Về The Twilight Samurai (2002)

                              SPOILER ALERT!!!!!!!

Trước khi đóng một lô một lốc cái vai phụ nhảm ruồi trong các bom tấn Hollywood, Hiroyuki Sanada đã từng có một vai diễn rất huy hoàng và chất lượng trong The Twilight Samurai. Mình đoán bao nhiêu tiền bạc và danh tiếng từ mấy cái phim hành động đó có ý nghĩa nhất định với diễn viên, nhưng đối với một khán giả như mình, mọi thứ Sanada cống hiến cho điện ảnh phương Tây, tất cả gom lại không bằng một góc cái con cá Seibei mang về nhà mỗi khi đi làm về.

The Twilight Samurai kể về một người đàn ông gia đình mẫu mực, một thanh niên nghiêm túc hiếm có khó tìm ở mọi thời đại chứ không riêng thế kỉ 19. Samurai Iguchi Seibei có hầu hết những thứ mà mọi cô gái mong mỏi có ở một tấm chồng: đẹp trai, tốt bụng, đáng tin, chăm chỉ, không tứ đổ tường, biết chăm con, không nề hà việc nhà và không đàn đúm vớ vẩn. Nếu có một thứ gì chưa hoàn hảo, đó là ảnh nghèo kiết. Với danh nghĩa là một samurai sang chảnh hơn các bác các thím nông dân ngoài ruộng, Seibei cũng chỉ là một samurai cấp thấp hàng ngày chỉ làm việc kiểm kê ở văn phòng lãnh chúa, lương lậu ba cọc ba đồng, vài miếng đất ghẻ chỉ đủ cho mẹ già, hai đứa con gái, người hầu ngốc và anh sống qua ngày. Sau khi vợ qua đời, Seibei càng bận rộn khi gia quyến chỉ còn mình anh làm chỗ dựa duy nhất. Người mẹ già ngày càng lú lẫn và cần thuốc thang, hai đứa con gái nhỏ tuổi cần được đi học và chăm sóc, nhà cửa ruộng vườn cần người dọn dẹp, coi ngó, tất cả trách nhiệm dồn lên Seibei. Thế nên ngay khi tan tầm, Seibei ngay lập tức cắp đít về nhà, không ở lại đi nhậu và nghe hát với sếp và đồng nghiệp nên suốt ngày bị họ dèm pha (hóa ra người nhiều chuyện và vô duyên nơi công sở ở đâu cũng có, bất chấp thời đại và giới tính). Biệt danh The Twilight Samurai của Seibei cũng từ họ mà họ ám chỉ anh đến lúc tắt nắng là biến mất (đi về nhà chứ đâu). Đấy là chưa kể Seibei chẳng còn buồn quan tâm đến tóc tai, áo quần hay cái khái niệm “vệ sinh” cơ thể nữa. Anh xuất hiện với bộ dạng nhem nhuốc, nhếch nhác cùng râu tóc lởm chởm và cái thây mười ngày chưa tắm gội để đi làm, nếu không có cái kiếm, khéo anh còn bết hơn mấy đứa vô gia cư ngoài chợ.

nụ cười trên môi khi Tomoe xuất hiện

Dẫu không được yêu thích ở nơi làm việc, Seibei được mẹ già và hai đứa con gái rất yêu thương. Anh có một gia đình nhỏ hạnh phúc, hai đứa con gái lanh lợi và ngoan ngoãn, chả bõ cho bao nhiêu hy sinh nhịn rượu nhịn tắm anh để dành cho tụi nó. Mình đoán cuộc đời của samurai không tham vọng Seibei chỉ dừng ở nhiêu đó là vui vẻ và trọn vẹn một kiếp đối với anh. Nhưng mà phim thì phải có sóng với gió. Sóng và gió của gia quyến nhà Seibei bắt đầu từ xuất hiện của tiểu thư Tomoe. Là em gái bạn thân của Seibei, Tomoe là một ví dụ điển hình của hồng nhan lận đận. Xinh đẹp, thông minh, tốt nết, gia thế vinh hiển, Tomoe là cô gái được bao nhiêu người ngưỡng mộ. Được anh trai gả vào một gia đình môn đăng hộ đối với đức lang quân rất này nọ, chẳng ngờ hắn ta là kẻ vũ phu nát rượu chẳng làm được tích sự gì ngoài đem lại đau khổ cho cô gái. Không giống như những tiểu thư phong kiến khác sợ miệng thiên hạ, Tomoe bỏ về nhà đẻ và quyết ly dị chồng. Tại đây cô gặp lại Seibei, người cô cũng quen biết và ngưỡng mộ từ nhỏ. Biết hoàn cảnh gà trống nuôi con của Seibei, hàng ngày người phụ nữ tới quán xuyến nhà cửa, giúp đỡ và dạy dỗ hai cô con gái anh như người thân của mình. Gia đình Seibei vốn không tăm tối hay đổ nát gì, nhưng sự xuất hiện của Tomoe như một cơn gió mát thổi bừng sức sống của họ, khiến nó trở nên trọn vẹn hơn.

Chuyện tình cảm của Seibei với Tomoe thì chỉ đơn giản là “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”, khán giả liếc cái là thấy. Tuy đã qua một lần đò nhưng Tomoe vẫn rất có giá, chồng thì mới bỏ có vài hôm thì cô nhận được biết bao nhiêu lời cầu hôn của các vị công tử gần xa. Nhưng khi đã trải qua đổ vỡ, chính cô ý thức được vai trò của tình yêu và tiền bạc hay danh vị không quyết định được hạnh phúc của vợ chồng. Cô “nhờ” anh trai hỏi giúp xem Seibei có muốn lấy cô làm vợ không. Với tư tưởng cũng tiến bộ không kém cô em gái và sự áy náy đã hại em lấy trúng một tấm chồng tồi, người anh trai không nề hà gia cảnh góa vợ và nghèo kiết của thằng bạn, đi ướm hỏi chồng cho em thật. Chỉ là trái ngược với Tomoe, cuộc hôn nhân đầu tiên đã dạy Seibei biết rằng sự nghèo khổ thực sự là một gánh nặng và anh không muốn Tomoe vì anh mà chịu đói, chịu rét và làm lụng đến lao lực mà chết như người vợ đầu của anh. Chuyện cò cưa của Seibei và Tomoe chỉ phản ánh một sự hoang mang muôn thuở của con người về tình yêu và hôn nhân: là tình hay là tiền, cái nào quan trọng hơn? Đối với Seibei và Tomoe, những thứ họ thiếu trong cuộc hôn nhân đầu đã dạy họ quá nhiều để biết mình mong muốn và cần gì. Bản thân Tomoe tự tin cô chịu được khổ, chỉ cần Seibei yêu thương, nhưng sự thật thì cô có chịu được năm năm, mười năm? Sự thiếu thốn và khổ sở quá mức khiến người vợ đầu của Seibei oán trách anh và chết trong uất ức, đó là cái nghèo khiến một người thay đổi, liệu nó có khiến Tomoe thay đổi và cũng quay sang oán trách Seibei? Còn Tomoe, nếu cô lại nhắm mắt chọn một vị công tử “cùng tầng mây” khác, cái gì đảm bảo ông ta sẽ khác người chồng đầu? Cái gì đảm bảo cô sẽ hạnh phúc với người mình không yêu? Cái gì đảm bảo cô sẽ không hối hận và gào thét cái câu hỏi “Giá như”? Anh ả mê nhau và đều biết điều họ cần và mong muốn, thậm chí là vượt lên trên ích kỷ của bản thân để bảo vệ đối phương, chỉ là trong cái thời điểm đó, nó đưa anh ả xa nhau. Thời điểm để số phận hai người về cùng một đường cứ chệch mãi.

Cuộc sống đưa đẩy anh samurai thích an phận Seibei phải tham gia một cuộc quyết đấu. Nguyên nhân? Bởi vì tên phim có chữ samurai. Bởi vì phim cần có cao trào để đỡ chán. Bởi vì phim cần thể hiện rõ nó ứ phải phim tình cảm nam nữ ba xu đơn thuần. Trong một phim đầy những con người cấp tiến và dám khác biệt với thời đại, bộ phim “chê bai” cái sĩ diện, đạo đức và lòng kiêu hãnh chuẩn mực ngày xưa thật quá lố lăng. Cấp thượng tầng mâu thuẫn với nhau sau khi Chúa thượng qua đời, hai bên choảng nhau, ruồi muỗi chết. Khi lãnh chúa phe đối lập thăng thiên, những người cấp dưới cũng bị ép tự sát theo cho trọn đạo và bảo vệ danh dự hầm bà lằng gì đó. Một chú võ sĩ samurai kia tự dưng phản ứng: “Ủa tại sao tui lại phải chết? Tui đâu có muốn chết. Mấy người đòi tui tự sát? Đừng có mơ, có ngon thì nhào vô!!!” Trong chính trị, chọn nhầm phe thua cuộc thì chết cũng là cái giá đắt phải trả, chỉ là chú samurai này không chịu chết theo ý mấy tên kia đó, muốn chú chết thì cứ tới mà giết, chỉ là tụi bây có giết được không mà thôi. Bản thân mình thấy mong ước được sống vượt lên trên đức hạnh và tinh thần võ sĩ đạo chẳng phải là chuyện gì đáng khinh thị hết, đặc biệt là chết nhảm ruồi vô nghĩa như vậy. Và đương nhiên, người được cử đi giết ông võ sĩ là anh chàng Seibei, người cũng muốn sống không kém. Sau khi cử võ sư xịn xò nhất của mình để lấy mạng vị samurai ham sống kia nhưng bất thành (vị võ sư chết ngắc không kịp hốt xác), mấy ông sếp của Seibei ép uổng, đe nẹt anh giai phải làm nhiệm vụ bất khả thi này. Seibei tội nghiệp với phận con sâu cái kiến không thể làm gì khác, vì anh mà không làm thì họ diệt anh ngay, mẹ già với con cái coi như mang tiếng cả đời không ngóc đầu lên được. Còn nếu lâm trận, ít nhất họ cũng hứa miệng là lo cho mẹ với con anh như một nghĩa cử an ủi người hy sinh (là anh), người thân anh ít nhất còn được ít tiền còm sinh sống. Còn có về nhà dắt cả nhà đi trốn cũng chạy không kịp bởi trận chiến đã sát đít. Seibei không còn sự lựa chọn nào khác.

Trong tháng phim Nhật, mình xem cũng kha khá các trận quyết đấu dòng phim samurai nên có thể coi như là biết tí tẹo về nó. Không bay nhảy đẹp mắt và vô bổ như phim Trung Quốc, các bạn võ sĩ đạo trong phim Nhật thường chỉ xuất một, hai chiêu là đối phương bay về thế giới vĩnh hằng. Đại khái là tốc độ và đòn thế là hai điểm chí mạng trong cận chiến, đôi khi cũng rất xạo. Bản thân mình không rõ chiến đấu như thế nào thì mới thật nhưng cảnh quyết chiến trong The Twilight Samurai có một nét rất riêng và khá đặc sắc so với các phim mình từng xem. Trong các phim khác, thường là hai đấu thủ mặt đối mặt (hoặc là nhân vật chính đối đầu với một toán lâu la phụ toét khác) trong một không gian rộng, hai bên thủ thế trước khi lâm trận, sự căng thẳng tương tự các phim cao bồi đấu súng. Cảnh chiến đấu thường nhanh và gọn bất chấp hai người giao thương có cùng đẳng cấp hoặc mạnh ngang ngửa nhau, máu có nhiều hay không thì tùy vào chủ ý của anh đạo diễn. Trong The Twilight Samurai, cảnh chiến đấu diễn ra trong ngôi nhà của vị võ sư kia, nghĩa là không gian hẹp với nhiều chướng ngại vật, không gian tương đối gò bó cách tấn công có vẻ hơi “du kích” và bất ngờ, điều khiến khán giả nín thở hồi hộp. Nhịp độ căng thẳng cũng đã được đạo diễn khéo léo xây dựng từ trước dựa trên tính chất nghiêm trọng trên gương mặt diễn viên, từ sếp của Seibei cho tới sếp của sếp Seibei, rồi đám lâu la bên ngoài cùng cái xác vo ve của người vừa bị hạ gục. Khán giả đã đầu tư tình cảm cho Seibei, họ sẽ nhận ra khả năng anh nam chính vong mạng là có thật, bởi mấy phim dạng này ứ thích có hậu chứ đừng đùa. Trận chiến diễn ra căng như dây đàn, hai bên giằng co khá nhiều và sử dụng sức lực chứ không chỉ có đòn thế, vận tốc, nhìn chung khá vật vã chứ không trơn tru hay đẹp mắt gì sất. Cảnh quay thể hiện rõ tư thế lâm trận và hoàn cảnh của hai người đàn ông. Vị võ sư kia rõ ràng là giỏi hơn Seibei và nếu đó là một cuộc chiến đàng hoàng, ổng hạ anh trai trong một nốt nhạc. Nhưng với việc bị bỏ đói, thiếu ngủ và căng thẳng suốt thời gian dài, ổng không thể duy trì tốt phong độ đỉnh cao. Seibei với lợi thế về thể chất khi anh trẻ hơn và ăn uống đủ bữa nhưng không thể áp đảo đối phương vì đâu có tập luyện gì mấy và cũng chỉ miễn cưỡng đi giết người. Sự vật lộn, giằng co rất thực tế khi họ xuống sức, tơi tả, bô nhếch trong một màn chiến đấu khác xa những gì thiên hạ tưởng tượng về cuộc đấu mãn nhãn giữa hai samurai thiện nghệ.

màn tâm sự day dứt trước lúc choảng nhau

Trong phim thể thao hay anh hùng, người ta hay nói về sức mạnh tinh thần hay động lực chiến đấu như một lợi thế. Điều này không đúng trong The Twilight Samurai. Seibei có mọi lý do để muốn sống và được sống trong khi vị võ sư kia về lý thuyết là chả có lý do gì để tiếp tục tồn tại hết: vợ con đều đã mất, vị ân nhân của mình cũng không còn, ông ta còn lại trên đời không thân không thích, không công việc, không mục đích. Người đàn ông này tiếp tục chiến đấu chỉ đơn giản vì ông không muốn chết và sẽ cố gắng đến hơi thở cuối cùng, dẫu biết cuối con đường thì vô vọng y như nhau. Giây phút cuối khi cả hai lại xông vô tử chiến vì nguyên nhân lãng nhách (hoặc đơn giản vì vị kia muốn tìm một cái cớ để tiếp tục, để giết hoặc bị giết), bao nhiêu lý do phải sống của Seibei, nào mẹ già, nào con nhỏ, nào bản thân, tất cả không đọ lại sự giận dữ khi bị xúc phạm danh dự của ông chú bên kia. Rõ ràng đâu phải cứ có lý do chính nghĩa thì thắng trận, đâu phải cứ xứng đáng sống thì được sống. Cả cuộc đấu, bao gồm cả một đoạn tâm sự tâm tình dài nhằng, tất cả đều căng thẳng (một điều khó để duy trì suốt một thời gian dài như vậy), tất cả cũng bởi khán giả thương và lo cho tính mạng anh giai hiền hậu Seibei. Một thành công trong việc khiến khán giả đầu tư tình cảm vào câu chuyện và nhân vật, đồng thời một lời khen cho câu chuyện với chiều sâu và lớp lang cho nhân vật chính, phụ.

khán giả cũng mừng cho anh chị lắm

Thực sự thì mình không có gì nhiều để viết về phim, thông điệp, ẩn dụ, biểu tượng, phim làm gì có mà bịa đặt với chém gió. Cả bộ phim là một câu chuyện tình giản dị được kể lại một cách giản dị, không đánh đố, không màu mè hay nên thơ, trữ tình hoặc éo le nước mắt chi hết. Cũng giống như nội dung phim, thậm chí những cảnh quay cũng không hoành tráng hay tính toán, không đẹp mê hồn hay lãng mạn nồng hậu, nó đơn giản, thật thà một cách dễ mến. Chỉ đơn giản như cuối phim, bao nhiêu cảm xúc của nhân vật, của khán giả vỡ òa khi nghe đứa trẻ chạy vào nhà gọi cô Tomoe. Cái cảm giác đó gần giống như cái cảnh khi Taeko đứng dậy và rời khỏi tàu ở cảnh cuối Only Yesterday, giống như Hodaka đoàn tụ với Hina trong Weathering With You (điện ảnh Nhật Bản rất thích các cảnh người yêu nhau đến được với nhau ở cuối phim). Mình chẳng rõ nữa, phần người lớn trong mình đã chuẩn bị tâm lý cho một cái kết bi thương, sầu muộn như mọi phim điện ảnh nghệ thuật thường hướng tới, nhưng khi cái kết đó không xảy ra, mình đã thở phào, đã rất mãn nguyện, mình đã thật thà mừng cho nhân vật.


cảnh đoàn tụ dễ thương 
      Mình đoán cái tâm hồn thủy tinh của mình mong mỏi bộ phim dừng lại ở đó. Ai cần thêm đoạn cuối? Nhưng mình hiểu đó mới chính là chi tiết thực sự cần thiết để truyền tải mọi thứ phim muốn nói. Bản thân mình luôn nghĩ The Twilight Samurai chưa bao giờ muốn thể hiện một cái gì cao cả, nó chưa bao giờ được tạo ra để phản ánh một giai đoạn lịch sử của nước Nhật với nạn đói, tranh giành quyền lực, đời sống người dân hay sự chuyển giao thời đại, tất cả phim chỉ gói gọn lại định nghĩa của hạnh phúc của mỗi người, về cách chúng ta nắm lấy nó, chấp nhận nó, về cách con người hơn nhau ở chữ “đủ”. Seibei là kiểu người sẽ làm nên chuyện nếu anh có tham vọng và bớt gánh nặng lại. Nhưng đối với Seibei, cuộc sống đã là rất tốt bụng với anh khi anh còn có mẹ và hai đứa con gái ngoan hiền, như vậy là đủ, anh không cần gì hơn. Kịch bản phim đẩy Seibei tới cận kề cái chết để “đốc thúc” anh nhận ra điều mình cần và mong muốn, là anh không được bỏ lỡ hạnh phúc của mình, cuộc đời quá ngắn để mãi hy sinh cho người khác và hối tiếc những điều mình chưa làm. Và đôi khi để được hạnh phúc, người ta còn phải dũng cảm để đấu tranh và “chấp nhận” nó. Như cuối cùng Seibei cũng dũng cảm thừa nhận và đón nhận tình cảm của Tomoe dành cho mình. Và như thế, mới thực sự là “đủ”. Chỉ có nhân vật mới được quyền định nghĩa cái họ cần để được hạnh phúc. Kể cả khi khán giả như mình coi xong cái chặng cuối gọn lẹ đến chóng mặt, cảm thấy hụt hẫng và bực bội giùm nam chính nữ chính và con cái của họ, đó cũng chỉ là mình gán ghép cái thước đo hạnh phúc của mình lên nhân vật. Trong hầu hết cuộc đời mình, Seibei có lẽ hạnh phúc theo chính khái niệm của anh và anh cố gắng thật nhiều để duy trì, bảo vệ và vun vén cái hạnh phúc đó, không cần quan tâm thiên hạ muốn và nói gì. Mỗi phút giây được sống trọn vẹn là “đủ” và anh có mọi thứ anh cần trên cả thế giới này rồi. Mình có là ai mà nghĩ khác đi được?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo