Về Only Yesterday (Omoide Poro Poro - 1991)
Thực ra mình chỉ định viết vài dòng về Pom Poko thôi, ai ngờ quá trớn. Ôi cái tính lan man, không tập
trung với làm biếng, kẻ thù của làm việc kém năng suất.
Mình tự thú trước bình minh điều này, đối với phim của Ghibli, dù
là đạo diễn nào, giải thưởng sáng chói ra sao, ngoại trừ My Neighbor Totoro (1988),
những phim còn lại mình chỉ xem qua đúng một lần rồi thôi (hoặc xem lại vì xem
đã nên quên nội dung phim). Chỉ có Only
Yesterday là phim Ghibli thứ hai xem lại nhiều lần và nó nhanh chóng trở
thành một trong những phim hay nhất mình từng xem, không chỉ riêng Ghibli. Xem
được nó là thành tựu to tát nhất trong tháng nghiện phim Nhật của mình.
Quá khứ và hiện tại |
Only
Yesterday là một minh chứng hùng hồn cho
cái thuyết đúng thời điểm (right timing) của mình. Vào cái lúc xem phim, mình
30 tuổi, độc thân, làm công việc văn phòng ở tỉnh lẻ và công việc ấy đang vào đợt
cao điểm khiến mình kiệt quệ về tinh thần và động lực sống. Ở một vài điểm,
mình nhìn thấy sự tương đồng của bản thân trong nhân vật chính nhưng nó không
phải là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến các nhìn của mình đối với phim. Sự
thật là nếu mình xem phim khi chưa đi làm, khi mình chưa thực sự “chín chắn”
tàm tạm như hiện tại, khi mình chưa già đến cái độ này, khi công việc nhẹ nhàng
còn chưa quật cái tâm lý thủy tinh của mình rớt đất, có lẽ Only Yesterday sẽ vẫn chỉ là một bộ phim Ghibli buồn tẻ với dàn
nhân vật nhạt nhẽo nhất quả đất. Nhưng với một sự may mắn của thời thế, mình
xem phim với đủ những điều mình cần và có, khi bản thân là một cá thể hỗn tạp với
một cái nhìn thực thà hơn về cuộc sống nhưng cái tinh thần mơ mộng phi thực tế
vẫn còn nguyên xi, mình đúng và đủ với Only
Yesterday và Only Yesterday đúng
và đủ với mình.
Theo wiki, câu chuyện phim xảy ra vào năm 1982, khi nhân vật chính
Taeko bắt đầu chuyến “nghỉ” phép của mình tới trang trại của người anh họ để
giúp đỡ họ trong mùa thu hoạch hồng hoa. Sinh ra và lớn lên ở Tokyo đông đúc với
phố xá, nhà xe và người chật như nêm, đối với Taeko, được về vùng nông thôn làm
lụng tay chân được coi như là một phương thức nghỉ ngơi cô yêu thích (mình muốn
chắp tay lạy em gái luôn). Giống như lần trước, sau một năm chăm chỉ cày cuốc,
Taeko gom phép lại và quyết định chọn một hành trình 10 ngày đi làm ruộng thay
vì đi du lịch nghỉ dưỡng hay đơn giản chỉ là nằm nhà xem tivi. Và trong một khoảng
lặng kì lạ và đặc biệt của thời gian, của thời đại và tâm thế con người, chuyến
đi này của Taeko ngập tràn những kí ức về tuổi thơ của cô, và với cách xây dựng
câu chuyện và chuyển biến tâm lí nhân vật khéo léo, những kí ức này không chỉ
xây dựng nên chiều sâu nhân vật, nó còn là động cơ và lý giải nên những hành động
của nhân vật ở hiện tại, đồng thời thôi thúc cô ra một quyết định thay đổi toàn
bộ cuộc sống của mình mãi mãi.
Bản thân cách xây dựng nhân vật trong phim phù hợp với định hướng thể loại tác phẩm và khán giả được hướng đến, mình không có gì phàn nàn. Only Yesterday là phim hoạt hình với đối tượng là phụ nữ trưởng thành, họ không xây dựng một Taeko với tính cách thậm xưng như hầu hết các anime cho đối tượng thanh thiếu niên, bởi toàn bộ cái cốt lõi, cái đẹp đẽ nhất của phim chính là nó tạo được sự kết nối, đồng cảm và thân thuộc khi khán giả có thể hiểu, chấp nhận và nhìn thấy bản thân trong chính nhân vật Taeko dù ít hay nhiều. Nhân vật của cô khi giản đơn, khi phức tạp và mình cảm thấy nó rất “thật”, nó như một người nào đó bước vào nét vẽ và sống cuộc sống của họ thôi. Takahata Isao đã xây dựng được nhân vật Taeko vô cùng mạnh mẽ và thú vị mà không cần bất cứ một cử chỉ “làm màu” hoặc bất thường với phong cách anime nào, và nó khiến mình cảm ơn giời là mình xem phim ở tuổi già để thấy và yêu quý được nét đẹp “ẩn” của nữ chính.
Cảnh ăn dứa đầy "trịnh trọng" |
Taeko 27 tuổi và vẫn độc thân. Đối với chuẩn mực hiện nay, 27 tuổi
độc thân và làm việc ở thành phố lớn chỉ là chuyện bình thường không đáng đề cập.
Chỉ là Taeko 27 tuổi, độc thân ở Nhật Bản năm 1982, đó là cả một vấn đề to tát
đối với gia đình cô và cả những người dưới quê khi nhìn thấy cô gái. Bộ phim
không biểu hiện nhiều về những định kiến Taeko phải trải qua khi chưa có người
yêu ở cái tuổi đó bởi lẽ cả bộ phim được tạo dựng từ suy nghĩ của Taeko và
trong suy nghĩ của nhân vật không coi đó là một trở ngại. Thực tế thì những tâm
tư của Taeko rất lạc quan, không phải kiểu lạc quan màu hồng phấn, cầu vồng và
kì lân nhảy nhót xung quanh ly trà sữa mát lạnh. Cô gái nhìn nhận cuộc sống với
sự trưởng thành và không nhìn vào mặt tiêu cực của nó, cô không phàn nàn cô
đơn, không kêu ca khổ sở, không chỉ trích quá khứ hay bất cứ ai, mình cho người
như Taeko đã là hiếm có khó tìm lắm rồi. Cô gái lịch sự, hòa nhã đúng kiểu cô
gái Nhật lễ nghĩa, gọi dạ bảo vâng, tính tình điềm đạm và cư xử đúng mực, kể cả
khi bị đẩy vào tình huống khó xử cũng chỉ bỏ đi. Mình chẳng biết đây có phải là
tính cách của người Nhật nói chung hay không nhưng tính nết ôn hòa hiền hậu của
Taeko rất đáng mến. Nếu là mình cách đây 5 năm, mình sẽ bảo Taeko nhạt nhẽo. Cuộc
sống trưởng thành dạy mình rằng đâu phải cứ sống phải phép và thuận theo cộng đồng
là nhạt nhẽo.
98% người trên thế gian này không cần một chuyến phiêu lưu sinh tử
để thay đổi, để đối mặt, để chọn thứ mình muốn. Hành trình của Taeko là một cơn
bão tâm lý với những cơn gió nhẹ nhàng thổi tung quá khứ đã bị lãng quên từ
lâu, sau đó mạnh dần lên thành sóng mù trời, rồi mưa lớn, mây tan. Đầu phim, giống
như mùi bánh Madeleine khơi gợi tuổi thơ của Proust, điều gì đó đã kích hoạt những
ký ức thuở bé của Taeko. Dõi theo những hồi tưởng của Taeko là vị ngọt ngào của
quá khứ xen lẫn cảm giác tiếc nuối hoài niệm về một thời đã xa, kết hợp với cuộc
sống hiện thực ngay trước mặt. Những con người Taeko đã từng gặp, những con người
cô mới gặp nhưng thân quen, những câu chuyện vụn vặt mà khi lớn lên cô mới nhận
ra nó quan trọng như thế nào đến hiện tại và tương lai, những thứ chỉ khi lớn
cô mới hiểu lý do và chấp nhận nó, mọi thứ hòa quyện với nhau với mạch phim
thong thả nhưng không thừa thãi. Sự trở về của ký ức hay những hoang mang và
trăn trở về hiện tại chỉ là những bước đệm thúc đẩy nhân vật Taeko đối diện với
câu hỏi của chính mình về mục đích của cuộc sống, về nơi cô thuộc về, để định
nghĩa bản thân và thế giới cô mong muốn được sống sau này. Không một cuộc đối
thoại đao to búa lớn, không oán trách thực tại, mọi diễn biến trong tâm lý nhân
vật Taeko được kể lại với một bể cảm xúc chân thành, nhẹ nhàng, đôi khi đầy tiếc
nuối và chơi vơi, phù hợp sự phát triển tâm lý và tính cách của nhân vật . Để
viết được một cái kịch bản bao gồm những câu chuyện nhỏ nhặt và hành động, lời
nói đời thường nhưng đẩy tới cao trào cảm xúc như thế còn khó hơn gấp tỷ lần viết
ra một câu chuyện phiêu lưu với nhân vật chính một mình chống lại cả thế giới.
Và tác giả hoàn thành nó xuất sắc, cô đọng, cần thiết, tinh tế và lãng mạn.
Hai trạng thái tâm lý đối lập của mọi tuổi thơ |
Thực sự cốt truyện của phim không có nhiều. Nó chỉ đơn giản là
chuyến đi đổi gió của cô gái thành thị Taeko đan xen với những mẩu chuyện không
đầu không cuối thời tiểu học của cô và nó khiến cô trăn trở về con người của
mình hiện tại. Mình ngỡ ngàng khi nhìn thấy một gia đình Nhật Bản coi trái dứa
là một thứ xa xỉ phẩm và hiếm tới mức họ lần đầu tiên được nhìn thấy và phải đi
hỏi thiên hạ cách gọt vỏ để ăn (nhưng cuối cùng vẫn ăn sai cách). Mình bất ngờ
khi học sinh tiểu học năm 60 của Nhật thoải mái nói chuyện về chu kì kinh nguyệt
và tụi nhỏ còn động viên nhau và kêu gọi “nữ quyền” (đại loại thế) trong việc
bình thường hóa một hiện tượng sinh lý tự nhiên (và phiền phức) của nữ giới. Hồi
tiểu học của mình (những năm 90), mình làm méo gì biết mấy vụ này, lấy đâu đi
thảo luận. Mặc dù có một chút khác biệt của xã hội và xứ ôn đới ít trái cây, tựu
trung thì hồi ức của Taeko là những mảnh ghép cực kỳ thân thương mà hầu như ai
cũng đã từng trải qua một lần: “mối tình đầu” con nít ranh lâng lâng hãnh diện,
những lần mè nheo nhõng nhẽo với phụ huynh bị phản tác dụng, sự khó nhọc khi đối
mặt môn toán và đám con trai ngốc nghếch,…
cho tới những câu chuyện “nghiêm trọng” hơn khi cha mẹ ngăn cấm Taeko dấn
thân vào showbitch hay cậu nhóc bất lịch sự ngồi cùng bàn của Taeko. Những mảnh
kí ức mà bất cứ người lớn nào đều nhìn thấy một góc kí ức của mình trong đó. Chúng
không có gì kịch tính, mọi thứ diễn ra nhẹ nhàng, thanh thản mà không cần biến
cố, không hiểu lầm, không nhân vật gây sóng gió, không một thử thách phô trương
nhưng lại là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời nữ chính.
Lúc xem Only Yesterday,
mình đã rất chạnh lòng với sự thụt lùi của nước mình so với phần còn lại của thế
giới (hoặc đơn giản là do nước Nhật đi trước thời đại). Vào cái thời điểm ra đời
năm 1991 (cách đây 30 năm), phim kể về một nước Nhật năm 1982 xa lơ xa lắc
nhưng đã có những trăn trở của một người trẻ muốn bỏ phố về quê, một xu hướng
mà chỉ những năm gần đây mới trở nên rầm rộ và gây tranh cãi ở Việt Nam. Khi
nhân vật Toshio hồn nhiên kể với Taeko về dự định trồng các sản phẩm hữu cơ và
coi nó như một phương thức đột phá của nền nông nghiệp, mình cảm thấy ngỡ ngàng
bởi vì nước mình bây giờ mới manh nha biết đến sản phẩm hữu cơ và còn đang loay
hoay định hướng cho nó. Nói một cách hơi xấu hổ, Only Yesterday hoàn toàn có thể được Việt Nam mình remake lại với bối
cảnh bây giờ luôn, nếu có thay đổi thì chỉ là ai cũng có điện thoại thông minh
để xài và ai cũng từng ăn dứa hết rồi.
Làm nông không có thơ mộng như này đâu nha các bạn trẻ |
Đối với một con người thực tế như mình, ý tưởng thanh niên ào ạt
đòi bỏ phố thị tấp nập để về quê trồng rau nuôi gà ngay từ đầu đã vô cùng mắc
cười và hoang tưởng. Các bạn trẻ quen ngồi máy lạnh nếu không có gốc gác làm
nông hoặc chưa thực sự trải nghiệm đến việc làm nông thì không thể tự lường trước
cái sự cực nhọc và bấp bênh của cái phương thức mưu sinh cậy nhờ ông trời này
được. Cái giấc mơ lãng mạn về việc bỏ lại sự xô bồ của sự hiện đại để hòa mình
vào thiên nhiên, vào cuộc sống bình dị ở quê,….nó chỉ dành cho một vài cá nhân
thực sự phù hợp, không phải cho những người viển vông và thích bỏ cuộc. Nếu bạn
không trụ được ở thành phố, chẳng có lý do gì mà bạn trụ được ở nông thôn hết.
Về lý thuyết, nữ thanh niên Taeko là một trong những thành phần ham hố giấc mộng đêm hè nói trên khi muốn trải nghiệm cuộc sống nông thôn. Sinh ra, lớn lên và làm việc tại thành phố, Taeko khao khát trải nghiệm một thế giới khác ngoài thế giới cô đang có, vậy nên cô dành kì nghỉ của mình để tới một nơi khác biệt hoàn toàn là tham gia thu hoạch hồng hoa với những người nông dân trong làng. Cái đặc biệt của nhân vật Taeko là cô ý thức được đây chỉ là một công việc tạm thời, rằng cô chỉ mong muốn thứ mình không có, rằng đây chỉ là một chuyến dạo chơi, một thú vui bốc đồng nào đó của tuổi trẻ. Khi Taeko được đề nghị mai mối với Toshio và ở lại làng sống luôn, cô gái bỏ chạy không chỉ vì khó xử trước sự thẳng thắn đến vô duyên (nhưng hiệu quả và cần thiết) của cụ bà, cô xấu hổ vì tưởng rằng mình bị nhìn thấu. Trong thâm tâm, Taeko cho rằng mình chỉ là một cô gái theo trào lưu. Cô tỏ vẻ như mình không giống những cô gái thành thị khác khi hăng hái sôi nổi làm việc trên cánh đồng và luôn miệng nói rằng mình yêu thích cuộc sống ở thôn quê nhưng khi thực sự có được cho một cơ hội để ở lại, cô không làm được. Mọi thứ chỉ là sự giả tạo, rỗng tuếch và Taeko như thường lệ, chỉ là loại gái thảo mai và giả vờ tốt bụng, như khi cô giả vờ tốt bụng với thằng nhãi bất lịch sự cùng bàn hồi tiểu học. Taeko đã nghĩ về bản thân như thế. Cô gái có sự trưởng thành và nghiêm khắc khi nhìn nhận bản thân, cộng với sự tỉnh táo nhận ra những khó khăn không thể lường trước được khi thực sự sống ở nông thôn. Không như bao người trẻ mơ mộng và lãng mạn, Taeko đủ thực tế khi quyết định chọn lựa trở về thành phố. Nhưng đó có thực sự là điều cô gái mong muốn?
Cái kết hậu hĩ |
Chưa bao giờ mình cảm thấy thõa mãn với một cái kết phim như cái kết
của Only Yesterday. Khi Taeko ngồi trên tàu và trở về thành phố tiếp tục với cuộc
sống trước đây, nó thực sự vẫn là một cái kết hợp lý và ý nghĩa đủ đầy nếu nhân
vật chọn đi con đường đó. Điều hay ho là mình đã thực sự đi theo câu chuyện của
Taeko, đi theo những bước chạy trong suy nghĩ và sự loay hoay của cô gái trước
ngã ba đường, đến nỗi khi cô ngồi trên tàu, phần lý trí của mình gật gù đồng
tình, bởi đó là một quyết định hợp lý và khả dĩ nhất cho nhân vật, một cái kết
đúng chuẩn cho một bộ phim mang hương vị thực tế như Only Yesterday. Nhưng đâu đó, trong tình cảm của mình, mình muốn cô
ấy đứng dậy rời tàu, quay về làng, dám làm một điều mà mình không bao giờ dám
làm. Và khi đó, khi bài hát “Love is a
flower, you are the seed” sến rện vang lên, những khuôn mặt từ quá khứ và
Taeko từ quá khứ xuất hiện, dắt Taeko của hiện tại bước tiếp và dũng cảm chọn
đi cái con đường khó khăn vất vả hơn nhưng đó là con đường cô trái tim cô muốn.
Như mình đã nói ngay từ đầu, “right timing”, Only Yesterday cho mình đúng thứ mình cần trong cái thời điểm mình
cần và nó cho Taeko thứ cô cần trong cái thời điểm cô cần. Một khoảnh khắc khi
mọi quyết định đều rõ ràng, một cú điện thoại, một cái cúi đầu bắt đầu một tình
yêu, một cú quay xe khét lẹt đưa Taeko vào một thế giới cô chưa từng biết nhưng
nay đã dám thử để biết. Và trên hết, nó không cần một đoạn thoại nào để giãi
bày, bởi thực tế con người không có cần phải diễn thuyết về thứ họ muốn, Taeko
và Toshio thậm chí còn không có cần một cái ôm hay cái nắm tay để biết cả hai
thân thiết và gắn bó. Mình nghĩ đó là lần đầu tiên mà mình xem phim và khóc
chia vui với hạnh phúc của nhân vật. Mình không nhớ mình đã replay cái đoạn kết
đó bao nhiêu lần và rớt nước mắt bao nhiêu lần, cũng có thể do bài hát có giai
điệu hoài cổ đó bắt tai và gây mủi lòng, mình không rõ nữa. Có lẽ càng lớn mình
càng sến, càng thích kết thúc có hậu. Mình đã thực sự muốn bộ phim dẹp bỏ cái
lý lẽ thực tế ra và dám mơ mộng một lần, và bộ phim đã dám để Taeko mơ mộng,
dám để mình mơ mộng. Và mình cảm ơn phim vì điều đó.
Một trong những khung hình đẹp |
Ngoài phần thiên nhiên đẹp xuất sắc (một điểm chung hoàn mĩ trong
mọi phim của Ghibli khi mọi khung hình về cây cỏ, đời thường đều có thể làm
tranh treo tường), nét vẽ con người trong Only Yesterday có điểm khác biệt so với
những phim hoạt hình khác. Nó có vẻ “người” hơn. Mỗi khi nhân vật cười hoặc có
biểu cảm khác, cơ mặt của họ sẽ được vẽ rõ, khiến cho đôi lúc nó hơi “sợ” so với
anime nói chung (nhân vật nhìn đẹp trong mọi tình huống). Mình nghĩ cách vẽ như
vậy chỉ là một lời khẳng định là Only
Yesterday là phim hoạt hình cho người lớn nên phong cách hoạt họa cũng phải
“đời” và “thực” hơn. Bản thân mình không thực sự thích cách vẽ gương mặt như vậy
nhưng mình đoán nó cần thiết khi miêu tả nhân vật. Mỗi khi Taeko và Toshio cười,
ta cảm thấy họ thực sự đang “cười”, sự rạng rỡ trong biểu cảm nhân vật thực sự
rất dễ mến và dễ lây. Và chính cái nét vẽ
đó tại điểm nhấn cho Only Yesterday
khi mình nhận ra nét riêng biệt của tác phẩm, một điểm cộng cho bộ phim đã có một
nội dung rất riêng và khác biệt rồi.
Đối với mình, Only Yesterday
là bộ phim xuất sắc nhất của Takahata Isao. Bảo bộ phim giản dị là không đúng,
nó thực sự rất cầu kì, mọi chi tiết đều được tính toán và cân đong đo đếm cẩn
thận. Nó cũng phản chiếu rõ cái tinh thần “thực tế” của vị đạo diễn mà không cần
phải giết hại nhân vật hoặc chia ly sụt sùi gì hết. Ghê hơn, nó còn dám có hậu.
Nhiều người nghĩ một bộ phim sẽ đáng nhớ hơn nếu họ buông cho nó một cái kết lửng
lơ ai muốn nghĩ gì thì nghĩ, hoặc đơn giản cứ cho nhân vật chết bất đắc kì tử để
chọc giận khán giả thì vẫn đáng nhớ hơn một cái kết ai cũng vui, huề cả làng.
Mình đoán phản ứng thế nào thì tùy vào cảm nhận và mong muốn của từng người. Bản
thân mình nghĩ kết thúc có hậu không quan trọng bằng cái cách bộ phim cho nó có
hậu (nghe hơi tối nghĩa nhưng nó đại loại giống cái câu “của cho không bằng
cách cho”). Mình vẫn nhớ cái cách mình ngồi trước laptop, cả tinh thần và tình
cảm ngồi bên bờ vực, chờ đợi Taeko thay đổi quyết định, chờ đợi một “điều kì diệu”.
Và nó vỡ òa mọi cảm xúc, mọi niềm tin được đáp đền, cứ như thể đội bóng mình cổ
vũ vô địch World Cup. Đó là thứ cảm xúc sẽ khó có phim nào có thể đem lại lần nữa.
Và vào cái thời điểm này của cuộc đời, mọi kĩ thuật, lý do, cốt truyện,… tất cả
đều không có nghĩa lý nào cả. Sẽ không có một phim thứ hai như Only Yesterday và nó sẽ luôn giữ một vị
trí quan trọng trên cái con đường mình cố gắng để trưởng thành. Đó, bộ phim đặc
biệt như thế đó.
Nhận xét
Đăng nhận xét