Về Nocturnal Animals (2016)

(Spoiler Alert)


Nocturnal Animals là một trong số những bộ phim mình không tài nào nhớ được là tại sao lại tải về và tự dưng lại nổi hứng muốn xem. Bộ phim có cái tên rất tri thức, độc đáo, gây hiếu kỳ và dễ hiểu nhầm, một kiểu tên giàu tính biểu tượng mà mấy phim dạng nặng nề hay có, như American Beauty ấy.
Bộ phim có hai tuyến câu chuyện song song, một là thực tế và một là hư cấu.
Phần thực tế kể cuộc sống tâm lý chầm chậm, buồn tẻ, nặng nhọc, phức tạp, ngáp ngủ của chị Amy Adams. Là một người phụ nữ có học thức cao, có năng lực và sự nghiệp vững chắc, Amy Adams còn có thêm một căn nhà xịn, chồng đẹp con khôn, bạn bè danh giá. Mọi thứ nhìn chung quá hoàn hảo nên đâm ra phải có vấn đề. Và những vấn đề trong cuộc sống của Amy cứ lộ dần theo chiều dài của phim theo một cách mà ai cũng đoán được. Sự nghiệp gần như đã chạm đỉnh, chả thấy cạnh tranh với đam mê ở đâu nữa cả, thì cũng tại người ta đã thành công vượt trội rồi, cần chinh phục cái gì nữa đâu. Ông chồng đẹp trai thì hờ hững và có vẻ ngoại tình, con cái thì xa cách. Căn nhà to đùng, đẹp đẽ và trống vắng nên Amy cứ suốt ngày lượn qua lượn lại và tắm táp đủ thể loại. Có rất nhiều cảnh tắm phục vụ cho biểu lộ tâm trạng khác nhau của nhân vật. Chúng không những không sexy mà còn vô cùng mỏi mệt vì cứ lặp lại hoài. Rồi tắm với đọc sách hoài mà Amy Adams mãi vẫn không ngủ được, hai con mắt cứ lờ đờ và buồn phiền. Mình thở dài, nếu muốn ngủ thì gái làm ơn làm phước chạy bộ tầm 30 phút, về tắm mát rồi ăn một bữa thật ngon, thách gái khó ngủ luôn đó. Ai bảo suốt ngày nhìn ngó nghệ thuật cao siêu, đêm về đọc truyện kinh dị với hồi tưởng quá khứ thì làm sao mà ngủ ngon được. Mình cũng tiếc là Amy không được xem phim về cuộc đời của chính cô, nếu mà xem thì có khi cô ngủ khi phim được tầm 15 phút rồi ấy chứ.
Phần hư cấu là câu chuyện kém có hậu trong tiểu thuyết sắp xuất bản của ông chồng cũ Jake Gyllenhaal của Amy. Trong một ngày nhàm chán, chị Amy Adams bỗng dưng nhận được một bản thảo mà ông chồng cũ gửi, có cả đề tên cô trong cuốn sách nữa. Tác phẩm có tên là Nocturnal Animals, nghĩa là thú ăn đêm, được đề tặng cho cô vợ cũ, người vốn khó ngủ và toàn thức với tắm táp vào ban đêm nữa. Mình nghĩ đi nghĩ lại thì thấy ông chồng thâm dữ lắm, chửi con người ta khéo thế.
Câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết ấy không mới. Một gia đình bất hạnh gặp chuyện không may, ông chồng liều mình trả thù cho bà vợ và cô con gái vì luật pháp không thể khiến bọn tội phạm trả giá. Mình thở dài, cái đề tài trả thù xưa như trái đất. Trong điện ảnh ta có Kill Bill (2003), Once Upon a time in the West (1968), Old Boy (2003),..., truyền hình thì có Dexter giết tội phạm vì luật pháp không thể đụng tới chúng, văn học thì có Bá tước Monte Cristo của Alexadre Dumas, truyện kiếm hiệp có ít nhất ba trăm vụ báo thù đủ hình thức và kết cấu. Nhìn chung thì đề tài báo thù không mới và cốt truyện trong cuốn tiểu thuyết Nocturnal Animals ấy về căn bản thì không có gì đặc biệt cho dù cách kể có mới và thực tế hơn.
Cả hai tuyến thực tế và hư cấu trong bộ phim đều rất nhàm chám nếu đứng độc lập, người xem vốn chả thu nhận thêm được gì nếu xem hai câu chuyện riêng rẽ. Thế nhưng bằng việc kết hợp nó lại với nhau theo một cách hoàn toàn bất ngờ, Nocturnal Animals đem lại cảm giác mới mẻ hiếm thấy, đặc biệt là đối với một người thực sự không trông đợi và biết trước bộ phim đem tới những điều gì như mình. Thực sự là như vậy.
Tuyến nhân vật của Amy Adams thực sự rất chán và sáo mòn, ai cũng thấy thế, tác giả cũng dư xăng biết thế. Vậy nên khi tấn bi kịch của gia đình trong quyển tiểu thuyết xuất hiện, mình hoàn toàn thoát khỏi cảnh ngáp ngủ. Như mình đã nói, cho dù cốt truyện không mới nhưng bản thân mình vốn không trông đợi một cảnh phim bạo lực hay u tối như thế nên khi mọi thứ diễn ra, nó trật khỏi những bánh răng dự định trong đầu mình và tiến vào một thế giới mới hấp dẫn hơn. Mọi thứ diễn ra trong quyển tiểu thuyết rất thực tế, không có ai là anh hùng để cứu giúp họ, tất cả chỉ có sợ hãi, vô vọng và bất lực. Mình dự cảm không lành trước bất hạnh của gia đình đó nhưng không thực sự nghĩ được cách khác để cứu họ. Còn bọn tội phạm thì không thể đáng ghét hơn. Chúng không phải là những kẻ độc ác tột cùng nhưng lại có thừa thông minh và đủ duyên dáng để khán giả không ghét bỏ, kiểu như Joker và Hannibal. Bọn chúng là ba thằng nhãi hạ cấp, bỉ ổi, ghê tởm và không thể nhẫn tâm hơn được nữa. Mọi thứ đều rất thật và không làm quá, thế nhưng nó buồn bã và trần trụi đến đau lòng. Cảnh phim ông bố phát hiện ra bà vợ và cô con gái, tông màu, hình ảnh, âm thanh, gương mặt tội nghiệp của Jake Gyllenhaal, tất cả kết hợp với nhau tạo nên những thước phim rất duy mỹ, rất nghệ thuật.
Việc tuyến nhân vật trong hư cấu có một sự hồi hộp và hấp dẫn nhất định đã góp phần giữ khán giả ở lại và xem tiếp việc chị Amy Adams có chịu ngủ hay không. Song song với câu chuyện trong tiểu thuyết là những lần Amy hồi tưởng lại quá khứ của mình với anh chồng cũ Jake, từ cách họ đến với nhau, sống chung và chia tay. Một lần nữa, câu chuyện của Amy cũ và sáo mòn đến nỗi cảm thấy răng rụng, tóc bạc, da đồi mồi tới nơi rồi, nhưng khi mỗi khi câu chuyện cũ ấy được hé lộ, người xem hiểu thêm một phần trong cuốn tiểu thuyết của anh chồng cũ kia. Quyển tiểu thuyết được dành tặng cho cô vợ cũ, và ẩn dưới câu chuyện máu me, bi thương và bất hạnh đó là những suy nghĩ, tình cảm, tâm tư chẳng mấy tốt đẹp mà anh chồng hướng tới cô vợ. Chính nội dung quyển tiểu thuyết tiết lộ, bổ trợ cho tâm lý cho nhân vật của Amy Adams, và chính những hồi tưởng, tâm lý của nhân vật của Amy Adams giúp bổ sung, làm rõ hành vi và động cơ cho nhân vật ông bố trong quyển tiểu thuyết. Ông chồng cũ tự coi mình như nhân vật người bố trong tác phẩm của mình, câu chuyện thê thảm của ổng là ẩn dụ cho cuộc hôn nhân nước mắt mà ổng chịu đựng với Amy Adams, thế nên Jake Gyllenhaal mới đóng hai nhân vật. Cũng có nhiều chi tiết nhỏ trong phim làm rõ điều này, ví dụ như người vợ và con gái có màu tóc đỏ của Amy, việc Amy luôn nói chồng cũ không nên trực tiếp viết về bản thân, ba vụ yếu đuối này nọ,...
Hai phần ba bộ phim đã làm rất tốt, khúc cuối lại không thể theo kịp điều này. Cũng khó mà trách đạo diễn, nội dung phim chỉ có thế. Hai tuyến câu chuyện đều là cũ, khi người xem đã theo kịp sự mới mẻ của phần phim trinh thám kia và dần nhận ra ý tưởng của phim, việc tạo ra thêm một bất ngờ choáng váng khác là vô cùng khó. Hơn nữa quá trình báo thù của ông bố rất chán bởi bị mặc định trong thuộc tính “thực tế” của tác phẩm. Thì thực tế nên làm gì có vụ một anh già bình thường cầm kiếm chém bay đầu người này người nọ như trong Kill Bill được, mà đã không thể hành động ngoạn mục thì chuỗi ngày chờ đợi và run rẩy khua khoắng khẩu súng của ông bố đáng thương kia cũng đáng ngáp dài ngáp ngắn như việc Amy Adams lăn qua lộn lại trên giường mà thôi. 1/3 còn lại của bộ phim rất chán, chậm chạp, lê thê và không có hậu. Thế nhưng khi đã có thể đủ thông minh để kết hợp hai câu chuyện cũ thành một câu chuyện mới, người ta cũng đủ thông minh để nghĩ ra một cái kết mơ hồ, hoang mang và đủ để khiến người xem có dư vị nào đó khi bộ phim kết thúc.
Thực ra thì chính mình cũng phàn nàn về cái kết tưởng như cụt lủn của phim. Nó kết thúc bằng cảnh anh chồng cũ cho Amy Adams leo cây. Nhưng nếu mình suy nghĩ kỹ, đó chính là pha trả thù ngoạn mục nhất mà Jake Gyllenhaal có thể làm được. Anh ta gửi cho cô vợ cũ, người mà đã hơn chục năm nay không liên lạc, tập bản thảo đề tặng cô này hóa ra lại là một câu chuyện kinh khủng, u tối, khiến cô liên tưởng đến quá khứ ngày trước với anh ta. Cộng với việc cuộc sống hàng ngày cũng chẳng đẹp đẽ gì, chị kia tò mò về anh chồng cũ nên đã hẹn gặp anh này và đã thực sự trông đợi vào lần hội ngộ đó. Kết quả cuối cùng là bị cho leo cây. Nói một cách khác, anh chồng cũ “trả thù” cô vợ theo một cách “thực tế” nhất có thể. Anh ta khiến cô vợ tò mò về mình, nhớ về mình, đưa hy vọng của cô này lên cao rồi dập tắt nó bằng một cách lạnh nhạt nhất. Bản thân mình thấy nó vẫn chưa xứng với những gì mà cô vợ đối xử với anh ta trong quá khứ, nhưng ít nhất thì anh này trả thù thành công, 20 năm thù dai cuối cùng cũng được bù đắp phần nào. Mục đích của mọi thứ luôn luôn là trả thù đúng không.
Nocturnal Animals có nhiều thứ mà một phim dạng tranh Oscar thường có: tâm lý phức tạp, diễn viên thần sầu, bi kịch tột cùng và bất hạnh tột đỉnh, kết thúc lấp lửng, ẩn dụ, hình ảnh gây shock, bạo lực mỹ miều, liên tưởng quá khứ,... Mình biết là Nocturnal Animals không thành công ở Oscar nhưng mình nghĩ nó cũng là một trong những phim hay nhất được sản xuất vào năm ngoái. Amy Adams và Jake Gyllenhaals diễn xuất rất ấn tượng, đặc biệt là Amy vì vai diễn của cô này chẳng có gì. Bản thân mình cho rằng phim đã có một ý tưởng tốt là làm tốt đến mức có thể, chỉ là nó tốt nhưng chưa đủ để trở thành tuyệt vời, nó vẫn còn thiếu chút kịch tính và mặn mà cần thiết để trở thành kinh điển. Còn không thì nó chỉ dừng lại là một phim tâm lý kha khá.

Ngoài ra thì mình còn vài lời muốn nói với đạo diễn về cảnh đầu tiên của phim. Thực sự cảnh đó có cần thiết không? Người ta thực sự nghĩ nó là nghệ thuật hay chỉ mấy người giả dối tự nhận là nghệ sỹ và có tâm hồn gì đó mới dám vờ vịt nói nó là nghệ thuật? Xin lỗi đạo diễn nhưng mà người xem tầm thường tôi đây đang ăn cơm và cũng có người khác ngồi bên cạnh. Nó thực sự là rất rất kinh khủng và không thể gột sạch nó khỏi ký ức được. Mình thực sự muốn gào lên: Sao vậy? Sao lại làm thế? Tôi ở ác gì với ai à?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về Good Will Hunting

Về Fargo

Về Donnie Darko (2001)