Rosemary’s Baby (1968) và Chinatown (1974) – Hai phim của Roman Polanski


Phim mà không có gì nhiều để viết nhưng vẫn cứ muốn viết về nó



Mình đoán Polanski chưa bao giờ được coi là người đàng hoàng. Thỉnh thoảng mình tự hỏi, nếu Polanski thực hiện trách nhiệm của một người chồng bình thường, tức là ở bên cạnh chăm sóc cô vợ bầu 8 tháng rưỡi, liệu số nạn nhân trong vụ giết hại Sharon Tate có giảm. “Nhờ” cái sự yêu thương nồng ấm của chồng, Sharon Tate gần ngày lâm bồn không có ai bên cạnh nên gọi bạn bè tới chơi cho vui, ai dè cả lũ bất hạnh chết sạch. Bảo bi kịch này đổ thừa cho Polanski cũng không đúng nhưng nói ổng vô can, không lỗi lầm gì thì cứ thấy sai sai.

Mãi đến năm 1977, nhân cách mờ mờ của Polanski mới được làm rõ ra là đen sì sì. Sau khi chuốc rượu và hiếp dâm một người mẫu vị thành niên, Polanski tự dưng sợ ngồi tù nên chạy sang châu Âu trốn tội. Ổng trốn cũng lâu dài và chuyên nghiệp lắm. Trong một Hollywood vô liêm sỉ và bại hoại, người như Polanski tiếp tục được làm phim, giành giải thưởng, thậm chí là thắng một giải Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất với The Pianist (2002), một phim về đề tài diệt chủng. Đôi lúc cuộc sống vô cùng bất công khi kẻ xấu xí về nhân cách như vậy vẫn được phép lên mặt dạy đời con người về nghệ thuật, về giá trị nhân văn, về tội ác chiến tranh hầm bà lằng.

Vậy nên dưới góc độ cá nhân, mình từ chối xem phim của Polanski sau năm 1977. Không phải vì mình danh giá hay đạo đức cao cả hay đề cao nữ quyền hay #Metoo cái gì hết, mình chỉ đơn giản là con người thù vặt. Mình cũng không muốn có suy nghĩ phiến diện và tào lao về những diễn viên đồng ý tham gia vào phim của Polanski mặc dù biết những việc ông ta đã làm.


Điều buồn cười là mình muốn xem Rosemary’s Baby vì Mia Farrow, nữ diễn viên chính của phim (Bà này là mẹ của Ronan Farrow, nhà báo đã lật đổ Harvey Weinstein. Ronan Farrow là con trai của Woody Allen, một người lắm tài nhiều tật và độ đàng hoàng cũng không kém cạnh gì Roman Polanski). Mãi đến khi bộ phim kết thúc và mình tìm hiểu thêm về nó, mình mới ngỡ ngàng nhận ra đây là phim của Polanski. Hóa ra đối với một người cho rằng kiến thức phim ảnh của mình không tệ, mình thiếu căn bản trầm trọng. Ưu điểm của cái sự ngu này là mình có thể đánh giá bộ phim “thiết diện vô tư”, nghĩ gì nói nấy, không sợ bị cái thành kiến của mình che mờ tác phẩm nữa. Và vì ngu, mình tự phá luật (tự đặt) là mình không thèm coi phim của Polanski.

Hóa ra mình không có gì nhiều để nói về Rosemary’s Baby như mình nghĩ, bởi bộ phim thực tế không có gì ghê gớm để mà nói. Với kinh nghiệm xem hàng tá phim về các giáo phái thờ Satan hay ác quỷ thần thánh nào đó, cốt truyện của Rosemary’s Baby rất dễ đoán. Vì dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Ira Levin, bộ phim có sẵn một câu chuyện tương đối chặt chẽ về kết cấu, tình tiết và tính logic. Mọi tình tiết lớn nhỏ trong phim đều được cài cắm hợp lý, nếu ai không đoán được nội dung bất ngờ của câu chuyện thì sẽ thấy ngã ngửa, ai mà đoán được thì sẽ gật gù nhận ra không chi tiết vụn vặt nào là thừa thãi, mình cho đó là một điểm hay mà không phải phim kinh dị nào cũng có.
Amazon.com: Rosemary's Baby (The Criterion Collection) [Blu-ray]: Mia  Farrow, John Cassavetes, Ruth Gordon, Sidney Blackmer, Roman Polanski:  Movies & TV

So sánh với phim kinh dị cùng đề tài giáo phái gần đây nhất mình từng xem là Hereditary (2018), Rosemary’s Baby chỉ là phim dành cho trẻ em. Mình đoán đây cũng là điểm hay của phim khi không sa đà vào mấy màn dọa ma hay máu me nhảm nhí, đặc biệt là khi họ có cố dọa thì cũng chẳng ai sợ cả. Cảnh “kinh dị” nhất của bộ phim đương nhiên là cảnh Rosemary bị anh chồng đánh thuốc và bị Satan hiếp dâm rồi. Mình đã không ngờ tới một cảnh quay trần trụi như thế ở năm 1968, ý mình là đến tận bây giờ, người ta chắc cũng chẳng dám làm một cảnh táo bạo đến như thế. Nó khiến mình bất ngờ bởi tính hình tượng nhưng chi tiết gây ngạc nhiên, sự mơ màng trong nhận thức bị phê thuốc của nữ chính được đan cài trong những góc quay cẩn thận, bảo tục thì cũng tục, bảo thanh thì cũng thanh. Với cuộc sống đạo đức giả của một nữ thanh niên con nhà lành chưa từng đụng vào chất kích thích, mình không biết cảm giác “high” nó như thế nào, nhưng mình đảm bảo Polanski thì có thừa kinh nghiệm. Sự quay cuồng trong suy nghĩ của Rosemary giữa thực tại và ảo giác, giữa ma quỷ và đám ma quỷ đội lốt người xung quanh cô, giữa quá khứ, hình ảnh tào lao khi ý thức mất dần, giữa sự níu kéo tự chủ và bao nhiêu chất hóa học và “bùa chú” diễn ra, tất cả được đan cài lộn xộn một cách có chủ ý nhất có thể. Và kêu gào giữa địa ngục, ảo giác và đánh mất chính mình là một Rosemary hoảng loạn, sợ hãi và cô đơn cùng cực.

Bản thân mình nghĩ diễn xuất của Mia Farrow không ghê gớm như người ta ca ngợi. Có lẽ bản thân mình không thực sự thích tính cách của nhân vật Rosemary. Tuy vậy sự chuyển biến tâm lý của nhân vật là hợp lý, sự giận dữ, nghi ngờ hay mọi suy nghĩ, hành động của nhân vật Rosemary có thể đươc coi là vận hành trơn tru, không va vấp, không nhảy sào đột kích hoặc chạy ra khỏi con đường của nhân vật. Mình không thích một nhân vật mới phút trước còn gào khóc bi kịch, phút sau đã trở nên sáng dạ gài bẫy hết tên này đến tên khác, ngoài đời làm gì có thứ adrenalin nào thần thánh vậy. Sự thay đổi của Rosemary tăng dần theo thời gian và nó được tích lũy theo việc cô từ từ khám phá ra sự thật, nhưng nó vẫn gói gọn trong khuôn khổ cao siêu nhất là cô cầm dao chạy qua nhà hàng xóm đòi con, không hơn không kém. Mia Farrow có sự biến chuyển linh hoạt trong tâm lý nhân vật và diễn tả trọn vẹn từng cung bậc cảm xúc ấy, chỉ là nếu tìm được một cảnh quay thực sự đáng nhớ và nổi bật, mình không tìm được.

Cho dù đoán được diễn biến câu chuyện, mình không đoán được kết thúc. Bản thân mình đã mong đợi Rosemary nổ nồi áp suất và đâm tán loạn vô gã chồng bỉ ổi và đám người tởm lợm trong giáo phái kia, kiểu một mất một còn, bà chơi khô máu với mày luôn. Nhưng không, Polanski chọn một cái kết hòa nhã hơn khi để “tình mẫu tử” vượt lên trên cái bào thai quỷ, và một cái kết thoải mái cho tương lai loài người. Nếu nghĩ kỹ, đây là một cái kết đáng sợ hơn màn chém giết tập thể mà mình mong đợi. Với lại đây có phải là phim của Quentin Tarantino đâu mà đòi máu nhuộm sa mạc.

Cái kết không ghê gớm nhưng thú vị.

Kết bài, Rosemary’s Baby có nhiều lý do để cho rằng nó đi trước thời đại. Nó không tạo ra nỗi sợ hãi bằng máu me hay hình ảnh ghê rợn, sự sợ hãi của khán giả tăng dần theo sự sợ hãi trong tâm lý của nhân vật chính khi thấy số phân cô dần dần bị bóp nghẹt không lối thoát. Một kiểu psychological horror dạng nhẹ nhàng ngày xưa, mình đoán vậy. Bộ phim có một cảnh quay đáng nhớ và nổi trội, một cảnh quay xuất sắc trong một bộ phim trung bình, mình cho rằng vậy vẫn tốt hơn một bộ phim khá từ đầu đến cuối nhưng không đọng lại gì hết. Đặc biệt, bộ phim có một cái kết không thèm có hậu, lửng lơ và muốn ra sao thì ra rất chi là hay ho và đáng nhớ.

Có lẽ kết thúc đáng nhớ là một trong những thế mạnh trong cách làm phim của Polanski, bởi vì Chinatown có một cái kết mình chắc chắn là không thể quên được.

Trong quá trình tìm hiểu về thể loại phim neo-noir, có một trang web mình đọc xếp Chinatown là phim neo-noir hay nhất mọi thời đại, xếp trên cả Pulp Fiction (1994) và Taxi Driver (1976). Cộng với việc Chinatown được đề cử 11 giải Oscar năm 1975 (chỉ thắng 01 giải cho Kịch bản gốc xuất sắc nhất) và liên tục có mặt trong top những phim kinh điển trong lịch sử màn ảnh, mình đoán nó là một bộ phim có số có má, và có lẽ là thành công nhất trong sự nghiệp của Polanski.

Theo chân Jack Nicholson từ một vụ theo dõi ngoại tình vô hại cho đến điều tra một vụ giết người, một quả phụ nói dối không chớp mắt và một âm mưu thao túng nguyên LA giữa thanh thiên bạch nhật, khán giả được bóc tách hết bí mật này tới bí mật khác một cách điềm tĩnh, chỉnh chu và ít màu mè nhất có thể. Không như những phim phá án thông thường khi tên thám tử khoe mẽ tụ tập đông đủ bàn dân thiên hạ và giải thích mọi sự kiện từ đầu đến cuối, trong Chinatown, góc nhìn của khán giả cũng là góc nhìn của anh giai Jack Nicholson, chỉ là khán giả không được thông minh như ảnh. Mọi bí ẩn của bộ phim được giải thích ngay khi nó đủ dữ liệu để giải thích, ngay sau khi bí ẩn đó được giải thích là một bí ẩn khác được đan cài vào, như thể nó là một xấp giấy ăn trong hộp vậy, rút hoài mà không hết giấy. Nếu có khác, bí ẩn sau lại ghê gớm hơn bí ẩn trước.

Mình thích nhịp điệu của Chinatown, bình lặng nhưng không nhàm chán. Mình thích tông giọng của Jack Nicholson, bình tĩnh nhưng không buồn ngủ. Mình thích bí ẩn trong Chinatown, đáng sợ nhưng không cường điệu. Mạch phim diễn ra không hề gay gắt chút nào, không tối hù dọa dẫm, không sinh tử bất chợt, không ám toán ly kỳ. Nó khá chậm rãi và khá thực dụng khi mà cảnh đánh đấm hành động thì rất nản, cao trào thì không thấy đâu, yêu đương thì nhuốm màu sắc dục với lợi dụng lẫn nhau là chính, mọi thứ diễn ra bình thản khi âm mưu thì cứ to dần đều lên nhưng nhân vật vẫn có thể về nhà, trèo lên giường và ngủ được.

Chinatown (1974) - IMDb

Màn lật mặt kẻ chủ mưu sau rốt không có gì đặc biệt cả nhưng cái bí mật mà nữ chính Faye Dunaway che giấu cả đời mới thực sự đáng sợ. Khi mà trong phần lớn phim ảnh mình xem mình dành nhiều thiện cảm cho phe phản diện, Chinatown tạo nên một nhân vật tồi tệ đến mức mình thực sự ghê tởm mà thực lòng mong mỏi cho chính nghĩa được thực thi. Nhưng không, nhân danh nghệ thuật và vì muốn tạo sự khác biệt, Polanski chọn một cái kết vô hậu cho bộ phim, điều này làm trái ý biên kịch chính. Theo mình đọc được trên wiki, Towne, biên kịch chính, muốn một cái kết buồn nhưng ít nhất công lý cũng không bị che mờ nhưng Polanski kiên quyết đi theo con đường bất hạnh nhất có thể. Chính sự lựa chọn ngã ngửa này khiến Chinatown nổi bần bật trong hàng tá phim ảnh mình từng xem khác. Mình đã hoàn toàn bất ngờ, cái nhân vật duy nhất tốt đẹp và đáng thương trong bộ phim này gục ngã khi cuối cùng cũng dám đấu tranh cho chính mình. Cái chết của nhân vật thậm chí còn được “foreshadow”, được báo trước trong phim một cách rạng rỡ như soi gương nhưng bị mình xem nhẹ. Biết sao giờ, mình đã quá chủ quan, cho rằng lịch sử không thể lặp lại hai lần. Nói một cách có cân nhắc, vào thời điểm 1975, Chinatown có nhiều tình tiết vượt khỏi khuôn khổ cliché của dòng noir, đồng thời đối với những khán giả đã xem nhiều phim và thích tự đặt giả thuyết như mình, Chinatown hoàn toàn làm tốt cái phần “âm mưu” của dòng phim. Bản thân mình không bất ngờ về người tốt, kẻ xấu trong phim nhưng trong suốt quá trình xem, mình thực lòng không thể chắc như đinh đóng cột ai là người tốt, ai là kẻ xấu. Mọi nhân vật luẩn quẩn trong cái vòng suy luận “có thể là nó” của mình bởi có nhiều thứ hoàn toàn có thể xảy ra và cái gì cũng có thể xảy ra. Trên hết, mình đã không ngờ Chinatown là một phim phản đạo đức như vậy, mình đã quá ngây thơ.

Diễn xuất của Jack Nicholson rất hay, Faye Dunaway chỉ ở mức tốt, không xuất sắc. Mình không rõ nữa, ở Jack Nicholson có một cái sự “tà” của nhân vật, không tốt, không xấu, vừa thông minh, vừa xảo trá, vừa tỉnh táo, vừa nóng giận, và vừa vặn với nhân vật. Gương mặt của Jack lúc cuối phim và câu thoại “as little as possible” giống như một tiếng vọng, mình nhìn thấy cả ký ức của nhân vật đang sống lại cùng với sự đau khổ, hối tiếc, dữ dội, bất lực và sự gào thét trước chính mình của nhân vật. Cái người vừa chết đêm hôm đó còn có cả Jake, Chinatown là nơi chôn vùi hy vọng cuối cùng của anh.

Đoạn cao trào và kết thúc của phim diễn ra rất chóng vánh. Khán giả ngỡ ngàng trước cái kết thúc thê lương của bộ phim. Và khi “Forget it, Jake. It’s Chinatown” vang lên, chữ bắt đầu chạy, cái ngỡ ngàng ấy nhường cho sự giận dữ. Mình cũng đã tức giận. Mình đã thực sự mong mỏi một cái kết tốt đẹp hơn cho mọi người, nhưng có lẽ đó chỉ là mong mỏi viển vông, bởi đây là Chinatown, nơi là luật pháp không với tới được. Đó cũng có lẽ là ý nghĩa mà Polanski muốn thể hiện, LA là một nơi mà tội ác chảy trong nước con người uống hàng ngày, nơi người có tiền thì muốn sao cũng được, người tốt thì chết, người xấu thì cứ tiếp tục chễm chệ làm người xấu, nói chung cuộc sống cứ tiếp diễn xoay vần thoải mái còn con người cứ cố mà sống cái phận mình thôi.

Nói gì thì nói, Polanski đã rất táo bạo khi chọn cái kết này. Nó đã là một canh bạc đại thắng. Nếu chọn cái kết mà biên kịch mong muốn, khán giả xem xong Chinatown sẽ dễ chịu và thanh thản, bộ phim cũng vì thế trôi luôn vào thinh không. Nhưng vì chọn cái kết này, bộ phim làm tổn thương khán giả. Người ta xem xong phim, giận dữ chỉ diễn ra trong chốc lát, cái cảm xúc đọng lại lâu dài và khoét sâu hơn khi ta ngẫm nghĩ về nó rồi cuối cùng gật gù, phim cũng ghê gớm lắm. Một cái kết đáng nhớ và định nghĩa cả bộ phim và dòng phim.

Polanski dĩ nhiên có tài năng, đó là điều không ai có thể phủ nhận. Từ Rosemary’s Baby đến Chinatown có thể là một bước tiến dài của sự nghiệp, hoặc có thể là do kịch bản và diễn viên xịn hơn nên phim xịn hơn. Dẫu nó có là gì, cả hai bộ phim này đều đáng để xem, đặc biệt là Chinatown. Còn với Polanski, vì chỉ xem 2 phim nên mình không thấy cái gọi là nét riêng của đạo diễn. Và mình bằng lòng vậy là đủ cho một đời.









Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo