Một số suy nghĩ về truyện Kim Dung (phần 2)

 

Về xạ điêu tam khúc

1. Anh hùng xạ điêu

Anh hùng xạ điêu là tác phẩm của Kim Dung mà mình chưa từng xem phim nhưng đối với hệ thống nhân vật và chi tiết trong truyện thì ít nhiều đã quen thuộc, vậy nên nội dung truyện có thể xem là vừa mới vừa cũ và nó tạo ra cái nhìn đa chiều hơn về những nhân vật mình đã biết.

Mình nghe đồn Quách Tĩnh võ công thượng thặng nhưng tính cách đơn giản, thuần phác. Ôi chao đọc truyện Kim Dung mới thấy “đơn giản, thuần phác” chỉ là nói giảm nói tránh và nhân vật bị dìm như gì. Bản thân ngoại hình của Quách Tĩnh chưa bao giờ được khen, chỉ nói là hán tử to cao, mắt to mày rậm, hết, trí tuệ của hắn thì bị chê nát nước. Ngu xuẩn, chậm chạp, thiên tư có hạn, ngốc nghếch,….từ ngữ nào ám chỉ sự đần độn của Quách Tĩnh đều có cả. Đối với việc học võ thì Quách Tĩnh xịn hơn so với việc học văn, nhưng so với những nhân vật khác trong truyện thì hắn cũng thua kém nhiều. Khán giả như mình vô cùng đồng cảm với Quách Tĩnh. Nói chứ đọc đến chi tiết nhân vật chỉ cần nghe qua đã hiểu, không cần dạy cũng đã tinh tường, nghe ngứa gan chết được. Người bình thường là phải như Quách Tĩnh, mấy cái bí kíp đó phải dạy mới biết chứ, mà mới dạy sao nhớ ngay được, lại còn đòi mới tập một lần đã đúng, rõ nhiều chuyện. Bản thân mình thấy Quách Tĩnh cũng có chỗ ngu, đó là tin người quá đáng và không biết biện bạch cho bản thân, nhưng về việc hắn học võ bị chê dốt, đó chỉ là mấy ông sư phụ của hắn nhiều chuyện vớ vẩn, được voi đòi hai bà Trưng. Quách Tĩnh thật thà trung hậu, không hề tự ái khi bị chê, luôn kiên nhẫn chăm chỉ tập luyện, cái đức tính này thực sự người bình thường khó có. Và mình thấy nhân vật như Quách Tĩnh thực sự là thú vị, biết ưu điểm, khuyết điểm của bản thân, thiếu cái gì thì lấy sự chăm chỉ, cố gắng và sự chính trực, đàng hoàng để bù vào, thế nên dù tư chất không hơn ai nhưng cũng là nhân vật hổ báo cáo chồn trong võ lâm. Thực sự để viết một nam chính thông minh tài giỏi, đặc sắc khác biệt không khó, nhưng để viết một kẻ tầm thường ngốc nghếch nhưng vẫn có thể nổi bật, xuất chúng nhưng vẫn thuyết phục được độc giả, nó khó khăn hơn rất nhiều. Kim Dung tuy không bao giờ cho người đọc quên là Quách Tĩnh đần độn nhưng ông cũng khiến khán giả yêu mến sự khiêm nhường, đơn giản và lương thiện của hắn, bù qua sớt lại thì vẫn thấy nhân vật này rất hay ho, vẫn xứng đáng là nhân vật chính.

Hoàng Dung thì như cục nam châm ngược lại với Quách Tĩnh. IQ cao, cái tôi cũng ngất ngưỡng, người như vậy về lâu về dài chỉ có Quách Tĩnh mới chịu được. Hoàng Dung thực sự quá hoàn hảo, đúng là Quách Tĩnh tu ngàn kiếp mới được nàng động tấm lòng, cũng do bởi hắn gặp nàng vào thời điểm nàng thiếu thốn tình cảm nhất, coi như cũng là hắn và nàng có duyên. Hoàng Dung cái gì cũng giỏi, đã thông minh tuyệt đỉnh còn xinh đẹp nhất nhì truyện, hoạt bát lanh lợi, nói dối, mỉa mai thành thần, lại còn có tài nấu nướng, thực sự Quách Tĩnh mà không gặp được Hoàng Dung chắc đã sớm bỏ mạng ở tập 3, truyện đến đây nên đổi tên đổi dạng cho người khác là nhân vật chính. Hắn cái gì cũng nhờ nàng mà có, lại vì đã lỡ định hôn với công chúa Hoa Tranh mà làm khổ nàng hết lần này tới lần khác, đúng là sướng mà không biết thân. Bản thân mình xem Thần Điêu hiệp lữ rất ghét chi tiết Quách Tĩnh chiều vợ và luôn bị nàng lấn át, sau khi đọc Anh hùng xạ điêu thì cũng thấy nó rất hợp lý và đúng đắn. Muốn sống lâu thì phải sợ vợ, trong trường hợp của Quách Tĩnh là đúng theo nghĩa đen luôn.

Còn mấy ông Đông tà, Tây độc, Bắc cái, Nam đế, tính ra họ cũng có cái hay ho của họ, đã được Khưu Xứ Cơ phân tích và chê bôi vào cuối truyện, mình hoàn toàn đồng ý. Mỗi nhân vật trong Tứ đại cao thủ này đều có điểm hay điểm dở, điểm tào lao trong tính cách, khiến họ không toàn diện và bằng một cách nào đó, khiến khán giả như mình không hề chán ghét bất cứ ai. Như Hoàng Dược Sư đúng kiêu ngạo hẹp hòi và hơi bẳn tính, đụng cái là giận cá chém thớt một cách phi logic nhất có thể, nhưng hắn tài hoa chung tình, lại vượt lên trên đạo Khổng mạnh và sống với thế giới quan của chính mình, nó hiện đại và mạnh mẽ vô cùng. Tây độc thì lấy oán báo ơn, đánh lén kiểu gì cũng được, thủ đoạn nào cũng dám chơi, nhưng mỗi khi rơi vào hiểm cảnh lại thấy hắn vượt qua, cơ trí gian hùng, võ công cái thế, mình đọc nhưng không thể không chút ngưỡng mộ. Bắc cái thì rõ ràng là anh hùng hiệp nghĩa, nhưng lại tham ăn đến mức mê muội, đệ tử trong bang lập công chỉ được dạy vài chiêu bí kíp, còn Hoàng Dung Quách Tĩnh chỉ cần có đồ ngon thì bao nhiêu chiêu lão cũng dạy. Giả như Âu Dương Khắc có một tì thiếp biết nấu ăn ngon hơn Hoàng Dung, liệu cha nội Hồng thất công có dạy Hàng long thập bát chưởng cho hắn? Nam Đế thì thôi, đạo đức, khí độ phi phàm, mà phi tử mình yêu cũng không biết cách thể hiện tình cảm, để đến khi người ta đi theo trai mới bàng hoàng ngã ngữa. Hắn vì chuyện riêng tư bỏ cả quốc gia đại sự để đi tu, tính ra cũng chán chết. Bản thân mình thấy Đoàn Chính Huy vì ghen tuông mà không cứu một đứa trẻ vô tội là một điều ác, nhưng nó phù hợp với tâm lý, hoàn cảnh của nhân vật. Người ta lúc đó vẫn chỉ là người thường, không phải thánh, bảo buông là buông ngay sao được.

Nói vậy chứ cảm nhận của mình về Chu Bá Thông đổi chiều sau khi đọc Anh hùng xạ điệu. Lão ngoan đồng thực ra là trai đểu thứ thiệt, còn đểu hơn cả Đoàn Chính Thuần. Hắn vô tình hữu ý dan díu với cung phi của vua, nói toẹt ra là ngoại tình với phụ nữ có chồng, chơi chán xong rồi rũ áo bỏ chạy, có con rơi cũng không biết. Hắn ăn vụng xong không dám ở lại lãnh trách nhiệm đã bay nhảy vui chơi chỗ khác, coi như số phận của một người phụ nữ kia muốn ra sao thì ra, người đời muốn chê trách sao thì chê trách, hắn không biết không hỏi. Đã thế khi nói chuyện với Quách Tĩnh, hắn không hề hối hận khi phụ bạc Anh Cô, lại đi hối hận vì trải qua nữ sắc ảnh hưởng đến việc tu tập võ công, coi người ta như cỏ rác giữ chân hắn lại, ôi chao sao mà bạc bẽo. Mợ Anh Cô thì bị tình nhân ruồng bỏ lại không trách, vứt cả tự trọng đi theo cầu kéo. Con mình bị ai đánh chết cũng không truy tìm tung tích mà chỉ chăm chăm đi báo thù ông chồng bị mình cắm sừng, tính ra thì bả cũng hợp nết Chu Bá Thông ghê lắm.

Bản thân mình không ghét nhân vật Dương Khang, kể cả khi hắn nhận giặc làm cha. Có thể trong truyện kiếm hiệp thì khác, nhưng đặt trong hoàn cảnh của Dương Khang, hắn từ nhỏ chỉ biết Hoàn Nhan Hồng Liệt là cha của mình, cha hắn tôn quý, hiểu biết, yêu thương mẹ con hắn, mọi thứ hắn có đều từ cha. Đối với hắn, Hoàn Nhan Hồng Liệt không có ơn sinh thành nhưng cũng có ơn dưỡng dục. Hắn chạm mặt Dương Thiết Tâm vài lần, chả lần nào tốt đẹp, bảo hắn bụp phát từ Hoàn Nhan Hồng Liệt rồi nhận Dương Thiết Tâm làm cha thực sự quá vô lý và khiên cưỡng, con người ta còn chưa kịp shock phản vệ thì cha mẹ ruột đã tự tử (lại thêm một cặp đôi thích chết chung mà không thèm đoái hoài gì con cái). Kể cả khi biết chính Hoàn Nhan Hồng Liệt là hung thủ gây ra bi kịch cho cha mẹ mình, Dương Khang cũng vì vinh hoa phú quý mà bỏ qua, đó là cũng bởi hắn được nuôi dạy như vậy. Ủa chớ giờ muốn hắn làm gì, cưới Mục Niệm Từ rồi về quê cày ruộng nuôi heo à? Dương Khang đương nhiên xấu tính và ác ôn, nhưng mọi hành động hắn làm đều “hợp lý”, và truyện cần nhân vật phản diện. Nếu có một chút gỡ gạc cho nhân vật, đó là hắn thực lòng có tình cảm với Mục Niệm Từ (không nhiều bằng nàng đối với hắn), bằng chứng là sau khi hốt được cô này rồi vẫn cầm chiếc giày định hôn của nàng bên người, để rồi đó bị Hoàng Dung thi triển Conan thần thám để phá án giải oan cho Hoàng Dược Sư. Còn Mục Niệm Từ mê muội Dương Khang thì khỏi nói, ai trong thế giới của Kim Dung chẳng yêu đương bất chấp? Hắn tốt cũng được, xấu cũng được, nghèo cũng được, sang cũng được, nàng đã lỡ yêu hắn, chỉ còn cách tự mình chịu khổ. Ngu thì ráng chịu, biết sai nhưng vẫn đâm đầu vào là một trong những đặc trưng của rất nhiều nhân vật trong thế giới võ hiệp của Kim Dung chứ không phải chỉ có mình nàng. Cả đời Mục Niệm Từ từ lúc gặp Dương Khang thì quyết định nào cũng sai, nhưng cái sai nhất là không kể cho Dương Quá nghe về cha ruột của hắn. Kể cả khi nhắm mắt xuôi tay cũng chỉ biết ngậm mỏ làm thinh, nửa đường đời của Dương Quá vất vả cũng một phần là bởi khúc mắc này của Mục Niệm Từ.

2. Thần Điêu Đại Hiệp

Thần Điêu Đại Hiệp mình từng xem 2 bản của Lý Nhược Đồng và Lưu Diệc Phi, điểm chung của hai phiên bản là mình đều ghét cay ghét đắng Quách Phù và Hoàng Dung. Thời thế chuyển dời, nữ thanh niên hiện đại ghét motif cũ đã có cái nhìn mới mẻ hơn và các nhân vật chính diện và phản diện trong phim, đặc biệt và sau khi đọc cả phần Anh hùng xạ điêu là phần prequel của Thần Điêu đại hiệp.

Người ta nói nhân vô thập toàn, mấy ông già ngũ tuyệt sống cả đời còn sứt trên mẻ dưới, huống hồ Hoàng Dung. Trong Anh hùng xạ điêu, nàng được Kim Dung viết ra gần như là hoàn hảo, không có chỗ chê trách, nên trong Thần Điêu đại hiệp, Kim Dung viết cho nàng thành một người mẹ tồi, có khi để xóa bớt cái hoàn hảo đó đi. Quách Phù sinh ra ngoài nhan sắc xinh đẹp của mẹ thì còn lại toàn được hưởng khuyết điểm của cả hai ông bà: sự ngu ngốc của Quách Tĩnh và tính tự cao tự đại của Hoàng Dung. Đã vậy còn thêm Hoàng Dung che chở cho lỗi lầm của con hết lần này đến lần khác nên Quách Phù đã ngu lại còn hung hăng, tính nết nàng xấu xa như vậy thì lỗi đến 8/10 là do mẹ. Vì được ông bà và công đức của phụ huynh độ lại nên nàng gây nghiệt nhưng vẫn là thiên kim, không sợ bị nghiệp quật, lại thêm một tấm chồng ngon nghẻ chịu đựng được nàng, Quách Phù và một ví dụ của Đoàn Dự, nghĩa là ông trời không có công bằng. Quách Phù ngốc đến mức không biết mình thích Dương Quá, cái này chắc còn ngốc hơn cả Quách Tĩnh. Nhưng nghĩ đến việc một người như Đoàn Chính Minh làm hoàng đế mà chỉ vì ghen tuông đã bỏ mặc một đứa trẻ sơ sinh chết thảm, thì việc Quách Phù làm khi nàng ghen tuông thực sự còn hiền lắm, không thể so sánh được. Bản thân mình có chút cảm thông cho nhân vật chứ không còn ghét một chiều như trước. Tuy nhiên vẫn có ghét.

Còn việc Hoàng Dung có ác cảm với Dương Quá, sau khi đọc Anh hùng xạ điêu thì có thể hiểu được. Chồng con thì ngu ngốc đơn giản, nếu nàng không đa sự lo lắng cho họ thì ai lo? Dương Quá ngay khi xuất hiện đã mở lời nói dối, hành tung mờ ám, lại còn chơi đêm với Âu Dương Phong, ấn tượng ban đầu xấu như vậy thì bảo Hoàng Dung tin tưởng Dương Quá còn khó hơn lên trời. Người thông minh, tài trí ai cũng đa nghi, càng thông minh càng đa nghi, hơn nữa người tự cao thông minh thường không thích người thông minh như mình, nên Hoàng Dung ghét Dương Quá cũng hợp lý, ít nhất trên phương diện con người. Thực ra Quách Tĩnh – Hoàng Dung cũng giống như Dương Quá – Tiểu Long Nữ, Hoàng Dung, Dương Quá thông minh nhanh nhẹn, giỏi đoán tâm cơ còn Quách Tĩnh, Tiểu Long Nữ đơn thuần, hướng thiện. Cái khác là Dương Quá không thông minh như Hoàng Dung còn Tiểu Long Nữ đỡ ngu hơn Quách Tĩnh nhưng cái sự bù trừ, bổ khuyết của hai cặp này là tương tự nhau. Hoàng Dung tuy là người mẹ dỏm nhưng toàn tâm toàn ý suy tính cho chồng con, nàng có ý đề phòng Dương Quá là đúng, nhưng sau khi được Dương Quá năm lần bảy lượt cứu mạng hết lần này tới lần khác nhưng vẫn còn đề phòng, quả thực là hơi khó tin. Sự thông minh thái quá của Hoàng Dung và sự nhiệt tình ngu dốt của Quách Phù đã tạo ra bao nhiêu nút thắt cho phim, chứ tuyến nhân vật phản diện chả làm được cái màu gì.

Chưa từng thấy một bộ võ hiệp nào mà tuyến nhân vật phản diện lại nhợt nhạt như Thần Điêu đại hiệp. Kim Luân pháp vương tuy là đệ nhất Mông Cổ mà lần nào xuất hiện cũng chỉ để bị thua, nhục không ngóc mặt lên được. Như trong Anh hùng xạ điêu, phía phản diện có Âu Dương Phong vừa gian vừa giỏi, Hoàn Nhan Hồng Liệt lươn lẹo khôn ngoan, Dương Khang tuy võ công í ẹ nhưng mưu sâu kế hiểm, Cừu Thiên Nhận hơi nhạt nhưng ít nhất cũng đánh Hoàng Dung sém chết. Còn trong Thần Điêu đại hiệp, tuyến phản diện gần như chỉ làm nền và gần như mọi mâu thuẫn, bi kịch của nam nữ chính đều do chính họ và phe chính diện tạo ra. Nói ra thì ác khẩu nhưng Dương Quá và Tiểu Long Nữ chia xa với nhau 16 năm có khi là trả nợ đời do họ gieo. Trong khi Tiểu Long Nữ bị tác động chút thì ngay lập tức bỏ Dương Quá đi mà không cho em nó một lý do, khiến Dương Quá xách dép đi tìm hết lần này tới lần khác, gặp cô nào thì tán tỉnh cô đó, bởi cô đó có nét gì hao hao với cô cô của hắn. Vì tính nết hạ lưu của mình mà Dương Quá hại đời 4 cô nương xinh xắn, tốt nết không có được hạnh phúc nửa đời sau, Dương Quá thì đa đoan còn các cô nương kia thì cố chấp. Còn chị Tiểu Long Nữ, biết là chị ít nói ngây ngô, nhưng không phải cứ có vướng mắc gì là có thể giải quyết được bằng cách biến mất. Suốt ngày nói thương Quá Nhi mà cứ ưng là giã biệt, không cần biết em nó đau khổ, nhớ thương, chung tình. Những vướng mắc của cả hai nếu chỉ cần nói ra thôi là đã tự giải quyết được rồi, đâu cần chị 4 lần mất tích?

Dẫu có cực đoan và đôi lúc sến kinh khủng, chuyện tình Dương – Long thực sự làm nên Thần Điêu Đại hiệp. Mỗi khi mình đọc tới cảnh Dương Quá – Tiểu Long nữ được ở bên cạnh nhau, câu chuyện trở nên sinh động, hiền hòa và yên bình hơn, y như thế giới chiến tranh, đấu đá, thị phi, hận thù xung quanh đều không còn tồn tại nữa. Mình đã rất bất ngờ bởi sự trong sáng, chân phương và hay ho trong những trang viết đó, nó thực sự có một không khí rất khác so với phần còn lại của truyện, ấm áp hơn, dễ chịu hơn và mình không thể không mong muốn hai người được sống hạnh phúc bên nhau.

Bản thân mình không thấy Dương Quá nửa chính nửa tà ở đâu. Xét đến cùng chỉ có việc hắn muốn cưới sư phụ mình làm thê tử là việc trái với luân thường đạo lý thời đại đó, ngoài ra những việc khác Dương Quá làm, mình chẳng thấy có gì “tà” cả. Hắn có thể hơi nóng nảy trong việc quy kết Quách Tĩnh về cái chết của cha mình, nhưng đó cũng là bởi hắn còn trẻ, chưa thấu đáo và cũng như Hoàng Dung, có sự đa nghi nhất định. Còn lại, toàn thấy Dương Quá làm việc tốt, đi cứu người, đi giết giặc, đi hòa giải mâu thuẫn hôn nhân gia đình, thiên hạ cứ vu vạ cho hắn chữ “tà”, mình thấy vô lý.

Vậy nên để một người tốt lành như Dương Quá và Tiểu Long nữ phải chịu bao nhiêu khổ sở vất vả mới tới được với nhau, tính ra cũng hơi ác. Tuy nhiên nếu ngẫm lại, sự việc này dẫn tới sự việc kia, từ việc xấu đến việc tốt. Nếu Hoàng Dung nếu không nghi kỵ Dương Quá thì chàng sẽ không được đưa tới phái Toàn Chân học đạo, sẽ không gặp được Tiểu Long Nữ. Nếu Tiểu Long Nữ không hiểu nhầm là mình thất thân với Dương Quá thì nàng sẽ không bao giờ mở miệng muốn làm thê tử của chàng, hai bên như thế có khi vài năm sau chưa định nghĩa được tình cảm của mình. Nếu Quách Phù không chém đứt cánh tay Dương Quá thì chàng đã không thể lên núi tu luyện cùng con điêu mập. Nếu Dương Quá và Tiểu Long Nữ không chia lìa 16 năm thì chàng không thể luyện được võ công thượng thừa, không được gặp lại Quách Tương. Nhân duyên tương ngộ, việc xấu chưa hẳn xấu, việc tốt chưa hẳn tốt.

Nhân vật đáng thương nhất trong truyện: Gia Luật Tề, một thanh niên tử tế, văn võ song toàn đã hốt trúng một cô vợ chỉ có vỏ ngoài xinh đẹp, còn lại thì thùng rỗng kêu to, tính tình nóng nảy ngang ngược, khó chịu ồn ào, nông cạn, cãi cùn và vô cùng đần độn, mà lại hóa ra còn không yêu thương gì mình.

3. Ỷ Thiên Đồ Long kí

Thế hệ mình ai cũng từng xem và thích mê phiên bản truyền hình của Tô Hữu Bằng và Giả Tịnh Văn, thậm chí còn chê bai, giận dữ một bài báo nào bình luận về việc phim mang hơi hướng thần tượng. Nay đọc truyện, mình thấy người ta chê phim đúng ghê. Phim tẩy trắng rất nhiều thứ so với truyện, từ việc Minh giáo không phải là một bang hội chính nghĩa bị thiên hạ hiểu lầm như trong phim, họ hành hiệp nhưng chưa thật sự trượng nghĩa và lệch pha hơi bị nhiều so với chuẩn mực võ lâm, nên bị thù oán là có lý của nó. Họ mới đúng là nửa chính nửa tà, chứ không phải Dương Quá đâu. Ngoài ra, phần tính cách thiếu quyết đoán của Vô Kỵ trong cả việc lãnh đạo lẫn tình cảm đều không được thể hiện trọn vẹn. Trương Vô Kỵ trong những trang giấy của Kim Dung không hề hoàn hảo như Trương Vô Kỵ của Tô Hữu Bằng, hắn là nhân vật nam chính mình ghét nhất từ trước đến giờ, ghét đến nỗi mình phải mất tới hai tuần mới đọc hết truyện.

Mình đã từng nghĩ Đoàn Dự là trai đểu, nhưng nếu đi so với Vô Kỵ, có lẽ Đoàn Dự còn mười phần đứng đắn, đạo đức hơn. Đoàn Dự khi gặp cô này thì quên cô kia, nhưng đã có cô kia thì trong tâm tưởng chỉ nhất nhất cô đó, còn Trương Vô Kỵ thì tơ tưởng hốt trọn 4 cô, ở bên cô này vẫn còn dây dưa với cô khác, cô nào hắn cũng hứa hẹn yêu thương, chăm sóc, hôn hít các kiểu, ôi gian manh mà bày đặt chính nhân quân tử. Cái sự mê gái của Trương Vô Kỵ thực sự rất khó chịu, phần thì bởi hắn luôn được coi là anh hùng hiệp nghĩa, thà cứ dê dê đểu đểu như Vi Tiểu Bảo thì mình cũng chẳng ý kiến gì. Xét về mặt tình cảm, Trương Vô Kỵ rất đạo đức giả. Tuy thực lòng tin Triệu Mẫn giết hại Ân Ly nhưng không thể giết nàng ta để báo thù cho biểu muội. May là thực tế là Triệu Mẫn bị đổ oan nên Vô Kỵ không giết lầm người, nhưng nếu thực tế là Ân Ly chết thực, dù bị hại bởi Triệu Mẫn hay Chu Chỉ Nhược thì có đợi ngàn kiếp Vô Kỵ cũng không báo thù cho nàng, bởi hắn còn đang bận rộn suy nghĩ xem nên ôm ấp, hôn hít cô nào mà.

Bản thân Vô Kỵ cũng có tính cách đặc sắc khi không hề giữ lại hận thù trong lòng. Mình tưởng tượng đến tình cảnh mà Ân Tố Tố chỉ mặt hào kiệt quần hùng đến bức tử vợ chồng cô ta cho con trai nghe và bảo thằng nhóc phải trả thù, giả như đứa trẻ đó không phải Vô Kỵ mà là Dương Quá, chắc võ lâm được một trận phong ba thây chất như núi rồi. Phái Thiếu lâm chắc bị diệt thật bởi mưu sâu kế hiểm của Dương Quá chứ không đùa.

Trong khi quá trình học nghệ của Quách Tĩnh và Dương Quá tương tự nhau là nhờ cơ duyên mà học được nhiều bộ võ công khác nhau và tiến bộ dần theo câu chuyện. Tuy học nhiều nhưng trong phần lớn thời gian, họ vẫn đang tiến bộ và còn thua nhiều nhân vật khác. Trương Vô Kỵ không có cái quy trình vừa học vừa luyện nói trên. Khi học xong Cửu dương chân kinh và Càn khôn đại nã vi, hắn đã đứng đầu thiên hạ. Đặc biệt quá trình Vô Kỵ học xong Càn khôn đại nã vi, Thái cực kiếm và Thái cực quyền trong thời gian siêu ngắn, đem so với Quách Tĩnh và Dương Quá cặm cụi tập ngày tập đêm, mình thực sự không thích lắm. Nói sao giờ, tại buff dữ quá nên nhân vật mất cái “relatable” với độc giả (là mình).

Việc xây dựng tính cách nhân vật Vô Kỵ đôi chỗ còn chưa nhất quán. Ví dụ như việc Vô Kỵ ngây thơ, đơn thuần vì lớn lên ở hoang đảo với nghĩa phụ và cha mẹ thì đúng, nhưng sau đó hắn gặp hết biến cố này tới lừa đảo khác, lần nào cũng là suýt mất mạng nhưng vẫn cứ bị người này tới người khác lừa, thực sự rất khó tin. Kể cả hai việc mẹ hắn dặn trước lúc mất, hắn không làm được một việc nào cả. Hắn đôi khi ngờ nghệch tới mức không hiểu được nỗi lòng ghen tuông thường tình của Triệu Mẫn và Chu Chỉ Nhược nhưng lại đủ tinh tế để ngẫm ra cái lý do Ân Ly chỉ yêu phiên bản Trương Vô Kỵ cắn vào tay nàng mà không yêu phiên bản Trương Vô Kỵ anh hùng nghĩa hiệp, giáo chủ Minh giáo, dù hai người này là một. Điều này thực sự rất vô lý. Việc nhân vật cứ giả trang ăn mặc tồi tàn, bôi đen mặt mũi rồi khi có “sự vụ” nào đó thì ra tay hiển lộ võ công cái thế để cứu giúp cứ lặp đi lặp lại hoài, đọc riết cũng ngán.

Truyện Kim Dung nhìn chung còn nhiều điểm hạn chế mang xu hướng thời đại và mỹ quan cá nhân. Kim Dung có thể viết nên nhiều nhân vật nam anh hùng với những nét đặc trưng khác nhau, nhưng đối với các nhân vật nữ, ông viết không đặc sắc bằng. Đặc biệt là về mặt ngoại hình đều da trắng, mảnh dẻ, thướt tha, đi lê lết mười ngày ngoài đường hoặc đánh đấm mạnh mẽ bùm bùm xong vẫn thơm như lan như huệ. Ngoài cặp nam chính – nữ chính còn có cái giai đoạn phát triển tình cảm để trọn đời bên nhau, những cuộc tình phụ của nam chính cùng dàn harem của hắn thì vô cùng tào lao. Ví dụ như việc Công Tôn Lục Ngạc mê Dương Quá cũng chỉ bắt nguồn từ việc hắn nói chuyện và khen cô ta xinh một cái. Hết. Chỉ vì một câu khen đó khiến Lục Ngạc năm lần bảy lượt giúp chàng ta, cuối cùng thì mất mạng. Mình thậm chí còn không rõ tại sao Trình Anh thích Dương Quá luôn. Về lý thuyết thì Hoàn Nhan Bình mới có lý do để yêu Dương Quá nhiều hơn nhưng cô này may mắn gặp người khác chứ không ở giá trong vô vọng như Lục Vô Song, Trình Anh và Quách Tương, nên mình thấy câu chuyện nó không được có lý cho lắm. Còn trong Ỷ Thiên Đồ Long kí, Triệu Mẫn sẵn sàng vứt bỏ cả dân tộc, gia đình để đi theo trai, thực sự rất khó chấp nhận, đặc biệt khi người đó còn chẳng rõ là có yêu nàng hay không. Vô Kỵ thì rõ là anh giai xịn nhất võ lâm thời đó, nhưng đối nghịch với người Mông Cổ, với cha và anh nàng, hắn lại còn ghét nàng, hứa hôn với người khác, vậy mà nàng vẫn cứ đâm đầu vào. Cả truyện không thấy nói đến việc Triệu Mẫn nghĩ đến cảnh người Mông Cổ đô hộ người Hán là sai trái và nàng xót thương gì cho người Hán cả, việc nàng vứt bỏ danh vọng, địa vị, trở mặt đối đầu với người thân ruột thịt của mình chỉ đơn giản là vì tình yêu, nói gì thì nói, rất ngu ngốc. Nhân vật Triệu Mẫn vì thế trở nên vô cùng kém cỏi và rất tầm thường.

Một trong những chuyện tình mình thấy có vấn đề nhất trong truyện Kim Dung là Ân Lê Đình và Dương Bất Hối. Trước hết phải kể đến mối tình của Dương Tiêu và Kỷ Hiểu Phù. Việc ma giáo – chính giáo mình không muốn nói tới, kể cả việc Hiểu Phù được hứa hôn cho Ân Lê Đình cũng không cần đề cập vì chưa chắc nàng ta đã yêu thương gì vị Lục hiệp phái Võ Đang kia, nhưng mà truyện ghi rõ là vì Dương Tiêu cưỡng bức nên Kỷ Hiểu Phù mới thất thân, từ đó sinh ra Bất Hối. Dương Tiêu tuy phí phách ngời ngời nhưng tuổi tác chắc gấp đôi Hiểu Phù, lại còn cưỡng bức nàng ta, Kim Dung lại viết sau đó nàng yêu Dương Tiêu, sinh con cho hắn nhưng không hề hối hận. Đọc thấy sai sai vãi. Cái này là lãng mạn hóa tội hiếp dâm hay Kỷ Hiểu Phù bị Hội chứng Stockholmes?

Như chưa hết kỳ cục, Kim Dung viết Dương Bất Hối yêu thương và muốn lấy Ân Lê Đình. Ôi tui nói nó ghê gì đâu. Ân Lê Đình mỗi lần nhìn thấy Bất Hối đều như nhìn thấy hình bóng Kỷ Hiểu Phù, vậy đây là lấy con thay cho mẹ, ông ta có thực lòng yêu thương Bất Hối đâu. Còn em gái Bất Hối, có thể vì lâu ngày chăm sóc cho ông kia nên nảy sinh sự thương hại, kết hợp với sự áy náy với tội lỗi của cha mẹ mình nên biến thành tình cảm, nhưng nàng rõ ràng biết là Ân Lê Đình trước sau chỉ có hình ảnh mẹ nàng trong lòng nhưng vẫn tình nguyện làm vật thế thân, như thế không đáng thương hay sao? Còn cha nội Dương Tiêu thấy hôn phu cũ của người tình kết hôn với con gái của mình mà cũng chịu? Không ai thấy cuộc hôn nhân này có vấn đề à?

Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo