Về Still Walking (2008)

(Spoiler Alert)

Với kinh nghiệm xem phim hơn mười lăm năm (tính tới thời điểm hiện giờ), thượng vàng hạ cám đều từng ngó qua, mình nhận thấy không phải phim hàn lâm nào cũng kén khán giả, đôi khi lại rất dễ xem là đằng khác, tuy vậy có vô vàn phim hàn lâm khó xem bỏ xừ, không buồn ngủ thì gây shock, gớm ghiếc, khó hiểu, thông điệp tuy có thâm sâu khó lường nhưng quanh đi quẩn lại chỉ có vài chủ đề. Nào là thịnh suy đổi dời của bao nhiêu thời đại trong lịch sử, hay những bộ phim về số phận một con người phản ánh văn hóa, xung đột và lấp lánh bao nhiêu giá trị nhân sinh giữa bi kịch trần ai, những bộ phim sâu sắc với thông điệp về con người, đức tin, sắc tộc, môi trường, hy vọng, bạo lực, tâm lý xã hội giằng xé, những bộ phim về những hành trình vượt lên số phận và thay đổi bản thân, thay đổi cuộc sống và bao nhiêu đạo lý mà ngôn từ có hạn của mình không đủ để diễn tả. Và giữa bao nhiêu dòng phim đao to búa lớn kia vẫn có một thể loại phim như Still Walking, kể một câu chuyện kể cũng được, không kể cũng được, nhỏ nhưng không xinh, phức tạp cũng đúng, giản dị cũng không sai. Sự không bình thường nhưng lại bình thường của Still Walking khiến nó chiếm một vị trí đặc biệt và lạ lùng trong lịch sử môn nghệ thuật thứ 7. Ít nhất là trong cái vốn kiến thức nghèo nàn của mình nó đặc sắc như vậy.

Sóng ngầm

Câu chuyện trong Still Walking chỉ diễn ra trong hơn 1 ngày khi một gia đình tập trung lại nhân dịp ngày giỗ đứa con trai cả. Trong cái ngày hôm đó, không bí mật nào được phơi bày cho thiên hạ được biết, không một cuộc cãi vã nào được diễn ra, không một bi kịch nào mới xuất hiện, leo thang hay cởi bỏ, chỉ là một buổi họp mặt thông thường mà gia quyến nào cũng có, nhưng từ đó, chân dung mỗi nhân vật và mối quan hệ giữa họ cứ lần lượt được bóc tách, đan xen với những tầng lớp phức tạp như con người xưa nay vẫn thế. Tất cả được gói trong những thước phim bình dị, từ tốn nhưng đậm chất nghệ thuật. Một nét riêng trong phong cách phim của Hirokazu Kore-eda. 

Still Walking là bộ phim về đề tài tình thân gia đình đầu tiên mà mình xem không hề ấm áp, trọn vẹn hay “up-lifting” gì hết. Bộ phim không có nhân vật chính cũng như không ai là nhân vật chính diện hay phản diện, cũng không có kim chỉ nam đạo đức hay tia hy vọng vớ vẩn gì đó. Mỗi nhân vật là một thế giới riêng với tính cách, nỗi niềm và sự khó ở của riêng họ. Nhiều bộ phim được ca ngợi là xây dựng nhân vật gần gũi, dễ liên hệ, điều này đúng. Nhưng đối với Still Walking, các nhân vật “thật” quá. Trong mỗi nhân vật là có tốt, có xấu, có sự toan tính, ích kỷ, hẹp hòi lẫn sự đau khổ, mất mát và sự đáng thương trên cái cuộc đời đang sống, và nó khiến họ trở nên gần gũi đến ngưỡng khó chịu.

Đầu tiên, cụ ông bác sĩ – chủ gia đình. Với sự cao ngạo về nghề nghiệp cũng như quan điểm gia trưởng thủ cựu, dù đã về hưu, cụ cũng động tay động chân làm bất cứ việc gì giúp vợ con mà chỉ chăm chăm ở trong phòng làm việc để làm bộ làm tịch. Cụ không có cái sâu sắc, bao dung hay hóm hỉnh mà ta vẫn bắt gặp ở những nhân vật tóc bạc trong phim. Ông cụ đầy định kiến, nói toàn lời gây tổn thương, nhỏ mọn và dường như không quan tâm tới bất cứ ai ngoài bản thân. Nếu có, có lẽ đó là người con trai đầu đã mất, người nối nghiệp của cụ. Cái chết của người con bác sĩ khiến ông cụ mâu thuẫn với thằng con út, khi anh này từ chối theo nghiệp cha và chọn một sự nghiệp khác liên quan tới nghệ thuật để hoàn toàn không có dây mơ rễ má gì tới cụ, một hành động cụ cho là bất hiếu và vô ơn.

Một trong những bữa cơm tối khó ở 
nhất lịch sử điện ảnh

Cụ bà, xuất hiện ban đầu với hình tượng một người phụ nữ Nhật Bản điển hình. Tuy đã lớn tuổi, cụ bà vẫn lau dọn, nấu nướng, phục dịch liên tục từ đầu đến cuối phim mà không ca thán hay trách móc gì. Với việc cho chồng, con và các cháu ăn ngập mặt suốt ngày (như bao bà cụ khác mỗi khi có con cháu về chơi), bà cụ có vẻ khá lành tính. Nhưng ẩn dưới vẻ ngoài thân thiện đó, bà cụ ngầm không vừa ý với vợ người con trai út bởi cô này góa bụa, đã có con riêng trong khi con trai cụ là trai tân. Cụ cũng không thích việc con gái cụ “gạ” dọn tới ở cùng, chả biết vì cụ không “cưng” cô này như hai cậu con trai, hay do cụ không ưa anh con rể. Nhưng cũng giống như việc không ưa con dâu, bà cụ không hề nói ra ý kiến của mình và để chúng nuôi hy vọng và tiếp tục nịnh nọt cụ. Một phong cách “im im mà hiểm”.

Sống dưới cái bóng của anh trai kể cả khi anh qua đời, không quá khó hiểu để anh con út không thích về nhà gặp cha mẹ. Ông bố luôn đổ lỗi là vì anh không theo nghề bác sĩ nên cái phòng khám tại gia mà cụ cả đời phấn đấu mới có phải dẹp tiệm, nhường thị trường cho cái bệnh viện mới xây gần đây. Bà mẹ thì cứ dấm dúi muốn anh chuyển về và phụng dưỡng hai cụ, điều mà chỉ nghe tới là đã thấy nản. Trong khi đó, anh vừa mất việc nhưng không dám nói với cha mẹ (ngu sao nói cho ông bố hả hê), đồng thời loay hoay giữa mối bất hòa ngầm giữa mẹ chồng – nàng dâu cũng như việc thằng con riêng của vợ không chịu kết thân với anh.

Họ đi....

Những nhân vật nhỏ khác, xuất hiện đầy đủ hay thoáng chốc, đều có vị trí của riêng mình. Từ đứa con gái duy nhất của hai ông bà cụ, người bên ngoài luôn vui vẻ, dễ chịu giúp đỡ mẹ luôn tay nhưng thực chất là đang dỗ ngọt bà cụ cho mình chuyển về sống cùng. Cô muốn ở gần cha mẹ già yếu cũng có, hoặc muốn giảm bớt cơm áo gạo tiền cho gia đình riêng của mình cũng có. Chồng cô là một phiên bản khác hẳn ông bố, khi anh này xuề xòa, thân thiện, dễ tính và chơi đùa với con cái, nhưng đúng là chỉ biết hứa suông nhưng không biết làm. Người con dâu mới của bà cụ tuy có thiện chí kết thân với nhà chồng nhưng cũng vẫn nhận ra khoảng cách không thể lấp đầy của hai bên cũng như bản thân cô cũng để bụng và ấm ức phía nhà chồng. Cô và đứa con trai vẫn giữ kỷ niệm về người chồng – người cha đã mất của họ, một điều tất yếu, đặc biệt là cậu bé, người vẫn đang chật vật giữa bước đệm của quá khứ và mở lòng đón nhận điều mới trong cuộc sống hiện tại.

Như mình đã nói, các nhân vật không nhàm chán hay có thể định hình họ vào một khuôn mẫu chung của xấu và tốt. Khi đi theo chiều dài bộ phim, mình lại nhìn thấy một góc khác (cũng rất đời) trong tâm tư nhân vật. Chẳng hạn như khi cụ ông nhìn một “bệnh nhân” trung thành của mình chuyển tới bệnh viện mới xây – nơi khiến phòng khám nhà ông đóng cửa, có cái gì đó hơi chạnh lòng. Ông cụ vẫn là bác sĩ, vẫn đặt an nguy của bệnh nhân lên trên sự sĩ diện của mình, nhưng trong cái khoảnh khắc đó, ông cụ - người từng là một bác sĩ có hẳn một phòng khám riêng - trở nên nhỏ bé, bất lực và hơi hơi tội nghiệp. Sự ý thức về giới hạn của bản thân cũng như sự tự tôn về nghề nghiệp khiến khán giả cảm thông hơn cho tính cách khắc nghiệt của nhân vật. Nhìn lại cả cuộc đời cống hiến và xây dựng nên thành tựu, để rồi lúc cuối đời không ai tiếp bước, nghĩ lại ông cụ cũng có chỗ đáng thương.

Nhân vật bà cụ còn thâm sâu khó lường hơn nữa. Điểm chung của hai vợ chồng lão thành có lẽ là họ thương thằng con đầu nhất. Cái chết của anh này là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự rạn vỡ của một gia đình vốn đã chẳng gần gũi gì. Trong khi cụ ông nhìn nhận người con trai cả như một người kế nghiệp của cụ, cụ bà thương anh như tình cảm của biết bao bà mẹ khác dành cho con mình. Và nỗi đau mất con chuyển sang giận dữ, ghim thù vào một người khác, một cách khiến nó phần nào dịu bớt. Người con trai cả của hai cụ mất vì cứu một đứa trẻ không quen biết khỏi chết đuối. Niềm hy vọng vàng của hai ông bà đổi mạng với đứa trẻ - nay đã lớn lên thành một thanh niên béo ị, thất nghiệp, vô dụng và hoàn toàn chả có định hướng gì cả. Cuộc đời đôi khi bất công vậy á. Người chết có một sự nghiệp tươi sáng, một gia đình nhỏ cần chăm lo, vậy mà ra đi không kịp trăng trối, cái giá phải trả thì dường như “không đáng”, ít nhất là trong mắt cụ bà nó không đáng. Vẫn với sự bình thản không chê bai, năm nào cụ cũng mời thanh niên thất nghiệp về đám giỗ con cụ, để nhắc cho nó biết “tội lỗi” nó gây ra, để nó hối hận, cắn rứt và đau khổ. Bởi trong mắt cụ bà, cậu ta cướp mất con trai cụ.

Mỗi nhân vật sống trong nỗi băn khoăn
của riêng họ

Có cái gì đó rất thường tình trong suy nghĩ và hành động của cụ bà, dẫu cho nghe qua thì cụ nhẫn tâm và xấu xa lắm chứ giỡn. Anh con trai chọn lựa hy sinh bản thân để cứu người và bản thân người được cứu là vô tội. Mình chắc cụ bà hiểu điều này hơn ai hết nhưng không đủ cao thượng để chấp nhận và bước tiếp. Chi tiết bà lão buồn bã khi nhận ra con bướm vàng bay lạc vào nhà mình không phải là “hồn ma” thằng con cả hiện về thăm bà, nó nói lên bà cụ chưa thể nguôi ngoai nỗi đau mất con và cả đời này có lẽ cụ sẽ không bao giờ hết than khóc. Cậu thanh niên kia có lẽ chỉ là nơi để bà cụ trách phạt cuộc đời cho hả giận. Những người già trong phim sống trong quá khứ và không thể bước tiếp. Cụ ông không thể quên mình từng là một bác sĩ được trọng vọng nên giờ về hưu vẫn phải giữ “giá”. Cụ bà vẫn không thể nào quên nỗi đau mất con cũng như nỗi đau bị chồng cắm sừng. Toàn những cái họ ngậm miệng làm thinh để giữ lại trong lòng nhưng lâu lâu lôi ra nói để tổn thương nhau. Cuộc sống của họ vẫn tiếp tục nhưng tình cảm, tâm trí đều đã dừng lại từ lâu rồi.

Still Walking đơn giản là câu chuyện của một gia đình không hạnh phúc. Kể cả khi họ ngồi lại với nhau ăn một bữa cơm đoàn tụ và cười nói vui vẻ, mình vẫn cảm thấy sự xa cách, ngột ngạt, sợi dây tình thân cứ lỏng lẻo và mờ nhạt dần theo khúc mắc, định kiến không thể hòa giải, hay chỉ đơn giản là sự ích kỷ, tự ti cá nhân. Chả ai hiểu lầm ai cả, họ vẫn là một gia đình với máu mủ ruột thịt và vẫn cư xử với nhau đàng hoàng, chỉ là cái gia đình của họ đã không còn gắn bó với nhau nữa, và có lẽ họ đã không còn gắn bó từ trước khi người con trai lớn mất. Nghe nghiêm trọng vậy chứ bề ngoài họ thường tình lắm, chỉ là một gia đình lâu ngày gặp lại nhau mà không có vui thôi. Kể cả trong cảnh gần cuối, cả nhà đi ngắm biển trước khi gia đình người con út lên xe đi, nó vẫn có cái gì đó “sai sai”, dẫu các nhân vật dường như cố gắng gia cố cho cái sợi dây tình thân ấy. Dẫu hai ông bà cụ khắc nghiệt và đầy thiếu sót, mình vẫn không thể không chạnh lòng khi con cái lần lượt rời đi và hai ông bà chỉ còn lại một mình, đặc biệt khi anh con trai và cô vợ thống nhất chỉ về thăm cha mẹ vào dịp lễ cho có lệ thôi. Rồi với giọng điệu bình thản, anh con trai kể về cái chết của cặp vợ chồng già vài năm sau đó, cùng những lời hứa (lèo) anh nói với cha mẹ nhưng đã mãi mãi chẳng thể thực hiện. Trong những phim khác, đặc biệt là phim về chủ đề gia đình, các nhân vật ít nhất sẽ hóa giải hiểu lầm hoặc “ba mặt một lời” để giãi bày, tâm sự nỗi lòng của bản thân. Những nhân vật của Still Walking, dù chấm dứt và bước tiếp số phận của họ, vẫn còn nguyên những khúc mắc, những điều không vừa lòng, những điều dang dở, họ ôm trọn nỗi đau, sự ích kỷ và sứt mẻ trong tính cách và tâm hồn của mình, họ thay đổi nhưng dường như không thay đổi. Mọi thứ cứ dang dở, bởi vì phim là “still walking”, bởi cuộc sống không ai biết được đích đến.

...và tiếp tục bước đi

Nếu có chút tia sáng cuối đường hầm, đó là cảnh cuối phim. Cái gia đình vá víu tạm bợ ở đầu phim của anh con trai thực sự “sống sót” theo thời gian. Con trai riêng của anh đã lớn hơn, anh có một đứa con chung với vợ, gia đình khấm khá để có ô tô mà đi và không cần nhà của hai ông bà cụ để sống. Họ bước trên con dốc nơi chôn cất anh trai và nay là nơi chôn cất cha mẹ, họ thực hiện những “nghi lễ” trước mộ cha mẹ giống y như ngày xưa bà mẹ dẫn vợ chồng anh đi thăm mộ anh trai. Đối với mình, đó là sự tiếp nối thể hiện tình cảm của anh đối với cha mẹ, của thế hệ, của gia đình. Biết đâu đấy, nó mới chính là cái “still walking” mà bộ phim nói đến. Khi gia đình anh bỏ lại những rào cản, trăn trở và bước tiếp, sống tiếp, nó dường như là một cái gì đó sáng sủa, thoáng mát hơn cho một bộ phim ngột ngạt. Nhạc nền vang lên với thành phố xinh đẹp ở dưới, mình chợt buồn bã lạ lùng. Thật đấy, tiếng guitar được đặt trong bối cảnh phim, nó gây ấn tượng sâu sắc, một điều hiếm khi xảy ra đối với một người mù nhạc như mình. Có thể do chính câu chuyện phim còn day dứt, mình cảm thấy sự bâng khuâng, luyến tiếc, nửa buồn bã chơi vơi nghĩ về quá khứ, về chính cha mẹ của mình, về bản thân, về một cuộc sống mình không thuộc về. Một kiểu trầm cảm lãng mạn, mình nghĩ thế.

Bộ phim không hề có chi tiết nào đáng kể trong cốt truyện, mỗi chi tiết, mỗi lời nói, mỗi hành động nhỏ/ bình thường/ đơn giản của họ phản ánh một góc tính cách, tâm sự, câu chuyện của họ và đạo diễn, biên kịch đã tinh tế thể hiện nó trên những thước phim, khiến nó trở nên “điện ảnh”. Bởi thực sự là mọi thứ trong Still Walking đều rất đỗi bình thường, thậm chí nếu mình được mời tới bữa cơm của họ, mình sẽ chẳng có thứ gì để tám lại cả, bởi chẳng có gì đáng để tám. Sự bình thường trong câu chuyện, trong nhân vật, trong sự không hoàn hảo của mọi thứ trong phim, nó thật thà, nhức nhối và “thân thương” đến mức đáng xấu hổ. Khán giả có thể liên hệ, cảm thông và nhìn thấy chính mình hoặc những người mình quen biết trong những trăn trở, sự ích kỷ, đa đoan và phiền nhiễu của mỗi nhân vật. Cái xuất sắc của biên kịch là chọn phô bày sự phức tạp, đa chiều của một câu chuyện thường tình và trân trọng đặt sự hay – dở của những con người bình thường ấy lên, không phán xét, không ca ngợi, không chê trách, không thuyết giảng về bất cứ đạo lý nào. Họ chỉ kể, và mình đi theo câu chuyện ấy, không thể phán xét, không thể ca ngợi, không thể chê trách, bởi những nhân vật kia bước ra ngoài thước phim điện ảnh, họ chỉ là những con người như mình, với lầm lỗi, sự cố chấp, cao ngạo và biết bao nhiêu ngờ vực và lo sợ.

Kore-eda vẫn là Kore-eda

Trước đây mình có xem một phim tương tự Still Walking của Hirokazu Kore-eda là After the Storm (2016). Có khá nhiều điểm tương đồng về cách xây dựng kịch bản và nhân vật, chứ không chỉ là diễn viên giữa After the StormStill Walking giống nhau. Bản thân mình thấy After the Storm không có cái cô đọng cần thiết và sự tinh tế của Still Walking, hoặc nó không khiến mình đủ khó chịu và bứt rứt để viết về nó. Có thể Kore-eda thích lặp lại chính mình, hoặc đó chỉ là phong cách của ổng mà mình quá dỏm để chuyển hóa thành ngôn ngữ, mình chỉ “ngờ ngợ” ra nó. Still Walking là một trong những phim tạo ra vị thế vững chãi Hirokazu Kore-eda, dĩ nhiên phim có đầy đủ tinh hoa trong phong cách của vị đạo diễn, đồng thời nó đưa mình tới một thể loại phim hàn lâm khác biệt. Không phải là mình chưa từng xem qua phim dạng đó, chỉ là đến tận khi mình xem Still Walking, mình mới thực sự chú ý và đánh giá đúng mực hơn về những bộ phim như vậy. Nó thực sự rất khó làm. Nó dễ chán, dễ gây mất hứng, dễ sến, dễ giáo điều, dễ gây khó chịu. Nhạt một tí là hỏng nồi nước lèo, đậm một tí thì kịch tính không cần thiết. Câu chuyện thì giản đơn mà làm phim thì cầu kì hết nấc. Đó chính là tài năng để biết đúng và đủ. Still Walking không phải chỉ là một thước phim mượt mà, sặc mùi giải thưởng điện ảnh của cái tone màu pastel trung tính, chậm rãi, không hối hả, một kiểu buồn lãng đãng không thể chỉ mặt đặt tên, nó vẫn rất “xám”, vẫn rất gai góc, vẫn rất trần trụi trong cái cách mỗi nhân vật sống và chọn lựa làm điều họ đang làm. Mình đã thực lòng ngạc nhiên khi một câu chuyện không có mở nút thắt nút như vậy lại có thể khiến mình nhớ nhung và buồn không tên suốt mấy ngày sau đó. Nó thậm chí không phải là kết buồn hay kết mở, tuy nó đột ngột nhưng nó là một cái kết hợp lý. Tại sao mình lại buồn? Nhân vật họ có buồn đâu?

Nói thêm, may mắn cho Kore-eda là nước Nhật đẹp sẵn nên chỉ những cảnh quay dung dị kia nó mới bật ra cái lãng mạn đời thường, còn không thì chó kêu mèo chạy, nồi đồng cối đá, dù có xài filter nào cũng chẳng có sang, lấy đâu mà buồn với day dứt. 

Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về My Fair Lady (1964)

Về Good Will Hunting

Về Fargo