Về Breakfast at Tiffany’s (1961)


Một trong những bài hát mình thích nhất của Billy Joel là She’s Always a Woman to me. Bài hát là một sự kết hợp bất ngờ giữa tính nghệ thuật của thơ ca và thực tiễn khắc nghiệt khi một người đàn ông cố gắng giải thích về phụ nữ.
“...
She can lead you to love, she can take you or leave you.
She can ask for the truth but she’ll never believe you
And she’ll take what you give her as long as it’s free
She steals like a thief but she’s always a woman to me.
...
She is frequently kind, and she’s suddenly cruel.
She can do as she pleases, she’s nobody fool.
But she can’t be convicted. She earned her degree
And the most she will do is throw shadow at you
But she’s always a woman to me.”

Mình xem trên youtube thì người ta bảo Billy Joel viết bài này là dành tặng cho vợ cũ của ổng. Mình ngỡ ngàng, hóa ra trên đời này cũng có người phức tạp như thế thật chứ không phải tác giả rãnh rỗi viết bậy để bài hát trữ tình và bóng bẩy. Mình thì chưa gặp được người nào giống phân nửa bài hát (đời mình bé tí à) và có lẽ cũng không mong gặp được, vì người như thế đáng sợ lắm.

Bài hát đó mình không nghe lại cũng đã lâu. Vậy mà khi mình xem Breakfast at Tiffany’s, giai điệu của ca khúc cứ văng vẳng trong đầu mình mỗi khi Holly Golightly xuất hiện. Mình chả biết nữa, ở một khía cạnh rất dễ thương, Holly giống y hệt người phụ nữ trong bài hát.

Holly Golightly là một cô nàng là hầu hết phụ nữ thông thường sẽ ghét em nó. Cô ấy đẹp, thời trang, sống ảo, nông cạn, không làm việc mà sống dựa vào đàn ông và được cả tá ông che chở. Thậm chí ngay cả khi cô ấy không đứng đắn, không có công ăn việc làm, không tiền bạc và rơi vào rắc rối, em nó cũng có ngay một anh đẹp giai chung tình đứng ra cứu vớt. Nếu mình thực sự gặp một người như Holly ngoài đời, mình sẽ gato và khinh thường em nó ngay lập tức trước khi kịp tìm hiểu xem em nó thực sự là người như thế nào. Nhưng vì đây là phim, mình có may mắn được nhìn nhận Holly theo nhiều phương diện thật thà của cô, thế nên tự dưng những điểm không hay ho của nhân vật tự dưng trở thành một nét riêng biệt, khiến nhân vật Holly Holightly trở nên ngẫu hứng, phức tạp và rất thu hút.
Nhìn bề ngoài Holly có rất nhiều điểm nổi bật. Cô ấy xinh đẹp, quyến rũ, biết ăn mặc, trang điểm sao cho sang trọng, tinh tế. Cũng là con gái, mình biết để có thể đẹp đẽ như Holly là cả một nghệ thuật với bao nhiêu đầu tư về tiền bạc, công sức và khổ luyện. Học hỏi để trở nên xinh đẹp cũng khó và áp lực như rèn luyện một nghề nghiệp nào đó, đã thế nhưng không phải ai cũng thành công. Bộ phim thì lại làm ra vẻ như việc Holly xinh đẹp dường như rất nhẹ nhàng, và cô gái ấy chả cần cố gắng nhiều cũng vẫn là quốc sắc thiên hương. Láo toét. Thời gian nó đi mua phấn son, làm tóc, chọn váy, giày, ví, trang sức này nọ là chiếm nửa đời người rồi nghen chưa.

Không chỉ đẹp về bên ngoài, em nó còn giỏi giao tiếp và dạn dĩ với đàn ông. Anh nào mà chả thích gái đẹp và hoạt bát. Vệ tinh theo em nó như ruồi. Nhiêu đó là để đủ để khiến đám đàn bà con gái ghét cay ghét đắng rồi. Ghen tỵ chỉ là một cảm xúc thông thường và phổ biến thôi.

Nhưng như thế thì có gì mà phức tạp. Trên đời này có hàng tá các em gái xinh xắn và biết cách làm mình xinh xắn. Cũng có hàng tá em mê chồng giàu, lười lao động và kém việc nhà. Cũng có hàng triệu em ra đường thì như tươm tất như hoa hậu còn nhà cửa thì như chuồng chó ổ heo. Rồi còn vô vàn các em khác chỉ biết nũng nịu với trai để có cái mình muốn. Holly Holightly thì có gì khác, có gì đặc biệt hơn các em đó đâu mà phức tạp với đáng nhớ?

Mình chẳng biết nữa. Holly là kiểu người bất cẩn đến mức huyên thuyên với người lạ trong tình trạng chỉ có manh áo mỏng trên mình. Cô ngây thơ đến mức tin rằng có người trả tiền hậu hĩnh cho mình chỉ để nói chuyện với một ông già trong tù bởi vì ông cụ cô đơn. Sự bất cẩn và ngây thơ đến quá mức tự nhiên ấy đánh lừa mọi người rằng em nhỏ “vàng hoe”. Nhưng Holly không ngu ngốc. Cô thông minh và cố gắng trong những thứ cô cho là cần thiết và quan trọng. Cô cả tin nhưng không mơ mộng mà thực tế đến khắc nghiệt. Là một người có quá khứ phức tạp, Holly lại có cách nghĩ rất giản đơn, tự phát mà cô cho rằng đó là tự do, hoang dại.

Đối với mình Holly Holightly là một trong những nhân vật mâu thuẫn nhất mình từng xem trên màn ảnh, mâu thuẫn đến mức phi lý, đến mức không thể tồn tại một con người như thế trên đời. Bộ phim không đề cập rõ ràng đến quá khứ của Holly, nhưng nếu cô và cậu em trai phải lang thang ngoài đường và trộm gà cắp chó khi mới 14 tuổi, đó chắc hẳn không thể là một tuổi thơ kỳ diệu được. Một người lấy chồng từ khi 14, 16 tuổi bỏ chạy khỏi gia đình để tìm kiếm cho mình những điều tốt đẹp hơn, một cô gái trẻ sống một mình ở New York và vẫn tồn tại một cách hãnh diện, thanh lịch và thoải mái mà không cần đổ lấy một giọt mồ hôi của lao động, một người như thế không thể ngây thơ và bất cẩn đến như vậy được. Chỉ đơn giản là không thể nào.
Nhưng buồn cười là sự phi lý về con người Holly lại chân thực kỳ quặc. Holly là kiểu người nhặt một con mèo về nuôi nhưng không đặt tên, là kiểu người uống sâm panh trước bữa sáng, là kiểu người đủ tự tin để phô bày mọi thứ xấu xa của mình ra cho thiên hạ xem mà không sợ đánh giá nhưng lại không đủ tự tin để tin vào bản thân mình. Cô một mực chối bỏ con người quê mùa trước đây của mình, thế nhưng khi quá khứ nhào ra trước mắt, cô không bỏ chạy, sợ hãi hay khinh bỉ nó, cô vẫn đón nhận và nâng niu quá khứ ấy với tấm lòng chân thành nhất. Khi Holly bảo rằng cô yêu Doc, chỉ là Lula Mae mà ông biết đã chết, mình thực sự tin như thế. Mình thực sự tin Holly 14 tuổi lấy Doc vì tình yêu chứ không phải chỉ vì một mái nhà, cô bỏ đi vì cuộc sống đó là không đủ, và rằng cô muốn nhìn thấy thế giới đẹp đẽ hơn, trọn vẹn hơn. Hầu hết những người trẻ tuổi đều tham lam, đều mong muốn mơ hồ về một thứ “tốt đẹp hơn” cái họ đang có cho dù chẳng biết điều tốt đẹp đó là cái gì. Holly cũng vậy, cô muốn giàu có, sống trong nhung lụa, phù hoa và vô lo? Hay cô chỉ cần một cuộc sống giản dị mà cô thực sự biết là của riêng mình, nơi cô có thể đặt tên cho con mèo, không cần phải đến Tiffany mỗi sáng chỉ để xoa dịu bản thân? Mình cá Holly tuổi 16 khi chạy trốn khỏi chồng chẳng biết điều gì sẽ chờ đón mình ở bên ngoài kia, cô cũng chẳng thực sự biết mình cần và muốn gì, cô chỉ đơn giản là chạy đi và cố gắng sống cuộc đời cô cho là đáng sống. Bản thân mình khâm phục cái sự dũng cảm (đến ngu ngốc) đó của cô. Không nhiều người trên đời dám làm cái điều Holly đã làm.

Phần nào đó trong con người Holly là sự vô tâm chứ không phải hoang dại như cô cho rằng mình thế. Bởi chỉ có vô tâm mới có thể khiến môt con người bị vùi dập nhiều như thế mà vẫn yêu đời, hạnh phúc và cười nói toét miệng thế kia. Holly hiểu rõ cuộc sống khắc nghiệt như thế nào, con người tồi tệ ra sao nhưng cô vẫn không bao giờ từ bỏ, vẫn cố gắng (theo cách của cô) không ngừng để vươn tới những thứ tốt đẹp hơn nữa. Với góc nhìn thực tế và thiếu thốn từ chính cuộc đời của mình, những thứ tốt đẹp mà Holly muốn vươn tới có vẻ lệch lạc và nông cạn. Mình thì thấy ít nhất Holly cũng chủ động quyến rũ mấy ông chú già để kiếm cơm, cô học ngoại ngữ, học nấu ăn, học đan lát vớ vẩn, cô chịu đổi mới để đạt được mục đích của minh. Ít nhất là cô đã nắm lấy cơ hội của mình và hành động chứ không tự cho mình là công chúa mà ngồi yên chờ hoàng tử tới rước. Có thể cái đích đến của Holly chẳng ra gì, cô chỉ muốn mình trở thành một con gà móng đỏ thích đào mỏ nhưng cô đã rất nỗ lực để trở thành một con gà móng đỏ đẹp đẽ nhất, hoàn hảo nhất.

Như một lẽ tất yếu của phim tình cảm, sự vô tâm, phù phiếm của phụ nữ luôn được dễ dàng tha thứ bởi các anh giai, miễn là gái nó đẹp. Trong bộ phim “cổ tích” ngược này, “hoàng tử” trong phim là một anh nhà văn kém thành đạt nên làm trai bao cho một quý bà giàu có. Nhưng mà trai bao thì trai bao, ảnh cũng được cái đẹp trai nên cũng đôi lứa xứng đôi với Holly. Cuối cùng thì sau bao thăng trầm, mình cũng đã tìm được một bộ phim trong thập niên đó mà nam nữ không chênh nhau một con giáp (trở lên). Mà cũng có thể do mình coi không nhiều và không đủ chứ chẳng phải do khác biệt về thời đại.

Breakfast at Tiffany’s cơ bản là một phim tình cảm. Khi mình tìm hiểu thêm về bộ phim thì phát hiện nó được làm dựa trên một tiểu thuyết cùng tên của Truman Capote. Trong nguyên tác thì chả có chuyện tình nào cả, tác giả còn chỉ ra rõ ràng việc Holly sống phóng túng và kiếm tiền theo tác phong của gái làng chơi. Và dưới tác động đáng kể của biên kịch và đạo diễn, góc nhìn thực tế và bài học nhân văn sâu sắc nào đó của Truman Capote về nhân sinh nghiệt ngã đã trở thành một câu chuyện tình yêu sạch sẽ, dễ thương và ấm áp. Holly trở nên cao sang và đáng quý hơn khi cô khi tuy dựa vào mấy ông chú để sống nhưng không bán thân nuôi miệng (điều này càng làm bộ phim thêm vô lý). Hoặc nếu có lăng nhăng với mấy ông chú thì những “gợi ý” về điều đó trong phim đều được đánh bóng, giảm nhẹ đi rất nhiều. Anh bồ đẹp giai tuy có làm trai bao nhưng cũng sẽ nhanh chóng được xã hội tha thứ vì là nam giới. Tuy có vẻ khó tin nhưng đây hoàn toàn là sự thật, mình hoàn toàn không có phải loại điên khùng thích mở miệng ra là nam nữ bình quyền, nhưng mà cứ thử nghĩ đến việc một ông chồng ngoại tình hay một bà vợ ngoại tình, ai sẽ được cộng đồng cảm thông và lãng quên tội lỗi đó nhanh hơn? Nhìn Kristen Stewart mà xem. Trong trường hợp này, nếu Holly là gái bao chứ không phải Paul làm trai bao, câu chuyện tình yêu này cho dù có đẹp đến ngất xỉu, xịt máu mũi thì cũng không bao giờ được phổ biến rộng rãi và trở thành kinh điển được, đặc biệt là vào thời đại đó.

Bản thân mình nghĩ tình cảm của nam chính nữ chính cũng được, nó chỉ không mới và hơi ghê ghê. Nghĩ mà xem, ai lại đi thích/ngủ một anh chàng giống hệt em trai mình chứ. Cái mới duy nhất mà bộ phim mang tới là nhân vật Holly Holightly, cách cô tỏa sáng trong từng khung hình, cách cô nói chuyện, những suy nghĩ lộn xộn, rõ ràng và lạ lùng của cô. Audrey Hepburn xứng đáng với những gì người ta ca tụng. Hơn nữa, việc được một người như Audrey Hepburn đóng nên Holly có thêm đặc tính sang chảnh, tinh tế toát ra từ thần thái của nữ diễn viên. Nhà văn Truman Capote đã từng muốn Marilyn Monroe đóng vai Holly, mình nghĩ ổng cũng có lý. Nhưng mà Marilyn chỉ là Holly trong giấy thôi, còn đối với câu chuyện tình sạch sẽ này, chỉ vẻ thanh cao của của Audrey Hepburn mới giúp đánh bật cái bụi trần bám chặt lấy lối sống của Holly thôi.


Mình thích cách Audrey Hepburn ngồi ở cửa sổ và hát Moon River, cô ở đó, đẹp dễ sợ, mắt mở to, vô tội và quyến rũ, cổ chỉ mặc đồ ở nhà với cái mặt được trang điểm kỹ lưỡng và đang giết thời gian bằng một bài hát. Chỉ một cảnh ngắn ngủi, đơn giản nhưng nó khiến cả bộ phim có dư vị thanh khiết, nữ tính và buồn bã nhẹ nhàng. Cả bộ phim tuy không có gì quá xuất sắc (thì mình đã bảo nội dung chung không đặc biệt mà) nhưng lại có phong cách riêng. Kiểu như John Wick là một phim hành động đơn thuần nhưng lại có style riêng trong từng cú headshot ấy. Cái style riêng của Breakfast at Tiffany’s đến từ những bộ quần áo đẹp đẽ, sang trọng của Holly trong căn hộ bình thường của cô. Bao nhiêu trang sức lấp lánh, những bộ váy thanh lịch được hiện lên trong bối cảnh bình thường, ở đường phố, nhà tù hay thư viện. Thậm chí cả ở Tiffany cũng chẳng xa hoa. Không một khung cảnh cầu kỳ, giàu có dát vàng nào xuất hiện ở trong phim, thế nhưng những bộ cánh diễm lệ Holly khoác lên mình lại không hề lạc lõng. Nó ở đó, nổi bật, tự tin và độc đáo. Nó cũng giống như Holly, một cô gái đẹp đẽ, phức tạp, riêng biệt và khác thường sống trong một thế giới bình thường và khiến thế giới đó trở nên bất thường và trang nhã hơn. Holly giống như người phụ nữ trong bài hát của Billy Joel, mọi thứ thuộc về cô đều rất vô lý, thế nhưng hóa ra nó lại rất hợp lẽ, bởi đơn giản “she’s a woman to me”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo