Về Sumo Do, Sumo Don’t (1992)

Spoiler Alert (có những phim chỉ cần coi 15 phút là biết kết thúc)

Mình từng xem một trận đấu sumo thực thụ trên tivi cách đây 5 năm, có lẽ kênh NHK. Lúc đó mình đang ở khách sạn, không quen ti vi nên cầm điều khiển lướt qua một vòng để tìm kênh HBO quen thuộc, vô tình bị sự căng thẳng của trận đấu xa lạ hấp dẫn trong thoáng chốc.

Trận đấu sumo ấy có lẽ ở trên quy mô quốc gia vì sân đấu rất đẹp, khán giả rất đông và truyền thông cũng lấp lánh chớp sáng lắm. Hai vận động viên to lớn làm vô số động tác/ thủ tục/ lễ nghi trước khi thực sự bước chân vào vòng tròn sân đấu. Lúc đó mình ngạc nhiên chới với vì hóa ra sumo vẫn còn danh giá và được trọng vọng thế kia ở đất nước mặt trời mọc, bao lâu nay mình cứ tưởng môn thể thao truyền thống này bị phai mờ và lãng quên từ lâu rồi. Rõ thì nước Nhật cũng vẫn sẽ cố gắng giữ gìn và ca ngợi, y như nghệ thuật chèo với tuồng ở nước mình í, nhưng người ta càng cố giữ thì thế hệ trẻ chẳng mấy người quan tâm. Có những thứ thuộc về truyền thống cho dù đã từng thịnh đạt và vàng son cỡ nào, có đẹp đẽ và đáng quý biết bao nhiêu vẫn có thể phai nhạt dần và bị đào thải khỏi cuộc sống hiện đại. Mình đã nghĩ sumo cũng như thế, vấn đề chỉ còn là thời gian. Vậy mà trong trận đấu sumo kia, khán giả đến coi đông đảo và người ta hò reo cổ vũ trong nhiệt thành.

Ngạc nhiên về khán giả một, ngạc nhiên về chính sumo mười. Hai cậu sumo to béo, trần trụi lao húc vào nhau, mình đột ngột nhận thấy sự chú tâm của bản thân tăng vọt và tình cảm đầu tư cho trận đấu cứ thế mà leo thang, mặc dù mình chẳng biết ai là ai và ai xịn hơn, mình chỉ đơn giản là bị cuốn vào cái khoảnh khắc với trọn vẹn “tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải”.

Một trận đấu sumo ngắn hơn những gì mình tưởng tượng. Nhưng trong một vài giây ngắn ngủi khi nó thực sự diễn ra, mình đã không thể rời mắt khỏi màn hình. Toàn bộ sức mạnh, cơ bắp, sự tập trung dồn cả vào cái thời gian nhỏ nhắn ấy, dồn nén, hùng tráng và chói lọi. Hai khối thịt khổng lồ xông vào nhau nhưng không phải là ngu muội như hai con trâu chỉ cậy khỏe, mình nhìn thấy thế đứng, sự tính toán và cả sức mạnh tinh thần của họ được thể hiện một cách thận trọng và hùng dũng nhất có thể. Trong khoảng thời gian ngắn đó, mình tưởng như họ dành dụm sức mạnh cả đời cho một cuộc đấu, mồ hôi rơi lã chã, cơ thể đi tới giới hạn cuối cùng, mọi tia lửa bùng cháy cho một phút lóe sáng rực rỡ. Mình sợ hãi và phấn khích một cách kỳ lạ, mặc dù chỉ là xem qua tivi, cảm giác như bị chính sức mạnh thể chất và tinh thần của họ thuyết phục và áp đảo vậy. Nó đẹp đẽ và hấp dẫn một cách đáng ngạc nhiên.

Mình đoán trận đấu ngẫu nhiên đó dẫu đem lại cho mình một góc nhìn mới về sumo nhưng như thế là không đủ để đem lại cho mình sự hứng thú thực sự để tìm hiểu về nó. Trận đấu quá ngắn và sự chuẩn bị thì quá dài cộng với việc bình luận viên thao thao bất tuyệt bằng tiếng Nhật khiến mình chán nản và bỏ cuộc. Nhưng ít nhất cái ký ức hay ho về cái khoảnh khắc mình bắt chụp được trên truyền hình ấy khiến mình muốn xem Sumo Do, Sumo Don’t, bởi với mình nó không phải hai gã béo phì ôm nhau vật vã nữa. Nó là sự tập luyện, hy sinh và cả đam mê sinh nghề tử nghiệp với một bộ môn truyền thống và mình muốn xem bộ phim thắng giải Pictures of the Year của Nhật năm 1992 thể hiện nó như thế nào.

Sumo Do, Sumo Don’t kể câu chuyện về em sinh viên Shuhei Yamamoto (Masahiro Motoki) bị ép phải gia nhập câu lạc bộ sumo của trường nếu muốn tốt nghiệp (ai bảo cúp học còn nhờ bạn điểm danh giùm). Anh thầy của Shuhei, giáo sư Tokichi Anayama (Akira Emoto) từng là một nhà vô địch sumo thuở trước, vì không đành lòng nhìn câu lạc bộ sumo yêu quý của mình giải thể nên đành dùng đến hạ sách này. Anh thầy đe nẹt Shuhei gia nhập câu lạc bộ rồ với “hy vọng” cậu có thể tuyển thêm người, tham gia cho có lệ giải đấu giao lưu với các trường khác theo đúng quy định, thế là câu lạc bộ có thể đủ điều kiện để tiếp tục tồn tại. Cái “hy vọng” đó của anh thầy tự dưng thành hiện thực, với sự năng động của Shuhei cùng cái sự đẹp gái/ suy nghĩ hiện đại của cô quản lý Natsuko, thêm ba mạng nữa gia nhập câu lạc bộ.

Từ đây câu chuyện rẽ sang hơi hướng manga và như bao nhiêu bộ phim thể thao khác mình từng xem, khi một đội tuyển vô danh bị đánh giá thấp với vô vàn thành phần tạp nham, tào lao và không có năng khiếu tự dưng giỏi bất ngờ chỉ trong một thời gian huấn luyện ngắn ngủi và đi hết từ chiến thắng này sang chiến thắng khác. Kết cấu của bộ phim cũng tương tự: thành lập – thất bại nhục nhã - gắn kết/tập luyện/ nhận ra đam mê – thành công. Hoàn toàn không có gì quá đặc sắc.

Sumo Do, Sumo Don’t có phong cách không thực sự rõ ràng, đôi khi bộ phim “hiện hồn” lên như một bộ phim giải trí tầm thường với những nhân vật gây cười điển hình và hời hợt, đôi lúc nó có những cảnh quay rất sắc, rất sâu lắng, rất thật thà của một tác phẩm hàn lâm. Chọn một làn mà chạy thôi chú đạo diễn ơi. Nếu đã muốn làm một phim nghệ thuật, tiếng cười không nên “hoạt hình”, cường điệu kiểu nhân vật truyện tranh như thế. Một số cảnh trong phim, nhân vật có hành động và cách nói chuyện rất thậm xưng và kì cục, thậm chí cho dù với mục đích gây hài thì đối với mình nó cũng hơi khoa trương và không thực sự duyên dáng. Ví dụ như cảnh cô nàng Masako quỳ xuống xin phép làm quản lý câu lạc bộ, cảnh anh chàng đẹp mã Maruho bỏ chạy khi bị Natsuko từ chối tình cảm, hầu hết mọi cảnh quay có Aoki,… tất cả đều rất kém. Và như để nhấn mạnh cái sự mập của Masako, hầu như mọi cảnh quay của cô này đều thấy cô ngồi ăn bim bim, tạo ra một hình ảnh rập khuôn về việc người mập thì luôn đói và họ luôn ăn đồ không tốt cho cân nặng nên càng mập hơn.

 

Nhưng nói vậy không có nghĩa phim không vui. Về xương sống, cốt lõi, Sumo Do, Sumo Don’t vẫn là một bộ phim hài thể thao thông thường từ kịch bản đến xây dựng nhân vật. Nó hài hước, tréo nghoe và ở những phút giây bùng nổ, khán giả vẫn yêu thương và cổ vũ cho những bạn nam chính diện thắng cuộc. Chỉ là bên trong cái tiếng cười cơ bản và thường thức đó, bộ phim có nhiều điểm sáng rất đáng trân trọng mà mình đã ước rằng giá như nó không bị một vài chi tiết rởm đời kia che mờ mất.

Về ngôi sao của bộ phim: sumo, Sumo Do, Sumo Don’t cố gắng khắc họa nó với sự thực tế nhất có thể. Như bao bộ phim thể thao khác, kịch bản ít nhiều bắt buộc đề cập tới tính kỹ thuật của sumo như một cách để nâng cao cái sự “sang” và “trí thức” của phim, đồng thời xác lập vị thế của phim là không nằm đồng dạng với mấy thứ hài kịch tào lao khác khi tác giả thực ra bỏ tâm huyết ra để nghiên cứu sumo thật. Thời đó người ta vẫn chưa phổ biến google nên nỗ lực truyền bá một bộ môn sumo tới khán giả chắc hẳn cũng được ca ngợi dữ thần lắm. Ở nhiều phương diện, Sumo Do, Sumo Don’t đã khá thành công khi giới thiệu môn thể thao này một cách hấp dẫn và không hề khô cứng, trả bài hoặc sến quá mức cần thiết. Những phần chuyên môn về chiến thuật, kỹ thuật và xảo thuật trong bộ phim chắc chắn chỉ phản ánh một góc nhỏ trong cái môn thể thao kỳ cựu thâm sâu kia nhưng ít nhất nó dẹp bỏ được cái định kiến ai mạnh và nặng cân hơn thì thắng trong sumo như hầu hết khán giả phổ thông vẫn hiểu lầm. Những nguyên tắc cơ bản trong sumo được đề cập đến tự nhiên, dễ hiểu, khiến khán giả nước ngoài (tầm thường) như mình cũng hiểu được và học hỏi  thêm. Cái sự gắn bó, đam mê máu lửa với “nghề” cũng được truyền tải nhẹ nhàng, gần gũi chứ không làm màu thái quá với trả giá, nước mắt hay bi kịch cá nhân hầm bà lằng nào hết. Mình cho như thế đã là một phần hay ho của kịch bản khi tránh sa đà vào con đường tuyên truyền, ca ngợi văn hóa truyền thống tuyệt đối.

Ngoài ra, một trong những chi tiết mình quý nhất ở bộ phim là cách nó tiếp cận một trận đấu sumo.

Thông thường trong một trận giao đấu (thể thao hay đánh lộn) của anime/ manga, trong một khoảnh khắc bé xíu mà nhân vật chính nghĩ tới nghĩ lui tới hơn chục câu, khán giả bên ngoài bình luận về cục diện trận đấu cũng hơn chục câu, tất cả chỉ để phân tích tình huống, khen ngợi sức mạnh trong đòn đánh của hai đấu thủ, những phương án trả đòn trước nguy hiểm ngặt nghèo,… lẩu thập cẩm đủ thứ “quan điểm cá nhân” chỉ để bật lên một mục đích: sự phi thường của anh nam chính. Khán giả có lẽ sẽ biết được rất rất nhiều về sumo nếu như đây quả thực là một anime hay một manga như thế, vì được giải thích cặn kẽ về tính nghiệp vụ trong mỗi trận đấu khác nhau. Nếu để ý, mỗi trận đấu trong Sumo Do, Sumo Don’t không lặp lại, nó đều có sự khác biệt nhất định trong cách ra đòn và giành thắng lợi và nếu thực sự được phân tích và cung cấp nhiều thông tin hơn, có khi bộ phim cũng lý thú lắm.

Sumo Do, Sumo Don’t chẳng phải phim truyền hình dài tập hay truyện tranh, nó là phim điện ảnh, và mình hài lòng khi nó không đưa những chi tiết phân tích ồn ào ấy vào trong mỗi trận đấu. Mỗi trận đấu diễn ra chóng vánh, đúng như thời gian một trận đấu sumo thông thường như thế. Các chi tiết trong trận đấu nhanh, đôi khi chớp mắt đã hết mất và buộc người xem phải tập trung như chính các võ sĩ trên sàn đấu nếu không muốn bỏ lỡ điều gì. Chính vì các trận đấu ngắn nên hầu như đều diễn ra trong một cảnh quay, hạn chế cắt cảnh, chuyển góc quay. Đối với các phim thể thao khác, việc cắt cảnh, chuyển góc quay, quay chậm, tập trung vào một thao tác kỹ thuật đáng chú ý,… là lẽ đương nhiên, thậm chí là bị lạm dụng bởi vì khả năng thể thao của diễn viên là có hạn và dụng ý nghệ thuật của phim cũng sẽ bị hạn chế nếu chỉ đơn thuần quay trực diện. Trong Sumo Do, Sumo Don’t, bộ phim để khán giả tự xem diễn biến cục diện trận đấu như nó vốn có, không màu mè, không lường gạt hay đánh lừa cảm xúc khán giả. Đặc biệt là mình cảm thấy là các diễn viên thực sự phải tập luyện sumo để đóng phim, bởi vì cho dù những võ sĩ sumo thực thụ phía đối phương có nương tay cho họ, bản thân diễn viên cũng thực sự phải biết nhiều và đủ sức khỏe để khiến cảnh quay nhìn có vẻ thực tế hay ít nhất là không bị sượng. Điều này bản thân mình thấy bộ phim làm khá tốt. Vì mình chẳng có kinh nghiệm hay hiểu biết thực sự gì về sumo (coi ngẫu nhiên một trận đấu trên tivi không tính), mình không rõ những cảnh quay đó có “giống” với đời thực hay kịch tính dở ẹc, nhưng khi mình nhìn diễn viên xông vào, mình nhìn thấy họ dồn sức mạnh và tinh thần thực sự vào nó. Nó thuyết phục được một khán giả nghiệp dư như mình thưởng thức và mình nhìn thấy được sự khác biệt của chính bộ phim so với những bộ phim thể thao khác.

Cái sự đối chọi của chi tiết anime trong các chi tiết hài kịch của phim và mong mỏi được giới thiệu sumo một cách tròn trịa và chân thực của bộ phim còn được thể hiện qua việc xây dựng nhân vật. Một số nhân vật thể hiện và diễn xuất rất thong thả, mang hơi hướng điện ảnh, số khác rất cường điệu và quá sức giải trí.

Nam thanh niên Shuhei, một nhân vật điển hình của một người chẳng có hứng thú tới sumo nhưng khi bị ép buộc, anh này dần dà nhìn thấy vẻ đẹp tiềm ẩn của một môn thể thao đó, để rồi cuối cùng từ bỏ cả công việc tương lai để có thể gắn bó và giữ lửa truyền thống thêm một năm nữa. Nhân vật Shuhei thì không mới, tất cả các nhân vật trong Sumo Do, Sumo Don’t đều không mới, họ đều là một nhân vật khuôn mẫu nào đó mình từng xem qua. Nhưng ai mà biết vào thời điểm đó, cái thời điểm mình mới có 1 tuổi đó, những nhân vật trong Sumo Do, Sumo Don’t là mới mẻ, là làn sóng mới thì sao?

Diễn viên đóng vai Shuhei, Masahiro Motoki và anh thầy, diễn viên Akira Emoto là hai diễn viên đóng tốt nhất phim bởi mình thích sự diễn xuất không khoa trương của họ, hoặc đơn giản là nhân vật của họ không được tạo ra nhằm mục đích gây cười nên không khiến mình khó chịu. Masahiro Motoki đóng ra chất của nhân vật Shuhei là một thanh niên “popular”, hiện đại kiểu cool ngầu thị trường, sau đó chuyển hệ nghiêm túc sang tập tành sumo. Gương mặt và biểu cảm của Motoki không bao giờ làm quá, khi anh ta bị ép phải mặc khố, mặc khố nơi công cộng, sự tự tin của một thanh niên trẻ khỏe trước và sau trận đấu, rồi ánh mắt sáng quắc lên khi bước lên võ đài ở trận đấu cuối cùng. Ngay cả phần hài hước, phần nghiêm túc, phần sâu sắc cạnh tranh giải thưởng hàn lâm, mọi biểu cảm của Motoki được thể hiện đúng và đủ, không lên gân, không vô duyên, không hời hợt, đâu ra đó. Cái dáng điệu ngán ngẩm lúc đầu khi bị ép uổng, cái sự giận dữ trẻ trâu khi bị thua cuộc và sỉ vả, cái gương mặt quyết tâm hừng hực có thể đấu lại với cả trời lúc lên sàn quyết đấu trận cuối cùng, nó có một cái gì đó rất hấp dẫn và tươi mới khi xem biểu cảm của Motoki. Lúc mình xem phim, mình đã nghĩ bạn diễn viên này có tiềm năng, ai giờ thắng luôn giải Best Actor. Mình tuy thích màn trình diễn của Motoki nhưng cũng thấy giải thưởng được trao vô cùng tào lao. Diễn xuất có tốt nhưng chưa đến mức xuất sắc, cộng kịch bản chỉ nhiêu đó thì không thể được giải diễn viên xuất sắc nhất được, thế diễn viên nam bên Nhật chết hết rồi à?

Trong đợt nghiện ngập phim Nhật lần này, mình vô tình xem được 3 phim có Akira Emoto đóng, toàn vai phụ trong các phim điện ảnh thắng giải Picture of the Year (Shin Godzilla, Shall we Dance?, Sumo Do, Sumo Don’t). Phong cách của ổng trong ba phim đều na ná nhau, tuy vậy không thể nói là dở. Mình nhận thấy diễn xuất trong phim điện ảnh Nhật Bản thường có xu hướng rất nhẹ nhàng, giống như khi diễn viên đọc thoại, gương mặt, thái độ, tông giọng của họ gần như không thay đổi, nhưng sẽ có một thoáng bộc lộ cảm xúc để người xem biết được họ mong đợi, buồn bã hoặc băn khoăn điều gì đó. Akira Emoto có một lợi thế là cái mặt của ổng có cơ cấu phù hợp với dạng diễn xuất thanh lịch kiểu này. Một cảnh quay tĩnh với một thoáng lo nghĩ trên gương mặt và ánh mắt còn giọng nói hầu như không thể đoán định được là vui hay chán, sân hay si, thất vọng hay mong chờ, nó thực sự cần tài năng và kinh nghiệm để thực sự diễn cho ra nét.

Vậy nên khi Masahiro Motoki và Akira Emoto kết hợp trong một phân cảnh quan trọng và định nghĩa nên bộ phim, dĩ nhiên sự kết hợp đó chỉ có thể là hoàn hảo. Trong một một bộ phim thể thao thông thường, thế nào khi đến đoạn cao trào của bộ phim quyết định thành bại của đội tuyển/ cầu thủ, hoặc là họ đang bị thua đến bước đường cùng và đang chật vật, hoặc thời gian gần hết hiệp đấu cuối và họ còn cần một tí để vươn tới thắng lợi, hoặc trước màn biểu diễn định đoạt huy chương, thế nào ông huấn luyện viên đứng với vòng tròn cầu thủ xung quang và phát biểu một bài diễn văn sâu sắc để truyền cảm hứng, rồi gương mặt các cầu thủ rạng rỡ lên, quyết tâm hơn. Bụp cái chúng nó lột xác và thắng lợi. Cũng trong phân đoạn tương tự, trước trận đấu cuối cùng, nhưng chỉ là anh thầy nhẹ nhàng bảo Shuhei là thằng kia to, khỏe, kinh nghiệm và quyết tâm hơn em nhiều, nếu thua thì cũng là lẽ hiển nhiên, đến đây cũng đã là bất ngờ, cũng đã là đủ rồi. Nhưng mà bản thân em có thấy thỏa mãn, có thấy thế là đủ không? Hầu như giọng nói của ông thầy không khác gì lúc bảo học trò đi ăn cơm, đi ngủ trưa. Điều buồn cười là mình lại thích như thế. Không có nhạc đệm piano phía sau để chi phối cảm xúc khán giả, không có cảnh quay tận mặt từng người với vẻ xúc động và quyết tâm cao để khán giả cổ vũ cho họ. Cũng không có phân đoạn quá khứ, slow motion, Anh thầy chỉ đơn giản đứng đó, “truyền lửa” cho học trò bằng phương pháp không thể nguội lạnh hơn nhưng ánh mắt Shuhei thì rực rỡ, gương mặt người thầy thì sáng lên hy vọng. Mình chẳng biết nữa, mình cảm thấy cảnh quay giản dị đó hay ho vô vàn, ấm áp và gần gũi.

Còn ở góc còn lại, các nhân vật đều được xây dựng có câu chuyện, lớp lang và đặc điểm riêng chứ không phải chỉ có dụng ý gây cười. Dẫu vậy, việc diễn xuất thậm xưng và khả năng nghề nghiệp chưa đủ độ khiến mọi nhân vật không thực sự “tới”. Diễn xuất của Naoto Takenaka trong vai Aoki Tomio thắng giải Nam phụ xuất sắc trong sự ngỡ ngàng của mình, bởi vai diễn đó rất ồn ào và sến, những phân cảnh gây cười thì vớ va vớ vẩn. Mình chẳng biết nữa, mình 30 tuổi rồi, không thể cười trước bệnh tiêu chảy được. Tiếng cười của nhân vật có thể là một kiểu hài kịch nào đó mình không sành hoặc không hợp với tính cách của mình chăng? Diễn viên nam đóng Smiley và Masaoko có diễn xuất rất nghiệp dư, có lẽ do tuyển chọn được diễn viên nước ngoài nói tiếng Nhật và diễn viên nữ ngoại cỡ sẵn sàng mặc khố trên màn ảnh là khó khăn nên đạo diễn không có nhiều sự lựa chọn. Nhân vật Haruo và anh béo Hosaku có những khoảnh khắc tỏa sáng của riêng mình nên hai nhân vật này tuy không gây ấn tượng tốt như Shuhei nhưng không hẳn là nhạt nhòa. Nhạt thì phải nói cô quản lý xinh xắn Natsuko cơ. Trong một bộ phim mà mọi nhân vật đều được xây dựng câu chuyện riêng, có sự định hình tính cách và phát triển tâm lý  với những thời điểm gây hài và khoảng lặng nội tâm nhất định. Riêng nhân vật Natsuko không có cả hai yếu tố gây hài lẫn sự sâu sắc trong nhân vật, khiến cô này trở nên mờ nhạt và nửa vời, dẫu rằng nhân vật Natsuko không hề thừa thãi.

Với cái sự đập nhau chan chát giữa phần hài hước và phần nghiêm túc của bộ phim, mình hoang mang trong việc định hướng tình cảm của mình đối với nhân vật và chính bộ phim. Trong một thoáng, Sumo Do, Sumo Don’t giống như một bộ phim hài kịch thông thường, hơi ngốc nghếch và hời hợt, một khoảnh khắc sau, nó quay về sự phát triển sâu sắc tâm lý nhân vật và sự hấp dẫn và đam mê đối với một môn thể thao chân chính. Rồi đùng một cái, một biểu cảm slap stick lô lố xuất hiện khiến mình thở dài. Bản thân kịch bản phim không xuất sắc, chỉ dừng ở mức khá, dẫu mình đánh giá cao việc đưa một bộ môn truyền thống như sumo lên phim mà không gây nhàm chán cũng như nỗ lực đập vỡ một số định kiến xưa trong chính môn này như việc phụ nữ hay mấy anh nam gầy yếu không thể là võ sĩ sumo. Cái hay của phim có lẽ đến từ phần đạo diễn và diễn xuất của hai anh mình khen ở trên, cân bằng với phần hài kịch (dù có lố) của phim tạo ra những giây phút nhẹ nhàng, thoải mái thênh thang.

Sumo Do, Sumo Don’t không đẩy hoặc không thể đẩy khán giả tới cao trào cảm xúc. Nó cứ nghèn nghẹn đâu đó ở mức 7/10 rồi nghẽn lại, khiến mình cứ có cảm giác “chưa đã”. Mặc dù bộ phim có rất nhiều yếu điểm những vẫn thắng giải phim hay nhất, mình đoán mình có thể lý giải nó theo chiều hướng nó được quan điểm của nhà nước “bảo kê”. Như Điện ảnh nước mình í, nếu thực sự tạo ra một bộ phim có chất lượng khá về một đề tài “truyền thống” như nghệ thuật cổ bị lãng quên, chiến tranh, lịch sử oanh liệt, thân phận phụ nữ,….và tạo được một dấu ấn riêng, thể nào phim đó cũng sẽ được ca ngợi đến tận mây. Sumo Do, Sumo Don’t là một trong những số ít phim điện ảnh Nhật Bản về đề tài sumo. Nó dễ gần, không phản cảm, không mang đậm màu sắc tuyên truyền giáo dục chính trị nhưng không nghiêm nghị đến mức khô cứng mà hài hước, “đại chúng” vừa đủ để hấp dẫn khán giả. Nó giống như một chương trình tuyên truyền có chất lượng của chính phủ Nhật trong công tác giáo dục tư tưởng và hướng khán giả trẻ về nghệ thuật truyền thống có nguy cơ bị mai một trong tương lai. Đó là lý do phim thắng giải. Chứ mình từ chối tin rằng không có phim nào có chất lượng tốt hơn Sumo Do, Sumo Don’t trong suốt cả năm đó.

Sau hơn mười mấy năm lả lướt trên youtube, mình viết comment đầu tiên trên đó để cảm ơn một người post Sumo Do, Sumo Don’t với phụ đề tiếng Anh lên cho thiên hạ xem chùa. Tìm cho ra bộ phim để coi khó như thế đó và ngay cả khi xem phim xong và nhìn nhận bộ phim với những mặt mạnh và yếu, những chỗ chìm nổi và bá xáp tào lao, mình vẫn cảm thấy thỏa mãn với những gì mình đã trải nghiệm. Dẫu bản thân không thích thủ pháp gây cười của bộ phim, mình không thể phủ nhận chính sự cường điệu, màu me và đôi khi hơi lố lăng của nó tạo nên một không khí trẻ trung, dễ mến cho bộ phim, giữa một câu chuyện cũ được làm mới bằng một môn thể thao – nghệ thuật sắp bị lãng quên, cái cảm giác hứng khởi, cái sự yêu mến và dõi theo mình dành cho câu lạc bộ chắp vá, cái sự hồi hộp và hãnh diện khi Shuhei thắng trận đấu cuối cùng theo đúng chuẩn motif cũ kỹ của phim ngày xưa,… Sumo Do, Sumo Don’t không hoàn hảo, không bộ phim nào hoàn hảo cả, những cái điều duy nhất quan trọng mà một bộ phim cần là cảm xúc nó mang lại cho khán giả khi bộ phim kết thúc. Đối với mình, nó là một sự hụt hẫng nuối tiếc xen lẫn trong những một cái đầu nhẹ nhõm, vô lo. Và đó là Sumo Do, Sumo Don’t.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về Good Will Hunting

Về Fargo

Về Donnie Darko (2001)