Về Field of Dreams (1989)
(Spoiler Alert)
Hóa ra đúng như những gì
người ta vẫn thường nói, Field of Dreams là một bộ phim sến súa nói về bóng
chày. Nhưng nó không phải là một bộ phim sến thông thường, Field of Dreams có
sức mạnh của một trăm tấn hành đã được thái nhỏ, tức là dễ khiến người ta khóc
lóc ỉ ôi chỉ trong nháy mắt. Bộ phim có rất nhiều thông điệp, và chỉ cần cảm
nhận được một trong những thông điệp đó, đồng cảm với ước mơ và mong muốn của chỉ
một trong các nhân vật, mình nghĩ nó đã đủ khiến người xem không phân biệt già
trẻ giới tính khóc sướt mướt. Biết sao giờ, nói một cách cao siêu và cực kỳ sáo
mòn, ai trong đời cũng có một hoặc nhiều điều hối tiếc trong quá khứ mà ta
không làm gì để sửa chữa được, Field of Dreams chỉ đơn giản là một sân bóng
chày kỳ diệu có thể giúp các nhân vật trong phim xóa bỏ được những điều hối
tiếc đó, tiếp tục giấc mơ dang dở của họ. Và vì vậy, khi nhìn những con ma được
chơi bóng, khán giả cảm thấy ấm lòng và có thêm chút hy vọng hơn vào cuộc đời
bế tắc của họ. Nghĩ mà xem, nếu mười mấy con ma có thể chờ vài chục năm để được
tiếp tục mong ước được chơi bóng, mình cũng có thể. Mình chỉ cần chết, chờ đợi
thời thế đổi khác, biết đâu mình có thể trở thành tỷ phú Vietlot.
Câu chuyện bắt đầu từ anh
nông dân Ray Kinsella ở Iowa trong một ngày đẹp trời bỗng nghe được một tiếng
nói lạ thì thầm bảo anh phải xây một sân bóng chày. Là một người bình thường
với Daddy Issue to đùng, đương nhiên anh này không đi khám tâm thần (ai lại đi
khám chỉ vì nghe thấy vài tiếng nói trong đầu chứ) mà quyết định phá ngô trên
cánh đồng nhà mình để xây dựng một sân bóng chày thật. Có những điều trong cách
Ray nói về mong ước của ảnh rất giống như nỗi sợ của mình và nó giống như như
mong muốn và nỗi sợ của hầu hết con người. Lý do anh này đưa ra cũng khá thuyết
phục: ảnh chỉ muốn “tự phát” một lần trong đời và không muốn kết thúc cuộc đời
như ông già mình, đó là chỉ sống mà không theo đuổi ước mơ. Sự thật nếu mình là
Ray, mình cũng sẽ xây cái sân đó, cho dù ý tưởng đó có điên khùng, vô lý và ngu
si như thế nào. May mắn cho Ray, phía sau anh là sự ủng hộ của bà vợ hiền Annie
và cô con gái Karin. Để xây dựng và duy trì cái sân bóng vô tích sự ấy, hai vợ
chồng đã dùng toàn bộ tiền tiết kiệm và đẩy nông trại nhà mình tới bờ vực phá
sản. Nhưng những sự chi xài vô căn cứ ấy hóa ra lại không hề vô nghĩa, hồn ma
của Shoeless Joe Jackson đã ghé sân nhà họ.
Ít ngày sau, nhiều hồn ma
khác cũng kéo tới sân nhà anh nông dân để chơi bóng, và đương nhiên, theo lý lẽ
của phim, chỉ có Ray và gia đình anh là thấy được. Chỉ cần thấy những con người
của quá khứ đang hồn nhiên chơi bóng trước mặt, mọi do dự, lo lắng về kinh tế,
phá sản này nọ đã không còn nữa, Ray quyết định giữ sân bóng bằng mọi giá.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ, giọng nói ma ám trong đầu Ray lại có thêm một thông
điệp khác. Để giải đáp cho thông điệp này, anh chàng Ray lại bỏ vợ, bỏ con (bên
bờ vực vô gia cư) đi tìm nhà văn Terrence Mann, rồi lại cùng ông nhà văn này đi
tìm ông bác sỹ già Graham, cuối cùng lại chỉ gặp được hai hồn ma một già một
trẻ của ông bác sỹ. Chuyến hành trình của Ray không chỉ giúp ông nhà văn “mở
mắt”, giúp hồn ma trẻ của ông bác sỹ đạt được mơ ước, chuyến hành trình còn
giúp Ray thú nhận cái Daddy Issue của mình và đối diện với sự tiếc nuối của bản
thân về cách anh đối xử với ông cha già.
Những nhân vật gắn bó với
cái “Field of dreams” ấy của Ray, đương nhiên họ cũng có mơ ước, nhưng theo
mình nghĩ, thứ khiến họ có mặt ở sân bóng, hy vọng, bấu víu lấy nó chỉ đơn giản
là sự nuối tiếc. Tất cả bọn họ đều đã sống đủ cuộc đời của mình, và trong cuộc
đời đó, họ đều có những sai lầm, những khoảnh khắc họ ước mình đã không hành
động như thế, để rồi kết cục cuối cùng chỉ là sự hối hận vô biên. Nỗi hối hận
lớn lao đến nỗi chết ngắc ngắc rồi mà họ còn không chịu siêu thoát, rồi mấy
chục năm sau phải đi ám anh nông dân nhà nghèo Ray. Cái sân bóng ấy không phải
đại diện cho ước mơ, nó là mong mỏi chuộc lại lỗi lầm, lấy lại những sự nuối
tiếc thời trẻ mà họ ước mình đã có thể làm khác hơn, chỉ thế thôi. Sân bóng của
những con ma, đó là ““Field of regrets”, còn sân bóng của Ray, nó mới thực sự
là “Field of dreams”, bởi chính những hồn ma bóng quế vật vờ chơi bóng chày
trong nông trại nhà Ray đã thực sự thắp lên ước mơ cho anh, và cho người xem
(bởi vì chỉ có người đang sống mới thực sự có thể thực hiện ước mơ nhé). Bằng
một cách sến rện và đầy triết lý bác học của một phim tâm lý xã hội ngày xưa,
những câu chuyện được kể trong phim mang cho người xem sự đồng cảm và buồn bã
chính hiệu.
Đầu tiên phải nhắc đến
Shoeless Joe Jackson. Là một người chỉ biết đến thứ bóng chày “thậm xưng” trong
truyện tranh Nhật Bản, mình thừa nhận mình không biết tí gì bóng chày luôn. Sau
khi kiểm tra wiki và lười biếng thừa nhận mọi thông tin bộ phim cung cấp là
đúng, mình biết được Shoeless Joe Jackson là một nhân vật có thật trong lịch
sử. Được công nhận là một trong những cầu thủ bóng chày vĩ đại nhất trong nền
bóng chày Mỹ, thế nhưng tên tuổi của Shoeless Joe Jackson lại gắn bó với
xì-căng-đan bán độ tại giải World Series 1919. Thì đúng là mình không biết gì
về bóng chày, nhưng khi một danh hiệu đã được gắn với chữ “world”, mình nghĩ nó
hẳn phải rất danh giá. Thế nhưng ông này và bảy đồng đội bị cáo buộc nhận tiền
của đám cá độ để dàn xếp kết quả trận chung kết, hậu quả là bị cấm thi đấu
chuyên nghiệp vĩnh viễn. Bây giờ người ta vẫn còn tranh cãi là Shoeless Joe
Jackson có thật sự bán độ hay không. Theo bộ phim thì ổng đã nhận tiền nhưng
vẫn thi đấu hết sức, không làm gì để đội bóng bị thua cả. Mình cho đây là hành
động láo toét nhất chưa từng có. Nếu có thứ gọi là đạo đức, là mơ ước, là khát
vọng được bước tới đỉnh cao của một vận động viên, chẳng ai trong số họ đã thực
hiện hành vi bán độ hết. Và nếu thực sự đã cam kết bán độ rồi thì cũng nên làm
cho đến nơi đến chốn chứ. Ai đời ngậm miệng ăn tiền rồi còn bày đặt tinh thần
thể thao trỗi dậy, chơi cống hiến hết sức, để cuối cùng không ai biết ổng muốn
gì, có thực sự bán độ hay không. Bộ phim không thực sự nói trắng đen ý kiến của
mình, nhưng nó rõ ràng bênh vực Shoeless Joe Jackson thấy rõ khi xây dựng ông
này là một cầu thủ xuất sắc, là thần tượng của cha Ray, một con người yêu bóng
chày vô hạn, tùm lum tùm la, Joe có vẻ là một người tốt. Nhưng đối với mình ấy
à, cho dù bộ phim có tô hồng Joe nhiều thế nào, nhưng khi ông ta đã nhận tiền,
cho dù có cố tình chơi thua hay không, ông cũng đã bán độ, tức là đã phản bội
chính mơ ước của mình.
Cái giá mà Shoeless Joe
Jackson và bảy người đồng đội của ông phải trả là vô cùng hợp lý và đắt đỏ. Họ
kết thúc sự nghiệp đỉnh cao của mình bằng một vết nhơ không thể gột rửa, niềm
hạnh phúc trên sân bóng cũng vì thế không còn nữa. Việc cấm thi đấu vĩnh viễn
là một đòn giáng mạnh vào Joe, bởi vì ông rõ ràng là vẫn còn yêu bóng chày rất
nhiều. Mình xem phim thì cứ tưởng tượng đến hồn ma của Joe, vận nguyên bộ đồng
phục quý giá, lang thang khắp bang này qua bang khác, vật vã, lờ đờ, cuối cùng
mấy chục năm sau lạc tới cái sân bóng chày bỏ hoang của anh nông dân Ray. Và
kinh hơn cả phim The Sixth Sense, cả gia đình nhà anh Ray này không những không
sợ ma mà còn mời Joe khi nào rảnh cứ ghé qua thoải mái. Người ta đã mời thì
mình không khách sáo, Joe rủ những người đồng đội bán độ của anh cùng tới. Cũng
giống như Joe, những người đồng đội của anh đều áy náy đến mức chả ai mồ yên mả
đẹp.
Để có thể chơi một trận
đấu thực thụ, có thêm nhiều hồn ma của các danh thủ bóng chày tới. Họ tới vì lý
do gì thì mình không rõ, có thể chỉ đơn giản giống như Joe, họ muốn chơi bóng
chày thêm một lần nữa, chơi bù cho cuộc đời thật đã bị chính họ phí hoài, chơi
bù để chuộc lại những sai lầm trong quá khứ, chơi để tìm lại giá trị của bản
thân, chơi chỉ để chơi,... cái mà mình chắc chắn, lần này họ chơi một trận đấu
vì chính đam mê của mình, một trận đấu chân thật, giản đơn, không toan tính, và
không bị bất cứ điều gì xấu xí của cuộc đời can thiệp vào nữa. Đó chính là mặt
tốt của việc trở thành một con ma. Và căn cứ vào số lượng ma bóng chày tới sân,
mình cá không bộ môn thể thao nào dám qua mặt bóng chày trong cái khoản “ám”
người.
Về nhà văn Terrence Mann,
mình không biết suy đoán Terrence Mann là một nhân vật dựa trên J.D Salinger có
đúng không, nhưng họ chắc chắn có nhiều điểm tương đồng. Ông Terrence Mann này
có một tác phẩm nổi tiếng, nghe qua thì có vẻ giống như một “Bắt trẻ đồng xanh”
thứ hai, khi nó là một làn gió mới, được đón nhận, bị phỉ nhổ, gây tranh cãi
không ngừng trong suốt nhiều thập kỷ sau đó rằng nó là nghệ thuật hay văn
chương rẻ tiền. Quyển sách của Mann ảnh hưởng sâu rộng đến những thanh niên trẻ
trâu như vợ chồng Ray ngày xưa, khiến ông này chìm trong áp lực của chính sự
thành công của tác phẩm. Và thêm với sự thất vọng gì đó của cuộc đời và thế hệ
trẻ mà chỉ những người già mới đủ sức hiểu, Terrence Mann giải nghệ, lui về
viết phần mềm tương tác cho trẻ em. Không hiểu bằng tư duy logic nào mà Ray
nghĩ Terrence Mann chính là đối tượng mà lời thì thầm trong tai anh hướng tới.
Sau đó thì mối quan hệ giữa ông nhà văn và bóng chày dần dần được mở ra, thế
nhưng mình vẫn không bao giờ thấy thuyết phục bởi những kết nối này. Và như một
lẽ tất yếu của người bình thường, mình không hiểu, mình chẳng thấy hay. Toàn bộ
đường dây về Terrence Mann trong phim, đối với mình, nó khiên cưỡng và chưa
thuyết phục. Như việc ông thu mình lại, thất vọng về độc giả, mình hiểu được.
Ông ham hố đi theo Ray mà chẳng cần lý do chính đáng nào, mình cũng hiểu được.
Nhưng mình không hiểu ông ta có điều gì mong mỏi ở cái sân bóng chày đó, rằng
bài diễn thuyết “People will come” xuất phát từ đâu, rằng tại sao ông ta lại
được Shoeless Joe Jackson mời vào đồng ngô, rằng ông ta có trở lại không? Mình
thực sự không hiểu được.
Có giả thuyết rằng
Terrence Mann thực sự đã chết và kẻ mà Ray gặp và “tha” về nhà chỉ là hồn ma
của ông. Mình chẳng thực sự quan tâm Terrence còn sống hay đã chết, mình chỉ
thực sự muốn biết ông nhà văn cần gì ở cánh đồng đó. Mỗi con ma ở sân bóng hay
chính anh chàng Ray, ở bọn họ ít nhiều đều cần cái sân bóng ấy để giải tỏa, để
hy vọng, để an ủi bản thân, mình hiểu tại sao họ muốn chơi bóng chày, mục đích
của họ là gì. Còn Terrence Mann, mình chẳng biết ông đến đó làm gì. Để ông ta
thấy được chuyện siêu nhiên, thắp lên hy vọng vừa lụi tàn nào đó và bắt đầu
viết trở lại? Chỉ đơn giản như vậy hay còn có nguyên nhân khác cao quý hơn mà
người tầm thường như mình không hiểu được? Hoặc là biên kịch chỉ cần một ai đó
đủ hùng hồn để truyền tải bản thông điệp “People will come” ở cuối phim.
Nhiều ý kiến cho rằng bài
diễn thuyết “People will come” là một trong những bài diễn thuyết về thể thao
hay nhất trong các phim điện ảnh, mình cho như thế là không đúng. Nó chẳng liên
quan gì đến thể thao cả, nó chỉ là một bài diễn thuyết để anh chàng Ray đứng ra
chọn lựa giữa ước mơ và thực tại. Khi anh nông dân đứng bên bờ vực phá sản, một
bên là một tiếng nói lý lẽ từ thực tế kêu gọi anh phải bán nông trại, bán cả
sân bóng chày để giữ lại một chút ít tiền cho vợ con; một bên là tiếng nói từ
ước mơ nói anh phải giữ lấy cánh đồng, rồi mọi người sẽ tới và trả tiền cho
anh. Cứ gọi mình là con quỷ vô cảm hay gì cũng được, nhưng mình thấy Ray quá
chi là ngu khi nghe theo tiếng nói từ giấc mơ. Nếu tỉnh táo và cân nhắc, sự
thật hiển hiện trước mắt mình thì Ray là một anh chồng không biết làm kinh tế,
vì một phút bốc đồng đã khiến cả gia đình nguy khốn. Anh có vợ, con nhỏ và có
vẻ như không thực sự có trách nhiệm gì lắm, mặc dù rất yêu thương họ. Đứng ở
góc nhìn bộ phim phô ra cho người xem thấy, việc Ray quyết định giữ lại cánh
đồng đương nhiên là một hành động đúng, nhưng ở góc nhìn của một người bình
thường, Ray chỉ là thằng điên đến mức chỉ muốn tát cho vài cái để tỉnh ra. Và
bài diễn thuyết “People will come” chẳng cảm động đến thế (Rồi, mình đã nói thế
đấy, mình không rút lại đâu). Tự dưng đâu ông nhà văn bay vào, nói ra một tương
lai viển vông rằng sẽ có nhiều người ghé thăm cánh đồng nhà Ray, rằng họ đến để
thỏa ước mơ ngày bé với tình yêu bóng chày, rằng họ rồi sẽ trả tiền cho Ray để
được ngắm những cầu thủ nổi tiếng họ từng thần tượng. Họ nhất định sẽ đến. Và
anh chàng Ray tin luôn. Thì đương nhiên là sẽ có người đến, phim mà, nhưng nếu
họ đến và trả tiền, mình đoán giá của giấc mơ chỉ có vài đô một lượt xem, và
giấc mơ đó còn rẻ tiền hơn cả những gì Shoeless Joe Jackson đã bán.
Bài diễn thuyết “People
will come” không nói về bóng chày, và chỉ nói sơ qua về giấc mơ, mình nghĩ
trọng tâm của bài diễn thuyết chính là cái thông điệp “the good old days” mà
mọi người già, người trẻ vẫn thường ca cẩm với nhau về cái đẹp đẽ của quá khứ.
Rằng những người gõ cửa nhà Ray, họ cũng từng yêu bóng chày, vẫn yêu bóng chày,
từng có ước mơ về bóng chày. Và cũng như Ray, cuộc sống của họ có cái gì đó không
trọn vẹn. Nhưng khi họ bước vào cánh đồng nhà Ray, khi họ thấy những thần tượng
thuở bé đang chơi bóng, thoắt cái họ trở về sống lại cái quá khứ tươi đẹp ngày
trước, trở thành một đứa trẻ, hạnh phúc và tràn trề hy vọng. Bóng chày là một
phần gắn chặt đến tuổi thơ kỳ diệu đó, nó nhắc nhở họ rằng mọi thứ đã từng đẹp
đẽ như thế, bây giờ còn có thể đẹp đẽ như vậy. Khi mình nghe cái thông điệp đó của
Terrence Mann, mình nhớ lại mấy phần bình luận mà thiên hạ vẫn cãi nhau chí tử
trên Youtube rằng những bài hát xưa luôn hay hơn bài hát nay, rằng thời đại của
mỗi người đều có gu âm nhạc hoàn hảo nhất. Chẳng có thời đại âm nhạc nào tệ hơn
thời đại nào cả, nó chỉ đơn giản là bài hát gắn bó với tuổi thơ của mình vẫn
luôn luôn là thứ hay ho nhất, như cơm mẹ nấu mãi vẫn là số một (xem Ratatouille
chưa). Thỉnh thoảng trong đầu mình vẫn tưởng tượng đến quá khứ như một vật báu
sáng choang, giống như cái vali đen trong Pulp Fiction, đặt trong một hang động
đầy bẫy chết người của phim Indiana Jones, để rồi khi mở ra, nó là một thứ
không thể chạm vào, không thể thay đổi. Nó đẹp đẽ, bất biến và mãi mãi không
thể quay trở lại lần nữa. Cái sân bóng chày của Ray huyền diệu ở chỗ nó có thể
cho những người ở đó chạm tay và sống trong quá khứ, đưa họ trở về cái quãng
thời gian họ đóng đinh trong đầu mình rằng đó là thời kỳ tươi đẹp và quý giá
nhất. Và bản thông điệp “the good old days” không chỉ còn là lời ca cẩm cũ kỹ
nữa, nó sẽ trở thành hiện thực, là thứ mà chỉ cần 20 đô là có thể thấy lại, như
vậy còn hơn cả phép màu rồi.
Phần con người lý trí của
mình không thích bài diễn thuyết đó, quá khứ đẹp đẽ bởi nó không thể thay đổi
và không thể chạm vào, quá khứ tốt đẹp không có nghĩa rằng sống trong quá khứ
là một nền tảng vững chắc cho tương lai, và vì quá khứ tốt đẹp không có nghĩa
là hiện tại sẽ tốt đẹp. Trước mắt anh chàng Ray lúc này là cảnh trắng tay, vào
tù, khoản nợ ngân hàng sẽ xiết và đè sập lên tương lai của vợ con anh, nhưng
không, anh phải tin vào bài diễn thuyết hùng hồn về những đoàn người chẳng biết
từ đâu ra, trả tiền và giúp anh qua hoạn nạn. Mình biết, cả bộ phim không có
chỗ cho logic và những thứ tầm thường, nhưng như thế vẫn là vượt quá mức của mơ
ước và ranh giới mà một người như mình có thể chịu được, mà mơ ước thì lại được
bán rẻ rề thế kia.
Nhưng ngược lại, cũng phần
con người lý trí đó bên trong mình lại vô cùng thích nhân vật bác sỹ
“Moonlight” Graham. Theo lời chỉ dẫn của giọng nói thì thầm trong đầu, anh
chàng Ray và ông nhà văn Terrence tìm tới Graham, người hóa ra là một bác sỹ
chứ chả phải cầu thủ bóng chày gì, cũng chẳng có vẻ gì là liên quan đến thể dục
thể thao. Và tệ hơn, ông bác sỹ đã leo lên bàn thờ ngồi từ mười mấy năm trước,
chả còn ai ở đó mà hỏi chuyện với đối chất. Khi mọi manh mối đều có vẻ chẳng đi
tới đâu, Ray gặp được hồn ma già của ông bác sỹ đang đi dạo trên đường, thì
phim mà, muốn gì chẳng được. Lúc này, ông bác sỹ già kể với Ray nghe về thuở
thanh niên với mơ ước trở thành một cầu thủ bóng chày của ông. Rằng mơ ước ấy
đã đến gần ông như thế nào, trượt qua kẽ tay ông ra sao, rằng một phút giây nhỏ
bé tầm thường lại thực sự quan trọng và thay đổi vận mệnh của một cuộc đời
nhiều đến thế nào. Ông kể cho Ray nghe mơ ước về một lần trong đời được đánh
bóng tại một trận cầu lớn, để nháy mắt trêu người cầu thủ ném bóng của đội bạn,
để được vung tay thật mạnh và trái bóng lên trời, cái mơ ước đó thật đơn giản
và chân thật, cái ước mơ mà một khoảnh khắc nhỏ bé trong đời ông chuyển khác và
biến ông trở thành một bác sỹ và mơ ước mãi chỉ là mơ ước. Thế nhưng khi Ray đề
nghị ông đi cùng mình, Ray có thể biến mơ ước đó trở thành sự thật, ông bác sỹ
từ chối. Ông nói nếu không trở thành một bác sỹ, đó sẽ là một mất mát lớn lao
hơn. Ông trân trọng ước mơ về bóng chày của mình, nhưng ông không đánh đổi nó
với sự nghiệp bác sỹ của mình. Và bây giờ, hồn ma già của ông bác sỹ Graham
muốn về nhà với vợ chứ không muốn đi chơi bóng chày với Ray.
Thế nhưng ngày hôm sau,
trên đường về, Ray gặp hồn mà trẻ của ông bác sỹ Graham. Anh chàng Archie
Graham mặt búng ra sữa lúc này vẫn còn đang trên những bước đầu của sự nghiệp
thể thao, cái giây phút chuyển đổi vận mệnh ấy vẫn chưa đến. Archie theo Ray
đến sân bóng kỳ diệu của anh này, ngỡ ngàng nhận ra cả tá huyền thoại đang đứng
với nhau, hạnh phúc chất ngất khi được bước vào sân và thực hiện mơ ước của
mình. Hồn ma trẻ tuổi của ông bác sỹ Graham có lẽ không nhận ra mình đang thực
hiện mơ ước dang dở của chính mình, khi cậu đứng đó, nháy mắt và đánh quả bóng
bay lên cao, rằng cậu vừa đạt được thứ cả đời luôn hối tiếc rằng mình không đạt
được, rằng cậu đang sống cái phiên bản mà mình luôn tự hỏi rằng mình sẽ ra sao
nếu không phải là một bác sỹ.
Và giây phút mình thích
nhất của bộ phim là khi con gái của Ray bị hóc hotdog và bất tỉnh. Khi mà mọi
người đều đứng ngây ra và không ai chạy vào nhà gọi 911, Archie chạy tới. Cậu
bước ra khỏi ranh giới của sân bóng, biết rằng nếu mình bước ra thì sẽ không
bao giờ trở lại được nữa, sẽ không bao giờ chơi bóng chày thêm một lần nào nữa,
mọi thứ sẽ vĩnh viễn chấm dứt. Và cậu vẫn bước ra, Archie trẻ tuổi trở thành
ông bác sỹ già Graham. Ông bác sỹ cứu sống con gái Ray, không hối hận về sự lựa
chọn của mình, ông chào vợ chồng Ray và trở về nhà với vợ. Ông có một mơ ước,
ông vừa thực hiện nó, như thế đã là đủ.
Mình thích sự lựa chọn của
ông già Graham. Ông yêu bóng chày và nếu cơ hội ngày xưa không lướt qua ông,
ông sẽ vui vẻ và hạnh phúc khi trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp. Nhưng khi
mơ ước ấy không thành sự thật, ông trở thành một bác sỹ và vẫn vui vẻ, hạnh
phúc với cuộc đời của mình. Ông tự hào trở thành một bác sỹ và vẫn sẽ chọn trở
thành một bác sỹ hơn là một cầu thủ bóng chày, mình cho chi tiết này là rất hay
và thực tế. Không như rất rất nhiều người không bao giờ vừa lòng với cuộc sống
hiện tại của mình, luôn tự hỏi cuộc đời họ sẽ như thế nào nếu giá như họ hành
động thế này, họ không làm thế kia. Ông già Graham cũng có một ước mơ không
thành, ông cũng mong muốn mơ ước đó thành sự thật, nhưng ông không để sự hối
tiếc đó ảnh hưởng đến hiện tại, không tự hỏi thế này thế kia. Ông là một bác sỹ
và sẽ luôn là một bác sỹ, thế thôi. Và ước mơ nhỏ của ông, chỉ cần một lần, như
thế là được. Mình nghĩ cách ông già thể hiện trong bộ phim ý nghĩa hơn rất
nhiều một bài diễn thuyết hùng hồn. Đối với mình, nó thật hơn rất nhiều.
Còn vấn đề của anh chàng
Ray, đó là một trong những mô típ cũ nhất về mối quan hệ cha con trong phim
ảnh. Có thể vào thời điểm đấy thì nó mới, nhưng đối với mình, nó cũ xì xì và
không có gì nhiều để bàn luận. Bố của Ray có mơ ước trở thành một cầu thủ bóng
chày và ông đã từ bỏ mơ ước đó. Có thể vì ông không đủ khả năng, không nắm được
cơ hội hoặc mấy thứ cơm áo gạo tiền gì đó, nhưng dù là gì, cha Ray đã bỏ dở
khát vọng bóng chày của mình, trở thành một người đàn ông của gia đình, một
người bình thường sống một cuộc đời bình thường. Cũng như bao nhiêu người cha
bình thường, họ truyền ước mơ dang dở của mình cho những đứa con. Đối với Ray,
tình yêu bóng chày là một trong những thứ anh vẫn nhớ về cha mình và trân trọng
nó, tuy nhiên, gánh nặng hoàn thành giấc mơ của cha khiến anh bị áp lực. Như
một thằng nhóc tuổi teen thông thường, anh đọc quyển sách của Terrence Mann,
nổi loạn, từ chối tập bóng chày, nói với ông cha già rằng thần tượng Shoeless
Joe Jackson của ông là một tên tội phạm. Sau đó Ray bỏ đi, mối quan hệ cha con
đổ vỡ và không thể hàn gắn lại. Cha Ray mất, anh ngày càng trở thành một người
bình thường giống cha mình. Vì giống ông, anh đồng cảm hơn với ước mơ dang dở,
những gánh nặng ông phải trải qua, anh cảm thấy hối hận vì đã đối xử không phải
với ông. Và đương nhiên, nỗi hối hận ấy sẽ không bao giờ được giải tỏa bởi cha
anh đã chết từ hồi nảo hồi nào. Lúc này, vai trò thần thành của cái sân bóng kỳ
diệu lại nổi rõ hơn bao giờ hết. Hóa ra, những giọng nói thì thầm ấy không
hướng về Shoeless Joe Jackson, cũng không phải nhà văn Terrence Mann hay ông
bác sỹ Graham, nó hướng về chính cha của Ray. Cha Ray, nói đúng hơn là bóng ma
hồi trẻ của cha anh đã tới sân bóng, và như mong muốn của Ray, lại cùng anh
chơi bóng, nói chuyện với nhau, cứ như thể mọi hiểu lầm, rạn nứt trước đây như
chưa bao giờ tồn tại. Cha anh giúp anh nhận ra gia đình mình, nông trang của
mình chính là những gì quý giá nhất mà anh có, là “thiên đường” của riêng anh.
Tự dưng, mọi thứ trong cái sân ấy không còn là những nuối tiếc như nó phải thế
nữa, nó trở thành một hy vọng mới, như những đoàn xe kéo dài tới nhà Ray, như
những hứa hẹn về một trận bóng giữa những con ma vào ngày mai, mọi thứ đều tốt
đẹp cả, chẳng ai còn gì nhiều để day dứt.
Bộ phim rất sến, mình
không thể lấp liếm được điều đó. Khó có thể trách nó được, nó sống trong thời
đại đó mà, cứ thử nghe những bản tình ca ướt át và cải lương ra đời quanh thời
địa đó xem. Nó có quá nhiều câu chuyện, quá nhiều thông điệp mà thông điệp nào
cũng đều sâu sắc, bao la và hơi giáo điều. Thật sự là như thế. Nó giống như đọc
hơn chục quyển Hạt giống tâm hồn trong hơn một tiếng rưỡi vậy. Nếu mình còn học
cấp hai, có lẽ mình đã khóc sưng mắt và xưng tụng bộ phim như một kiệt tác thế
kỷ. Nhưng đáng tiếc, mình già rồi, mình không còn đọc và cũng không thích đọc
Hạt giống tâm hồn nữa. Đối với mình, bộ phim có quá nhiều, mình thì chưa đủ nhiều
thứ để thẩm thấu.
Nghe ra thì không tệ như
mình nói đâu, nếu chỉ nghĩ Field of dreams là một bộ phim để dành xem mỗi lúc
buồn bã, thất vọng và mất mát, mình nghĩ nó vẫn đem lại sự ấm áp và đầy đủ hy
vọng cho mọi người. Ở bộ phim có một nét siêu thực, hơi cổ tích, phi lý, nhưng
sự phi lý đó mang lại sự hạnh phúc, an ủi cho mọi người. Ví dụ như gia đình của
Ray, vợ con anh luôn là điểm tựa cho anh chàng mơ mộng, luôn ủng hộ anh trong
mọi hành động khó hiểu và đần độn nhất. Cứ so sánh đơn giản thế này, trong
Breaking Bad, nhân vật Skyler White, vợ của Walter White là một trong những
nhân vật bị ghét nhất serie. Nhưng nếu ngồi suy ngẫm và xem xét, hầu hết mọi
hành động, lời nói của Skyler sẽ là hành động, lời nói của một người phụ nữ
bình thường sẽ làm khi lâm vào tình huống đó. Chồng Skyler là một tên tội phạm
nguy hiểm, cô ta chỉ có thể suy xét, cảm thông cho ông chồng trong giới hạn
tính cách và khả năng của mình thôi. Thế nhưng những hành động tầm thường ấy
của Skyler khiến mọi người ghét, thậm chí đến mình cũng ghét, cho dù mình hiểu
động cơ và hoàn cảnh của Skyler, mình vẫn không chấp nhận nhân vật này. Khi ta
xem phim, khán giả thường đòi hỏi quá nhiều, họ mong muốn nhìn thấy một nhân
vật chân thực mà họ có thể cảm thông, gần gũi nhưng đồng thời cũng mong mỏi
chính nhân vật ấy làm được một điều phi thường, bất ngờ mà họ không bao giờ làm
được, giống như nhân vật Walter White (trong hai season đầu tiên, trước khi ổng
“biến chất” trở thành một vai ác). Trong khi Walter là một nhân vật đậm chất
người nhưng cũng rất xuất sắc, sự bình thường của Skyler khiến người xem bức
xúc, nhàm chán và khó chịu.
Cái mình muốn nói ở đây,
cho dù là truyền hình hay phim ảnh, người xem không bao giờ muốn chứng kiến
hoàn toàn cuộc sống thật, và sự siêu thực trong Field of dreams khiến bộ phim
trở nên bồng bềnh nhẹ nhàng, kiểu như khi xem sẽ biết ngay rằng nó sẽ có kết
thúc có hậu, sẽ có thứ ở cuối phim khiến mình “ố”, “à” và cảm thấy ấm lòng. Như
vợ của Ray ấy, chẳng có người vợ, người mẹ nào lại đi cổ súy cho ông chồng điên
nhà mình phá vườn để xây sân bóng, rồi duy trì sân bóng, cuối cùng khiến gia
đình lâm vào nợ nần. Và trong cơn nguy nan nước sôi lửa bỏng, anh chồng lấy xe
đi du hành với một ông nhà văn chưa bao giờ gặp mặt, bỏ lại bà vợ một mình đối
phó với đám ngân hàng (trong phim thì có vẻ xấu xa). Đã thế, bà vợ còn để ông
chồng một mình tự quyết tài sản chung của hai người, xem có bán hay giữ lại
nông trang, bà này hoàn toàn không can thiệp gì, chồng muốn làm gì thì làm.
Trên đời này làm gì có ai mất trí hoặc xử sự như vậy nữa, hoàn toàn không có.
Vợ Ray cũng lo ngại về kinh tế gia đình, nhưng sự lo ngại nhanh chóng chuyển
thành sự ủng hộ cho những mơ mộng điên rồ của anh. Khán giả ở dưới đều biết và
ủng hộ Ray, thế nên thiện cảm cũng nhanh chóng được lây lan sang cho cô vợ hiền
lành, yêu chồng, giàu đức hy sinh, vân vân và vân vân. Bản thân mình thấy sự
phi lý trong xây dựng nhân vật nhưng vẫn thích nó. Cái khác biệt của Field of
dreams chính là sự mơ mộng, đi ngược với thực tế của bộ phim. Từ câu chuyện, ý
tưởng ban đầu, những tình tiết dẫn dắt nó, mọi thứ đều là một giấc mơ với đầy
đủ ma quỷ, phép thuật, điều kỳ diệu, đi ngược lại mọi thứ mà logic dẫn dắt. Thế
nhưng vượt qua mọi thành kiến về thứ vô lý của cổ tích, mỗi câu chuyện được
giới thiệu trong phim đều rất thật, rất đời thường, đều có thể xảy ra với bất
cứ ai. Field of dreams là một bộ phim cổ tích hiện đại, tức là vừa khiến khán
giả vừa đồng cảm, vừa vượt qua những giới hạn của thực tế để mơ ước, chỉ là
theo một cách ngược lại, bao bọc bộ phim trong một màu hồng ấm áp và sến rện
của giai đoạn đó (chứ không phải là thực tế phũ phàng của phim ảnh thời đại bây
giờ). Bộ phim không hề dở chút nào, đâu đó vẫn có sự hài hước nhẹ nhàng, diễn
xuất ấn tượng, câu chuyện dễ hiểu và mới lạ, kết thúc phim mang lại dư âm dễ
chịu, mình chỉ ước nó đừng có sến như vậy thôi. Sến không chịu nổi.
Ai mà biết, có thể đó chỉ
là ý kiến riêng của mình. Một vài người thích phim sến, mình sẽ bảo họ xem
Field of dreams, không nhất thích phải cần một bi kịch dằn vặt và mất mát để
khóc, người ta còn có thể khóc vì hạnh phúc cơ mà.
Tình cờ mình tìm lại được bộ phim này, ôi mình coi nó có lẻ gần hơn 10 năm trước và nó cực kỳ ấn tượng trong đầu và luôn nhớ về mình đã từng coi một bộ phim về bóng chày mà cầu thủ đã đi ra từ một cánh đồng ngô, và ảnh đèn xe oto dài đến vô tận khi cuối phim mà không tài nào nhớ nổi tên phim và bởi lẻ vì một sự đặc biệt nào đó mà bộ phim này cứ ở mãi trong đầu mình, và giờ đó đã tìm ra được và coi đc nó, coi từ đầu đến cuối mà cứ nghẹn nghẹn ở cổ, nó khiến quá nhiều ký ức quay lại. Đúng là bóng chày từ những năm đầu tiên, họ chơi bóng bằng cả niềm đam mê, cả cuộc đời, ko đơn thuần chỉ vì tiền, bởi lẻ vậy, mà đã tạo nên những huyền thoại không thể chối bỏ trong giới Bóng Chày, họ biết làm gì khi ngồi và nhìn đôi chân của mình không còn đc cảm nhận cái sự êm ái của cỏ, khi chạy trên sân... chắc chắn rằng Field of dreams không phải kiểu phim ăn khách vì không phải ai cũng có thể xem và hiểu nó thật sự. Thật tiết khi Field of dreams không đc nhận giải Oscar.
Trả lờiXóa