Về No Country for Old Men (2008)
Spoiler Alert!!!!
Vì đã lỡ coi There Will Be Blood, mình xem luôn No Country for Old Men cho có đôi có cặp.
Từ giờ thì bà đã không còn nhẫm lẫn hai đứa mày với nhau nữa nhé.
Phần con người
nông cạn và phù phiếm trong mình thấy ngay là No Country for Old Men dễ coi hơn hẳn There Will Be Blood. Cả về chủ đề, tình tiết, cao trào lên xuống dồn
dập và những nhân vật cứng cựa, khó xơi, không ai chạy nhảy la làng cho cố rồi
bị giết bởi con ky bowling cả, nhìn chung No
Country for Old Men ăn đứt There Will
Be Blood về phương diện giải trí. Ai mà không muốn xem một phim viễn tây
kinh điển về một cuộc rượt đuổi gay cấn giữa một anh cao bồi, gã sát thủ và ông
chú cảnh sát được đạo diễn bởi anh em nhà Coen?
Trong một ngày
đẹp trời và xấu mạng, gã cao bồi Llewelyn Moss (Josh Brolin) vô tình đến một
nơi không nên đến và lấy một thứ không phải của mình. Nói một cách công bằng,
thiết diện vô tư (dạo này mình xem quá nhiều Bao Thanh Thiên với má), mọi rắc rối, phiền hà, khổ đau sau này đều
là do anh trai tự chuốc lấy, anh không phải là một con người bị hại đáng thương,
đương không bị dính vào vòng xoay chết chóc. Cái khoảnh khắc Josh Brolin nhìn
thấy tàn cuộc vụ giao dịch thương mại bất thành của hai băng đảng, số phận anh
cũng chỉ dừng ở mức chênh vênh mộng mị, nhưng cái lúc anh cựu binh điềm tĩnh, cẩn
trọng và có vẻ biết trước biết sau kia nhặt cái va li tiền kia lên và lặng lẽ
xách về nhà, cái kết của anh đã đóng lại. Săn đuổi anh cao bồi và cái va ly tiền
là gã sát thủ cớm nắng Anton Chirguh (Javier Bardem), một gã sát thủ đáng sợ,
hiệu quả và thông minh quá mức cần thiết. Không chỉ với vẻ ngoài kỳ cục, gã sát
thủ còn có vô vàn những nguyên tắc “sống” và hành nghề rất dị, nhìn chung những
nguyên tắc này rất tích cực cho sự nghiệp của gã nên nó không được nhân văn cho
lắm. Cuộc rượt đuổi giữa mèo Anton và chuột Llewelyn diễn ra vô cùng hồi hộp và
bất ngờ, xen lẫn vào đó là các băng đảng Mexico cũng đi tìm lại cái vali tiền bị
thất lạc, một gã sát thủ chỉ được cái miệng Woody Harrelson vừa được thuê thêm
hay cô vợ đáng thương của Llewelyn ít nhiều đều có phần quan trọng và kết nối với
diễn biến câu chuyện. Và trên hết, đại diện cho chánh quyền, chú cảnh sát già
Ed Tom Bell (Tommy Lee Jones) cũng tham gia cuộc chiến, chỉ là luôn luôn 1 – 2
bước tụt lại phía sau, từ đó làm nên ý nghĩa cho tiêu đề của bộ phim “No Country for Old Men”.
No Country for Old Men là một bộ phim của
anh em nhà Coen, và với những gì mình biết về phim của anh em nhà đó, No Country for Old Men không có sự mới mẻ
về phong cách hay tạo một lối đi riêng nào trong gia tài sự nghiệp anh em nhà
nó. Nói vậy hoàn toàn không phải chê, bởi No
Country for Old Men là đỉnh cao, là sự hoàn thiện tuyệt vời trong định
nghĩa cái chất riêng của phim anh em nhà Coen, nghĩa là phim mang đầy đủ những
điểm hay ho, thú vị không lầm lẫn với ai trong phim của họ, đồng thời nâng cấp
những điểm hay ho này với thêm nhiều tầng ý nghĩa, một cốt truyện chặt chẽ và một
cái kết gây tranh luận vượt bậc. Nói một cách nho nhã, No Country for Old Men là phim ngon lành nhất trong sự nghiệp anh
em người ta, tính đến thời điểm bây giờ.
Anh em nhà
Coen thích làm phim trong bối cảnh một vùng quê hẻo lánh, mang hơi hướng của
phim cao bồi viễn tây thuở Clint Eastwood. No Country for Old Men cũng như vậy.
Cũng như Fargo (1996), Raising Arizona (1987), O Brother, Where Art Thou (2000) và True Grit (2010) là những phim mình từng
xem của anh em nhà Coen (mình không muốn nhắc tới The Big Lesbowski vì nhiều lý
do), No Country for Old Men có một bầu không khí tương tự vậy. Một vùng đất chó
ăn đá gà ăn sỏi, dân cư thưa thớt, đất đai rộng thênh thang, buồn buồn, khắc
nghiệt và người dân ai cũng có súng: điển hình miền tây nước Mỹ. Trong một ngày
nắng nực (đương nhiên là nóng), anh cao bồi Llewelyn Moss (đến bây giờ cũng
không phát âm được cái tên của nó) được “số phận” dẫn dắt tới lấy một nơi không
nên đến nhưng anh tự quyết định lấy một thứ không thuộc về mình, khởi nguồn cho
câu chuyện. Anh cao bồi nhìn giống như một nhân vật chính diện điển hình trong
phim: thông minh, cẩn trọng, dũng cảm, quyết đoán,… nhưng những gì anh làm thì
không có được chính diện cho lắm. Cái cảnh đầu tiên Llewelyn xuất hiện, ảnh bắn
con nai/ hươu giữa đồng không mông quạnh, thì chắc đi săn kiếm bữa tối, nhưng nếu
bộ phim muốn xây dựng Llewelyn là một anh hùng, đạo diễn sẽ không giới thiệu ảnh
bằng một hành động sát sanh một con vật hiền lành như thế, đặc biệt lại còn bắn
trượt, chỉ làm bị thương con vật. Sau đó, Llewelyn bỏ rơi người bị thương trong
giày vò và lấy vali tiền không thuộc về mình, một hành động đương nhiên đi ngược
với chuẩn mực người tốt, khẳng định vị trí phản anh hùng (anti-hero) của nhân vật.
Và vì cũng chỉ là anti-hero, không phải người xấu, Llewelyn làm một hành động
chính bản thân anh ta biết là ngu ngốc nhưng vẫn phải làm vì lương tâm không
cho phép: quay lại cho một kẻ bị thương kia miếng nước. Cái sự làm người tốt nửa
mùa của anh cao bồi đương nhiên khiến anh trả giá, tạo sơ hở cho sát thủ Aton
Chirguh tìm tới và săn đuổi anh. Nếu ảnh không quay lại làm người tốt, có trời
mới biết anh giai hốt cái va li tiền. Vậy bài học xương máu ở đây là cả bộ phim
muốn nhắn gửi cho các cháu thiếu nhi: nếu tốt thì tốt cho trót, còn không thì
thôi.
Anton Chirguh
thì được phức tạp như Llewelyn Moss, hắn là người xấu, sữa tươi nguyên chất
trăm phần trăm xấu. Cái sự phản diện của Anton hoàn toàn không cần ẩn dụ hay biểu
tượng tăm tối nào hết, nó giết hai mạng người (với sự thanh thản hiếm có) chỉ
trong mấy phút đầu xuất hiện. Không có lấy một chi tiết nhỏ nào để biện hộ cho
sự máu lạnh của nhân vật. Nếu như Anton giết gã cảnh sát để tẩu thoát và giết
lão già để cướp phương tiện tẩu thoát, nếu du di, ta có thể nói Anton bắt buộc
phải làm những điều đó để tồn tại. Nhưng tại trạm xăng, Anton không cần đe nẹt
và dọa giết người chủ tiệm. Chi tiết lựa chọn đồng xu sấp ngửa của Anton nhìn
qua như thể hắn cho nạn nhân của mình một con đường lùi, là hắn cũng còn biết
lý lẽ chứ không phải cứ nổi hứng giết ai thì giết. Nhưng khi Carla Jean cuối
phim đã nhìn thấu, đồng xu chẳng có ý nghĩa gì hết, mọi nguyên tắc, mọi sự lựa
chọn, mọi hành động mà hắn cho rằng mình nhất định phải làm, mọi thứ đều là do
hắn muốn hay không muốn mà thôi. Anton Chirguh là một nhân vật phản diện mẫu mực,
một nhân vật mà người ta không cần xây dựng sự do dự, sự đấu tranh tư tưởng, điểm
yếu đuối, hay cả một quá khứ khổ sở để khiến nhân vật trở nên ấn tượng và vô
cùng thú vị. Hắn cứ ở đó, xuất hiện lù lù với một quả tóc xấu không để đâu cho
hết, một gương mặt trắng bệch và bộ đồ đen đám tang giữa sa mạc nóng chảy mỡ,
tuyệt nhiên không một ai không ai dám mở mồm cười gã. Anton là người xấu, xuất
hiện như một người xấu, hành động như một người xấu, không có một chút gì lưỡng
lự hay hối hận khi hắn ra tay tước đoạt tính mạng một con người cả. Ở một khía
cạnh nào đó, chính sự đen thùi lùi này tạo nét riêng cho chính nhân vật. Anh em
nhà Coen tạo một nhân vật phản diện chưa từng có bằng việc cố tình không tạo
cho hắn một nét riêng cá tính cho nhân vật của mình.
Cuộc rượt đuổi
của bộ phim thực chất chỉ dành cho Llewelyn và Anton. Trước khi Llewelyn xuất
hiện, không Anton xuất hiện như một ông hoàng, không ai đụng được tới gã cả. Không
phải là mình không nhìn ra sự bất tiện của thứ vũ khí độc lạ mà Anton sử dụng,
không phải mình không biết Anton không có kỹ năng nào đặc biệt hơn người hơn đời
như đánh kungfu thượng thừa hay bắn viên đạn cong cong theo hình tròn, Anton chỉ
là một sát thủ làm được những điều mà một người bình thường có thể làm. Nhưng
không, Anton toàn năng áp đảo mọi cuộc chiến và chạy phăng phăng về đích, ai
dám cãi nó là chỉ có chết. Llewelyn là người duy nhất làm khó được Anton, là kẻ
duy nhất khiến hắn bị thương và tháo chạy. Cuộc rượt đuổi của hai cá nhân thông
minh, kiệt xuất trong việc họ làm (giết người và tháo chạy) tạo nên những giây
phút căng thẳng và vô cùng giải trí cho bộ phim. Mình đã thực sự rất đầu tư cho
câu chuyện. Llewelyn bản lĩnh, cẩn trọng đối mặt với Anton chính xác, hiệu quả
trong một trò rượt bắt chết chóc với bao nhiêu thuốc súng và xe cộ tan tành, sự
khôn ngoan của cả hai phe tạo ra một sự rất “đã” khi xem phim, đập nát motif
thông thường đối với những phim dạng này. Không đấu tranh tâm lý, không người
thứ ba giúp đỡ, không có mỹ nhân cần được trợ giúp, không giây phút trực diện đối
thoại trút hết ruột gan dành cho nhau, không có màn nghị luận đời về việc “tao
và mày là hai mặt của đồng xu” hay “chúng mình thực chất giống nhau, chỉ khác
cái áo đồng phục” tào lao bí đao rởm đời mình vẫn hay xem trong mấy phim tội phạm.
Llewelyn và Anton rượt đuổi theo đúng nghĩa của nó, không có một phút giây thư
thả, không có sự ngu muội hoặc sai lầm đần độn nào bị phạm phải. Nó cực kỳ gay
cấn và rất rất hợp lý.
Với sự bất mãn
mặc định mà khán giả dành cho nhân vật phản diện (Anton Chirguh quả thật là
không có phẩm chất nào để yêu thương hết), sự chống đối của Llewelyn với Anton
như đại diện cho chính nghĩa chống lại cái ác và Llewelyn chẳng khác nào anh
hùng. Khán giả thì mong cho anh hùng của họ thắng cuộc, hoặc ít nhất là sống
sót. Và khi đã dùng mọi năng lượng và tài trí trong kịch bản và dựng phim để
xây nên một sự kỳ vọng và mong mỏi cho nhân vật chính (diện), không gì mất dạy
và gây ngỡ ngàng hơn khi anh em nhà Coen giết chết Llewelyn “offscreen”. Không
có một cuộc đối đầu trực diện với Anton như bất cứ ai cũng đoán định và trông
chờ, Llewelyn, người “anh hùng” duy nhất có khả năng gây tổn thương cho Anton bị
giết bởi đám băng đảng Mexico và thậm chí cảnh anh này bị giết cũng không có
(offscreen). Đối với nhiều khán giả, đây không khác nào là một cú tát vô cái mặt
mo của họ hết. Mình thì ngạc nhiên. Đối với phim của anh em nhà Coen, nơi cái
chết của nhân vật đến và đi vô cùng ngẫu nhiên, hợp lý, ngớ ngẩn và đi ngược
chuẩn mực điện ảnh, cái chết của Llewelyn vẫn được xem là một điều khó chấp nhận
được, bởi kỳ vọng dành cho nhân vật là quá lớn, người ta còn bao nhiêu dự định
chưa kịp làm, vợ còn chưa kịp gặp. Một motif nữa mà đạo diễn đã phá bỏ chóng
vánh và không hề báo trước, và không phải ai cũng thích ứng kịp với sự thay đổi.
Như một hệ lụy
tất yếu và hợp lý, khi Llewelyn đã chết, không còn ai đủ sức đương đầu với
Anton được nữa, không còn ai đủ sức khiến hắn trả giá cho những gì đã làm nữa.
Anton Chirguh trở lại vị trí ban đầu của mình lúc mới xuất hiện, một kẻ bất khả
xâm phạm. Và như để nhấn mạnh thêm cái kết “phản động” của bộ phim, Carla Jean,
vợ của Llewelyn, bị Anton viếng thăm để hoàn thành lời giao ước với Llewelyn đã
chết. No Country for Old Men không phải là phim đầu tiên mình xem mà nhân vật
phản diện thắng, Anton Chirguh cũng không phải là kẻ phản diện mình ghét nhất,
chỉ là khi một nhân vật hoàn toàn vô can và vô tội như Carla Jean bị giết chỉ bởi
một “nguyên tắc” hành nghề không cần thiết của Anton, nó khẳng định một chiến
thắng tuyệt đối cho phe ác, khi mà phe người tốt hoàn toàn không thể chống trả
hoặc gượng dậy gì cả. Ngay cả khi Anton bị tai nạn (một chi tiết gây bất ngờ
khác), có thể do thời thế đổi vận khi Carla Jean từ chối chơi trò thảy đồng xu
với Anton, hắn cũng vẫn thoát chết và trốn thoát được. Cái ác vẫn nhởn nhơ giãy
giụa ngoài “cộng đồng dân cư” và trời vẫn trong xanh, mây vẫn trắng, đường sá
thì sạch rác.
Và vì đã trót
gây shock, anh em Coen chơi lớn, xây dựng một cái kết còn hoảng hốt hơn cả cái
chết của Llewelyn. Nhớ chú già Ed Tom Bell?. Lời dẫn chuyện lúc đầu phim là của
Ed Tom, cũng là lời giới thiệu trang trọng cho nhân vật và cái sự chính diện
chính thức và duy nhất của nhân vật. Ed Tom không phải là một cảnh sát tồi
nhưng trong suốt cuộc rượt đuổi, kinh nghiệm và khả năng của ông chỉ cho phép
ông đi theo cuộc chiến, chỉ là không có được sát cho lắm. Ed Tom luôn luôn bị bỏ
lại phía sau, hoàn toàn không thể can thiệp vào số phận của Llewelyn cũng như
chạm móng vào Anton, ông đã không thể làm được bất cứ điều gì cả. Khi Llewelyn
chết xàm xí, mọi gánh nặng đưa Anton ra công lý được đặt lên đầu ông chú già, dù
gì người ta cũng là cảnh sát. Ủa chớ nếu không phải ông là người tóm Anton thì
nhân vật được sáng tạo ra làm cái giống gì? Tại sao Ed Tom Bell là trục câu
chuyện thứ ba của bộ phim khi ông hoàn toàn không thể can thiệp vào cốt truyện
chính, tại sao lại sáng tạo ra một nhân vật không có kết nối gì tới hai trục
nhân vật chính kia? Ý nghĩa của nhân vật là gì? Mọi sự mặc định khán giả dành
cho Ed Tom một lần nữa vỡ tan khi nhân vật công bố quyết định giải nghệ về vườn.
Bộ phim kết thúc khi anh già ngồi kể cho vợ nghe hai giấc mơ tào lao của ảnh
đêm qua, hoàn toàn không có lý do lý trấu lý giải nào cho hai giấc mơ đó. Chấm
hết.
Bảo sao khán
giả không tức?
Dạo này mình
mê phân tâm học, một trong những nội dung của phân tâm học (hoặc của Freud) là
giấc mơ là một cách tiềm thức con người cố gắng giải thích hoặc liên hệ với những
điều chúng ta suy nghĩ và trải nghiệm trong thực tế. Đối với mình, giấc mơ là
tiềm thức cố gắng nhắn nhủ đến mình một thông điệp mà chính bản thân mình không
biết nó tồn tại hoặc không đủ can đảm để thừa nhận. Các cụ bảo “ngày nghĩ gì,
đêm mơ đó”, tính ra cũng có phần đúng, chỉ là đôi lúc cái phần mơ nó hơi bị tượng
hình và tượng trưng thái quá, buộc con người phải suy luận, diễn dịch và chém
gió cho nó ra cái phần ý nghĩa sâu xa kia.
Vậy nên mấy giấc
mơ của Ed Tom Bell, anh em nhà Coen để dành cho khán giả tự “Freud” nó. Thật là
một nước cờ khôn ngoan.
Ở đầu phim, Ed
Tom nói về cha ổng, cũng là một cảnh sát trưởng, nhìn qua thì có vẻ như Ed Tom chỉ
đang giới thiệu về gia cảnh và nghề nghiệp truyền thống của cha ông. Nhưng khi
ngẫm nghĩ lại nó sau này, nó là hàm ý của việc Ed Tom luôn đi theo dấu chân gia
đình mình, đặc biệt là người cha của ông. Họ chia sẻ với nhau cái nghiệp cảnh
sát của thế hệ đi trước và nay, nhưng mà miền viễn tây bây giờ đã khác xa cái
miền viễn tây hồi xửa hồi xưa. Cha của Ed Tom xuất hiện trong giấc mơ, trẻ hơn
Ed Tom 20 tuổi, chứng tỏ Ed thọ hơn cha của ổng và những quyết định của Ed Tom
Bell hiện giờ là những quyết định của riêng ổng, cha đã không còn ở đó để chỉ dạy
và truyền đạt của Ed Tom những gì cần phải làm nữa rồi.
Giấc mơ đầu
tiên, tiền được trao lại và bị Ed Tom đánh mất. Nhìn vẻ mặt cắn rứt của Ed,
khán giả nào cũng liên hệ ngay tới cái chết của Llewelyn. Ed Tom đã hứa với
Carla Jean rằng ông sẽ cứu được Llewelyn nhưng ông không làm được và ông vẫn
còn day dứt về điều đó. Cái chết của Llewelyn chính là một phần nguyên nhân khiến
Ed Tom về hưu, đó không chỉ bởi ông nhận ra thời thế đã khác biệt và ông đang bị
bỏ lại phía sau, nó còn là sự đau buồn và giận dữ mà chính Ed Tom dành cho
mình. Ông đổ lỗi cho bản thân về cái chết của Llewelyn.
Giấc mơ thứ
hai, mờ ảo và dễ bịa đặt ý nghĩa hơn. Chú cảnh sát về hưu mơ về một đêm giống
như ngày xưa, ông và cha ông cùng cưỡi ngựa vô núi chơi giữa đêm khuya tuyết lạnh.
Khi cha của Ed Tom cưỡi ngựa vượt qua ông, Ed Tom nhìn thấy cha mình mang theo
một ngọn lửa bạc, và mang ngọn lửa đó đi thắp sáng khắp nơi. Ed Tom không biết
mình phải làm gì, ngoại trừ tiếp tục đi về phía trước, vì ông tin rằng dù ông
có đi tới đâu, cha ông cũng sẽ ở đó. Giấc mơ kết thúc.
Nói một cách
chân thành, giấc mơ của Ed Tom không có được “phong phú” cho lắm, nhưng càng ít
chi tiết, thiên hạ càng dễ suy luận theo nhiều chiều. Bản thân mình thấy chú
già mơ về quá khứ, nơi Ed còn hiểu được lý lẽ, được nguyên nhân, còn định dạng
được thứ mà ông đang chiến đấu với, chứ không như cái hiện tại phức tạp, đáng sợ
và “vô căn cứ” hiện giờ đã đẩy Ed Tom vào con đường về hưu non. Nếu cha của Ed
còn mang lửa đi soi sáng khắp nơi, đó vẫn còn có hy vọng, chỉ là cha của Ed
mang hy vọng đó, ông thì không. Ông chỉ còn một mình, đi về phía trước cũng một
mình, không chỉ dẫn, không định hướng, chỉ có một niềm tin mình sẽ hội ngộ với
cha mình trong tương lai. Nhưng sự hội ngộ đó không diễn ra trong giấc mơ, giống
như thể Ed Tom chưa hết kiếp nên chưa thể gặp lại hồn ma ông bô. Việc Ed Tom
không gặp lại đốm lửa nào do cha mình thắp sáng cũng là một dấu hiệu của việc
ông không tìm lại được hy vọng và cũng không thể “thấu” được mọi thứ điên cuồng
đang diễn ra.
Nói thật, giấc
mơ của Ed Tom Bell có khi chỉ là một màn lừa đảo chính hiệu của anh em Coen. Giống
như hồi mình xem Donnie Darko (2001),
có thể bị phim chả có ý nghĩa cao siêu gì sất, khán giả tự gán, tự bịa ý nghĩa
thần thánh cho phim. Ai mà biết, có thể giấc mơ cuối phim của chú cảnh sát già
bị thời đại bỏ lại phía sau chỉ là một màn chơi khăm khán giả, rằng nó chỉ tào
lao như mình nằm mơ đi thi nhưng luôn hết giờ trước khi kịp viết bất cứ chữ nào
vào bài làm. Rằng tạo ra một cái kết mông lung và bất định vẫn luôn ngon lành
hơn một cái kết trắng đen rõ rành rành, và rằng đã là phim tranh Oscar thì
không thể có vụ anh hùng bắt cướp hoành tráng như bao nhiêu phim miền tây ngày
trước được. Mọi thứ chỉ là một cái bẫy khi anh em đạo diễn nhà kia bí ý tưởng
và muốn khán giả tự chơi đố vui với mình và tự nâng tầm huyền thoại cho bộ
phim. Ai mà biết?
Bản thân, cá
nhân, chủ quan mình thấy No Country for
Old Men là xứng đáng giành hoa hậu năm đó. Bộ phim có sự cân bằng giữa ba yếu
tố kịch bản, diễn xuất và đạo diễn, điều mà There Will Be Blood không có. Hơn nữa,
với việc mạnh dạn và láo lếu đập vỡ bao nhiêu mô típ thường tình của dòng phim
dạng này nhưng lại đập vỡ nó một cách vô cùng hợp lý và có toan tính, mình đánh
giá cao nó với sự sáng tạo cần thiết. Các nhân vật của No Country for Old Men không thể đạt tới tầm cao của Daniel
Plainview trong There Will Be Blood,
nhưng nếu đứng một cách độc lập, Anton Chirguh cũng là một nhân vật xuất sắc và
được diễn bởi một diễn viên xuất sắc. Javier Bardem có một màn trình diễn vô
cùng đáng nhớ và đáng sợ, tạo ra một trong những nhân vật phản diện ấn tượng nhất
lịch sử màn bạc. Bộ phim giữ nguyên cái tông, cái chất riêng khi mình xem phim
của anh em nhà Coen, mình không biết giải thích sao nữa, chút gì có tưng tửng
và bất ổn khi mình biết mọi thứ sẽ rẽ sang một hướng khác chỉ trong một giây tiếp
theo, nó đặc biệt gây hồi hộp và choáng váng khi 2/3 bộ phim là những màn rượt
đuổi, giết hoặc bị giết cân não và nén chặt căng thẳng, điều hiếm có của một
phim thắng Oscar.
Nói thật, mình
chỉ hỏi bản thân là có muốn coi lại No
Coutry for Old Men không thôi. Lúc đó câu trả lời hiện lên vô cùng rõ ràng,
mình chỉ cần có thế là đủ.
Nhận xét
Đăng nhận xét