Về High and Low (1963)

                          Spoiler Alert!!!!!!!!!!!!!!!!! (font chữ khác luôn nha)

Cứ cái đà này, Akira Kurosawa sẽ là vị đạo diễn có nhiều phim được mình review nhất trên cái blog nhỏ mọn này. Sự thật là với giới hạn của ngôn từ và tài năng cùng tầm nhìn thiển cận của bản thân, mình nghĩ mình không nhìn thấu hết cũng như không diễn tả được hết sự xuất sắc của phim Kurosawa, đặc biệt là nếu đi so sánh với hơn chục cái clip trên Youtube và vô vàn những người có chuyên môn bình luận về nghiệp vụ của ổng. Nhưng mà nếu sợ thua kém thiên hạ mà không thèm viết, không dám bộc bạch sự dốt của bản thân, không bày tỏ tâm sự nhỏ nhoi ra cái blog này, có lẽ mình tức chết mất. Bởi cho dù có thích hay không, bất kể là phim nào của Kurosawa đều để lại cho mình một tác động không nhỏ, khiến mình cứ xem xong thì mình suy nghĩ về nó. High and Low cũng vậy, mặc dù nó là một trong những phim ít được chú ý nhất của Kurosawa. Mình đoán phim không quá đặc sắc so với những phim khác của vị đạo diễn, cũng chẳng phải lấy đề tài sử thi hoành tráng, cũng không phải là sự kết hợp cuối cùng với Toshio Mifune, cũng không có nhiều giải thưởng hay là một dấu mốc nào đó trong sự nghiệp của Kurosawa để được khán giả nhớ mặt đặt tên. Bất chấp vị thế lửng lơ của mình trong làng phim, chất lượng của High and Low là không thể bàn cãi, nó là một nét chấm phá hết sức thú vị trong dòng phim giật gân – hình sự.

cái poster đúng chán

Nói gì thì nói, bộ phim bắt đầu hơi nhàm chán, đặc biệt là đối với một người còn không biết thể loại phim là gì như mình. Tại cái ngôi gia của Kingo Gondo (Toshio Mifune), giám đốc một công ty giày thời trang cho nữ, đang diễn ra một cuộc họp kín khi hai vị lãnh đạo khác trong công ty đang thuyết phục Gondo cùng soán ngôi ông chủ tịch. Nguyên nhân thì cũng chỉ vì lợi nhuận, một lý do hoàn toàn hợp tình hợp tiền để đảo chính. Ông chủ tịch lỗi thời muốn tạo ra những sản phẩm bền chắc theo thời gian nhưng giá cả mắc mỏ, còn hai vị kia muốn tạo ra những sản phẩm đúng mốt với giá cả kịch sàn, tất nhiên là chất lượng thấp phù hợp với giá cả. Gondo lật bài ngửa khi tuyên bố hai phe đều ngu như nhau và ổng không thèm theo phe nào hết, đồng thời đuổi hai vị lãnh đạo kia đi về luôn. Ngay khi mình phàn nàn là người có EQ và IQ kém như Gondo sao được làm giám đốc, ông này tiết lộ với vị trợ lý thân cận cùng vợ mình về kế hoạch tự mình chiếm ngôi hoàng thượng của ông. Suốt thời gian qua, Gondo đã âm thầm thế chấp toàn bộ gia sản và đàm phán để tự mình mua được 51% cổ phiếu của công ty. Trong tối nay, vị trợ lý sẽ cầm tiền đi giao dịch và chỉ trong chốc lát, toàn bộ công ty sẽ là của Gondo, ông sẽ toàn quyền thực hiện kế hoạch cải tổ khi cho ra đời những mẫu giày thời trang nhưng chất lượng của mình (một kế hoạch sẽ khiến công ty giảm lợi nhuận trong thời gian đầu nên không được ai ủng hộ).

Lúc này bộ phim đã bắt đầu hay, thì âm mưu trên chính trường với mấy pha lật lọng cũng vui mà. Chỉ là phần này chỉ là bước đệm cho một cú twist khác ngon hơn. Ngay giữa thời khắc quan trọng trong canh bạc “tạo phản”, Gondo nhận được một cuộc điện thoại thông báo con trai ông bị bắt cóc và tên tội phạm đòi một khoản tiền chuộc. Quyết định lúc này thật đơn giản vì hầu hết cha mẹ, dẫu có hổ báo gian manh đến đâu, đều sẵn sàng hy sinh mọi thứ cho con cái. Với Gondo, tiền chuộc con bao nhiêu mà chẳng được, là lẽ hiển nhiên.

Nhưng nếu đứa trẻ bị bắt là con người tài xế?

Đây mới chính là điểm xuất sắc của kịch bản. Kẻ bắt cóc trong lúc hành sự đã bắt nhầm cậu con trai của người tài xế khi hai đứa trẻ đang chơi với nhau. Không nao núng, hắn ta thừa nhận mình bắt lầm người và vẫn đòi tiền chuộc như thường. Gondo lúc này phải đối diện với hai ngả đường: dùng tiền để cứu con trai người tài xế và dùng tiền để mua công ty. Mới thoạt nghe thì thiên hạ chả gào lên: mạng người quan trọng hơn, mày không có đạo đức, có lương tâm à, cái đó mà cũng cần phải suy nghĩ hay sao? Nhưng khi được Gondo giải thích, nếu không dùng số tiền đó để mua cổ phần ngay lập tức, kế hoạch của Gondo sẽ phá sản, lãnh đạo của công ty sẽ biết ông định lật mặt, gia sản sẽ bị ngân hàng xiết, tiền mất, sự nghiệp cũng tan, gia đình sẽ ra ngoài đường ở. Tất cả được đặt lên ngang hàng với tính mạng của một cậu nhóc không có máu mủ nhưng là con trai vị tài xế trung thành của gia đình, người mà cũng vì ông nên mới bị bắt cóc.

Với sự tỉnh táo của việc không phải là phụ huynh của đứa trẻ bị bắt cóc, Gondo gọi cảnh sát. Vị thám tử Tokura (Tatsuya Nakadai) cùng các đồng nghiệp xuất hiện, mang theo một chút hy vọng cho Gondo trong việc phải làm gì tiếp theo (thì họ cũng là dân chuyên nghiệp). Dẫu vậy, với sự khôn lanh từ phía tên tội phạm, Gondo hầu như không thể làm gì khác ngoài bị động chờ đợi các cuộc gọi đòi tiền và tự vấn lương tâm để xài tiền vào mục đích gì. Gondo, một thương nhân từng trải, ma mãnh và lạnh lùng, dĩ nhiên không có chọn thằng bé. Sự thật là cậu nhãi kia ứ phải con ổng, có khả năng là tên bắt cóc chỉ hù dọa chứ ứ dám giết người, và thậm chí đưa tiền rồi cũng ứ bảo đảm là tên đó không diệt khẩu luôn thằng nhỏ. Nhưng nếu không trả tiền liền, việc ông mất việc, gia đình ông mất nhà, ông trở nên tay trắng là điều chắc chắn, là hiểm họa trước mắt và chắc chắn sẽ xảy ra. Gondo sẵn sàng đánh đổi với việc cắn rứt lương tâm nếu như cậu bé có mệnh hệ gì, đó là cái giá ông chấp nhận phải có khi ra quyết định đó, nhưng nó đổi lại là sự nghiệp, sự đảm bảo cho tương lai của vợ con.

Lúc này, vai trò của các nhân vật phụ xuất hiện, làm tăng thêm sự phức tạp và sức nặng cho tâm lí nhân vật Gondo. Mấy ông cảnh sát đương nhiên là người ngoài lề, cộng với việc họ không xác định được nghi phạm nên khiến Gondo bắt buộc lựa chọn, nên chỉ đứng ngoài theo dõi và ngầm đánh giá đạo đức của vị giám đốc trong cách ông này xài tiền cứu người hay cứu mình. Gương mặt ngại ngùng, bối rối, thừa thãi của mấy ảnh khi bắt buộc phải chứng kiến drama trong gia đình Gondo, từ cầu xin đến lật mặt, toàn chuyện thâm cung bí sử người ta giấu kín trong sọt rác, nay được mấy ảnh chứng kiến không sót một câu. Cũng giống như khán giả, mấy bố cảnh sát muốn nghe nghe cái mớ bòng bong của vị giám đốc kia lắm nhưng họ không muốn “ở đó” để nghe, chuyện riêng nhà người ta, ngại bỏ mợ. Xui xẻo cho Gondo và xui xẻo cho mấy ông cảnh sát, với tính chất “trực” điện thoại của kẻ bắt cóc, tất cả mọi người hầu như đều chờ ở căn phòng, không ai được đi đâu ngoài ở đó đối chất nhau và đối chất chính mình (Bottle scene).

Thương lượng với kẻ bắt cóc

Tất cả trường đoạn đầu tiên, khi Gondo bàn luận về âm mưu ấp ủ công ty, quá trình bị đòi tiền chuộc, cảnh sát vào cuộc và quyết định cuối cùng của Gondo, tất cả điều diễn ra trong cái ngôi nhà của ông. Nó là một cảnh “bottle” khi trường đoạn chỉ giới hạn trong một bối cảnh duy nhất. Trong suốt gần 1 tiếng đồng hồ đầu phim, chỉ với vài căn phòng trong ngôi nhà, Akira Kurosawa không những kể được một câu chuyện phim hấp dẫn, mạch lạc và căng thẳng vô vàn, ông còn thành công trong việc tạo lập nên các nhân vật với những mối quan hệ, vị thế, tình cảm, tính cách và những nỗi lo to như trái núi. Toshio Mifune là ngôi sao của bộ phim và thể hiện tài năng của mình trong vai diễn với nhiều cung bậc tâm lý khác nhau. Nhân vật Gondo dưới sự thể hiện của Mifune trở nên vô cùng màu sắc, đa chiều và rất cảm thông. Sự giàu có và chút hợm hĩnh của Gondo khiến nhiều người không có nhiều thiện cảm với nhân vật ngay đầu phim. Bản thân Akira Kurosawa không xây dựng Gondo là một nhân vật chính diện hay phản diện, không có trắng đen rạch ròi, Gondo chỉ là một người cố gắng tìm cách sống sao cho hợp lẽ và có lợi nhất có thể, điều mà 90% dân số thế giới này cũng đang làm. Gondo có sự cao ngạo, độc đoán và gian hùng của một thương nhân thành đạt dám đặt cược mọi thứ mình có trong một canh bạc sống còn. Sự giàu có, cơ ngơi hoành tráng của ông đi lên từ lao động chân chính, Gondo có tâm huyết với nghề và với công ty, ông cũng là người lo nghĩ cho vợ con. Nhân vật của ông có điểm tốt chứ không phải là một kẻ máu lạnh chỉ biết có thân mình. Sự đấu tranh rất con người của nhân vật Gondo tạo nên High and Low, chứ không màn đuổi bắt hung thủ phần sau bộ phim.

Mọi khung hình trong phim Akira Kurosawa đều được tính toán cẩn trọng (phim nào của ổng cũng thế) và miêu tả một lúc nhiều cảm xúc của nhân vật. Có lẽ là thâm ý của đạo diễn khi hầu hết mọi cảnh quay trong phim đều rất đông đúc, gây cảm giác chật chội, bức bối và khó chịu. Điều này cộng thêm cao trào được nối tiếp cao trào, dồn nén lại trong một mùa hè Nhật Bản nóng như lò than, nó khiến mình dường như “cảm thấy” hầm giùm nhân vật. Những chi tiết nhỏ thể hiện tâm lý nhân vật như cử chỉ vụng về của đôi tay, môi mấp máy định nói, nụ cười “giả trân” tạo sự an tâm của mấy ông cảnh sát,… được thể hiện cùng một lúc trong một khung hình với sự tính toán bố cục, thời lượng và canh chuẩn diễn xuất. Trong cùng một cảnh quay, khán giả nhìn thấy sự sợ hãi vì thương con nhưng bất lực đến tội nghiệp của vị tài xế, sự cắn rứt lương tâm của vợ Gondo, sự dao động và áp lực khổng lồ của vị giám đốc, vẻ ngoài tỏ vẻ quan tâm nhưng có toan tính khác của người trợ lý, gương mặt quan ngại của mấy viên cảnh sát trước tình cảnh trớ trêu của vụ bắt cóc. Nhân vật tài xế, cha của đứa trẻ bắt cóc, đáng lý phải là mối quan tâm hàng đầu trong câu chuyện nhưng lại chỉ luôn đứng ở rìa màn hình, hiếm có cảnh quay cận mặt và chỉ có vài câu thoại. Kurosawa chủ động sắp xếp như vậy để thể hiện vị của người làm thuê – ông chủ, người nghèo/ không có quyền – người giàu/ có quyền của nhân vật. Và mặc dù khi Gondo là trung tâm của mọi khung hình, mỗi khi ông ta kết thúc câu nói với hàm ý không vung tiền cứu cậu bé, khán giả vô hình chung đều liếc qua nhân vật người cha ở trong góc. Người đàn ông tội nghiệp hầu như chỉ dám đứng, đầu cúi gằm với vẻ cam chịu. Người tài xế ý thức được sự yếm thế của bản thân, đồng thời ông ý thức được chỉ Gondo mới cứu được con trai ông và đòi hòi Gondo hy sinh mọi thứ vì ông là điều không thể. Sự tự ti trong nhận thức của nhân vật được phản ánh rõ trong việc thay vì chỉ trích và yêu cầu Gondo trả tiền chuộc (sự thật là vì Gondo nên con trai ông ta mới bị bắt cóc và chính cậu bé đang gánh nguy hiểm thay cho con trai Gondo), ông này chỉ dám cầu xin và thề thốt tận tụy cả đời trả nợ cho ông chủ. Nó góp phần phản ánh sự chênh lệch trong suy nghĩ và hành động của tầng lớp giàu nghèo, một chủ đề xuyên suốt bộ phim.

một khung hình thể hiện tâm thế
của toàn bộ người trong cuộc

Bên cạnh đó, nhân vật người vợ Gondo cũng luôn đứng bên rìa chồng và hầu như không có tiếng nói trong quyết định của ông, từ việc ổng tự tiện đem của nả gia đình đi thế chấp cho đến việc ổng dùng tài sản gia đình để cứu người hay không, người phụ nữ yếu đuối hầu như chỉ ở thế bị động và chấp nhận. Trong vụ bắt cóc, bà này thể hiện quan điểm mạnh mẽ hơn khi có mối quan hệ thân thiết hơn với người tài xế, đứa trẻ và cảm thông hơn với tình cảnh ông này. Góc nhìn trái chiều của phụ nữ - nam giới khi đối mặt với một tình huống 50/50 khá điển hình khi người phụ nữ thiên về tình cảm còn Gondo suy xét đủ mọi tình huống và lý trí hơn hẳn. Sự khác biệt giữa tầng lớp giàu -  nghèo một lần nữa xuất hiện trong việc lý giải hành động của nhân vật khi Gondo vốn có xuất thân bình dân và đã từng lao động vất vả, khác biệt với người vợ là tiểu thư nhà giàu chưa từng nếm mùi khổ sở. Giá trị đồng tiền, vai trò của nó trong cuộc sống trở nên tách biệt theo gia cảnh, nghề nghiệp đối với từng cá nhân và nó ảnh hưởng không nhỏ tới việc họ sử dụng nó như thế nào. Bản thân mình thấy Kurosawa tạo sự phát triển tâm lý nhân vật người vợ khi cô “dám” gợi lại chuyện nhờ hồi môn của cô và sự giúp đỡ của bố vợ mà Gondo mới có sự nghiệp như hôm nay, một bằng chứng cho việc cô cũng có “quyền” trong việc định đoạt tài sản trong gia đình và có tiếng nói trong việc cứu đứa trẻ (một việc mà người vợ biết điều như cô này sẽ không bao giờ đề cập để tránh làm giảm hình ảnh men-lì của chồng). Dẫu sự “ý kiến” của người phụ nữ chỉ dừng ở đó và khi hiểu được nỗi khổ của chồng, cô này lui về vị thế người vợ mẫu mực là nhường toàn quyền quyết định cho ông, bản thân cô đã tác động không nhỏ đến tâm lý Gondo, một người bên ngoài tỏ vẻ vững vàng không đổi nhưng bên trong thì đang mưa bão cuồn cuộn.

Phần hay nhất của bộ phim chắc chắn nằm trong cái trường đoạn tống tiền đầu tiên của phim. Mọi thứ xuất sắc vượt xa mọi ý tưởng mình có. Kịch bản chặt chẽ, gọn gàng, dàn diễn viên làm tốt nhiệm vụ của mình dưới màn đạo diễn xuất sắc vượt trội của Akira Kurosawa (như thường lệ). Trường đoạn này khiến mình hoàn toàn bất ngờ và cuốn theo mọi tình tiết trong phim, mình muốn biết tiếp theo sẽ diễn ra điều gì, Gondo sẽ quyết định ra sao, cảnh sát có tóm sống được hung thủ hay không…. Và cái hay ho nhất, bộ phim khiến mình đặt bản thân vào hoàn cảnh của vị giám đốc Gondo khi đứng trước sự lựa chọn như vậy, liệu mình sẽ chọn lựa như thế nào? Cái gánh nặng của Gondo vượt ngoài giá trị về đạo đức, đừng đem nhân mạng của con người ra dọa. “Người không vì mình trời tru đất diệt”. Cũng buồn cười, trong biết bao nhiêu thời điểm trịnh trọng của cuộc đời, tên bắt cóc ngẫu nhiên chọn đúng thời điểm gây ngứa ngáy và tan nhà nát cửa nhất để tống tiền. Trách nhiệm với gia đình, nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp suốt hơn 20 năm, cả cơ ngơi được xây dựng từ lao động vất vả, rồi nguyên cái tương lai dài nhằng nhẵng phía sau cho gia quyến chưa bao giờ nếm mùi khổ sở, sự ích kỷ của bản tính con người, sự sợ hãi khi mọi thứ mình từng biết sắp sụp đổ,… tất cả dồn lên, cân lại với tính mạng một đứa trẻ vô tội.

Họp nghiệp vụ mà khổ quá

Phần sau của phim tập trung vào quá trình truy đuổi tội phạm của cảnh sát, buồn cười là nó không được giật gân như đầu phim. Dẫu vậy phim vẫn có một trường đoạn vô cùng đáng chú ý và gây ấn tượng mạnh mẽ. Vụ bắt cóc hụt nhưng tống tiền thật của Gondo trở thành một tin tức nổi cộm trên truyền thông, khiến vụ án trở thành án điểm và gây chú ý trong dư luận. Toàn ngành công an thành phố vào cuộc với quyết tâm cao truy vết tên tội phạm, cũng là một hành động gỡ gạc lại sự “dỏm” của họ trước đó. Khi toàn bộ lực lượng ngành được tập trung trong một căn phòng để họp bàn và báo cáo kết quả, cảnh phim thực sự rất thú vị. Trong những phim phá án mình từng xem, hầu như phim chỉ đề cập tới những hướng điều tra của nhân vật chính, nghĩa là những hướng điều tra đúng hướng và có kết quả. Điều này khiến nội dung phim gãy gọn và giữ nhịp độ hấp dẫn để giữ đít khán giả trên ghế để tiếp tục xem. Trong High and Low, bộ phim không hề lược bớt những đoạn điều tra đi vào ngõ cụt. Không giống như toàn bộ cảnh sát Nhật Bản chỉ đứng đó làm nền cho em trai Conan, phe chánh nghĩa là mấy ông công an trong phim thực sự đã làm mọi thứ họ có thể làm và họ không hề dốt. Họ đã thử mọi phương thức, từ lúc bắt đầu hỗ trợ Gondo khi đối phó với tên bắt cóc cho đến khi vào trận truy đuổi kẻ phạm tội, họ rất chuyên nghiệp, thông minh và có nhiều mánh nghiệp vụ cần thiết. Chỉ là đôi khi sự cố gắng vẫn chưa đủ. Những  phương án điều tra của cảnh sát đều có cơ sở, lập luận khoa học và được lần lượt trình bày theo thứ tự được phân công, điều mình thấy rất buồn cười khi rõ ràng nhiều người không điều tra được gì hết nhưng vẫn phải báo cáo trước, trong khi rõ ràng người có hướng điều tra triển vọng hơn thì phải chờ lết phía sau. Họ mà tranh nói trước thì đỡ nóng biết bao. Sự chuyên tâm với nghiệp vụ cao của cảnh sát xứ Phù Tang khiến mình cảm thấy phim “xạo”, vì mình đã không ngờ đến bao nhiêu khía cạnh mà một cảnh sát phải chú ý đến trong vụ án, họ thực sự đã nghĩ khai thác mọi thứ từ số vật chứng và thông tin ít ỏi trong vụ bắt cóc. Nhưng khi những khía cạnh này bế tắc và việc nhìn mấy chục ông đàn ông bu vô một căn phòng nóng nực và thiếu tiện nghi, mình cảm thấy họ cũng thật tội và phim cũng rất “đời”.

Ngôi nhà trên cao của Hondo (mờ mờ sương khói) 
từ góc nhìn dưới thấp "hèn" của hung thủ

Nếu có yếu điểm, High and Low là một phim đầu voi đuôi chuột. Phim khởi đầu mạnh mẽ, đầy triển vọng nhưng càng lúc càng hụt dần khi cảnh sát tiến gần tới tên tội phạm. Và đến đoạn cuối cùng, mình đã trông chờ hơn thế cái màn đối thoại giữa kẻ phạm tội và Gondo. Như tên tội phạm tự bạch, động cơ gây án đến từ sự thù ghét khi hắn ta khi hàng ngày nằm chịu khổ trong ngôi nhà tồi tàn của mình và nhìn thấy ngôi gia tiện nghi của Gondo trên đồi cao nên nảy sinh ghen tỵ và oán hận. Sự phân biệt giàu nghèo một lần nữa xuất hiện, lần này được phản ánh qua ngôi nhà sang chảnh trên đồi, tách biệt với phần còn lại với những mái nhà lúp xúp của cư dân lao động phía dưới (High and Low), nơi người giàu chỉ cảm thấy vẻ đẹp của ánh nắng mặt trời khi điều hòa nhiệt độ đã che đậy được sức nóng khủng khiếp mùa hè, thứ mà còn người nghèo phía dưới phải lãnh đủ. Trong mắt kẻ thủ ác, ngôi nhà kia là biểu tượng của sự bất công khi hắn thì nghèo mạt rệp, khổ sở không lối thoát còn Gondo và gia đình ông thì ăn sung mặc sướng hưởng thụ cuộc đời ở phía cao kia. Cái tâm lý ghen tức, ghét bỏ và đổ lỗi cho người giàu (hơn) này thực sự là ai cũng có, chỉ là không phải ai cũng cực đoan tới mức đi bắt cóc tống tiền, đặc biệt là tên tội phạm ra tay mặc dù chưa hề gặp mặt hay có bất cứ thù oán nào với vị giám đốc. Bản thân mình chấp nhận động cơ của tên này, nhiều người còn phạm tội ác kinh hoàng hơn với một nguyên nhân còn nhỏ mọn hơn thế. Thì người ta vẫn bảo ghen tỵ là một trong 7 tội lỗi trong chiếc hộp Pandora còn gì?

Trong khi động cơ gây án không khiến mình thất vọng, cái cách Aikra Kurosawa xây dựng tên tội phạm (với biết bao tiềm năng cho một nhân vật sâu sắc hay độc đáo) mới thực sự đáng thất vọng. Suốt cả phim, hình tượng tên tội phạm thông minh và xảo quyệt đã được đề cao thái quá khi hắn luôn đi trước cảnh sát một bước. Điều này tạo nên một sự kì vọng nhất định trong cảnh cuối, khi hắn thực sự mặt đối mặt với Gondo, kẻ mà hắn cho rằng đại diện cho mọi bất công hắn chịu đựng. Bao nhiêu khả năng có thể xảy ra, bao nhiêu bom đạn, tư liệu để bùng nổ cuối cùng chốt lại trong một cảnh phim quá ngắn (đặc biệt so với cảnh truy bắt dài dòng và dư thừa lúc gần cuối) và hầu như đạp bể mong mỏi cho một nhân vật hay ho mà mình trông đợi. Tên tội phạm chả thể hiện gì mấy ngoài tỏ vẻ dũng cảm, khinh đời để che đậy sự hèn kém và sự giận dữ của bản thân. Mình đã chờ đợi hơn thế, mình đã nghĩ tên tội phạm có màu sắc, có tư duy và đa diện hơn những gì Kurosawa đã làm. Cái kết của phim là không thỏa mãn cho phía phản diện (ai bảo nâng tầm nó lên thái quá rồi cuối cùng nó chỉ có “bấy nhiêu”), gây hụt hẫng, thừa mứa và không tạo thêm bất cứ giá trị nào cho câu chuyện.

So với những siêu phẩm kinh điển của Kurosawa, có lẽ High and Low còn chưa với tới mức độ hoàn hảo và tròn trịa cần thiết để khiến nó bật lên. Nhưng những cảnh phim nào đã được làm đúng, nó xuất sắc và rất chỉnh chu. Thành thật với bản thân, nếu mình không biết trước, mình đã không nghĩ đây là phim của Kurosawa, thậm chí vì vài nguyên nhân không rõ, phim còn khiến mình gợi nhớ đến Alfred Hitchcock. Bản thân Kurosawa có sở trường về xây dựng tâm lý nhân vật (đặc biệt đối với những nhân vật phức tạp và đa chiều), điều này phản ánh rõ trong High and Low khi phần điều tra tội phạm kém hơn hẳn phần đấu tranh và diễn biến tâm lý của nhân vật. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là nó không hay, nếu được giới thiệu với thiên hạ những bộ phim hình sự đáng xem, mình sẽ không ngại ngần giới thiệu High and Low. Nó có nội dung khác biệt, nhân vật thú vị, diễn xuất và đạo diễn ấn tượng. Chỉ riêng phương diện giải trí, việc khiến mình nhịn tè trong suốt một tiếng rưỡi đầu phim là một thành tựu, bởi mình yêu quả thận của mình lắm. Và mình nghĩ High and Low xứng đáng được biết đến nhiều hơn, bởi chỉ cần biết đến thôi thì thiên hạ sẽ nhận ra bộ phim là một viên ngọc quý, vì thời thế mà lận đận, mãi chẳng thể tỏa sáng so với anh em, bạn bè đương thời.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo