Về The People vs O.J. Simpson (miniseries 2016)


Spoiler Alert!!!

Mình thích xem phim điện ảnh và truyền hình Mỹ (thỉnh thoảng cũng xem của Anh), chuyện này ai cũng biết. Sau một thời gian xem tràn giang đại hải, sau đó là cô đọng, chọn lọc và cuối cùng cũng chuyển sang cảnh giới hàn lâm làm màu, kiến thức của mình về văn hóa đại chúng của đất nước cờ hoa đã nâng lên một tầm cao mới. Cứ tưởng tượng một ngày đẹp trời, như thường lệ, mình lên Youtube xem cái talkshow mình yêu thích là Last Week Tonight with John Oliver và được nghe ảnh khen đất nước mình chống Covid-19 hiệu quả và nhảy múa quá lố theo bài Ghen Cô Vy, mình đã tự hào đến nỗi đi khoe tùm lum, để rồi bẽ bàng nhận ra thiên hạ ai cũng biết chuyện này do đọc Mương 14. Điều tào lao nhất là nhờ xem John Oliver, một show nước ngoài, mình mới có cơ hội được nghe Ghen Cô Vy lần đầu tiên, dĩ nhiên là cóc biết nó là trào lưu cái gì gì trên Tik Tok. Nói một cách đàng hoàng, mình là một con người ấu trĩ, sính ngoại, méo có biết gì về văn hóa đại chúng trong cái đất nước chôn rau cắt rốn của mình hết. Vậy mà bày đặt đi hóng chuyện của Tây.

Những lỡ hóng rồi thì đành vậy. Showbiz Việt Nam có gì, thôi thì kệ nó. Tâm huyết cá nhân, thôi mình để dành tặng cho phía bên bển, nơi cái phiên tòa thế kỷ diễn ra 26 năm trước nhưng vẫn còn là một trong những chủ đề được tranh cãi gay gắt nhất hiện nay. Nói thành thật, không có ý khoe khoang (nhưng thực ra là để khoe khoang), vụ án O.J. Simpson là một trong những thứ mình đã biết từ lâu, không cần đợi thiên hạ làm ra một cái series rồi mới mày mò google tìm hiểu. Nếu xem nhiều shows hay phim phá án của Mỹ, sẽ không ai ngạc nhiên cái lý do mình biết về nó. Số lượng các show này nhắc đến O.J. Simpson nhiều vô vàn, nhiều đến bực bội, nó không thể không gây tò mò được. Cứ như thể nói đến sát nhân nổi tiếng, người Việt mình nghĩ ngay đến Luyện, đến Dương, người Mỹ nghĩ đến Simpson, đến Bundy và Dahmer vậy. Cái độ “kinh điển” của vụ án khiến nó trở thành một phần trong văn hóa, lịch sử nước Mỹ. Cũng đúng thôi, bởi phiên tòa xử O.J. Simpson là hình ảnh rõ nét nhất cho văn hóa, lịch sử nước Mỹ thời kỳ ấy, là một biểu tượng tiêu biểu cho cái nước Mỹ chia rẽ, bất đồng và hoàn toàn bị chi phối bởi truyền thông. Giống y xì như bây giờ.

Sau khi đọc quyển “The Crime Book” cũng như cóp nhặt nhiều thông tin trên wiki và các nguồn tào lao khác, mình tự cho rằng bản thân có thể hình dung được diễn biến câu chuyện theo hướng dễ hiểu và trung lập nhất. Vậy nên, xét về tổng quan kịch bản, phải nói là series The People vs O.J. Simpson là một sự kết hợp khôn khéo giữa lịch sử, sự kiện được thể hiện gay cấn, hấp dẫn, đồng thời cho các nhân vật, những con người cùng xuất hiện trong sự kiện ấy thêm tính cách, thêm cảm xúc, trăn trở, khiến nhân vật trở nên đa chiều, ấn tượng và dễ đồng cảm hơn.

Nói gì thì nói, cái tư liệu nền/ sự thật của vụ án cũng đủ gây cấn và hấp dẫn rồi, không cần phải làm màu làm mè. Việc O.J. Simpson, một cựu cầu thủ bóng bầu dục nổi tiếng, thành công, giàu có, đẹp trai bỗng đùng đùng nổi khùng giết vợ cũ và bạn của vợ cũ một cách dã man vốn thực sự là một chuyện kinh thiên động địa nếu nó xảy ra ở bất cứ quốc gia nào. Cách O.J trở thành nghi phạm, hành trình tẩu thoát trên chiếc Bronco với sau đít là gần chục chiếc xe cảnh sát với 7 cái trực thăng trên đầu, việc bỏ tiền ra thuê hẳn một dàn luật sư hạng A sáng long lanh để gỡ tội tại tòa án, một phiên tòa được toàn bộ truyền thông vào cuộc soi mói, nơi đất nước chia làm hai phe trái ngược nhau hoàn toàn và một cái kết gây tranh cãi bậc nhất. Những thứ tưởng chừng như chỉ có thể xảy ra trong một bộ phim ly kỳ ấy hóa ra lại thực sự diễn ra trong đời thực, người thực, còn được truyền hình trực tiếp cho công dân xem. Sự thử thách của biên kịch series The People vs O.J. Simpson không phải là làm nó gay cấn hơn, cái quan trọng là mang thêm một cái nhìn và làn gió mới cho một câu chuyện cổ điển mà bất cứ người dân Mỹ nào cũng đã thuộc nằm lòng. Và họ đã làm xuất sắc nhiệm vụ đó không phải bằng cách thêm thắt tình tiết mới, họ chỉ đơn giản xây dựng các nhân vật đa chiều và có “nhân” dạng hơn.

The People v. O. J. Simpson: American Crime Story - Wikipedia
Cuộc hành trình bắt đầu từ lúc xác Nicole Brown Simpson và Ron Goldman được tìm thấy trước nhà riêng của Nicole, máu me lênh láng. Bài review không định kể lại chi tiết vụ việc bởi nếu rảnh thì nên xem phim rồi tự mình ngẫm nghĩ vẫn tốt hơn. Tập cuối kết thúc khi bồi thẩm đoàn đưa ra quyết định, tòa tuyên án và chút tàn dư còn đọng lại sau cái phán quyết ấy. Ngôi sao của câu chuyện và những tình tiết có liên quan tập trung về “the trial of the century” khi bộ phim xây dựng hai phe tranh chấp kịch liệt, một bên là phía cảnh sát, công tố viên muốn buộc tội O.J, phía bên kia dĩ nhiên là bị cáo O.J cùng dàn luật sư hùng hậu phía sau. Xa xăm hơn, một bên là những người Mỹ da trắng cho rằng O.J phạm tội là lẽ dĩ nhiên nhất trên đời, một bên là những người Mỹ gốc Phi đang đấu tranh cho nạn phân biệt chủng tộc đang chà đạp họ hằng ngày bởi chính quyền và chính giới cảnh sát. Lởn vởn và bao trùm bên cạnh các phe cánh này là vòng quay của truyền thông chia rẽ, chi phối lặng lẽ hướng đi của vụ việc theo hướng kiếm nhiều lợi nhuận nhất có thể.

Những con người góp mặt trong cái sự kiện lịch sử ấy bước vào phim với câu chuyện, tính cách và sự khủng hoảng của riêng mình. Họ không còn là những dòng chữ giới thiệu trên giấy hay một con người mà báo chí, truyền hình xây dựng hình ảnh về họ nữa. Bộ phim xây dựng những con người này với góc nhìn của riêng họ, một góc nhìn khiến người xem hiểu được hoàn cảnh, tính nết và cái thúc đẩy họ làm những việc họ đã làm. Không phiến diện, không tô hồng, không chia phe xấu tốt, khán giả yêu ai thì yêu, ghét ai thì ghét. Mình không rõ bộ phim xây dựng đúng được bao nhiêu phần so với ngoài đời, nếu chỉ nhìn nhận The People vs O.J. Simpson với kết cấu của một series truyền hình, bộ phim xây dựng một hệ thống các nhân vật có chiều sâu và nét riêng biệt và không ai bị quên lãng hoặc chìm xuồng trong một phiên tòa mà ai cũng có cá tính mạnh và miệng lưỡi sắc sảo hết trơn.

Phía bên chánh quyền, phe công tố, đứng đầu là Marcia Clark (Sarah Paulson) là một trong những nhân vật trọng tâm nhất của bộ phim (không phải O.J đâu nhé). Là một người thông minh, tham vọng, tự tin, tham công tiếc việc, Marcia Clark phải vật lộn giữa việc sắp xếp thời gian giữa phiên tòa tranh chấp quyền nuôi con và một phiên tòa bước ngoặt định nghĩa cho toàn bộ sự nghiệp của mình. Clark có quá nhiều thứ phải làm, quá nhiều điều phải suy nghĩ và quá ít thời gian để thực hiện nó. Là nhân vật trung tâm với nhiều tầng cảm xúc, nhân vật Marcia Clark nổi lên vô cùng thú vị, độc lập và vô cùng cuốn hút. Trong tập phim được đặc tả nhân vật này “Marcia, Marcia, Marcia”, Sarah Paulson đưa nhân vật của mình đi từ cung bậc này đến ngã rẽ khác rất linh hoạt, tự nhiên và mượt mà. Clark tự tin, kiệt quệ, thấp thỏm, bẽ bàng, hạnh phúc, đồng cảm, giận dữ, thất vọng,… mọi cảm xúc, mọi áp lực, mọi sự bất công mà Clark chịu đựng trong công việc của mình, Sarah Paulson đã xây dựng hoàn hảo một nhân vật phức tạp, đa chiều và gây được sự thông cảm cho công chúng, nhất là khi nhân vật Marcia Clark không phải là một nhân vật dễ để yêu thích.

Ngoài William (Bill) Hogman, một người đã ngã bệnh ngay sau khi phiên tòa còn chưa khởi động vì không thể gánh ngần ấy áp lực của công việc và truyền thông, phe công tố còn có Christopher Darden (Sterling K. Brown), một người Mỹ gốc Phi miễn cưỡng chấp nhận mình như một quân bài chủng tộc (race card) của chính quyền để tạo một bước đẩy trong sự nghiệp. Darden có tài năng nhưng thiếu kinh nghiệm, có tâm huyết nhưng còn nóng giận, và sự non nớt của anh bị đối phương khai thác không thương tiếc ở phần đôi găng tay. Nói một cách công bằng, Darden không có dở, không một ai trong phiên tòa đó thiếu năng lực trên cái ghế họ ngồi cả (tất nhiên là ngoại trừ Robert Kardashian), nhưng Darden bị phân tán giữa công việc và sự tự vấn lương tâm, bởi anh biết nạn phân biệt chủng tộc có tồn tại nhưng anh chọn không chống lại nó và xuôi theo dòng đời để mưu cầu cá nhân. Diễn xuất của Brown thì đã được chứng minh rõ trong This is Us, bản thân bộ phim này thì Brown không thực sự quá nổi bật so với đồng nghiệp nhưng cũng đã rất tròn vai của mình.

Phía bên kia chiến tuyến, phe luật sư đông như quân Nguyên. Đứng đầu dĩ nhiên là O.J, bị cáo. Một người từ anh hùng xuống thành kẻ sát nhân trong mắt người da trắng và kẻ bị hại trong mắt người da màu. Với sự diễn xuất của Cuba Gooding Jr, O.J hiện lên trong mắt mình như một kẻ tự luyến ủy mị, thất thường, yếu đuối và không được thông minh cho lắm. Diện mạo không giống O.J đã đành, Gooding còn không tạo được cái phong thái ngạo nghễ của người lắm tiền nổi tiếng như O.J, cũng không có cái duyên dáng mê hoặc khán giả như nguyên gốc người thật. Nhìn nhân vật O.J, không ai nghĩ đây là một cầu thủ được yêu mến cả, bởi Gooding không có sự lôi cuốn và sự tự tin mà nhân vật có. Khi mình nhìn O.J nói chuyện rầu rĩ, mình cảm thấy chán chường, mình tự hỏi ai có thể “hâm mộ” một cá nhân như thế này chứ? Diễn xuất của Gooding thực sự không đạt tới sự kỳ vọng vốn đã không cao của mình.

Dàn luật sư của O.J, ban đầu đứng đầu là Robert Sharpio (John Travolta). Với danh tiếng sẵn có, Sharpio nổi lên là một kẻ ma mãnh, nhiều kinh nghiệm và chỉ biết nghĩ cho bản thân. Nói một cách đơn giản, Sharpio là kẻ còn tự luyến nặng hơn thân chủ mình. Với mục đích tối thượng là làm đẹp mặt cho mình và kiếm tiền với đời, Sharpio luôn chủ trương dàn hòa, muốn được thương thảo với bên công tố bởi chính ông này (trong phim) luôn ngụ ý rằng O.J thực sự phạm tội và chỉ có thương lượng với bên công tố mới chính là cách tốt nhất để vụ việc êm xuôi và hòa cả làng. Travolta có một màn diễn xuất rất tệ ở một số tập đầu tiên, mình chắc chắn đổ lỗi cho botox. Mình không rõ là Sharpio ngoài đời thực có gương mặt silicon không chứ Travolta thì chắc chắn là có và nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng diễn xuất của ông này. Trong những tập về cuối, cùng với sự lươn lẹo và lên voi xuống chó của nhân vật, diễn xuất của Travolta linh hoạt hơn, đặc biệt là ở ánh mắt (do cơ mặt có xài được nữa đâu mà không dùng ánh mắt) nhưng so với dàn cast hùng hậu và vô cùng chắc chắn còn lại, Travolta và Gooding thực sự là hai mắt xích yếu nhất của series.

Sau này Sharpio bị thay thế bởi Johnnie Cochran (Courtney B. Vance), người chủ trương “được ăn cả, ngã về không” khi kiên quyết “tin tưởng” hoặc buộc mình tin tưởng sự trong sạch của O.J và muốn anh này trắng án luôn mới chịu. Một trong những điều hay nhất của The People vs O.J Simpson đó là mọi nhân vật trong phim được xây dựng với đủ sáng, tối, nóng, lạnh cần thiết của một con người bình thường. Ban đầu, Johnnie Cochran Jr hiện lên như một người da đen đã nếm trải sự bất công vì sự khác biệt màu da của mình nên khi thành đạt, ông muốn trở thành tiếng nói cho cộng đồng mình chống lại những bất công đó. Theo thời gian, hóa ra Johnnie Cochran cũng chẳng được anh hùng hiệp nghĩa như cái sứ mệnh ông dành cho mình. Thông minh, lươn lẹo, chiêu nào cũng xài, đạo đức giả, giỏi che trời và thao túng truyền thông, Courtney B. Vance đã thể hiện xuất sắc một Johnnie Cochran Jr trong ánh mắt gian gian, giọng nói truyền cảm hứng mà theo Darden là mang phong cách của nhà truyền giáo, cảm xúc trong gương mặt hay cái khoảnh khắc xuất thần của ông này khi cái bóng đèn suy nghĩ đột ngột sáng lên. Johnnie Cochran Jr và Marcia Clark là hai nhân vật thú vị nhất của series, xứng đáng với vai trò trụ cột của hai phe trong phiên tòa.

Robert Kardashian (David Swimmer), cha của Kim Kardashian, một người không có tài đức gì ngoài việc là bạn thân của O.J và là cầu nối giữa O.J và đám luật sư. Là một nhân vật không có trọng yếu gì ở phần chuyên môn nghiệp vụ nhưng Robert Kardashian không hề thừa thãi. Robert Kardashian là người tốt duy nhất của series và sự chuyển biến tâm lý của ông này từ lúc luôn luôn ủng hộ và nhất mực tin tưởng O.J cho đến khi nghi ngờ, dằn vặt bản thân giữa lý lẽ, niềm tin của bản thân đến quyết định rời bỏ O.J của anh này ở tập cuối, mình cảm thấy đó là cảm xúc tự nhiên nhất trên đời. Giữa một dàn luật sư và công tố hùng hùng hổ hổ với chứng cứ, lý lẽ, cảnh sát, nhân chứng, gài hàng,… Robert Kardashian cứ ở đó, lặng lẽ, ngơ ngác và ngây thơ với cái góc nhìn hiền lành của một người bình thường. Cái định hướng cho công việc của Robert là làm những việc có lợi cho O.J, bạn ông. Và khi cái định hướng đó bị lung lay, Kardashian lạc lõng, buồn bã, day dứt và thất vọng tột cùng, mình nghĩ đến thì thấy cũng rất tội nghiệp. Mình đoán David Swimmer bị đóng đinh trong hình tượng Ross ở FRIENDS thực sự là quá oan uổng cho một tài năng. Bởi nhân vật Robert Kardashian là nhân vật duy nhất mình không ghét trong series.

Ngoài những cái tên cộm cán trên, dàn “dream team” (nghe như tên một show tìm kiếm thần tượng bên Hàn) của O. J còn có một số các cá nhân danh giá khác thực sự đáng đồng tiền bát gạo được thuê. Vị luật sư gian hùng đúng chất nghề nghiệp F. Lee Bailey (Nathan Lee) muốn hiền thì hiền, muốn lật thì lật, đã âm mưu thì chỉ có hỗn loạn, đừng ai gây sự hay quịt tiền lương của anh. Alan Dershowitz không nhiều đất diễn nhưng có đóng góp không nhỏ trong việc bào chữa cho O.J. Những thành viên trong cái Dream Team ấy đều tham gia vào một phần công việc (mình đã không biết có nhiều thứ phải làm đến thế khi bào chữa một thân chủ lắm tiền) và dù không nhớ tên, mình nhớ cái mặt mo của bọn họ.

Ngày xưa hồi mình mới tập tễnh bước chân vào đại học, học Luật đại cương hay môn gì đó na ná vậy, mình còn nhớ giảng viên có nói về thứ “công lý” bên Mẽo. Cô hoặc thầy (xin lỗi cô thầy vì trí nhớ em kém và đi học cũng không được chú tâm cho lắm) có nói về sự khác biệt giữa công bằng bên Mỹ nó khác hoàn toàn so với công bằng ở Việt Nam. Bên mình có chính, có tà, có ranh giới giữa đúng và sai, thiện và ác để ra một cái phán quyết công bằng nhất cho cái đúng và sai đó. Sai nhiều, trả giá nhiều. Sai ít, có khắc phục thì được hưởng khoan hồng, đại loại vậy. Còn bên Mỹ hay mấy nước phương Tây, hai phe thi kéo co, cả hai dùng mọi tài lực mình có và vận dụng luật pháp để co kéo lợi thế về phía bên mình, kết quả cuối cùng nghiêng về ai thì đó là công bằng. Hồi đó mình còn mơ truyện cổ tích nên thấy công lý bên Tây nó bạc bẽo lòi ra. Nói vậy thì người nghèo với thất học đọ gì lại mấy anh tập đoàn giàu nứt đố đổ vách? Công bằng gì vô liêm sỉ vậy?

Khi già hơn và vẫn còn tương đối ngu, mình nhận ra công lý bên Mỹ nó đúng là bạc bẽo thật, không phải hồi bé mình ngây thơ nên nghĩ vậy. Nhưng vô liêm sỉ thì chắc không. Cơ hội được thể hiện thì ai cũng như ai, chỉ là bên kia có đường tận dụng?

Phe công tố có mọi lợi thế trong tầm tay. Vụ án có vô vàn bằng chứng kết nối với O.J ở hiện trường với máu (DNA) vương vãi khắp nơi như Texas Chainsaw Massacre vậy. Họ còn có một nhân chứng nhìn thấy O.J ở trên đường tẩu thoát khỏi hiện trường. Với lịch sử bạo hành vợ và ghen tuông vô cớ, phe công tố dễ dàng có lợi thế trong việc chứng minh động cơ giết người của O.J. Và như thể nhiêu đó chứng cứ còn chưa đủ, anh O.J còn lù lù leo lên xe trốn cảnh sát khi có lệnh tạm giam của tòa còn gì. Rõ rành rành là chạy tội.

Ngược lại, phía bên luật sư không có gì ngoài một thân chủ lắm tiền và một bàn tròn với vô số cái tôi to như trái núi cứ hậm hực lật đổ nhau. Khi mình mới đọc về vụ án, mình đã không nghĩ ra được bất cứ cách nào để bào chữa cho O.J cả (mình thật thà quá mà), nhưng các ông luật sư bên bị không những nghĩ ra được phương án, họ còn hoàn thành xuất sắc các phương án đó. Không có bằng cớ vững chắc về lý, Johnnie Cochran chơi ván bài tình nghĩa khi đưa “race card” vào cuộc và xài nó vừa sang chảnh vừa mạt rệp nhất có thể. Trong mắt người da màu, O.J là một ví dụ của một “đồng bào” vượt khó, một thanh niên da đen vượt lên giai tầng xã hội, chủng tộc và sự nghèo khó để nổi tiếng, thành đạt, giàu có. O.J là biểu tượng, là sự tự hào, là niềm tin của cộng đồng thiểu số bên Mỹ rằng họ cũng có thể làm được điều O.J đã làm. Và người da trắng đang làm mọi cách để triệt tiêu cái biểu tượng, sự tự hào, niềm tin ấy, như cách họ đã đàn áp, chà đạp người da đen từ mấy trăm năm nay.

Sự phẫn nộ trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi trong lòng nước Mỹ vì vấn nạn phân biệt chủng tộc đã thực sự bị phe công tố xem nhẹ. Đó là cái gốc khiến họ phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác, những sai lầm không thể sữa chữa. Trong khi dàn luật sư của O.J tuy không phải là không có lúc vấp ngã dập mặt nhưng những sai lầm của họ không quá nghiêm trọng. Với sự thông minh và khả năng thao túng người khác, họ từng bước, từng bước một xây dựng vững chắc câu chuyện O.J, một người anh em da đen, bị đám cảnh sát phân biệt chủng tộc dàn xếp đổ tội và sắp bị xử tội vì một việc anh không làm, như bao nhiêu người anh em da đen khác bị cảnh sát kết tội và ngồi tù oan khác. Phía bên này, bên công tố chọn mở phiên tòa tại nơi có đông người da đen ở LA, thản nhiên chấp nhận bồi thẩm đoàn bao gồm nhiều người da màu ưu ái O.J, kiên quyết đưa một cảnh sát có lịch sử phân biệt chủng tộc ra tòa làm nhân chứng. Clark quá tự tin trong các chứng cứ của mình và không lường trước được sự chia rẽ sâu sắc trong nhận thức và tình cảm của những người da màu hay sự sợ hãi của những người da trắng không muốn bị gọi là kẻ phân biệt chủng tộc. Và Darden thì quá nửa vời trong công việc khi không dám dứt khoát cảnh báo Clark về sự chia rẽ này. Bản thân anh ta vẫn còn gặm nhấm sự tội lỗi khi không đứng về phía cộng đồng mình trong vụ án.

Clark, với một sự ngây thơ của một người phụ nữ da trắng, tin tưởng rằng chỉ cần các chứng cứ của mình được trình bày, bất cứ một người độc lập, có nhận thức nào cũng sẽ đưa ra một quyết định đúng đắn là O.J. Simpson là kẻ có tội và cần phải đền tội. Nói một cách trân trọng, Clark có vẻ là người ít phân biệt chủng tộc nhất của bộ phim. Cô không quan tâm đến thể thao và việc O.J là người da đen. Đối với cô, chứng cứ đã đủ, bị cáo cần bị kết tội. Thật khó tin là một người chuyên nghiệp như Clark lại có thứ ngây thơ như vậy. Sự ngây thơ này đã khiến Clark phải trả giá khi dàn luật sư bên bị đưa ra các lập luận khiến toàn bộ các chứng cứ thu giữ ở hiện trường và ở nhà của O.J. Simpson có những “resonable doubts” (một từ rất hay) khiến giá trị của các chứng cứ này bị lung lay và không còn giá trị ở tòa án nữa.

Sự thật là những vật chứng thu giữ được để chống lại O.J là rất nhiều và rất vững chắc, Clark có nhiều lý do để tự tin. Nhưng với sự bất tài và bất cẩn của đám cảnh sát LAPD và sự hồ nghi, kỳ thị có sẵn trong đầu bồi thẩm đoàn về sự công tâm và đạo đức của bên chính quyền, đặc biệt là mấy anh mặc đồng phục, không khó để Johnnie Cochran Jr biến sự hồ nghi chỉ nhỏ như chút khói thổi bùng thành ngọn lửa cháy nhà. Clark đã không ngờ đến điều này, cô đã không lường trước đến phương án các chứng cứ của mình bị lật đổ. Từ vị trí là yếu tố chủ chốt trong phần buộc tội O.J, các chứng cứ này bây giờ lại là phần trọng tâm trong câu chuyện O.J bị cảnh sát hãm hại. Clark chưa bao giờ ngờ tới việc những người da đen trong bồi thẩm đoàn của cô có thể tin một việc nhảm nhí và vô lý như vậy, và đó chính xác là những gì họ đã tin. Nói một cách đơn giản, Clark đã quá ngốc nghếch khi không đánh giá đúng tâm lý và trình độ của bồi thẩm đoàn mà mặc định ai cũng như mình và sẽ nghiêng theo mình. Tự tin quá cũng tội nghiệp ghê.

Truyền thông cũng là một trong những nhân tố tích cực khiến phiên tòa bị đẩy ra xa phạm vi thực thi công lý. Với sự nổi tiếng sẵn có của O.J và màn đào tẩu bất thành chấn động, không khó để các ông lớn nhận ra đây chính là cái mỏ vàng trăm năm có một mà họ cần đào càng sâu càng nhanh càng tốt. Không phải chỉ thời bây giờ truyền thông mới là kẻ phản diện, ngày xưa truyền thông cũng đã ác sẵn rồi. Báo chí, sách ảnh, truyền hình vào cuộc với tất cả sự tận tụy của những người đi kiếm cơm, họ làm mọi thứ rối tung beng lên và dàn luật sư sáng choang bên bị, những người đã quen với ánh sáng sân khấu, những cuộc phỏng vấn, sự hai mặt của thông tin đại chúng sẵn sàng tận dụng sự “tận tụy” ấy như một cách tạo lợi thế cho mình.

Nhờ sự hăm hở của truyền thông, Clark không đưa nhân chứng trông thấy O.J trên đường tẩu thoát khỏi hiện trường ra tòa vì bà này đã trót lên truyền hình phỏng vấn. Clark có lý của cô khi không cho nhân chứng này ra tòa nhưng nó cũng phản ánh sự chủ quan và tự tin thái quá của phe công tố khi cho rằng chỉ cần chứng cứ ở hiện trường là đủ để kết tội O.J. Không ai quan tâm đến một gái bán dâm mất tích trên một con phố đèn đỏ nhưng nếu đó là một cô sinh viên đại học có đạo đức đàng hoàng, mọi thứ sẽ rẽ sang một hướng khác hẳn. Quyển sách bịa đặt của “bạn thân” Nicole Brown khiến cái chết của cô và Ron Goldman bị xem nhẹ, dẫn tới hành vi phạm tội mà phe công tố cáo buộc O.J trở nên không còn nghiêm trọng như nó đáng được xem xét như thế. Việc những đoạn ghi âm 911 của Nicole về việc bị O.J bạo hành bị tung ra quá sớm, dẫn tới việc khi được đưa ra tòa, không ai là không biết đến nó nữa, ảnh hưởng tâm lý mà nó mang lại cho bồi thẩm đoàn không còn lớn như thời điểm nó được công bố lần đầu tiên. Báo chí không chỉ đào sâu cuộc đời bị cáo, bị hại và những nhân chứng liên quan, những người hiện diện trước tòa án trở thành mục tiêu cho kền kền rỉa xác. Từ đời tư, quá khứ cho đến kiểu tóc, dáng điệu của của Marcia Clark trở thành tâm điểm bêu rếu trước bàn dân thiên hạ trong khi cô chỉ là một nhân viên nhà nước thực hiện công việc, chức trách của mình, đó thực sự là một ví dụ điển hình cho sự độc ác, nhẫn tâm và vô trách nhiệm của truyền thông đối với số phận con người.

Johnnie Cochran Jr. tận dụng nền tảng truyền hình của mình để xây dựng câu chuyện O.J hàm oan lên tivi. Thông tin đại chúng có thể xây dựng O.J là một kẻ sát nhân máu lạnh được thì cũng có thể biến anh trở thành một nạn nhân mới nhất của phân biệt chủng tộc được. Với sự nổi tiếng nhất thời có một không hai, thẩm phán Ito cho phép phiên tòa được truyền hình trực tiếp, làm toàn bộ những người tham gia phiên tòa ấy lộ diện trước truyền thông. Phiên tòa đáng lý chỉ diễn ra trong khoảng vài tháng nhưng kéo dài tới gần một năm, khiến bồi thẩm đoàn bị tác động tâm lý. Mọi diễn biến, mọi cử chỉ to nhỏ, vụn vặt diễn ra trong phiên tòa đều được mổ xẻ, trình diễn, khiến tính chất trang trọng của việc phiên tòa tư pháp trở thành một show truyền hình thực tế rẻ tiền, câu khách.

Phán quyết cuối cùng của tòa có thể gây chấn động cho toàn nước Mỹ thời bấy giờ, đơn giản vì đa số người dân Mỹ là người da trắng. Họ coi phán quyết này là một lỗ hổng trong hệ thống tư pháp của Mỹ khi để lọt một tên sát nhân trở về với đời thường. Sự phẫn nộ khi “công lý” không được đền đáp này khiến O.J thua vụ kiện dân sự sau đó và phải bồi thường rất nhiều tiền cho gia đình Nicole Brown and Ron Goldman. Và ngay khi anh này phạm một tội khác ở Las Vegas, anh nhanh chóng bị kết tội với khung hình phạt cao nhất như một nỗ lực và sự trả đũa của chính quyền sau bàn thua đau điếng trong phiên tòa lần trước. Đó có phải là công lý? Sự thật vẫn là sự thật, trước luật pháp, Orenthal James Simpson không bị kết tội giết người đối với cái chết của Nicole Brown Simpson và Ron Goldman.
Run of His Life: The People v. O.J. Simpson: Amazon.co.uk: Jeffrey Toobin:  Books

Màn đại thắng của O.J là công lý theo lý thuyết của bên Mỹ, không hơn, không kém. Trong một thời điểm dung hòa tụ tập đủ cả thiên thời, địa lợi và nhân hòa, khi sự bực dọc về nạn phân biệt chủng tộc của người Mỹ gốc Phi đã vượt quá ngưỡng chịu đựng, khi họ chọn nơi đông người Mỹ gốc Phi để mở phiên tòa và khi O.J được lòng người và phe công tố phạm vô vàn sai lầm không thể chấp nhận được, cái phán quyết này dường như là điều hợp lý nhất có thể. Hai phe đã co kéo nhau với toàn bộ tiềm lực và lợi thế họ có, nói một cách bình thản, O.J đã thắng. Một chiến thắng đàng hoàng, không gian lận. Nếu có trách, trách bên cảnh sát và công tố xui xẻo cũng được. Và trong một sự mỉa mai của thời cuộc, nếu O.J không phải là người da đen, đừng hòng O.J không bị kết tội. Không người da trắng nào có thể trắng án với ngần cứ chứng cứ buộc tội, đó là sự thật. O.J được tuyên vô tội đơn giản vì anh ta là người da đen, một cái “reverse card” tào lao trong thời đại phân biệt chủng tộc.

Bộ phim đã né một cách khôn ngoan khi không đi sâu vào vụ án và đưa ra nhận xét về việc O.J có thực sự phạm tội hay không (điều mà bất cứ các nhà sản xuất phim có não nào cũng sẽ làm), bộ phim hoàn toàn tập trung vào phiên tòa thế kỷ, giống y như tên của series. Phiên tòa mới là mấu chốt của câu chuyện, còn O.J, tự mỗi người có quan điểm của riêng mình. Theo The Washington Post, số liệu thống kê năm 1994 cho thấy có 63% người da trắng cho rằng O.J có tội nhưng chỉ 22% người da đen tin như vậy. Đến năm 2015, 83% người da trắng và 57% người da đen tin O.J có tội. Mình đoán sau một khoảng thời gian lắng dịu bởi truyền thông và thế hệ trẻ người da đen lớn lên và không chịu ảnh hưởng bởi sự nổi tiếng của O.J có thể nhìn nhận vụ án một cách thấu đáo hơn, mọi thứ đã chuyển màu. Bạn mình nói O.J có thể là gã da đen duy nhất trong lịch sử Mỹ có thể thoát tội, chuyện này chắc sẽ không có lần sau đâu.

Mình không hiểu sao mình lại đi sa đà về phân tích phiên tòa nữa, có lẽ do bức xức. Quay trở về nội dung chính, series The People vs O.J. Simpson là một series toàn diện về sự kiện. Nó toàn diện về kết cấu câu chuyện, có úp, có mở, có toang hoang mà khán giả phải tự điền vào chỗ trống. Mọi khía cạnh trong phiên tòa đều được cắt lát vừa vặn, nêm nếm vừa tay, không chỗ nào bị bỏ lơ, không phần nào bị đào sâu thái quá. Không ai là nhân vật phản diện, chính diện để khán giả bắt phe, mặc dù mình thực sự bực mình khi phe công tố phạm quá nhiều sai lầm. Mình đã mong mỏi họ hay ho hơn để phiên tòa có sự đấu trí căng não như xem phim bình thường. Biết sao giờ, đời thực nó không có như phim. Mặc dù ai cũng biết câu chuyện đi tới đâu, The People vs O.J. Simpson vẫn có sự hấp dẫn cần thiết bởi nó đi theo mạch cảm xúc và lý lẽ của nhân vật chứ không chỉ bám theo dòng sự kiện. Sự dung hòa giữa câu chuyện cuộc đời của các nhân vật và tiết tấu của phiên tòa khiến câu chuyện mềm mại nhưng không bị loãng, đồng thời khiến bộ phim có chiều sâu và đặc sắc hơn nếu chỉ mô tả về sự kiện chính. Đối với mình, The People vs O.J. Simpson là một series chất lượng với diễn xuất tốt và một kịch bản chắc tay nhưng nếu bảo rằng mình thích hay gọi nó là kinh điển, mình nghĩ bộ phim không làm được. Không như Fargo phần 1 và 2 hay Chernobyl, The People vs O.J. Simpson thiếu một cái gì đó gây dấu ấn đậm nét cho cảm xúc của mình. Marcia Clark và Johnnie Cochran Jr cho dù là hai nhân vật thú vị nhưng thực sự không khiến mình nhớ lâu hay thích thú gì về họ. Họ chỉ đơn giản là hai nhân vật nổi trội 8 điểm trong một dàn những nhân vật 7 điểm khác. The People vs O.J. Simpson không có cái “X-factor” có thể khiến mình gật gù hay sửng sốt hay có bất cứ một cảm xúc nào vượt mong đợi. Mình đoán đến mình cũng bất ngờ về cái sự lặng lẽ đó và cũng là sự đáng tiếc cho series.

Nếu để chỉ ra một lỗi lầm của The People vs O.J. Simpson, chắc là không có, chỉ là để yêu thương cũng chẳng có lý do nào để làm. Cũng có thể tại mình hường phấn, không thích phim có kết thúc vô hậu, bản thân mình nhìn nhận The People vs O.J. Simpson là một series hay mình không thích. Đơn giản vậy. Còn mấy thứ phân biệt chủng tộc, lịch sử, ảnh hưởng sâu sắc đến nội tại nước Mỹ,… mình không nói tới đâu. Mình là người Việt Nam da vàng sống ở Việt Nam, lấy cái méo gì mà dám nói chứ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo