Một số suy nghĩ về truyện Kim Dung (phần 1)

          Bài viết này được viết trong năm 2022, không hề có ý định viết cho ai đọc ngoài bản thân, vậy nên nó không hề hoàn thiện về kết cấu. Đến năm 2024, vì blog quá quạnh quẽ (mình bận không có thời gian xem phim chém gió) nên đành đăng lên cho đỡ trống trải. Các nội dung trong bài viết đều là cảm nhận chủ quan của mình khi đọc tác phẩm của Kim Dung, và đã là chủ quan thì nó là ý kiến của mình và mình mà thôi, không có ý định chê trách bất cứ ai, nội dung gì, nghĩ sao thì viết vậy. Đôi khi chỉ là sự bức xúc nhất thời cần phải xả ra. Nếu một số điều mình viết ra không đúng hoặc đơn giản là còn gì nông cạn, mình hoàn toàn chấp nhận sự hủ lậu ấy của bản thân.

         Đối với mình, truyện Kim Dung có cái sự phát triển theo tâm lý độc giả. Mình 20 tuổi đọc sẽ khác mình 30 tuổi đọc và sẽ lại khác mình 40 tuổi đọc. Vậy nên cái bài viết nhỏ bé này chỉ là một thoáng tâm tưởng trong cuộc đời mình, không hơn không kém.

                                                    (Spoiler cái quần què)

Trong một ngã rẽ rùng rợn của số phận (nổi hứng tào lao), người chuyên xem phim Mỹ (và Nhật) như mình bẻ lái khét lẹt và muốn đọc Kim Dung. Không có ý gì xúc phạm, trong trí tuệ nhỏ mọn của mình luôn có một mặc định xấu xí rằng truyện Kim Dung chỉ thuần tính giải trí và không thực sự có cái gọi là “giá trị nghệ thuật” mà mình muốn trong một tác phẩm văn học. Truyện chưởng cho nam giới mơ mộng và truyện ngôn tình cho mấy bà nữ mộng mơ là hai dòng văn học mình nghĩ mình không cần đụng vào, bởi nó không dành cho mình. Truyện Kim Dung không có cái sự sang chảnh về dòng dõi xuất xứ mà một người đua đòi và hão huyền như mình muốn, dẫu rằng nó cũng kinh điển và có vị trí quan trọng không kém Thủy Hử hay Tam Quốc Diễn Nghĩa. Vậy nên khi mình muốn nghiêm túc đọc Kim Dung, mình cũng bất ngờ với mình lắm.

Mình đoán đã là người Việt Nam thì nhất định từng xem qua một phiên bản phim ảnh có nguyên tác từ truyện Kim Dung, truyện thì chưa chắc đã đọc nhưng phim thì nhất định đã từng coi. Mỗi bộ truyện có năm bảy phiên bản truyền hình, cứ vài năm làm lại một lần, càng làm càng bị chê nhưng vẫn cứ làm, thể nào khán giả cũng coi trúng một bộ. Khán giả thích hay không thích, tranh luận bộ nào kinh điển hơn bộ nào, nữ diễn viên nào đạt chuẩn Tiểu Long Nữ,… nó chỉ chứng minh truyện Kim Dung chưa bao giờ hết “hot”, chưa bao giờ lỗi thời hay bị thay thế, thực sự là một điều đáng kinh ngạc. Đặc biệt nếu đi so với các tác phẩm của Quỳnh Dao khi chúng sến và ủy mị nhiều khi đi theo dòng chảy của thời đại, trong khi cái thế giới kiếm hiệp anh hùng mà Kim Dung xây dựng lại càng bền chắc và vững chãi với thế sự.

Đối với mình, cái thế giới võ lâm mà Kim Dung xây dựng qua hơn chục bộ truyện, nó cũng hùng vĩ, sáng tạo và có chiều sâu không kém gì vùng Trung Địa của J. J. R.Tolkien hay thế giới vũ trụ của mấy ông bà Jedi trong Star Wars. Dẫu những tác phẩm của Kim Dung vẫn mang nhiều chất liệu của lịch sử Trung Quốc và ông cũng chẳng phải người sáng tạo ra thể loại truyện kiếm hiệp kia, cái thế giới truyện của Kim Dung vẫn tách biệt, riêng rẽ, đồ sộ và chi tiết với số phận, trăn trở của hàng ngàn nhân vật với tính cách khác nhau, tạo nên một kho tàng ấn tượng, có lớp lang, có hỉ, nộ, ái, ố, có bi kịch chồng bi kịch, có duyên nợ nối duyên nợ. Đọc truyện của Kim Dung đương nhiên là không phải như đọc Anna Karenina, nhưng tuyệt nhiên những nhân vật trong đó vẫn có sự sâu sắc, cố chấp và nét riêng biệt trong suy nghĩ, hành động, vẫn rất “đời” và gần gũi. Và cả một hệ thống công phu, bí kíp, cao nhân núi sau cao hơn, màu mè âm hiểm hơn núi trước, giữa những cơ duyên và ân oán của thế hệ nối tiếp thế hệ, những quyết định làm lỡ dỡ và hối tiếc của cả đời, nó thực sự không hề hời hợt. Không phải chỉ là anh hùng hoàn hảo vượt trên quần hùng và đối đầu mọi cường địch, cưới được mĩ nhân và sống tiêu diêu tự tại suốt phần đời còn lại, truyện Kim Dung không tầm thường như vậy. Bản thân mình không muốn đi sâu về thông điệp của truyện, nào là ca ngợi tinh thần nghĩa hiệp, cuộc sống tự do, nhân nghĩa trí tín, tinh thần dân tộc hầm bà lằng. Và vì cũng chỉ là nữ thanh niên tầm thường, mình cũng ko đủ kiến thức để đánh giá các Tàng kinh các những chiêu thức, bí kíp, võ học này nọ trong cái thế giới võ lâm đồ sộ của Kim Dung. Cái mà mình thấy thú vị ở đây là cách xây dựng tính cách và số phận nhân vật, điều mà hồi nhỏ xem phim mình bỏ lọt, và đôi khi trên phim không phản ánh đủ thế giới muôn màu của nguyên tác. Vậy nên trong một khoảng thời gian bốc đồng, mình mạn phép đưa ra ý kiến cá nhân về vài khía cạnh trong một số tác phẩm Kim Dung mình đọc. Rõ ràng mình không thể như Vũ Đức Sao Biển với tâm huyết và lòng say mê nhiệt thành của ông dành cho Kim Dung, nhưng mình với tinh thần “bà thích thì bà viết” không sợ bị chê ngu.

Một trong những lý do khiến truyện Kim Dung có thể thách thức thời gian chính là các nhân vật của ông không hề hoàn hảo. Thiên tư, nhan sắc, trí tuệ, võ công của họ có thể được buff lố và vượt xa chuẩn mực thông thường và vươn tới chuẩn mực hoang đường của truyện tranh Nhật Bản, nhưng xét về tính cách, họ không phải thánh nhân với la bàn đạo đức luôn chỉ về hướng đúng, kể cả nhân vật chính diện.

