Về Chernobyl (miniseries, 2019) (phần 2)


Spoiler Alert

Dàn diễn viên chính của Chernobyl là một ví dụ điển hình của lấy năng lực đàn áp nhan sắc. Với mấy bộ phim dựa trên việc thật người thật, mà người thật thì kém hấp dẫn, diễn viên bắt buộc phải xuất sắc trong nghề nghiệp của họ, bằng không cả bộ phim sẽ hỏng bét. Hai nam chính Jared Harris và Stellan Skarsgard đã có một màn trình diễn tuyệt vời trong vai Legasov và Shcherbina khi diễn tả trọn vẹn mọi cảm xúc của nhân vật từ đầu cuộc hành trình cho đến cái kết cục cuối cùng mà họ chọn.
Legasov là nhân vật chính với đấu tranh nội tâm nguy kịch nhất. Mình không phải là một nhà khoa học nhưng có lẽ không cần phải là một nhà khoa học để hiểu tại sao họ lại coi trọng sự thật đến như vậy, đặc biệt là khi cái giá của việc che đậy sự thật này lại thảm khốc đến rùng mình như thế. Legasov không chỉ là một nhà khoa học, ông là một nhà khoa học đứng đầu cuộc chiến, là người chịu trách nhiệm cho mọi quyết định, mọi giải pháp được thực thi, mọi thành bại, được mất, mọi sinh mạng con người, động vật, cây cỏ, mọi thứ nằm trong tay Legasov và cái trách nhiệm khổng lồ và đầy hiểm nguy ấy không phải ai muốn gánh là được. Ông đang thực hiện một công việc mà chưa ai từng làm trước đây, một công việc mà nếu sai một bước thì không chỉ tiền bạc, công sức hoang phí, nó còn là cả một châu lục đứng trước bờ vực diệt vong. Trọng trách này quá lớn để thất bại. Khi Legasov ngồi “tâm sự” với Khomyuk về việc liệu ông có gửi mấy trăm người thợ mỏ kia vào chỗ chết cho một rủi ro có thể không bao giờ xảy ra, mình chợt hiểu Legasov nhận lấy trọng trách của mình với tâm thế của một cá nhân. Những con người bình thường dấn thân vào Chernobyl khi trở về đều không còn là người bình thường nữa. Họ thay đổi không chỉ hình dáng, sức khỏe, suy nghĩ, một phần trong chính con người họ biến mất, chết đi hoặc trở thành một con người khác mà mình không nghĩ là thay đổi theo con đường đẹp đẽ hơn. Những sự đổi thay, những tính mạng người ấy, những lựa chọn đầy rủi ro ấy trực tiếp ràng buộc lấy lương tâm Legasov. Như Govbachev có nói trong phim “Well all victories inevitably come at a cost”, cái giá của cuộc chiến này đương nhiên là đắt và Legasov nhìn nhận cái giá đó như một con người nhận trách nhiệm cho sai lầm của họ vậy. Áp lực của trách nhiệm, của sai lầm, cái chết, sự thật nằm trong tay Legasov, một áp lực đủ khiến một con người bình thường, ổn định dần rơi vào trầm cảm, cuối cùng lại chọn cách tệ nhất để đấu tranh cho bản thân và sự thật. Sự thẳng thắn, ngây thơ, sợ hãi, day dứt, chùn chân,… những mảnh ghép rất con người trong nội tâm Legasov càng trở nên vô cùng đáng quý khi ta biết kết cục cuộc đời của ông mà tại sao ông lại chọn con đường đó. Bản thân mình không biết gì về sự thật lịch sử nhưng mình rất trân trọng và yêu quý nhân vật Valery Legasov trong phim. Ông đã làm một việc mà không phải ai cũng làm được và xứng đáng với lời ca ngợi tốt đẹp nhất: Ông là một người tốt.

Chernobyl: the HBO Miniseries that Became a Phenomenon

Không giống như Legasov xuất hiện ban đầu như một người tốt và kết thúc cũng vẫn là người tốt, Shcherbina gây ấn tượng ban đầu cho mình như một Dyatlov thứ hai: xấu tính, quan liêu, khó chịu và ác. Shcherbina xuất hiện khá nhạt nhòa trong một cuộc họp mà ông nào cũng giống ông nào: da trắng, già, khó ưa và nói chuyện không trúng trọng tâm. Qua thời gian, trong mắt khán giả, thiện cảm dành cho Shcherbina tăng dần theo sự chuyển biến trong tính cách cũng như mối quan hệ thân tình trong hoạn nạn của Shcherbina và Legasov. Với nền tảng niềm tin ban đầu là sự việc Chernobyl chỉ mang tính chất hù dọa cũng như không biết cái đinh gỉ gì về khoa học hạt nhân, ấy vậy mà Boris bắt đầu nhận thức được tính chất khốn cùng của hiểm họa từng bước, từng bước một.
Cái quá trình chuyển biến tâm lý của nhân vật Shcherbina thực sự là một cách xây dựng nhân vật thực sự đắt giá và rất tự nhiên. Ban đầu, ông là một Shcherbina bực bội vì bị bắt đi công tác đột xuất và đòi bắn giết lung tung trên trực thăng. Sau đó, chính Boris Shcherbina này nhận ra sự nguy hiểm nhất định trong cái cách Valery sợ hãi và thực sự làm cái công việc mình được cử đến, đó là xác minh độ vụn vỡ của Chernobyl. Ngay cả khi chứng minh được Chernobyl đã nổ tan lõi hạt nhân, Boris “thiếu kiến thức” vẫn cứ cho rằng sự việc không tệ đến mức đó. Cái khoảnh khắc mà Valery nói với Boris rằng tất cả bọn họ sẽ chết trong vòng 5 năm nếu cứ tiếp tục ở lại Chernobyl, đó thực sự là một khoảnh khắc để đời trong nghiệp diễn của Stellan Skarsgard. Mới phút trước, nhân vật của ông vẫn còn đạo mạo, vẫn còn sức sống trong ánh mắt nhưng chỉ trong tích tắc sau đó, mình cảm thấy sự ngỡ ngàng, cái cảm giác bất ngờ khi mọi thứ tuột khỏi tầm tay của nhân vật, cái sự sợ hãi cái chết được kìm lặng của một quân nhân trải đời và thấy đủ thứ, thấy mọi hy vọng rời khỏi ánh mắt Boris và gương mặt của ông của một người không còn nắm giữ thứ gì quan trọng nữa. Boris nhìn Valery và nhận ra số phận không may của bọn họ khi bước chân lên cái trực thăng đó. Nhưng cũng như khi ông tự nói với chính mình và cũng nói cho những người thợ mở ống nước, Boris chấp nhận nhiệm vụ cũng như cái chết của mình với một thái độ đầy trách nhiệm và kiêu hãnh, bởi cũng như ba con người anh hùng kia, ông phải làm vì “it has to be done”.
Shcherbina đương nhiên vẫn giữ cái nết xéo xắt và khôn ngoan của một quan chức cấp cao lõi đời và rành rẽ đường đi nước bước trong cái cách chính quyền vận động cũng như biết cách nhìn người, dùng người, tạo cho nhân vật một nét khác so với nhà khoa học thông minh, ngây thơ và nói không ai thèm nghe Legasov. Thế nhưng trong một khoảnh khắc, cái sự khôn ngoan, chừng mực ấy cũng bị cơn giận dữ che lấp mất. Lúc Boris khi đập nát chiếc điện thoại khi biết được nguyên nhân tại sao rô bốt thăm dò vũ trụ không xài được là khoảnh khắc Shcherbina – chính trị gia biến mất mà nhường chỗ cho Boris – con người bình thường. Cũng như Valery, Boris nhìn thấy sự hoang tàn, chết chóc và “madness” ở Chernobyl, ông đem tính mạng của ông, của Valery, của bao nhiêu anh hùng không tên khác được đem đi đặt cược, thử thách, ông sử dụng mọi thứ có thể, bao nhiêu tài nguyên, công sức, tiền của của đất nước để đi được tới giai đoạn này, để rồi cuối cùng mọi thứ đổ sông đổ bể chỉ vì vài cá nhân muốn giữ thể diện. Sự mất kiểm soát của Boris khiến nhân vật của ông trở nên vô cùng đáng quý và gần gũi. Ông cũng giống như Valery, từ tận đáy lòng vẫn là một con người tốt và thực sự biết quan tâm.
Tình bạn của Valerys và Boris cũng phát triển theo cái cách cả hai nhìn nhận ra tầm quan trọng của nhau và trân quý “tài năng” của đối phương. Trong khi Legasov là người vạch ra phương hướng giải quyết, là bộ não, là người đưa ra quyết sách cuối cùng nhưng chính Shcherbina mới là kẻ khiến công việc thực hiện được. Sự ủng hộ, giúp đỡ và khôn ngoan của Shcherbina chính là nguyên nhân hàng đầu giúp Legasov hoàn thành nhiệm vụ của mình. Không như cái lần đấu khẩu đầu tiên sặc mùi thù hằn và khinh khi, chính quá trình làm việc và sự đồng cảm của hai kẻ cùng chung chiến tuyến và cùng nắm giữ cái chết gần kề đã khiến Valery và Boris thực sự là bạn bè. Trong đoạn nói chuyện cuối cùng của hai người, khi Boris tự vấn về vai trò của mình trong cuộc chiến, Valery đã trở thành chỗ dựa cho Boris, một chỗ dựa mà chỉ bạn bè thân thiết mới có thể động viên nhau được “Of all the ministers and all the deputies, an entire congregation of obedient fools, they mistakenly sent the one good man. For God’s sake Boris, you are the one who mattered most”. Diễn xuất tốt của cả Jared Harris và Stellan Skarsgard khiến nhân vật của họ có sự tương tác tự nhiên, chân thành, không hề lên gân nhưng vẫn khắc họa tình bạn trong hoạn nạn một cách sâu sắc và đáng mến.
Tất cả các diễn viên trong Chernobyl đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của họ, để mặt mũi lem luốc trong buồn phiền, căng thẳng và khói thuốc. Không một ai, kể cả một nhân vật phụ toét, đóng dở. Những người dân Priyat hoang mang, mấy ông chú thợ mỏ ngổ ngáo “these men work in the dark. They see everything” mang lại những thước phim 18+ không ai muốn xem khi đang ăn cơm, em giai trẻ trung với gương mặt bần thần, bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa đời lính đối lập với sự từng trải, chai sạn của những anh lính thực thụ đã từng giết người và nghiện rượu, bà cụ vắt sữa với cái sự lỳ lợm, “tao thích thì tao ở thôi” của mấy ông già già chẳng cần phải coi ai ra gì, sự thông cảm nhân văn nhưng đầy tính bất cẩn của người y tá trong bệnh viện,… tất cả bọn họ, từng một mảnh ghép nhỏ được xây dựng cẩn thận, chu toàn, để không một cao trào cảm xúc của bộ phim bị làm phiền và phá hỏng bởi một cá thể vô duyên và trật nhịp. Sự chỉnh chu trong những chi tiết nhỏ này định hình đẳng cấp của đạo diễn và khiến Chernobyl tự xếp chiếu cho mình trở thành một trong những phim truyền hình kinh điển. Bởi sự thật là tầm vóc bộ phim có lớn lao như thế nào, kinh phí có khổng lồ đến bao nhiêu, kịch bản có chặt chẽ đến mức nào thì những chi tiết nhỏ xíu được cẩn thận chăm chút chính là thứ sẽ khiến bộ phim có vượt qua được cái dớp thời gian hay không. Mọi điều vĩ đại đều đến từ những thứ nhỏ xíu như vậy đấy.

Như một lẽ bất biến, không thứ gì trên đời này là hoàn hảo. Chernobyl đương nhiên có chỗ chưa đạt. Ban đầu, mình cứ nghĩ cái mắt xích yếu nhất của Chernobyl đến từ nhân vật Ulana Khomyuk.
Như để “mềm mại hóa” bộ phim chỉ toàn mấy ông chú vừa già vừa xấu trong một bộ phim có chủ đề thảm họa hạt nhân kết hợp với triều cường chính trị, Khomyuk là bóng hồng duy nhất tham gia vào quá trình giải quyết hậu họa. Sự xuất hiện ban đầu của bà giống y như một nhân vật nữ chính tự cường đơn điệu mà mấy phim ngày nay hay xây dựng cho các nhân vật của họ như một cách khẳng định sức mạnh của phụ nữ. Khomyuk xuất hiện như một nhà khoa học mẫn cán, chỉ trong vài thí nghiệm nhỏ và một cuộc điện thoại đã ngay lập tức đoán được thảm họa diễn ra ở Chernobyl trong khi cả người dân và chính quyền còn chưa rõ cái gì đã nổ và cái gì sắp tan tành. Là một công dân Liên Xô, Khomyuk đi gặp người có thẩm quyền để cảnh báo và khi yêu cầu sơ tán nhưng không được đáp ứng, Khomyuk đã không ngần ngại chỉ trích ông này ngu lâu dốt bền. Sau đó bà bất chấp nguy hiểm tự mình đi tới điểm nóng để gặp Legasov và Shcherbina để cảnh báo họ về những nguy cơ tiềm ẩn trước mắt. Sự ảo diệu trong tài năng của Khomyuk đến từ việc bà, một người không làm việc ở nhà máy điện Chernobyl, không có mặt tại cái đêm định mệnh nghiệt ngã đó, không quen biết con ông cháu cha ở nơi đâu, thế mà lại biết được Dyatlov đã ra lệnh mở nước vào lò phản ứng cũng như có trong tay một cái sơ đồ nào đó mà chính người có quyền và đang trực tiếp chỉ đạo như Legasov và cả Shcherbina cũng không có. Với sự cảnh báo kịp thời của Khomyuk, Legasov đã có những hành động cần thiết để ngăn chặn một thảm họa khác sắp xảy ra.
Được sự yêu cầu và nhờ vả thiết tha của Legasov cũng như với tinh thần muốn tìm hiểu sự thật đến cùng của một nhà khoa học, Khomyuk rời Priyat để tới Moscov, nơi những người trong kíp trực tối hôm đó đang hấp hối để điều tra nguyên nhân vụ việc. Và như lẽ thường, bà này tìm ra cái lỗi sai thiết kế bị chính quyền vùi lấp và khuyến khích Legasov công khai sự thật này ra.
Mọi hành động của Khomyuk đều rất đúng đắn, rất chuẩn xác và rất có trách nhiệm công dân gương mẫu. Sự chuẩn mực cả về chuyên môn và đạo đức khiến nhân vật Ulana Khomyuk thực sự kém hấp dẫn và chán òm. Trong khi Legasov và Scherbina không chỉ đối mặt với sự vất vả, khó khăn của nhiệm vụ cũng như sự nghiệt ngã của thực tế, họ còn phải đấu tranh với chính hoài nghi, sự bất lực, ích kỷ, giận dữ, sợ hãi rất con người, rất đời thường của bản thân để có thể làm những việc cần làm, Khomyuk dường như không biểu hiện cái sự “xấu xí” ấy ra bên ngoài. Bà phát hiện sự thật và muốn công khai sự thật đó, nó chỉ đơn giản cái roẹt vậy thôi, không sợ hãi, không chùn bước, không lo toan gì về tương lai một cách phi lý khó tin. Đó là chưa kể cái tính đạo đức giả vô ngần khi để Legasov đứng lên lãnh đạn một mình khi bà này năm lần bảy lượt bảo ông phải công khai sự thật trong khi mình thì chẳng nói một tiếng gì, lấy lý do là Legasov là người duy nhất có thể khiến sự thật không bị chôn vùi và rằng bà cũng sẽ nói ra sự thật nếu bà là ông. Cuối cùng ta chỉ thấy một người duy nhất bị đưa ra xe một mình, một người duy nhất có sự nghiệp bị hủy hoại, một người duy nhất treo cổ tự tử. Lúc đó cái bà Khomyuk thập toàn thập mỹ kia đang ở đâu?
Mãi cho đến cuối phim, khi bộ phim tiết lộ nhân vật Uluna Khomyuk là nhân vật hư cấu đại diện cho những nhà khoa học đứng sau lưng hỗ trợ và giúp đỡ cho Legasov trong suốt thời gian ở Chernobyl, mọi thứ thực sự mới sáng rõ và hợp lý rành rành. Một mình Khomyuk không thể biết hết mọi thứ như vậy nhưng một nhóm các nhà khoa học thì có. Là nhân vật đại diện cho cả một bầu tinh tú trong làng khoa học hạt nhân Liên Xô thời bấy giờ, đương nhiên Khomyuk biết những điều Legasov không biết và bà đủ sức “phá án”, tìm ra nguyên nhân thực sự gây nên thảm họa Chernobyl. Và vì chỉ là nhân vật tưởng tượng, Khomyuk không thể tự mình đứng trước tòa và công khai sự thật ấy. Đối với mình, trong tập cuối, Uluna Khomyuk giống như là tấm gương soi tự vấn lương tâm của Legasov, là sự tranh đấu của chính ông trong cái quyết định nói hay không nói. Sự ủng hộ, thúc bách, giận dữ và quyết liệt của Khomyuk cũng có thể là thái độ chung của những nhà khoa học đồng nghiệp/ cấp dưới của ông lúc đó, nhưng đó cũng có thể chính là thái độ của chính bản thân Legasov đối với sự thật, sự dối trá, cái lý tưởng của một nhà khoa học như ông trước cái nguy cơ bị cả một cơ cấu chôn vùi. Quá trình đấu tranh lương tâm này vốn không thể chỉ diễn tả bằng cơ mặt và cái nheo mắt, thế nên phải có một Uluna Khomyuk đứng đó nói chuyện và dẫn dắt Legasov làm cái việc ông phải làm.

Trước khi bộ phim kết thúc, Chernobyl là một bộ phim không hoàn hảo. Sau khi kết thúc, trong ánh mắt ngạc nhiên của mình, Chernobyl không có bất cứ gì để chê trách cả.

Với một động thái phổ biến của bất cứ khán giả phổ thông nào sau khi xem Chernobyl, mình lên mạng tìm hiểu về chính cái thảm họa hạt nhân đó cũng như để biết được Chernobyl có bao nhiêu phần đúng với sự thật lịch sử. Nói gì thì nói, Chernobyl vẫn luôn luôn là một góc nhìn của phương Tây tư bản nhìn vào một thảm họa to đùng của một nước cộng sản, và nói thật, cái góc nhìn này phiến diện, cực đoan và vô lý đùng đùng. Mình nhớ về một đoạn clip của BBC giới thiệu về Olga Korbut, một vận động viên thể dục dụng cụ Liên Xô. Olympic 1972, trong bài dự thi xà lệch, Olga mắc ba lỗi và nó khiến cho phần trình diễn của cô không hoàn hảo. Với tâm thế của một người bình thường là tập luyện mười mấy năm cho cái giây phút trọng đại đó nhưng lại lỡ chân làm hỏng thời cơ trong một ngày xấu trời, Olga cúi đầu khóc nức nở. Thế mà cái tình cảnh đời thường cỏn con ấy lại làm động lòng truyền thông và khán giả phương Tây. Trong đoạn clip mình xem, cái ông chuyên gia còn nói mấy câu khó tin như họ không ngờ một VĐV Xô Viết có thể thể hiện cảm xúc buồn bã một cách công khai chứ không có cái kiểu lạnh lùng, mạnh mẽ thông thường của người Nga. Ủa chớ người ta cũng là người mà? Ai chẳng biết khóc. Vậy mà thiên hạ ngã ngữa, ngạc nhiên, choáng ngợp. Vậy chứ hồi đó người ta nhìn người dân Liên Xô như thế nào? Người dân Liên Xô thực sự như thế nào? Mình không sống ở thời đại đó để biết tường tận chân tướng nhưng mình chắc chắn, phương Tây có một thái độ khá định kiến và cường điệu khi nhìn về một thứ khác biệt với họ. Một cái nhìn xa xôi như cái cách con người tưởng tượng về người ngoài hành tinh bây giờ vậy. Ai mà biết, lỡ Chernobyl cũng có cái nhìn định kiến lố lăng đó thì sao?
Bản thân mình không nghĩ bộ phim nói dối, cái chính là những số liệu từ bộ phim cũng như chính số liệu từ nhiều nguồn khác nhau về thảm họa Chernobyl không thống nhất, cộng với góc nhìn “kiêu hãnh và định kiến” của phương Tây về một Liên bang Liên Xô xa xôi và kín tiếng, để đặt niềm tin tuyệt đối vào tính xác thực của bộ phim, mình phải thật cần trọng.
Nhưng sự thật thường có hai mặt. Quá nhiều thông tin đem lại một sự ức chế nhất định. Mọi thứ quay tròn trong cái vòng xoáy bắt bẻ về tính xác thực của bộ phim nhiều hơn mình mong đợi. Cái cốt lõi mình muốn biết có thực sự là quá trình hoạt động của Legasov có đúng như trong phim mô tả; có thực là Shcherbina đã mượn được nguyên được con robot khám phá vũ trụ nhưng mà không dùng được bởi vì chính quyền sợ nhục mặt nên đã nói giảm nói tránh mức độ phóng xạ xuống; có thực là Legasov đã bị “đì” đến mức tự sát sau khi công khai sự thật về lỗi thiết kế nhà máy điện; có thực là Liên Xô đã che đậy mức độ thương vong và tầm ảnh hưởng của thảm họa Chernobyl như bộ phim đề cập; có thực là mãi đến khi Legasov tự sát chính quyền mới dám nhận sai và sửa bản thiết kế….
Những câu hỏi đó không có câu trả lời chính xác bởi đâu có nguồn thông tin chính xác để kiểm chứng. Những người thực sự có thể trả lời mấy câu hỏi đó, Legasov, Dyatlov, Shcherbina đều đã là người thiên cổ. Mấy nhà khoa học tham gia với Legasov nếu không chết thì cũng không đời nào hé răng chuyện gì. Bộ phim vẫn mãi là cái nhìn định kiến của phương Tây về sự hà khắc, dối trá và sĩ diện của Liên Xô như một mặc định không thể chối cãi. Những người Nga, những người Ukraine, những người từng sống dưới thời đại đó thì nói Chernobyl là một bộ phim độc hại, tuyên truyền sai trái về chế độ và là một sản phẩm chính trị của chủ nghĩa tư bản nhằm chà đạp và bôi xấu Liên Xô trước đây. Bản thân mình nghĩ, mình hay mọi người dân thường sống ở mọi thời đại trong lịch sử, chúng ta chẳng bao giờ biết được sự thật của mọi thứ cả. Những gì ta nghe, ta thấy, ta nhìn nhận đều đến từ một số nguồn thông tin được kiểm soát, chọn lọc, được định hướng cụ thể. Giống y như thuật toán Youtube có thể chọn lọc, tính toán và giới thiệu cho mình nghe Jessie Ware và biết chắc rằng mình sẽ thích cổ vậy. Chúng ta không có có đặc quyền được nắm thông tin một cách thuần tự nhiên nhất. Cái chủ yếu là chúng ta chọn tin vào “sự thật” nào.
Ngoài sự thật tìm đỏ mắt cũng không có, mình đọc được vô vàn các bài viết chỉ trích tính thiếu chính xác khoa học của bộ phim về kiến thức phóng xạ. Một trong những tuyến câu chuyện trọng tâm của bộ phim là về bi kịch của Lyudmilla Ignatenko, vợ của một trong các anh lính cứu hỏa tử nạn do đi chữa cháy sau vụ nổ. Theo như bộ phim miêu tả, vì bỏ qua các quy tắc an toàn và ở bên ông chồng phóng xạ đến tận giây phút cuối đời nên đứa con mới sinh của Lyudmilla chỉ sống được bốn tiếng. Đứa trẻ tội nghiệp đã hấp thụ giùm người mẹ lượng phóng xạ từ người cha, dẫn tới kết cục buồn cho cả gia đình của họ. Nội dung này bị chỉ trích dữ dội khi các nhà khoa học chỉ ra rằng những nạn nhân bị nhiễm phóng xạ không phải là nguồn phóng xạ. Những biện pháp an toàn như không được chạm vào người họ hoặc đứng sau màn bảo vệ,… là để bảo vệ những nạn nhân này khỏi những vi khuẩn, vi trùng mà người bình thường có, đặc biệt khi hệ miễn dịch của họ đang bị suy giảm nghiêm trọng. Bản thân anh lính cứu hỏa không phát xạ nên anh không thể khiến con chết được, đây chỉ là một quan niệm sai lầm mà một bộ phim có tầm vóc như Chernobyl không nên mắc phải.
Ở khía cạnh khác, Chernobyl dựa trên tư liệu từ quyển sách “Voices from Chernobyl” của nhà văn Svetlana Alexievich. Theo miêu tả, quyển sách giống như một tập hợp các câu chuyện của những người liên quan đến thảm họa Chernobyl theo góc nhìn của họ, điều này đương nhiên dẫn tới những ngộ nhận và sai sót về kiến thức khoa học. Vào thời điểm đó, nếu thực sự người ta biết các nạn nhân nhiễm ARS mà không phải nguồn phóng xạ, họ chẳng đời nào đem chôn họ trong quan tài bằng chì và vùi trong xi măng cả. Cho dù là Lyudmilla hiểu nhầm về cái chết của con gái nhưng việc cô cũng ở Priyat vào thời điểm vụ nổ xảy ra, việc cô phải chứng kiến cái chết của chồng và con mình không thể không kết nối với thảm họa Chernobyl và cũng không vì thế làm giảm giá trị câu chuyện và nỗi đau của Lyudmilla được.
Sau một thời gian quá mỏi mệt khi đọc những chỉ trích về một series mình thực sự trân trọng, mình quyết định dừng đọc những thông tin đó. Đúng hay sai, hay hay dở, mọi thứ do mình lựa chọn, những thứ khác không còn quan trọng nữa. Mình lấy những định kiến của bản thân ra để phán xét bộ phim dưới một góc độ công bằng, tỉnh táo nhất và tự mình giữ cho Chernobyl cái vị trí xứng đáng mà bộ phim xứng đáng được có.
Không như những chuyên gia xịn xò về Liên Xô, mình không có nhãn quan cũng như chiến thuật đi bắt bẻ cái bộ quần áo sai thời kỳ hay giọng nói không ra âm Nga của diễn viên, nhưng mình đủ kiến thức và có lý lẽ công bằng nhất định để phát giác bộ phim nói quá ở đâu. Cái cách “a bullet in your head” được sử dụng như một hình thức đe dọa có thể nói là hơi bôi bác và phi thực tế. Làm như Shcherbina có thể sai lính quẳng Legasov ra khỏi trực thăng như thể ông này là một bao cát biết nói chuyện như vậy được? Sự chèn ép và đè nén của những người máu mặt có thể lớn nhưng họ không đời nào to gan đến mức dọa bắn giết cấp dưới như thời phong kiến được. Đấy là chưa kể bộ phim xây dựng tình báo Liên Xô KGB nhiều như nhặng mùa hè, chỗ nào cũng có, nơi nào cũng không đáng tin, sao mà ngột ngạt đến thế. Mình thì thực sự không rành là đặc vụ KGB có đông thế không, chỉ chắc là họ không có theo dõi người lộ liễu thế, đấy là chưa kể ông sếp tổng của họ được xây dựng đúng kiểu nhân vật phản diện điển hình, xấu từ trên xuống dưới. Cũng giống như Dyatlov, nhân vật này được xây dựng để khán giả ghét bỏ, là một nhân vật cụ thể, bằng xương bằng thịt đại diện cho thế lực vô hình của toàn bộ chính quyền, cơ chế đã chèn ép, trù dập Legasov chỉ vì ông này dám nói ra sự thật. Một nhân vật một chiều trong một series như Chernobyl có vẻ là không cần thiết.

Chernobyl là một phim lịch sử, dĩ nhiên chúng ta biết kết cục của câu chuyện, thậm chí cái kết cục của Legasov cũng được lật bài ngửa ngay từ đầu, thế nhưng bằng sự tài tình trong cách xây dựng câu chuyện, cái chân thực trong từng nhân vật, sự tàn nhẫn, khốc liệt và bi thương của chính câu chuyện mà không cần thêm mắm dặm muối nhiều, bộ phim có một sự hấp dẫn không thể chối cãi khi mình chỉ muốn xem câu chuyện diễn biến như thế nào. Trong suốt thời gian xem Chernobyl, mình sống trong tâm lý hoảng loạn do căng thẳng, do sợ hãi, do buồn thương, ức chế. Mình cũng không rõ nữa, có thể là do nguyên ấm trà xanh mình uống từ chiều gây say xỉn. Mình chỉ biết, Chernobyl không phải phim dành để thư giãn. Bởi trong khi não mình vật lộn với một tá từ vựng mới cũng như theo kịp kiến thức khoa học của phim, tim mình căng ra theo từng nhịp cảm xúc của nhân vật từng chút, từng chút một, một cảm xúc buồn bã cứ chực ở cổ họng không thể thoát ra được. Không giống như khi xưa mình xem Schindler’s List cũng với sự buồn thương, căng thẳng được dồn nến từ đầu để rồi khúc cuối vỡ òa trong nước mắt không thể kìm nén cùng tiếng violin xúc động, cái cảm xúc của mình khi giai điệu của bài Vichnaya Pamyat trầm hùng vang lên, đó là nỗi buồn thương day dứt không thể nào diễn tả trọn vẹn được. Nó không bùng nổ mãnh liệt


Nói một câu thật lòng, đã lâu lắm rồi mình chưa được coi một series, thậm chí là cả một phim nào có tác động mạnh mẽ tới mình như Chernobyl. Bản thân mình khi mới xem phim đã đặt một kỳ vọng cao không tưởng, ấy vậy mà Chernobyl cũng vẫn vượt xa mọi mong đợi của mình. Không có một bộ phim nào gần đây có thể khiến mình đầu tư nhiều tình cảm, thời gian, trí óc đến như thế. Mình đầu tư cảm xúc cho từng số phận nhân vật, bước theo từng bước đi, nhìn theo từng góc nhìn, lắng nghe từng lời nói uất ức, lo lắng, buồn tủi, mình hiểu cho cái nỗi lo của họ, sợ hãi thay cho số phận của họ. Từng câu chuyện, từng mảnh ghép, từng tàn thuốc lá hôi rình, cột khói đen lòm chết chóc hay cái âm thanh ghê tai của máy đo phóng xạ, mọi thứ đều để lại một dấu ấn không lẫn vào đâu được của một kiệt tác. Chernobyl xứng đáng với mọi lời ca tụng dành cho mình. Đúng hay sai, xạo hay thực, đứng dưới góc độ một điện ảnh, series Chernobyl là một bộ phim trọn vẹn, giàu cảm xúc, hấp dẫn, sâu sắc, chân thực và chắc chắn không bao giờ bị lãng quên.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo