Về Captain Fantastic (2016)


Theo Wikipedia Việt Nam, “Hippy hay Hippie là một thuật ngữ dùng để chỉ một văn hóa lối sống của thanh niên, phát sinh từ một phong trào tại Hoa Kỳ trong giữa những năm 1960 và sau đó lan rộng sang các nước khác trên thế giới.
Một bộ phận giới trẻ lúc đó trở nên bất mãn với những định ước xã hội đương thời, với tầng lớp trung lưu đang bị chi phối bởi chủ nghĩa tiêu dùng và tư tưởng đàn áp. Họ phản đối chiến tranh, đề cao tự do, tình yêu, hòa bình, sự khoan dung và bác ái. Họ chủ trương từ bỏ xã hội công nghiệp quay về với thiên nhiên.”
Việt Nam không có dân hippy hoặc ít nhất thì mình chưa từng gặp. Ấn tượng nông cạn của mình về phong trào này và những người theo đuổi phong trào này hầu như đều đúc kết từ phim Mỹ, thành thử nó không thực sự tốt đẹp và toàn diện lắm. Đúng là họ có biểu tình dữ dội để chống chiến tranh Việt Nam (điều mà mình rất quý trọng) nhưng mà theo truyền thông ngày nay, hippy giống như một kiểu trò đùa dễ cười mà các bộ phim từ màn ảnh nhỏ đến lớn đều thích được giễu nhại vậy.
Hầu hết họ đều được mô tả như một đám quái dị ăn bận lố lăng và khác thường, nhịn đói, nhịn khát để theo đuổi một tư tưởng khó hiểu và hoang đường nào đó. Họ đi ngược với chuẩn mực xã hội thông thường (theo cách không tích cực), tức là người bẩn tóc bết, không trang điểm, ăn nói khó hiểu và cực kỳ “đi mây về gió”. Với quan điểm cá nhân (dựa trên những gì truyền thông xây dựng), mình thực sự không thích dân hippy bởi những tư tưởng của họ quá xá là cao siêu giả tạo, thích thoát ly thay vì thay đổi, kiêu ngạo và có vẻ rất ảo tưởng. Hơn nữa, quá nửa trong số họ được mô tả là ăn chay, điều mà mình hoàn toàn không đồng tình lắm. Thịt cá ngon mà.
Captain Fantastic là một câu chuyện về một ông bố hippy cố gắng dung hòa việc nuôi dạy sáu đứa con của mình giữa những tư tưởng hippy ông cho là đúng đắn với chuẩn mực chung của xã hội. Việc đề cập tới định nghĩa về trào lưu hippy chỉ có mục đích duy nhất là sự bất ngờ của bản thân mình khi được nhìn nhận trào lưu này với góc nhìn mới lạ. Hơn nữa, biết về lối sống hippy thì sẽ thấy cung cách sống sót của ông bố không có gì là khó hiểu và độc đáo cả, nó không hẳn là lập dị hay duy nhất trên đời, nó chỉ đơn giản là tư tưởng sống của họ, cái khác là phong cách hippy của ông bố trí tuệ và cực đoan hơn thôi. Bằng cách nào đó, bộ phim khiến mình muốn ủng hộ ông bố hippy, thậm chí mọi suy nghĩ thiển cận trước đây về hippy đều thay đổi.
Hầu hết mọi review về Captain Fantastic đều sẽ nói về cách nuôi dạy trẻ của các bậc phụ huynh, cách nuôi dạy nào là đúng, cách nuôi dạy nào là sai, ta phải ở giữa là làm kẻ ba phải như thế nào cho đúng điệu,... Bản thân mình chưa nuôi dạy ai, thậm chí con chó mình nuôi có tính nết mất dạy như loài mèo, mình thực sự không đủ tư cách nhận xét cách ông bố nuôi dạy con trong phim là quá khắc nghiệt hay đi trước thời đại, cái mình muốn nhấn mạnh là hầu hết cha mẹ nuôi dạy con theo cách họ cho là tốt đẹp nhất cho con mình. Vậy nên cho dù cách Ben (ông bố hippy) và vợ (cũng hippy nốt) nuôi dưỡng con cái trong rừng rú có nghiêm khắc, nguy hiểm và khác thường như thế nào thì vẫn chỉ là cách nuôi dạy họ cho là tốt nhất cho con thôi.
Ở một góc độ luật pháp và đạo đức, vợ chồng Ben có cái quyền nuôi dạy con theo cách họ muốn và họ chỉ đơn giản là cầu thị điều tốt đẹp nhất cho con cái mình. Việc suy nghĩ của họ trái ngược với xã hội không có nghĩa là họ sai. Bản thân mình thấy việc huấn luyện con cái của Ben có khá nhiều ưu điểm. Việc hai vợ chồng là “siêu hippy” với hai bộ não toàn chữ nghĩa đã tạo ra sáu đứa trẻ thông minh theo gen và trí óc mở mang khác người. Việc tự học và chạy nhảy săn bắn trong rừng đã tạo ra sáu cá nhân xuất sắc vượt trội so với hầu hết người lớn trên đời. Chúng nó hoàn toàn bỏ xa những đứa trẻ cùng tuổi cả về trí tuệ lẫn thể chất bởi mọi phút giây chúng tồn tại không bị lãng phí vào tivi, điện thoại, mạng xã hội hay những thứ lề lối khác của xã hội. Cơ thể và trí não chúng hoạt động tối đa vào rèn luyện sức mạnh và kiến thức chuyên sâu của đủ thứ lần đầu tiên mình nghe thấy. Lúc đó trong mình chỉ dấy lên một câu hỏi, nếu mình thực sự được học tập và rèn luyện như vậy, liệu tiềm năng của mình có đạt được như những đứa trẻ con của Ben? Liệu tất cả loài người có tốt đẹp lên nếu được học tập và rèn luyện theo phương pháp đó?
Có nhiều điểm đáng phàn nàn trong cách sống này, mình biết chứ, mình dành hơn 5 năm nay để cười cợt lối sống hippy mà lại. Thế nhưng khi mình nhìn vào gia đình Ben, mình thấy gia đình yêu thương nhau và cuộc sống ấy khá là đẹp theo cách riêng của nó. Nó không phải là một chuyến “Into the Wild” không tính toán, không phải là một đám người vớ vẩn sống trên cây để tránh cho cái cây đó bị đốn hạ và dè bỉu những người ăn thịt cá là sát nhân. Ở đây Ben và vợ nhận ra thế giới quá xấu xa và muốn nuôi dạy con cái mình tránh xa thế giới xấu xa đó. Họ xây dựng thế giới của mình có hệ thống, có chọn lọc, tuy biệt lập nhưng vẫn cập nhật những điều họ cho là quan trọng đang diễn ra trên đời. Họ có tư tưởng riêng nhưng không áp đặt tư tưởng đó lên con cái, tức là cho chúng đọc những kiến thức cần thiết và để chúng tự chọn tư tưởng cho mình. Sự thật thì cho dù có tư duy mở cỡ nào thì những suy nghĩ của cha mẹ vẫn ảnh hưởng nhất định tới con cái, thành thử 6 đứa trẻ con Ben đều là hippy như hai đấng sinh thành của chúng.
Chuyến đi tới đám tang bà mẹ không khiến lũ trẻ thay đổi. Những đứa trẻ lớn đều từng biết đến mùi vị của thế giới thực, đây không phải là lần đầu tiên Tarzan ra phố và nhận ra hot dog ăn ngon hơn nai rừng. Việc tiếp cận với cuộc sống thực chỉ đơn giản gợi nhớ phần nào quá khứ trước đó chứ không khiến bọn trẻ thay đổi thế giới quan của mình cuộc sống hiện tại và đòi hỏi thay đổi. Giống như Ben, bọn trẻ đều biết mình xuất sắc hơn người khác và sự xuất sắc đó đến từ cung cách sống hiện tại. Và bằng sự cao ngạo cố hữu của những người thông minh trông xuống những kẻ dốt nát hơn mình, lũ trẻ sẽ không đời nào hòa vào cuộc sống tầm thường hiện tại với điện tử, béo phì và những trói buộc xã hội khác.
Chuyến đi này chỉ đơn giản là một cú chuyển đổi ngoạn mục trong tư tưởng ông bố Ben mà thôi. Chắc phải rất khó khăn để một người như Ben nhận ra mọi thứ ông tin tưởng trước nay, những thứ ông cho là đúng đắn để nuôi dạy con cái mình hóa ra là sai lầm. Mấy chục năm sống trên đời, hippy đủ thứ kiểu, dân dã, thiên nhiên từ trên xuống dưới hóa ra lại chẳng ra làm sao. Là người thông minh và kiêu ngạo, dĩ nhiên ông bố không nhận ra sự “không áp đặt nhưng hóa ra lại chính là áp đặt” của mình lên các con. Ông luôn khuyến khích các con có quan điểm, chính kiến của mình và phải dám bảo vệ quan điểm, chính kiến đó nhưng khi quan điểm, chính kiến của các con trật ra ngoài cái hệ tư tưởng “sống xanh sạch đẹp” và thoát ly những giá trị ông cho là tầm thường của xã hội thì Ben ngay lập tức dẹp bỏ cái quan điểm, chính kiến đó của các con (lúc bọn trẻ muốn ăn mấy thức ăn nhanh ở nhà hàng). Ben sợ các con mình trở lại cuộc sống mà ông và vợ đã rời bỏ, như khi cậu lớn muốn đi học đại học Ben đã phản ứng khá gay gắt. Nó chỉ đơn giản là sau cái chết của vợ, cái gia đình, cái cuộc sống mà ông níu giữ đang ngả ra thành từng mảnh khác biệt mà ông không thể kiểm soát được nữa. Hóa ra bên trong những con người tưởng như phải có tư tưởng tự do nhất lại bị bó hẹp trong cái tự do của chính mình. Kể cả trong những người có học vấn, thông minh và biết suy nghĩ như Ben vẫn có những hạn chế cố hữu, tầm thường khác của con người.
Mình không đánh giá cách nuôi dạy con cái của bất cứ ai, cái mình nhận ra từ bộ phim là về sự tự do trong lựa chọn cách mình sống. Ben và vợ chọn cách sống biệt lập, thoát ly cho mình và các con, bản thân mình nghĩ Ben cũng nên cho bọn trẻ được chọn cách sống biệt lập hay sống cùng thế giới thực theo chính ý muốn của chúng. Cũng giống như nhiều phụ huynh gửi con mình đi tu hay vào nhà thờ từ khi 5 tuổi, chính Ben cũng đang áp đặt thứ ông tin tưởng vào đầu óc non nớt của lũ trẻ, trong khi chúng hoàn toàn có quyền định đoạt xem bản thân mình sẽ trở thành ai trong tương lai. Ben nên để các con của ông tự nhìn nhận thế giới bằng con mắt của chúng, tự nhìn thấy sự xấu xa của thế giới bằng cách của mình rồi quyết định tồn tại như thế nào. Ít nhất mỗi con người nên có quyền đó.
Cuối phim là sự hy sinh, thỏa hiệp của ông bố giữa cái hệ tư tưởng bảo thủ của ông và quyền lợi của các con. Ben nhìn ra cửa sổ với vẻ buồn chán cuộc sống hiện tại nhưng ông biết các con mình sẽ nhận được nhiều hơn khi được tiếp cận cuộc sống thực sự, có trường lớp, bạn bè có trình độ học vấn thấp hơn dạy dỗ và bị xã hội tiếp cận. Ben đã cho các con mình được nếm mùi vị của thế giới xấu xa, cho chúng cái quyền được chọn lựa và có con đường riêng ra sao. Giữa hai cực trái ngược, thế giới rừng rú cao siêu cực đoan của Ben và thế giới béo phì đa dạng chúng ta đang sống, con lắc đang được dung hòa hết sức cân bằng ở giữa. Một kết thúc không thể có hậu hơn.
Bản thân mình có cái nhìn khác về Hippy, bởi cũng giống như hệ tư tưởng tưởng như không thể sai của Ben bị lung lay đổ vỡ, cái suy nghĩ thiển cận của mình về lối sống Hippy cũng lung lay đổ vỡ y như vậy. Dĩ nhiên là còn nhiều điều gia đình Ben nói và làm mình vẫn thấy khá đáng cười, cách họ cười cợt những con người tầm thường (như mình). Nhưng họ đâu có ngu ngốc, vớ vẩn và hoang đường như người ta vẫn nói. Họ chỉ đơn giản là có dũng cảm để sống theo cách họ muốn và bỏ qua mọi ánh nhìn của người khác về sự khác biệt đó của họ. Nếu mình không muốn cách gia đình Ben cười cợt một người trí tuệ trung bình như mình thì có lẽ việc đầu tiên mình cần phải làm là không cười cợt cách họ sống.

Captain Fantastic là một bộ phim có bối cảnh rất đẹp, góc quay cực tươi sáng và tích cực giữa một câu chuyện buồn đủ các kiểu. Giữa cái buồn man mác trải từ đầu đến cuối phim là những nụ cười dí dỏm khi hai thế giới đối lập đụng chạm nhau ở phần nhạy cảm nhất. Giữa những nụ cười nhẹ nhàng và buồn bã cũng nhẹ nhàng đó là sự dịu dàng và ấm áp mà tình cảm gia đình sâu sắc mang lại. Mọi thông điệp cao siêu, khác biệt mà mỗi người xem rút ra từ bộ phim đều tìm ra một điểm chung, đó là khi bài hát Sweet Child o’Mine vang lên và mọi người nhảy múa trong đám tang bà mẹ, nó đơn giản là rất dễ chịu, rất “feel good”, mọi thứ đều rất đẹp đẽ như nó vốn thế.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo