Về Maborosi (1995)

                                               (Spoiler Alert)

Sau hơn 3 năm được giới thiệu, cuối cùng mình cũng coi Maborosi. Mình vẫn nhớ là khi lần đầu nghe đến tên bộ phim, mặc dù chả hiểu tên phim nghĩa là gì, nội dung phim ra sao, trong đầu mình tưởng tượng đến một dòng sông lấp lánh ánh vàng hoàng hôn và hình ảnh của một người phụ nữ trẻ, xõa tóc, đứng cô đơn nhìn về dòng sông đó. Mình chẳng hiểu sao hình ảnh vô căn cứ đó cứ ở trong đầu mình hoài, buồn bã, rực rỡ và lãng mạn, thành thử mình cứ chần chừ xem phim, vì mình cứ nghĩ nó chán chán.

Thực sự là phim rất đẹp....

Hóa ra hầu hết mọi thứ trong tâm tưởng của mình về Maborosi đều sai lầm cả. Phim chả phải là phim Ý đã đành, phim cũng chẳng có dòng sông nắng lóa mắt chi hết, chỉ có một “cái” biển thâm trầm, khó đoán và mênh mông đến bất tận. Cả bộ phim hầu như không có khối màu nóng rực rỡ của cuộc sống lấy đâu ra dát vàng dát bạc, nhưng bảo phim buồn thì nó lại không thật buồn, nó giống như một sự ám ảnh, cô liêu thì đúng hơn. Bộ phim không có vẻ đẹp lãng mạn kiểu yêu đương thất tình như mình đã tưởng, nhưng nó lại lãng mạn trong những thước phim rười rượi nên thơ, trong những sự trăn trở, đắn đo, bão ngầm không mấy tích cực cũng như không thể giãi bày cùng ai của tâm trạng các nhân vật. Cô gái trẻ thì vẫn còn đó, tuy không quay lưng với mình nữa nhưng sự cô đơn thì dường khi không thay đổi, cái cảm giác xa xôi và “hàn lâm” của phim thì vẫn còn nguyên, tịch mịch, phức tạp, chới với.

 

Maborosi là phim nghệ thuật – nghệ thuật đúng nghĩa. Một số phim hàn lâm có giải này giải nọ vẫn có câu chuyện giải trí rất tốt, xem rất hấp dẫn và sâu sắc, chua cay, Maborosi thì đúng là phim nghệ thuật mang đậm tính nghệ thuật, nên ai xem không hợp thì nó buồn ngủ chết đi được. Maborosi có một câu chuyện giản dị đến mức chỉ cần ba câu để kể hết, trong một bộ phim gần 2 tiếng đồng hồ với dày đặc tâm lý, đau đáu, hoang mang được thong thả kể lại qua muôn trùng cảnh quay ngoại cảnh, chậm chạp nhưng đẹp đến thắt lòng.

Sau khi nhận tin người chồng đầu tự tử bỏ lại Yumiko và đứa con trai 3 tháng tuổi mà không có lấy một lời trăn trối, mọi thứ xung quanh nàng dường như sụp đổ. Vài năm sau, Yumiko tái hôn, là một cuộc hôn nhân qua mai mối. Dẫu cuộc sống mới của Yumiko rất tốt đẹp, nàng cuối cùng vẫn bị quá khứ bắt kịp và không thể thoát được ám ảnh về cái chết của người chồng trước và nguyên nhân tại sao anh quyết định bỏ lại cuộc đời và bỏ lại mẹ con cô để ra đi.

Nội dung phim chỉ có thế. Xem Maborosi giống như đọc một quyển tiểu thuyết kén độc giả vậy, bởi cốt truyện thì ít mà miêu tả tâm lý thì quá nhiều, nhân vật thì có đủ thứ để suy nghĩ. Bản thân mình ngoài liên tưởng phim đến truyện ngắn Thủy Nguyệt của Kawabata bởi câu chuyện chồng cũ – chồng mới có vẻ “tương tự” nhau, mình còn liên tưởng đến Rừng Na Uy của Hurakami bởi ám ảnh về cái chết của các nhân vật. Mình thậm chí đã gọi Yumiko là “nàng”, mình chẳng rõ nữa, nó có một sự nên thơ và văn vẻ mạnh mẽ trong giọng kể trữ tình của phim.

 

Một hạnh phúc tạm bợ

Toàn bộ trung tâm của phim là nhân vật Yumiko và bầu trời tâm trạng của nàng. Không quá khó hiểu tại sao nàng lại chật vật như vậy sau cái chết của người chồng đầu tiên. Yumiko rõ ràng là yêu anh, đôi khi mình còn nghĩ là nàng yêu anh nhiều hơn anh yêu nàng rất nhiều, nhưng anh thực sự là có yêu nàng. Khi hai người nói chuyện với nhau, vẫn luôn là Yumiko nói nhiều hơn, cười nhiều hơn, gợi chuyện nhiều hơn, nhưng anh vẫn nhìn vợ với ánh mắt trìu mến và vẫn cố gắng “giao tiếp” với nàng. Khoảng cách của hai vợ chồng là có, nỗi lo gánh nặng kinh tế vợ con cũng có, nhưng cái cách họ sống bên nhau nó không áp lực tí nào, yên tĩnh, bình yên đến lạ lùng, bởi trong căn nhà có trẻ con mà mình thậm chí còn không nghe thấy tiếng khóc. Đó có lẽ là dấu hiệu rõ ràng nhất về sự bất thường trong cuộc sống tưởng như tràn đầy hy vọng của Yumiko. Khi mình nhìn thấy cảnh quay Yumiko nhìn theo tấm lưng chồng đi thật xa, nó giống như cảnh ngày xưa, khi nàng nhìn theo bóng người bà đi khuất hẳn. Bà nàng lâu lâu lại bỏ nhà đi để được chết ở quê, lần ấy khi bà nàng đòi đi, nàng đâu biết đó là lần cuối nàng nhìn thấy bà. Nàng vẫn luôn tự trách mình sao buông tay để bà đi mất, nó như một sự gặm nhấm lương tâm cho đến tận khi lấy chồng nàng cũng không thể quên được. Đối với khán giả như mình, nhìn thấy bóng lưng của anh chồng dần xa, mình biết đó là lần cuối Yumiko được nhìn thấy chồng, chỉ là mình không ngờ anh bỏ rơi mẹ con nàng theo cách cực đoan và tuyệt đối nhất. Trong suốt đoạn phim bi kịch về cái chết của người chồng, khán giả không thấy Yumiko khóc, nhưng đâu đó, khán giả nhìn thấy mọi thứ hạnh phúc nàng đang có đã vụn vỡ đến nát bét theo từng khoảnh khắc, màu sắc xung quanh nàng chợt biến mất, tất cả mọi thứ dường như không còn có giá trị gì để cố gắng nữa. Một phần lớn tâm hồn nàng bị tổn thương và chết đi. Đó là những thứ mãi mãi bị đánh mất.

 

Một hạnh phúc tạm bợ khác

Sau vài năm, Yumiko gượng dậy được. Yumiko có lẽ vẫn yêu chồng cũ của nàng, kể cả khi anh bỏ nàng lại trong chênh vênh, trống vắng và muôn trùng nỗi lo, sự tuyệt vọng về tương lai. Đến mức khi sắp đi lấy chồng mới, nàng vẫn ngồi lật giở từng tấm ảnh cũ của anh, tự hỏi tại sao một người đàn ông giàu năng lượng với nụ cười tươi đó có thể chọn cho mình một kết cục như vậy? Nàng tái giá với một người đàn ông góa bụa và cùng con trai chuyển tới sống ở nhà chồng mới, một vùng nông thôn ven biển hoàn toàn trái ngược với cuộc sống chật chội, tách biệt trong thành phố của nàng. Mình đã nghĩ cuộc hôn nhân này chắc khó khăn lắm, vì phải thế thì phim mới có chuyện để coi chứ. Mình nhầm to, người chồng mới của nàng xởi lởi, dễ gần, thương yêu con nàng như con mình, con gái riêng của anh này cũng hiểu chuyện và thương nàng như mẹ nó, hai đứa trẻ chơi với nhau khăng khít không chút tị niềm. Bố chồng nàng tuy có hơi lú lẫn nhưng cũng thương yêu mẹ con nàng. Ngôi làng nhà chồng nàng tuy có heo hút, thiếu thốn nhưng cộng đồng khăng khít và không quá khó để nàng có thể kết thân với cuộc sống mới. Mọi thứ trong cuộc hôn nhân thứ hai dường như khác hẳn với cuộc hôn nhân đầu, chồng nàng dẫu không nói hết mọi điều anh nghĩ, anh vẫn là người nói nhiều hơn, cười nhiều hơn, gợi chuyện nhiều hơn. Cuộc hôn nhân này có thể không xuất phát từ tình yêu, nó toan tính, lý trí hơn khi cả nàng và chồng mới của nàng đều đã trải qua rạn vỡ và mất mát, nhưng nó không có nghĩa là họ không cố gắng để vun đắp và khiến nó trọn vẹn.

 

Nàng đã vui được trong một khoảnh khắc, trước khi lại quay trở về dằn vặt bản thân về cái chết của người chồng đầu. Nàng chưa bao giờ quên anh, cũng như cái cách anh bỏ rơi nàng, nàng chỉ tạm thời cất giữ và khi đã lỡ nhìn lại, nàng không thể ngừng đau đáu về nó, đến mức nàng muốn vứt bỏ cơ hội thứ hai và gần như đánh mất chính mình và hạnh phúc tạm bợ nàng đang có. Nhưng mình không thể trách nàng. Nàng thực lòng yêu thương anh và anh bỏ nàng đi không một lời chào tạm biệt, không một dấu hiệu cho thấy anh đang suy sụp, không một lý do thực sự thỏa đáng nào mà một người đang có mọi thứ trong tay lại muốn xóa bỏ mình ra khỏi thế giới như vậy. Sự ích kỉ của anh bỏ Yumiko lại với muôn vàn câu hỏi, và dĩ nhiên, nàng tự vấn bản thân xem nàng có phải là nguyên nhân anh tự tử, nàng tự trách mình không nhìn thấy sự bất thường từ chồng, nàng thắc mắc điều gì khiến anh cuốn vào quyết định đó. Bao nhiêu câu hỏi trong lòng nhưng người đàn ông kia đã chết, Yumiko sẽ mãi không bao giờ có được câu trả lời đủ để xoa dịu nỗi đau và sự ấm ức của mình. Bảo là buông bỏ, nhưng đâu phải cứ buông là bỏ được. Nàng cả đời sẽ không thể buông tay được.

 

"Chạm"

Đoạn kết phim, khi Yumiko trở về với sự ám ảnh về cái chết của chồng, nàng giận dữ trách chồng mới sao có thể cưới nàng khi anh yêu người vợ trước tha thiết như vậy. Anh đã sẵn sàng bỏ mọi thứ để về vùng quê nóng lạnh khắc nghiệt này để cưới cô, vậy mà cô chết rồi anh cũng cưới vợ mới được. Đó chẳng phải là Yumiko trách chồng, nàng đang tự trách mình khi vẫn có thể tái giá cho dù không thể quên được kí ức của người chồng trước, và nàng đang tự giận dữ với chính mình khi vẫn còn quan hoài mãi không thôi về cái chết của anh. Sự ám ảnh đó khiến nàng “bỏ đi”, bị cuốn vào một đám tang xa lạ và chìm trong vào sự dằn vặt, xót thương của chính mình. Và nàng sẽ mãi như thế nếu người chồng mới của nàng không tới. Đối với mình, đoạn đó rất “kịch tính” và ấm áp lạ thường, bởi Yumiko, đi ngược với sự lặng lẽ và “vô cảm” ngày thường, đã dám thổ lộ cái điều nàng chưa từng thổ lộ với ai, đặc biệt lại đi thổ lộ với cái người không phù hợp nhất để thổ lộ. Nàng hỏi người chồng mới về cái chết của người chồng cũ và thú nhận không thể ngừng suy nghĩ về nó. Người chồng mới của nàng, người cũng từng mất đi người anh yêu thương và có lẽ cũng từng tan vỡ như nàng từng tan vỡ, trả lời câu hỏi của nàng bằng những gì mà anh biết, không giận dữ, không ghen tuông, không thắc mắc. Câu trả lời đó đúng hay sai, nó không quan trọng nữa, nó là cái phao cứu sinh cho Yumiko ngoi lên thể bước tiếp, và nó cũng là cây cầu kết nối của hai vợ chồng khi đây là lần đầu tiên họ thực sự đo được chiều sâu tâm hồn của nhau.

 

Dẫu trải qua dằn vặt của quá khứ, mình vẫn nghĩ Maborosi có một cái kết tươi sáng. Trong suốt bộ phim, hầu hết các nhân vật đều mặc đồ đen, đặc biệt là Yumiko. Trước đó, khán giả chỉ được thấy Yumiko trong bộ trang phục học sinh trước cái biến cố đầu đời về việc người bà của nàng mất tích. Sau đó, lúc nàng đang hạnh phúc với người chồng đầu tiên, khi chồng nàng qua đời, khi nàng đi lấy chồng mới, cũng như bầu trời luôn xám và thời tiết se lạnh, nàng đều mặc đồ đen từ đầu đến chân. Chỉ có bữa tiệc ra mắt quê chồng là nàng và chồng mới của nàng mặc áo trắng, sau đó nàng quay lại với tông đen quý phái quen thuộc. Nhưng đến mùa hè đầu tiên trong cuộc hôn nhân mới, khi nàng đã quen với cuộc sống và người chồng mới hơn, khán giả được nhìn thấy nàng cười và mặc một màu áo quần khác. Màu sắc vẫn thâm trầm kín đáo như tâm tư của người phụ nữ đã trải qua mất mát, nhưng nó không còn là màu đen nữa. Mãi đến khi nàng quay trở về thành phố cũ và bắt đầu tự vấn về nguyên nhân người chồng trước tự sát, nàng lại bắt đầu mặc đồ đen. Trong cảnh cuối phim, giữa giữa một mùa hè sáng rỡ, nàng mặc cái áo sơ mi trắng và váy xanh, ngồi ngoài hiên nói chuyện vô thưởng vô phạt với bố chồng trong tiếng cười nói của gia đình mới của nàng ở phía xa xa. Bản thân Yumiko không cười hay có bất cứ biểu hiện gì của việc nàng đã bước qua quá khứ và sống tiếp, nhưng đối với mình, nỗi đau đó đã nguôi ngoai, hay ít nhất là đã bị quên lãng, và nàng biết cuộc sống hiện tại của nàng là hạnh phúc nàng phải nắm giữ. Hay ít nhất, nàng đã ngừng đổ lỗi cho bản thân khi một ai đó nàng yêu thương đi mà không trở về nữa, bởi ai đó đã trở về và sẽ trở về.

 

....nhưng cũng rất buồn

Maborosi dày đặc các cảnh quay hoàn mĩ có tốc độ từ chậm đến rất chậm, được nhấn nhá thêm nhạc nền sầu muộn rất hợp thời trang và tâm trạng nhân vật. Những góc quay đó, đôi khi chỉ là nhân vật bước tới, thong thả, luyến tiếc, do dự, quyết tâm,…với thời lượng dài nhằng như một dụng ý nghệ thuật của đạo diễn. Cảnh quay Yumiko dắt con ra bắt tàu về nhà chồng, cảnh quay Yumiko bước theo đoàn đám tang, cảnh quay khi anh chồng đến đón nàng, nó thực sự rất chậm, nhưng nó đẹp đến nao lòng và buồn quặn thắt tim gan. Sự cô đơn của Yumiko, sự lạnh lẽo của mùa đông, sự bao la của biển cả và bầu trời, sự mất mát của cái chết, Maborosi thực sự như một áng văn chương thi vị, bay bổng giữa muộn phiền và sự nhỏ nhoi, giữa hoang mang của lòng người, giữa rối loạn lo âu chia ly. Một cái đẹp cả về hình thức lẫn nội dung, một bộ phim hàn lâm trên mọi phương diện, một phong cách điện ảnh nhất định phải được đem ra giật giải. Đây là tác phẩm vang danh đầu tiên của Kore-eda Hirokazu, mình có thể thấy một số nét đặc trưng trong cung cách điện ảnh miên man sầu của đạo diễn này. Nhưng cái tính hàn lâm nghệ thuật trong Maborosi đậm nét hơn hẳn những bộ phim sau này của ông, đặc biệt những góc quay đại cảnh dài, hùng vĩ, đầy tính biểu tượng và buồn vô biên kia chỉ có trong Maborosi. Cộng dồn thêm nhạc nền chậm rãi, có toan tính và có độ vĩ thanh với tâm trạng nhân vật, nó rất phi thường, đong đầy và tinh tế.

 

Sự thật là mình chưa bao giờ nghĩ là mình hợp để xem, huống hồ là viết về một phim như Maborosi, mình thiếu sự kiên nhẫn, kinh nghiệm sống và cả sự sâu sắc để thấu hiểu nó. Nhưng mình vẫn đồng hành với mọi sự lựa chọn của Yumiko trong suốt cái thong thả muôn trùng của chiều dài phim và sự bất tận trong nỗi buồn con người. Và trong khả năng có hạn của bản thân, mình cố gắng nắm bắt phần nào đó những sợi dây tình cảm đa chiều, trúc trắc và đan cài vào nhau của nhân vật. Tất cả bọn họ dẫu ở bên cạnh nhau, hạnh phúc đôi lúc thật giản dị, thật thà và chân thành đến mức sống cả đời chỉ cần như vậy thôi là đủ đầy, đôi lúc lại rất cô độc, rất tạm bợ, rất dửng dưng, người muốn bỏ thì chỉ trong khoảnh khắc là bỏ đi thật, người ở lại muốn buông bỏ mãi cả đời không xong. Mình có thể mãi không bao giờ hiểu được Maborosi như một áng nghệ thuật cầu kỳ, tinh luyện nhưng cái hình ảnh đẹp đẽ choáng ngợp của bao la của biển cả, của bay bổng luyến thương mình không thể giải thích được thành lời, của một sự đồng cảm không tên mình dành cho sự trống trải, buồn bã của tất cả các nhân vật, mình chắc không thể quên được.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về Good Will Hunting

Về Fargo

Về Donnie Darko (2001)