Ví dụ như mình, nữ thanh niên trên 30 tuổi, đọc Thiên Long Bát Bộ thì rõ ràng thấy Đoàn Dự là trai hư, thậm chí gọi là phản diện cũng được. Y hệt người cha hờ Đoàn Chính Thuần của mình cứ thấy gái đẹp là đớp rồi bỏ rơi, Đoàn Dự cũng mê gái thành thần, cũng cả thèm chóng chán và vô cùng nông cạn trong chuyện tình cảm. Ban đầu thấy Chung Linh xinh xắn dễ thương vì mình nhiều chuyện mà gặp nạn cũng toàn tâm toàn ý đi cứu nàng, sau đó lỡ nhìn thấy nhan sắc của Mộc Uyển Thanh thì đòi hôn đòi ôm, tại đẹp quá chịu hông nổi. Khi biết mối quan hệ huynh muội nên không thể kết duyên, Uyển Thanh thất tình đau khổ, thậm chí còn nghĩ quẩn đòi quyên sinh, Đoàn Dự chỉ rũ một cái là sạch, gọi người ta là Uyển muội cái bụp, không tiếc nuối, không suy nghĩ gì nhiều. Hắn gặp A Bích, A Châu đã buông lời tán tỉnh, gặp Vương Ngữ Yên thì mê muội ghen tuông. Đoàn Dự mê Vương Ngữ Yên không phải chỉ vì nàng giống Thần Tiên tỷ tỷ, nó cũng bởi vì nàng một lòng một dạ vì Mộ Dung Phục – nàng là nữ nhân đầu tiên hắn cố gắng tán nhưng không đổ, một dạng thử thách khả năng dụ dỗ gái nhà lành của hắn. Đoàn Dự cũng là một ví dụ của việc cuộc đời giống y như truyện, tức là chả có thứ gọi là công bằng. Hắn ta có xuất phát điểm hơn người hơn đời với danh gia vọng tộc, được cha mẹ thương yêu, được ân sư dạy dỗ. Vì gen tốt (vẫn là gen con cháu đế vương nha) nên hắn không những mặt trắng đẹp trai lại còn có thiên chất thông minh hơn người, nhờ cơ duyên học hết bí kíp này tới bí kíp nọ, rồi “vô tình” hút hết nội lực của người này người kia mà vẫn làm bộ nạn nhân vô tội. Tuy có tật xấu tán gái bẻm mép, hắn hiền lành hướng thiện, tính tình thoải mái nên kết anh em với anh hùng hiệp nghĩa, gặp nạn nhưng không chết, sau này cưới được mỹ nhân, lên ngôi vua, sống an yên từ đây tới cuối đời. Số của Đoàn Dự nếu đem so với Kiều Phong thì đúng một trời một vực, đúng là sinh ra với ngôi sao tốt thì làm gì cũng thành, cả đời không sứt mẻ, hối tiếc điều gì, muốn gì có đó, không chê vào đâu được, thiên hạ có phấn đấu cả đời cũng không thể được như Đoàn Dự.

Mình thực sự rất ghét nhân vật Đoàn Dự, thật không hiểu nổi nhân vật này chính nhân quân tử ở điểm nào mà được yêu thích, được xây dựng làm anh hùng. Toàn bộ tính cách của nhân vật gắn liền với hai chữ “mê gái”, anh em tình nghĩa hầu như không còn giá trị gì khi Vương Ngữ Yên xuất hiện. Sau khi kết nghĩa huynh đệ với Kiều Phong (Đoàn Dự rõ ràng không có xứng), dẫu đúng là chỉ gặp nhau có một ngày nhưng Kiều Phong đối đãi với hắn thâm trọng, hắn chứng kiến buổi tối sóng gió của Kiều Phong khi suýt bị bang chúng làm phản, bị “vạch mặt” là người Khất Đan, cuối cùng thì bị truất ngôi bang chủ. Chưa biết rõ thực hư như thế nào nhưng khi chứng kiến huynh đệ của mình vừa trải qua biến cố to lớn như thế, lại sắp bỏ đi, hắn ta chỉ thoáng thấy Vương Ngữ Yên là không còn đếm xỉa nỗi đau khổ của Kiều Phong đang chịu đựng nữa. Khi Kiều Phong bị tam oan, chỉ thấy Đoàn Dự đi tìm Vương Ngữ Yên, đi du ngoạn, đi đánh cờ, chả thấy hắn lo lắng, đi giải oan cho Kiều Phong. Anh em gì cái ngữ ấy. Mọi thứ hắn làm đều vì cô, nghe thì chân tình cảm động, thực tế chỉ thấy hèn mọn nhu nhược, thậm chí hơi “creepy” như một sự ám ảnh tâm lý vậy. Vương Ngữ Yên mê muội Mộ Dung Phục cũng hơi quá, nhưng ít nhất đó là biểu ca mà nàng quen biết từ nhỏ, lại văn võ song toàn và có chí lớn. Còn Đoàn Dự chỉ đơn giản là thấy Vương Ngữ Yên đẹp nên mê, chứ trong thâm tâm nàng có tâm sự vụn vặt gì, tính tình tốt xấu ra sao, hắn đâu có để bụng. Giả như Vương Ngữ Yên mà độc ác như A Tử, trong truyện chắc có 2 Du Thản Chi.

Trong truyện, Kim Dung lý giải Đoàn Dự không thể giải được Trân Lung trận vì hắn quá hiền hậu nên không dám thí quân, điều này không đúng. Trân Lung trận bất quá chỉ là một ván cờ, không phải như đánh trận giết giặc mà người chết rồi không sống lại được, Đoàn Dự ở đây không dám thí quân bởi vì quá tham lam, cái gì cũng muốn có, không muốn bỏ. Y hệt ông cha trắc nết lăng nhăng của mình. Khi đọc đến Kiều Phong thì anh hùng cái thế với cái tâm sáng ngời, đọc sang Đoàn Dự một điều Vương cô nương, hai điều Vương cô nương, thấy ti tiện hẳn, đặc biệt là khi hắn thấy gái thì mọi thứ khác đều vô nghĩa, càng đọc càng ghét. Những nhân vật như Đinh Xuân Thu, Cưu Ma Trí, Tứ ác được xây dựng là phản diện, không còn nhân tính, ấy vậy còn đỡ đáng ghét hơn cái đồ đạo đức giả như Đoàn Dự. Nó còn khiến nhân vật vô cùng nhàm chán, chỉ cần đọc tới tên Đoàn Dự mà biết hắn đang nghĩ tới cái gì, rất một chiều và hời hợt, có phần hơi lười biếng từ phía tác giả.

Thực tế thì hồi nhỏ mình xem thì phim tẩy trắng rất nhiều thứ trong truyện, mình chẳng hiểu sao. Như Đoàn Dự được xây dựng đứng đắn hơn trên phim để tạo thiện cảm, vì ba cái đoạn đòi ôm đòi hôn Mộc Uyển Thanh dĩ nhiên không đưa vào; A Tử trong truyện ác tàn canh gió lạnh, mỏ nhọn láo toét nhưng trên phim chỉ là cô bé ngang ngược, võ công hơi “tà” do được ác nhân nuôi dạy; mấy bà nhân tình của Đoàn Chính Thuần, chả bà nào thực lòng nghĩ tới con cái, toàn là nghĩ kế giết nhau để giành giật kẻ từng bội bạc mình, chả ra thể thống gì; còn việc Hư Trúc bị body-shaming trong truyện đến tội nghiệp nhưng trong phim toàn mấy anh mặt mũi dễ coi đóng. Mình không đọc bản chỉnh sửa cuối cùng của Kim Dung nên không rõ ổng còn vẽ vời ra thêm cho nhân vật bao nhiêu điểm đẹp đẽ nữa.

Bản thân mình không chê trách cách viết gối đầu của Kim Dung trong Thiên Long Bát Bộ, các chi tiết đan xen tuy không phải cái nào cũng hợp lý nhưng được cài cắm hợp lý và tương đối trọn vẹn, các nhân vật thể hiện trọn vẹn, có tốt có xấu. Người nào càng tốt đẹp càng yểu mệnh (couple của năm A Châu và Kiều Phong). Nghĩ đi nghĩ lại thím A Châu được xây dựng thông minh mà chết ngu đến bất ngờ, cũng bởi Kim Dung viết sao thì nhân vật chịu vậy. Quá trình kết kim lang của Đoàn Dự và Kiều Phong rất gượng ép, gặp mặt uống rượu hợp gu thì kết bằng hữu được rồi, đâu có đủ ân nghĩa mà kết huynh đệ. So với việc Kiều Phong tha mạng cho Gia Luật Hồng Cơ rồi hai người kết anh em thì có động cơ và hoàn cảnh hợp lý hơn nhiều. Hay chi tiết Đinh Xuân Thu phải nhờ tới Du Thản Chi để cứu còn vô lý gấp bội. Bộ trên người ổng không có thứ ám khí nào đủ sắc nhọn để chọt lủng con trăn à. Trăn có to cũng là trăn, có phải sắt đâu mà chọc không thủng? Truyện còn vô vàn lỗi logic khác mà mình thôi ngậm miệng không nói nữa. Kể cả những tác phẩm toàn diện như LoTR còn có thiếu sót, truyện viết từng kì đăng tạp chí như Thiên Long Bát Bộ không thể không lầm này lỗi nọ được.

Mình đọc Thiên Long Bát Bộ bản cũ chưa sửa, Đoàn Dự được toại nguyện cưới thần tiên tỷ tỷ của hắn, đúng là Kim Dung viết vậy không phù hợp với tính cách của Vương Ngữ Yên. Sự thật là hầu hết các nhân vật trong thế giới của Kim Dung đều rất cố chấp, đặc biệt là chuyện tình cảm. Khi họ yêu ai là yêu cả đời, không hề thay lòng đổi dạ, điều này tạo ra đau khổ, bi lụy, sai lầm, khiến nó day dứt qua cả đời người (vậy nên hai cha con trăng hoa hời hợt nhà họ Đoàn đúng là làn gió mới). Vương Ngữ Yên cả đời chỉ nhìn về phía biểu ca của nàng, lúc trên giếng còn hết lòng theo hắn, rớt xuống giếng xong bảo cô một phát chuyển hướng sang Đoàn Dự thì hơi khét. Cùng lắm thì cô chỉ coi Đoàn Dự như lốp dự phòng, bảo yêu hắn, nó không đủ thuyết phục. Có lẽ Kim Dung cũng tự thấy sai nên sửa lại thành Vương Ngữ Yên cùng A Bích chăm sóc cho Mộ Dung Phục, còn Đoàn Dự phát hiện ra mình chỉ nhầm bóng hình của thần tiên tỷ tỷ thành Vương Ngữ Yên chứ không thực sự yêu nàng. Hắn sau đó cưới Mộc Uyển Thanh và Chung Linh. Mình cảm thấy như Kim Dung càng sửa càng sai. Dù không phải anh em ruột nhưng Đoàn Dự đã coi hai cô kia là em gái hắn, giờ bụp phát không phải em thì lại mê họ như tình cảm trai gái thông thường lại được à? Không cảm thấy “nhợn” à? Đoàn Dự chỉ cần hai giây để rũ sạch hình ảnh của Mộc Uyển Thanh và Chung Linh, đặc biệt khi Vương Ngữ Yên xuất hiện, hai cô kia coi như chưa từng bước qua đời hắn nữa, vậy hắn yêu hai cô ấy chỗ nào để cưới về? Mình thấy Kim Dung viết cái kết của Thiên Long Bát Bộ chỉ là tiện lợi và chưa đột phá, chả rõ ổng tẩy trắng kiểu gì.

Nếu mình gặp Kiều Phong ở ngoài đời, chắc có khi mình cũng đổ. Trong các tác phẩm của Kim Dung, chỉ có Kiều Phong là thập toàn thập mĩ, là ngôi sao sáng trên bầu trời đạo đức, không chỗ nào chê được. Có lẽ vì vậy ông tác giả tặng hắn một cái kết vô cùng thê thảm, thì người ta nói hồng nhan bạc phận là vậy. So với những nhân vật khác trong thế giới anh hào của Kim Dung, Kiều Phong đúng là một mình một ngưạ, phóng vèo vèo tới bi kịch này tới thê lương khác, cuối cùng xuống cửu tuyền đoàn tụ với A Châu nhưng vẫn bị A Tử bám đuôi quấy phá. Kiều Phong võ công cái thế nhưng là nhân vật chính duy nhất được sư phụ chân truyền, thầy chỉ gì trò học nấy, không có rớt núi tự mò được bí kíp ngàn thu nào hay được cao nhân nào ngẫu nhiên truyền nội lực vô cả. Mấy cha nội kia từ không có võ công đến võ công trung bình rồi từ từ tăng tiến dần dần, học ké hết chỗ này chỗ nọ, chỉ có Kiều Phong khi xuất hiện đã đè đầu cưỡi cổ người trong thiên hạ. Hắn ta không đọc nhiều sách “thánh hiền” nhưng phong cách lãnh đạo, cách đối nhân xử thế, thậm chí cách đối diện nghịch cảnh cũng vượt xa người thường. Võ công Kiều Phong đứng đầu thiên hạ đã đành, nhưng hắn lại không hề ngu ngốc, có công có thủ, có tính toán có cơ mưu, thật sự không có chỗ nào chê được. Nếu có, Kiều Phong hơi nát rượu và quá chiếu cố cho A Tử (do lương tâm gặm nhấm), khiến con bé hư thân đó đi thủ ác hết người này người kia. Bản thân mình chả hiểu sao Kim Dung cho Kiều Phong một số phận sầu đời như vậy, thực sự là không có đáng. Với lại một cái chết mà giải quyết được chiến tranh, đem lại hòa bình dân tộc, đúng là chỉ có trong tiểu thuyết, vẫn còn “cổ tích” và đơn sơ lắm.

Mình thấy thích nhân vật Hư Trúc ngay từ lúc Kim Dung miêu tả nhân vật là hắn mặc bộ tăng bào rách được vá nhiều nhưng vô cùng sạch sẽ. Hắn có cơ duyên giải được Trân Lung Trận, tuy xấu nhưng được làm bang chủ Phái tiêu dao, có gần hai trăm năm công lực thượng thừa của mấy ông bà già, đây là “hay không bằng hên”. Mình thấy chi tiết Thiên Sơn Đồng Mỗ bắt hắn phá hết giới này tới giới khác khá thú vị, bản thân Đồng Mỗ và Lý Thu Thủy cũng thú vị, hơn hẳn mối tình thầm kín của Vô Nhai Tử. Mọi rắc rối của đời trước Phái Tiêu Dao đều đến từ việc họ yêu người không yêu mình, may mắn là đến chết cũng mỉm cười không chấp niệm nữa. Tất cả các nhân vật trong Thiên Long Bát Bộ đều nặng tình, nặng tình đến mức ngu muội, ngoài người thương của họ ra thì đạo lý, trách nhiệm, những người thân khác đều coi như giẻ rách. Các nhân tình của Đoàn Chính Thuần mê trai không quan tâm con cái đã đành, cha mẹ Đoàn Dự cũng tự tử cái bụp không đếm xỉa gì tới hắn. Tuy vậy, ít nhất họ cũng nuôi nấng hắn gần 20 năm qua, lại còn có bác ruột là vua quan tâm che chở nên họ có bỏ Đoàn Dự lại thì hắn cũng có nơi nương tựa, nhưng như vậy cũng thực sự rất ích kỷ. Còn cha mẹ Hư Trúc mới là tào lao, tệ hại nhất. Hắn mới nhận cha nhận mẹ đâu được 1 tiếng, ôm mẹ được một tí, ôm cha được 0,1 tí, hai ông bà đã vội tự tử, không thèm quan tâm tới hắn sống chết ra sao, tương lai thế nào, có cần được bù đắp hai mươi mấy năm làm trẻ mồ côi không? Ủa không thể sống vì con được à? Phải chết vì trai cho tận nghĩa à? Cuộc sống gì mà tăm tối thế?

Tuy Thiên Long Bát Bộ là một trong những tiểu thuyết dài nhất của Kim Dung nhưng xét về hệ thống nhân vật và sự phức tạp trong tính cách, nội tâm nhân vật, nó không được ngon nghẻ như bất cứ tác phẩm nào trong Xạ điêu tam khúc. Nhưng nếu nó đã đặc sắc, nó đặc sắc. Nhân vật như Kiều Phong có thể không mới, quá trình đạt tới đỉnh cao của Hư Trúc chỉ là ăn may và Đoàn Dự thì dại gái đến bạc nhược, nhưng những chi tiết như mối tình tay bốn của phái Tiêu Dao, mối tình tay ba của Đàm ông, Đàm bà, cái khả năng đọc sách mà biết chiêu thức lẫn gốc gác của người ta mà không cần có phần mềm update của Vương Ngữ Yên, dàn con gái rơi và thằng con trai nuôi hộ của gã lăng nhăng Đoàn Chính Thuần hay lý do Khang Mẫn hãm hại Kiều Phong chỉ vì hắn mải uống rượu không thèm nhìn bả, nó thực sự ấn tượng, độc đáo và rất gần gũi theo một cách hơi lắt léo và nhỏ nhen của cuộc đời. Và khi cả một cuộc đời oanh liệt của Kiều Phong khép lại, có nét gì đó bi tráng nhưng không hề đau lòng như mình đã tưởng tượng. Ít nhất thì khi dám để một anh hùng của mình chết ngắc, Kim Dung đã tạo ra sự khác biệt.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo