Về Umberto D. (1952)

Spoiler Alert!!! Mình cứ làm như thể sẽ có người tìm xem phim này không bằng



Theo kinh nghiệm cá nhân, những “recommendation” thường chỉ đúng khi nó là thuật toán trên youtube. Còn lại, từ bạn bè, người thân, người lạ, đồng nghiệp, bạn qua thư,… hầu hết chỉ mang tính tượng trưng, lịch sự và dò xét. Mỗi cá nhân, cho dù nhạt nhẽo và ba phải đến đâu, đều phảng phất đâu có tính cách mờ mờ của riêng mình, theo đó là một mức độ thẩm mỹ tương ứng với tính cách nhàn nhạt của họ. Phim họ xem, nhạc họ nghe, sách họ vô tình đọc được cái bìa, đều là thứ họ dành cho họ, gắn bó với một khoảnh đời của họ, tuyệt nhiên không có dành cho mình. Tuổi tác, học vấn, sở thích quái đản, trầm cảm, huyễn hoặc, bia rượu,… tất cả đều ảnh hưởng đến cái “recommendation” họ chọn cho mình mỗi khi mình hỏi họ “Phim mà mày thích nhất là gì?”

Thằng bạn của mình bảo một trong những phim nó cho rằng hay nhất mọi thời đại là Umberto D. Mình tò mò. Mình chưa bao giờ nghe về cái phim đó, và tin mình đi, mình xem nhiều lắm (hoặc ít nhất là biết google và giả vờ đã xem qua phim). Thì đúng là phim Châu Âu thời hậu chiến tranh vốn là một thứ xa xỉ đối với trí tuệ mình, nhưng ít nhất mình biết về The Bicycle Thef (1948), mình thực sự đâu có dốt nát lắm đâu. Nhưng mình thực tình chưa từng nghe qua hay đọc qua bất cứ một bài báo/ youtuble clip nào có đề cập tới Umberto D. Bộ phim cứ như chui ra giữa không khí, đàng hoàng chễm chệ trên ngôi cao với một tá lời khen ngợi, ca tụng về sự kinh điển của phim, một sự kinh điển mà mình không hề biết nó tồn tại. Mình cảm thấy xấu hổ.

Umberto D. (1952) - IMDb

Nếu liệt kê, Umberto D. hội đủ mọi thứ của một bộ phim kém hấp dẫn: chính kịch, đen trắng, nền kinh tế Ý ảm đạm sau chiến tranh, cuộc sống nghiệt ngã, nhân vật chính vừa già vừa buồn vừa sĩ diện, không yêu đương, không phép màu, không anh hùng ra tay nghĩa hiệp…, một ví dụ điển hình của dòng phim chê khán giả. Nhưng bù lại mọi sự thiếu hụt khác, phim có chó, một con chó vừa khôn vừa ngoan. Mình đoán một “cẩu” tố như vậy cũng đủ cân bằng cho một chuyến hành trình khó ở của một bộ phim buồn.

Nhân vật chính là ông lão Umberto D. đã về hưu, nghèo khó nhưng kiêu hãnh đang chật vật để tránh bà chủ trọ đuổi cổ. Không vợ con, người thân, Umberto và con Flike sống hoàn toàn bằng đồng lương hưu đang dần trở nên nhỏ xíu trong thời buổi thóc cao gạo kém. Ngoài Flike, Umberto chỉ có một “người bạn” duy nhất là cô hầu gái của bà chủ nhà, Maria. Tuy cùng chia sẻ với nhau về cái sự nghèo và bị bà chủ nhà bắt nạt, Maria cũng còn có một nỗi khổ riêng mà cô chỉ dám thổ lộ với ông cụ Umberto. Maria đã có thai ba tháng và không biết cha của đứa trẻ là ai trong số hai anh chàng cô đang hẹn hò. Cô không chắc là anh chàng nào đã ăn ốc nhưng dám đi đổ vỏ, cô chỉ biết chắc chắn là bà chủ trọ sẽ đuổi cổ cô ra khỏi đường ngay khi biết cô dính bầu. Tuy ông cụ Umberto lo cho cô gái, ông cũng không thể giúp được Maria cũng như cô cũng chẳng thể giúp được gì cho nỗi phiền muộn của ông. Sau hai mươi năm là khách hàng trung thành của cái phòng trọ đó, giờ đây ông cụ Umberto sắp bị đẩy ra ngoài đường mà không thể làm gì được. Thậm chí khi đã bán hết tài sản và không ăn uống gì trong cả tháng tới, ông cụ cũng không chồng đủ tiền thuê nhà. Mà nếu có chồng đủ, mụ kia cũng sẽ nghĩ ra trăm phương ngàn kế khác để đẩy ông đi. Mụ sắp lấy chồng, mụ muốn phá căn phòng của ông cụ để cơi nới cái phòng khách của mụ rộng hơn, thời thượng hơn.

Cả bộ phim là những chuỗi ngày khổ nối sở của ông lão Umberto để kiếm đủ tiền giữ lấy cái mái nhà trên đầu. Thông qua cách nói chuyện lịch sự của ông cụ, cách ông cụ luôn ăn mặc vô cùng chỉnh chu và gọn gàng mỗi khi ra đường, ông cụ thể hiện mình là một người có học thức, được tôn trọng và cũng có đạo đức và sự tự trọng nhất định cho bản thân. Mình không cho rằng là một nhân viên nhà nước về hưu phản ánh được mấy cái điều kia, nhưng ông cụ có vẻ trân trọng cái công việc ấy như thể đó là một trong những chuẩn mực quan trọng nhất để đánh giá giá trị con người cụ vậy. Mười lăm phút khi vào phim, mình nhận ra Umberto D. không phải là một bộ phim kể về một ông lão cố gắng vượt qua đói nghèo và sự khắc nghiệt của cuộc sống, Umberto D. là một bộ phim kể về sự tranh đấu để giữ cái lòng tự tôn, kiêu hãnh của một người đàng hoàng trong khi cuộc sống cứ cố dồn ông xuống sình lầy hôi hám. Mà khi đã rớt xuống sình, sẽ không có thứ “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” như người Việt Nam chúng ta vẫn cứ bảo nhau đâu. Mình dặn lòng, đừng có buồn khi mà ông cụ treo cổ chết cuối phim, bởi đó chắc chắn là điều sẽ xảy ra, là kết quả tất yếu và dường như là cái kết thúc “có hậu” nhất có thể đến đối với cụ Umberto.

Và mình đã thực sự rất vui mừng khi ông cụ đã suýt làm được điều đó.

Quá trình “tranh đấu” để giữ lại phẩm giá của ông lão Umberto chắc chắn không thể thê lương, nguy kịch và nhuốm màu tuyệt vọng như mấy tác phẩm văn học hiện thực nước nhà những năm 40 thế kỷ trước được. Ông cụ cũng vẫn có lương hưu, mỗi bữa thì có thể ăn tại những trung tâm từ thiện cho người nghèo, thậm chí ốm đau cũng được chăm sóc miễn phí tại bệnh viện công giáo nơi mà ông cứ giả vờ yêu Chúa là được nằm thêm ít ngày. Ông tuy không có vợ con nheo nhóc nhưng bù lại có con Flike vừa xinh vừa khôn, cho gì ăn nấy, bảo gì làm nấy, cưng không để đâu cho hết, nói vậy cũng không phải là cô đơn. Nhưng những điều đó không thể bù lại sự thật là ông cụ nghèo xơ xác và sớm muộn ông cũng sẽ bị đẩy ra đường, sống cảnh màn trời chiếu đất như mấy người ăn mày cụ vẫn gặp và ăn cơm cùng mỗi ngày. Cụ không muốn sống cuộc sống như thế, ngửa tay ra xin những đồng tiền thương hại của kẻ khác, cụ cũng còn lòng kiêu hãnh của chính mình.

Sự chật vật, bấp bênh của cụ Umberto được thể hiện ra cái giấc ngủ bất an và khổ sở của ông cụ trong cơn sốt. Tiếng hát phô trương, giả hiệu của bà chủ nhà và đám bạn nhà giàu, sang chảnh và thiếu đạo đức của bà, tín hiệu hẹn hò ồn ào, vô vọng của Maria với một trong hai anh chàng là cha đứa con hoang trong bụng cô, sự nhọc nhằn với gánh nặng nợ nần không thể trả và nỗi cùng quẫn khi nghĩ đến tương lai kết hợp với cái cơn sốt hành hạ khiến ông cụ Umberto cảm thấy kiệt quệ. Cụ tưởng mình sắp đi tong đến nơi rồi, cụ gọi cho bệnh viện, vừa bịn rịn, vừa mừng rỡ. Thế là hết một kiếp người, hết một kiếp lo nghĩ.

Nhưng không, số cụ không có may mắn được như vậy. Ông cụ chỉ bệnh nhẹ. Mình cảm thấy cái sự thoáng buồn của ông lão khi phát hiện ra cái nghiệp của cụ là phải quay lại với cái sự nghèo và vô gia cư. Với niềm tự hào là một con người luôn “thanh toán” mọi tờ hóa đơn của mình, ông cụ tự hạ giá bản thân bằng việc đi vay mượn một người đồng nghiệp cũ. Như một lẽ thường của một bộ phim dạng thế này, ông cụ bị từ chối. Chi tiết này như chỉ để nhấn mạnh rằng ông lão Umberto D. đã làm tất cả mọi thứ trong quyền năng của ông để cố gắng trả nợ. Ông đã làm tất cả mọi thứ nhưng nó không bao giờ là đủ. Ông cụ đã tới bước đường cùng.

Một trong những phân đoạn hay nhất phim và cũng là phân đoạn miêu tả rõ nét sự tranh đấu để giữ lại những giá trị Umberto trân trọng ở bản thân. Ông cụ hiểu mình cần tiền, rất cần tiền, nó gần như là thứ quan trọng nhất đối với cụ trong thời điểm hiện tại. Và điều duy nhất còn lại đối với một người như cụ có thể làm, đó là đi xin tiền. Thời đại nhiễu nhương, ai cũng khó, cụ cũng khó, “sông có khúc, người có lúc”, cụ chỉ đi xin một lần này để trả tiền thuê nhà thôi, cụ cũng đâu có lừa ai, ép uổng ai, ăn cắp của ai. Cụ chỉ cần ngửa bàn tay của mình, chìa ra và nhận lấy sự thương hại của thiên hạ thôi mà.

Cái cách cụ Umberto chìa bàn tay xin tiền của mình ra thậm thụt như thử xem trời có mưa không, đó chính là lòng kiêu hãnh của cụ đang quát tháo, sỉ vả cái lý trí ở trong. Cuối cùng, khi người đàn ông kia rút tiền ra và lòng bàn tay của cụ già nghèo khổ úp lại, đó là dấu hiệu cho cái chiến thắng nhất thời của lòng kiêu hãnh của cụ, đồng thời là tín hiệu buồn cho cái dạ dày rỗng cùng cái thân già không nơi nương tựa của ông lão cứng đầu. Phân đoạn này chính là một trong những khoảnh khắc đắt giá nhất của bộ phim, thể hiện chủ đề mà đạo diễn muốn hướng tới. Sự đấu tranh của Umberto D . là sự đấu tranh của một con người bị dồn nén đến chân tường nhưng vẫn không thể vứt bỏ những giá trị tốt đẹp của bản thân và trở thành một người tầm thường như bao con người tầm thường khác. Chính sự đấu tranh và chiến thắng khổ sở của ông cụ trước cám dỗ và không chịu “hạ mình” theo dòng đời đưa đẩy tạo ra sự khác biệt cho nhân vật, khiến nhân vật Umberto trở nên đặc sắc và hay ho hơn mình nghĩ rất nhiều.

Vì cụ già quá chảnh đi làm ăn mày, Umberto đùn việc cho con chó. Nhưng khi cả chiến lược dùng con chó cũng không hiệu quả (ông cụ quên marketing hành động của con Flike là để xin tiền), ông cụ có lẽ cũng chưa thực sự từ bỏ ý tưởng này nếu không gặp lại người sếp cũ. Ông cụ hoàn toàn có đủ thời gian và điều kiện để cầu xin một lời giúp đỡ từ một người quen nhưng cụ đã không làm. Mình không rõ nữa, có lẽ gặp gỡ lại cố nhân nhắc nhở cụ Umberto nhớ về ngày xưa cụ đã từng là một người như thế nào. Nó gợi nhớ về một quá khứ gần gũi trước đây, khi Umberto vẫn còn là một người đàn ông chính trực, có đạo đức, được tôn trọng, một con người mà cụ tự hào về bản thân mình, một con người mà cụ trân quý và giữ gìn suốt bao nhiêu năm nay. Không, cụ Umberto vẫn còn muốn giữ lấy cái con người ấy. Cho dù mọi thứ có đổ vỡ, có dồn nén, có bắt chẹt cụ như thế nào, cụ vẫn quyết tâm giữ lấy cái lòng tự tôn ấy cho riêng mình. Để tận khi xuống mồ, cụ cũng không để mình phải xấu hổ.

Mình không cho rằng việc cụ Umberto không chịu hạ mình đi ăn xin là một điều gì đó quá lớn lao và xứng đáng được ca tụng. Nếu là mình, mình sẽ vứt quách cái thứ gọi là sĩ diện đó đi, mình sẽ ngửa tay xin tiền và tiếp tục tranh đấu để tồn tại. Ông cụ không chỉ sống có mình cụ, cụ còn con Flike để chăm sóc, cụ cũng cần mái nhà, Maria có thể cần sự giúp đỡ của cụ. Mình đã nghĩ, những giây phút “ăn mày” kia không thể định hình một tấm lòng, một con người. Thiên hạ nghèo rớt, ai cũng khổ, chẳng lẽ những người đi ăn xin không danh giá, không đáng được xem trọng như cụ Umberto. Cụ thà chết chứ không đi ăn xin, cụ làm thể như công việc đó là thứ nhơ nhuốc nhất trên đời vậy. Cái lòng kiêu hãnh, cái sự tự tôn kia đã đẩy cụ ra ngoài đường, ngủ ngoài công viên với giun với dế, như thế có đáng không? Cuộc đời còn nhiều ngã rẽ, nếu cứ khư khư giữ lấy cái giá trị vô hình kia và không chịu mặt dày lên, làm sao mà tiếp tục sống sót được?

Nhưng như bao nhiêu phim khác, mình không phán xét nhân vật dựa trên những điều mình sẽ làm, mình nhìn nhận họ dựa trên những gì họ đã làm. Nếu mình sống một cuộc đời như Umberto, làm công việc của Umberto, tuân thủ những nguyên tắc làm người như Umberto, có lẽ mình sẽ nghĩ khác. Việc cụ Umberto không thể xin tiền, mình coi đó là một sự lựa chọn của nhân vật. Nó không phải là thứ trắng đen, tốt xấu tách bạch để ca tụng hay chê bai. Nó chỉ là một sự lựa chọn của nhân vật trong một ngã rẽ của thời cuộc. Cụ chọn nó và sống với quyết định của mình. Chỉ thế thôi. Mình không thích một bộ phim mà nhân vật thiện ác quá rõ ràng và màu mè thái quá. Con người trong cái thế gian này không ai có thể hoàn mỹ như Bao Thanh Thiên, nói câu nào là dạy đời, lên mặt đạo đức câu đó. Con người trong thế gian này có màu xám, có xấu, có tốt, có sự bất mãn, buồn tủi, ngờ vực, yêu thương và đố kị. Ông cụ Umberto cũng vậy. Cụ có vẻ như là người tốt nhưng cụ cũng không hoàn toàn là người tốt. Khi ông cụ lựa chọn, đó là giây phút khiến ông cụ là chính cụ, là một Umberto D. không lẫn với ai khác. Cụ đã chọn, ai phật ý, ai đồng lòng, ai rơm rớm nước mắt, mọi thứ dường như không còn quan trọng nữa.

Bên cạnh quá trình đấu tranh tư tưởng của ông cụ Umberto về cái sự hèn, mình không thể không đề cập đến một khía cạnh khác to đùng trong cuộc đời ông cụ, một khía cạnh chỉ tưởng như đi song hành nhưng hóa ra lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới đoạn kết bộ phim: con Flike.

Nếu ông cụ Umberto có một gia đình, vợ bệnh, con đau, có lẽ sẽ không có cái thứ gọi là sự đấu tranh tư tưởng khốc liệt mà mình lảm nhảm cả trang giấy ở trên. Cụ sẽ chỉ có một sự lựa chọn duy nhất và lựa chọn ấy sẽ giết chết ông cụ dần dần trong một bi kịch thường thấy mà mình vẫn được học trong sách giáo khoa. Nhưng không, ông cụ chỉ có con Flike. Cho dù ông thương con Flike như con, nó vẫn chỉ là một con chó, một con vật không đủ sức nặng để ông cụ thay đổi sự lựa chọn nghiệt ngã của mình, một lựa chọn thanh cao sẽ giết chết ông cụ nhanh, gọn, lẹ hơn bất cứ sự lựa chọn nào khác. Suốt bộ phim, sự nâng niu, ân cần của ông cụ dành cho con chó mang lại sự thiện cảm khá lớn từ khán giả. Ai mà lại không thích chó chứ? Con Flike nhỏ xíu, nhìn tạm được, khôn đến mức vượt ngưỡng bình thường. Và cũng như bao nhiêu con chó khác trên đời, nó thương cụ cũng nhiều như cụ thương nó. Một tình cảm chủ tớ không cần bất cứ điều kiện nào.

Tình cảm ông cụ Umberto dành cho con vật cưng được thể hiện rất rõ ràng, thậm chí ban đầu còn khiến mình cho rằng bộ phim có những cảnh thật thừa thãi. Ngay cả lúc đang đau ốm đến mức tưởng như mình sắp về chầu tiên tổ, ông cụ còn đủ tỉnh táo để dặn người làm việc ở bệnh viện lừa con chó giúp cho mình. Cụ biết nếu không bị “dụ”, con Flike sẽ không đời nào để cụ đi yên ổn. Mà nếu nó đã đòi theo, cụ cũng không đành lòng bỏ nó lại. Chuyến vào viện lần đó, cụ Umberto chắc mẩm mình tiêu đời rồi, cụ “trăn trối” con Flike lại cho Maria với tất cả tình thương yêu, tận tụy còn hơn của một người chủ. Cũng đúng thôi, nó là thứ duy nhất cụ có.

Rồi khi con vật bị lạc và cụ già không ngần ngại tiêu những đồng lương hưu quý giá của mình để gọi taxi tới khu nhốt thú vật đi lạc, đó là một ví dụ của việc ông cụ coi trọng con chó hơn cả việc mình sẽ bị đẩy ra ngoài đường. Bộ phim dành một phân cảnh để miêu tả sự hoang mang, sợ hãi tột cùng của ông lão mất chó, một nỗi sợ mà mình hoàn toàn có thể sẻ chia, đồng cảm với chính cụ. Cách ông nhìn nơi người ta giết chó, cách ông nhìn cái trại chó với sự sợ hãi càng lúc cành dâng cao khi tìm mãi không ra chó nhà mình. Hàng trăm câu hỏi trong đầu ông cụ, bao nhiêu câu “lỡ như”, hàng ngàn tiếng sủa thảm thiết và một viễn cảnh tăm tối và đáng sợ hiển hiện trong trí tưởng tượng của cụ về một số phận thảm thương dành cho con chó cưng.

Dĩ nhiên con Flike không chết, bởi số phận nó được dành để gắn bó với cụ Umberto, để cái kết phim còn có chút thắt nút, cao trào và lửng lơ giữa dòng đời. Nói gì đi chăng nữa, không chỉ quyết định số phận chủ nhân mình, con Flike quyết định nửa cái thành bại của bộ phim này, đâu dễ tự nhiên mà nó chết bất đắc kỳ tử vậy được.

Sau khi quyết định cuộc đời quá tuyệt vọng cho cái sự tự tôn của cụ lên ngôi, Umberto định bụng tự sát. Đúng như mình dự đoán, quyết định này có thể xem là khá dễ hiểu, hợp lý và phù hợp với tâm lý nhân vật. Mọi thứ sẽ thật dễ dàng nếu con Flike đi lạc hoặc chết trong trại nuôi nhốt chó hoang, ông cụ chính thức chẳng còn gì để níu kéo với cái cuộc đời bể dâu này nữa cả. Mọi thứ sẽ thẳng toẹt như cái thước kẻ, phim sẽ chán òm. Nhưng không, cụ vẫn còn con chó, cụ vẫn có trách nhiệm lo lắng cho nó rồi muốn tự sát kiểu nào thì tự sát, nó thương cụ thế cơ mà. Cũng giống như cái lúc xoay xở kiếm tiền trả tiền nhà, ông cụ đã làm mọi thứ có thể trong quyền hạn của ông để tìm cho con Flike một mái ấm mới. Cụ tới chỗ người nhận giữ chó và đưa họ tất cả số tiền và tài sản cụ có nhưng nhanh chóng nhận ra con Flike sẽ không được sống đàng hoàng ở đó và sẽ bị nhốt suốt ngày. Không thể để con chó cưng ở một nơi như vậy mà chết rục vì buồn phiền, ông cụ tới công viên nơi có một bé gái thích con Flike và đề nghị cho em con chó. Đúng như sự đời, bà mẹ của bé gái nghi ngờ thành ý của ông cụ và từ chối rước thêm việc vào thân (hoàn toàn hợp lý và thông cảm cho bà mẹ, ai mà không nghĩ như thế chứ), con Flike không được ai nhận cả. Trong lúc nghĩ không thông suốt, ông cụ quay đầu và bỏ con chó lại một mình ở công viên. Không hiểu sao mình rất thích đoạn này, cụ ông tuyệt vọng bỏ con chó lại nhưng vẫn lo lắng cho nó nên núp vào trong một bụi cây gần đó để quan sát con vật. Con vật sau một hồi ngơ ngác vì không thấy chủ đâu cuối cùng cũng nhớ ra mình là chó. Nó hít ngửi một hồi rồi cũng tìm thấy ông cụ già, chủ tớ lại ôm nhau thắm thiết không thể tách rời. Mọi thứ diễn ra rất tự nhiên, ông cụ Umberto nhận ra mình và con Flike là hai số phận không thể tách rời. Cuộc đời này khổ quá rồi, cụ thì già, thôi thì cụ hóa kiếp cho con Flike luôn vậy.

Cao trào của bộ phim đương nhiên là cái khoảnh khắc cụ già và con chó bước ra trước con tàu. Mình đã chờ cuộc đời của họ kết thúc, nước mắt cũng đã rưng rưng chỉ chờ được rơi, mọi cảm xúc được dành dụm để vỡ òa đến cái bi kịch cuối cùng của cuộc đời chỉ có thể chạy trốn bằng cái chết. Nhưng cái hay của Umberto D. là nó không kết thúc cái cách mà mình nghĩ nó sẽ kết thúc. Cái kết của Umberto D. hay ho hơn, hợp lý hơn và vượt lên trên mọi cái kỳ vọng của bản thân về một bộ phim kinh điển. Umberto D. vẫn sẽ là một bộ phim đắt giá nếu nó để ông cụ kết liễu bản thân và con chó, nhưng nó vượt lên trên chính mình và cái giới hạn xuất sắc khi nó để con Flike chạy ra khỏi vòng tay ông lão tuyệt vọng và khiến ông “lỡ” nhịp tử thần. Con vật thông minh nhận thấy nguy hiểm của đoàn tàu, sự sợ hãi và bản năng tồn tại của loài vật khiến nó dám cãi lại ông chủ, vùng mình và bỏ chạy. Nó cứu chính mình và cả ông cụ Umberto khỏi cái chết, không phải chỉ bằng cách chạy ra khỏi mũi đoàn tàu. Như mình đã từng đề cập trong The Fall, một người muốn chết sẽ không nghĩ cho người còn sống nữa, nếu họ đã có thể nghĩ cho những người còn sống, họ sẽ không còn muốn chết nữa. Ông cụ Umberto không có người nào để cụ cần lo nghĩ cho họ cả, nhưng cụ lo nghĩ cho con Flike. Phân đoạn cuối cùng của phim khi ông cụ nghĩ trăm phương ngàn kế để con chó thân lại với cụ, đó chính là giây phút cụ già từ bỏ cái chết và chấp nhận cuộc sống muốn ra sao thì ra. Con Flike là mọi thứ cụ có lúc này, nếu nó muốn sống, cụ sẽ sống, con Flike chỉ còn có cụ cũng như cụ chỉ còn có con Flike. Bộ phim kết thúc trong sự lửng lơ thông thường bởi cuộc sống là lửng lơ vô thường. Ông cụ thoát chết và chơi đùa với con chó cưng với sự hạnh phúc, hồn nhiên nhất như thể chưa có chuyện gì vừa xảy ra, như thể cụ vẫn có nơi đi chốn về, như thể cuộc đời vừa mở cho cụ một lối đi mới.
Umberto D. - Wikipedia
Umberto D. vẫn là một bộ phim buồn, cái kết cũng chẳng phải là một cái kết có hậu. Không phép màu nào xảy ra cả, không một vệt may mắn, không một bàn tay chìa ra giúp đỡ, không một tia sáng cuối đường hầm có thể giải quyết rốt ráo cái sự khó khổ của cụ già. Cuộc sống của cụ vẫn bế tắc và tối thui như hũ nút, mọi thứ đều vẫn dở dang, vẫn không xác định, nếu nói đây là cái kết mở thì mình nhất định không chịu bởi chẳng có gì mở ra cả. Tương lai của cụ Umberto và con Flike sẽ cứ thảm dần đều theo từng đồng tiền cuối cùng của cụ già, rồi bệnh tật, rồi tai ương, rồi họ sẽ ngủ ở đâu,… Nhưng khi mình nhìn ông cụ chơi đùa với con chó cưng, mình chợt thôi nghĩ ngợi nữa. Mình cảm thấy tương lai của họ đã nằm trong tay họ và miễn là cụ Umberto còn có con Flike, mọi thứ sẽ ổn thôi.

Một kết thúc trọn vẹn và không dư thừa.

Với một cốt truyện đơn giản, chầm chậm và buồn rầu, cái thực sự để níu chân mình ở lại có lẽ chính là diễn xuất của các diễn viên, đặc biệt là cụ Umberto và cô hầu gái Maria. Khi mình đọc được rằng cả hai đều là diễn viên nghiệp dư chưa từng đóng phim bao giờ, mình đã vô cùng bất ngờ. Carlo Battisti, người đóng vai cụ Umberto, là một giáo sư ngôn ngữ, mình đoán cái bộ dạng đạo mạo chỉnh chu của người có học đến từ chính cái công việc của ổng. Umberto D. là bộ phim đầu tiên và duy nhất của ông giáo, mình đoán đó là một bước đi thông minh của một người hiểu chuyện. Dù gì ổng cũng già, tuổi nghề thì ít, ta cứ giữ giá của mình ở đỉnh cao danh vọng thôi, đóng phim thêm làm gì để hủy hoại cái sự đẹp đẽ của dở dang. Mình đoán đóng vai chính trong bộ phim chỉ là một cú ngoặc của ông cụ, một cú ngoặc đẹp mắt, ngoạn mục và ăn đứt hẳn vô vàn các đồng nghiệp khác đã lăn lộn với nghề mấy chục năm. Biết sao giờ, cuộc đời bất công bỏ xừ.

Mình không thực sự biết Carlo Battisti có thực sự diễn xuất hay cụ chỉ đóng vai chính mình. Nhưng mình nhìn gương mặt hiền lành và có phần nào đó còn “ngây ngô” với cuộc đời khắc nghiệt, cùng cái cách ông cụ ăn diện trong mọi hoàn cảnh, mình có phần nào đó thiện cảm dành cho nhân vật. Và cho dù chỉ là diễn viên nghiệp dư, ông cụ diễn tả rất linh hoạt cảm xúc của nhân vật. Sự tức giận, lo lắng, muộn phiền, sợ hãi, thất vọng,… tất cả đều được thể hiện trọn vẹn trong ánh mắt lúc nào cũng đượm buồn và gần ở bờ vực “sém khóc”. Mình không biết nữa, có lẽ do bản tính của mình là quý người già, mình luôn nhìn nhân vật Umberto D với sự nhẫn nại và cảm tính không cần thiết. Diễn xuất của Carlo Battisti không có sự phô trương thái quá cảm xúc bởi những người đã sống tới 70 năm cuộc đời không có cái sự xa xỉ là khóc oang oang trên phố như bọn trẻ con, nhưng ông cũng còn có sự hạn chế trong việc miêu tả sự đấu tranh tâm lý bên trong, chỉ biểu cảm bên ngoài gương mặt thì vẫn chưa thực sự ấn tượng đủ (đối với mình). Phân đoạn quan trọng nhất của bộ phim, phân đoạn ăn xin nửa mùa được ông cụ diễn tả xuất sắc, mình không nghĩ bất cứ ai có thể làm tốt hơn thế. Mình tự hỏi đạo diễn ăn cát vàng ở đâu để bới ra những con người mới toanh xuất sắc như vậy.

Bên cạnh nó, nữ diễn viên đóng vai Maria, Maria-Pia Casilio, đã có một màn debut để đời với vai cô hầu gái dại dột. Phân cảnh cô gái ngủ dậy làm việc nhà và băn khoăn về tương lai của mình và đứa con trong bụng, tuy ngắn ngủi nhưng thực sự cần thiết trong việc tạo chiều sâu cho nhân vật và cũng tạo sự đa chiều cho chính bộ phim. Maria lúc đầu có vẻ ít học, nông cạn, tháo vát và tốt bụng. Nhưng nhân vật của cô cũng như nhân vật ông cụ Umberto, có xấu, có tốt và họ sống cuộc đời của họ với những sự lựa chọn của họ, không cần ai phán xét cả. Việc đầu tư xây dựng nội tâm cho nhân vật Maria là một trong những điều khiến mình bất ngờ ở bộ phim và mình phải nói đó là một bất ngờ tương đối dễ chịu. Tuy vậy, nhân vật Maria, hoàn cảnh, tính cách và sự trăn trở của cô không thực sự mới mẻ và độc đáo như nhân vật Umberto. Một nhân vật như Maria, thành thật là không đáng nhớ cho lắm.

Với một bộ phim thập niên 50 mang hơi hướm Citizen Kane (1941) về cái sự thất đời, dĩ nhiên âm nhạc đóng vai trò trọng yếu trong việc thao túng cảm xúc người xem. Sau khi xem quá nhiều phim và nhận ra lúc nào thì âm nhạc cần bung lụa, mình trở nên khó tính hơn với những phim lúc nào cũng chèn tiếng piano vào những đoạn gây xúc động. Nói sao giờ, mình không ghét Umberto D. khi dùng âm nhạc để chi phối cảm xúc của mình, cho dù âm nhạc của phim mang tính cổ điển thường thức như hầu hết phim ảnh giai đoạn này, nhưng nó được sử dụng đúng lúc đúng chỗ, không làm phiền, không gây choáng váng, không mè nheo đòi hỏi. Như đoạn cái giấc ngủ chập chờn của ông cụ được bổ sung bởi tiếng hát và tiếng nhạc “to cao” gây bực bội cho chính khán giả, khiến họ đồng cảm với sự khổ sở của nhân vật, bởi ai mà chẳng từng phải chịu đựng một nhà hàng xóm nào đó hát karaoke tới 10h đêm.


Mình đoán mình không quá “dị ứng” phim bi như mình nghĩ. Sau cái lần khóc lóc như bán mạng sau khi xem Schindler’s List, mình cứ nghĩ mình không thể chịu đựng một phim sầu đời và lâm ly nào nữa trong vài năm tiếp theo. Nhưng mình không những chịu đựng được và thậm chí còn đầu tư nước mắt cho nó. Với sự tư duy tào lao của bản thân, Umberto D. hóa ra không thê thiết như mình từng nghĩ, mình đoán đó là cái cách đạo diễn diễn giải câu chuyện và cái cách mình tiếp nhận nó thận trọng và buồn rầu trước. Với tính cách màu hường, không quá sâu sắc và không thích chủ động tự tìm đến sầu khổ, mình đoán Umberto D. sẽ là một trong những phim mình không bao giờ xem lại nữa. Nhưng dù thế nào, mình cũng không thể phủ nhận sự xuất sắc của phim. Mình nghĩ là mình nên mở lòng và chấp nhận xem nhiều phim khổ não như vậy, bởi chỉ khi biết chấp nhận và “tận hưởng” nỗi buồn, mình mới thực sự đón nhận và trân trọng niềm vui.







Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo