Về 12 Angry Men (1957)
Bộ phim chỉ đơn giản là câu
chuyện của một tá các ông chú già bị nhốt chung trong một căn phòng nóng nực,
tất cả phải thống nhất đi đến một quyết định duy nhất có ảnh hưởng tới sinh
mạng một con người.
Bộ phim được sản xuất vào
năm 1957, cách đây đúng 60 năm nhưng mình đoán hệ thống pháp luật Hoa Kỳ cũng
không thay đổi gì nhiều so với bây giờ, tức là vẫn hệ thống thẩm phán, bồi thẩm
đoàn gì đó mà mình vẫn coi đầy trên truyền hình. Nếu có khác, thì đó là bồi
thẩm đoàn hồi xưa toàn mấy ông già không hà. Nếu Hollywood có nổi điên và
remake lại tác phẩm kinh điển này, giới nữ quyền nhất định sẽ gầm lên gào
xuống, đòi trong đó phải có ít nhất 6 diễn viên nữ. Thời đại nam nữ bình quyền,
12 Angry “Men” chỉ là ám chỉ con người thôi, nam nam cái con mẹ gì.
Vụ án trong phim là một vụ
giết người mà tình tiết rõ như ban ngày. Một thằng nhóc 18 tuổi bị buộc tội đâm
chết ông cha già của nó. Để xem, có một nhân chứng nói rằng cô ta thấy thằng
nhóc đâm chết ông cha, một nhân chứng khác cho biết ông nghe thấy thằng nhóc
cãi lộn với ông bố trước án mạng và trông thấy chính nó chạy ra khỏi nhà sau
khi đã hạ sát phụ thân của mình. Ngoài ra việc được sanh ra và lớn lên ở khu
lưu manh nên tiền án tiền sự đầy mình, thằng nhóc còn không có lấy một chứng cứ
ngoại phạm nên hồn, việc nó phạm tội là chuyện dĩ nhiên và được mặc định trong
đầu tất cả mọi người. Thậm chí cái giọng điệu thờ ơ của thẩm phán cũng nói lên
điều đấy, nó dửng dưng và thẳng đuột, rằng ở đây không có gì phải khúc mắc cả,
các vị bồi thẩm đoàn cứ nhanh nhẹn mà làm việc theo đúng thủ tục để mau mau kết
tội em nó. Mọi người xem phim thế nào cũng nghi ngờ, họ sẽ nói là sao vội kết
tội một con người nhanh đến thế, nhỡ oan ức này nọ thì sao, nhưng đó chỉ là nói
suông và đạo đức giả. Nếu nhìn vào thực tế, khi mà chính mình mở điện thoại ra
và đọc một bài báo tương tự như vậy, thể nào ở dưới cũng có câu bình luận được
nhiều người tán đồng: May mà thằng đó đã trên 18 tuổi.
Vì đây là vụ án giết người
cấp độ 1 nên nếu bị tuyên có tội, bị cáo sẽ phải ngồi ghế điện. Một quyết định
có liên quan tới mạng người là một quyết định không thể rút lại hay cứu vãn
được, vậy nên 12 bồi thẩm viên phải cùng đưa ra một quyết định duy nhất, và nó
cũng là luật pháp ở bên này. Ở đây không có chuyện thiểu số phục tùng đa số,
phải là 12 – 0, như vậy mọi người mới được về nhà ôm vợ con và ăn cơm tối. Vụ
án có vẻ quá đơn giản, ai cũng có vẻ đồng tình với ý kiến là thằng nhãi bất
hiếu xứng đáng nhận hình phạt cho hành động nó gây ra. Thế nhưng lúc nào cũng
vậy, trong một tá gà trắng thế nào cũng phải lòi ra một con vịt đen. Anh bồi
thẩm viên thứ tám bỏ phiếu vô tội cho thằng bé, từ đó nổ ra những tranh luận,
mâu thuẫn gay gắt về trách nhiệm, sự vô tư, tình cảm, công lý,... Mình đã không
ngờ một căn phòng bé tí lại có thể chứa được ngần ấy thứ.
Khi bất đồng xảy ra, mọi
con gà trắng cố gắng thuyết phục con vịt đen theo ý chúng. Sự thật là chính anh
bồi thẩm viên thứ tám không biết thằng nhóc có thực sự phạm tội hay không, anh
chỉ có nghi ngờ của mình và chỉ đơn giản là muốn thảo luận về nó. Anh không
muốn mạng sống của một con người chỉ đơn giản là được quyết định cái rụp như
vậy. Thế nhưng khi anh càng đào sâu, mọi thứ bất hợp lý dần được lòi ra, anh
bắt đầu thuyết phục từng người, từng người một. Và đây chính là cái hay của bộ
phim. 12 Angry Men không phải là một bộ phim hình sự, vụ án mạng chỉ là chất
liệu để lật tung những mâu thuẫn về con người, giai cấp, về tình cảm, về sự
công bằng. Ở đây bồi thẩm viên thứ 8 không cố gắng phá vụ án, cũng không phải
minh oan cho bị cáo, ông chỉ có nỗi nghi ngờ của bản thân và muốn nói cho ra lẽ
cái sự nghi ngờ đó. Bồi thẩm viên thứ 8 cũng không phải Conan chỉ cần đứng ở
hiện trường mọi vụ án là có thể chỉ mặt hung thủ trong vòng 30 phút và không
cần xét nghiệm hay đối chiếu dấu vân tay gì cả. Ông cũng chẳng biết gì lúc đầu,
nhiều tình tiết là do các bồi thẩm đoàn khác phát hiện và đưa ra, cái bồi thẩm
viên số 8 có là sự dũng cảm khi một mình chống lại mọi định kiến ban đầu, là
con người dám nghe theo tiếng gọi của lương tâm và nói lời khác biệt. Sự kiên
định, quyết tâm và đương nhiên là cả lý lẽ hợp lý của ông đã từng bước xem xét,
lật lại từng nhân chứng, vật chứng, giúp mọi người thay đổi quan điểm của mình
và đưa ra một phán quyết công bằng hơn.
Việc một nhóm người xa lạ
buộc phải đối mặt với nhau tại một địa điểm khép kín vốn không phải là mô típ
mới. Gần đây nhất mình xem có Lost. Nhưng không như Lost có nguyên 6 mùa phim
với hơn 100 tập để giới thiệu cặn kẽ từng hoàn cảnh và động cơ của nhân vật, 12
Angry Men chỉ có hơn 90 phút, nhưng nếu đạo diễn thông minh, như thế đã là đủ
cho mọi thứ. Không có hồi tưởng hay thuyết minh thuyết trình chi hết, mọi nghề
nghiệp, những đoạn nhỏ về quá khứ đều được gợi ra từ những mẩu đối thoại tự
nhiên, thế nhưng nó lại vô cùng cần thiết và không thừa thãi để mô tả về tính
cách và hành động của từng người. Mỗi bồi thẩm viên hiện ra với những nét đặc
trưng của riêng họ, không ai mờ nhạt, không ai chỉ đơn giản là “ở đó”, mỗi ông
chú trong bồi thẩm đoàn đều đại diện cho một tầng lớp, một tính cách, một thành
phần nào đó trong xã hội và không ai lẫn lộn với ai. Sau khi xem xong bộ phim,
khán giả đều nhớ được trọn vẹn 12 ông chú già, họ là ai, tính cách như thế nào,
họ đáng ghét hay đáng thương, họ có phần nào đó giống mình không? Như vậy bộ
phim đã rất thành công trong việc phân chia hợp lý đất diễn cho nhân vật khi
không ai là kẻ ngoài cuộc, không ai là 11 + 1 Angry Men, không ai là gương mặt
không thể nhớ sau khi bộ phim kết thúc.
Mỗi bồi thẩm viên là một
bức tranh sống động về những con người mình đã từng gặp. Và khi một thứ quan
trọng như tính mạng một con người được đặt trong bàn tay của họ, mỗi tính cách
đặc trưng ấy được bật ra trong những quyết định họ chọn. Như bồi thẩm viên số 4
chỉ căn cứ vào thực tế, vào logic để đoán định sự việc, mình cho như thế là
công bằng. Nhưng bồi thẩm viên số 10 thì lại luôn có những định kiến về quá khứ
lưu manh ở khu ổ chuột của bị cáo, bồi thẩm viên số 5 lại xuất thân bần hàn,
hay đối với bồi thẩm viên số 7 thì công bằng, lẽ phải hay trách nhiệm công dân
đều không bằng tấm vé đi xem bóng rổ lúc 8h. Mỗi bọn họ đều có động cơ và hoàn
cảnh, tính cách khác nhau để cùng dẫn dắt tới quyết định của mình, những động
cơ, tính cách ấy mâu thuẫn và đập nhau chan chát, nó khiến tại sao bộ phim có
tên là 12 Angry Men chứ không phải 12 Men. Như bồi thẩm viên số 3 luôn luôn
khăng khăng bị cáo là hung thủ và phớt lờ mọi thông tin khác, hóa ra cũng chỉ
để trút lên đó sự bực dọc, thất vọng của bản thân dành cho đứa con trai của
mình. Bồi thẩm viên số 9 lại là một ông lão yếu ớt luôn bị người khác phớt lờ
nên luôn muốn được coi trọng dù chỉ một lần, bồi thẩm viên số 11 với tinh thần
công dân và dân chủ cao cường, bồi thẩm viên số 1 lãnh đạo mọi người cứ như thể
đây là đội bóng của ông, bồi thẩm viên số 12 chỉ là một con người hay do dự và
không có chính kiến cá nhân. Tất cả bọn họ đều sôi sục để tự soi xét vụ án, soi
xét nhau và soi xét chính mình.
Tại sao mọi mâu thuẫn lại
bùng nổ? Mình đỗ lỗi cho ông trời. Không phải chế độ xã hội, số phận hay mấy
thứ cao siêu gì hết, tất cả là ông trời. Cụ thể hơn là thời tiết. Trong một
ngày đẹp giời nóng nhất năm, 12 chú già bị nhét vô một căn phòng bé tí vô tình
lại không có quạt hay điều hòa, lại thêm một thằng điên cứ lải nhải mãi một
điều vô lý và không cho mình về ăn cơm, bảo ai không bực bội mà bốc hỏa. Và
phim hay không cần màu sắc để cảm thấy máu me đáng sợ (Psycho), 12 Angry Men
cũng chỉ cần hai màu cơ bản đen và trắng để diễn tả cái nóng nực, bức bối của
thời tiết hại người. Mọi thứ đều chật chội và nóng đến ngạt thở, từ những cái
trán hói lấm tấm mồ hôi, nhưng con người lấy khăn lau mặt liên tục, những dấu
mồ hôi trên áo, những chiếc cà vạt xộc xệch. Vậy nên tranh cãi, sỉ vả, suýt
động chân động tay đã xảy ra, thời tiết đã khiến những cái đầu nóng nảy trở nên
nổ tung. Khi cơn mưa xuống, nó khiến mọi thứ dịu dàng và cũng cao trào hơn khi vụ
án gần đi dần tới quyết định cuối cùng. Kết thúc bộ phim là bầu không khí mát
lành cũng như sự thoải mái của mọi người, có lẽ bởi họ tin rằng mình đã có một
quyết định đúng đắn.
Trong số họ không có ai
xấu cả, họ được chọn để tham gia xét xử cơ mà. Họ chỉ là một cá nhân sống trong
cuộc đời của mình, có tính cách, suy nghĩ khác biệt. Và cho dù hành động của họ
có thể không đẹp, nó chỉ đơn giản là khắc họa một phần xã hội và họ ở trong đó,
chịu tác động của nó. Cuộc đấu tranh của bồi thẩm viên số 8 không phải là tiếng
nói đòi công lý, lẽ phải cho bị cáo, chính bồi thẩm viên số 8 cũng không biết
chắc thằng bé có phải là tội phạm hay không và ông chấp nhận rủi ro của mình là
bỏ lọt kẻ thủ ác, nhưng ông vẫn đứng lên vì đó là việc phải làm. Chỉ cần một
nghi ngờ nhỏ có thể tạo nên một bước ngoặt quan trọng, trong trường hợp này là
tính mạng của cả một con người. Áp lực xã hội là vô cùng lớn, khi 11 người bảo
có và 1 người bảo không, đó là một sự dũng cảm phi thường của một cá nhân. Có
những người cũng cảm nhận sự vô lý, cũng có nghi ngờ, nhưng họ để sự nghi ngờ
đó bị lãng quên, để nó trôi qua cho phù hợp với quan điểm của thế giới. Mình
chắc chắn không đủ sức làm điều mà bồi thẩm viên số 8 đã làm, cho dù biết không
phải lúc nào số đông cũng đúng nhưng không dám đứng một mình chỉ với mong muốn
được làm điều đúng đắn. Mọi thứ trong buổi thảo luận của bồi thẩm đoàn đều dựa
trên những suy luận, những thứ có thể xảy ra, những “reasonable doubt”, những
thứ không thể đong đo cân đếm nhưng không hề mơ hồ và cảm tính. Mình nhớ đến
một đoạn clip trên youtube của John Oliver về án phạt tử hình. Trong đó có đề
cập đến việc bỏ hình phạt này, bởi đúng là trên đời này có rất nhiều cá nhân
cần phải loại bỏ vĩnh viễn ra khỏi xã hội, thế nhưng tỉ lệ bị kết tội oan là
vẫn có, cho dù rất thấp. Và thử tưởng tượng một cá nhân bị kết án tử hình vì
hành vi mình không làm, như vậy không đáng sợ sao? Án tử hình có thể xứng đáng
đối với nhiều kẻ, thế nhưng nó không nên tồn tại nếu có một xác suất phần trăm
bé tí rằng chúng ta đã giết nhầm người. Như trong trường hợp này, việc thằng
nhóc bị kết án quá đơn giản và dễ dàng. Có muôn vàn định kiến, sai lầm, phớt
lờ, nhầm lẫn xảy ra, cố ý hay không cố ý đều có thể tước đi tính mạng và tương
lai của cả một con người. Tự dưng mình cảm thấy mọi thứ trở nên nghiêm trọng
hẳn.
Mình đoán toàn bộ chi phí
của bộ phim đến từ tiền trả cát xê cho diễn viên và biên kịch, và số tiền đó
rất đáng đồng tiền bát gạo. Mấy ông chú tỏa sáng theo một cách riêng trong một
kịch bản thông minh, tiết kiệm và nhân văn. Như cách diễn xuất của diễn viên
đóng vai bồi thẩm viên số 3 được xem như một biểu mẫu, một chuẩn mực cho phong
cách “ăn to, nói lớn”, dùng ngữ điệu và âm lượng lớn để diễn tả sự giận dữ, cảm
xúc, tiếc nuối của nhân vật. Bồi thẩm đoàn số 8 toát lên vẻ kiên định, điềm
tĩnh, bồi thẩm đoàn số 1 yếu đuối nhưng háo hức, chú tâm trong lần đầu tiên dự
tòa của mình, bồi thẩm đoàn số 6 là một người lao động chân tay nhưng có phép
tắc và tôn trọng người khác. Bọn họ không có tên, mọi người trong phiên tòa đều
không có tên (trừ hai bồi thẩm viên số 8 và 9 ở cuối phim), mình đoán việc
không có tên này có một ý nghĩa sâu xa và là một biện pháp nghệ thuật nào đó mà
mình chẳng biết. Thế nhưng mình mừng là họ không có tên, vì để nhớ được 12 cái
tên trong ngần ấy thời gian là một điều quá chi là khó và lãng phí năng lượng.
Việc căng theo từng mâu thuẫn, từng cao trào tăng dần đều theo bộ phim đã là
một việc cần rất nhiều sự chú ý rồi. Ngoài ra mình để ý thấy gương mặt của từng
nhân vật càng về cuối phim thì càng được quay gần hơn, thế nên sự biểu cảm, sự
tức giận, bế tắc của nhân vật càng khiến tình huống trở nên càng căng thẳng hơn
bao giờ hết. Mình không ngờ cuộc đấu khẩu của mấy người đàn ông trong một căn
phòng có thể hấp dẫn đến thế.
12 Angry Men (1957) là một
bộ phim kịch tính ngoài mong đợi, có lẽ nó đến từ việc nguyên mẫu của phim là
một vở kịch. Theo một cách nói sách vở, bộ phim có nhiều tầng ý nghĩa, ẩn dụ và
nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Cái mà mình thấy hay chính là kịch bản, sự tỏa
sáng của 12 ông chú đã tạo đà cho những mâu thuẫn, chứng cứ, cá tính, suy đoán,
lương tri có thể đâm vào nhau một cách vừa nát bét vừa lộng lẫy như vậy. Nó
không phải là một nhát cắt vào xã hội, nó là một xã hội được băm vằm ra theo
một cách có hậu và đúng đắn nhất có thể.
Nhận xét
Đăng nhận xét