Về Breakfast Club (1985)

Spoiler Alert!


Breakfast Club là một phim sẽ không bao giờ bị chôn vùi theo thời gian. Cho dù chọn một đề tài khó là tâm sinh lý mấy em nhỏ tuổi teen khùng khùng điên điên, cái lứa tuổi mà chỉ cần vài ba năm cách trở là đã trở thành một thế hệ hoàn toàn khác biệt, thế nhưng những câu chuyện, những trải nghiệm của năm bạn trẻ trong Breakfast Club vào cái ngày thứ 7 ấy mãi không bao giờ lỗi thời. Bằng một cách màu nhiệm nào đó, đạo diễn đã tìm ra được những rắc rối chung mà mọi thời đại trẻ trâu đều phải đối mặt, tập trung chúng nó lại với nhau và bộc lộ chúng theo một cách chân thật, giàu cảm xúc, sống động và đáng nhớ nhất. 

Một buổi sáng cuối tuần đẹp trời, năm học sinh của trường trung học Shermer bị buộc phải tới trường chịu phạt. Ở bên tây có cái lối phạt rất hiền, họ bắt buộc học sinh dành thời gian đến trường và không làm gì cả, kiểu như lấy sự lãng phí thời gian và chán chết ra mà hành hạ các em. Mình chả biết cách phạt này hay hành vi dùng thước quật vào mông của xứ mình cái nào hiệu quả hơn, nhân văn hơn, mình chỉ biết học sinh thời đại nào cũng láo cả và hầu hết hình phạt đều là vô ích.

Năm học sinh ấy hoàn toàn khác biệt nhau, được giới thiệu như là một con mọt sách, một đứa đầu óc ngu si tứ chi phát triển, một nhỏ kỳ quặc, một cô tiểu thư bánh bèo và một thằng nhãi lưu manh “a brain, an athlete, a basket case, a princess and a criminal”. Về lý thuyết, năm học sinh đó đại diện cho năm kiểu nhân vật điển hình thường thấy trong mấy bộ phim tuổi teen. Những kiểu nhân vật này xuất hiện khắp nơi, từ tivi đến màn ảnh rộng, từ giấy ra hình, từ đen trắng sang màu mè 3D tráng lệ, nó tiêu biểu đến mức cũ kỹ và sáo mòn. Sự xuất hiện của năm em ấy không phá vỡ được cái mô típ cũ kỹ này, các em ăn mặc, nói chuyện và thể hiện đúng như cái nhãn các em khoác lên mình, không hơn không kém, không khác biệt. Em mọt sách thì đúng kiểu ngô ngố, thông minh học giỏi và hay bị bắt nạt; em nhà giàu thì đúng là sang chảnh, nổi tiếng, được nuông chiều, được cung phụng; em vận động viên thì khỏe mạnh, học dốt, cãi nhau kém và thích động chân động tay; em kỳ quặc thì ăn mặc lôi thôi, nói năng vô nghĩa, hành động quái dị, một mình một phương trời xa xăm nào đó; em lưu manh thì quát giáo viên như chửi bạn thân, thích phá phách và vi phạm mọi luật lệ trong trường. Nếu chỉ nhìn sơ qua như thế này, bản thân bộ phim đã có thể tự trở thành một ý tưởng không dở và hoàn toàn có thể đứng riêng biệt. Thế nhưng Breakfast Club đã đi sâu hơn thế, nó tự mở ra một khoảng tầng ý nghĩa nhân văn và tiêu biểu hơn khi để những đứa trẻ dành thời gian cho nhau, hiểu về nhau hơn, chia sẻ với nhau về những suy nghĩ, trải nghiệm của bản thân, nó phá vỡ chính cái cái vỏ bọc nhân vật mà các em tự tạo cho mình, đồng thời các em giúp nhau vượt qua những suy nghĩ tiêu cực trong hiện tại.

Điều khiến Breakfast Club không bao giờ lỗi thời đó là nó khắc họa chân thật nhất những vấn đề mà nhiều em học sinh vẫn đang phải đối mặt. Ở đâu cũng sẽ luôn có những đứa trẻ lớn lên trong nghèo khó, ngược đãi, bất hạnh và được mặc định là một thằng nhóc vô giáo dục và sớm muộn cũng sa chân vào tù tội. Thằng nhóc lưu manh trong Breakfast Club sống trong sự thù hằn của một gia đình đổ vỡ, người cha bạo lực, nhà trường bỏ cuộc, em ấy lớn lên trong sự bất mãn cuộc đời, vô giáo dục và chấp nhận luôn là mình chẳng có tương lai tươi sáng nào cả. Cậu nhóc vận động viên thì chịu áp lực từ kỳ vọng của người cha là phải thắng mọi trận đấu dù bất cứ giá nào, hay cậu nhóc mọt sách thì buộc phải học thật giỏi và đứng đầu trong các môn học. Cái áp lực, trông mong khủng khiếp đến vô lý của phụ huynh ấy đã khiến một em không làm chủ được mình mà bắt nạt bạn bè, cuối cùng lại không chịu nổi sự day dứt vì hành động xấu xa đó. Em khác thì chỉ vì một điểm F thì thà tự tử còn hơn đối diện với cái bảng điểm và cha mẹ mình. Trái ngược hẳn với sự quan tâm, định hướng thái quá của hai bậc phụ huynh kia, cô bé kỳ quặc dường như còn “không tồn tại” trong mắt cha mẹ, bởi cô lớn lên và không giống như những gì họ mong đợi. Khi nhận ra đứa con gái của mình khác biệt, thay vì chấp nhận điều này, họ làm lơ và bỏ mặc cô bé. Còn cuối cùng, cô tiểu thư lớn lên trong đủ đầy và quan tâm của cha mẹ vẫn chật vật sống trong sức ép của xã hội để trở thành một người hoàn hảo, phải giao du với những người cùng đẳng cấp để không làm hỏng cái mác của mình. Không những cô bối rối trước mấy chuyện yêu đương mới lớn và không dám thừa nhận những vấn đề của mình, hơn hết cô còn cô đơn trong chính sự hoàn hảo mình buộc phải có.

Sau bộ phim, mỗi bọn trẻ nhận ra bên trong mỗi đứa đều là “a brain, an athlete, a basket case, a princess and a criminal”, bên trong mỗi đứa trẻ đều là một viên ngọc thô quý giá với những tính nết lương thiện ban đầu. Như thằng nhóc lưu manh vẫn không bỏ học dù ở đó chẳng vui thú gì cho nó, vẫn đủ nghĩa khí để “hy sinh” cho đám bạn, vẫn đủ thông minh để nói ra những câu bông đùa sắc như dao. Như đám trẻ dù ghét thằng lưu manh cũng không khai nó ra cho thầy giáo, dù ngoan hiền vẫn muốn thử hút cỏ để nếm mùi đời. Cứ thử xem phim mà xem, mỗi thành viên của Breakfast Club đâu đó đều có nét thông minh như mọt sách, mạnh mẽ như vận động viên, đều lập dị theo cách của mình, đều kiêu hãnh như một nàng công chúa và nổi loạn như mấy tên tội phạm.

Không chỉ còn là cái mác trường học và chính bản thân chúng tạo cho mình nữa, mỗi đứa trẻ nhận ra bên trong mình là một thế giới sắc màu riêng biệt, rằng chúng cũng còn nhiều khía cạnh khác lạ vẫn chưa khám phá hết, rằng chúng còn hơn cả những gì người ta mặc định cho mình. Và cho dù khác biệt, bọn trẻ vẫn dành cho nhau sự cảm thông chân thành nhất, những tình bạn, tình yêu ra đời với cội nguồn là sự đồng cảm đó. Chúng nhìn thấy trong mỗi vấn đề nhức nhối của đứa bạn là một hình ảnh nào đó phản chiếu chính mình, và sự khác biệt ban đầu bị xóa nhòa bởi sự sẻ chia thật thà, bởi mấy màn đấu khẩu và đánh nhau, bởi một hành động trượng nghĩa. Bọn trẻ thực sự quan tâm đến nỗi khổ của nhau và cho dù không thể làm gì để giúp bạn, chỉ cần ở đó, nắm chặt tay nhau trong một chiều thứ bảy với hy vọng mọi chuyện đều ổn, như vậy đã là đủ.

Mình luôn thích cái kiểu phim mà toàn bộ dung lượng của phim gói trong một khoảng thời gian ngắn và cố định. Trong truyền hình có một thuật ngữ là Bottle Episode để chỉ một tập phim mà các nhân vật được đặt trong một bối cảnh duy nhất, câu chuyện liên tục trong một thời gian nhất định, mục đích chính là để tiết kiệm chi phí sản xuất. Những bottle episode nổi tiếng có Fly trong Breaking Bad, The One Where No One ‘s Ready trong Friends, The Chineses Restaurant trong Seinfeld, Cooporative Calligraphy trong Community,... Trong điện ảnh thì không có khái niệm về bottle episode nhưng không hẳn là không có phim được làm theo phong cách này, ví dụ như 12 Angry Men toàn bộ cảnh phim giới hạn trong cái buổi chiều oi bức ở phòng họp của đoàn bồi thẩm.

Điểm chung của những phim như thế này là kịch bản phải hấp dẫn, chặt chẽ, có cao trào, đạo diễn phải biết chắt lọc tinh túy để từng nhân vật bộc lộ mình theo cách tự nhiên nhất, đồng thời không xao lãng câu chuyện chính. Trong Breakfast Club, câu chuyện của 5 bạn trẻ ấy được diễn ra bên trong trường trung học vào một ngày thứ bảy bình thường. Không có giới thiệu hoàn cảnh nhân vật trước và sau quãng thời gian đó, thế nhưng từng nhân vật vẫn được khắc họa trọn vẹn, ấn tượng và riêng biệt, câu chuyện của các em có vui, có buồn, có áp lực lẫn bế tắc hiện lên giản dị, không gượng ép và có chiều sâu. Những thông điệp trong cảnh ngộ của mỗi em đều mang sức nặng ở mọi quốc gia, mọi xã hội, mọi thời đại và hoàn toàn không tô hồng những vấn đề đó.

Tình yêu, tình bạn tuổi mới lớn được xây dựng rất trong sáng và dễ thương vô cùng. Mình nói trong sáng ở đây không phải là kiểu PG 13 hay dạng các em học sinh rượt qua rượt lại nhau qua những gốc cây phượng, cũng chẳng phải “một cái nắm tay đủ để nhớ suốt đời” gì cả. Ở đây các em học sinh Mỹ (cho dù là năm 1985) vẫn được khắc họa theo sự thực tế của thời đại, tức là các em vẫn chửi thề, vẫn thoải mái bô bô với nhau về chuyện tình dục, vẫn hút cỏ, vẫn phạm luật nhà trường và khinh thường giám thị. Tình cảm trong sáng ở đây là sự tiến triển, nảy nở của tình yêu xuất phát từ sự vô tư, không nhìn nhận sự khác biệt mà chia sẻ sự khác biệt đó và cứ để mọi chuyện xảy ra theo cách nó phải thế.

Breakfast Club chỉ phơi bày một phần thực trạng học đường của Mỹ, nó không giải quyết được nó. Cảnh cuối phim nhìn có vẻ hạnh phúc lắm nhưng thực tế thì đâu có thể xoay chuyển được gì, mọi đứa trẻ vẫn phải quay về với cuộc sống cũ của mình, mấy áp lực to đùng chúng phải đối mặt vẫn còn nguyên si. Nghèo vẫn nghèo, giàu vẫn giàu, thắng vẫn phải thắng, học giỏi vẫn phải học giỏi, bị làm lơ thì vẫn bị làm lơ, chẳng có thứ gì thay đổi cả. Thậm chí cho dù một tình bạn đẹp có ra đời thì cô tiểu thư vẫn thẳng thắn nói rằng không dám coi mấy đứa kia là bạn vì không muốn làm hỏng danh tiếng của mình. Breakfast Club thực tế như thế đấy. Không như những teen movies vẽ ra một kết thúc cổ tích có hậu với một buổi prom như mơ, Breakfast Club nhìn nhận cuộc sống rắc rối của các em như nó vốn có và với sức mạnh nhỏ nhoi của mình, các em không đủ sức để xoay chuyển cả một hệ tư tưởng định kiến về những nhãn mác các em đang mang trên mình.

Nghe thì có vẻ buồn nhưng thực ra xem Breakfast Club lại rất nhẹ nhàng và dí dỏm, vẫn trẻ trâu như nó phải thế, mấy em vẫn còn trẻ con và hành xử như trẻ con. Những màn tranh cãi, cái bữa trưa vui nhộn nhưng thể hiện rõ sự phân hóa và khác biệt trong mỗi đứa trẻ, mấy trò quậy phá ông thầy giám thị đáng thương, tất cả đều trẻ trung và khiến bộ phim bừng sáng. Đấy là chưa kể mặc dù cố phá bỏ những mô típ sáo mòn về hình tượng các nhân vật học sinh, bộ phim lại nhét đầy trong đó chính những mô típ cũ kỹ (nhưng gây ấm áp) có trong các teen movies thông thường như việc cô tiểu thư nhất định sẽ phải lòng anh lưu manh, hay như màn makeover lòe loẹt của nhỏ quái dị trở thành cô nàng lọ lem xinh xắn và cua được anh đẹp trai, chưa kể đến cuối cùng thì người vẫn chịu kiếp vừa ế vừa phải làm bài tập cho đám kia lại là em mọt sách. Mình hơi tiếc cho những cái cũ ấy được nhét vào một bộ phim mới và thấy không cần quá nhiều yêu đương như vậy trong một ngày, nhưng mình đoán bộ phim cần nhiều sự ngọt ngào hơn để không trở nên quá nặng nề.


Vượt qua mọi không gian, thời gian và vô vàn những thứ cao siêu khác, Breakfast Club truyền tới một thông điệp vững vàng và lộng lẫy, đó là Marijuana mang mọi người tới gần nhau hơn. Thiệt đó!

Nhận xét

  1. Em cảm ơn chị vì bài chia sẻ này, em xem phim xong thì thấy có vài khuất mắc lẫn nuối tiếc nào đó mà em không rõ lắm, nhưng đọc chia sẻ của chị, thì em đã có những câu trả lời riêng của mình cho những điều đó.

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về Good Will Hunting

Về Fargo

Về Donnie Darko (2001)