Về Kamome Diner (2006)

(Mình tự hỏi mấy cái Spoiler Alert này có hiệu quả không?)

Trong báo cáo Hạnh phúc thế giới được công bố ngày 18/3/2022, Phần Lan là nước hạnh phúc nhất thế giới. Họ đã giữ vị trí này 5 năm liên tiếp. Nếu báo cáo này mà được thực hiện vào năm 2006, năm mà Kamome Diner ra đời, có lẽ Phần Lan cũng sẽ nằm trong top 5, hoặc ít nhất không thể lọt ra ngoài top 10 danh sách. Trong mắt thiên hạ, Phần Lan đã luôn là một nước thanh cảnh, dễ chịu như thế.

Điểm tựa của phim

Trong một thế giới lý tưởng và hoàn toàn phi thực tế, Kamome Diner kể về một quán ăn Nhật Bản ở Helsinki – thủ đô Phần Lan. Sachie, chủ quán, là một người phụ nữ Nhật Bản còn trẻ nhưng thành thạo tiếng bản địa và có đủ vốn để trang trải cho quán ăn không khách trong suốt một tháng mà không hề có dấu hiệu lo lắng hay hoảng loạn. Mình đoán Sachie không vay vốn làm ăn nên không sợ bị ngân hàng hay xã hội đen xiết nợ, cô vẫn thoải mái sống tại một căn nhà riêng, lúc ế khách thì đóng cửa đi nhà sách, đi hồ bơi như thiệt. Hằng sáng Sachie xách làn đi chợ để mua nguyên vật liệu cho tiệm ăn của cô, điều mà mình tưởng không nhà hàng nào làm nhưng Sachie làm, như thể cô không cần lời lãi cho cái tiệm ăn của mình tồn tại. Với phương châm “hữu xạ tự nhiên hương” và tin tưởng vào sự khác biệt của cái diner mình làm so với mấy cửa tiệm Nhật chỉ bán sushi và ramen khác, Sachie không quảng cáo, không marketing, không tuyệt vọng tìm mọi cách để đưa cái tên Kamome Diner ra thị trường ẩm thực. Đối với cô, lý tưởng và đạo đức sáng ngời là trên hết, cùng lắm sập tiệm thì thôi. Cô không đời nào bán rẻ linh hồn mình để đăng một bài giới thiệu trên báo hết, bởi cái Diner của cô là nơi cho người bụng đói tạt vào làm chỗ dựa, chứ không phải tụ điểm du lịch người ta tìm đến vì tò mò.  Trong phim, cái phong thái anh hùng kiên định và thong thả an nhiên ấy của Sachie thực sự tạo ra sự khác biệt, nó hoàn hảo và xa rời thực tế, đẹp đẽ và khác biệt. 


Vì vững vàng trong sóng gió, cái mỏ neo Sachie dần thu hút những con tàu không phương hướng dần trôi dạt tới cái tiệm ăn ế teo của cô: nam thanh niên wibu Tommi; Midori, một người phụ nữ Nhật Bản vô tình quen thân với Sachie vì thuộc lời bài hát mở đầu một anime nào đó; bà cô Masako kẹt lại Helsinki vì thất lạc hành lý. Trên đoạn đường bay bay, họ đồng hành với người phụ nữ bản xứ Liisa khi bà này đang trong giai đoạn tồi tàn nhất trong cuộc đời mình cho đến khi tự vực dậy và học cách yêu thương bản thân hơn. Cách mỗi nhân vật tới và gắn bó với Kamome Diner tuy có bản chất là đều mấy con hải âu lạc nhịp được Sachie lụm về, nhưng phương thức lụm về có khác nhau, tạo nên sự đa dạng và thú vị cho câu chuyện, chứ một màu quá phim dở chết.

Đối với Tommi, việc là wibu khiến cậu trai nhanh chóng bị thu hút bởi một góc văn hóa Nhật Bản mà bấy lâu cậu say mê và mong muốn được tiếp cận. Bước chân vào Kamome Diner có thể là một quyết định trong thoáng chốc, nhưng cậu chọn ở lại, đánh bạn và làm thân với ba người phụ nữ Nhật Bản ở đó dĩ nhiên là bởi cậu thích không khí nơi này. Không thức ăn đồ uống miễn phí nào có thể khiến bất cứ ai quay trở lại một nơi họ không thoải mái, huống hồ là nói chuyện, giúp đỡ và gắn bó với nơi đó. Tommi là khách hàng đầu tiên của tiệm và luôn luôn quay trở lại. Như một lẽ thường tình, cậu trở thành một phần không thể thiếu của Kamome Diner. Biết đâu đấy, trong một khoảnh khắc vớ vẩn không ai để ý nào đó, cậu có lẽ đã trở thành “em nuôi” của ba người phụ nữ ở quán luôn. Có lẽ đúng như Midori nhận xét, cậu trai chả có bạn bè gì sất nhưng Tommi luôn xuất hiện với vẻ mặt phởn phơ, đầy hy vọng, một cái gì đó khác biệt, mới mẻ cho cái tiệm ăn của Sachie, đặc biệt là trong những ngày đầu ế ẩm. Đến cuối phim, khi Sachie công thành danh toại và đạt được điều cô mong mỏi là một quán ăn đầy ụ khách hàng, mình vẫn đưa mắt để tìm kiếm Tommi trong góc quán như nhớ về khoảng thời gian yên tĩnh ghê người chỉ có cậu, Midori và Sachie thách thức mọi lý thuyết kinh tế để tiếp tục.

Midori và Masako là hai phụ nữ độc thân (giống Sachi), không nghề nghiệp trong thời điểm hiện tại, không còn vướng bận về quá khứ cũng như không định hướng về tương lai. Họ du lịch (không phải đi phượt) tới Phần Lan trong một quyết định ngẫu hứng, không kế hoạch, không mục tiêu. Và vì sống trong thế giới lý tưởng của phim, đạo diễn cho họ một ngân sách hoành tráng và một quỹ thời gian không giới hạn, nên họ có thể đi du lịch mà không cần biết ngày về. Sự khác biệt đến từ việc Midori đã luôn muốn gắn bó với Kamome Diner ngay từ khi cô gặp được Sachie và biết đến tiệm, còn Masako phải mất một khoảng thời gian bị thất lạc hành lý, một khu rừng châu Âu bí ẩn và lãng mạn, một con mèo bị dí nuôi và những cái nấm mất tích đột nhiên xuất hiện có thể khiến cô quyết chiến quyết thắng ở lại xứ này. Có lẽ chỉ trong Kamome Diner, chỉ có Sachie mới dám tuyển dụng hai nhân công không rõ lai lịch, nguồn gốc, xuất xứ như vậy vô cửa tiệm mình. Họ chỉ cần thuộc một bài hát, kể một câu chuyện, họ rõ là người tốt, họ sẽ được ở lại. Thì biết sao giờ, ngôi sao đạo đức Sachie đương nhiên là người tốt, mà người tốt thì sẽ gặp được điều tốt.

Những thành phần nòng cốt của Kamome Diner

Mình nghĩ cái đặc sắc nhất của Kamome Diner là chọn Phần Lan làm bối cảnh phim. Phần Lan là một đất nước yên bình, phát triển ở một lục địa yên bình, phát triển. Nó không hề nổi tiếng vì phong cảnh nên thơ, lịch sử thú vị hay nền ẩm thực phong phú, và cho dù cũng đẹp đẽ và ngon lành như ai, Phần Lan cứ nhàn nhạt kiểu gì, không ai chọn Phần Lan là điểm đến duy nhất trong chuyến hành trình của mình khi họ có cơ hội đặt chân tới châu Âu cả. Vậy nên khi ba người phụ nữ Nhật Bản chọn Phần Lan làm điểm đến tiếp theo trong cái sự hoang mang và vô định về tương lai của họ, mình cảm thấy nó rất thú vị. Sachie chọn Phần Lan vì nền ẩm thực ở đây không có gì nổi bật, Midori nhắm mắt chỉ tay đại trên bản đồ và trúng Phần Lan nên tới đây du lịch hay Masako xem một cuộc thi đánh guitar giả trên tivi nên nổi cơn tò mò về những người Phần Lan hạnh phúc và vô tư đó. Nhưng cả ba người phụ nữ đều mặc định Phần Lan như một điều gì đó rất tích cực, rất sáng sủa cho thế giới của họ. Sachie nghĩ mình sẽ làm ăn ra trò ở xứ này để rồi đối diện với hơn một tháng không một mống khách và hai trăm ngón tay chỉ trỏ. Midori và Masako mong mỏi tới một vùng đất yên bình, tươi sáng để đổi gió nhưng họ vẫn lạc lối, hoang mang và cô đơn y như khi họ ở nhà. Phần Lan vẫn có mọi thứ họ trông đợi đấy chứ, nhưng nếu tâm không tịnh thì có ở chùa cũng vẫn sóng gió như thường. Giữa một Helsinki xa xôi, xinh đẹp và một khoảng không nhìn ra biển thâm trầm, trống trơn và cô độc, cả Midori và Masako tìm thấy Kamome Diner. Sự tồn tại của Kamome Diner và sự bình tĩnh, tốt bụng của Sachie giữ cho hai người phụ nữ ấy có một chỗ để thuộc về, để bắt đầu, để bớt lạc lối, hoang mang.

Liisa xuất hiện lần đầu, lần hai, lần ba như một nhân vật phản diện. Sự tồn tại của Liisa mới thực sự làm nên chiều sâu cho Kamome Diner. Ở một đất nước mà ai cũng tưởng người dân ai cũng hạnh phúc, ai cũng vô lo, ai cũng tự do tự tại, hóa ra người bất hạnh ở đâu cũng có. Và khi người ta bất hạnh, chả ai còn đủ sức làm người tốt nữa. Nó tạo cho chính đất nước Phần Lan một cái gì đó thực tại hơn, gần gũi hơn chứ không phải là một thực thể xinh tươi lý tưởng mà ba người phụ nữ chờ đợi. Nó đa chiều hơn hẳn cậu trai Tommi sáng sủa trẻ trung bị đạo diễn bỏ lơ không khai thác tâm lý, nó màu sắc hơn ba bà thím suốt ngày chỉ trỏ vô tiệm ăn của Sachie mà chê bai, đoán bậy đố bạ, nó đỡ kỳ cục và gượng gạo hơn ông chú dô duyên đã dạy Sachie cách pha café mê tín kiểu bản xứ. Phần Lan, Nhật Bản hay bất cứ đâu cũng có một bà cô sồn sồn bị chồng bỏ, cũng uống tới bét nhè rồi gầm gừ đòi trả thù, đòi nguyền chết đứa này đứa nọ. Ở đâu người ta cũng cần một cánh tay giúp đỡ, một sự quan tâm chân thành, một chỗ dựa về tinh thần, dẫu chỗ dựa ấy đến từ ba người phụ nữ Nhật Bản lạ hoắc và một câu trai gầy nhom. Mình chẳng biết nữa, có lẽ sự đau khổ là thứ dễ đồng cảm nhất giữa người với người. Cái sự đau khổ của Liisa dẫu có cơ bản và cũ rích, nó vẫn tạo ra sự gần gũi và khiến bộ phim khác biệt hơn cái tông màu hiền lành phi lý và mơ màng suốt từ đầu phim. Phần Lan, dẫu có là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, nó cũng chẳng hoàn hảo, cũng chẳng lung linh như người ta vẫn mặc định cho nó như thế.

Hành trình nữ quyền chưa đạt của phim

Mình không thực sự thích cái kết mỹ mãn của Kamome Diner, khi Liisa đã có thể tiếp tục cuộc sống của mình mà không cần tên chồng vô dụng, phim cho ông ta trở về và bà mở rộng vòng tay để đón nhận lại ông ta với niềm hạnh phúc vô biên, nó giống như đạp đổ cả quá trình phát triển tâm lý của nhân vật. Cuối phim, tiệm Kamome Diner kín khách y như nguyện ước của Sachie chỉ đơn giản như một cách khiến câu chuyện tròn vẹn và ấm áp hơn, phù hợp với không khí của một bộ phim hài nhẹ nhàng truyền cảm hứng. Dẫu vậy từ đầu đến cuối mình không thấy Sachie và bộ sậu thực sự cực khổ hay trải qua khó khăn thử thách gì ghê gớm, cũng không hề có bước chuyển mình hay hy sinh bất cứ thứ gì để đạt được thành công. Bộ phim không có cái motif quá trình nỗ lực – vượt chướng ngại vật - thành công thường có để tạo ra sự thỏa mãn khi nhân vật chính đạt được mơ ước, thảnh thử mình chẳng có cảm xúc gì nhiều để chia vui cho mấy bà chị cả.

 

Trong vòng 2 năm, nữ đạo diễn Ogigami Naoko cho ra đời 2 phim là Kamome Diner (2006) và Megane (2007) với chủ đề và dàn diễn viên na ná nhau. Trung tâm câu chuyện luôn có một người làm đầu tàu tinh thần, trong Kamome Diner là Sachie và trong Megane là Sakura. Những nhân vật chính trong phim đều mang trong họ sự bâng khuâng, lay lắt trên con đường tìm kiếm điều mình muốn, thứ mình cần. Dù không trải qua một bi kịch khủng khiếp hay một bất hạnh tang thương nào nghiêm trọng đến mức họ suy sụp hay nghĩ tào lao, nhưng mình vẫn cảm thấy họ rất cô độc, thiếu thốn trong một sự khủng hoảng về động lực tồn tại. Thực sự hai bộ phim rất tương đồng về phong cách, nội dung và cả trong cái điệu bộ rất thiếu tự nhiên trong cách các nhân vật giao tiếp và nói chuyện, nhưng chính những điểm kỳ cục, sượng trân và thiếu hoàn thiện ấy tạo cho bộ phim một nét rất khác lạ so với những phim Nhật khác mình từng xem. Đặc biệt Kamome Diner là sự kết hợp giữa diễn xuất quá chân thực và gần gũi với vô vàn biểu cảm thậm xưng rất nghiệp dư và một vài biểu cảm gồng gánh chỉ thấy trên sân khấu kịch. Điều kì lạ là dẫu nó có hơi lố nhưng không hề vô duyên.

một chỗ ăn no khi lỡ độ đường

Thậm chí đến cả cái không gian ẩm thực duy mỹ trong phim cũng giống nhau, điều buồn cười là ở trong Megane lại đậm đà và ấn tượng hơn hẳn trong Kamome Diner. Trong khi Megane hướng tới ẩm thực tự nhiên nói chung, Kamome Diner đặt ẩm thực thường thức Nhật Bản riêng rẽ khi nó được đặt trong bối cảnh một quốc gia khác. Nhưng như câu nói chót lưỡi đầu môi của mọi thí sinh Masterchef, “ẩm thực giúp kết nối mọi người”, những món ăn ấm bụng và ngon lành trong Kamome DinerMegane thực sự là thứ kết nối các nhân vật với nhau và khiến họ gần gũi nhau hơn. Tommi uống café ăn bánh mì quế cuộn, Sachie mời Midori một bữa cơm Nhật truyền thống giữa Helsinki xa lạ, món cơm nắm cho Masako, cho Liisa và cho ông chú ăn trộm, nó không chỉ ngon miệng và no lòng, nó còn là một cử chỉ thân ái giản dị nhưng cần thiết, để khiến những con hải âu mỏi cánh và lạc nhịp ấy được nghỉ ngơi, căng bụng và có chỗ để đậu, dẫu chỉ trong chốc lát.


Bản thân mình thấy câu chuyện và thông điệp của Kamome Diner rõ ràng và ít đánh đố hơn trong Megane, hoặc cũng có thể mình thích Bagdad Café (1987) nên thích luôn cả Kamome Diner, hoặc mình đang vẽ mây vẽ hổ cho một bộ phim giải trí nhẹ nhàng đơn thuần. Nhưng Kamome Diner và một số phim khác của Ogigami Naoko mình từng xem, nó luôn có một nét gì đó rất thú vị và khác biệt. Cốt truyện, các nhân vật đều mang trong mình cả sự gần gũi và siêu thực, lãng mạn và khắc nghiệt, bay bổng phi lý và sát rạt thực tế, lan man và tinh xảo, trộn chung lại chứ không xay nhuyễn và chẳng cân bằng tẹo nào. Dẫu có hơi trầm cảm nhưng khi đến đích vẫn là cảm giác nhẹ nhõm, tươi sáng, cứ như mình vô tình dậy thật sớm vào một sáng thứ hai vậy.

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Về Good Will Hunting

Về Fargo

Về Donnie Darko (2001)