Về Wheel of Fortune and Fantasy (2021)
Trong năm 2021, Ryusuke Hamaguchi cho xuất xưởng 2 phim là Drive My Car và Wheel of Fortune and Fantasy. Với tác phẩm gốc là tập truyện ngắn của nhà văn nổi tiếng Haruki Murakami, Drive My Car nhanh chóng tạo được sức hút đối với truyền thông và khán giả. Cùng với chất lượng cũng rất ngon nghẻ, Drive My Car nhanh chóng nhận được vô số giải thưởng và được đại chúng yêu thích, tán tụng. Và dù cũng rất xịn xò và đặc sắc không kém, Wheel of Fortune and Fantasy chẳng có lấy một chút spotlight nào cả, hoàn toàn chìm lấp trong hào quang của Drive My Car. Thỉnh thoảng số phận cũng kỳ cục và tréo nghoe y chang mấy câu chuyện trong phim, đầy dư âm của nuối tiếc và “nếu như”.
Wheel of Fortune and Fantasy không phải là bộ phim đầu tiên có kết cấu là 3 câu chuyện độc lập, dĩ nhiên càng không phải là phim đầu tiên dạng này mình từng xem, nhưng mình đoán nó là bộ phim đầu tiên mình trải nghiệm mà không có lấy một thành phần yếm thế, nơi mà cả ba câu chuyện đều đặc sắc, đều có cấu trúc vững chắc và nhân vật được xây dựng rất trọn vẹn và ấn tượng như nhau. Mình vẫn nhớ ấn tượng trong đầu mình khi xem cả ba câu chuyện, tự hỏi đứa thiên tài nào viết cái kịch bản tốt như thế này, để rồi nhận ra quanh đi quẩn lại vẫn luôn là Ryusuke Hamaguchi, mình thực sự kinh ngạc với ngần ấy tài năng mà một con người có thể sở hữu.
Sau khi xem cả
bốn phim (có tiếng tăm) của Ryusuke Hamaguchi, tất cả hầu như đều có trọng tâm
là diễn biến tâm lý tình cảm của nhân vật là phụ nữ đã trưởng thành, mình chợt
nhận thấy tất cả các phim của cha nội này đều ít nhiều gắn với việc ngoại tình.
4 cuộc hôn nhân trong Happy Hour
(2015) đều vướng vào ngoại tình hoặc có sự xuất hiện của người thứ ba. Asako
trong Asako I&II (2018) thì công
khai bỏ chồng chưa cưới để chạy theo người cũ. Trong Drive My Car (2021) thì còn có cảnh ông chồng ngồi nói chuyện với
nhân tình của người vợ đã mất của ổng. Còn ba câu chuyện của Wheel of Fortune and Fantasy, ngoại tình
hoặc trở thành trọng tâm và mấu chốt, hoặc là thành phần phụ nhưng được nhắc tới
liên tục khiến mình cảm thấy ngột ngạt. Trong những câu chuyện của Ryusuke
Hamaguchi, sẽ luôn có một người phụ nữ ngoại tình và mặt dày thản nhiên thừa nhận
ngoại tình. Và trong hầu hết trường hợp, luôn có những người đàn ông mù quáng vẫn
yêu thương người phụ nữ ngoại tình ấy. Ryusuke Hamaguchi dùng tất cả tâm huyết
để biện bạch cho hành động ngoại tình của những người phụ nữ kia, và cả biện bạch
cho những người đàn ông ngốc nghếch đó nữa. Trong một số trường hợp, ông thực sự
thành công khi khiến mình cảm thông cho nhân vật, hay ít nhất hiểu tại sao họ
làm điều họ đã làm. Chỉ là khi coi dồn cả bốn phim của Ryusuke Hamaguchi coi
trong một khoảng thời gian ngắn, nó thực sự hơi “nhàm” và lặp lại.
chuyện tình độc hại |
Câu chuyện đầu
tiên kể về mối quan hệ tay ba mà tương lai sẽ là một bể nước mắt và trái tim
tan vỡ. Trên chuyến taxi trở về nhà, Tsugumi kể cho cô bạn thân Meiko của mình
về người đàn ông cô mới quen, người mà cô dường như đã mê như điếu đổ và thực sự
coi nó như một mối quan hệ đặc biệt, lãng mạn mà cô dành cả đời để tìm. Ngoài mặt
thì vẫn chúc tụng Tsugumi vì tìm được mối tốt, trong lòng thì Meiko đã nhận ra
cái người đàn ông Tsugumi đang tìm hiểu chính là Kazuaki, người yêu cũ của cô.
Ngay khi chia tay Tsugumi, Meiko ngay lập tức tìm và chất vấn Kazuaki.
Mình đã rất
khó khăn và gần như muốn bỏ phim khi xem tới đoạn này, bởi vì tức. Mình đoán sẽ
luôn có những con người ích kỷ và vô lý như Meiko, thứ mình không muốn có nhưng
cũng không muốn cho người ta có. Lúc thì cô bảo chỉ quan tâm tới cô bạn thân
Tsugumi, rằng cô không hề yêu Kazuaki nữa, lát sau cô bảo anh ta có dám chọn giữa
cô và Tsugumi hay không, mặc dù cô không chắc là mình có yêu anh ta hay không nữa.
Cô bắt anh người yêu cũ thừa nhận vẫn chưa thể quên được cô, khiến anh ta sống
dậy cảm xúc của một tình yêu mãnh liệt trong quá khứ, cho anh ta một chút hy vọng
rằng cái tình yêu ấy biết đâu vẫn sẽ được tiếp tục, dẫu rằng chính cô là người
ngoại tình, chính cô là người chọn chấm dứt nó, chính cô cũng thừa nhận không
biết mình có muốn quay về với anh kia hay không.
Cô gái đáng
thương Tsugumi thì hoàn toàn không biết gì, vẫn tâm sự với Meiko về người đàn
ông đó (ex của Meiko) và vẫn trông chờ vào một buổi hẹn hò màu nhiệm thứ hai.
Khi Meiko chọn yên lặng và rút lui thay vì nói hết toàn bộ sự thật cho Tsugumi
biết, đó chỉ là chút damage control chứ chả phải Meiko hy sinh cao cả gì. Làm
sao Meiko có thể nói là Kazuaki là người cũ của cô, là chính cô ngoại tình,
chính cô là người mà Kazuaki chưa thể nguôi ngoai, và hiện giờ Meiko đã nhận ra
rằng mình yêu và không thể sống thiếu Kazuaki, là cô đã lén gặp lại Kazuaki và
đã cố tình muốn lùa anh ta về lại chuồng của mình. Làm sao mà Meiko có thể nói
cái sự thật sẽ giết chết mối quan hệ của cả ba ngay trong khoảnh khắc ấy được.
Chút hy vọng của Tsugumi về một mối tình đặc biệt vốn đã vụn vỡ ngay từ lúc
Meiko nhận ra anh người yêu cũ. Sẽ chẳng thể có một cái kết hạnh phúc cho
Tsugumi bởi Kazuaki sẽ chẳng bao giờ thôi bị Meiko dắt mũi, bởi sẽ có lúc
Tsugumi phát hiện ra người mà Kazuaki luôn mãi yêu là Meiko cho dù cô có cố gắng
tới mức nào đi chăng nữa, và rằng cô đã luôn là người thừa trong cái mối tình
mà cô đã đặt trọn trái tim vào, và rằng hai cái con người cô luôn tin tưởng ấy
đã giấu giếm sự thật với cô ngay từ đầu. Cái đống tơ lòng phức tạp của hai kẻ
phiền phức kia có gỡ cả đời không hết, và họ thản nhiên để mặc cô với trái tim
lành lặn của mình bước vào, và trong chốc lát, sẽ vỡ vụn chung với họ. Với tư
cách là một người bình thường, mình ghét cay ghét đắng kiểu người như Meiko, phức
tạp, ích kỷ, nhận thức được mình đang tổn thương người khác nhưng vẫn tiếp tục
tổn thương người khác và ngụy biện rằng chính mình cũng đang tổn thương. Nhưng
với tư cách một khán giả, một nhân vật đa chiều như Meiko thực sự rất thú vị
khi đứng giữa không quan tâm tới đúng sai và hành động rất phi lý, rất cảm
tính, rất con người. Sự đối lập trong ngoại hình, tính cách của Tsugumi và
Meiko, sự yếu đuối và “ba phải” đến phát bực của Kazuaki, sự mập mờ của quá khứ,
những mơ hồ về tương lai, tất cả khiến câu chuyện có nhiều lớp lang, bàng hoàng,
nhẫn tâm. Và một nỗi buồn dạo đầu thoai thoải cho khán giả bởi lẽ sẽ chẳng có một
giải pháp thỏa đáng cho câu chuyện không lối thoát này.
Câu chuyện thứ
hai kể về một mỹ nhân kế không thành và một sai lầm không thể cứu vãn.
Nếu không chơi ngu, có lẽ Nao và vị giáo sư đã có thể trở thành bạn |
Sau khi bị
đánh rớt một môn học và không thể tốt nghiệp đúng hạn, gã sinh viên Sasaki đã
lên kế hoạch trả thù vị giáo sư đánh rớt mình. Hắn nhờ Nao, một bạn học mà hắn
đang có mối quan hệ xôi thịt, quyến rũ ông giáo sư kia để ông này thân bại danh
liệt. Nao là nhân vật chính của câu chuyện này và đương nhiên, lại là một cá
nhân đứng ngoài ranh giới của tốt và xấu. Trong Nao có nhiều điểm tốt đẹp như
có sự từng trải và kiên định của người phụ nữ đã lập gia đình, có con nhỏ nhưng
vẫn quay lại giảng đường, cô có tính cách mạnh mẽ khi vẫn đứng lên và sống đúng
với bản thân bất chấp bị bạn học tẩy chay và cười cợt sau lưng. Nhưng cô lại
ngoại tình và dễ dàng bị xiêu lòng vì trai, và chính vì được trai nhờ vả nên Nao
đã giúp Sasaki tìm cách gài vị giáo sư xui xẻo kia. Trái ngược với kỳ vọng, Nao
không những không dụ dỗ được ông giáo sư, cô và ông còn có một cuộc đối thoại “thay
đổi cuộc đời” khi cô được ông động viên và hướng cô tới một mục tiêu cao hơn mọi
điều cô trông đợi ở bản thân mình.
Đoạn bẫy tình
của Nao và vị giáo sư kia thực sự rất thú vị. Nao đọc lớn một đoạn ướt át trong
cuốn tiểu thuyết vừa đoạt giải của vị giáo sư như một sự gợi ý rõ rành rành về
sự mời gọi của mình cho ông, ông lại trân trọng nó với tư cách của một tác giả
mà tác phẩm của mình vừa được đọc bởi một giọng nói biểu cảm. Đoạn tiểu thuyết
càng sống sượng, càng chi tiết, càng khiêu dâm và rẻ tiền bao nhiêu, ông giáo
sư càng chú tâm bấy nhiêu. Nhưng sự chú tâm của ông không có lấy một chút sắc
thái bị kích thích hay không thoải mái từ vị giáo sư về đoạn văn gợi dục, nó chỉ
đơn giản là một tác phẩm ông sáng tạo, là một công việc ông làm, chuyên nghiệp,
cẩn thận, tính toán và không chút phán xét. Không có một chút xấu hổ nào khi
ông kí tên lên nó, khi Nao đọc nó, khi Nao bắt ông hứa phải thủ dâm ít nhất một
lần khi nghe lại đoạn ghi âm đó. Ông và Nao, vượt ra ngoài chuẩn mực thông thường
của xã hội, có sự thấu hiểu dành cho nhau về việc họ phải giữ vững cái bản ngã
bất ổn, vô đạo và khác biệt của họ trên trong một thế giới đầy luật lệ. Vị giáo
sư, với tư cách thầy giáo và thành công hơn, đã cho Nao sự tự tin rằng cô còn
hơn là một bà nội trợ, không lên án hay chê trách việc cô ngoại tình lung tung
hay đang cố gắng làm hại ông, ông công nhận sự tồn tại của cô như một sinh viên
nổi bật, khiến cô tin rằng dư luận xã hội không định nghĩa được mình. Có lẽ
trong cuộc đời họ, Nao và cả vị giáo sư kia chưa bao giờ có một cuộc đối thoại
như thế dành cho bất kì ai. Dẫu kỳ cục, đoạn đối thoại giữa Nao và vị giáo sư
thật sự là nắng ấm giữa đông dài, là chút tích cực, lành mạnh giữa cạm bẫy và rủi
ro. Nhưng khi sự tích cực chưa thực sự lan tỏa, khán giả ngay lập tức bị dập xuống
bởi một sai lầm ngu ngốc khi Nao gửi nhầm đoạn ghi âm “không thích hợp” kia tới
trường đại học thay vì tới chỗ vị giáo sư, hại ông này mất toàn bộ tiếng tăm và
danh dự nên nghỉ việc, bản thân cô thì bị chồng bỏ.
Năm năm sau,
Nao hội ngộ với Sasaki, khi cô, một sinh viên xuất sắc, giờ chỉ là một nhân
viên đọc kiểm quèn, còn Sasaki, một kẻ chả bao giờ động tới quyển sách, nay đã
biên tập viên thể loại văn học tại một công ty lớn (đúng là rất phù hợp với thực
tiễn cuộc sống). Trái ngược với sự cắn rứt lương tâm của Nao, Sasaki chưa bao
giờ hối hận vì cũng một phần do anh ta mà vị giáo sư kia mất mọi thứ. Anh ta
đang có một sự nghiệp đang lên và chuẩn bị lấy vợ, vận may đang ở phía anh,
trái ngược hẳn với vẻ chán nản, u ám của thế giới đầy hối hận, chì chiết và cắn
rứt của Nao. Nhưng chỉ sau một nụ hôn, cái thế giới đột ngột đảo chiều. Mình chợt
nhận ra thấy cái cuộc sống của Sasaki chẳng hạnh phúc như anh ta đang tưởng thế,
và Nao, mặc dù vẫy vùng giữa thực tại khắc nghiệt, lại thực sự đang sống như
đúng những gì vị giáo sư kia đã khuyên cô, vượt lên mọi định mức của xã hội và
không để chúng định nghĩa những giá trị cô có. Và trong một khoảnh khắc, người
đang hướng về tương lai lại chính là Nao còn người đang hối tiếc về quá khứ lại
là Sasaki.
trò chơi giả tưởng của người lớn |
Câu chuyện thứ ba kể về một sự nhầm lẫn. Sau hai mươi năm, Natsuko quay trở lại về nhà và tham gia buổi họp lớp thời trung học. Mục đích chính của lần trở về này là cô muốn gặp lại một người bạn cũ thân thiết trước đây nhưng người này không xuất hiện tại buổi họp lớp. Trên đường ra ga để về lại Tokyo, Natsuko bắt gặp người bạn này và cả hai về nhà bạn để hàn huyên lại chuyện cũ. Khi câu chuyện tới giữa chừng, người bạn kia mới thú nhận là không quen Natsuko, cả hai còn chẳng học cùng một trường. Natsuko đã nhận nhầm người lạ thành bạn cũ mình và người lạ kia, Aya, cũng tưởng nhầm Natsuko là một người khác trong trường của cô. Sự ngại ngùng vì nhầm lẫn kia nhanh chóng trở thành một cuộc giải tỏa từ tận đáy lòng của hai người phụ nữ mới ba mươi phút trước còn chẳng hề biết đến sự tồn tại của nhau. Người bạn cũ mà Natsuko muốn gặp kia chính là người yêu đầu của Natsuko và việc cả hai chia tay đã luôn để lại trong Natsuko một sự tổn thương không thể lấp đầy. Aya đã đề nghị đóng thế người bạn gái ấy và để cho Natsuko giãi bày hết mọi khúc mắc của cô, để nói hết ra những sự hối hận của bản thân, về những gì cô ước mình ngày xưa đã nói ra, những thứ ngày xưa đáng lẽ cô phải làm, để bây giờ không tiếc nuối về một cuộc sống đáng lẽ cô sẽ có. Và ngược lại, Natsuko đóng thế người bạn kia, để cho Aya có thể tự bạch về cuộc sống tưởng chừng như hoàn hảo đang giết dần giết mòn cô, về việc cô không còn bất cứ niềm vui sống nào, và rằng tuy cô không khổ sở hay bất hạnh, cô cũng chẳng thể cảm thấy hạnh phúc. Người ta bảo chúng ta có thể dễ dàng tâm sự những điều thầm kín nhất với người lạ, có lẽ điều này đúng với Natsuko và Aya. Cả hai có cuộc sống hoàn toàn đối lập nhau, cái hố sâu trong tâm hồn của họ cũng khác biệt hoàn toàn khi Natsuko chìm trong sự hối hận của quá khứ còn Aya lạnh lẽo và cô độc trong hiện tại. Nhưng trên cái thang cuốn ấy, họ tìm thấy nhau, nhận nhầm nhau và cuối cùng cho nhau một điểm tựa cần thiết để bước tiếp theo cái cuộc đời họ đang lựa chọn. Một nốt hạnh phúc và ấm lòng kết thúc một bộ phim day dứt.
Wheel of Fortune and Fantasy có những đoạn
đối thoại rất chất lượng, đậm chất văn học. Đoạn chất vấn giữa Meiko và
Kazuaki, đoạn tâm sự giữa Nao và vị giáo sư, đoạn kịch đóng giả của Natsuko và
Aya, tất cả đều được Ryusuke Hamaguchi viết rất xuất sắc và vô cùng ấn tượng,
toát lên được sắc thái riêng và day dứt của nhân vật. Mình đoán trong đời thực
sẽ chẳng có ai nói chuyện với nhau như vậy nhưng đặt vào bối cảnh của câu chuyện,
đặt vào trong những góc quay trực diện vào thẳng gương mặt, đặt vào diễn xuất
chân thực và sống động của diễn viên, nó có cái gì đó rất sâu sắc, thâm trầm và
cuốn hút trong cách nhân vật giãi bày suy nghĩ của họ, rất thực, rất buồn bã
nhưng cũng đáng nhớ. Mình trượt theo từng câu chuyện và những cung bậc của cảm
xúc của nhân vật, theo sự sáng bừng trong hạnh phúc lúc chớm yêu của Tsugumi, sự
phức tạp khó ở của Meiko, sự bình thản trước mọi biến thiên của vị giáo sư, sự
đổi ngược tâm lý của Nao và Sasaki trên chuyến xe buýt, sự biến chuyển tâm lý từ
sự do dự đến bùng nổ và thân thiết của Aya và Natsuko. Dẫu câu chuyện đều lạ
lùng, mọi cảm xúc các nhân vật thể hiện trên màn ảnh đều chân thực, hợp lý và
có cái gì đó rất sang, rất tinh tế. Các người phụ nữ giàu tâm sự trong phim hiện
lên sống động, muôn màu muôn vẻ với số phận và nỗi niềm của họ, cô đọng, đáng
nhớ, thanh lịch và ẩn nhẫn.
Không có những
cảnh quay nghệ thuật đẹp nao nức và đóng đinh trong đầu mình như Drive My Car hay Asako I&II, nhưng Wheel
of Fortune and Fantasy tự tạo nét đẹp cho mình bằng nhiều phân cảnh được
chú tâm sắp đặt theo dụng ý nghệ thuật rõ ràng. Cảnh quay Tsugumi tâm sự với
Meiko trong xe taxi dài và liên tục, tạo sự bất an. Cảnh Meiko và Kazuaki tranh
cãi thì cắt cảnh nhanh và liên tục, tạo sự dồn dập và bùng nổ của một cuộc đốp
chát không ai nhường ai. Cảnh quay đọc đoạn tiểu thuyết ướt át thì dài và chi
tiết, khán giả càng không thoải mái, sự khác biệt của Nao và vị giáo sư càng nổi
bật. Hai cảnh quay tại thang cuốn có sự đối chiếu nhau giữa trước và sau thể hiện
chuyển biến của tâm lý nhân vật. Bản thân mình không có chuyên môn về dựng cảnh,
quay phim hay bất cứ thứ gì liên quan đến kỹ thuật khi xây dựng một bộ phim,
nên mình chả thể biết là thủ pháp đó là cũ hay mới, là đạt hay chưa đạt, chỉ là
khi mình xem phim, mình thấy cái sự dàn dựng ấy đập hẳn vô mặt, nên bảo diễn biến
phim tự nhiên và mượt mà ấy á, chắc chắn không. Nhưng mà mình đoán mấy thủ pháp
nghệ thuật đó phát huy hiệu quả, bởi mình thấy phim hay quá trời quá đất.
Có nhiều phim
mình từng coi mà mình nghĩ bộ phim xứng đáng kiếm nhiều tiền hơn thế, nổi tiếng
hơn thế, giành nhiều giải thưởng hơn thế. Wheel
of Fortune and Fantasy cũng thuộc dạng này. Bộ phim xứng đáng thành công
hơn, nổi bật hơn, tiếp cận được nhiều khán giả hơn, xứng đáng có danh tiếng
riêng của mình dù xấu hay tốt. Mình hy vọng thời gian đủ nhân từ với phim để
khiến khán giả tìm và xem phim nhiều hơn, không để nó trôi theo dòng chảy lãng
quên của thời đại.
Em tình cờ tìm được blog của chị để đọc trong khi tìm hiểu về các bộ phim của Hitchcook. Sau khi check toàn bộ trang blog của chị, em rất bất ngờ khi hầu hết các bài viết đều là về các phim em đã xem và có ý định xem. Cảm ơn chị đã mang lại những bài viết tuyệt vời.
Trả lờiXóaEm mong chờ được đọc về các bài review phim tiếp theo.
Keep up the good work !! 😘