Về Pom Poko (1994)

(Tác giả thực ra không có định viết về phim này, mà hơi quá trớn nên đành vậy)
Spoiler Alert!!!!!

Ghibli không chỉ có Miyazaki Hayao, họ còn có Takahata Isao.

Thực tế thì mặc dù tất cả các phim của xưởng Ghibli đều có chất lượng từ tốt đến xuất sắc, hầu hết những bộ phim nổi tiếng nhất của hãng đều đến từ sự kết hợp của bộ đôi Hayao Miyazaki và Joe Hisaishi. Sự thành công cả về thương mại lẫn nghệ thuật của hai ông chú này hoàn toàn xứng đáng và không cần bàn cãi, chỉ là thiên hạ (như mình) phần nào vô tình bỏ lọt những tác phẩm hay ho không kém của Takahata Isao. Bản thân chú này cũng đã vô cùng nổi tiếng sau khi xuất xưởng Grave of the Fireflies (Mộ Đom Đóm) kinh điển, một bộ phim lấy hết nước mắt của bao nhiêu khán giả vô tội xem trúng, nó mở đường cho sự hoài nghi của mình là mọi bộ phim (kể cả hoạt hình) đều có thể có cái kết táng tận lương tâm. Vấn đề của Takahata Isao không phải là chất lượng của Mộ Đom Đóm, chỉ là nó quá hay, lấy đi quá nhiều nước mắt nước mũi và lòng tin vào “hoạt hình có hậu” của mình, nên những bộ phim sau đó của ổng phần nào bị che mờ mất hoặc cố tình bị bỏ qua. Thậm chí cả một phim 100% cà chua tươi trên Rotten Tomatoes như Only Yesterday cũng hiếm khi được đề cập đến.

Hình ảnh biểu tượng khá thẳng thắn cho 
thông điệp của phim

Mình đã xem tất cả phim Ghibli của Takahata Isao (vốn không có nhiều lắm), mặc dù không phải phim nào cũng xuất sắc nhưng mình đánh giá cao việc ổng chủ động tìm tòi đổi mới và làm đa dạng câu chuyện phim (phim của Miyazaki Hayao thường có cái cốt na ná nhau – gạch đá đâu mình chịu, sự thật nó là như thế). Nếu mạn phép đi so sánh với những phim Ghibli khác của Miyazaki Hayao thì phong cách của Takahata Isao “trưởng thành” hơn và mang cốt cách tàn nhẫn của thực tại, phản ánh mục đích làm phim cũng nhận thức về ý nghĩa của nghề nghiệp của vị đạo diễn: nghệ thuật vị nhân sinh.



Cứ xem Mộ Đom Đóm (1988) thì biết trong triết lý làm phim của Takahata Isao. Mèn ơi phim hoạt hình mà dám để bé gái mồ côi chết đói rồi bi kịch chồng chất bi kịch trong phông nền nỗi đau chiến tranh tang thương. Không cần nói giảm nói tránh, không cần thay đổi câu chuyện nguyên gốc, chả quan tâm gì đến kết thúc có hậu, phim hoạt hình cũng được xài để phản ánh thực tại được tuốt, người lớn khóc sưng mặt cũng được tuốt, trẻ con coi chẳng hiểu cũng được tuốt. Bộ phim lên án chiến tranh, phê bình người anh trai nông nổi đã gián tiếp gây ra bi kịch cho đứa em gái, miêu tả nỗi buồn chung của đất nước Nhật Bản trong thời đại khốn khó, đặc quánh sự khắc nghiệt của bản chất con người cũng như sự đói nghèo mà không cần che đậy hay tô hồng gì sất.

màn "jumpscare" vô dụng nhất mọi thời đại

Pom Poko (Cuộc chiến Gấu mèo – 1994), nội dung chính của bài viết này, có thể coi là một ví dụ điển hình của việc Takahata Isao thích phản ánh thông điệp nghiêm túc, nghiêm trang, nghiêm trọng của xã hội trong sản phẩm của mình. Bộ phim mang yếu tố dân gian kì ảo khi loài gấu mèo không những có phép thuật biến hình như Tôn Ngộ Không, chúng còn có một “xã hội” nhỏ với tôn ti trật tự, lịch sử hoành tráng và đầy kiêu hãnh. Tuy vậy, bộ phim lại được đặt trong bối cảnh Nhật Bản thập niên 60 khi nền kinh tế bắt đầu bùng nổ, con người bắt đầu xâm lấn tự nhiên để xây điện đường trường trạm và các khu dân cư đô thị. Việc phá rừng theo quy hoạch này đã đẩy một cộng đồng gấu mèo vào nguy cơ mất nhà mất đất. Từ một sinh vật ngờ nghệch, vô lo, ham ăn, ham vui và có tầm nhìn ngắn hạn, lũ gấu mèo buộc phải thay đổi bản thân và hoạch định chiến lược vi mô và vĩ mô trong một cuộc chiến không khoan nhượng trước loài người nếu không muốn rơi vào cảnh vô gia cư và chết đói. Cả bộ phim tràn ngập những sinh vật béo tròn dễ thương cùng phép thần thông ảo diệu nhưng tuyệt nhiên mình không thấy buồn cười, đấy là chưa kể đến cái thông điệp, cái thực tại cuộc sống, cái bài học rút ra của phim cực kì chua chát, phũ phàng và tàn nhẫn.

Hội nghị "bàn tròn" của lũ gấu

Cái sự “tàn nhẫn” trong suốt bộ phim (mà có lẽ chỉ người lớn mới nhận ra) là cuộc chiến của đám gấu mèo là một cuộc chiến vô vọng, là một cuộc chiến đã định rõ thắng thua từ lúc bắt đầu. Bộ phim xây dựng nên một xã hội gấu mèo hao hao với xã hội loài người và cũng tương tự với cách chúng ta sẽ ứng xử khi đối mặt với một cuộc chiến. Trong xã hội đó, có các già làng biết “nhìn xa trông rộng” hơn và đưa ra những sách lược đúng hướng, có hai phe chính trị chủ chiến và chủ hòa với hai người lãnh đạo có phong cách khác biệt hoàn toàn, có những thần dân tài giỏi và những con đen con đỏ chỉ biết nghe theo và chấp nhận lệnh,…. Trong khi những con gấu mèo với sách lược và chiến thuật thì quá hiền hòa và nhu nhược thì những con gấu mèo mạnh mẽ và có xu hướng chiến đấu chỉ là đám võ biền hữu dũng vô mưu, cả hai phe đều không thể gây hại cho con người. Và dù có thể, vài trăm con gấu mèo có thể thực sự làm được gì con người với máy móc, bản đồ, giấy phép xây dựng? Diễn biến câu chuyện khấp khởi hy vọng khi lũ gấu mèo xác định được vấn đề, mục tiêu, đối thủ và đưa ra kế hoạch 5 năm và các phương án để đối phó loài người. Không chỉ vậy, chúng sẵn sàng thay đổi tâm tính của giống loài khi tập luyện phép thuật, nhịn sex, nhịn nhậu… để chuẩn bị và rèn luyện, thậm chí cử đại sứ đi cầu viện cho trận chiến trước mắt. Cuộc chiến có lúc được, lúc mất, có thất trận, có thắng trận,… nó chỉ đơn giản là một sự giằng co tạm thời và mình cảm thấy càng lúc càng vô vọng khi câu chuyện đi gần tới kết thúc. Bản thân mình khi xem phim không hề biết người đạo diễn Pom Poko cũng là Takahata Isao, là cha già đạo diễn của Mộ Đom Đóm, bởi nếu mình biết, có lẽ mình đã chuẩn bị tinh thần cho cái kết phim. Mình đã phạm một sai lầm khi mong chờ một phép màu cho đám gấu mèo, dẫu rằng mình biết cuộc chiến của chúng là vô ích. Mình đã mong con người đổi ý và không phá hoại ngọn núi của tụi gấu, mình đã mong chúng làm một cuộc di cư tới một ngọn núi khác và sống tiếp cuộc sống thảnh thơi và vô lo trước đây, bởi vì người Nhật cũng biết quan tâm sinh thái dữ lắm. Nhưng Takahata Isao, với chủ trương là “đời là bể khổ”, tạo dựng một cái kết không thể thê thảm hơn cho cộng đồng gấu mèo và xây dựng cái kết đó phù hợp với tính cách và con đường chúng chọn, với vài ý nghĩa biểu tượng nghệ thuật gì đấy (mình không có hiểu). Phe chủ chiến với trái tim nóng hổi và mấy cái não rỗng tuếch xông vào giáp lá cà với của con người bằng niềm tin sách vở rằng mấy cái hòn “bi” khổng lồ của tụi nó có thể đọ được súng đạn. Kết quả: Chết vì ngu. Đám gấu mèo yếu thế không có phép thuật cũng không có khả năng thích nghi hoặc sinh tồn nào khác chọn việc đi qua tây thiên cực lạc với một vị trưởng lão. Kết quả: Chết vì tự sát. Những con gấu mèo còn lại, tự biến hóa, sống hòa lẫn với con người hoặc sống nơi đầu đường cống rãnh để sống tạm và mơ tưởng về cuộc sống xanh tươi ngày trước. Kết quả: Chết trong tâm hồn/ Chết tuổi 25 mà chỉ được chôn tuổi 75/ Sống mà như chết.

Ba vị trưởng lão chỉ giỏi tỏ vẻ nguy hiểm

Bản thân những con gấu mèo trong Pom Poko xứng đáng có một cái kết có hậu hơn thế, đặc biệt là khi chúng đã làm mọi việc chúng có thể làm trong quyền năng, sức mạnh và giới hạn đạo đức chúng cho phép để cứu chính mình nhưng không được. Nhưng có thực là chúng đã làm mọi thứ trong khả năng của mình? Với vũ khí là khả năng biến hình thành con người hoặc bất cứ đồ vật nào chúng muốn, và đối với một vài vị trưởng lão còn là pháp thuật tạo ra một màn âm thanh ánh sáng, đèn LED hoành tráng hơn bất cứ sân khấu và CGI nào trong phim Marvel, loài gấu mèo hoàn toàn có thể một tay phá nát thế giới nếu chúng là một sinh vật tham vọng và mưu mô. Phép thuật của đám gấu mèo là vô cùng hữu ích, động cơ chiến đấu của chúng là vô cùng chính đáng, ấy vậy nhưng chúng cũng vẫn thua thê thảm, thậm chí chưa từng thực sự làm lung lay quy hoạch san núi xây nhà của con người. Đơn giản vì đám gấu mèo không biết cách gây thiệt hại lớn hơn ngoài dọa ma con người và gây tai nạn hại chết vài lái xe vô tội. Mình thực sự mệt mỏi khi những chiến lược của đám gấu trên lý thuyết thì rất sâu xa và cao siêu nhưng khi triển khai áp dụng trên thực thế thì kém hiệu quả và vô cùng ăn hại. Đặc biệt là khi ba cụ trưởng lão xuất hiện sang ngầu với phép thuật đầy mình và lấp lánh hy vọng, mình đã tưởng đám gấu mèo có thể có một pha kết liễu hoành tráng. Hoành tráng thì có rồi, nhưng tất cả bao nhiêu năng lượng, thậm chí là tính mạng của một vị trưởng lão chỉ để cống hiến một màn diễu hành thần tiên vô hại giải trí cho con người. Đó là tất cả những gì loài gấu mèo có thể nghĩ ra được? Đối với những con người may mắn được chứng kiến cảnh tượng đó, nó chỉ như một giấc mộng đẹp, một trải nghiệm phi thường có một không hai, một điểm sáng của việc sống ở nơi diệu kì đó. Việc tranh đấu vớ vẩn của lũ gấu mèo đương nhiên phù hợp với tập tính chất phác và vô lo loài vật, nguyên nhân chủ yếu khiến chúng bỏ lỡ cơ hội và thua cuộc. Ồ, nói vậy thì loài gấu mèo cũng rất “người”, bởi cái sự self destruction, cái nút “tự hủy” mà nhân loại đang mang cũng khổng lồ lắm.

Một thời vàng son

Pom Poko đã thất bại (hoặc chủ định của đạo diễn là như vậy, hoặc mình là người máu lạnh nhẫn tâm) trong việc khiến mình ủng hộ phe gấu mèo. Bản thân mình không khỏi chạnh lòng khi đám gấu tự sát hoặc chôn vùi mình trong thế giới con người, nhưng mình nhận thức được kết quả này đến cũng có nguyên nhân từ chúng và việc kinh tế phát triển và con người mưu cầu hạnh phúc là tất yếu (họ không có thèm đếm xỉa đến việc hạnh phúc của mình là tan nhà nát cửa kẻ/ gấu mèo khác). Chính cái tâm lý này tuy không làm giảm nhẹ bi kịch của đám gấu mèo nhưng nó phần nào làm giảm sút mục đích phê phán việc con người vì lợi ích riêng mà phá hoại môi trường, không đếm xỉa đến tự nhiên, gián tiếp hủy diệt hệ sinh thái và môi trường sống của các loài động vật,…. Đấy là chưa kể đến thông điệp không cũ không mới này được thể hiện khá lộ liễu trong một bộ phim hoạt hình không được hài hước cho lắm nên khiến bộ phim bị chán và nặng nề.

Một màn "makeover" hết hồn
của con người đối với tự nhiên

Vậy nên với những bài học to tát xịn xò nghiêm nghị của bộ phim về bảo vệ môi trường trôi tuột qua đầu mình, cái đọng lại có lẽ chỉ là một chút buồn của việc nuối tiếc dĩ vãng, nỗi băn khoăn về hạnh phúc, về mục đích tồn tại của lũ gấu mèo khi phải sống cái cuộc đời vô vị, mệt mỏi của con người. So với cái thế giới xanh tươi, trời sinh voi, trời sinh cỏ của lũ gấu mèo trước đây, khi mà ban ngày tụi nó đàn đúm, ban đêm nhậu nhẹt ca hát, cuộc sống sáng chen chúc trong cái toa tàu điện ngầm chỉ để làm việc quần quật, lay lắt chờ đến cuối tuần và đầu tháng lãnh lương của con người chán bỏ xừ ra. Sống như thế có đáng là sống hay chỉ đơn giản là tồn tại? Cái kết phim, khi mà những con gấu mèo cơ nhỡ tập trung trong công việc và “giả vờ” sống lại cái khoảnh khắc vô lo vô tư của cuộc đời thanh bình nhàn rỗi lúc trước. Mình thương cảm cho cái góc hoài niệm của chúng về “the good old days”, về quá khứ vàng son, về các câu hỏi bất định về tương lai và giá trị sống. Chính nó mới là thứ mình thấy thú vị nhất của phim.

Bản thân mình viết về Pom Poko không phải là vì mình thích phim, chỉ là phim có một số khía cạnh đặc sắc đối với một phim hoạt hình mà mình cho là khá thú vị và đáng được đề cập. Như cái cách câu chuyện được kể như một phim tài liệu với dẫn chuyện, cách nhân vật được giới thiệu và hành động được miêu tả với phong thái “trung lập”, dửng dưng. Các nhân vật có tính cách, số phận riêng và tạo hình đủ để phân biệt con gấu mèo này với con gấu mèo khác. Bản thân chúng cũng được xây dựng có chiều sâu tương đối để không quá nhạt nhòa hay một chiều,… Và chính nó khiến mình chú ý đến Takahata Isao và phong cách làm phim của ông, nó thực sự khác trời biển so với phim của Miyazaki Hayao (một phong cách phần nào định hình nên tên tuổi của Ghibli). Nói sao bây giờ, Takahata Isao có cái “lạnh”, cái kỹ thuật khi xây dựng nên một câu chuyện phim chắc chắn, toàn diện với ý tưởng tương đối tốt. Chỉ là trong Pom Poko, mình không cảm thấy cái phần “ấm” của cảm xúc, không có cao trào bùng nổ gây ấn tượng trong lòng khán giả (hoặc ít nhất là mình), một phần cũng rất quan trọng trong một tác phẩm điện ảnh.

 Tóm lại, sau khi bộ phim kết thúc, mình không cảm thấy hụt hẫng cũng như không thấy có gì đáng để lưu tâm (vậy mà cũng ngồi viết cái bài này). Mình không nghĩ đạo diễn đã làm tốt nhất có thể nhưng mình cũng không thể chỉ mặt đặt tên phần nào ông phải cải thiện. Nó cứ trung tính và trung bình một cách bất thường. Mà ai biết, có lẽ mình chỉ giỏi phức tạp hóa vấn đề. Tất cả chỉ là một tối chủ nhật mà thôi.

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo