Về The Storied Life of A.J. Firky – Gabrielle Zevin
Sau bao nhiêu
ngày tranh đấu cho cái sự lười và thực sự thiếu thời gian vì công việc, mình chọn
tối thứ sáu quý giá để viết về một quyến sách mà chính mình cũng không thực sự
thích.
Giá mà cuộc sống
cũng ngẫu nhiên và đơn giản như thế.
Nhà xuất bản
đã chọn một cái tên vô cùng lố lăng cho tác phẩm “Sách đời xuôi ngược”, thay vì
để nguyên tên gốc là The Storied Life of
A.J. Firky. Với ánh mắt của một cựu sinh viên kinh tế đã lết qua môn marketing
một cách chật vật, mình hiểu tại sao người ta chọn cái tên đó để thu hút độc giả.
Chẳng phải nó thu hút mình đó thôi? Mình cũng như hàng trăm, hàng ngàn cá nhân
rởm đời khác bị thu hút bởi dòng chữ đao to búa lớn kia, với một bầu trời tưởng
tượng về những điều mà một quyển sách mỏng dính kia có thể mang lại. Nếu nhà xuất
bản giữ nguyên tên gốc, Cuộc đời như câu
chuyện của A.J. Firky, mình sẽ nghĩ đây là một quyển sách tiểu sử về một
nhân vật lẫy lừng nào đó mà người dốt nát như mình chưa từng nghe quá, đồng
nghĩa với “dẹp luôn, khỏi mua, làm biếng”. Mình hiểu cho dụng ý của người đặt
tiêu đề, chỉ là sau khi đọc xong quyển sách và nhìn thấy cái tên, trong mình cứ
dấy lên một sự phẫn uất khó tả của người vừa bị lừa gạt. Có lẽ người ta cũng biết
vậy nên đặt cái tên gốc của quyển sách vô luôn, dẫu là bé nhưng cũng là trung
tâm cái bìa. Họ không định lừa ai cả.
Điều nực cười
nhất khi mình đọc The Storied Life of
A.J. Firky đó là sự yêu thích của mình đối với nó lên xuống nhịp nhàng như
thể mình chơi bập bênh ở công viên vậy. Quyển sách khởi đầu vô cùng hấp dẫn khi
giới thiệu nhân vật chính A.J với một cá tính đặc trưng, hơi cường điệu và hoạt
hình nhưng vẫn còn đủ tính chân thật, thực thà của một con người khổ sở chính
hiệu. A.J, một ông chủ tiệm sách không thèm khách, một “học giả” uyên bác về
văn học với muôn vàn tiêu chuẩn ngang ngược, vô lý và kiêu ngạo của cá nhân
trong việc tuyển chọn một quyển sách có vinh hạnh được bán ở cửa tiệm anh ta.
Nói thật, hoàng thượng ngày xưa tuyển tú cũng không gắt như vậy. Một A.J góa vợ,
giận dữ, cô đơn vì mất đi người duy nhất có thể hiểu và chịu nổi tính khí láo
không để đâu cho hết của anh. Một A.J mất quyển sách anh ghét cay ghét đắng
nhưng vô tình lại là thứ có giá trị nhất ở cửa hàng. Mọi thứ khởi đầu thật khoa
trương nhưng lại vô cùng hấp dẫn, sảng khoái.
Đùng một cái,
Maya bước vào đời A.J. Anh trở nên “người” hơn, thường tình hơn. Và đến khi anh
tán tỉnh và yêu Amelia, mọi sự thú vị mà tác giả trao cho nhân vật hoàn toàn biến
mất. Mình cảm thấy như đang đọc một tác phẩm tầm thường về một con người bình
thường. Hoàn toàn buồn chán, cũ rích và nhạt nhẽo thôi rồi. Mình đoán đó có lẽ
là dụng ý của tác giả, rằng ẩn sâu trong bất cứ cá nhân đặc biệt, thất thường
và xéo xắt nào cũng chỉ là một ông chú già thường tình và “nhân” văn nhất có thể.
Mặc dù sự lôi
cuốn của câu chuyện hoàn toàn chấm dứt, khi mà mình cảm thấy tác giả đã hết bài
để tiếp nối cuộc đời như cuộc đời của A.J. Firky, tác giả quyết định làm một cú
twist mà ai có não cũng đoán được ngay từ đầu. Nói thật lòng, mình đã chờ mong
nhiều hơn ở cú trở mình của quyển sách. Mình đã chờ đợi,đã mong mỏi, đã thấp thỏm
hy vọng là làm gì có cái bí ẩn nào dễ đoán đến vậy, chắc bà tác giả bẫy mình.
Nhưng không, suy luận Conan của mình hoàn toàn chính xác. Tuy đây không phải truyện
trinh thám nhưng việc đoán được diễn biến tiếp theo của câu chuyện cũng khiến
mình tuột hẳn niềm ham hố được tiếp tục đọc quyển sách.
Nhưng có lẽ đó
chính là cái hay ho của tác giả, ngay khi biết cú twist của mình chỉ lừa được
trẻ ranh, tác giả đã gài trước đó bằng việc đưa ra một nhận định thông minh về
việc nếu tác giả đưa ra một cái kết không ai có thể đoán được, chắc chắn phần
cài cắm trước đó của anh ta vô lý và tào lao. Một cú twist hợp logic và ăn khớp
với diễn biến câu chuyện nhất định phải là một cái kết đoán được, thậm chí là
đoán được một cách dễ dàng. Mình đoán chị tác giả chưa bao giờ xem phim của
Jordan Peele bởi phim các gợi ý trong phim của ảnh được cài cắm rất tử tế, lịch
sự và chình ình trước mũi kia nhưng không phải ai cũng đủ ngờ vực để kết nối
các chi tiết này lại và mở toang bộ phim. Việc tạo một cú twist bất ngờ và hợp
lý là việc hoàn toàn có thể làm được, chỉ là chị tác giả làm không được. Nói một
cách thẳng thắn, phần bí mật của The
Storied Life of A.J. Firky dở ẹc và cho dù được tác giả chữa cháy tinh tế
cũng không thể khiến nó hay ho hơn được.
Như để thử
thách mình, chị tác giả tiếp tục cho A.J sống cuộc đời phim Hàn thập niên 90
khi tặng cho ông chú cả đời đọc sách một bi kịch đầy mỉa mai là bị u não. May mắn
thay cho câu chuyện, chị nhìn bệnh tật của A.J dưới góc nhìn thực tế, thậm chí
quá thực tế, tạo cho câu chuyện một cái kết gần mặt đất, xa mặt trời và đối với
mình, nó đắt giá hơn hẳn mọi cái kết có thể xảy ra khác.
The Storied Life of A.J. Firky là một
quyển sách kỳ cục. Ngay khi mình dần đặt niềm tin vào câu chuyện và nhân vật,
nó tự dưng dở dần đều. Nhưng ngay khi mình bắt đầu thấy chán, tác giả chêm vào
một tuyến câu chuyện không liên quan hoặc một đoạn triết lý và nhận định cá
nhân về sách rất thú vị và nó khiến mình muốn đọc tiếp. Như tuyến câu chuyện
bên lề của tác giả quyển Late Bloomer,
câu chuyện đó không khó đoán nhưng đối với mình, nó mới mẻ và có sự riêng biệt
của nó và nó như là một sự ngẫu nhiên, “possible” của cuộc đời. Hay như những mở
đầu của các chương, nơi A.J “di chúc” lại vài dòng suy ngẫm triết học cao siêu cho
Maya về sách vở, những điều mà anh đúc kết được sau mấy chục năm hít sách ngửi
bụi, những ý kiến này của A.J, hay là của chị tác giả đều có sự thú vị và hay
ho nhất định của một người chắc chắn là thực sự đọc rất nhiều. Dẫu diễn biến và
cái kết cục của nhân vật chính cùng những người xung quanh anh, tiệm sách Alice
cùng hòn đảo nhỏ vô cùng nhảm nhí và thường tình, những chi tiết nhỏ tinh tế
khác trong quyển sách giúp cân bằng lại cái sự dở kia, khiến The Storied Life
of A.J. Firky trở thành một tác phẩm thường thường bậc trung.
Một dư vị đọng
lại kỳ cục cho một quyển sách kỳ cục.
Sự thật là The Storied Life of A.J. Firky đã có rất
nhiều điều hay ho tiềm năng để trở thành một quyển sách xuất sắc hơn thế. Có lẽ
do chính mình đã đặt kỳ vọng quá cao khi quyển sách có một màn khởi động không
tồi. Có lẽ mình đã chờ đợi một câu chuyện quái đản hơn như những quyển sách
mình từng đọc trước kia (Ông trăm tuổi
trèo qua cửa sổ và biến mất – Jonas Jonasson) bởi A.J là một nhân vật đặc
biệt và xứng đáng có một cuộc phiêu lưu kỳ thú hơn hẳn “20 năm cuộc đời” tác giả
viết cho anh và dám gọi sách của mình là “The storied life”. Mình đã mong cuộc
đời A.J có thể màu mè hơn, hấp dẫn hơn, nhiều nụ cười hơn, hoặc ít nhất mình đã
hy vọng tác giả dám cho Maya một thứ gọi là cá tính, hoặc bớt dễ đoán như vậy.
Nhưng không, cuộc sống có lẽ cứ tà tà bình bình như tác giả đã viết, khi những
người tốt như Amelia và A.J chỉ được hưởng một hạnh phúc trọn vẹn nhưng ngắn ngủi
và một người xấu xa, ích kỷ như Ismay cuối cùng được hưởng một cái kết có hậu
nhất câu chuyện.
Nhân tiện nói
tới sự tréo ngoe của cuộc đời, nhân vật A.J. Firky tạo hy vọng cho mình trong
công cuộc tìm kiếm tình yêu. Nếu một thằng cha vừa lùn vừa xấu vừa nghèo kiết,
khó tính, đáng ghét, trịch thượng, kiêu ngạo, vô duyên và kén cá chọn canh như
vậy có thể tìm được vợ, thậm chí là hai cô vừa đẹp vừa thông minh vừa tốt bụng
vừa chịu đựng nổi ảnh, mình cũng có thể tìm được một tấm chồng. Chỉ cần thật
tin tưởng và chờ thử xem.
Không thể đòi
hỏi mình viết nhiều hơn với cảm thán, phân tích và triết lý sâu cay được, thỉnh thoảng vài quyển sách chỉ có thế.
Nhận xét
Đăng nhận xét