Về Ran (1985)
Toàn coi phim cũ mà thích cảnh báo tiết lộ nội dung.
" |
"Loạn" |
Mình không biết tiếng Nhật nên đã thử google translate từ “Ran” qua tiếng Việt, kết cục nhận được là “cái cột”, một cái nghĩa không hề liên quan đến bất cứ thứ gì liên quan đến bộ phim kinh điển này của Akira Kurosawa. Dĩ nhiên mình không có dừng ở đó, mình nhắn tin cho hai người bạn biết tiếng Nhật của mình để hỏi, một đứa bảo nó có nghĩa là “chaos” hoặc là “disorder”. Còn trên wiki thì bảo Ran nghĩa là “chaos” hoặc “turmoil”. Với trí tuệ siêu phàm của một đứa đoán mò chuyên nghiệp, mình sơ sơ nhận diện được nội dung ngữ nghĩa của tựa bộ phim.
Sở
dĩ mình cho dù mù tiếng Nhật cũng tìm đủ trăm phương ngàn kế tìm hiểu nghĩa của
từ này, tất cả bởi vì Ran (1985) là bộ
phim có tựa tiếng Việt chuẩn, hay và sát nhất với nội dung phim mình từng biết.
Sự thật là tựa phim Việt khi ra rạp hay được dịch lại đều phần nào có mang tính
“xạo” và hơi màu mè thái quá so với ý nghĩa của tựa phim nguyên gốc. Chỉ có
Ran, khi mà tựa tiếng Việt chỉ có một chữ “Loạn”
ngắn gọn, đanh thép nhưng hàm chứa mọi tầng lớp cung bậc của nội dung phim, thực
sự để lại cho mình một ấn tượng lớn rằng thiên hạ hoàn toàn có thể dịch sát
nghĩa tên một bộ phim mà vẫn đủ sức khiến nó hấp hồn khán giả.
Akira
Kurosawa nói Ran là bộ phim xuất sắc
nhất sự nghiệp của ông, mình đoán ý kiến của ổng cũng chỉ là một ý kiến trong cả
biển trời thiên biến vạn hóa ý kiến. Với mình, Ran không phải là bộ phim hay nhất của Kurosawa mà mình từng xem, Rashomon hay Seven Samurai vẫn hay hơn Ran
nếu mình xét ở khía cạnh kịch bản. Nhưng nếu so đo về tầm vóc, quy mô, sự toàn
diện và tâm huyết (có thể nhìn thấy bằng mắt thường) mà Kurosawa đổ vào Ran, mình đoán mình hiểu tại sao vị đạo
diễn tài danh này lại đánh giá cao bộ phim như vậy.
cảnh quay đẹp nên bốc bỏ vô bài viết |
Điều
đầu tiên khi mình nghĩ tới Ran đó
chính là sự tham vọng của tác phẩm. Sự tham vọng đó được thể hiện rất rõ ràng
qua độ chịu chơi của Akira Kurosawa khi ông không hề giấu giếm mình đang tạo dựng
một tác phẩm vĩ đại, để đời và để thờ. Chỉ cần nghĩ tới việc bộ phim được dựa
trên vở bi kịch King Lear của William
Shakespeare đã tạo lập cho bộ phim một kỳ vọng lớn lao ngay từ lúc bắt đầu. Sự
kinh điển và tầm vóc của Shakespeare vốn không phải là thứ được đưa ra để đùa
giỡn nếu ta không thực sự muốn gây ấn tượng. Bất kể là tác phẩm nào, khán giả sẽ
luôn đặt một tiêu chuẩn cao hơn bình thường đối với một bộ phim chuyển thể từ
bi kịch của Shakespeare, cũng như với bất cứ một tác phẩm văn học đã vượt qua
thử thách của thời đại và thời gian, như Les
Miserable của Victor Hugo hay The
Great Gasby của F. Scott Fitzgerald. Tuy không phải bộ phim nào cũng xứng tầm
tác phẩm gốc nhưng nếu đã dũng cảm chọn lựa một tác phẩm như vậy để “sáng tạo”,
mấy cha đạo diễn hoặc phải ăn gan hùm hoặc phải vô cùng tự tin và tham vọng. Đối
với mình, trong lúc sự nghiệp bị đất nước và khán giả nhà chê bai ghẻ lạnh, việc
Kurosawa gồng mình xin vốn, xin tài trợ một số tiền khổng lồ để thực hiện Ran, một tác phẩm giả sử dựa trên một vở
bi kịch kinh điển của Shakespeare, nó giống như ông đặt cược mọi thứ mình có
vào canh bạc này và ông không được phép thất bại vậy. Ran được mặc định là phải
xuất sắc ngay cả khi nó chưa được bấm máy.
Câu
chuyện đại để thế này. Đại Lãnh chúa Ichimonji Hidetori có ba người con trai:
Taro, Jiro và Saburo. Cả ba đều là những vị tướng tài giỏi và là các đứa con
ngoan hiền trong mắt Hidetori. Sau một giấc mộng bất thường đến từ việc ngủ
trưa quá lố, Hidetori nảy ra một ý tưởng thiên tài về việc chia lãnh địa của
mình thành ba miếng cho ba thằng con trai, trong đó thằng anh cả sẽ giữ vai trò
lãnh đạo với sự trợ giúp của hai thằng em. Bản thân Hidetori sẽ nhường toàn bộ
quyền lực cũng như tòa lâu đài lớn nhất cho thằng lớn, mình thì chỉ giữ lại cái
danh hiệu Đại Lãnh chúa thôi. Nói một cách Việt hóa, ông cụ nhường ngôi vua cho
con trai cả nhưng chỉ nhường mỗi cái quyền, con cái danh xưng vua thì cụ vẫn giữ,
ai muốn làm gì thì làm.
Color Block nha, mỗi chú một màu |
Hai
người con đầu, kẻ thì vui mừng vì được thừa kế, kẻ thì nén giận vì được chia miếng
nhỏ hơn, nhanh chóng ca tụng tài đức của ông già bằng bao nhiêu lời vàng ý ngọc
và hứa sẽ là đứa con hiếu thảo phụng dưỡng cha đến nơi đến chốn. Chỉ riêng thằng
út, vì thiếu kỹ năng mềm, đã ngay lập tức can gián ông cha bằng những lời lẽ
khó nghe và láo toét nhất có thể. Nếu mà làm việc ở môi trường công sở, anh này
chắc đã bị đuổi việc từ ngày đầu tiên đi thực tập. Ichimonji Hidetori thì không
phải sếp, ông này là Đại Lãnh chúa, cái sĩ diện ngút trời của một kẻ chinh phạt
nhiều năm để tự mình gây dựng lên một vương quốc rộng lớn và cường thịnh nào chịu
dung dưỡng một thằng con không biết nịnh hót, Saburo bị cha mình từ mặt và đuổi
đi.
Từ
đây bi kịch bắt đầu. Từ việc có thực quyền nhưng vẫn chỉ mãi là cái bóng núp
sau cái danh vị Đại Lãnh chúa của cha mình, cộng thêm việc sợ vợ, người con cả
Taro bắt ông này kí bản giao kèo là phải để lại hết quyền lực cho anh ta (hồi
trước là hứa miệng thôi nên không có đảm bảo) như thể ký giấy nợ. Còn Hidetora,
tuy mở miệng là nhường ngôi cho con nhưng đâu có an phận làm Thái Thượng hoàng,
cứ hậm hực ấm ức rằng mình bị thằng mất dạy chuyên quyền bạc đãi, ngay lập tức
chạy tới Lâu đài của thằng con thứ Jiro để trú thân. Bị Jiro đuổi khéo/ trắng
trợn và lâm vào cảnh không chỗ dung thân, ông cụ dần nhận ra những lời thằng út
nói trước đây hóa ra cũng có cái lý của nó.
Xen
lẫn với bi kịch dạy con cái không nên thân của gia quyến nhà Ichimonji là cô
con dâu cả, phu nhân Keade, một người phụ nữ xảo quyệt dám nghĩ dám làm với một
mối thù không đội trời chung với nhà chồng. Bằng mọi thủ đoạn (cộng với việc
Taro và Jiro đều là hai đứa vô dụng), Keade từng bước một dùng sự nghi kỵ và
ham muốn quyền lực chia rẽ thêm tình anh em, cha con của họ, từng bước đẩy cả
vương quốc vào “Loạn” và một kết cục bi kịch cho tất cả mọi nhân vật có mặt
trong bộ phim. Đúng vậy đó, khi bộ phim kết thúc, không có một cái con người
nào trong này hạnh phúc hoặc yên ổn hết trơn.
bốn sắc thái của Đại lãnh chúa: điên dần đều |
Thực
thà thú nhận là mình chưa có đọc King
Lear, mới chỉ đọc tóm tắt nội dung câu chuyện và nắm được đứa nào là đứa
nào trong truyện. Xét về độ rối rắm, Ran có
một cốt truyện dễ hiểu hơn, dẫu là vẫn có nhiều lổ hổng phi logic to đùng. Câu
chuyện rõ ràng được dựa trên King Lear
nhưng được phiên phiến lại theo version Nhựt Bổn, nơi ba con gái nay trở thành
ba anh con trai có quyền có quân. Nói gì thì nói, quá trình phát triển tâm lý
nhân vật của bộ phim thực sự đa dạng và “hợp lẽ”, không rõ điều này dựa trên nền
tảng của trí tuệ Shakespeare hay đến từ vốn sống buồn khổ của Kurosawa. Lúc
mình mới xem phim, mình đã nghĩ Kurosawa dựa trên luật nhân quả của đạo Phật để
xây dựng kết cục cho nhân vật, dù gì thì bóng dáng của Phật giáo cũng bay lượn
lờ và bao trùm lấy không khí tang thương của bộ phim. Luật nhân quả thể hiện ở
việc 2/3 đứa con của Hidetora ăn ở bất hiếu cũng một phần vì cách nuôi dạy
nghiêm khắc của ông này (được đề cập trong lời đối thoại của các nhân vật). Bản
thân Ichimonji Hidetora là một vị tướng kiêu dũng và tàn bạo. Ông ta dành cả đời
chiến đấu, đánh chỗ này, dẹp chỗ kia, tàn sát, giết hại và gây ra bao nhiêu bất
hạnh cho nhiều người. Sự cai trị độc đoán và kém nhân từ của Hidetora được thể
hiện rõ ràng qua số phận hai cô con dâu, cũng như việc săn lợn nhưng chê nó già
nên không ăn (hóa ra ổng chỉ giết hại động vật cho vui). Trong suốt hành trình
bị con trai cả “bắt nạt”, bị thằng thứ đuổi đi, lê lết đói khổ dọc đường, đứng
giữa trận chiến vô nghĩa và nhìn hậu cung và thân tín của mình lần lượt ngã xuống
và suýt phát điên, đó giống như là Hidetora đang nhận quả báo của mình vậy. Kết
cục mà Hidetora có bây giờ là một sự kết hợp độc địa của sự thèm khát quyền lực
của hai anh con trai bất tài, hàng loạt những quyết định sai lầm đến từ sự sĩ
diện, tuổi già xế bóng của vị Đại Lãnh chúa, đồng thời cũng từ nhờ “phước” của
Hidetora, việc thế hệ sau của ông được lớn lên giữa chiến tranh và chứng kiến
những cái chết thảm khốc vì tranh quyền đoạt vị, họ không biết cách nào khác để
hòa hợp và đạt được điều mình muốn ngoài việc chiến đấu và giành giật nó, cho
dù nó là trả giá bằng mạng sống của những kẻ khác và của chính mình.
Đoạn kết "người cùng khổ" |
Số
phận của Hidetora, Taro, Jiro và Phu nhân Kaede dường như rất hợp với đạo nhà
Phật, họ nhận một kết cục xứng đáng với những gì họ đã làm. Thế nhưng đối với
những con người còn lại, mọi thứ có vẻ không được đúng cho lắm. Số phận của
Tsurumaru, của Phu nhân Sué hay của Saburo, những người này đều có một số phận
bi thảm mà về lý thuyết không thể nào những người tốt như họ có thể gánh chịu
được. Nó làm giả thuyết về luật nhân quả nhà Phật của mình hoàn toàn bị đổ vỡ,
tất cả được thể hiện qua cảnh kết phim, khi mà một Tsurumaru mù lòa, thân cô thế
cô giữa một tòa thành đổ nát và chờ chị gái xuất hiện (điều sẽ không bao giờ xảy
ra), cậu đánh rơi bức tranh Phật xuống vực. Trước khi đi, Phu nhân Sué, chị gái
cậu đã nói có bức tranh này thì cậu sẽ không phải ở một mình nữa. Trong khi bản
thân Sué, một Phật tử trung thành và hoàn toàn dẹp bỏ mọi thù hận cá nhân để ăn
chay tích đức đúng như lời Phật dạy nhận một cái chết tàn khốc và vô nghĩa thì
Tsurumaru, một thiếu niên đáng lý phải được lớn lên trong nhung lụa và tình
thương, cuối cùng lại dành phần lớn cuộc đời lớn lên trong bóng tối, cô độc,
nghèo khổ và oán trách. Cuối cùng, cậu bị bỏ lại một mình không nơi nương tựa,
thậm chí đến thần phật cũng không ngó ngàng gì tới cậu. Trong Ran, tác giả nhấn
mạnh một điều rất rõ, không có thần phật trong cuộc đời này. Mọi thứ đã, đang
và sẽ diễn ra, mọi đau khổ, chết chóc, bất công, mọi đỉnh cao, vực thẳm, mọi
tòa thành vĩ đại, mọi đế chế uy nghi, mọi đống tro tàn, những kiếp người lên
voi xuống chó, những cá nhân mà sự tồn tại của họ chỉ làm nền cho đại cục,… đều
không có liên quan đến những đấng ở trên hết. Tất cả đều là con người tự sinh tự
diệt, tự hủy hoại bản thân, đúng theo chuẩn self-destruction behavior mà mình
suốt ngày lảm nhảm từ ngày này qua tháng khác. Tài năng binh lược, tương lai
xán lạn, tốt bụng, hiếu thảo như Saburo, tất cả đều vô nghĩa lý với một viên đạn
bất ngờ. Người ta có thể chết dễ dàng và vô duyên vô lý như vậy, không toan
tính, không kịp chống đỡ, bỏ lại phía sau mọi thứ còn đang ở lưng chừng trời và
một câu chuyện không đầu không kết và chúng ta không có cách nào khác là phải
chấp nhận nó. Cái chết của anh này có thể còn ảnh hưởng đến câu chuyện, cụ thể
là dẫn tới cái kết cho nhân vật Hidetora, nhưng nhìn chung, cái chết đó với cái
chết của 30 samurai thuộc hạ của Hidetora hay cái chết của Phu nhân Sué, đều thực
sự là vô nghĩa, nhấn mạnh thêm sự bi kịch cho tác phẩm.
Trân trọng cho nhân vật xuất sắc nhất phim một tấm hình riêng |
Nhân
vật phản diện nay được giao vô tay cô con dâu đầu của Hidetora. Kurosawa cho
Phu nhân Keade một động cơ làm người ác hoàn toàn “thấu tình đạt lý”, đồng thời
nhấn vào mối quan hệ hành vi – hậu quả trong cái cách Hidetora làm người ảnh hưởng
to tát thế nào tới cái kết cục cuối đời của ông. Mình không rõ nhân vật phản diện
trong King Lear có một động cơ ghê gớm
nào để gây họa không chứ Phu nhân Keade hoàn toàn có và bà này xứng đáng có một
một màn báo thù long trời lở đất như vậy. Sự ghim guốc thù nhà của Phu nhân
Kaede hoàn toàn đối lập với sự vị tha buông bỏ nhuốm màu nhà Phật của Phu nhân
Sué, người cũng có hoàn cảnh tương tự. Hai thái cực làm người tốt/ xấu của cả
hai đem lại cho họ một số phận tương tự nhau: một cuộc hôn nhân không hạnh phúc
và một cái chết không lấy gì làm đẹp mắt cho lắm. Nếu có khác, Phu nhân Kaede
hoàn toàn làm chủ hành động và vận mệnh của mình, Phu nhân Sué hoàn toàn chấp
nhận số phận đưa đẩy và không có khả năng chống đỡ gì hết. Trong một bộ phim mà
toàn bộ nhân vật nam đều vô dụng, Phu nhân Keade là kẻ duy nhất làm được việc,
đạt được thứ mình muốn, một tay thuận gió nhấn chìm cả cái vương quốc này vào
binh biến loạn lạc. Sự mưu mô, quyết đoán và “linh hoạt” theo thời thế của Phu
nhân Keade thực sự rất đặc sắc, mình xem mà vừa ghét vừa nể phục nhân vật.
Là
một tác phẩm cổ trang mang hơi hướng nghệ thuật truyền thống Nhật Bản, tạo hình
hay tính cách nhân vật đều có phần nào đó mang tính thậm xưng và liên quan chặt
chẽ đến định hình chính/ phản diện của họ. Như chỉ cần nhìn là biết Phu nhân
Keade hay Jiro, Taro đều không phải người tốt đẹp gì, một mặc định của phim/ kịch
ngày xưa khi người xấu thì trông phải gian xảo, khó ưa còn người tốt thì phải đẹp
đẽ, phúc hậu và nói năng nhỏ nhẹ. Nhân vật trong Ran cũng có cái xu hướng này về
diện mạo, cử chỉ. Mình không dám bình loạn gì về gương mặt trắng của nhân vật
Hidetora và Phu nhân Kaede vì không có hiểu gì về nghệ thuật kịch Noh của Nhật,
nhưng khi nhìn vào mặt Kaede, người ta thấy dã tâm, Taro, đó là sự nhu nhược,
còn Jiro, đó là sự tráo trở. Còn Hidetora, với gương mặt từ kiêu hãnh của người
có quyền có tiền có con cái đủ đầy chuyển sang trắng bệch, trắng xám và trắng
xám xịt theo mỗi mất mát ông này chịu đựng.
Còn
một điều mình vô cùng ấn tượng về Ran,
thực sự, thực sự vô cùng ấn tượng, đó là việc các diễn viên học tập điệu bộ và
cung cách rất chi là “kịch” và “cổ điển”. Ý mình là chỉ nhìn cách diễn viên
đóng Phu nhân Kaede nhả chữ, nhấn giọng, bước đi, cúi đầu hoặc thậm chí làm bất
cứ hành động nào, nó đều rất chi là phức tạp và cầu kỳ, hoặc giống như kịch, hoặc
là những nghi thức trang trọng mà người quyền quý ngày xưa vẫn ăn ở như thế. Nếu
đây là cách mà người quyền quý Nhật Bản ngày xưa vẫn cư xử, mình thà chỉ là bậc
trung lưu cả đời. Chỉ cần xem tới cảnh toàn thể mọi người đều yên lặng và một
thanh âm duy nhất là tiếng sột soạt của áo váy Phu nhân Kaede cọ qua cọ lại,
mình thiệt lòng thấy khó ở giùm cho nhân vật. Nữ diễn viên đóng vai Kaede, làm
sao cổ có thể di chuyển với phong thái như vậy mà không bị gãy lưng? Làm sao
cùng với một bộ đồ chật chội vướng víu đó mà cổ có thể lúc chậm rãi thong thả
như bò nhai cỏ, lúc thì chạy huỳnh huỵch xuống cầu thang như sóc thế kia mà
không bị té dập đầu? Thực sự là quá xuất sắc.
Dẫu
đặc sắc, Ran vẫn còn nhiều điểm mình
không vừa lòng về phần nội dung phim. Ví dụ như phân đoạn Phu nhân Keade có thể
áp đảo được Jiro trong màn combat 1 chọi 1 của hai người. Phu nhân Keade có lợi
thế về sự bất ngờ và sau đó tước được vũ khí của Jiro, cái đó hợp lý, nhưng sau
đó, một nam nhân trai tráng từng vào sinh ra tử trong chiến tranh lại sợ nhũn
ra trước một người phụ nữ nay đã chẳng còn chút quyền lực nào, thậm chí còn
không dám kêu cứu hay chống trả, thực sự là quá tào lao. Ủa rồi không có ai bên
cạnh để bảo vệ với canh chừng “Đại Lãnh chúa” hết, vua gì mà bị ghẻ lạnh quá vậy.
Rồi khi “hộ vệ” Tango nhận ra Hidetora đã phát điên và cần được con út Saburo
chăm sóc, ông này không chọn việc dễ dàng hơn là dắt một ông già và một thằng hề
tới gặp Saburo (cứ nói dối hoặc chuốc say ông cụ rồi dắt đi) mà tới gặp Saburo
để báo cáo một mình, bỏ lại thằng hề tay không tấc sắt, tiền bạc càng không ở lại
giữa đồng không mông quạnh chăm sóc một lão điên. Cuối cùng, trong khi Saburo
hoàn toàn có thể báo trước cho anh trai Jiro là mình tới rước cục nợ không ai
thèm chứa là Hidetora, đồng thời chỉ cần mang theo vài quân lính là đủ, Saburo
lại ngu ngốc dắt nguyên một đoàn quân tới đòi lại “cha”, khiến Jiro bất an rồi
dàn quân ra, từ đó gây nên một cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi. Những chi
tiết này đều là những điểm quan trọng có liên quan cốt lõi đến diễn biến phim
nên mình không thể bỏ qua được. Ran của
Kurosawa có nhược điểm và mình không thể coi nhẹ nó chỉ vì mình mến ông đạo diễn
được.
Bản thân mình nghĩ Ran là tác phẩm mà phong cách của Kurosawa không thật đậm nét như những tác phẩm trước mình từng xem. Mình chẳng rõ nữa, những cảnh quay đại cảnh rất hoành tráng, rất quy củ, rất đẹp mắt đậm phong cách phim con nhà giàu và thực tế là bộ phim cũng cần những cảnh quay mãn nhãn như vậy để xứng đáng với tầm vóc và tham vọng của phim. Chỉ là những cảnh quay đó không đủ độc đáo để gợi nhớ tới một Kurosawa mà mình đã biết, nó giống như trăm ngàn cảnh chiến trận trong trăm ngàn những bộ phim sử thi khác mình từng xem, không có nét riêng. Đôi lúc những cảnh quay chiến trận quá dài khiến mình nghĩ Kurosawa khoe tiền tài nhiều hơn là định hướng cảm xúc cho người xem. Việc quay hầu hết đại cảnh và ít đi vào chi tiết gương mặt của những nhân vật, con người sống/ chết trên chiến trường khiến sự cảm thương của mình bị hụt. Bởi nói gì thì nói, Ran (Loạn) và một bộ phim chiến tranh, nơi số phận con người bị cuốn vào một cuộc chiến tranh quyền đoạt vị vô nghĩa và hoàn toàn có thể tránh khỏi được nếu mấy người ở trên tầng cao bớt tham lam lại. Số phận được quan tâm trong phim là số phận những nhân vật có thoại, còn những anh lính quèn bỏ mạng vì Lãnh chúa nhà anh ngoại tình với chị dâu hoặc Lãnh chúa nhà anh dắt anh đi đòi cha,….đâu ai để ý. Ran sẽ có thêm chiều sâu (và cũng có thể sến đi rất nhiều) nếu có một số cảnh tập trung cho những phận người nhỏ mọn đó hoặc những tàn tích của chiến tranh bỏ lại, những nơi mà thần phật thực sự bỏ quên họ.
cảnh quay này là kinh điển thế giới đó các bạn |
Dẫu
hầu hết những cảnh quay chiến đấu trong phim mình không thích, nhưng những góc
quay còn lại, nó thực sự vẫn rất ấn tượng. Kurosawa ngàn năm vẫn là Kurosawa. Một
trong những cảnh quay đi vào kinh điển là hình ảnh một Hidetora già cỗi, cô độc,
bàng hoàng nhìn thấy toàn bộ thuộc hạ của mình ngã xuống khi hai đứa con trai
ông yêu thương đang chém giết nhau và dồn chết ông. Ở dưới là hỗn loạn đao kiếm,
súng ống, trên tòa tháp cao cung tên bay vèo vèo hụt trước hụt sau một Hidetora
trống rỗng nay đã mất tất cả. Biểu cảm của nhân vật được cô đọng, nén và đặc lại
như tượng giữa bốn bề là chết chóc, đường cùng, là lửa cháy và thất vọng. Bi kịch
của Hidetora được miêu tả trong những thước phim đẹp đến ngất ngây. Người ta
hoàn toàn có thể nhìn thấy những mũi tên bay lướt qua đầu nhân vật, chân thực,
không kỹ xảo với màu sắc, bố cục được cài cắm chỉnh chu như một bức tranh nghệ
thuật.
Xét
về tổng thể, Ran là một bộ phim xuất
sắc. Bỏ qua một số chi tiết mình nhỏ mọn bắt bẻ, Ran mang một đẳng cấp, dáng vóc khác biệt so với hầu hết những bộ
phim mình từng xem, cả về những tầng tầng lớp lớp thông điệp, biểu tượng cho
câu chuyện, nhân vật; những cảnh quay được đầu tư, tâm huyết và chỉ nhìn là biết
đạo diễn và ê kíp đã làm việc không ngừng nghỉ và vô cùng cố gắng trong suốt thời
gian ghi hình. Ở Ran có một phong
thái “sang” mà không phải bộ phim đắt đỏ nào cũng có, chưa kể hằng hà sa số những
ẩn dụ (chắc có) mà tác giải cài cắm nhưng mình quá dỏm để khai phá. Nếu có một
thứ mình biết chắc là mình hiểu được, đó là cái chữ “Loạn” mà người dịch đã đặt.
Không phải “Loạn lạc”, nó là Loạn. Nếu chỉ nghĩ thoáng qua, mình đã đơn thuần
cho rằng bộ phim nói tới chiến tranh, binh biến, thời buổi vật đổi sao dời cho
cả một đế chế. Nhưng Ran không chỉ dừng
ở đó. Cái câu chuyện trong thế giới mà Ran
tạo dựng trong suốt 2 tiếng 30 phút đồng hồ là một thế giới không chỉ loạn
nhưng viên đạn găm chết Saburo, nó còn loạn trên mọi luân thường đạo lý của một
xã hội cũ với bao nhiêu luật lệ và nguyên tắc mà con người ta vẫn thường tin tưởng
để tồn tại. Lời ông cha dạy Ở hiền gặp lành chỉ tồn tại trên lý thuyết vì người
tốt vẫn cứ mất đầu như thường. Mọi ngôi thứ cha – con, quân – thần, vợ - chồng
bị coi rẻ, đảo lộn trong vòng xoáy của danh vị, của cải, thù hận, niềm kiêu
hãnh và quyền lực. Tình thân ruột thịt của anh em không đáng giá bằng kích cỡ
tòa thành. Sự trung thành tuy còn đó nhưng cũng như tình yêu, lòng chung thủy
chưa bao giờ tồn tại. Tất cả mọi giá trị sống ta từng biết, tất cả đều “loạn”
tung lên hết và nếu thực sự có tồn tại một đấng ở trên, họ cũng đã bỏ rơi con
người tự bung tự bét.
Bảo
sao phim coi xong thấy bực bội và buồn chán, mình là mình chỉ thích phim có hậu
cơ.
Nhận xét
Đăng nhận xét