Về Chernobyl (Miniseries, 2019) (phần 1)

Spoiler Alert!!!

Bài viết quá dài nên phải cắt ra làm 02 phần.


Đây là những gì mình biết về Chernobyl cách đây 2 tuần: năm 1986, đâu đó tại Ukraine, trước đây vẫn là lãnh thổ của Liên Bang nước Cộng hòa XHCN Xô Viết, có một vụ nổ tại một nhà máy điện hạt nhân. Vụ nổ đã làm phát tán một lượng lớn phóng xạ ra môi trường, khiến một số người nhiễm phóng xạ bỏ mạng, vô số người dân phải bỏ nhà đi sơ tán, vùng “Chernobyl” bị bỏ hoang đến tận bây giờ. Nhân lực, tiền của, vị thế chính trị của Liên Xô biến mất trong quá trình giải quyết hậu quả vô cùng tốn kém. Đây được xem là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại.
Chấm hết.
Đó là những gì mình chắc chắn là đúng về sự kiện Chernobyl. Những điều khác, như việc vô số người dân lân cận có tỷ lệ bị ung thư cao, đột biến gen, giảm tỷ lệ sinh… những điều này chưa bao giờ được hoàn toàn công nhận và thiếu chứng cứ khoa học cụ thể, thế nên mình không dám khẳng định là đúng. Tuy vậy trong thâm tâm, mình dặn lòng tin là đúng. Bởi phải có hậu quả lâu dài và đáng sợ như vậy thì người ta mới sợ phóng xạ đến thế chứ. Mọi thứ không thể chỉ gói gọn trong vài chục nhân mạng trực tiếp “sờ” trúng cái phóng xạ thời điểm đó được, nó phải ghê gớm hơn thế. Cái đầu đầy thuyết âm mưu của mình nghĩ như thế đấy.
Những kiến thức mình biết về Chernobyl thực sự là vô cùng sơ sài so với cái tính chất “là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại” của sự kiện. Và cũng bởi cái sự biết giản lược này đã đem lại cho mình sự thụt lùi trong công cuộc giảm dốt của bản thân. Mình thực sự không biết tí gì về những điều cần biết về thảm họa này nhưng biết “đủ” để hiểu rõ cái đề tài mà bộ phim Chernobyl muốn nhắm đến, và nghe trên lý thuyết, nó chán không chịu được. Ai muốn xem?
Dĩ nhiên mình biết phải có lý do nào đó mà một bộ phim như Chernobyl có thể vượt mặt Breaking Bad và cả Planet Earth để giật thủ khoa trên trang ImDB. Nhưng sự tự phụ và thích đánh giá thiên hạ của mình không bù được sự thiếu hụt về thời gian, lòng hiếu kỳ không thay thế được sự thật là Chernobyl là phim lịch sử, mà lịch sử phản ánh cuộc sống, mà cuộc sống thực thì chán và buồn bã vô cùng. Huống hồ Chernobyl lại là phim thảm họa, một thảm họa không hoành tráng, không “dời núi lấp biển”, không bay lượn CGI, không có cái bài diễn văn hùng hồn kêu gọi đoàn kết quyết thắng và một màn giải cứu ngoạn mục với kết thúc hướng tới tương lai ngời sáng. Thậm chí đến bây giờ, trên thực tế, Chernobyl cũng chỉ là một đống hoang tàn nơi mọi dấu ấn của con người chỉ còn là sự vội vã, nuối tiếc, mất mát, nơi mà chỉ cỏ dại, chó hoang tranh đấu với phóng xạ và sống ngon lành. Không có quá nhiều hy vọng cho Chernobyl.
 Trước khi xem phim, mình đã nghĩ Chernobyl là một bộ phim phản ánh góc nhìn của phương Tây về một thảm họa tại Xô Viết, một nước xã hội chủ nghĩa, một cực của chiến tranh lạnh. Nó sẽ chân thực đến khốc liệt, buồn bã đến khó thở, toàn khung hình chìm trong cái màu xám lạnh lẽo, u ám, các nhân vật vừa già vừa xấu ngồi hút thuốc lá vô tội vạ trong các phòng họp kín và nói những thuật ngữ đầy tính vật lý và chuyên môn mà mình không bao giờ hiểu về hạt nhân, phóng xạ, lõi, phản ứng,…. Dân thường, binh lính, những người trực tiếp đứng trong thảm họa thì bơ vơ, lạc lõng, những anh hùng thầm lặng được ghi công theo tiếng nhạc cảm xúc, những dối trá, che đậy, sự bất lực trước thời cuộc, chính trị, con người,… tất cả hòa thành một trong những bộ phim trầm buồn và ám ảnh nhất mà mình từng xem.

Và đó chính xác là những gì đã xảy ra.

Chernobyl bắt đầu bằng một vụ tự tử của một ông chú nam chính. Đó có thể là tín hiệu buồn rầu đầu tiên của bộ phim và nó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiết lập tông màu chết chóc, độ tương phản phức tạp của âm mưu, bí mật, tình báo, cùng hiệu ứng nghiêm trọng và sâu sắc nhất định mà cả series muốn hướng tới. Nó đặt người xem vào thế căng thẳng cao độ khi bộ phim vừa mới bắt đầu.
Dòng sự kiện xuyên suốt được chính thức kể lại bằng những diễn biến xảy ra sau vụ nổ lò phản ứng số 4 tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl (thị trấn Pripyat, Ukraine). Sự chỉ đạo vô lý, dốt nát và độc đoán của phó kỹ sư trưởng Anatoly Dyatlov (Paul Ritter); sự cun cút nghe theo lệnh đáng ngạc nhiên của những nhân viên trong kíp trực điều khiển; sự dấn thân khi không rõ nguy hiểm của những người lính cứu hỏa; sự vô tư của những người dân thị trấn Pripyat trước thảm họa hạt nhân; sự ngu ngốc, ích kỷ, sĩ diện và hèn nhát của những “cán bộ” trong cuộc họp tối hôm đó… Mọi thứ trong tập một là một chuỗi các sai lầm nối tiếp sai lầm khiến người ngồi xem, những người đứng sau dòng chảy của quá khứ và biết kết cục của nó cảm thấy vô cùng khó thở và đau đớn. Trong đầu mình lúc đó chỉ vang lên “Đừng có đi… Đừng làm thế… Sai rồi… Cái mệ gì… Mày điên à… Sao lại thành ra như thế này…”

Sự bất lực khi ngồi nhìn những con người bình thường bước thẳng vào cái chết không thể tránh khỏi thực sự là một trải nghiệm khó chịu. Tất cả những nhân viên trong phòng điều khiển, những người biết họ phạm sai lầm và hiểu được những rủi ro mất mạng trước mặt nhưng sẵn sàng chấp nhận nó còn hơn chấp nhận sự thật là họ vừa làm cái lõi hạt nhân nổ tanh bành và gây ra đại họa cho cả đất nước. Những người lính cứu hỏa đi chữa cháy nhận thức được sự bất thường trong nhiệm vụ lần này nhưng vẫn xả thân làm việc bởi chấp nhận hy sinh là điều mà công việc của họ đòi hỏi. Những người dân thường, hoàn toàn không hay biết chút gì về tai ương sắp ập tới, vẫn hân hoan trước ánh sáng bức xạ đẹp lộng lẫy và mưa bụi phóng xạ lấp lánh như tuyết rơi mùa hè hiếm có. Và ở một bong-ke an toàn, ba con người chết bầm chịu trách nhiệm chính cho thảm họa này thoải mái báo cáo những số liệu an toàn để che đậy, tô hồng cho những sai lầm của họ. Tệ hơn, người ta tin nó và không thèm sơ tán người dân.
Cái đêm thảm họa ấy được gói gọn trong tập đầu bộ phim, căng thẳng, bế tắc và ức chế. Nó không miêu tả sự kiện từ những sự kiện xa xôi đầu tiên dẫn dắt đến cái thảm họa cuối cùng kia như mình dự đoán. Nó vào thẳng vấn đề, trực tiếp, trọng tâm, không màu mè, thê lương và cực kỳ hấp dẫn. Mình nhắc lại: nó cực kỳ hấp dẫn.

The 'Chernobyl' mini-series has finished, but the real life catastrophe  never ends - Greenpeace International
Tập 2, 3, 4 là những bước dọn dẹp của chính quyền sau khi phát hiện ra thảm họa Chernobyl đúng thực là thảm họa theo mọi nghĩa của thảm họa. Theo chân nhà khoa học Valery Legasov (Jared Harris), người có chuyên môn, nghiệp vụ nhưng không có quyền và thành viên Hội đồng Bộ trưởng Boris Shcherbina (Stellan Skarsgard), người có quyền nhưng không có kiến thức gì về những thứ ông sắp đối đầu, trở thành bộ đôi xông pha trận mạc và chỉ huy toàn bộ quá trình giải quyết hậu quả sau vụ nổ. Quá trình hoạt động của họ còn có sự trợ giúp đắc lực của Ulana Khomyuk (Emily Watson), một nhà khoa học hạt nhân không rõ đến từ đâu nhưng cái gì cũng biết, cái gì cũng giỏi.
Được xây dựng như là người chỉ làm tròn phận sự của mình nhưng vô tình phải lãnh trách nhiệm cam go, cả Legasov và Shcherbina phải đối diện từ nguy cơ này tới khả năng khác, cái nào cũng hòm hòm “thảm họa” và nhuốm màu chết trên diện rộng và không thể cứu vãn. Trận chiến của họ cũng khốc liệt như bất cứ cuộc xung đột vũ trang nào khi mà hàng tá thanh niên có tương lai tươi sáng được lùa vào chiến trường chờ chết. Những anh hùng thầm lặng nổi lên như ba anh thợ cảm tử quân được cử vào vùng phóng xạ để mở van thoát nước (người ta tưởng ba anh sẽ chắc chắn chết toi nên đi xin phép Tổng bí thư hẳn hoi), những ông chú thợ mỏ đen nhẻm đào hùn hụt suốt hai tháng dưới đáy lò phản ứng tanh bành mà sau này chỉ có một số ít sống qua tuổi trung niên dữ dội, những thanh niên 90 giây dùng tính mạng, sự cẩn thận và may mắn một đời của mình để làm thay việc của máy móc,… Hay như cả Legasov và Shcherbina, họ cũng ở đó, cùng sống và chịu trách nhiệm với mọi đường đi nước bước họ toan tính để sao cho số lượng kẻ hy sinh là thấp nhất. Nghe ra cũng tàn nhẫn lắm.
Ngoài tuyến câu chuyện chính là quá trình ngăn chặn thảm họa mới và dọn dẹp tàn dư cũ của Legasov và Shcherbina, bộ phim đan xen thêm những câu chuyện, những thân phận khác có liên quan và kết nối với thảm họa Chernobyl như có thêm một góc nhìn toàn diện hơn về sự kiện. Những câu chuyện được chọn để kể lại, cho dù chỉ là một mẩu nhỏ và hoàn toàn không liên quan đến tuyến chuyện chính, thực sự lại rất cần thiết và gây dấu ấn sâu đậm trong bộ phim. Câu chuyện về cô vợ anh cứu hỏa, một người vợ tuyệt vời và một bà mẹ bất cẩn, người bất chấp mọi rủi ro và nguy hiểm để đi chăm anh chồng bị ARS (Hội chứng nhiễm phóng xạ cấp tính), cuối cùng lại chẳng giữ lại được ai. Hay câu chuyện về em trai hiền lành dấn thân đi phục vụ tổ quốc cuối cùng lại là cầm súng giết chó, sau đó cũng hiểu tại sao xung quanh mình ai cũng nát rượu. Cái giây phút mà ba người lính cả ngồi nghỉ ngơi sau giờ làm việc, giữa hoang tàng đổ nát, giữa cái chết và sự yên lặng của cái chết, đọc tấm băng rôn tuyên truyền “The Happiness of All Mankind”, nghe ra thật chua chát, mỉa mai. Hay chỉ với năm phút mở đầu một tập phim để ghi lại một dấu ấn đậm màu không lẫn vào đâu được, bà già vắt sữa kể về cuộc đời không lấy gì làm bình lặng của bà từ cái thời Sa hoàng, cách mạng, thế chiến I, thế chiến II, nạn đói, cái chết,… để từ chối di tản theo lệnh của chính quyền. Tất cả những câu chuyện đó đều được kể lạị bình thản, khốc liệt và đắng nghét trong dư âm vốn đã xám nay còn xịt hơn của bộ phim.
Và như để nối tiếp âm thanh nền của tập một, như cột khói phóng xạ bay lung tung từ nước này sang nước khác, cái bóng ma của cái chết treo lủng lẳng trên đầu từng nhân vật, từng quyết định sống còn, từng điếu thuốc lá phì phèo không dứt ra được của cả bộ phim. Song song với cái chết trực diện đầy đau đớn của những anh lính cứu hỏa, của những người làm việc trong cái đêm định mệnh, của những con chó tội nghiệp và một con bò sữa vô tội, là cái chết gián tiếp mơ hồ được đính lên trên mọi thân phận người dính dáng tới thảm họa. Với những kiến thức mình có, Legasov hiểu rõ sự nguy hiểm của tính mạng bản thân khi tiếp xúc với phóng xạ trong một thời gian dài. Sau đó là Shcherbina bàng hoàng nhận ra sự nghiệp chính trị hay cả mạng sống của mình đã chấm hết theo một điều không thể tránh khỏi. Nhưng ít nhất họ biết mình đang dấn thân vào cái gì và sẽ trả giá bằng cái gì. Mọi bước đi, mọi kế sách giải quyết hậu quả đều treo trên đầu cái chết lơ lửng. Ba người thợ được cử đi mở van nước, 400 người thợ mỏ đào hầm dưới chân nhà máy điện, hàng trăm ngàn người lính và thanh niên huy động tới để dọn dẹp… những con người lờ mờ nhận ra rủi ro nhưng không thực sự biết nó tệ đến mức nào. Cái chết của họ dừng ở chữ “có thể” và nó nằm trong những điều đè nặng lên lương tâm của Legasov bởi đó là quyết định của ông và ông phải sống với nó đến cuối đời (thực ra cũng không quá lâu sau đó). Nhưng như Shcherbina nói “It has to be done” nhẹ như không mà nặng tới muôn vàn, mình hiểu và thông cảm với bọn họ.

Tập cuối cùng, nơi sự thật được phơi bày, là thời lượng bộ phim dành để giải thích toàn bộ quá trình, nguyên nhân, hậu quả của sự kiện Chernobyl cũng như cách mà chính quyền và Legasov chọn để đối diện sự thật. Và nơi được chọn để đối diện sự thật và sự trừng phạt cũng mang tính biểu tượng cao: Tòa án. Theo mình đọc được thì trong lịch sử Legasov không tham gia làm chứng trước tòa án, ông chỉ diễn thuyết một lần ở Vienna thôi nên sáng tạo trong bộ phim chỉ là một cách để tăng cao trào và tạo một cái kết “bi hùng” cho nhân vật.  Mình thực sự không rõ mấy cái bảng xanh đỏ kia cùng bài thuyết trình chỉnh chu, đâu ra đấy của Legasov đến từ cái khả năng sư phạm thần sầu của một nhà khoa học tài năng hay là nó đến từ sự thông tuệ thâm sâu của mấy người biên kịch. Cái mình biết chắc chắn là bộ phim này là nơi lý giải nguyên nhân, diễn biến thảm họa Chernobyl đơn giản, dễ hiểu nhất mà mình từng xem qua.
Sau bộ phim, mình đã tìm hiểu sơ lược về sự kiện, cả tiếng Anh và tiếng Việt. Với trí tuệ thông thường của một học sinh dốt vật lý, mình thực sự không biết gì nhiều về những hiện tượng dây chuyền, mức điện năng, áp suất, hơi nước, nhiệt độ và vô vàn những thuật ngữ chuyên môn và những từ ngữ lạ lùng khác được phun ra đầy rẫy trong cái bài báo, trong wikipedia, trong cái bài viết chỉnh sửa kiến thức cho bộ phim. Cái cách họ giảng giải đầy tính chuyên môn nghiệp vụ và quá chi là dễ chán, hoặc là mình đọc nhưng không hiểu, hoặc là mình chẳng hiểu nên không đọc. Chỉ có trong Chernobyl, khi mà Legasov đứng chình ình giữa tòa và ngập ngừng lý giải về chuỗi sự kiện liên tục dẫn tới cái “thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử”, mình mới thực sự nắm được những mấu chốt khoa học có liên quan tới nó. Trong một buổi tối đầy kinh ngạc, mình hiểu những gì Legasov nói, mình hiểu Chernobyl như cách Legasov giảng giải. Nó không giống như một sự giản lược hoặc “dumb it down” cho một người phổ thông hiểu (hoặc ít nhất nó không có vẻ như thế), nhưng sự vận động, lên xuống của áp suất, điện năng, của các nhân tố làm cân bằng lò phản ứng,….mọi thứ đều logic, dễ hiểu, khoa học và được giải thích cực kỳ thông minh.
Dưới góc độ của một học sinh dốt, mình đánh giá phương pháp sư phạm của bộ phim là 10/10. Còn sự chính xác của những kiến thức khoa học, đó lại là một câu chuyện khác mình sẽ đề cập đến sau.

Trong khi tập 1 – 4 là sự đấu tranh giữa sống và chết, tập 5 lại là sự tranh đấu giữa sự thật và dối trá.
What is the cost of lies? It’s not that we’ll mistake them for the truth. The real danger is that if we hear enough lies, then we no longer recognize the truth at all.”
Bộ phim đã mở đầu như thế đó, một trăn trở xa xôi đầy triết học của Legasov về cái giá của sự dối trá. Lúc đó mình đã tự hỏi có phải bộ phim đang làm màu hay không, bởi sự thật hay dối trá có liên quan quái gì tới thảm họa Chernobyl? (Thời điểm đó mình vẫn nghĩ Chernobyl xảy ra là do sai sót của máy móc và con người, mà sai sót thì là điều có thể “hiểu” và không ai muốn có). Trong khi bốn tập đầu tiên chỉ cho bộ não thiển cận của mình biết cái giá của sự dối trá đắt đỏ và đau thương như thế nào, tập 5 nhấn mạnh thông điệp của bộ phim về mối quan hệ giữa sự thật và dối trá theo cái cách kịch tính, buồn tủi và hùng tráng nhất có thể. Trọng trách một lần nữa được đặt lên vai Legasov khi ông phải chọn để đưa sự thật ra ánh sáng hay chọn chôn vùi nó vì những áp lực khủng khiếp vô hình từ chính quyền và sự giấu dốt đến ngoan cố của họ. Theo như mọi thông tin ban đầu, mọi trách nhiệm được quy cho phó kỹ sư trưởng Anatoly Dyatlov, một cá nhân hoàn hảo cho danh xưng nhân vật phản diện của bộ phim, kẻ mà mới nhìn đã thấy chỉ muốn tát cho một phát. Sự thực là bộ ba giám đốc nhà máy Bryukhanov, kỹ sư trưởng Fomin và cả Dyatlov đều chịu trách nhiệm chính trong việc tiến hành thí nghiệm “trái phép” vào cái đêm định mệnh đó bất chấp những điều kiện thực nghiệm không đạt chuẩn chỉ vì họ muốn thăng quan tiến chức. Sự thực là chính Dyatlov đã đưa ra những chỉ đạo sai lầm và vô lý để đẩy lõi hạt nhân vào tình trạng “cần” để nổ tung. Sự thực là cũng chính Dyatlov đã độc đoán không chấp nhận lõi hạt nhân đã nổ và đẩy nhiều người khác tiếp xúc với phóng xạ rồi bỏ mạng tức tưởi. Nhưng sự thực cũng chính là vụ nổ sẽ không bao giờ xảy ra nếu chính quyền không che đậy một lỗi sai trong bản thiết kế nhà máy hạt nhân, một lỗi sai hiếm gặp nhưng lại là điều kiện “đủ” chút xíu gây ra một thảm họa mà đến mấy trăm năm sau còn chưa sửa chữa hết.
Thật dễ dàng để đẩy mọi tội lỗi cho Dyatlov, ổng hết sức đáng ghét. Và cho dù không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra thảm họa Chernobyl, Dyatlov cũng xứng đáng nhận mọi hậu quả xấu xa nhất khi ông chỉ đạo thuộc cấp chạy về phía lõi hạt nhân để “báo cảo” rằng ông ta không sai, rằng lõi hạt nhân không có nổ, để cuối cùng một số thành viên trong kíp trực tại phòng chỉ huy tối hôm đó đã bỏ mạng vì sự độc đoán của ông (và cả sự nhát gan, nhu nhược của họ nữa). Nếu đúng là diễn biến trong phim xảy ra như sự thật, bản án 10 năm dành cho Dyatlov và cả hai con người mặt dày, thiếu trách nhiệm kia thực sự quá sức nhẹ nhàng.
Nhưng sự thật vẫn là sự thật, một mình Dyatlov không thể gây ra một Chernobyl, nó còn là lỗi của một hệ thống khoa học và chính trị không tách biệt khi mà sự thật trong khoa học phải len lỏi tồn tại và bị vùi lấp bởi quan điểm chính trị và cái “sĩ diện hão” của một Liên Xô hùng mạnh và cái gì cũng đúng. Theo bộ phim, nhà khoa học phát hiện lỗi sai trong thiết kế của lò phản ứng hạt nhân, cũng là bạn của Legasov, chỉ vì muốn công bố nghiên cứu này của mình mà đã bị chính quyền chôn vùi sự nghiệp, tổn hại danh tiếng, thậm chí còn không thể tiếp tục nghiên cứu khoa học nữa, tất cả chỉ bởi những người ngồi trên cao không muốn thừa nhận họ đã mắc sai lầm.
Số phận kém hên của nhà khoa học kia chính là một tấm gương rõ ràng khiến Legasov phải đấu tranh đến mức cùng cực khi quyết định đưa sự thật này ra ánh sáng một lần nữa trong phiên tòa xét xử Dyatlov. Ông chọn con đường khó khăn và một cái kết vô hậu cho bản thân chỉ để thực thi cái triết lý mà một nhà khoa học chân chính nào cũng muốn đi tìm: sự thật.
“When the truth offends we lie and lie until we can no longer remember it’s even there… But it is still there… Every lie we tell incurs a debt to the truth. Sooner or later that debt is paid”. Legasov đã nói một câu hùng hồn như thế trước tòa khi tóm lược về sự kiện Chernobyl. Mọi thứ bắt đầu chỉ với một bài nghiên cứu hồn nhiên chỉ ra rằng nguyên mấy cái nhà máy điện hạt nhân to đùng có một cái lỗi thiết kế chết người hiếm gặp có thể khiến mọi thứ nổ tan tành. Cái sự thật ấy được nói ra không phải để gây mất lòng hoặc bôi bác ai cả, nó chỉ muốn hoàn thiện một công trình hiện đại, hoành tráng và đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn tối ưu nhất. Nhưng cho dù có mục đích gì, cái sự thật ấy nó không có “đẹp mặt”, và để bao biện, che giấu cho cái sự thật đó, người ta chôn vùi nó với vô vàn sự dối trá, thờ ơ khác đến mức cái sự thật và cả con người tìm ra sự thật kia dường như không còn tồn tại nữa. Và rồi đến một ngày, “món nợ” chất chồng của những lời nói dối kia được trả bằng một cái giá quá đắt với một Chernobyl sống dở chết dở với mạng sống, sức khỏe, lòng tin, tài sản của biết bao con người tan tành theo cột khói phóng xạ, một món nợ làm lung lay cả một chế độ, khiến một phần thế giới sống trong sợ hãi và tạo nên một sự ngờ vực không thể thay đổi của cả một thế hệ, một món nợ mà đến tận 30 năm sau cũng chưa thể trả hết. Nó có đáng không?
Cả cái bài độc thoại của Legasov ở cuối phim đều có thể đặt thành một cái poster treo tường hoặc hình nền laptop, người ta vẫn thích mấy câu nói sâu sắc, sâu xa, sâu cay, sâu lắng và “so so” như vậy. Chỉ là khi được đặt trong bối cảnh phim, khi trải qua năm tập phim dữ dội, buồn bã, thảm thiết và khó chịu, khi chứng kiến những gì Legasov thấy và hiểu những gì ông cảm nhận, khi thấy nỗ lực của một cá nhân nhỏ bé muốn thay đổi cả một cỗ máy chây lì, mình cảm thấy sức nặng to lớn trong từng câu, từng chữ ấy. Cái thông điệp của bộ phim không mới, cũng không quá triết lý cao thượng và độc đáo. Bắt đầu từ câu chuyện “Chú bé nói dối” mà nhà trường đã dạy từ lớp 1 về cái giá của sự thật và sự dối trá và vô vàn lời giáo huấn mà cô dạy, cha mẹ dạy, đời dạy về việc khi nào thì nói dối và khi nào thì nói sự thật. Thế nhưng mọi thứ mà bộ phim xây dựng và cài cắm từ đầu, cái thông điệp tưởng xưa như loài người ấy trở nên vô cùng chân thành, vô cùng mạnh mẽ, bởi nó rút ruột rút gan ra bởi chính cái giá quá đắt mà thảm họa Chernobyl mang lại, hay chính bởi mạng sống mà Legasov chọn buông bỏ để có khiến người ta không thể phớt lờ sự thật được nữa. Nó không còn là cái thông điệp hời hợt người ta thường đúc kết để nâng đỡ tầm vóc của một phim hàn lâm tranh giải, nó không phải là những câu nói sáo rỗng dạy đời mang đậm chất tuyên truyền, anh hùng ca của những phim có thể loại tương tự thường có, cái thông điệp của Chernobyl là rút ra từ sự thật, một sự thật người ta không ghi chi tiết trong sách lịch sử nhưng bộ phim khiến ta cảm thấy sự mất mát thật. Cái sự thật này tác động không nhỏ đến tâm lý, tình cảm của khán giả, khiến họ đồng cảm và thấy day dứt giùm cho cái trăn trở của Legasov, cái trăn trở mà ở đầu phim và cuối cùng đều giống nhau đến từng chữ một. Nếu có khác, đó chính là những người ngồi xem cái trăn trở đó đã khác.
Where I once would fear the cost of truth, now I only ask “what is the cost of lies?”

Lúc mình xem tập 5, mình đã tự hỏi Vichnaya Pamyat là ai? Mình cứ tưởng đó là một nhân vật mới, là tên của một con người mà số phận gắn liền với Chernobyl như một biểu tượng cho tác động của nó đến tương lai. Nhưng không, không một ai tên Vichnaya Pamyat xuất hiện cả. Vichnaya Pamyat (Eternal Memory) là một câu cảm thán thường xuất hiện ở cuối một tang lễ hoặc một buổi lễ tưởng niệm người đã khuất. Nó cũng là tên một bài thánh ca cầu nguyện cho các linh hồn trên thiên đường và cũng là bài hát buồn bã, trầm hùng hát ở cuối Chernobyl. Nó dành tặng cho các nạn nhân, các anh hùng thầm lặng, những người mà cuộc sống, hạnh phúc của họ bị ảnh hưởng bởi cái thảm họa kia. Mình cảm thấy như đây là bài hát dành tặng cho những người đã trả giùm cái giá của sự dối trá trong thảm họa Chernobyl, cũng như sau tất cả mọi thăng trầm, sự đổ vỡ của một nhà máy, sự đổ vỡ chính trị, sự mất mát không thể lấp đầy là thứ duy nhất còn lại của Chernobyl.

Với thời lượng ngắn ngọn hơn bình thường của một miniseries, Chernobyl là một tổng thể hoàn chỉnh cô đọng, súc tích và không có lấy một thước phim, một nhân vật thừa thãi. Với bối cảnh hoành tráng cũng hoành tráng mà nhỏ xinh cũng nhỏ xinh, bộ phim khắc họa “có vẻ đúng” một bầu không khí Liên Xô thời bấy giờ, từ bộ quần áo, kiểu tóc và cái cách mọi người nói chuyện với nhau. Mình thực sự không rõ những thứ bộ phim xây dựng có hoàn toàn chính xác với bối cảnh lịch sử không, bản thân mình nhìn vào những chi tiết vụn vặt như người ta “đồng chí” tình thương mến thương với nhau mọi lúc mọi chỗ tại nơi công sở, cái cảnh cô vợ anh cứu hỏa len lén đút lót mụ lễ tân và bà y tá để xin vào thăm chồng, cái cảnh cuộc họp cấp cao quen thuộc khi Legasov phải luôn mào đầu bằng hai hàng tin tốt để tạo không khí tươi vui trước khi đưa ra hai trang tin xấu trọng tâm của vụ việc,… mọi thứ thực sự quen thuộc lắm. Không một cảnh quay, không một nhân vật, không một lời thoại nào thừa thãi trong một bộ phim chặt chẽ, căng thẳng và đau đớn từ đầu đến cuối.
Một trong những điểm mình thích nhất ở Chernobyl là cách bộ phim tạo dựng được không khí hoảng loạn cho người xem. Ngoại trừ cảnh quay của những nạn nhân ARS là có chút ghê rợn máu me đến từ bệnh tình của họ (và sát với thực tế chứ không phải làm quá), còn lại từ đầu đến cuối phim không có cảnh trực tiếp nào miêu tả chết chóc nhưng vẫn khiến mình sợ hãi. Không máu, không dao, không vết thương hở, không có con quái vật biến hình, không có màn “jump scare” rẻ tiền, không có tiếng thét gào rú ghê sợ, thậm chí là không có cái chết đột tử bất ngờ nhưng Chernobyl còn đáng sợ hơn tất cả những phim kinh dị mình từng xem. Cái sự căng thẳng tột cùng khi ba người thợ bước vào đường ống nước và đèn tắt, cái khoảnh khắc 90 giây lao động quan trọng nhất cuộc đời của mấy anh thanh niên, cái giây phút anh lính cứu hỏa nhận thấy vị kim loại trong miệng,… cái sự hồi hộp, lo lắng ấy đến từ việc mình nhận thức được đây là việc thật người thật. Những con người đó có thể thực sự sẽ chết và bộ phim khiến mình đầu tư cảm xúc cho số phận của họ, bởi dù gì những con người đó cũng có thể hy sinh để thực hiện phận sự của mình, để sửa chữa lỗi lầm cho một việc họ không gây ra, họ không có đáng nhận kết cục như vậy. Chernobyl khiến mình nhận ra rằng không có bất cứ bộ phim kinh dị nào, cho dù là kinh điển đến đâu, lại có thể đáng sợ hơn sự thật.
Tông màu của Chernobyl luôn mang âm hưởng xám lạnh, cảnh quay hoàn toàn không mang tính chất hù dọa rẻ tiền hoặc cố tình tạo cảnh kinh hãi. Sự kinh dị, ám ảnh của bộ phim đến từ sự căng thẳng trong tình tiết mà bộ phim xây dựng từ đầu và từ phần nhạc nền xuất sắc đến bất ngờ. Mình không rõ đạo diễn phim có nghiên cứu về các tần số gây “choáng” cho lỗ nhĩ loài người hay không, mình chắc chắn ổng đã chọn những âm thanh khó chịu, gây bức bối nhất có thể đề cài cắm vô những đoạn quan trọng để khiến khán giả rùng mình mà không cần máu. Cái âm thanh của máy đo phóng xạ đến bây giờ vẫn là một trong những âm thanh căng thẳng và gây bức xúc nhất mình từng nghe. Thậm chí khi một tập phim kết thúc và mình nghe lại cái thứ tiếng chết bầm chết dịch đó, mình giật mình và cảm thấy sợ hãi, bi thương. Đây giống như một phản xạ có điều kiện mà mình học từ nhỏ, như nhìn thấy trái me là chảy nước miếng chứ không cần ăn, Chernobyl khiến tiếng máy đo phóng xạ trở thành một âm thanh chết chóc, đáng xa lánh, một âm thanh mà chỉ cần vang lên là khiến mình lo lắng, tim thắt lại với một nỗi sợ hãi không tên và một nỗi buồn thương vô lý.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo