Về Trùng Khánh Sâm Lâm (Chungking Express - 1994)
Spoiler Alert!!!!!!!!!! Bài viết được bắt đầu và kết thúc vào năm ngoái và giờ mới chịu đăng
Trong một ngày chuẩn bị tinh thần kĩ lưỡng để khóc lóc, mình quyết
định xem phim của Vương Gia Vệ. Trước đó mình đã nghiên cứu kĩ lưỡng về sự nghiệp
của ổng, đồng thời lọc bớt ra những phim mình không có ý định xem. Sự lựa chọn
đầu tiên của mình là xem Đông Tà, Tây Độc,
nếu họ Vương thực sự thú vị như thiên hạ ca tụng, mình sẽ xem tiếp Trùng Khánh Sâm Lâm. Tâm Trạng Khi Yêu và Xuân Quang Dạ Tiết, mình để dành nó cho
bản thân vài năm sau.
Nhưng người thường như mình không tính được đến chuyện mạng yếu
phim giật và tải phim về xem thì phụ đề chạy bậy, nên Đông Tà, Tây Độc đành nhường bước cho Trùng Khánh Sâm Lâm, cũng coi như là một chuyện hay, vì Đông Tà, Tây Độc cũng đã được mình xem từ
bé (không nhớ được tí gì hết), còn Trùng
Khánh Sâm Lâm thì như một tờ giấy trắng tinh mình thích bôi (bác) kiểu gì
thì bôi. Trước đó trên wiki tiếng Việt đã trích ý kiến của đạo diễn Quentin
Taratino khen phim đẹp đẽ, lãng mạn và buồn bã. Đây thực sự là một lời giới thiệu
đầy tính mời mọc và chưa chi đã đánh phủ đầu khán giả. Với tâm thế của một người
ba mươi tuổi cô đơn và ủ rũ, mình xem phim và không rõ mình với Taratino có xem
chung một phim hay không.
Trùng Khánh
Sâm Lâm kể về hai câu chuyện tình yêu
riêng biệt, điểm chung là hai anh cảnh sát, nam chính trong câu chuyện của họ,
đều thực sự rất rất rất tệ lậu trong công việc kiếm cơm, đặc biệt là sau khi bị
bồ đá. Mình thực sự quan ngại cho chính quyền Hongkong khi bỏ tiền ra trả lương
cho hai anh giai có nghiệp vụ chuyên môn đáng nghi ngờ như vậy.
Câu chuyện đầu tiên: em trai Kim
Thành Vũ và người phụ nữ tóc vàng bí ẩn Lâm Thanh Hà.
Là người ở ngưỡng tuổi 30, không hề già nhưng cũng không còn trẻ nữa,
mình thực sự cảm thấy vô cùng không thoải mái khi nhìn em trai Kim Thành Vũ
(trong phim thì sắp sửa bước sang tuổi 25) ăn đồ ăn kém lành mạnh liên tục, thức
thâu đêm suốt sáng và tinh mơ vẫn chạy bộ các kiểu rồi đi làm. Nam thanh niên
trẻ trung chắc không xa lạ với việc thức khuya, đặc biệt là sau khi bị cô bạn
gái năm năm chia tay không rõ nguyên nhân. Mình không rõ cảnh sát như Kim Thành
Vũ thì làm việc kiểu gì, vì hầu như đêm nào cũng thấy em trai đi lê lết ngoài
đường, ủy mị buồn bã và ăn uống tào lao vô độ. Rồi thanh niên được chánh quyền
trả lương chắc cũng hậu hĩnh, vì trong cái đêm em nó gặp Lâm Thanh Hà, em đã
tiêu kha khá tiền vô rượu chè túy lúy ở bar rồi thuê khách sạn sang chỉ để ăn
và xem tivi. Và đó là ở Hongkong, nơi nổi tiếng đắt đỏ, em giai tiêu tiền như
thể không có gì cản bước được em tới gặp đám tín dụng đen vậy.
Hai thế giới |
Nói thiệt, người có nụ cười và vóc dáng như Kim Thành Vũ mà bị đá,
chắc là do tính cách quá nhạt nhẽo. Nhưng theo chiều dài của câu chuyện, tính
cách nhân vật được mở rộng ra theo hướng đỡ thảm hại hơn (khúc đầu em nó tã
quá). Có cái gì đó rất chi là dễ thương trong cái cách em nó tới gặp cô May dự
phòng nhưng phát hiện ra đến cô May dự phòng cũng không thèm chờ em. Rồi khi em
say sần sần rồi chạy lại tán tỉnh chị gái Lâm Thanh Hà với những câu thả thính
vừa sến súa vừa cũ kĩ vừa mắc cười. Em trai nói mẹ dặn không nên để phụ nữ bị
phồng chân vì mang giày suốt đêm nhưng em đợi đến khi ăn hết rau hết thịt ở
khách sạn, xem đủ 2 bộ phim, trời thì sáng bảnh ra thì mới tháo giày đi giặt
giúp chị gái. Bản thân sự vụng về, lụy tình, dễ tổn thương và vô hại của em
trai cảnh sát hoàn toàn đối lập với nhân vật của Lâm Thanh Hà, tạo nên một cuộc
chạm trán thú vị trên màn ảnh.
Không như em trai Kim Thành Vũ, khán giả được chứng kiến cuộc khủng
hoảng Lâm Thanh Hà đang trải qua. Mình thực sự không rõ băng đảng phạm tội
Hongkong được tổ chức và hoạt động như thế nào nhưng để một phụ nữ quán xuyến gần
chục người Ấn Độ và một đống ma túy như thế mà không có một sự hỗ trợ nào hết,
thì bị lừa là đáng đời. Sau khi bị giật hàng, Lâm Thanh Hà phải tự mình đi tìm
đám trộm giữa bể người đồng hương bao che cho nhau hoặc tìm cách tẩu thoát trước
khi cấp trên phát giác ra cô làm hỏng việc.
đôi giày thần thánh đánh bay mọi logic |
Nói thật tình, so với chuyện thất tình thê lương của Kim Thành Vũ, rắc rối của Lâm Thanh Hà thực sự là khổng lồ. Nhưng trái với nam thanh niên nhỏ dại chưa biết cách che giấu tình cảm của mình trên gương mặt, chị gái giang hồ Lâm Thanh Hà không bao giờ thể hiện sự yếu đuối của mình ra hết. Với áo mưa và kính râm để đề phòng cho mọi mưa gió, bất trắc, người phụ nữ ẩn nấp mọi cảm xúc vào trong một cái vỏ bọc với mái tóc giả và một gương mặt không biểu lộ bất cứ suy nghĩ nào. Lúc mình xem phim, mình nghĩ đến tí áp lực công sở của bản thân và tự hỏi sao chị gái kia không gục đầu xuống đất mà khóc chớ, mọi thứ sụp đổ nát bét ra hết trơn rồi. Thế nhưng chị gái chỉ cần tí thuốc lá để lấy lại tinh thần, một khẩu súng bé tí không rõ lấy đạn từ đâu là khử được vài tên lật lọng, chưa kể chạy thoát được khỏi đám đàn ông giận dữ trên đôi giày cao gót được zoom qua zoom lại nhiều lần như một sự nhấn mạnh đầy thâm ý của đạo diễn rằng nữ chính quá phi phàm. Màn rượt đuổi của Lâm Thanh Hà có thể sánh ngang màn chạy đua với con T-rex của Bryce Dallas Howard trong Jurassic World về độ ảo diệu và đánh bay thực tế cuộc sống.
Màn tán tỉnh quê lúa và thảm hại nhất nhì màn ảnh rộng |
Vậy nên sau khi vào quán rượu giải stress, mình ngạc nhiên là Lâm
Thanh Hà chịu bỏ thời gian ngồi nghe em trai Kim Thành Vũ nói nhăng nói cuội, đặc
biệt khi biết chị ấy sắp đi diệt trùm cuối và tháo chạy khỏi Hongkong. Có lẽ
chính chị ấy cũng cô đơn hơn chị ấy thể hiện. Vương Gia Vệ có thể rất kém cỏi
trong việc viết một kịch bản hợp logic nhưng khi thể hiện tình cảm con người, mọi
thứ đều rất tự nhiên, hợp lẽ và thú vị vô cùng. Kim Thành Vũ cô đơn, tuyệt vọng,
thảm hại sau khi chính thức chấp nhận rằng chuyện tình của mình đến đây là vô vọng,
là đã chấm hết, khỏi cứu vãn nên em tự nguyện lao vô cơn say và vùng vẫy bấu
víu lấy bất cứ bờ vai nào để thay thế người cũ. May mắn cho em trai, phía bên
kia là chị gái Lâm Thanh Hà không có bất cứ ý định nào lợi dụng em nó. Người phụ
nữ mỏi mệt, kiệt quệ vì phải tự mình đối mặt với mọi thứ nay phải nghe thêm một
em trai tán tỉnh nhạt phèo nhưng đuổi miết không thèm đi. Nhưng mình nghĩ, có lẽ
người phụ nữ đó cũng cần một ai khác ngoài bản thân để giải tỏa, để nghe một câu
chuyện khác ngoài khủng hoảng sống chết, ngoài ma túy và trốn chạy. Cô đã quá mỏi
mệt và cậu trai thì vô hại và ở một góc độ nào đó, là người tử tế và dễ thương.
Đối với mình, đây chả phải một câu chuyện tình (dẫu rằng cậu trai đã lỡ ngộ nhận
mình “yêu” người phụ nữ xa lạ), chỉ là hai con người cô đơn vô tình gặp gỡ nhau
trong một thời điểm cả hai cần nhau nhất.
Câu chuyện thứ hai: Lương Triều
Vỹ và kẻ bám đuôi Vương Phi
ẩn dụ gì mà vi phạm pháp luật quá |
Nếu ai nghĩ rằng câu chuyện tình của hai người này đáng yêu và
lãng mạn, người đó có vấn đề về tâm lý và cần đi khám gấp (nói ông đó Quentin
Taratino). Cô gái trẻ Vương Phi làm việc ở tiệm ăn nhanh giúp một người họ hàng
đã làm quen được với anh cảnh sát Lương Triều Vỹ. Họ biết tên nhau, nói được
vài câu xã giao, cô Vương Phi biết được hành trình từ khi đang có bạn gái đến
khi bị bạn gái đá đến khi thất tình bi sầu của anh Lương Triều Vỹ. Chấm hết.
Nhưng bằng cách lạ lùng của tình yêu, hoặc do Lương Triều Vỹ thực sự đẹp trai
không cưỡng được, cô mê ảnh, đọc trộm thư của ảnh, chôm chìa khóa và đột nhập
vào nhà của ảnh để lau dọn và phá phách các kiểu. Bộ phim có thể tạo nên một
hình ảnh ẩn dụ đẹp khi cô gái thay anh dọn dẹp lại những ký ức cũ, khiến nó
tươi sáng, tinh tươm để chờ anh tự vực dậy và hướng đến tương lai thay vì chết
chìm trong cô đơn và những kỷ niệm của người cũ. Nhưng trong con mắt của một
khán giả khô khan như mình, mẹ ơi nữ thanh niên vô liêm sỉ, “creepy” và vô cùng
đáng sợ Vương Phi tốt nhất là mọi nam giới không nên dây vào. Trong thâm tâm, mọi
cái tôi của con người đều thích và hãnh diện khi có ai đó thương thầm và “mê”
mình không lối thoát như Vương Phi mê Lương Triều Vỹ, nhưng mà ai mà thích fan
hâm mộ của mình đột nhập vào nhà, chạm vào vật dụng cá nhân, thay đổi mọi thứ
trong nhà, hít ngửi giường chiếu và thậm chí là chuốc thuốc ngủ cho mình chớ.
Chỉ có mấy đứa stalker mới làm thế và nó là phạm pháp, là xâm phạm đời tư và
tài sản cá nhân, ứ có bay bổng và dễ thương, dễ mến, dễ đồng cảm gì hết.
góc quay đẹp nè |
Đối với mình, câu chuyện này hợp lý hơn câu chuyện trước, thậm chí
như việc anh giai Lương Triều Vỹ làm công an nhưng chả biết nhà cửa bị đột nhập,
đến cái tấm trải giường đổi màu hay con thú bông đổi thể loại cũng không biết,
nó hoàn toàn có thể xảy ra. Người ta ít để ý đến những thay đổi như thế trong
cuộc sống thường nhật, đặc biệt là khi họ không để tâm trí của mình ở hiện tại
và chìm trong trầm cảm. Không như em trai Kim Thành Vũ buồn đời gọi điện lung
tung đến mấy cô gái em quen từ thuở mẫu giáo để kiếm cớ đi chơi, Lương Triều Vỹ
nhìn thì có vẻ ổn đó nhưng bệnh thất tình lại nặng hơn rất nhiều. Đó là do anh
ôm mọi sự đắng nghét của cuộc tình tan vỡ vô cho mình mình biết và không thèm xả
với ai. Nếu không có bạn gái mạnh bạo Vương Phi bí mật đột nhập và phá vỡ bức
tường kín, ai mà biết cái khăn tả tơi như cuộc đời của anh kiếp nào mới được
thay?
Sau khi sự vụ trốn việc đi bẻ khóa nhà trai bị phát giác, gái
Vương Phi vẫn đi làm như thường và “bất ngờ” khi thấy anh cảnh sát tới hỏi tội.
Ngạc nhiên chưa? Điều “creepy” hơn việc Vương Phi đột nhập vào nhà của người mà
cô đơn phương chính là việc anh cảnh sát kia dễ dàng bỏ qua cho hành vi đáng bị
chửi của cô và mời cô đi hẹn hò. Vậy ai là người có nhiều phức cảm hơn và cần
được bác sĩ tâm lý chẩn trị? Lúc Lương Triều Vỹ mời Vương Phi đi chơi, trong đầu
mình nghĩ tới một phân đoạn trong How I
Met Your Mother, về lý thuyết Dobler – Dahmer khi mà chỉ khi nào anh ả mê
nhau thì cái hành vi ghê gớm như rứa mới trở nên lãng mạn, còn không thì chắc
chắn chị Vương Phi có trát của tòa cấm lại gần anh Lương Triều Vỹ rồi. Mình
đoán trái tim con người có nhiều lề lối khó giải thích bằng lý lẽ thông thường,
đặc biệt là khi Vương Phi sắp cua được trai tới nơi rồi đột ngột buông bỏ, chạy
theo mộng mơ của mình ở California (yep, như bài hát California Dreaming luôn)
ánh mắt khét tiếng của Lương Triều Vỹ |
Người ta hay nói là một khi yêu nhau thì người này sẽ ảnh hưởng đến
người kia và tạo ra sự cộng hưởng trong tính cách. Lương Triều Vỹ sau khi mê
Vương Phi thì hay mở bản nhạc cô yêu thích và thậm chí còn mở rất to như cô vẫn
hay làm. Anh mua tiệm đồ ăn nhanh kia vì biết cô sẽ trở lại và anh sẵn lòng chờ
cô trở lại, dẫu có hơn một năm đi chăng nữa. Mình cho đây là sự ảnh hưởng lành
mạnh. Nhưng phía bên kia, cô gái với muôn vàn vấn đề tâm lý lại chọn một ngã rẽ
rùng rợn khác. Lúc Vương Phi rời bỏ Lương Triều Vỹ và cho anh cái hẹn một năm,
mình đã tưởng cô gái cho anh thời gian để hoàn toàn quên đi quá khứ và toàn tâm
toàn ý thuộc về cô. Như thể cô cũng có chút tự trọng để đeo đuổi mơ ước của bản
thân và cũng có giá lắm, không phải cứ có là được, cô không phải là người thay
thế cho bất cứ ai. Nhưng không, cô gái trẻ trung hồn nhiên vứt bỏ bản ngã để chọn
công việc tiếp viên thuộc hãng mà người cũ anh cảnh sát từng làm, mặc bộ đồng
phục cô kia từng mặc, để tóc dài như chị ta luôn. Chi vậy? Cô không có tí sĩ diện
với cái tôi cá nhân nào à? Cô sẵn sàng tình nguyện làm vật thay thế, là cái
bóng cho người cũ của anh kia luôn. Để rồi làm gì? Kết phim cả hai chỉ dừng ở
đó, yêu không ra yêu, bạn không ra bạn, mọi thứ sáng như đèn dầu bàn thờ.
Người ta nói nhiều về nghệ thuật quay phim mòng mòng của Vương Gia
Vệ, chắc là đột phá, đặc trưng của điện ảnh thời bấy giờ. Mình thấy nó cũng
thành công khi miêu tả một Hongkong chật chội, đông đúc và bức bối, khi người
thì muôn vàn nhưng ai cũng cô đơn và lạc lõng. Cả cách nhân vật nam và nữ “tự sự”
trong phim đều là một nét chấm phá lạ lùng ít khi mình được thấy trên màn ảnh rộng.
Cả bộ phim hầu như đều bó trong không gian hẹp, ngôi nhà của các nhân vật đều
nhỏ và cũ kỹ, cảm giác nóng của mùa hè, sự ngột ngạt kể cả trong đêm, tất cả đều
giúp tôn vinh sự bí bách, thiếu thốn sự chia sẻ của nhân vật. Nhìn họ, kể cả
khi họ cười và nói chuyện với nhau, nó vẫn cô đơn một cách lạ thường.
Dẫu vậy đối với mình, Trùng
Khánh Sâm Lâm không hề buồn, làm
quái gì đến mức phải khóc. Dẫu cho cái kết không rõ ràng và không ai tới được với
ai, nó vẫn là một bộ phim lấp lánh hy vọng. Cả em giai Kim Thành Vũ và bạn
Lương Triều Vỹ đều khởi đầu câu chuyện của họ với một trái tim tan vỡ, sự suy sụp,
nuối tiếc, giận dữ, trầm cảm (?), nhưng đến đoạn cuối, họ bắt đầu một chương mới
trong cuộc đời, không rõ đẹp xấu sướng khổ nhưng biết chắc họ không hướng về
quá khứ để than khóc và trầm buồn nữa. Mình nghĩ như vậy đã là một cái kết rất
đẹp rồi. Bản thân mình hay than phiền về việc các đạo diễn thích kết phim mở, một
kiểu làm phim mơ hồ và nửa vời và làm biếng. Nhưng trong Trùng Khánh Sâm Lâm,
trong cả hai câu chuyện, cái kết như vậy là vừa đủ, là kết đóng, là biết điểm dừng.
Cả bộ phim giống như ngủ trưa nằm mộng vậy, nó lâng lâng, bức bối, không rõ đầu
cuối và thoang thoảng sự mơ mộng và bay bổng của tuổi trẻ.
Là đạo diễn có số có má nên hầu hết phim của Vương Gia Vệ đều mời
những diễn viên tên tuổi tham gia, mình thực sự không có chỗ nào phàn nàn về diễn
xuất. Những diễn viên chính trong Trùng
Khánh Sâm Lâm đều là cây đa cây đề của điện ảnh Hongkong sau này và dường
như không khó để họ hòa mình vào nhân vật. Trùng
Khánh Sâm Lâm có hơi thở của thời đại, tức là nó có dáng vẻ, phong cách,
màu sắc định hình nên điện ảnh Hongkong thập niên 90, tạo nên một nét riêng và
một sự hoài cổ lãng mạn hoàn toàn không liên quan đến nội dung phim. Thậm chí cả
bài hát trong phim cũng có cái dáng điệu, cái chất liệu của thời đại đó. Có thể
chỉ là mình, khi bộ phim kết thúc, mình thoáng buồn, mình chợt nghĩ về điện ảnh
Hongkong thuở vàng son với cả một thế hệ diễn viên kim cương, đạo diễn tài năng
và có sắc thái riêng biệt, nơi những thước phim day dứt, bay bổng như Trùng Khánh Sâm Lâm được tạo dựng và đưa
tới khán giả. Cái thời mà Lương Triều Vỹ đẹp trai không lối thoát. Cái thời mà
Trương Quốc Vinh vẫn còn sống để nắm tay Đường Hạc Đức (trong bóng tối). Cái thời
mà mọi thứ tưởng như còn rất đơn giản. Mà thôi, nỗi buồn tiếc quá khứ thì có
bao giờ chấm dứt, nếu vẫn còn thì ta cứ thương.
Nhận xét
Đăng nhận xét