Về gấu trúc


Dựa trên hiểu biết của mình về ngữ văn, mình biết rằng chỉ cần có một bộ não đủ phong phú và thích suy diễn, bất cứ điều bình thường nào đều cũng có thể được giải thích thành hàng trăm ý kiến hoàn toàn khác biệt so với những từ ngữ ban đầu. Cứ hỏi Xuân Diệu mà xem, thơ ông có lẽ chẳng đẹp như mấy chục bài văn mẫu bình luận về thơ và đời của ông đâu. Vậy nên trong trường hợp bài viết này, mình buộc phải nói trước, mình hoàn toàn chỉ nói về gấu trúc, một loài động vật, mình hoàn toàn không có ý định đi xa hơn chủ đề động vật.

Những suy nghĩ về gấu trúc thoáng qua đầu mình khi lỡ xem Planet Earth 2006, một series xuất sắc về thiên nhiên và động vật của đài BBC. Nếu ai có điều kiện (thời gian rảnh và một màn hình siêu nét), làm ơn bỏ thời gian xem nó thay vì vùi đầu vô mấy phim truyền hình hay gameshow vô bổ khác. Những hình ảnh trong serie đẹp đến mức ná thở (breathtaking), thậm chí đối với một cô gái đang có PMS, cô ta có thể khóc nữa cơ.

Sau đây là những gì mình thu lượm được về loài gấu trúc sau khi xem Planet Earth.
Gấu trúc là một loài động vật hiếm (không có quý), chỉ sống ở vài nơi nhất định ở Trung Quốc, thường là trên núi cao. Planet Earth có đề cập tới gấu trúc sống ở một ngọn núi nào đó mà vốn tiếng Anh không đủ để mình xác định. Vào mùa đông, khi băng tuyết phủ ngập mặt, trong khi hầu hết các loài động vật ở ngọn núi này đều di chuyển xuống chân núi (cho ấm) thì gấu trúc ta phải liều mình kiên gan ở lại chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết. Bởi vì sao? Bởi vì loài gấu trúc chỉ ăn được một loại lá duy nhất chính là lá trúc, và loại trúc đó chỉ mọc trên núi chứ không có ở chân núi. Muốn có ăn, gấu buộc phải ở lại. Gấu trúc không thể trốn lạnh dưới chân núi bởi vì nó quá kén ăn.

Trong khi những anh em họ hàng khác của gấu trúc đều có khả năng ăn thả phanh 6 tháng và nhịn đói 6 tháng còn lại, gấu trúc lại không làm được điều này. Cho dù có ăn liên tục, gấu trúc không thể tích trữ mỡ trong cơ thể đủ nhiều để ngủ xuyên mùa đông, tất cả chỉ bởi loại lá trúc duy nhất chúng tiêu thụ có hàm lượng dinh dưỡng quá thấp. Điều này đồng nghĩa với việc con gấu phải thực sự thức để chịu đựng cái lạnh. Ít nhất thì chúng nó cũng có bộ lông đủ dày.

Mình nhớ từng xem một phim tài liệu nói về sự tiến hóa của các giống loài. Những loài động vật đứng đầu chuỗi thức ăn như hổ, sử tử,... thường có rất ít con trong mỗi lứa, kiểu như để kiểm soát sự cân bằng của hệ sinh thái vậy. Những loài sinh vật yếu đuối, dễ chết thường có số lượng lớn và chu kỳ sinh sản ngắn, đơn giản vì chúng dễ bị ăn thịt thì tốt nhất cứ lấy số lượng bù vào chất lượng, chết con này còn có con khác duy trì nòi giống. Cứ nhìn chuột và đám thỏ mà xem, chỉ có gặm nhấm và đẻ thôi. Ở ngọn núi địa bàn của gấu trúc, với sự may mắn hiếm có của việc không có đối thủ cạnh tranh, gấu trúc có thể được coi là đứng đầu chuỗi thức ăn (vì mình không biết có loài vật nào ăn thịt gấu trúc hết). Theo mình được biết thì gấu trúc mỗi lứa thường chỉ đẻ 1 con, hiếm lắm thì sinh đôi. Con non sinh ra hoàn toàn vô dụng. Nó không thể đứng lên đi lại trong vài giờ như hươu nai, càng không lớn nhanh và trưởng thành trong vài tháng như loài chim. Mắt gấu trúc con chỉ mở hoàn toàn sau 3 tháng, đó là 3 tháng mù lòa của một sinh vật khi xung quanh rừng rú vốn đã đầy rẫy chết chóc cho những loài có đủ 2 con mắt thị lực 12/10. Tỷ lệ sống sót đến khi trưởng thành của gấu trúc trong tự nhiên là rất thấp, điều mà ai nhìn sơ vào cũng biết được. Thậm chí đối với một con gấu trúc trưởng thành, việc sống sót trong thiên nhiên hoang dã khi không có tốc độ, nhãn quan, sự thông minh, móng vuốt, sức mạnh, hàm răng siêu việt,... đã được coi là một điều thần kỳ.

Nói theo quan điểm của một người tin rằng thuyết chọn lọc tự nhiên là đúng, mình tin rằng loài gấu trúc xứng đáng bị tuyệt chủng. Sự thật là vậy, trong cùng một tập phim đó, Planet Earth giới thiệu về những loài sinh vật phải thay đổi mình để thích nghi với môi trường khắc nghiệt. Chúng di cư bất chấp gió bão, bay qua dãy núi cao nhất thế giới trong bão tố bằng đôi cánh mỏi mệt, cuối cùng chỉ để thích nghi và tồn tại. Mọi sinh vật đều phải thích nghi và tồn tại, đó là lý do người lớn có da mặt dày và ít tò mò hơn trẻ con. Những sinh vật không thể thích nghi thì không xứng đáng để tồn tại. Đó là quy luật tự nhiên mà mình tin là đúng. Mọi thứ cuối cùng cũng chấm dứt, cho gấu trúc hay cho con người. Sớm hay muộn, trái đất cũng rũ bỏ con người như con chó hàng xóm rũ bỏ mấy con bọ chét vậy. Còn bây giờ ấy à, đây là thời điểm của gấu trúc.

Gấu trúc không có vẻ gì là muốn chết, nhưng chúng cũng chẳng làm gì để được sống cả. Chúng ăn chay thì không sao, nhưng đồ chay của chúng chỉ là một loại lá duy nhất tại một vùng núi nhất định, làm ơn hạ ngôi cao xuống mà ăn tạp bớt cho con nhờ, giun dế gì đó đi. Số lượng gấu trúc giảm dần nhưng chúng không thể đẻ nhiều hơn mỗi lứa, các con non cũng không cứng cáp dần lên mà chỉ tiếp tục vô dụng mãi. Gấu trúc không tiến hóa lên, chúng thậm chí còn không nhỏ dần để có thể nhanh nhẹn hơn và cần ít thức ăn hơn. Không, chúng vẫn phải xù lông, to lớn, chậm chạp, vô hại và vô dụng. Là tự nhiên tự tiêu diệt dần loài gấu trúc. Là tự nhiên đó. Không phải như con người bắn chết hổ voi để khoe lên facebook đâu.

Nhưng sự thực, gấu trúc vẫn đang sống khỏe nhờ sự bảo tồn bảo tàng của con người. Ở Trung Quốc, sở thú nào cũng muốn có một con để chăm sóc, để đăng clip lên mạng xã hội. Gấu trúc được ghép đôi để gia tăng số lượng, gấu trúc con được nuôi trong lồng kính, có bảo mẫu nuôi nấng, cho ăn hàng ngày, sống còn sướng hơn công chúa, hoàng tử. Con người làm mọi thứ để bảo tồn loài gấu trúc. Trong khi đó, ở ngoài kia còn nhiều loài động vật quý hiếm khác đang cận kề bờ vực của tuyệt chủng, như loài báo tuyết ở khu vực vách núi ở dãy Hy Mã Lạp Sơn. Biết sao giờ, báo tuyết đâu có chịu ngồi yên để con người chích thuốc rồi cho rồi lồng kính để bảo vệ. Mình đoán ở khía cạnh thích nghi với bàn tay kiểm soát của con người, gấu trúc dễ bảo và dễ thích nghi hơn báo tuyết.

Độ phổ biến của gấu trúc đến từ cú hắt xì vĩ đại của một con gấu trúc trên youtube, kể từ đó, trên bất cứ phương tiện truyền thông nào, gấu trúc cũng hiện hồn về với ba thể loại: ăn, ngủ, làm nũng người nuôi. Bất chấp chỉ sống ở vài vùng hẻo lánh rừng sâu nước thẳm ở Trung Quốc, gấu trúc nghiễm nhiên trở thành “quốc bảo”, là biểu tượng ngoại giao của quốc gia này. Ở Olympic Bắc Kinh, gấu trúc là một trong năm linh vật của thế vận hội. Hình ảnh gấu trúc được thể hiện phần nào góc nhìn của phương tây đối với Trung Quốc qua Kungfu Panda (Hollywood kết hợp hai mô-típ cổ hủ của họ khi nhắc đến Trung Quốc lại với nhau). Panda Express là hãng thức ăn Trung Quốc phổ biến nhất ở Mỹ. Nói tóm lại, gấu trúc là một loài động vật nổi tiếng và được yêu thích trên toàn cầu. Tất cả chỉ bởi một lý do duy nhất: chúng dễ thương.

Mọi thứ dài dòng và phiến diện về loài gấu trúc mình vừa đề cập ở trên chỉ nhằm đưa đến một mục đích duy nhất: đề cao vai trò vĩ đại của việc phải trở nên xinh đẹp. Đẹp quan trọng dữ lắm. Nhìn loài động vật mà tự nhiên đã chối bỏ như gấu trúc kia mà xem, con người đưa vòng tay ra cứu vớt chúng cũng chỉ bởi chúng đẹp. Chúng sống sung sướng trong nhung lụa và đắt đỏ trong khi những loài động vật khác phải bơi ngược dòng, phải bị săn đuổi, phải nhịn đói, phải chết trong kiệt sức và cô độc vì lạc lối trên hành trình tìm tới nguồn nước,... tất cả cũng bởi chúng xinh xắn hơn những loài sinh vật khác.

Tại sao gấu trúc được cứu? Bởi chúng dễ thương. Gấu trúc có thể làm gì? Chúng làm nũng, chúng dễ thương, dễ quay phim và chắc chắn không đe dọa được con người. Gấu trúc hơn gấu thường chỗ nào? Chúng không cạp Leonardo DiCaprio suýt chết. Khả năng đặc biệt khiến gấu trúc hơn những loài động vật khác? Đẹp là một loại tài năng nghe má.


Nếu ai đó bảo thời đại bây giờ không chỉ cần đẹp, mà còn cần blah blah blah,... mình cười ngay. Đẹp là đi nửa quãng đường hơn người không đẹp rồi. Nhìn gấu trúc mà xem. Bản thân mình cũng muốn ghét loài động vật khó nuôi khó chiều và vô dụng này nhưng chỉ cần nhìn cái vẻ mặt ngu ngơ của nó, mình chỉ muốn chạy tới ôm một cái, nựng một tí, chụp vài chục tấm hình kỷ niệm. Cái đẹp của gấu trúc khiến người ta quên mất bao nhiêu lỗi, lầm, thiếu sót, càng không lo sợ cái tác dụng phụ “bông hồng có gai” mà thiên hạ vẫn hay tuyên truyền, cảnh giác cho nhau. Cái đẹp khiến thứ tầm thường trở nên thuyết phục, khiến sến sẩm trở nên lãng mạn, khiến ngờ vực trở thành đức tin,...

Thôi chết, mình nhận ra rồi. Cái khiến gấu trúc đánh bật tuyệt chủng chính là vẻ đẹp, vẻ đẹp chính  là thứ tự nhiên ban cho nó, là thứ khiến nó vượt trên chọn lọc tự nhiên để tồn tại. Nói cách khác, gấu trúc không cần kỹ năng, sự khôn ngoan, bản năng hay hàng ngàn, hàng vạn điều phức tạp khác để tồn tại, nó chỉ cần đẹp, mình nên ngậm ngùi chấp nhận sự thật rằng đây cũng là một trong những yếu tố sống còn của tạo hóa đi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo