờ toàn diện thâm sâu như vậy, ông
cảnh sát Wolf không chơi theo luật nhà nước, ông tạo cho mình một vỏ bọc cớm bẩn,
đạo đức suy đồi để có thể làm thân với đám yakuza máu mặt. Đối với những cảnh
sát tốt, Wolf là tấm gương mẻ mà chánh quyền cần loại trừ; đối với những cấp
trên xấu tính, Wolf là kẻ được việc nhưng khó ưa và không thể điều khiển. Còn đối
với đám xã hội đen, dẫu có bần tiện, xấu xa và thân thiết với họ cỡ nào, ông
cũng vẫn luôn là một gã cớm nhận tiền hối lộ của họ, mãi mãi không phải là “đồng
bọn”. Wolf đã luôn và mãi là con sói đơn độc, không bạn bè, người thân, chỉ có
thể trông cậy vào chính mình để bước đi theo cái con đường ông đã chọn.
Các phim về Wolves đều có poster rất ngầu và "giải trí", đừng để bị lừa |
Sự thực tế của The Blood of Wolves (2018) còn đến từ cái kết cục không có phép màu
của nam chính, sự vô dụng của cảnh sát lẫn mấy băng nhóm du thủ du thực chỉ giỏi
to mồm, sự thoái hóa của mấy ông lãnh đạo thượng tầng, hay luật nhân quả được
áp cho mọi người không chừa một ai, kể cả nam chính. Màn hóa thân của Koji
Yakusho là xuất sắc, chứng tỏ sự đa dạng và giới hạn vô biên trong diễn xuất của
ông chú. Ông cảnh sát Wolf là linh hồn, điểm thu hút thú vị nhất của phim, thế
nên sau khi ông chú ngỏm, phim chán hẳn. Kể cả đến phần sau của phim, Last of the Wolves (2021), phim mất chất,
trở nên dài dòng, thừa thãi và sa đà vào twist và máu me bầm dập không cần thiết.
The Outlaws
(2017) thì tươi sáng và lành mạnh hơn. Cảnh sát Ma đánh đấm thượng thừa, tính
cách hào sảng được anh em đồng nghiệp yêu quý, tội phạm trong vùng kính sợ. Dẫu
phương pháp hành nghề còn nhiều điểm đi chệch với đường lối của chánh phủ, cảnh
sát Ma vẫn là cảnh sát, với mục tiêu quét tội phạm khỏi phố phường và bắt thằng
nào cần phải bắt. Bộ phim đậm chất giải trí với kịch bản chặt chẽ, không thừa
thãi, nhân vật chính diện, phản diện, nhân vật phụ chính, phụ phụ, phụ toét đều
đáng nhớ, có vai trò nhất định trong phim và tương đối thú vị. Bản thân mình
cho rằng The Outlaws toàn diện và dễ xem với những màn hành động mãn nhãn, bạo
lực đủ đô nhưng không bị lạm dụng quá mức, những phân đoạn hài hước được cài cắm
đúng thời điểm để khiến bộ phim không nặng nề và đồng thời không hề bị lố hay
gây loãng kết cấu phim. Trong The Outlaws,
phần nhiều phim lấp lánh hy vọng với việc cái thiện chiến thắng cái ác và người
dân vẫn tin vào công lý, chính nghĩa (y như bình phim Bao công vậy chời), tuy
có sến và dễ đoán, nó vẫn tạo tâm lý thoải mái cho người xem khi bộ phim kết
thúc.
Bên này thì có poster rõ chán nhưng phim thì không hề buồn ngủ |
Nhớ lúc mình xem Eternals (2021), mình có phàn nàn Ma Dong-seok có những cảnh hành
động nhợt nhạt với mấy cú đấm vô cùng giả và thiếu lực. Sau khi xem The Outlaws và 2 phim khác của anh này,
mình nhận ra ứ phải Ma Dong-seok kém, chính là Marvel kém. Người ta đóng cảnh giáp
lá cà đấm phát nào ra phát đó nhìn đã dã man, chuyển qua bom tấn đẳng cấp Hollywood
thì dở sao mà dở, đúng là quá lãng phí. Chưa kể quanh đi quẩn lại chỉ có đấm,
trong khi Ma Dong-seok hoàn toàn có khả năng thể hiện nhiều hơn thế.
The Blood of Wolves mang tính hàn lâm, mình coi thấy tính hàn lâm. The Outlaws mang tính giải trí, mình coi thấy giải trí. Đối với định
dạng phim, cả hai đạt được mục tiêu của mình và làm tương đối tốt chuyên môn,
nghiệp vụ của mình với ưu, nhược điểm riêng. Nếu đứng riêng, Koji Yakusho khiến
nhân vật cảnh sát Wolf đặc sắc và ấn tượng hơn, nhưng xét về tổng thể, The Outlaws là phim hay và toàn diện
hơn.
7. A Taxi Driver (2017)
Mình thực sự đã không chuẩn bị tâm lý
cho một phim như A Taxi Driver. Với
“định kiến” có từ ngày xửa ngày xưa khi xem series phim hài của Pháp, Mỹ về mấy
ông bà taxi tổ lái, mình cứ nghĩ A Taxi
Driver sẽ là một bộ phim tương tự về mức độ giải trí, nhẹ lòng và tươi tắn.
Mình đã không ngờ mình phải đi search google để đọc về sự kiện lịch sử của đất
nước kim chi sau khi phim kết thúc, càng không ngờ điện ảnh Hàn có thể dám nhìn
nhận và phản ánh lịch sử thẳng thắn như vậy.
Thành thật mà nói, mình không hề biết
một đất nước như Hàn Quốc mà cũng có một sự kiện căng thẳng như sự kiện quảng
trường Thiên An Môn của Trung Quốc, khi chính quyền dùng vũ lực để đàn áp sinh
viên và những người dân địa phương khi họ “dám” biểu tình phản đối nhà nước. Mình
đã thực thà nghĩ là A Taxi Driver
phóng đại về mức độ bạo lực và tỉ lệ thương vong trong phim, bởi đây là Hàn Quốc,
Hàn Quốc mà (?). Mình lại còn tự tin vì thực tế là mình chưa hề nghe tới sự kiện
này bao giờ. Hóa ra tất cả cũng là mình dốt nát (và cũng vì ít xem phim Hàn). Phong
trào dân chủ ở Gwangju năm 1980 là một trong những sự kiện lịch sử quan trọng
nhất Hàn Quốc hiện đại, rõ ràng thì chính phủ Hàn Quốc cũng không bịt miệng
truyền thông hay kiểm duyệt sự kiện này trước công chúng, nếu có không biết thì
chính là do mình kém. Mà cũng may là mình thiếu kiến thức, chứ mình mà biết trước
A Taxi Driver kể về nội dung này,
mình đã chẳng thèm coi phim, vừa mệt não, vừa buồn phiền.
Trong thời điểm tháng 5/1980 cuộc biểu
tình ở Gwangju đang ở cao trào và chính quyền một mặt đàn áp cuộc biểu tình, mặt
khác thì bưng bít sự vụ với dân chúng và quốc tế, một phóng viên người Đức đã mạnh
dạn lén lút xâm nhập cấm địa để chụp ảnh, quay phim với mục đích là “tuồn”
thông tin ra bên ngoài và công khai cho thế giới thấy thực trạng đang diễn ra tại
Gwangju. Để đi đến nơi về đến chốn, anh phóng viên đã nhận được “sự giúp đỡ” của
một bác tài taxi ở Seoul, người chỉ muốn kiếm chút tiền trả nợ nuôi con.
Mình đã thực thà nghĩ đây là một phim hài nhẹ nhàng khi nhìn cái poster này |
Cả bộ phim là một quá trình chuyển biến
tâm lý được xây dựng đầy đủ và hợp lý của bác tài taxi. Với hoàn cảnh là một người
đàn ông ít học, túng thiếu đang gà trống nuôi con, dĩ nhiên bác tài chả có thời
gian mà quan tâm sự kiện chính trị hay phong trào dân chủ gì đó, bởi mấy cái đó
có giúp bác có cơm đút vào miệng đâu. Sẵn thêm việc đã từng đi lính và tin tưởng
chánh quyền cùng thông tin chính thống đã bị kiểm duyệt và che giấu, bác tài
Kim Man-seob hoàn toàn không manh nha biết chút gì về sự nguy hiểm mình sắp đối
mặt lẫn thực trạng thương tâm ở Gwangju nên “cướp giật” cuốc xe chở anh phóng
viên. Khán giả có thể khó chịu với sự chậm tiêu của bác tài ở khoảng thời gian
đầu chuyến đi, nhưng chi tiết này là hợp lý với tính cách nhân vật. Mọi hành động,
lời nói của nhân vật đều đúng với “chặng đường” tâm lý, không phải bụp phát là
làm anh hùng chính nghĩa ngay được. Mục tiêu của bác tài là tiền tươi dễ kiếm,
công việc thì rõ ràng chỉ là chở tới Gwangju rồi đi về, khách hàng úp úp mở mở
mục đích vi phạm “pháp luật”, khán giả bảo bác ta phải cư xử như thế nào cho phải
đạo với đời? Bác thấy dùi cui súng bắn thì bỏ chạy, kêu gọi khách hàng cùng bỏ
chạy với bác, đó cũng là lẽ bình thường. Khách hàng dở hơi cứ thích chui vào
vùng nguy hiểm mà không thèm đếm xỉa với sự an nguy của bác, bác tài đòi tiền rồi
về trước với con thì có gì là sai mà bị đám taxi khác chê là vô đạo đức? Thậm chí
ngay cả khi bác gặp quan gặp lính, bác chẳng dám chống cự mà chỉ biết sợ sệt lạy
lục xin xỏ, đó cũng là do bác cả đời cũng chỉ là dân đen con đỏ sợ bị đánh đập
bỏ tù, con cái bơ vơ. Bác tài Kim Man-seob chỉ là một người bình thường bị bỏ
vô loạn lạc, nơi bác không kịp phân biệt thị phi trắng đen thì đã phải lo cong
đít chạy thoát thân. Người ta không thể chỉ nghe lời nói từ một phía rồi ngay lập
tức quay lưng với chính quyền mình tin tưởng cả đời được. Nhưng mà bác tài đâu
chỉ có được nghe, bác còn được thấy tận mắt cảnh sinh viên bị đánh đập, bắn gục
khi họ không hề có vũ khí hay có ý định kháng cự gì. Bác thấy bao nhiêu dân thường
vô tội ở Gwangju bị cuốn vào vòng thương vong với bao nhiêu mất mát, bị đàn áp,
bị cô lập. Những điều bác chứng kiến, chả ti vi nào đưa tin, đất nước của bác
cũng giống như bác hai hôm trước, hoàn toàn mù tịt về sự thật. Mọi người vui vẻ
tiếp tục sống trong khi bao nhiêu người ở Gwangju chìm trong khốn khổ. Có lẽ đến
lúc đó bác tài mới nhận ra tầm quan trọng trong công việc của vị khách hàng tào
lao của bác, rằng cái camera kia là cho thế giới biết sự thật, để biết đâu đấy,
thế sự đổi dời và người dân Gwangju sẽ được cứu. Bác tài có thể vẫn không hiểu
được rằng tại sao những thanh niên ưu tú, những người dân bình thường như bác ở
Gwangju có thể sẵn sàng vứt bỏ tính mạng mình để đòi tiếng nói dân chủ, thứ chẳng
thể đổi ra tiền mà sống, nhưng bác hiểu những gì chính quyền làm ở đây là sai,
là cần được công bố. Quá trình nhận thức ấy của bác tài cần thời gian và tình
huống để phát triển, tuy vậy đối với mình, phim dài dòng và hơi loãng.
Có nhiều đoạn trong phim thực sự cần
ngắn gọn và tiết chế hơn, dẫu mình hiểu dụng ý của biên kịch. Ví dụ như đoạn
cãi nhau với mấy ông taxi ở Gwangju về đạo làm nghề lái xe phục vụ thiên hạ,
ban đầu có vẻ thừa và nhảm nhí, nhưng nó là tạo tiền đề và giới thiệu nhân vật,
sau đó làm bật lên chi tiết cuối phim là cũng chính những ông taxi lắm lời ấy lại
giúp đỡ bác tài, thậm chí là mạo hiểm cả mạng sống để bác và khách hàng chạy trốn.
Tuy là cần thiết, nó cũng vẫn quá dài và khiến nhịp phim bị chán. Chi tiết bác
tài và ông phóng viên tới nhà dân ở Gwangju rõ ràng có dụng ý tạo ra sự kết nối
giữa các nhân vật, đồng thời ca ngợi người dân Gwangju dẫu hoạn nạn vẫn tốt bụng
giúp đỡ người khác. Nó cũng cần thiết bởi trong một bộ phim căng thẳng người ta
cần một phân đoạn “bình an” và lấp lánh tình người để cởi bỏ áp suất, các nhân
vật cũng cần thời gian để hiểu và cảm thông cho nhau, người xem thì nhìn phát
biết ngay một trong đám đó sẽ thăng thiên vào hôm sau. Sự thật là cả phim A Taxi Driver không có căng tới mức đó,
đoạn hát hò kia thật sự hơi dài, khán giả vốn dĩ đã yêu quý nhân vật anh sinh
viên kia rồi nên không cần làm màu trước khi anh “hy sinh”. Thậm chí như chi tiết
cao trào cuối phim là biệt đội taxi Gwangju giải cứu anh tài taxi Seoul, rõ
ràng là chế biến, thêm thắt, xạo quần. Nó khiến nỗ lực tạo ra sự chân thực của
phim trước đây bị hỏng, thậm chí tạo ra lỗi logic cho phim. Bộ phim không dư thừa
nhưng nó chưa cô đọng, có tính toán nhưng bị sai số, đủ nhưng chưa đúng. Và
tương đối dễ đoán nội dung.
Màn tương tác giữa bác tài và anh
phóng viên rất ba chấm, mình không thấy được sự kết nối của cả hai nhân vật. Từ
đầu đến cuối, họ cứ kỳ kỳ, ngại ngại và sượng kiểu gì đó rất khó miêu tả, tuyệt
nhiên không phải vì bất đồng ngôn ngữ, mình thực sự là không thấy mối giao tình
của hai người vào sinh ra tử cùng nhau, thân thiết đến mức mấy chục năm sau anh
phóng viên vẫn mải miết đi tìm gặp lại cố nhân ngày trước. Mình không nghĩ hai
diễn viên dở, kịch bản cũng có nhiều cảnh xây dựng mối thâm giao của hai nhân vật,
chỉ là coi hết phim, mình vẫn không nhìn thấy cái sự kết nối thật lòng của hai
nhân vật, nó cứ giả tạo thế nào.
Đó là một vài điểm mình chưa hài lòng
ở phim, những phần nào phim làm tốt, nó thực sự rất tốt. Diễn xuất không cần phải
bàn cãi của Song Kang-ho, sự dũng cảm và hy sinh bi thương của những người biểu
tình ở Gwangju, sự đàn áp dã man và khốc liệt của quân đội, sự đoàn kết, ấm áp
tình người giữa hoạn nạn ở Gwangju, người lính giả lơ để cho chiếc xe tẩu thoát.
Tất cả tạo nên một tác phẩm khi chấn động thì chấn động, khi bi thương thì bi
thương, khi hào sảng thì hào sảng, rõ ràng, mạch lạc và tạo ấn tượng mạnh mẽ
cho khán giả.
Không chỉ dựa trên một sự kiện có thật, hai
nhân vật chính trong phim cũng dựa trên những con người có thật luôn. Kết phim
có chút đắng cay khi nhắm mắt xuôi tay thì vị phóng viên người Đức kia vẫn
không thể gặp lại vị tài xế cũ, nó giống như một sự tiếc nuối cả đời, một cú
chia tay thành ra vĩnh biệt. Và còn đắng hơn khi danh tính của vị tài xế cuối
cùng cũng được cộng đồng mạng phát giác, chỉ để biết rằng ông này qua đời chỉ
vài năm sau sự kiện ở Gwangju, là một người cha hay nhậu, đập nát hình tượng
thương con vô bờ bến trong phim. Cứ gắn một chút cuộc đời là phim nó bớt lấp
lánh đi ngay. Vị phóng viên kia không thể chờ được tới khi phim ra mắt, càng
không thể biết được tại sao mình tìm hoài mà không gặp lại “đồng đội”. Nếu như
ông ấy biết người xưa đã không còn, có lẽ sự day dứt và tiếc nuối kia sẽ vơi bớt.
A Taxi Driver
không hoàn hảo mặc dù đi theo công thức chung của phim thể loại này (nói giảm
nói tránh của việc không thực sự đột phá), một chặng đường to lớn của cảm xúc
và sự thăng trầm của thời đại, của sự tự do của con người trong một cuốc xe bão
táp của một bác tài bình thường. Mình không rõ về mức độ xác thực ở khía cạnh lịch
sử trong phim, cấu trúc phim có chỗ thừa chỗ thiếu, nhưng nếu nói về cảm xúc,
phim tạo ra một không khí ấm áp, bao dung vượt lên trên tang thương và áp bức,
và cái cuối cùng đọng lại sau khi xem phim chính là cái màu vàng ấm áp của tình
người đó.
(Hết tập 2, còn tập 3)
Nhận xét
Đăng nhận xét