Về Neon Genesis Evangelion (Shin Seki Evangelion ) – anime năm 1995

                                   Spoiler Alert

Là một người thích làm màu, mình tự đặt ra một yêu cầu đối với bản thân đối với điện ảnh/ truyền hình là cố gắng không tìm hiểu về nó trước khi xem. Sẽ chẳng còn gì thú vị nếu mình biết trước kết thúc của The Unusual Suspect hay đinh ninh rằng Fargo là một bộ phim xoắn não và u ám cả. Mặc dù cái sự làm màu này đã khiến mình lọt hố chục lần, mình vẫn nghĩ đây là cách tốt nhất để xem một bộ phim. Dẫu vậy việc mình có một định hướng/ ấn tượng ban đầu/ định kiến mơ hồ/ kỳ vọng nhất định về phim là điều không thể tránh khỏi.

Đối với Neon Genesis Evangelion (NGE), lần đầu tiên mình biết đến cái tên này là vào tuần trước, trong một youtube recommendation khi nhân vật chính Shinji được một ông chú tán tỉnh. Mình bật cười, bởi series nhìn có vẻ nhẹ nhàng và dễ thương. Sau khi để bản thân lạc lõng trong sự buồn phiền và lơ lửng của No.6, mình đoán mình cần một thứ nhẹ nhàng và dễ thương như thế. Sau khi lướt sơ về nó, với tuổi đời 22 năm dài đằng đẵng và một con robot to đùng trong cái poster, mình đoán sự tồn tại của NGE không nằm trong sự hiểu biết của mình là đương nhiên, bởi mình thực sự chưa bao giờ để ý đến cái thể loại máy móc đại chiến kiểu transformer như thế này hết. Tuy mình có nông cạn như đám con nít ăn cơm rơi rớt như mưa kia, mình chẳng đủ trí tuệ để thấy máy móc và cháy nổ bùm chéo có cái gì hấp dẫn hết.

     Thế là mình xem, dù gì wiki cũng bảo nó sẽ luôn là một trong những anime hay nhất mọi thời đại và mình thì thích khoe mẽ là xem được bao nhiêu thứ kinh điển. Trong một ngày chủ nhật đẹp trời, NGE đưa mình đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và nó hoàn toàn không dễ chịu chút nào hết.
Bài hát mở đầu phim mang đậm chất anh hùng thập niên 90 với năm anh em siêu nhân style bao trùm tạo cho mình một ấn tượng không thể tốt hơn. Nó sến, hoành tráng, mạnh mẽ với vô vàn ngôn từ đao to búa lớn trong một giai điệu bắt tai và khiến mình thấy khấp khởi hy vọng. Bởi nó có lẽ sẽ là một series chiến đấu thông thường với nhân vật ấn tượng, plot twist lung tung trong một kịch bản chặt chẽ, bởi dù gì nó cũng phải đạt tới một mức độ tinh xảo nhất định mới có thể nổi tiếng đến vậy. Và đó chính là những gì mình đang cần.
   Nhưng không, ngay từ hai tập đầu tiên, NGE đã phủ nhận việc nó không phải là một anime thông thường, thậm chí là một anime không hướng tới đối tượng là trẻ em, dẫu nội dung cơ bản vẫn là robot điều khiển vs Angel. Vẫn là “thiện” đối đầu với “ác”, rằng nhân vật chính phải chiến đấu để bảo vệ nhân loại.
   Trong suốt hơn 20 năm cuộc đời đọc shounen và xem anime của cuộc đời mình, chưa bao giờ, mình nhấn mạnh là chưa bao giờ mình để ý đến sức nặng trọng trách mà nhân vật chính phải mang. Hầu hết các nhân vật chính trong shounen và anime là thiếu niên, học sinh trung học (hướng tới phân khúc thị trường và thị hiếu của nhóm khán giả chính), vì lý do của cốt truyện họ được ban cho/ sở hữu/ vô tình có được một sức mạnh to lớn để giúp họ trừ gian diệt ác, thực hiện ước mơ, khẳng định bản thân….đồng thời cứu thế giới khỏi nhóm phản diện. Mình chưa bao giờ quan tâm đến gánh nặng mà nhân vật chính phải chịu đựng cả bởi vì cái gánh nặng này hầu như không được miêu tả trước đây. Việc để một thằng nhãi nắm trong tay vận mệnh thế giới là một lẽ đương nhiên mà khán giả bắt buộc phải chấp nhận (vì cốt truyện nó thế), bởi nam chính tuy được xây dựng ban đầu là một thanh niên tầm thường nhưng hóa ra lại là một người mạnh mẽ, vì dồn tới bước đường cùng rồi thì anh nào anh nấy đều gượng dậy như chớp, phát quang lấp lánh như đèn đường vậy. Quá trình chuyển biến tâm lý nhân vật thường rất nhanh, rất hào hiệp, rất dễ chịu, bởi khán giả phổ thông như mình không có đủ kiên nhẫn để xem một nam chính sợ sệt, khóc lóc và không làm nên cơm nên cháo gì hết.
Trong thế giới của NGE, sự tồn tại của loài người bị đe dọa trước sự tấn công của một “sinh thể” gọi là Angel. Và để chống trả sự tấn công ấy, tổ chức NERV tạo ra một số con “rô bốt” khổng lồ gọi là các Eva, chỉ có thể được điều khiển bởi một số thiếu niên 14 tuổi có chỉ số sinh học phù hợp để đồng bộ với các Eva đó. Những thiếu niên này là những thiếu niên “được chọn”, được định sẵn và cho dù đám người lớn cứ khăng khăng là em có quyền lựa chọn không lái Eva, lũ trẻ hầu như không có bất cứ con đường nào khác.

Shinji là “Đứa trẻ thứ ba”, một trong những thiếu niên được chọn để lái Eva. Đám người lớn có nhiều thời gian hơn để nói cho Shinji biết cậu được đưa tới NERV để làm gì, phải đối mặt với những hậu quả gì, trách nhiệm ra sao. Mình chẳng rõ nữa, Shinji có quyền được biết hay ít nhất, có thời gian chuẩn bị tâm lý cho những gì cậu sắp đương đầu. Nhưng không, họ, đám người lớn đủ tốt xấu và toan tính kia dụ thằng bé tới NERV để đoàn tụ với người cha đã bỏ rơi cậu hơn mười năm nay, cuối cùng để một thiếu niên non nớt kẹt giữa vòng vây của đạn lửa, sau đó thông báo ngắn gọn với cậu là cậu phải lái một cỗ máy có giá trị bằng 15 năm nghiên cứu với số tiền đầu tư đủ để khiến vài quốc gia phá sản, chiến đấu với một Angel mạnh đến mức không vũ khí loài người nào đủ sức làm nó bị thương, để cứu toàn bộ cư dân thành phố Tokyo-3 khỏi diệt vong. Mà hay ho nhất là Shinji chưa từng nhìn thấy một Eva trước đây, nói gì là tập thử, rồi chiến đấu, chiến thắng.

Như chưa đủ kịch tính, người cha mà Shinji khao khát được gặp kia chẳng có vẻ gì là quan tâm tới sự sống chết của cậu. Đối với ông ta, Shinji chỉ là một công cụ để chiến đấu và đạt được mục đích không hơn không kém. Cậu bé tới NERV để gặp ông ta, để được chấp nhận, cuối cùng chỉ biết rằng ông già không thương xót gì đến mình, còn mình thì phải chọn lựa là liều mạng bước vào một cuộc chiến chẳng rõ từ đâu hoặc bị vứt bỏ như một thằng hèn dám từ chối “nghĩa vụ”. Ngay từ tập 1, NGE đã đặt nó đứng khác so với phần còn lại của những manga/anime mình từng đọc/xem, mặc dù cũng là những con quái to lớn bùm chíu nhau khi những tòa nhà chọc trời vỡ vụn, vẫn là một cô nàng nói nhiều sexy với những góc quay đậm mùi thị trường, vẫn là một nam chính điển hình không có gì nổi bật ngoài sự lương thiện. Thế nhưng NGE đã thật khác, thật buồn thảm, thật thê lương. Nó khiến mình chạnh lòng.

Mình không rõ là áp lực công việc và khủng hoảng tâm lý hiện tại có tác động gì đến mình hay không (có lẽ là có), lần đầu tiên trong sự nghiệp xem phim, mình đồng cảm với gánh nặng mà em nam chính phải chịu đựng. Mình thật lòng đã mong mỏi Shinji cứ bỏ chạy đi, cứ bỏ đám người lớn vô lý đó lại mà tự xử, cứ để mặc thế giới chết hẳn đi cho rồi. Trong series, Shinji đã hai lần định từ bỏ, hai lần hoàn toàn hợp tình hợp lý và cậu xứng đáng dứt áo ra đi sau bao nhiêu lần liều cái mạng cùi để cứu thế giới. Nhưng đám người lớn cứ thế này: “thích đi thì đi, cậu có quyền lựa chọn ra đi, tụi tui có thể thay thế cậu bất cứ lúc nào, cậu đâu có là cái gì ghê gớm đâu mà níu với kéo; nhưng mà nhớ nhen, cái con Unit 01 đó chỉ có cậu lái được, sau này Rei với Asuka mà tèo đời rồi nhân loại tèo đời là do cậu không có mặt ở đó mà cứu họ, là lỗi của cậu hết, đồ nhãi ranh ích kỷ yếu đuối”. Đó, tuy nó không sỗ sàng và thẳng toẹt như những gì mình nói, nhưng đó thực sự là những gì họ thể hiện. Thế giới trong NGE là thế giới người ta quẳng trẻ em ra chiến tranh rồi trông chờ chúng nó làm nên kỳ tích, không ai quan tâm chúng nó muốn gì, có hạnh phúc không, bởi tất cả bọn họ cũng đang ngập ngụa trong đám rác rưởi của chính mình.

Ba đứa trẻ được chọn, (kể cả Đứa trẻ thứ tư và “Đứa trẻ” thứ năm) đều lún sâu trong khủng hoảng tâm lý, điều mà càng gần cuối series càng được chú trọng. NGE bỏ đi cái xác trần tục với đại chiến, khói lửa và các mưu toan, nó hiện nguyên hình là một series tâm lý học nặng đô mà một thanh niên 30 tuổi như mình cũng không đủ tầm để phân tích. Mọi nhân vật đều có bi kịch của riêng mình và họ không cần sự cảm thông của khán giả. Bộ ba Shinji, Rei và Asuka đã bị khủng hoảng tâm lý nhấn chìm và làm tan vỡ ngày qua ngày, tháng qua tháng, angel tới angel. Lũ trẻ đối mặt với câu hỏi về bản ngã, về niềm tin, về mục đích tồn tại, về sự nhìn nhận của chính chúng về bản thân và mọi người xung quanh, về đức tin,….một mình, trong cô độc. Mình đã rất sợ hãi và choáng ngợp khi xem những tập cuối của NGE, cái series này hoặc là một tuyệt tác của nghệ thuật khi đi sâu vào góc khuất định nghĩa con người, kết hợp với triết học, tâm lý học và thần học một cách bài bản, sang chảnh và sâu sắc, hoặc nó chỉ đơn giản là một vở kịch phô trương, thích thể hiện và sáo rỗng thích ôm đồm mọi thứ to tát của cuộc sống nhồi nhét vào một cuộc đấu với rô bốt và sự ngu ngốc của loài người.

Những tập cuối series, có lẽ là tầm 10 tập cuối, thực sự là rất khó xem. Nó giống như một phim điện ảnh châu Âu được sản xuất nhằm tranh giải hàn lâm, tập trung vào bi kịch tâm lý của nhân vật (một thể loại mình cực kỳ ghét vì thích trầm trọng hóa vấn đề), nay được cô đặc lại, trải dài ra suốt 200 phút, xen lẫn với những bí ẩn tiếp tục được đan cài và không định mở ra, sự đau khổ, tuyệt vọng của tất cả các nhân vật khi họ chạm đáy khủng hoảng nhân dạng và sự cô đơn. Và thủ pháp xây dựng khủng hoảng này với các câu hỏi, hình ảnh fast-forward, các vòng lặp, các nhân vật tự đào sâu trong các góc khuất và sự đau khổ, quá khứ của bản thân để tìm kiếm câu trả lời cho chính mình, để rồi tìm ra câu trả lời rồi vẫn không thể giải quyết được gì cả, lại tiếp tục với những câu hỏi đó, hình ảnh đó, các vòng lặp đó, rồi lại đau khổ và lún sâu hơn vào hố đen. Đó là trầm cảm như nó vốn thế, hoàn toàn không lối thoát, lặp lại, biến mất, không hy vọng. Vấn đề tâm lý của ba đứa trẻ đều được chúng tự giải đáp, có lẽ chúng đã biết điều đó ngay từ đầu. Nhưng biết rồi thì để làm gì, như chính mình có biết được những khủng hoảng cá nhân cũng không thể làm gì khác, mọi thứ xung quanh mình đều trở nên vô nghĩa và vô vọng, như Shinji, Rei và Asuka đánh mất bản thân trong cô độc, sự chán ghét dành cho chính mình, sự thiếu thốn tình cảm và một chỗ dựa đáng tin cậy, một động lực để tồn tại. Sự thật là như vậy, sự thật là một khi khủng hoảng tâm lý đã xuất hiện, nó sẽ kéo dài, vô vọng và đau thương như thế. Thậm chí trong tập cuối khi nhân vật Shinji tìm thấy câu trả lời tạm thời cho sự tồn tại của chính mình, đó cũng chỉ là một giải pháp bắt buộc của tác giả khi không thể để series kết thúc trong tăm tối. Sự thật là NGE vẫn là một anime chiếu trên truyền hình và người xem vẫn có thể là đám nít ranh, các ông chủ vẫn cần khán giả ra rạp để xem tiếp 2 bộ phim để biết được kết thúc, họ cũng vẫn cần bán đồ chơi và quảng bá series ra thế giới. NGE cần một cái kết mở và lấp lánh xíu hy vọng như vậy, không phải một hũ nút nơi ba nhân vật chính sống dở chết dở giữa lằn ranh của ngày tận thế.

Vậy nên mình đánh giá cao quá trình xây dựng và đập bỏ, phân tích và tạo dựng ra một không gian của bệnh trầm cảm bằng âm thanh và hình ảnh trực quan, nó lộn xộn, ngắt quãng nhưng thực ra lại có cách quãng và nhịp điệu, nó không ngại đi sâu vào những suy nghĩ tệ hại, ích kỷ, thầm kín nhất của con người, những mối quan hệ mơ hồ giữa tình bạn, tình dục và tình yêu, tình thân. Nó tự vấn đến rách da chảy máu trong suy nghĩ, sự chấn động tâm lý từ chiến tranh, cái chết, sự sợ hãi, trách nhiệm, tự ti, là một nồi lẩu thập cẩm của Freud với vô vàn các phức cảm và hội chứng khác nhau, dìm chết khán giả trong một biển trời bao la với nỗi buồn vô biên của các nhân vật.

Dẫu có xuất sắc, mình không đánh giá cao kết thúc của anime. Cảnh nhân vật Shinji ngồi ở giữa, xung quanh là những con người xuất hiện và có ý nghĩa trong cuộc đời Shinji để vấn đáp, triết lí và “hướng” nhân vật tới điều họ/ cậu mong muốn, nó có kết cấu của một vở kịch. Hơi giả tạo và gượng ép, đó là những gì mình nghĩ. Thủ pháp dựng phim vẫn xuất sắc như thông lệ khi những cảnh quay lướt qua, những câu hỏi, những hình ảnh đại diện cho một nhân vật nào đó đều được tính toán cẩn thận và mang ý nghĩa nhất định, chỉ là nó chưa thuyết phục, nó chưa thực sự giải đáp được bất cứ thứ gì trong tâm lý nhân vật Shinji. Thông điệp cuối cùng khi thiên hạ vỗ tay chúc mừng cậu trai tìm thấy động lực sống, rằng cậu đã bắt đầu tin rằng mọi người xung quanh yêu quý cậu vì chính cậu, rằng cho dù cậu chán ghét mình thì vẫn có người yêu quý cậu thật lòng, mình nghĩ nó không thuyết phục. Shinji đi tìm câu trả lời này ngay từ tập 1, dẫu rằng câu chưa thực sự định hình được khủng hoảng của mình là gì. Suốt series, Shinji dần dần tự nhận ra sự thiếu hụt của bản thân và bị vô vàn các biến cố to nhỏ khác nhau nhấn xuống bùn, những biến cố khủng khiếp đủ khả năng nhấn chìm một người lớn từng trải huống chi Shinji chỉ là một cậu nhóc con mỏng manh nhiều tâm sự. Cậu vẫn bị bố chối bỏ và lợi dụng, hai đứa đồng nghiệp tưởng thân thiết giờ càng xa xôi với nhau, cô bảo mẫu của cậu tự chìm vào bi kịch tình yêu với daddy issue của bản thân nên đâu có kham nổi ai, cậu bị ép giết chết một người và bất lực nhìn con Eva của mình làm bị thương người kia, cậu bất lực nhìn Rei và Asuka chiến đấu và bị thương, cậu bất lực khi buộc phải giết một kẻ duy nhất chấp nhận con người cậu vì kẻ đó là một angel (một con angel không muốn sống),… Ngần ấy thứ dồn lên một đứa trẻ mồ côi 14 tuổi, ai mà không vỡ vụn? Thế rồi đùng một phát, tự dưng thiên hạ dồn lại chất vấn bản ngã của cậu, nói ra hàng loạt câu triết lí sáo mòn và sến rện, thế là cậu bé vụt ra ánh sáng cuối con đường và tự đứng dậy được?

Đừng có giỡn với tui.

Dưới góc độ kết cấu của một series, NGE có lẽ đi đầu trong việc đập vỡ tính truyền thống của việc xây dựng cao trào, mở nút, thắt nút và màn đánh nhau hoành tráng của cuối phim. NGE chưa bao giờ là một series về đại chiến, nó chưa bao giờ là một series để giải trí, hai tập cuối series là một thách thức cho cả một dòng phim khi cho khán giả “tức” chơi giữa vũng lầy tâm lý, giữa một đống khúc mắc không có câu trả lời, một câu chuyện với hàng trăm câu hỏi và bí mật, giữa những nhân vật chính vẫn còn đang lê lết, hụt hơi và thiên hạ gần như không hiểu cái gì với cái gì hết. Nó kết thúc. Sự mạo hiểm của cha tác giả thắng đậm. Bí mật đan cài đủ để một người như mình, dù rất mệt khi series kết thúc vẫn phải tìm kiếm phim để phim, vì mình nhất định phải biết đại kết cục, nhất định phải nhìn thấy đoạn cuối con đường nơi ba em nhỏ đi, phải nhìn thấy những gì đám người già kia toan tính, vẫn phải nhìn thấy thế giới này tự diệt vong,… Anime xây dựng và kết nối câu chuyện và nhân vật đủ để khiến khán giả quan tâm và muốn nhiều hơn, dẫu rằng hai tập cuối series không khác gì một cái tát vào mặt và một lời mời chào rẻ tiền cho việc: bỏ tiền ra xem phim nhé em yêu, không thì tức khỏi ngủ.

Việc NGE không có kết cấu bùng nổ ở giai đoạn cuối series có lẽ chỉ đơn giản là anh già tác giả thực sự cũng chưa giải quyết khủng hoảng tâm lý cho chính mình (ông này bị trầm cảm trong thời gian sáng tạo ra NGE), hoặc chỉ là một màn cược vào movies, cái chính là sự hụt hẫng, sự khác lạ trong kết cấu tạo cho NGE một sự thu hút và độc đáo không thể chối bỏ. Các nhân vật với issues của mình được xây dựng tròn trịa, méo mó, gập khúc vừa đủ, các hình ảnh tượng trưng mang đậm tính hàn lâm và khi cần, những tập phim thuần chiến đấu cũng rất gay cấn và thông minh (thậm chí với tiêu chuẩn hiện đại và tiêu chuẩn kén cá chọn canh của mình). NGE kết hợp đủ giữa yếu tố hành động, âm mưu, diệt vong, tâm lý và khiến khán giả yêu quý và đi theo câu chuyện của các nhân vật, bi kịch của họ (dẫu có chấp nhận và yêu quý hay không), một điều khó đạt được với một nội dung nặng nề và rất khó cảm như vậy.

Đến cuối cùng, cái quan trọng nhất của mỗi tác phẩm sẽ luôn là nó khiến mình cảm thấy điều gì. Có lẽ mãi sau này, mình cũng sẽ không bao giờ quên cảm xúc của mình mỗi khi bài hát Fly Me to the Moon cuối mỗi tập phim vang lên.  Với giọng hát trong veo và một chút “accent” Nhật Bản trong một bài hát lãng mạn kinh điển, mình cảm thấy một sự trống trải, buồn phiền và gần gũi lạ thường, kèm theo đó là một cảm giác bức bối của sự không trọn vẹn, một cái gì đó tiếc nuối, giận dữ mơ màng. Mình đoán NGE xứng đáng với danh xưng một trong những anime hay nhất mọi thời đại, bởi nó dám mạo hiểm, dám sáng tạo và cho dù có 22 năm nữa có đi qua, câu chuyện của các nhân vật sẽ không bao giờ cũ bởi lẽ sự cô đơn và khủng hoảng giá trị tồn tại của con người vẫn sẽ là thứ dễ đồng cảm và thân thiết nhất trong cuộc sống hiện đại. Dù cho thế giới này vẫn bước tiếp an yên hay có là tận thế với các Angel và những nhà khoa học tham vọng, dù cho mình có già như thế này hoặc già hơn thế nữa, cái nỗi buồn không tên của con người cũng mãi chẳng mất đi được.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo